Họa vô đơn chí, Bắc miền Trung lại có lũ lụt lớn
Báo chí Việt Nam cho biết, mưa lớn kéo dài từ sáng ngày 30 tháng 10 sang ngày 31 tháng 10 đã tạo ra lũ lớn ở Hà Tĩnh. Mực nước tại các con sông ở Hà Tĩnh đều lên rất nhanh và rất cao.
Chẳng hạn mực nước sông Ngàn Sâu đoạn chảy qua Chu Lễ, thuộc xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, đã xấp xỉ 11 mét vào ngày 31 tháng 10. Lũ lớn khiến thủy điện Hố Hô rơi vào tình trạng nguy hiểm nên để tránh bị vỡ đập chắn nước, nhà máy thủy điện Hố Hô tiếp tục xả nước khiến ngập lụt trở thành nghiêm trọng hơn nữa.
Tính đến chiều 31 tháng 10, Hà Tĩnh đã có huyện Hương Khê chìm trong nước. Do tất cả các tỉnh lộ, hương lộ đều đã bị ngập nên toàn bộ trường học ở huyện Hương Khê đã tạm đóng cửa. Các xã Phương Ðiền, Phương Mỹ, Hà Linh, Hương Ðô của huyện Hương Khê đã bị cô lập giữa biển nước, dân chúng phải dùng thuyền để đi lại. Thị xã Kỳ Anh cũng bị ngập nặng nhưng đến cuối ngày 31 tháng 10 thì nước rút, tuy nhiên dân chúng chưa thể di chuyển như bình thường vì đường sá ngập bùn.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Quảng Bình sẽ là tỉnh bị thiệt hại nghiêm trọng nhất trong đợt lũ lụt mới. Bí thư huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, cấp báo là nước sông Gianh tại đoạn chạy qua huyện này không chỉ tràn bờ mà còn gây ngập lụt gần như toàn huyện. Có nơi như thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa đã chìm dưới 3 mét nước. Quốc lộ 12 đoạn chạy qua huyện Tuyên Hóa hiện đã chìm dưới nửa mét nước. Mực nước ở khu vực hạ du sông Gianh, đoạn chạy qua huyện Quảng Trạch cũng đang dâng lên rất nhanh. Nước đã tràn vào các khu dân cư.
Bởi Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng-Thủy văn Việt Nam cho biết, trời sẽ còn tiếp tục mưa nên ngoài lũ lớn, lụt nặng, các huyện Hương Khê, Ðức Thọ ở tỉnh Hà Tĩnh và các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa ở tỉnh Quảng Bình phải đề phòng cả lũ quét, sạt lở đất. Bộ phận điều hành các hồ chứa nước cho thủy lợi, thủy điện cũng được khuyến cáo phải gia tăng kiểm tra, tránh tình trạng vỡ hồ, vỡ đập.
Trong bối cảnh như vừa kể, sau cuộc họp bất thường với các cơ quan hữu trách, ông Nguyễn Hữu Hoài, chủ tịch tỉnh Quảng Bình, nhận định, khả năng các khu dân cư bị cô lập rất cao, cũng vì vậy, các gia đình cần dự trữ thực phẩm, nước uống trong bảy ngày. Hàng hóa, thực phẩm vừa được cứu trợ nên được chuyển đến cất trữ tại những nơi cao ráo để không ai bị rơi vào tình trạng đói khát sau khi nước rút. (G.Ð)
http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/hoa-vo-don-chi-phia-bac-mien-trung-lai-co-lu-lut-lon/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten