zaterdag 19 november 2016

Cuộc chiến chống ma túy ở Philippines, đâu là sự thật?

Cuộc chiến chống ma túy ở Philippines, đâu là sự thật?

mediaCảnh sát quốc gia Philippines và một số tang chứng của chiến dịch bài trừ ma túy, Manila, ngày 04/11/2016.REUTERS/Ezra Acayan
Bốn tháng rưỡi đã trôi qua kể từ khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền và tiến hành chiến dịch chống ma túy. Người dân Philippines đều ủng hộ cuộc chiến này nhưng lại bị chia rẽ về biện pháp tiến hành.
Thông tín viên của tờ La Croix tại Manilla là Aaron Favila cho biết : Nếu như ở châu Âu, tổng thống Duterte thường bị coi là kẻ mị dân và một kẻ sát nhân, thì ở ngay chính đất nước Philippines, ông Duterte lại được dân chúng hết mực ca tụng. Nếu tin vào kết quả các cuộc thăm dò ý kiến của hai viện nghiên cứu lớn nhất Philippines, thì đa phần dân chúng đánh giá tổng thống của họ thực tâm mong muốn chấm dứt nạn buôn bán ma túy. Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn, phóng viên Aaron Favila thấy rằng phần lớn người dân phản ứng tiêu cực về các vụ giết những kẻ buôn bán ma túy.
Sau bốn tháng rưỡi, cuộc chiến chống ma túy vẫn chưa chấm dứt cho dù gần 4.000 người đã bị giết. Trong số đó, chỉ có 1.881 người bị tiêu diệt trong các chiến dịch chính thức của cảnh sát. Những người còn lại bị giết hại một cách phi pháp. Trong khi đó, phát ngôn viên cảnh sát, ông Dionardo Carlos ngày hôm qua cho biết có « 2.537 cái chết đang được tìm hiểu ». Trước đây, những nạn nhân kiểu này được xếp trong hồ sơ « những vụ giết người ngoài vòng pháp luật ». Theo La Croix, thay đổi cách nói là cách để gây nhầm lẫn về số liệu.
Để lý giải cho chính sách của mình, tổng thống Duterte tuyên bố có tới 4 triệu người nghiện ma túy ở đất nước này. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên trách về tệ nạn ma túy, chỉ có 860.000 người thường xuyên sử dụng ma túy, tương đương với 1% dân số Philippines. Và cũng không có số liệu chính thức nào về con số chính xác những người đã ngừng sử dụng ma túy từ khi chính phủ thông báo tiến hành chiến dịch. Cơ quan chuyên trách về tệ nạn ma túy chỉ biết là có 700.000 người nghiện ma túy đã ra trình báo cảnh sát.
Trong số này, bao nhiêu người đã được chữa trị để cai nghiện ? Rất khó xác định. Một bác sĩ xin giấu danh tính hiện đang công tác tại một trung tâm cai nghiện lớn ở Bacutan, ngoại ô Manila, cho biết họ không có con số chính xác, tất cả số liệu họ có là từ cảnh sát. Nhưng ngờ vực về tính xác thực và minh bạch trong thông tin của cảnh sát ngày càng lớn, đặc biệt sau hai vụ việc xảy ra gần đây : Ngày 17/10, hai cảnh sát đã bị bắt trên đảo Mindoro sau khi bị vạch trần là đã giết hại một nữ dân biểu địa phương vốn nổi tiếng tích cực trong cuộc chiến chống ma túy. Rồi đến ngày 05/11, trên đảo Leyte ở miền Trung Philippines, một thị trưởng bị giam giữ vì liên quan đến ma túy đã chết ngay trong phòng giam nhà tù, trong một bối cảnh tạm gọi là « một vụ bắn nhau » với những người có thẩm quyền.
Hiện nay, chưa ai làm rõ là có mối liên hệ thực sự nào giữa cảnh sát và những kẻ sát nhân theo nhóm hoặc một mình hay không. Khi trả lời phóng viên báo La Croix, ông Martin Andanar, thư ký phụ trách truyền thông của tổng thống Duterte khẳng định không bao giờ có chuyện chính phủ Philippines bảo lãnh cho các vụ « hành quyết ngoài vòng pháp luật ». Về việc có quá nhiều nạn nhân, quan chức này so sánh với Mêhicô và nói « Đừng quên đây là một cuộc chiến. Có bao nhiêu người đã chết trong cuộc đấu tranh chống ma túy ở Mêhicô ? 50.000 người thì phải ? »
Nếu trước đây, truyền thông chỉ chú ý tới số người buôn bán ma túy bị bị cảnh sát tiêu diệt, thì giờ đây trên truyền thông có nhiều bài phân tích và chỉ trích hơn về biện pháp tiến hành chiến dịch của chính phủ, đặc biệt là về nguy cơ vi phạm nhân quyền và những suy đoán về sự vô tội của các nạn nhân.
Còn chính phủ thì chỉ trích là có quá nhiều tin vặt vãnh trên báo chí mà chẳng ai chú ý tới các đề xuất để phát triển kinh tế. Ông Duterte đã đề xuất một kế hoạch chống đói nghèo đầy tham vọng kéo dài 25 năm, với mục tiêu năm 2040 sẽ đưa Philippines thành « một xã hội phồn vinh, với đa phần dân chúng thuộc tầng lớp trung lưu và không còn người nghèo ».
Trước đây, cử tri từng kỳ vọng về ông Duterte trên lĩnh vực kinh tế. Nhưng theo Viện nghiên cứu Đông Nam Á đương đại, vào tháng Mười, tỉ lệ được lòng dân của tổng thống Duterte đã giảm so với tháng Bảy. Số người ưu tiên cuộc chiến chống ma túy đã giảm từ 52% xuống còn 30%. 70% còn lại cho rằng cần ưu tiên đấu tranh chống nạn thất nghiệp, lạm phát và đói nghèo. Và chỉ có 8% số người được hỏi đánh giá giết người không phải điều quá nghiêm trọng.
Cố vấn chiến lược của Trump, Steve Bannon, một "nhà tư tưởng kích động"
Trong bài xã luận, Le Monde gọi chính trị gia Steve Bannon, người mới được tổng thống tân cử Donald Trump bổ nhiệm làm cố vấn chiến lược ở Nhà Trắng là « nhà tư tưởng kích động ». Le Monde hài hước nói là « một ban nhạc nhỏ» đã được xắp xếp từ một tuần nay tại Washington để làm suy yếu cú sốc về việc Trump thắng cử tổng thống.
« Ban nhạc » này sẽ nhấn mạnh đến những tuyên bố hòa giải của Donald Trump sau một chiến dịch tranh cử vô cùng kích động. Chẳng hạn, quyết tâm xây một bức tường dọc biên giới với Mêhicô giờ biến thành ý định xây một hàng rào. Lời hứa trục xuất 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp giờ rút xuống thành trục xuất 3 triệu tội phạm đã từng bị xét xử. Bà Hillary Clinton từng bị Donald Trump gọi là «Hillary thối tha » giờ lại được gọi là « một người phụ nữ tuyệt vời » không thể bị « tống vào tù ».
Le Monde lý giải, tính chất dữ dội kịch liệt của chiến dịch tranh cử của Donald Trump chỉ nhằm huy động, lôi kéo cử tri. Hiện tại, khi đã đắc cử, ông Trump phải lãnh đạo đất nước, và chủ nghĩa thực dụng sẽ được phát huy.
Việc bổ nhiệm những chính trị gia Cộng hòa già dặn như ông Mike Pence làm phó tổng thống và chủ tịch đảng Cộng Hòa Reince Priebus làm chánh văn phòng tổng thống chỉ nhằm trấn an dư luận.
Tuy nhiên, việc Donald Trump chọn Steve Bannon làm cố vấn chiến lược chính lại là chuyện khác. Ông Bannon là giám đốc ban vận động tranh cử của ứng viên Cộng Hòa từ tháng 08/2016. Trước đó, Bannon là giám đốc điều hành Breitbart News, một trang tin chuyên tuyên truyền các học thuyết kỳ thị sắc tộc, bài Do Thái và bài phụ nữ và đánh lừa dư luận. Breitbart News giữ vai trò quan tọng trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump.
Các trung tâm nghiên cứu về các phong trào cực đoan và kỳ thị sắc tộc cáo buộc ông Bannon và trang tin Breitbart News là « thù nghịch với các giá trị cơ bản của Mỹ ». Chỉ cần lướt qua Internet là có thể tìm thấy các tuyên bố mang tính kích động của Steve Bannon. Le Monde nhận định chỉ riêng những tuyên bố này cũng đủ để loại ông Bannon ra khỏi ê kíp lãnh đạo một đất nước dân chủ. Ấy vậy mà ông ta lại được coi là nhà tư tưởng cao cấp nhất trong chính quyền mới, hơn nữa việc bổ nhiệm vao vị trí này lại không phải thông qua ý kiến của Thượng Viện.
Ông Harry Reid, lãnh tụ phe thiểu số Dân chủ trong Thượng Viện, đã yêu cầu cách chức Steve Bannon vì bổ nhiệm ông này vào Nhà Trắng có nghĩa là « đưa nhà vô địch về thuyết ưu thế của người da trắng vào cách phòng Bầu Dục chỉ có hai bước chân ».
Theo Le Monde, bổ nhiệm Steve Bannon làm cố vấn chiến lược của Nhà Trắng cùng lúc với bổ nhiệm chủ tịch đảng Cộng Hòa Reince Priebus làm giám đốc văn phòng Nhà Trắng không chỉ là những tín hiệu mâu thuẫn, đối nghịch nhau và dự báo cuộc tranh giành ảnh hưởng sẽ tàn phá nội bộ ê kíp mà còn cho nước Mỹ và cả thế giới thấy những học thuyết cực đoan được những người như ông Bannon ủng hộ là chính đáng và hợp pháp. Để ông Bannon làm « cố vấn trong bóng tối » cũng chẳng làm thay đổi tính biểu tượng của quyết định bổ nhiệm. Đơn giản, phải bãi bỏ hẳn quyết định bổ nhiệm này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161117-cuoc-chien-chong-ma-tuy-o-philippines-su-that-va-nhung-dieu-doi-tra

Geen opmerkingen:

Een reactie posten