vrijdag 27 september 2019

Công nhân Việt tại Đài Loan biểu tình đòi chính phủ Việt Nam bỏ môi giới bóc lột lao động

Công nhân Việt tại Đài Loan biểu tình đòi chính phủ Việt Nam bỏ môi giới bóc lột lao động

Công nhân Việt Nam tại Đài Loan biểu tình trước văn phòng Văn hoá - Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc hôm 5/5/2019
Công nhân Việt Nam tại Đài Loan biểu tình trước văn phòng Văn hoá - Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc hôm 5/5/2019
Photo: RFA
Vào trưa ngày 5/5/2019, hàng chục lao động Việt tại Đài Loan đã tổ chức biểu tình trước văn phòng Văn Hoá - Kinh tế của Việt Nam ở Đài Bắc, phản đối môi giới lao động tư nhân ở Việt Nam vì coi đây là một hình thức bóc lột người lao động.
Những người biểu tình mang theo các biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Trung với các dòng chữ kêu gọi “huỷ bỏ môi giới”, “chấm dứt bóc lột sức lao động”.
Chị Thanh Hải, một người lao động Việt tại Đài Loan, người có mặt tại cuộc biểu tình, cho Đài Á Châu Tự Do biết: “em qua đây hết hơn 6.000 đô la. Ở làng em mọi người đi cũng đông, em hỏi đi công ty nào thì họ chỉ em đi. Qua rồi là không có liên lạc được với môi giới ở nhà”.
Anh Bạch Thế Du, đại diện Công hội di công Việt Nam - một tổ chức chuyên giúp đỡ cho những công nhân và cô dâu Việt Nam tại Đài Loan, đã đọc một tuyên bố ngắn. Tuyên bố viết “Chính phủ Việt Nam có phải là một chính phủ phục vụ vì dân, phục vụ cho nhân dân hay không? Nếu đúng như vậy thì tại sao những người lao động đến từ các nước như Indonesia, Thái Lan hay Philippines, họ chỉ phải trả mức phí từ 1.000 đến 3.000 đô la, mà người Việt chúng ta phải trả mức phí cao ngất ngưởng đến như vậy? Hay chính phủ Việt Nam là chính phủ chỉ biết quan tâm đến thuế phí, tham nhũng, o ép người dân, chỉ biết bắt tay với công ty môi giới bóc lột và hút máu của người lao động”.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao Động Thương Binh và Xã hội, trong năm 2018, số lao động Việt ở Đài Loan là hơn 60.000 người. Đài Loan là thị trường thứ hai sau Nhật Bản về thu hút lao động Việt Nam.
Theo quy định của chính phủ Đài Loan, kể từ ngày 1/1/2017, lương cơ bản của người lao động ở Đài Loan là khoảng 21.000 Đài tệ, tương đương khoảng hơn 15 triệu đồng. Đây là mức lương cao gấp 3 thậm chí 4 lần mức lương của công nhân ở Việt Nam.
Thời gian qua có nhiều người Việt đã đến Đài Loan theo visa du lịch để lao động chui với hy vọng kiếm thu nhập khá. Một số đã bị cảnh sát Đài Loan bắt giữ và trục xuất về lại Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/viet-labor-in-taiwan-protest-gov-of-vn-05052019084652.html

Nguyễn

nơi gửi TPHCM
Không thể bỏ môi giới vì các công ty nước ngoài sẻ không có chổ liên lạc để tuyển nhân công. Đề nghị thay đổi luật: Họp đồng làm việc phải rỏ ràng có sự giám sát của nhóm luật sư độc lập, trong họp đồng không được viết nhỏ hay có văn bản phụ, môi giới phải chịu trách nhiệm trong suốt quá trình làm việc của người lao động, nếu công việc không đúng như trong hợp đồng thì môi giới phải trả lại hoàn toàn tiền phí môi giới và vé máy bay để người lao động trở về VN, toà đại sứ Vn và môi giới phải có TRÁCH NHIỆM giám sát và bảo vệ việc làm và tình trạng của người lao động, chủ lao động không được giừ pass của người lao động, toà đại sứ phải có trách nhiệm miễn phí hổ trợ người lao động(công dân) khi gặp khó khăn,...
Người lao động nếu vi phạm điều lệ trong hợp đồng sẻ bị xa thải lập tức và không nhận được bồi thường.

Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu mới Hải Dương Thạch Du 982 vào Biển Đông

Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu mới vào Biển Đông

Hình minh  họa. Một tàu cảnh sát biển Việt Nam gần giàn khoan 981 của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 14/5/2014
Hình minh họa. Một tàu cảnh sát biển Việt Nam gần giàn khoan 981 của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 14/5/2014
AFP













Giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 982 của Trung Quốc xúc tiến hoạt động tại Biển Đông kể từ ngày thứ bảy tuần qua.
Mạng báo South China Morning Post vào ngày 25 tháng 9 dẫn nguồn từ truyền thông Nhà nước Trung Quốc về tin vừa nêu; cũng như theo tài khoản mạng xã hội Trường An Kiếm của Ủy ban Chính Pháp Trung ương Trung Quốc.
Cụ thể, giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 được triển khai hoạt động tại vùng nước sâu đến 3.000 mét. Đây là giàn khoan dầu lớn nhất và hiện đại nhất thuộc loại này của Trung Quốc và độ sâu nhất mà giàn có thể khoan là 5.000 mét.
Tin không nói rõ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 được hạ đặt ở tọa độ cụ thể nào.
Bắc Kinh cho tăng cường hoạt động thăm dò tài nguyên kể từ năm 2016 nhằm giảm bớt lệ thuộc vào nguồn cung ứng dầu thô từ nước ngoài.
Trong khi đó từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, Trung Quốc cho tàu thăm dò đại dương được hộ tống bởi tàu hải cảnh đi vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính. Có những lúc tàu này chỉ cách bờ biển Việt Nam 155 kilomet.
Hà Nội kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, như thế.
Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu từ phía Việt Nam mà vào ngày 18 tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, cho rằng Bãi Tư Chính thuộc vùng nước quanh quần đảo Trường Sa. Ông Cảnh Sảng còn yêu cầu Việt Nam chấm dứt các hoạt động dầu khí tại đó.
Giàn khoan nước sâu đầu tiên của Trung Quốc, Hải Dương Thạch Du 981, được đưa vào hoạt động tại Biển Đông vào năm 2012. Đến giữa năm 2014, giàn khoan này được hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam dẫn đến đợt biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam tại nhiều nơi trên cả nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-deployed-oil-rig-to-scs-09252019135224.html

Từ Houston, em ‘nhận ra’ anh trai trong ’81 hài cốt Thiên Thần Mũ Đỏ’ vừa được an táng tại Little Saigon (California)

Từ Houston, em ‘nhận ra’ anh trai trong ’81 hài cốt Thiên Thần Mũ Đỏ’

Ngọc Lan/Người Việt

Hạ Sĩ Nhất Nguyễn Thanh Xuân. (Hình: Nguyễn Thanh Luân cung cấp)
HOUSTON, Texas (NV) – “Anh ghé thăm tôi ở Pleyku, tặng tôi chiếc nhẫn vàng tây 2 phân ngay trước ngày anh bay đi Tuy Hòa, rồi vài ngày sau tôi thấy báo đăng tin máy bay bị mất tích,” bà Nguyễn Thị Hạnh nhớ lại.
“Tôi vẫn nhớ khi người quen của gia đình đạp xe đến nhà đưa tôi tờ điện tín nói ‘Anh mày mất rồi,’ tôi cầm tờ giấy chạy qua nhà bà ngoại (nơi cả gia đình đang ở đó cúng 100 ngày mất của bà) để báo tin mà vừa run vừa khóc,” ông Nguyễn Thanh Luân kể.
Đó là một trong số những kỷ niệm mà bà Hạnh, ông Luân có với người anh trai cả của họ, ông Nguyễn Thanh Xuân, một trong 81 binh sĩ nhảy dù của Quân Lực VNCH hy sinh trên chuyến bay C-123 vào Tháng Mười Hai, 1965, nay sắp sửa được an táng tại Westminster, miền Nam California, thủ phủ của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ.
Ông Luân, bà Hạnh cũng là một trong số rất ít những gia đình xác định được người thân của mình có mặt trong chuyến bay định mệnh gần 54 năm trước, qua các bài báo liên quan đến sự kiện này mà nhật báo Người Việt đăng tải trong những ngày qua.
“Nhìn tựa bài báo ‘…81 binh sĩ Nhảy Dù VNCH’ bất giác tôi linh tính có anh tôi”
Ông Nguyễn Thanh Luân, 67 tuổi, hiện ở Houston, Texas, kể với phóng viên Người Việt.
“Sáng nào sau khi đi bộ về, tôi cũng mở báo Người Việt Online lên coi. Hôm đó, vừa nhìn thấy tựa bài ‘Little Saigon sẽ vinh danh hài cốt 81 binh sĩ Nhảy Dù VNCH’ bất giác tôi có một linh tính kỳ lạ. Đọc bài báo xong, tôi xúc động lắm. Phải một lúc mới trấn tĩnh tinh thần và ngồi nhớ lại từng chi tiết liên quan đến anh tôi.”
Ông Luân nhớ như in buổi chiều nhận tin anh trai mất, dù lúc đó ông chỉ mới 13 tuổi, đang ở Huế, tại làng Kế Môn. “Tôi nhớ rõ lắm vì hôm đó cúng 100 ngày bà ngoại tôi mất, Tháng Mười Một Âm Lịch, năm 1965. Mọi người đi cúng hết, chỉ có mình tôi ở nhà. Khi đó có một ông chạy xe đạp đến đưa tôi tờ điện tín nói ‘Anh mày chết rồi.’”
Ông Nguyễn Thanh Xuân (trái) cùng đồng đội tên Quỳnh, nhưng không biết ông Quỳnh có mặt trong chuyến bay định mệnh hay không. (Hình: Nguyễn Thanh Luân cung cấp)
Ông Luân vẫn còn nhớ “điện tín không có dấu, khó đọc lắm,” nhưng vì nghe câu “Anh mày chết rồi” nên ông cầm tờ điện tín trong tay vừa run vừa khóc vừa chạy cả cây số đến nơi “mọi người trong họ hàng đang tụ họp đông lắm để cúng bà ngoại,” mà báo tin.
Ông kể, “Bố mẹ tôi nghe tin thất kinh luôn. Rồi để cho chắc ăn, bố mẹ tôi cầm tờ điện tín đi nhờ người đọc lại cho rõ thì họ cũng nói điện tín báo anh tôi mất rồi. Thế là hai ngày sau, bố tôi từ làng vô Huế để đi nhờ máy bay quân sự vào Sài Gòn, rồi đi Biên Hòa là nơi lữ đoàn nhảy dù mà anh trai tôi đóng để hỏi tin tức thì được xác nhận là chiếc máy bay quân sự anh tôi đi bị mất tích. Nhưng ít ngày sau thì bạn anh tôi ở Sài Gòn nói rằng anh Xuân chết rồi chứ không phải mất tích.”
Theo lời ông Luân, bố ông đã đến ngôi nhà mà anh trai ông ở trọ tại Sài Gòn để mang hết các vật dụng cá nhân của người con vắn số về quê.
Cũng theo ông Luân, “Trong số những người đi cùng anh tôi trên chuyến bay năm ấy còn có một người ở cùng làng với tôi. Tôi chỉ biết anh tên ở nhà là Trần Hồng, không biết vào lính có đổi tên không. Em trai anh Hồng tên Đờn, là bạn học của tôi. Gia đình họ giờ còn ở Đà Nẵng. Lúc đó gia đình tôi biết tin trước do có người quen ở Sài Gòn đánh điện tín cho hay, còn nhà anh Hồng thì một tuần sau đó mới nhận được giấy báo tin anh Hồng mất tích.”
Ông Luân cho biết thêm, “Trước ngày mất, anh Xuân có ghé thăm chị tôi ở Pleiku.”
Người chị mà ông Luân nhắc chính là bà Nguyễn Thị Hạnh, người em gái duy nhất của ông Xuân.
Bà Hạnh, nay đã ngoài 70, cũng đang sống ở Houston, nhớ lại, “Lúc đó tôi 17 tuổi, sống cùng người dì ở Pleyku, anh tôi ghé thăm, tặng tôi chiếc nhẫn vàng tây 2 phân. Tôi còn nhớ rất rõ anh nói ‘Mai anh đi hành quân rồi, đi chiếc C-123 bốn động cơ’ vào Tuy Hòa. Tôi đòi đi theo tiễn nhưng anh bảo ‘làm sao mà vô đó được.’ Ai ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp anh Xuân. Tôi còn nhớ lúc đó là Tháng Mười Một, năm 65 theo Âm Lịch. Tôi không biết tính ngày Tây. Rồi vài ngày sau báo chí đăng tin chiếc máy bay C-123 mà anh tôi nhắc đến bị mất tích. Tôi nghe mà ngã ra khóc quá trời.”
Bà Hạnh kể thêm, “Mặc dù có tin tức như vậy, nhưng mà tôi cũng đi ra bưu điện đánh điện tín cho anh tôi, hỏi ‘Anh có khỏe không?’ mà chờ hoài không ai trả lời hết. Tôi đánh điện tín như vậy cũng vài lần. Lúc đó người ta chỉ nói là mất tích, nói có thể bị Việt cộng bắt rồi vài năm sau sẽ trao trả, nhưng rồi chờ hoài đâu thấy anh về. Phải cả năm sau tôi mới được người ta cho biết là anh tôi chết, nhưng cũng không biết chết ở đâu, chết như thế nào.”
Hình ảnh của Hạ Sĩ Nhất Nguyễn Thanh Xuân mà gia đình còn lưu giữ. (Hình: Nguyễn Thanh Luân cung cấp)
Trả lời phỏng vấn của báo Người Việt trước đó, Bác Sĩ Nguyễn Quốc Hiệp đang ở Gainesville, Florida, từng là y sĩ thiếu tá Nhảy Dù, và hiện là chủ tịch Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam, cho biết, “Tai nạn xảy ra vào ngày 11 Tháng Mười Hai, 1965, lúc đó, Tiểu Đoàn 3 và Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù vừa xong nhiệm vụ, chuẩn bị chuyển về Sài Gòn, thì được lệnh của Quân Đoàn 2 ở lại để đánh giải vây cho Sư Đoàn Mãnh Hổ của Nam Hàn đang bị kẹt ở Tuy Hòa. Chẳng may, Đại Đội 72 thuộc Tiểu Đoàn 7 lại đi trên chiếc máy bay C-123 định mệnh đó.”
Cũng theo ông Hiệp, “Hôm đó sương mù nên bay thấp, và thế là máy bay đâm vào núi, làm tất cả tử nạn. Vùng máy bay rơi là khu rừng hiểm trở, cách Tuy Hòa 32 cây số về phía Tây, gần như không thể vào được. Mãi đến năm 1974, khi người dân đi sâu vào rừng kiếm củi, họ mới phát hiện xác máy bay và các hài cốt.”
Trong khi đó, theo cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, vào năm 1965, một chiếc máy bay C-123 bị bắn rơi trên một vùng hẻo lánh ở Việt Nam, làm phi hành đoàn gồm bốn binh sĩ Mỹ và 81 binh sĩ Nhảy Dù VNCH thiệt mạng. Mãi đến năm 1974 người ta mới tiếp cận được nơi máy bay rớt.
Tuy nhiên, tất cả hài cốt bị trộn lẫn vào nhau, nên người ta đưa vào một quan tài, và chuyển về Bangkok, Thái Lan.
Những kỷ niệm còn lại với người thân
“Từ khi anh đi lính thì tôi là người trong gia đình gặp anh nhiều nhất, vì tôi ở Pleiku gần nơi anh hay đi hành quân ngang và vì tôi là đứa em gái duy nhất trong nhà nên anh cũng thương tôi nhất. Tôi có rất nhiều thư từ anh gửi cho nhưng sau đó tôi đốt hết vì nghĩ anh chết rồi, chỉ giữ lại những tấm hình của anh mặc đồ lính mà thôi,” bà Hạnh tiếp tục câu chuyện.
Bà cho biết, “Trước đó, khoảng Tháng Bảy, Tháng Tám Âm Lịch, anh Xuân đi hành quân ở Kontum tôi có lên thăm anh. Tôi nhớ anh ở Tiểu Đoàn 7, nhưng không nhớ số KBC của anh.”
Với ông Luân, người em út trong nhà, thì “tôi nhớ rất nhiều điều về anh Xuân, vì từ khi anh đi lính thì trong nhà tôi là người viết thư cho anh.”
Ông Nguyễn Thanh Luân, em trai ông Nguyễn Thanh Xuân, hiện đang sống ở Houston, Texas. (Hình: Nguyễn Thanh Luân cung cấp)
Ông kể, “Anh Xuân là anh lớn nhất trong nhà, tôi là út, anh hơn tôi một con giáp. Thời gian đầu đi lính, anh Xuân ở Tiểu đoàn 3, sau đó mới chuyển sang Tiểu đoàn 7. Từ khi đi lính đến lúc có tin anh mất, anh chỉ về thăm nhà có 2 lần, mỗi lần chỉ một ngày đêm. Tôi nhớ một lần là năm 1964, anh về phép 1 ngày 1 đêm. Một lần nữa là anh đi hành quân bên kia sông, tối về thăm nhà một đêm rồi lại đi.”
“Tôi còn nhớ khoảng Tháng Năm năm 1965 (Âm lịch), anh viết thư nói Tết sẽ về thăm nhà, sẽ mua cho tôi chiếc xe đạp vì khi đó tôi lên Đệ Nhất cấp, đi học xa lắm, hoặc anh sẽ tìm cách dẫn tôi lên Sài Gòn cho đi học,” ông Luân nhớ lại.
Tuy nhiên, lời hứa đó của Hạ Sĩ Nhất Nguyễn Thanh Xuân với người em trai đã không bao giờ thực hiện được, bởi khi Tết chưa kịp về thì Xuân đã mãi mãi đi xa…
Ông Luân còn cho biết thêm anh trai ông cũng chỉ vừa mới cưới vợ vài tháng trước đó.
“Anh tôi đi lính, vào Sài Gòn, quen với một chị. Ai cũng nghèo, nên nghe nói anh chị phải vay mượn tiền làm đám cưới,” ông Luân kể.
Nhưng…
“Hai tháng trước khi anh tôi tử nạn thì vợ anh cũng chết vì bị mìn của Việt Cộng khi về quê thăm ông nội của chị. Tiền mượn làm đám cưới nghe anh nói còn chưa trả hết. Sau đó thì đến anh tôi cũng mất. Họ chưa kịp có đứa con nào,” người em trai tuổi gần 70 kể về anh trai mình.
Mừng vì cuối cùng người thân được chôn ở Mỹ
“Sau mấy mươi năm không biết anh tôi chết ra sao, thân xác trôi lạc phương nào, dù nhà vẫn lập bàn thờ anh từ đó đến nay. Đến khi đọc bài báo, biết được chính xác đó là chuyến bay của anh mình, biết được mọi chuyện diễn ra như thế nào, tôi xúc động lắm,” giọng ông Luân tắt nghẹn.
Bà Hạnh cũng không giấu được cảm xúc khi nói chuyện qua điện thoại, “Thực sự tôi không có đọc báo chí, không coi tin tức. Nhưng khi nghe em tôi báo tin này, tôi cảm thấy hồi hộp khó diễn tả lắm. Mấy chục năm rồi, tưởng như tất cả đã bị quên đi rồi, giờ bỗng nhớ lại đủ thứ. Nhà chỉ còn ba anh em, trong đó có một anh còn ở Việt Nam, mấy hôm nay anh em tôi cứ gọi điện thoại nói hoài về chuyện này. Thật là không ngờ. Mà cũng mừng ghê lắm.”
“Tôi thấy cũng thật là hay khi những binh sĩ này cuối cùng lại được an táng ở Mỹ, trong đó có anh tôi, để khi có điều kiện, chúng tôi có thể về Cali thắp hương cho anh,” ông Luân bày tỏ.
Ông Luân cho biết vợ chồng ông đã mua vé máy bay để ngày 26 Tháng Mười tới đây sẽ có mặt ở Westminster, miền Nam California tham dự lễ an táng anh trai mình cùng 80 đồng đội khác của anh đã tử nạn trên chuyến bay C-123 vào năm 1965. Bà Hạnh cho biết rất muốn đi nhưng chưa nhờ được người trông coi dùm người con cần có người chăm sóc.
Và, trong những ngày này, công việc mà họ làm nhiều nhất là nhìn ngắm lại những hình ảnh của người anh trai “đẹp nhất làng” và đánh thức dậy những kỷ niệm xa xưa về một người đã đi mãi không về. (Ngọc Lan)
—-
Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com
https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/tu-houston-em-nhan-ra-anh-trai-trong-81-hai-cot-thien-than-mu-do/
Volume 0%