zaterdag 19 november 2016

Đồng minh châu Á cố duy trì quan hệ an ninh với Mỹ

Đồng minh châu Á cố duy trì quan hệ an ninh với Mỹ

mediaDonald Trump trong buổi tối giành chiến thắng bầu cử tổng thống Mỹ, 08/11/2016.REUTERS/Jonathan Ernst
Các đồng minh của Mỹ ở châu Á đang cố duy trì mối quan hệ an ninh với Washington vì chiến thắng của Donald Trump có nguy cơ làm đảo lộn trật tự địa chính trị tại khu vực này.
Theo nhật báo The Wall Street Journal, ngày 10/11/2016, lãnh đạo các nước như Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản khi chúc mừng tổng thống tân cử đều đã nhấn mạnh đến mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ. Tất cả đều rất quan ngại khi thấy là trong thời gian tranh cử, ứng cử viên Cộng Hòa đã tỏ ý muốn sửa đổi các hiệp ước an ninh với những đồng minh châu Á.
Trong các cuộc điện đàm ngày 10/11 được các lãnh đạo châu Á thuật lại, ông Donald Trump đã không nhắc đến khả năng đó. Theo lời thủ tướng Nhật Shinzo Abe, tổng thống tân cử đã xác nhận cam kết của Hoa Kỳ đối với Nhật, nơi có 54.000 quân Mỹ đang trú đóng. Ông Abe cho biết đã nhấn mạnh với ông Trump rằng liên minh Mỹ-Nhật mang tính chất « sống còn » đối với hòa bình và ổn định khu vực.
Còn theo văn phòng tổng thống Park Geun Hye, tổng thống tân cử của Hoa Kỳ cũng đã hứa sẽ thực hiện cam kết với Hàn Quốc, nơi có 28.500 quân Mỹ đang trú đóng. Trong khi đó, tại Úc, nơi có lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ luân phiên trú đóng, thủ tướng Malcom Turnbull tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là « một nền tảng cho hoà bình và ổn định ».
Thế nhưng, chắc là trong thâm tâm các lãnh đạo châu Á ai cũng lo ngại cho tương lai của khu vực với một người như Trump làm tổng thống Mỹ, trong lúc mà Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh, mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên vẫn còn đó, còn vùng Đông Nam Á thì đối phó với nguy cơ khủng bố Hồi Giáo.
Tờ The Wall Street Journal nhắc lại rằng từ sau Thế Chiến thứ hai đến nay, Hoa Kỳ vẫn giúp duy trì ổn định và tăng trưởng ở châu Á-Thái Bình Dương. Chính sách của ông Obama « xoay trục » sang châu Á chính nhằm tái khẳng định vai trò này và cũng nhằm ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc. Chính quyền Obama đã khuyến khích chính quyền quân sự Miến Điện đi theo con đường dân chủ hóa, bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam và triển khai tàu chiến vùng Biển Đông để thách thức những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này.
Trong thời gian tranh cử, ứng cử viên Donald Trump đã bày tỏ lập trường theo chủ nghĩa biệt lập, đồng thời yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc đóng góp nhiều hơn vào hợp tác quốc phòng với Mỹ, thậm chí cho các nước này quyền phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ. Những điều đó khiến mọi người lo ngại cho tương lai của các liên minh với Hoa Kỳ.
Tờ nhật báo Mỹ trích lời ông Rory Medcalf, nhà phân tích chiến lược tại Đại học Quốc gia Úc, cho rằng các đồng minh của Mỹ ở châu Á phải tìm những phương cách thực tiễn để « giữ chân » Hoa Kỳ, nhưng cũng phải lo xây dựng một cơ chế khu vực mà trong đó các đồng minh và các đối tác có thể tự giúp mình và giúp đở lẫn nhau.
Trên thực tế, một số quốc gia coi như đã đi theo hướng đó. Chẳng hạn, Hàn Quốc và Nhật Bản gần đây đã mở lại đàm phán về thỏa thuận chia sẻ tin tình báo quân sự nhằm đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Nhật Bản và Úc gần đây thì đã tổ chức nhiều hơn các cuộc tập trận chung. Tokyo vào tháng 10 cũng đã đồng ý sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh với Philippines.
Vào lúc mà Philippines đang rời xa đồng minh truyền thống Hoa Kỳ để xích gần lại Trung Quốc và Malaysia có vẻ cũng đang « xoay trục » về hướng Bắc Kinh, Nhật Bản và Hàn Quốc càng phải nỗ lực duy trì liên minh với Mỹ.
Các quan chức Nhật Bản cho biết là trong các cuộc hội đàm sắp tới với ông Trump và các cố vấn của ông, họ sẽ nhấn mạnh rằng hiệp ước quốc phòng Nhật-Mỹ có lợi cho cả hai bên. Họ cũng sẽ lưu ý với tổng thống tân cử của Hoa Kỳ rằng chính Tokyo trả lương cho các nhân viên địa phương tại các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản, đã bỏ ra hàng tỷ đô la cho việc phân bố lại lực lượng Mỹ ở Nhật và cho việc chuyển một phần lực lượng đến đảo Guam. Nhưng Tokyo không thể nào đảm trách toàn bộ các chi phí của những căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật.
Các nhà phân tích an ninh và chính trị, được tờ The Wall Street Journal trích dẫn, cho rằng ông Trump sẽ điều chỉnh lại ý định của ông thay đổi các liên minh với các nước châu Á một khi ông hiểu rõ hơn về quan hệ với các nước này. Các chuyên gia khác thì nghĩ rằng chính quyền Trump có thể sẽ đòi Hàn Quốc gia tăng mức đóng góp cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161111-dong-minh-chau-a-co-duy-tri-quan-he-an-ninh-voi-my

Geen opmerkingen:

Een reactie posten