maandag 31 mei 2021

Trung Quốc thay đổi chính sách dân số, cho phép sinh tối đa ba con

 

Trung Quốc thay đổi chính sách dân số, cho phép sinh tối đa ba con

31/05/2021
TƯ LIỆU: Trẻ em và người lớn tại một trường học ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 6 tháng 4, 2021.

Trung Quốc ngày thứ Hai loan báo các cặp vợ chồng ở nước này giờ có thể sinh tới ba con, một sự thay đổi lớn so với giới hạn hiện thời là hai con sau khi dữ liệu gần đây cho thấy sự sụt giảm đáng kể về tỉ lệ sinh ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Bắc Kinh bãi bỏ chính sách một con kéo dài hàng thập niên của mình vào năm 2016, thay thế bằng giới hạn hai con để ngăn ngừa những rủi ro cho nền kinh tế của nước này do dân số già đi nhanh chóng. Nhưng điều đó đã không giúp tỉ lệ sinh gia tăng liên tục vì chi phí nuôi con đắt đỏ ở các thành phố của Trung Quốc, một thách thức vẫn tồn tại cho đến ngày nay, Reuters cho biết.

Sự thay đổi chính sách sẽ đi kèm với “các biện pháp hỗ trợ mà sẽ có lợi cho việc cải thiện cơ cấu dân số của nước ta, hoàn thành được chiến lược chủ động ứng phó với tình trạng dân số già đi,” thông tấn xã nhà nước Tân Hoa Xã cho biết sau một cuộc họp của Bộ Chính trị do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì.

Trong số các biện pháp đó, Trung Quốc sẽ giảm chi phí giáo dục cho các gia đình, tăng hỗ trợ thuế và nhà ở, bảo đảm lợi ích hợp pháp của phụ nữ đi làm và kiểm soát trị giá của hồi môn “cao vút,” Tân Hoa Xã cho biết, nhưng không nêu chi tiết cụ thể. Trung Quốc cũng định sẽ giáo dục những người trẻ tuổi “về hôn nhân và tình yêu.”

Trung Quốc có tỉ lệ sinh chỉ 1,3 con một người phụ nữ vào năm 2020, theo dữ liệu mới nhất, ngang với tỉ lệ ở những xã hội lão hóa như Nhật Bản và Ý và thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 2,1 cần cho mức thay thế, theo Reuters.

Đầu tháng này, một cuộc khảo sát dân số Trung Quốc kéo dài một thập niên cho thấy dân số tăng với tốc độ chậm nhất trong thập niên qua kể từ những năm 1950, lên 1,41 tỉ người, khơi lên lo ngại rằng Trung Quốc sẽ già đi trước khi trở nên giàu có cũng như khơi ra chỉ trích rằng nước này đã chờ đợi quá lâu để giải quyết vấn đề tỉ lệ sinh suy giảm.

Bộ Chính trị Trung Quốc ngày thứ Hai cũng cho biết họ sẽ lùi độ tuổi nghỉ hưu theo từng giai đoạn, nhưng không cung cấp bất cứ chi tiết nào, Reuters đưa tin.

Lo sợ bùng nổ dân số, năm 1979, Trung Quốc ban hành chính sách một con và đã thành công trong việc kiềm chế gia tăng dân số, nhưng cũng dẫn đến tình trạng cưỡng bức triệt sản và phá thai chọn lọc giới tính, làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng giới tính do nhiều cha mẹ thích con trai hơn.


Trung Quốc thay đổi chính sách dân số, cho phép sinh tối đa ba con (voatiengviet.com)

ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước CSVN, gửi thư cho Tổng Thống Joe Biden xin Hoa Kỳ “hỗ trợ nguồn cung” vaccine ngừa COVID-19.

 

Nguyễn Xuân Phúc gởi thư cho Biden xin ‘hỗ trợ vaccine COVID-19’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các báo tại Việt Nam đưa tin ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước CSVN, gửi thư cho Tổng Thống Joe Biden xin Hoa Kỳ “hỗ trợ nguồn cung” vaccine ngừa COVID-19.

Trong nội dung bức thư ông Nguyễn Xuân Phúc gửi cho ông Joe Biden, truyền thông nhà nước Việt Nam thuật lại là, ông Phúc cảm ơn Mỹ đã tài trợ cho thế giới thuốc chích ngừa COVID-19 qua chương trình COVAX. Trong đó “Việt Nam đã nhận hai đợt vaccine với khoảng 2.5 triệu liều từ sáng kiến này.”

Lô thuốc chích ngừa Covid-19 đầu tiên tới Việt Nam được phun thuốc khử trùng. (Hình: AFP/Getty Images)

Đồng thời ông Phúc “mong Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước về nguồn cung vaccine, đề nghị hai bên tăng cường hợp tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine ngừa COVID-19.”

Chỉ hai ngày trước đó, báo chí tại Việt Nam tường thuật cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa Ngoại Trưởng CSVN Bùi Thanh Sơn với Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken. Qua đó, ông Sơn cũng đã cảm ơn Mỹ có “những hình thức thiết thực để hỗ trợ Việt Nam chống dịch bệnh, đặc biệt là giúp tiếp cận vaccine” ngăn ngừa COVID-19.

Ông Blinken được báo tại Việt Nam tường thuật rằng, “Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận vaccine thông qua chương trình COVAX và các nước đối tác, trong đó có 80 triệu liều vaccine Mỹ sẽ cung cấp cho thế giới trong thời gian tới.”

Việc chủ tịch nước CSVN gửi thư cho tổng thống Mỹ xin “hỗ trợ nguồn cung vaccine” vào lúc tình hình lây lan đại dịch COVID-19 với những biến thể mới lai giữa biến chủng Ấn Độ và Anh Quốc, lây lan dễ hơn lại khó chống đỡ hơn khi không có một loại dược phẩm nào có tác dụng.

Ngày 28 Tháng Năm, Bộ Trưởng Y Tế CSVN Nguyễn Thanh Long đã họp trực tuyến với công ty Zuellig Farma, công ty đại diện cung ứng thuốc chích ngừa COVID-19 của nhà sản xuất Moderna cho Việt Nam.

Theo tin tờ Lao Động “Hai bên đã trao đổi về khả năng và những điều kiện cung ứng vaccine phòng COVID-19 của Moderna cho Việt Nam.”

Tờ Lao Động nói ông Nguyễn Thanh Long “đề nghị Zuellig Pharma cung ứng vaccine cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất với giá cả hợp lý nhất để ứng phó kịp thời, hiệu quả với đại dịch. Đại diện Zuellig Pharma cam kết sẽ sớm thảo luận với Moderna các đề xuất của Việt Nam.”

Bản tin của tờ Lao Động khoa trương CSVN “Sẵn sàng trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu vaccine hàng đầu”. (Hình: NV Cắt từ màn hình)

Cùng ngày này ông Long cũng đã có tiếp xúc với các sứ quán Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như Phòng Thương Mại Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM); Hiệp Hội Doanh Nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EURO CHAM); Hiệp Hội Doanh Nghiệp Anh; Hiệp Hội Doanh Nghiệp Nhật Bản và các công ty Samsung Việt Nam, SK, LG… để “thảo luận về vấn đề cung ứng vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam cũng như việc tiêm chủng vaccine cho công nhân, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp.”

Nhà cầm quyền Hà Nội hối hả đi xin, đi mua thuốc chích ngừa COVID-19 ở các nước khác, không nói gì đến chương trình nghiên cứu thuốc ngừa dịch của mình đang phát triển hiện không ai biết ra sao.

Hơn năm tháng trước, ngày 18 Tháng Mười Hai, 2020, tờ Lao Động khoe rằng “Việt Nam sẵn sàng trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu vaccine hàng đầu” của thế giới.

Bản tin của báo Lao Động viết: “Ngày 17 Tháng Mười Hai, 2020 là một trong những dấu mốc quan trọng của y khoa Việt Nam khi ba người tình nguyện đầu tiên được tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 do Việt Nam sản xuất. Cách đây đúng năm năm, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cấp Giấy chứng nhận Hệ Thống Quản Lý Quốc Gia Về Vaccine Việt Nam (NRA) đạt chuẩn quốc tế, Việt Nam đã trở thành một trong 39 quốc gia trên thế giới được công nhận NRA và có điều kiện xuất khẩu vaccine. Thành công bước đầu trong điều chế, sản xuất vaccine COVID-19 tiếp tục khẳng định: Việt Nam đã sẵn sàng trở thành ‘cường quốc’ sản xuất và xuất khẩu vaccine.” (TN) [kn]

Nguyễn Xuân Phúc gởi thư cho Biden xin 'hỗ trợ vaccin COVID-19' (nguoi-viet.com)

Truyền thông Đức: tình báo Đan Mạch đã giúp Mỹ dọ thám các lãnh đạo châu Âu, từ 2012 đến 2014

 

Truyền thông Đức: tình báo Đan Mạch đã giúp Mỹ dọ thám các lãnh đạo châu Âu, từ 2012 đến 2014

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhiều lần được nêu danh là đối tượng bị tình báo Mỹ nghe lén điện thoại.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhiều lần được nêu danh là đối tượng bị tình báo Mỹ nghe lén điện thoại. John MACDOUGALL AFP/File

Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã dọ thám các nhà lãnh đạo chính trị ở châu Âu, trong đó có thủ tướng Đức Angela Merkel, từ năm 2012 đến năm 2014, với sự trợ giúp của cơ quan tình báo Đan Mạch. Các cơ quan truyền thông của Đan Mạch và châu Âu, hôm qua 30/05/2021 loan báo như trên.

Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut tường trình :

Patrick Sensburg không ngạc nhiên. Vị nghị sĩ đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, người đã chủ trì Ủy ban điều tra của Quốc Hội Đức về các vụ nghe lén của Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ NSA, cho rằng các cơ quan tình báo không biết đến bạn hữu mà chỉ biết đến các lợi ích cần được bảo vệ.

Trả lời những cơ quan truyền thông tham gia tìm hiểu vụ việc, đài truyền hình nhà nước ARD và nhật báo Süddeutsche Zeitung, các nhà lãnh đạo có liên quan chính đến vụ tiết lộ, khẳng định không biết về các hoạt động của cơ quan NSA.

Trước đây, qua những tiết lộ của Edward Snowden, người ta biết rằng thủ tướng Đức Angela Merkel đã bị nghe lén, đặc biệt trên điện thoại di động. Giờ đây, người ta đã biết thêm rằng ứng cử viên đảng Xã Hội - Dân Chủ Đức (SPD) cho chức thủ tướng năm 2013, Peer Steinbrück, cũng như tổng thống đương nhiệm Steinmeier, cũng bị nghe lén.

Nhờ các cơ quan mật vụ Đan Mạch, NSA đã kết nối được các đường dây cáp viễn thông để dọ thám lãnh đạo của nhiều quốc gia, không chỉ lãnh đạo Đức mà cả lãnh đạo các nước Pháp, Na Uy và Thụy Điển. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông sáng hôm nay cũng không quên nói rõ Đức, giống như Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác, cũng sử dụng các phương pháp tương tự.

Truyền thông Đức: tình báo Đan Mạch đã giúp Mỹ dọ thám các lãnh đạo châu Âu, từ 2012 đến 2014 (rfi.fr)

Úc - New Zealand đoàn kết trước những thách thức từ Trung Quốc

 

Úc - New Zealand đoàn kết trước những thách thức từ Trung Quốc

Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern ( P), tiếp thủ tướng Úc Scott Morrison tại in Queenstown, New Zealand, ngày 31/05/2021.
Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern ( P), tiếp thủ tướng Úc Scott Morrison tại in Queenstown, New Zealand, ngày 31/05/2021. AFP - JOE ALLISON

Lãnh đạo Úc và New Zealand trong cuộc gặp trực tiếp hôm nay, 31/05/2021, đã cho thấy hai nước cùng đoàn kết đối mặt với áp lực của Bắc Kinh, đồng thời cùng bày tỏ lo ngại sâu sắc về những thay đổi ở Hồng Kông cũng như tình hình nhân quyền ở Tân Cương, Trung Quốc.

Trong bối cảnh hai quốc gia đang tìm cách thắt chặt quan hệ đối tác thương mại, thủ tướng Úc Scott Morrison sang thăm New Zealand. Trong cuộc gặp đầu tiên sau hơn 15 tháng, một trong số các chủ đề được hai nhà lãnh đạo thảo luận liên quan đến Trung Quốc. Đôi bên đã bày tỏ một mặt trận thống nhất đối mặt với Bắc Kinh.

Reuters cho biết thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định Wellington và Canberra đều có lập trường giống nhau về các hồ sơ thương mại và nhân quyền. Thủ tướng Úc Morrison ủng hộ đồng nhiệm Ardern, nói rằng Úc và New Zealand là các quốc gia thương mại, nhưng không bao giờ “buôn bán chủ quyền”.

Thủ tướng Úc khẳng định, hai nước là “những đối tác, bạn bè, đồng minh tuyệt vời và như trong cùng một gia đình”, có “những kẻ ở xa tìm cách chia rẽ” Úc và New Zealand. và họ sẽ không thể chia rẽ hai nước.

Trong một tuyên bố chung, cả hai thủ tướng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ, cũng như của các sắc tộc thiểu số Hồi giáo khác, để Liên Hiệp Quốc và các quan sát viên độc lập tiếp cận khu vực mà không bị giới hạn.

Úc - New Zealand đoàn kết trước những thách thức từ Trung Quốc (rfi.fr)

Bình Nhưỡng lên án Mỹ để Hàn Quốc phát triển tên lửa tầm bắn trên 800 km [... chú Ủn... giật mình ! ]

 

Bình Nhưỡng lên án Mỹ để Hàn Quốc phát triển tên lửa tầm bắn trên 800 km

Tên lửa của Hàn Quốc trưng bày tại một cuộc triển lãm ở Seoul, ngày 31/05/2021.
Tên lửa của Hàn Quốc trưng bày tại một cuộc triển lãm ở Seoul, ngày 31/05/2021. AP - Lee Jin-man

Trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 21/05/2021 tại Washington, tổng thống Joe Biden và đồng nhiệm Moon Jae In đã quyết định hủy bỏ các hạn chế trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc. Sau một thời gian im lặng, ngày 31/05, Bắc Triều Tiên đã lên tiếng chỉ trích « trò chơi hai mặt đáng hổ thẹn » của Washington.

Việc bãi bỏ các quy định song phương nói trên sẽ cho phép Hàn Quốc phát triển tên lửa đạn đạo có tầm bắn trên 800 km. Tuy nhiên, phía Bắc Triều Tiên cho rằng quyết định này sẽ làm « leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều tiên » và là « một nhắc nhở rõ ràng về chính sách thù nghịch của Hoa Kỳ ».

Theo Yonhap, những lời chỉ trích gay gắt trên được nhà ngoại giao Kim Myong Chol của Bắc Triều Tiên nêu trong một bài báo được KCNA đăng ngày 31/05. Ông Kim Myong Chol lên án « cách tiếp cận thực dụng » và « linh hoạt tuyệt đối » vẫn được Washington áp dụng chỉ là « trò lừa đảo ». Vì vậy, Mỹ và Hàn Quốc « không có lý do gì để chỉ trích Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên tăng cường khả năng phòng thủ » vì chính quyền hai nước này « thể thiện rõ ràng tham vọng xâm lược ».

Vẫn theo ông Kim Myong Chol, « tính toán của Hoa Kỳ sử dụng Hàn Quốc để đạt được mục tiêu bá chủ là hoàn toàn ngu ngốc » và Bình Nhưỡng « sẽ đương đầu với Mỹ trên nguyên tắc dùng sức mạnh đáp trả sức mạnh ».

Trong buổi họp báo chung với nguyên thủ Mỹ tại Washington ngày 21/05, tổng thống Hàn Quốc bày tỏ « niềm vui vì các chỉ thị về tên lửa được chấm dứt ». Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên, ông Moon Jae In đã « kéo các nước láng giềng trong vùng vào vòng xoáy » bạo lực.

Bình Nhưỡng lên án Mỹ để Hàn Quốc phát triển tên lửa tầm bắn trên 800 km (rfi.fr)

Covid-19 : Việt Nam có gần 3.000 ca nhiễm trong vòng một tháng + TP Hồ Chí Minh xét nghiệm diện rộng ở khu vực nguy cơ cao + TP Hồ Chí Minh áp đặt hai tuần giãn cách xã hội nghiêm ngặt

 

Covid-19 : Việt Nam có gần 3.000 ca nhiễm trong vòng một tháng

Nhân viên y tế kiểm tra các cửa hàng ăn buộc phải đóng cửa do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 25/05/2021.
Nhân viên y tế kiểm tra các cửa hàng ăn buộc phải đóng cửa do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 25/05/2021. AFP - NHAC NGUYEN

Chỉ trong vòng một tháng, Việt Nam ghi nhận 2.913 ca nhiễm mới và 4 ca tử vong từ khi đợt dịch tái bùng phát ngày 27/04/2021. Virus corona đã lan ra 30 tỉnh thành, trong đó có nhiều nơi phát hiện biến thể B.1.617 (biến thể Ấn Độ). Trong khi đó, chỉ có khoảng 1% trên tổng số hơn 96 triệu dân được tiêm chủng.

Trong đợt dịch này có nhiều điểm đặc biệt hơn so với những lần trước. Thứ nhất, về kỷ lục số ca nhiễm trong một ngày, có lúc lên đến 444 ca nhiễm mới, gấp hơn ba lần đỉnh của đợt trước xảy ra ở Hải Dương vào dịp Tết Nguyên đán. Thứ hai, Covid-19 cũng gây nhiều ca tử vong trong cộng đồng, con số này sẽ còn tăng trong những ngày tới vì có đến 20% số bệnh nhân mới có triệu chứng nặng, nhiều ca tiên liệu xấu, còn 80% số ca nhiễm chỉ biểu hiện ít triệu chứng, theo báo VnExpress ngày 26/05.

Về chiến lược tiêm chủng, ngày 26/05, Việt Nam nhận được thêm 288.000 liều vac-xin AstraZeneca, bổ sung thêm cho hơn 1,6 triệu liều mới nhận hôm 16/05. Trước nhu cầu tiêm chủng cao, nhưng số vac-xin do Hà Nội đặt mua không được giao nhanh chóng, nhiều công ty ở Việt Nam cho Reuters biết sẵn sàng trả tiền để tiêm chủng cho nhân viên vì nếu căn cứ theo diện ưu tiên, sẽ còn lâu đến lượt họ.

Hiện tại, Việt Nam chưa áp dụng « hộ chiếu vac-xin », nên người nước ngoài nhập cảnh, dù đã được tiêm chủng, vẫn phải bị cách ly tập trung 3 tuần và theo dõi y tế tại địa phương thêm hai tuần. Ngày 24/05, Phòng Thương Mại Hoa Kỳ (AmCham) ở Hà Nội đã đề nghị chính phủ Việt Nam rút ngắn thời hạn cách ly đối với người nhập cảnh đã tiêm chủng, đồng thời cho phép lĩnh vực tư nhân tự mua vac-xin ngừa Covid-19 để tiêm chủng cho nhân viên của họ. Hiện tại, bộ Y Tế Viện Nam chưa trả lời đề nghị bình luận của hãng tin Reuters.

Covid-19 : Việt Nam có gần 3.000 ca nhiễm trong vòng một tháng (rfi.fr)

Covid-19 : TP Hồ Chí Minh xét nghiệm diện rộng ở khu vực nguy cơ cao

Ảnh tư liệu: Người dân xếp hàng làm xét nghiệm Covid-19, tại một điểm ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 31/07/2020.
Ảnh tư liệu: Người dân xếp hàng làm xét nghiệm Covid-19, tại một điểm ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 31/07/2020. AP - Hau Dinh

Ngày 31/05/2021, thành phố Hồ Chí Minh quyết định chỉ xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở những khu vực có nguy cơ cao, chủ yếu là ở quận Gò Vấp và quận Tân Phú, sau đó mở rộng ra những địa bàn khác. Trước tình hình dịch tiếp tục căng thẳng, Việt Nam quyết định dừng nhập cảnh hành khách tại hai sân bay quốc tế Nội Bài từ 01-07/06 và Tân Sơn Nhất kéo dài đến hết ngày 14/06.

Trả lời báo Tuổi Trẻ Online ngày 31/05/2021, phó giám đốc sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ không xét nghiệm trên toàn thành phố như một số thông tin trước đây. Đối tượng được xét nghiệp tập trung chủ yếu ở quận Gò Vấp liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, tiếp theo là công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và một cụm dịch khác ở quận Tân Phú, có thể liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

Đến trưa 31/05, đã có hơn 150.000 xét nghiệm đã được tiến hành ở hai cụm dịch trên, trong số này có 149 trường hợp dương tính đã được bộ Y Tế công bố trước đó. Virus corona đã xuất hiện ở 36 tỉnh thành Việt Nam. Trong số 211 ca nhiễm mới trong cộng đồng ghi nhận trong ngày 31/05 có 43 ca ở tỉnh Bắc Giang. Do dịch diễn biến phức tạp, nhiều địa phương, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đã hoãn kỳ thi vào lớp 10, theo dự kiến diễn ra vào đầu tháng 06.

Hiện tại, tỉ lệ tiêm chủng ở Việt Nam rất thấp, chỉ đạt khoảng 1% do phụ thuộc vào nguồn vac-xin từ nước ngoài. Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực tiếp cận các nguồn cung khác nhau. Ngày 30/05, trong thư gửi tổng thống Mỹ Joe Biden, chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Hoa Kỳ giúp Việt Nam mua vac-xin, cũng như hỗ trợ về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất cho Việt Nam.

Ngoài ra, sau Pfizer/BioNTech, Việt Nam đang cố gắng hợp tác với tập đoàn Moderna. Theo trang VnExpress, ngày 28/05, bộ Y Tế đã làm việc với một nhà phân phối Moderna để thảo luận về việc cung cấp vac-xin trong thời hạn ngắn nhất cho Việt Nam.

Covid-19 : TP Hồ Chí Minh xét nghiệm diện rộng ở khu vực nguy cơ cao (rfi.fr)

Việt Nam : Covid-19 lan mạnh, TP Hồ Chí Minh áp đặt hai tuần giãn cách xã hội nghiêm ngặt

Người dân thành phố Hồ Chí Minh đeo khẩu trang khi lưu thông trên đường phố, ảnh chụp ngày 08/09/2020.
Người dân thành phố Hồ Chí Minh đeo khẩu trang khi lưu thông trên đường phố, ảnh chụp ngày 08/09/2020. AFP - NHAC NGUYEN

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát dữ dội tại Việt Nam, chiếc nôi kinh tế của Việt Nam là Thành Phố Hồ Chí Minh đã phải quyết định áp dụng các biện pháp « giãn cách xã hội » nghiêm ngặt trong vòng 15 ngày kể từ ngày mai, 31/05/2021. Nghiêm trọng nhất là quyết định phong tỏa toàn bộ một quận và một phường.

Theo báo Tuổi Trẻ xuất bản tại Thành Phố Hồ Chí Minh, trong số các biện pháp được áp dụng, có việc cấm tụ tập quá 5 người ở nơi công cộng, thực hiện nghiêm ngặt việc giữ khoảng cách an toàn tối thiểu là 2m khi giao tiếp.

Các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu vẫn được hoạt động nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn và các quy định phòng chống dịch bệnh khi hoạt động. Ngay từ đầu tuần, Thành Phố Hồ Chí Minh đã cho đóng cửa các nhà hàng, cơ sở kinh doanh các mặt hàng và dịch vụ không thiết yếu.

Điểm đáng chú ý là mọi người dân (nhất là những người trên 60 tuổi) được yêu cầu ở trong nhà, và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Chính quyền cũng yêu cầu hạn chế tối đa việc đến các cơ sở khám bệnh, ngoại trừ trong trường hợp thực sự cấp bách.

Riêng đối với hai « ổ dịch » quan trọng là quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn, được chính chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố gọi là « phong tỏa ». Các biện pháp cách ly được áp dụng, người dân phải ở trong nhà và không được ra đường, ngoại trừ các trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu.

Các biện pháp hạn chế ngặt nghèo được ban hành trong bối cảnh số lượng ca nhiễm tăng vọt tại thủ phủ kinh tế của Việt Nam. Theo số liệu của bộ Y Tế, từ 19 giờ tối hôm qua 29/05 cho đến 18 giờ tối nay 30/05, toàn quốc đã có thêm 250 ca nhiễm mới, trong đó có đến 59 ca tại Thành Phố Hồ Chí Minh.

Nhìn chung, tổng số ca nhiễm tính đến hết ngày hôm nay tại Việt Nam đã vượt ngưỡng 7.000 người. Điều chú ý là chỉ trong hơn một tháng, từ ngày 27/04 đến nay, số ca nhiễm mới được xét nghiệm lên đến 4.000 trường hợp.

Việt Nam : Covid-19 lan mạnh, TP Hồ Chí Minh áp đặt hai tuần giãn cách xã hội nghiêm ngặt (rfi.fr)