maandag 14 november 2016

Liệu có cạnh tranh giữa hai lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc?

Liệu có cạnh tranh giữa hai lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc?

  • 9 giờ trước
Tập Cận Bình và Lý Khắc CườngImage copyright Reuters
Image caption Liệu có đối đầu giữa hai vị lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc?
Theo truyền thông nước ngoài, trong một vài năm gần đây, cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng quyết liệt, nhất là chỉ còn một năm nữa là đến Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong đó thu hút sự chú ý nhất là cuộc tranh chấp được cho là đang công khai hóa giữa Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Tập Cận Bình và Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường về đường lối phát triển kinh tế.
Trong thể chế độc tài chuyên chế, sự khác biệt và tranh chấp về chính sách kinh tế có thể diễn biến thành những cuộc chiến giành quyền lực chính trị và sau đó là những cuộc thanh trừng đối thủ tàn khốc và gây ra ảnh hưởng to lớn.
Quyền lực ngày càng tăng của Tập Cận Bình
Vì sao TQ sa thải Bộ trưởng Tài chính?
Do đó tranh chấp về đường lối kinh tế của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường cũng đưa tới những lo âu về tương lai kinh tế Trung Quốc, bị cho là không mấy sáng sủa.
50 năm trước Mao Trạch Đông phát động "Đại cách mạng văn hóa vô sản" với hai mục đích: Một là xóa bỏ danh tiếng xấu của bản thân trên vũ đài lịch sử bởi chủ trương hoang tưởng và năng lực điều hành kinh tế yếu kém khi phát động phong trào Đại Nhảy Vọt và Công Xã Nhân Dân giai đoạn 1958-1961 gây ra hậu quả là nền kinh tế sụp đổ, xảy ra nạn đói lớn làm chết gần 40 triệu người.
Hai là loại bỏ những đối thủ chính trị như Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Bành Đức Hoài… đang không ngừng nâng cao sức ảnh hưởng trong Đảng khi thực hiện chính sách giao khoán nông nghiệp tới tận hộ gia đình, khôi phục kinh tế nông thôn và sức sản xuất sau Đại Nhảy Vọt.
Mao Trạch Đông vốn ít học, năng lực điều hành kinh tế yếu kém, nhưng lại không muốn giao cây gậy quyền lực cho người khác. Mao chủ tịch được đánh giá là một cao thủ về chính trị khi không ngừng tạo ra những phong trào chính trị để triệt hạ đối thủ.
Kinh tế đóng vai trò rõ rệt trong các phong trào chính trị đó.

Tập-Lý chi tranh?

Sự khác nhau trong chính sách điều hành kinh tế của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường là gì?
Có thể xem Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư Tập Cận Bình thuộc phe Đảng, chủ trương " Đảng trị, quốc hữu hóa nền kinh tế là điều hành qua các chỉ lệnh từ Trung ương Đảng".
Điều này dường cũng có lợi cho Tập Cận Bình khi muốn gạt bỏ đối thủ chính trị thông qua cuộc chiến chống tham nhũng. Chủ trương này mang hơi hướng nền kinh tế kế hoạch có từ thời Mao Trạch Đông mặc dù Tập cũng rất muốn bản thân được người ta xem là người kế thừa xứng đáng nhất của Đặng Tiểu Bình.
Lý Khắc Cường lại thuộc về phe "kinh tế thị trường và tư doanh hóa nền kinh tế", chủ trương của Lý phù hợp với lý thuyết kinh tế hiện đại cũng như thực tiễn kinh tế Trung Quốc sau 30 năm cải cách.
Ảnh minh họaImage copyright AP
Image caption Kinh tế Trung Quốc gần đây gặp nhiều khó khăn
Trong buổi nói chuyện về cải cách doanh nghiệp nhà nước tổ chức tại Bắc Kinh ngày 7/4/2016, phát biểu của hai người đã lần lượt bộc lộ sự tranh chấp.
Đối với vấn đề ai sẽ là người quản lý nền kinh tế và các doanh nghiệp, Tập Cận Bình chủ trương Đảng lãnh đạo doanh nghiệp thông qua ban bí thư: " Đảng cần quản lý Đảng, thắt chặt quản lý các cấp Đảng từ trên xuống, tăng cường và cải tiến sự lãnh đạo của Đảng đối với các doanh nghiệp quốc doanh, ra sức phát huy tác dụng cốt lõi của tổ chức Đảng"; "Đảng ủy các cấp cần luôn ghi nhớ trách nhiệm trọng đại là làm tốt quản lý giỏi doanh nghiệp quốc doanh, thúc đẩy nền kinh tế quốc doanh".
Trong khi đó Lý Khắc Cường lại chủ trương để cho doanh nghiệp tự quản lý: "Thúc đẩy cải cách doanh nghiệp quốc doanh, thúc đẩy xây dựng thể chế, mô hình doanh nghiệp hiện đại và hoàn thiện kết cấu quản lý pháp nhân"; "quảng bá tinh thần doanh nhân".
Mấy năm gần đây, cỗ xe kinh tế Trung Quốc không ngừng tụt dốc không phanh, tăng trưởng GDP hàng năm từ 13% rớt xuống chỉ còn 6,7% (nếu như loại bỏ những con số được thổi phồng qua báo cáo từ các địa phương thì chỉ số GDP thực tế còn thấp hơn nữa). Đầu tàu kinh tế là các doanh nghiệp quốc doanh có hiệu quả kinh tế thấp, thua lỗ nghiêm trọng, kéo theo cả nền kinh tế Trung Quốc xuống dốc.

Cải cách kinh tế

Vậy thì lối thoát ở đâu? Thực tiễn mở cửa hơn 30 năm đã cho thấy mấu chốt nằm ở cải cách chế độ sở hữu và minh bạch hóa.
Tập Cận Bình chỉ thị phải phát triển lớn mạnh kinh tế nhà nước, nhấn mạnh rà soát, tăng cường quản lý để tăng cường sự tối ưu của doanh nghiệp quốc doanh.
Lý Khắc Cường lại cho rằng chủ trương như vậy là không khả thi. Ông Lý nói: "Doanh nghiệp nhà nước cần tuân thủ quy tắc của thị trường, tinh giảm biên chế nâng cao hiệu suất, loại bỏ công nghệ lạc hậu, hao tốn nhiều năng lượng". Đây cũng chính là chủ trương thu hẹp dần và loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, hiệu suất thấp bị giới học giả gọi là " Doanh nghiệp cương thi" - bơm bao nhiêu nhân sâm diệu dược cũng không có tác dụng.
Khó khăn của kinh tế Trung Quốc bắt nguồn từ những chính sách hạn chế động lực của nền kinh tế của Đảng cầm quyền khi thắt chặt tự do cá nhân, dùng "vạn lý tường lửa" để kìm kẹp thông tin, theo dõi người dân, dùng ý thức hệ để nhồi sọ và trói buộc tư tưởng, xâm phạm quyền sở hữu tư nhân, tập trung rót vốn cho các doanh nghiệp quốc doanh, nhà nước can thiệp quá mức vào nền kinh tế.
Tăng cường tính Đảng trong doanh nghiệp quốc doanh thực tế đã làm cho hiệu suất của những doanh nghiệp này hạ thấp.
Theo thống kê của Viện nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc, từ năm 2007-2013 có tới 190.000 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thường xuyên, bình quân thu nhập ròng tính theo tài sản ở mức -3,6%.
Để so sánh thì ở khối doanh nghiệp tư nhân phi nhà nước tỷ lệ này là 15,7%.
Doanh nghiệp quốc doanh dựa vào những chính sách ưu đãi và trợ cấp của chính phủ, mà thực chất là từ tiền của người dân nộp thuế, lối thoát chính là tự cắt bỏ những nghành hiệu suất thấp, chuyển sang tư nhân hóa. Tuy nhiên với chủ trương phát triển mạnh doanh nghiệp nhà nước, thì chính phủ chèn ép kinh tế tư nhân phát triển.
Mấy năm gần đây, sự phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp tư nhân càng rõ ràng về mặt thuế, đất đai, vay vốn và thuê mướn tài nguyên. Kết quả là đầu tư của tư nhân vào nền kinh tế giảm mạnh theo từng năm.
Tăng cường tính Đảng ở các công ty còn làm giảm tính tích cực của doanh nghiệp, lòng người lo sợ bao giờ sẽ đến lượt mình bị người của Vương Kỳ Sơn ( Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng CSTQ) tới gặp, do đó cán bộ, doanh nhân thi nhau di cư ra nước ngoài, dòng vốn cũng chảy theo.
Đối với nông nghiệp, sự đối nghịch cũng rất rõ ràng qua góc nhìn của hai người đối với vấn đề tập thể hóa nông nghiệp.
Ngày 25/5 trong lần khảo sát tới Hắc Long Giang, Tập Cận Bình nói: "Hợp tác xã nông nghiệp là phương hướng". Còn Lý Khắc Cường trước đó đã từng phát biểu tại kỳ họp Quốc hội, biểu thị phản đối tập thể hóa nông nghiệp, nói rằng ở thời đại Mao Trạch Đông tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, xảy ra tham ô ăn bớt lương thực, nông dân không đủ ăn, tới khi thực hiện khoán tới từng hộ gia đình, nhà nhà mới được ăn no.

Kinh nghiệm cá nhân

Chủ tịch Tập Cận BìnhImage copyright AFP
Image caption Ông Tập Cận Bình xuất thân phong trào Đảng
Sự khác biệt trong chủ trương điều hành kinh tế có lẽ liên quan tới bối cảnh giáo dục và kinh nghiệm công tác của từng người.
Ông Lý Khắc Cường bản thân thi đỗ vào Đại Học Bắc Kinh, trong thời gian học thạc sĩ, tiến sĩ thì chịu ảnh hưởng của Lịch Dĩ Ninh, một bậc thầy về tư nhân hóa kinh tế và kinh tế học hiện đại. Ông cũng là người áp dụng phương pháp dùng lượng tiêu thụ điện và những dữ liệu khác để tính toán chỉ số GDP thực tế, ngoài ra còn thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục để nâng cao hiệu suất của chính phủ, giảm bớt tham nhũng.
Ông Tập Cận Bình thì ngược lại, mới chỉ học đến cấp II rồi sau đó bị đưa về nông thôn trong thời Cách mạng văn hóa. Sau khi Cách mạng văn hóa kết thúc thì bước vào quan trường. Ông không có hứng thú đối với kinh tế thị trường, mỗi khi nhắc tới kinh tế thì từ ngôn ngữ cho tới phương pháp tư duy đều như là từ thời đại Mao Trạch Đông.
Ví dụ bài nói chuyện của ông về tình hình kinh tế tại Bắc Kinh ngày 9/7, khi đề cập xây dựng kinh tế học chính trị xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, có đoạn: "Kinh tế học chỉ có thể phát triển tại bên trong thực tiễn phong phú, lại cần phải được kiểm nghiệm bởi thực tiễn, cần tăng cường nghiên cứu và tìm tòi, tăng cường tổng kết nhận thức đối với tính quy luật, không ngừng hoàn thiện'.
Trong bài phát biểu tại hội nghị G20 tại Hàng Châu hồi đầu tháng này, ông Tập đã trích dẫn thành ngữ cổ của Trung Quốc là "Khinh quan dịch đạo, thông thương khoan nông" khi bình luận về nền kinh tế toàn cầu. Vì các nét trong từ "nông" rất giống từ "y", trong từ y phục, ông đã đọc nhầm đoạn cuối của thành ngữ, dẫn đến nó có nghĩa là "trút bỏ y phục" thay vì nghĩa là "nới lỏng chính sách nông nghiệp" (!).
Khi đưa ra một chính sách, đường lối kinh tế nào đó, không nhất thiết phải yêu cầu lãnh đạo quốc gia, chính phủ phải xuất thân từ nghiên cứu kinh tế học chuyên nghiệp.
Quan trọng là người lãnh đạo phải có tư duy kinh tế, không thì hãy buông tay để người có chuyên môn tiếp quản. Năm xưa Triệu Tử Dương tuy chưa qua trường lớp đào tạo kinh tế học nào, nhưng Triệu Tử Dương là người có tầm nhìn, có tư duy sâu rộng. Triệu Tử Dương rất chân thành nghe ý kiến từ người khác, nắm bắt được vấn đề then chốt, đưa ra nghi hoặc để cho người đối diện giải thích. Sau đó từ những ý kiến khác nhau, đem dùng những ý kiến mang tính hợp lý và khả năng thành công cao.
Những người tiền nhiệm của Tập Cận Bình như Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào tuy không hiểu kinh tế nhưng lại thẳng thắn thừa nhận bản thân không biết và buông tay cho cấp phó của mình là Chu Dung Cơ, Ôn Gia Bảo quản lý, qua đó Trung Nam Hải chưa bao giờ xuất hiện tình trạng nội bộ lãnh đạo mâu thuẫn nhau về đường lối kinh tế, nhờ đó có được thành tích kinh tế ngoạn mục.
Trước mắt, chỉ có thông qua biện pháp cải cách thể chế, tăng cường tư nhân hóa kinh tế và thị trường hóa thì mới có thể giải quyết được khó khăn của kinh tế Trung Quốc. Chính sách của Lý Khắc Cường tỏ ra kế tục thành công và kinh nghiệm thực tiễn của 30 năm cải cách mở cửa trong khi con đường của Tập Cận Bình nhấn mạnh yếu tố Đảng trị và mệnh lệnh kinh tế, kế thừa mô hình kinh tế kế hoạch tập trung thời Mao Trạch Đông.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của người viết, hiện sống và làm việc tại TP HCM.

Chủ đề liên quan

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten