donderdag 17 november 2016

Phản biện bài về Tổng thống Duterte "gần Trung, xa Mỹ" là...khôn ngoan của ông Vũ Cao Phan + Trả lời..."phản biện"

Phản biện bài về Tổng thống Duterte

  • 14 tháng 11 2016

Tổng thống Philippines Rodrigo DuterteImage copyright Reuters
Image caption Ông Rodrigo Duterte đang xích lại gần Trung Quốc?

Quan hệ Việt Nam-Philippines đặt trong bối cảnh ở giữa ảnh hưởng Mỹ-Trung Quốc là rất nhạy cảm, hành xử của nước này có thể làm nước kia bị ảnh hưởng trong chiến lược an ninh quốc gia về an ninh lãnh hải Biển Đông nên cần thận trọng khi đánh giá và suy xét.
Trong nhiều vấn đề liên quan đến tranh chấp Biển Đông cũng như đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam thường hay nghiên cứu trường hợp của Philippines để có kinh nghiệm chính trị cho mình, nên việc đánh giá về ông Duterte để qua đó làm kinh nghiệm cho Việt Nam là hết sức quan trọng.
Từ những suy nghĩ này tôi muốn phản biện bài viết của ông Vũ Cao Phan.

Có nên "gần Trung" và "xa Mỹ"?

Ông Vũ Cao Phan viết rằng: "Sau nữa có lẽ ông có lý, Phillippines không được hưởng lợi bao nhiêu về kinh tế trong quan hệ đồng minh với Mỹ. Đất nước từng đứng hàng đầu châu Á về thu nhập tính theo đầu người những năm 50 của thế kỷ trước cứ tụt dần, tụt dần, sau cả Thái Lan và Indonesia trong khu vực Đông Nam Á, có lẽ cũng một phần vì lý do đó. Mới chỉ khởi sắc trở lại vài năm gần đây. Ở tầm nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Duterte càng nhận rõ điều này".
Tôi cho là nhận xét như thế này là thiếu khách quan và tô hồng cho ông Duterte.
Sự lựa chọn đánh đổi lợi ích kinh tế để lìa bỏ một đồng minh chính trị quan trọng nhất trong việc đối kháng đường lưỡi bò của Trung Quốc là thiếu khôn ngoan và không thể mang lý do "làm kinh tế" ra để biện minh.
Chuyện kinh tế là việc khác nếu một khi chính phủ có quyết tâm và đủ tầm để dẫn dắt quốc gia ra khỏi yếu kém và khủng hoảng. Bài học nước Nhật đi lên từ đống tro tàn đổ nát sau 1945, hay sự vươn mình trổi dậy của Singapore cần được các nước Asean học hỏi và ứng dụng, chứ không nên đổ lỗi cho Mỹ "chẳng cho mình được bao nhiêu tiền".
Có khi nào nhiều độc giả đọc bài của ông Vũ Cao Phan xong cũng nghĩ hay Việt Nam nên đi theo kiểu của ông Duterte chăng? Kinh tế Việt Nam đang yếu, hay cứ "không thân thiện với Mỹ" vì Mỹ chẳng cho bao nhiêu tiền, cứ gắn vào Trung Quốc sẽ là khôn ngoan?

Tự tin và khôn ngoan?


Obama và DuterteImage copyright Getty Images
Image caption Ông Duterte đã không ngần ngại "tấn công" Tổng thống Obama
Phát ngôn về Do Thái của ông Duterte không chỉ là một phát ngôn gây tranh cãi mà đã đủ cấu thành một scandal ngoại giao với dân tộc đó, và tôi cho đó là một phát ngôn thiếu chín chắn.
Nên vấn đề ông Vũ Cao Phan đánh giá những phát ngôn tiền hậu bất nhất khiến cấp dưới phải "khổ sở" của ông Duterte có phải là một kiểu vừa đánh vừa xoa là chiến lược gì đó tôi e rằng không hợp lý.
Có vẻ nó mang tính "bốc đồng" thì đúng hơn nếu xét cả phát ngôn của ông Duterte về Do Thái. Đánh giá bản tính của một con người cần tổng hợp nhiều sự kiện và vấn đề để kết luận.
Tôi cho rằng chuyến đi đối ngoại đầu tiên của ông Duterte sang thăm Việt Nam chính là biểu hiện của động thái thiếu tự tin của ông Duterte. Lẽ ra ở tầm nguyên thủ Philippines, ông Duterte phải biết và không thể không biết là Việt Nam chờ Philippines hành động để tham khảo kinh nghiệm trong ứng xử giữa Mỹ-Trung Quốc.
Trong tư thế đang "xa Trung và gần Mỹ", lẽ ra ông Duterte "đủ chỗ" để xoay xở hơn lãnh đạo Việt Nam, thì ông lại từ bỏ vai trò chủ động và sang tham vấn Việt Nam, vốn dĩ đang "gần Trung và xa Mỹ". Tôi cho rằng đây là việc chứng tỏ ông Duterte không tự quyết được mình nên có kế hoạch ra sao.
Ông Vũ Cao Phan cũng viết rằng ông Duterte là một người khôn ngoan, "còn cần thời gian nhưng đã rõ đường nét. Và ít nhất cho đến nay, ông là kẻ được: vài chục tỉ đôla hứa hẹn đầu tư và ngư dân Philippines đang trở lại ngư trường truyền thống của mình."
Trung Quốc là nước đang có âm mưu bá chiếm Biển Đông, và đã từng lên tiếng bác bỏ phán quyết của tòa quốc tế trong vụ việc Philippines kiện, thì việc "xa Mỹ" để "gần Trung" hơn của Philiipines lúc này liệu có là khôn ngoan? Gần gũi một kẻ bất chấp luật pháp quốc tế chưa bao giờ coi là an toàn cho quốc gia mình cả.
Chưa kể Trung Quốc xưa nay trong bang giao với các nước nhỏ luôn có những việc "nói không đi đôi với làm", (ngay cả ông Đinh Thế Huynh khi sang Trung Quốc cũng phải nhắc nhở lại điều này, dù quan hệ hai đảng cầm quyền Việt -Trung là quan hệ anh em) thì chúng ta lấy gì để đảm bảo rằng với tư duy "Đúng là ông Tổng thống chống Mỹ, hay một cách nhẹ nhàng hơn, không thân thiện với Mỹ" thì sau khi ông tổng thống Duterte "xa Mỹ" rồi thì Trung Quốc sẽ thực thi đúng những gì họ hứa hẹn với ông Duterte?
Là một nước nhỏ nằm kẹt trong lợi ích của hai cường quốc lớn nên sự cân bằng là cần thiết, tuy nhiên khi xét chính sách thì phải lấy an toàn và an ninh quốc gia làm tối thượng.
Cân bằng để giữ chủ quyền, chứ không phải chấp nhận nguy cơ mất chủ quyền lãnh thổ-lãnh hải qua việc từ bỏ một đồng minh lâu dài "đã ký kết là làm" như Mỹ để chơi thân với một đồng minh khác có tiếng tăm là "nói không đi đôi với làm" là khôn ngoan, thưa ông Vũ Cao Phan.
Lịch sử cũng từng cho Việt Nam kinh nghiệm là Trung Quốc đã "giúp đỡ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rất nhiều" trong nội chiến ở Việt Nam dẫn đến sự tranh cãi về "công hàm Phạm Văn Đồng 1958" cũng như tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa chưa biết bao giờ có giải pháp, không lẽ ông Vũ Cao Phan đã quên ? Tôi e rằng vài chục tỉ USD đang hứa hẹn gì đó cũng chưa chắc là quả ngon.

Tôi chưa tin cậy ông Duterte


Tàu cá PhilippinesImage copyright EPA
Image caption Duterte hứa hẹn cải tổ ngành đánh cá
Ông Vũ Cao Phan viết: "Tôi đánh giá cao việc đích thân ông Tổng thống Duterte chủ trì buổi lễ tiễn các ngư dân Việt Nam dạt vào đảo quốc này tránh bão, trở về nước. Cùng với việc chọn Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đến thăm, ông đã bày tỏ tình đoàn kết hữu nghị với đất nước này".
Việc ông Duterte long trọng làm lễ tiễn ngư dân Việt Nam về nước sau khi bão tố đúng là chúng ta cần trân trọng cảm ơn vì chúng ta cũng là công dân Việt Nam. Tuy nhiên cần phân biệt tinh thần biết ơn và tin cậy chính trị.
Việc ông Duterte hành quyết 300 người phạm tội dù Philippines là đất nước có luật pháp và tòa án cho thấy ông là người lãnh đạo không theo tinh thần pháp trị, trong khi pháp trị chính là nền tảng của bang giao quốc tế, đây là điều chúng ta cần lưu ý trong ngoại giao cấp nhà nước
Trong tinh thần ngoại giao nhân dân, tôi cho rằng một khi ông Duterte không áp dụng văn minh, pháp trị trong chính việc đối xử với đồng bào ông thì cũng khó mà ông sẽ hữu nghị lâu được với công dân Việt Nam, hay bất kỳ nước nào khác.
Đoàn kết là tốt, nhưng đoàn kết với bạn bè quốc tế không có tư duy thượng tôn pháp trị thì cần cẩn thận hơn lạc quan.
Trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc thì Việt Nam và Philippines đang đi cùng một chiếc xe, do đó tôi mong rằng chúng ta thận trọng trong đánh giá về Philippines vì có ảnh hưởng đến mình.
Chuyện ông Duterte đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là của ông, mà còn ảnh hưởng đến cả chuyện đu dây của Việt Nam.
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của người viết, hiện sống ở TP HCM.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-37976799

Đôi dòng với "Phản biện bài Tổng thống Duterte"

  • 17 tháng 11 2016
Tiến sỹ Vũ Cao PhanImage copyright Other
Image caption Tiến sỹ Vũ Cao Phan không đồng ý với bài phản biện trước đó cho rằng ông 'thiếu khách quan và tô hồng' cho Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Tôi không nghĩ bài viết ngắn và khá dè dặt của mình, "Tổng thống Duterte toan tính về đâu" lại có thể gây tranh luận. Đã có tranh luận thì cũng xin được trao đổi lại ít dòng.
Căn cứ nội dung có thể chia bài "Phản biện về bài Tổng thống Duterte" thành hai phần, một phần là tranh luận với người viết, một phần là tranh luận với chính nhân vật của bài: ông Duterte (mà phần này lấy nhiều chữ hơn)
Việc tranh luận với ông Duterte (và có vẻ muốn giáo huấn ông ấy) thì lẽ ra tác giả nên gửi thẳng cho Tổng thống của Philippines thì tốt hơn. Nhưng vì có sự can dự gián tiếp lôi ông ấy vào cuộc nên tôi cũng xin có một vài ý kiến thế này:
Một. Tác giả viết " Sự lựa chọn đánh đổi lợi ích kinh tế để lìa bỏ một đồng minh chính trị quan trọng nhất trong việc đối kháng đường lưỡi bò của Trung Quốc là thiếu khôn ngoan và không thể mang lý do "làm kinh tế" ra để biện minh!"
Ông Duterte lìa bỏ cái gì, đánh đổi cái gì và biện minh cái gì nhỉ, tác giả thấy ông ấy làm vậy à? Tác giả có hay ông vừa tuyên bố hoan nghênh tân Tổng thống Mỹ D.Trump và sẵn sàng hợp tác với ông ta? Câu chuyện này phải là cái gì khác chứ bạn?
Hai. Tác giả viết, "Lẽ ra ở tầng nguyên thủ Philippines, ông Duterte phải biết và không thể không biết là Việt Nam chờ Philippines hành động để tham khảo kinh nghiệm trong ứng xử giữa Mỹ và Trung Quốc". Thật không đấy, thì ra Việt Nam đang chờ (tội nghiệp Việt Nam!) hay là chính tác giả đang chờ vậy? Và ông Duterte bắt buộc phải (!) làm được điều ấy để Việt Nam… tham khảo?
Bắt ông Tổng thống nước người phải như thế thì thật là quá quắt và đặt Việt Nam vào vị trí ngồi chờ sung rụng thì thật là tức cười và tức mình. Và trên thực tế, ai chờ ai đây? Đề cập đến chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Duterte, Giáo sư Antonio La Vina của trường Đại học Anteneo de Manila (Philippines) viết: " Chúng tôi có thể học rất nhiều từ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông cũng như việc xử lý và đàm phán với Trung Quốc. Việt Nam đã rút được nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này và tôi tin Tổng thống sẽ lắng nghe…" Nếu bây giờ vị giáo sư đọc được bài tranh luận ấy, chẳng hiểu ông sẽ nghĩ sao?
Ba. Sau khi nói về việc Tổng thống Philippines chủ trì buổi lễ tiễn ngư dân Việt Nam về nước và cho rằng việc này không đáng tin cậy chính trị, tác giả viết: "Trong tinh thần ngoại giao nhân dân (?), tôi cho rằng một khi ông Duterte không áp dụng văn minh, pháp trị trong chính việc đối xử với đồng bào ông thì cũng khó mà ông sẽ hữu nghị lâu được với Việt Nam, hay bất kỳ nước nào khác". Tôi có đem câu này hỏi ông Tổng thống giùm tác giả của bài tranh luận thì ông Duterte cười ngất: "Câu chữ gì mà lủng củng… Suy luận vậy sao? Thì cứ chờ xem, hỉ?".
Nhân đây cũng xin đính chính hộ tác giả: Ông tổng thống này đã hành quyết hơn 4.000 người liên quan đến ma túy rồi, chứ không phải 300 như bạn cập nhật đâu!

'Lối tranh luận áp đặt'

Tổng thống Philippines Rodrigo DuterteImage copyright Reuters
Image caption Tiến sỹ Vũ Cao Phan cho rằng Philippines của Tổng thống Duterte đang 'đi theo kiểu Việt Nam' tuy có kh biệt, đó là tìm sự cân bằng giữa các nước lớn để tồn tại và phát triển.
Bây giờ thì xin sang phần liên quan tới tôi, người viết bài "Tổng thống Duterte…"
Một. Sau khi trích một đoạn từ bài viết của tôi: "Sau nữa có lẽ ông có lý… Tổng thống Duterte càng nhận rõ điều này", tác giả bình luận rằng tôi thiếu khách quan và tô hồng cho ông Duterte. Bạn đọc có thấy như vậy không? Toàn bộ đoạn này tôi dẫn tình hình thực tế kinh tế Philippines, thiếu khách quan và tô hồng chỗ nào không thấy được chỉ ra và phân tích. Chưa nói tôi khá cẩn trọng khi phải dùng các cụm từ "có lẽ ông có lý", "có lẽ cũng một phần vì lý do đó" vốn thuộc về văn phong chính luận quen thuộc của mình. Chịu, với tinh thần cầu thị tôi đã soi kỹ lại, không thấy chỗ nào và thế nào là thiếu khách quan, tô hồng cả, ngoài sự áp đặt của tác giả.
Hai. "Có khi nào nhiều độc giả đọc bài của ông Vũ Cao Phan xong cũng nghĩ hay là Việt Nam nên đi theo kiểu của ông Duterte chăng?..." ,tác giả viết. Thưa tác giả bài tranh luận, Việt Nam không đi theo kiểu của ông Duterte mà ông này đang đi theo kiểu Việt Nam, tuy có khác nhau ít nhiều: Đó là tìm sự cân bằng giữa các nước lớn, để tồn tại và phát triển. Không phải nhà nước Việt Nam này đã làm nản lòng chúng ta trong chính sách đổi mới nửa vời thì cái gì họ làm cũng sai.
Thế giới nói thế nào? Học giả chuyên về các vấn đề Đông Á và Biển Đông, giáo sư Carl Thayer từ trường Đại học New South Wales (Australia) nhận định: "Người Việt Nam rất thận trọng. Philippines nên học hỏi Hà Nội trong cách ứng xử với các cường quốc. Nếu Philippines có thể tham cứu được gì từ Việt Nam thì đó là điều nên làm"… Nhà phân tích chính trị uy tín của Myanmar, Yan Myo Thein cũng cho biết, Myanmar đã quan sát và học hỏi Việt Nam trong việc cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.
Ba. Tác giả viết: "Cân bằng để giữ chủ quyền chứ không phải chấp nhận nguy cơ…, thưa ông Vũ Cao Phan". Vâng, thưa tác giả, "ông Vũ Cao Phan" có nói điều gì để tác giả phải răn như vậy đâu, xin cho dẫn chứng đi.
Bốn. Còn khá nhiều điều vụn vặt khác, đem đặt vào đây sẽ mất thì giờ. Chỉ xin nói thêm điều cuối: Đặc trưng cách tranh luận của tác giả trên là suy diễn chủ quan, suy diễn lấy được. Đem suy diễn ấy đặt vào miệng người- điều tối kị trong học thuật- rồi làm cái gọi là phản biện. Thương hiệu phản biện kiểu này là của ông Don Quijote xứ Mancha. Nếu Don Quijote đội đất ngồi dậy thì ông bạn tác giả kia sẽ trở thành cối xay gió mất thôi.
Lòng yêu nước của tôi so với vị này chắc cũng không kém bao nhiêu. Chỉ khác một chút: Ông bảo rằng nhìn nhận một sự vật "cần tổng hợp nhiều sự kiện và vấn đề để kết luận", nhưng ông có làm thế đâu. Xin thứ lỗi. Cảm ơn./.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu chính trị học và bang giao quốc tế từ Đại học Bình Dương, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt - Trung.

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten