zondag 13 november 2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Kiều bào là nguồn lực giúp đất nước phát triển' + Ông Đinh La Thăng: 'Mong được tiếp tục học hỏi từ kiều bào'

Thứ bảy, 12/11/2016 | 19:23 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ bảy, 12/11/2016 | 19:23 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Kiều bào là nguồn lực giúp đất nước phát triển'

Theo Thủ tướng, hơn 4,5 triệu kiều bào là nguồn lực đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Nói chuyện với 500 kiều bào tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới chiều 12/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, ông vô cùng xúc động và ấm cúng khi đứng trước bà con kiều bào. Dù ở xa tổ quốc, nhưng huyết thống dân tộc vẫn không ngừng chảy trong kiều bào, trái tim luôn hướng về quê hương.
"Tình cảm đó vô cùng đáng trân trọng. Sự có mặt của kiều bào tại hội nghị này khẳng định một điều rất thiêng liêng rằng tiềm năng phát triển của đất nước không chỉ nằm vỏn vẹn trong dải đất hình chữ S. Ở đâu có người Việt, ở đó có Việt Nam", Thủ tướng nói và gửi lời thăm hỏi ân cần tới kiều bào khắp nơi trên thế giới cũng như kiều bào dự hội nghị.
thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-kieu-bao-la-nguon-luc-giup-dat-nuoc-phat-trien
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước 500 kiều bào đến từ 5 châu lục. Ảnh: Trung Sơn
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá các bài tham luận thể hiện sự quan tâm, gửi gắm tâm huyết của kiều bào. Có nhiều kiến nghị mới, sáng tạo thể hiện trách nhiệm như quản lý rủi ro ngập lụt, xây dựng thí điểm thành khởi nghiệp đến các vấn đề chiến lược, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, khuyến khích đầu tư...
"Tối qua tôi đã đọc một số bài tham luận và thực sự cảm kích, ghi nhận mọi tâm huyết, trí tuệ của bà con, đóng góp ý tưởng thiết thực đối với các vấn đề mà đất nước và TP HCM đang ngày đêm trăn trở", Thủ tướng nói và bày tỏ sự xúc động khi nghe các câu chuyện khởi nghiệp của kiều bào. Đằng sau những câu chuyện quay về quê hương còn là tình cảm sâu nặng, đóng góp quê hương giàu đẹp, văn minh hơn.
"Như câu chuyện của TS Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, dù đã trên 60 tuổi nhưng vẫn quay lại Việt Nam khởi nghiệp một lần nữa. Tôi biết đằng sau ý tưởng khởi nghiệp đó là cả một tấm lòng sâu nặng với quê hương, đất nước, đồng bào mình", ông nói.
Theo Thủ tướng, kiều bào thành đạt không chỉ đóng góp nguồn lực, tri thức mà còn đem thương hiệu Việt đi khắp thế giới. Hơn 4,5 triệu đồng bào ở nước ngoài là nguồn lực đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
Dẫn chứng câu chuyện của nữ GS Caroline Kiều Linh Valverde, Việt kiều Mỹ đã nỗ lực tự học tiếng Việt và có bài phát biểu hoàn toàn bằng tiếng Việt, Thủ tướng nói đó là câu chuyện sống động về giữ gìn văn hóa, bản sắc Việt Nam.
thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-kieu-bao-la-nguon-luc-giup-dat-nuoc-phat-trien-1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi, thăm hỏi các kiều bào. Ảnh: Trung Sơn
Giữ gìn văn hóa Việt Nam phải bắt đầu từ tiếng nói và chữ viết. Rất nhiều kiều bào là tấm gương tốt trong giữ gìn bản sắc dân tộc. "Đầu tư, kiều hối đều quan trọng nhưng gìn giữ văn hóa Việt, bản sắc Việt còn quan trọng hơn. Mỗi kiều bào còn là một đại sứ Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước cộng đồng kiều bào khắp thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ quyết tâm đổi mới chính mình, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động; tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ mọi rào cản, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh triển khai chương trình hành động cụ thể, thiết thực, tạo thuận lợi phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
"Mỗi kiều bào ta dù hoàn cảnh sống khác nhau, hay đâu đó có thể còn có những suy nghĩ khác biệt về đất nước, nhưng tôi tin rằng trong tâm trí tất cả đều có trái tim ấm tình yêu quê hương, đất nước - nơi 'mỗi người chỉ một'", Thủ tướng nhắn nhủ.
Lần đầu tiên 500 Việt kiều là chuyên gia, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội... có mặt tại TP HCM tham gia Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đóng góp ý kiến phát triển kinh tế, khoa học, nhân lực cho thành phố. Diễn ra từ ngày 11 đến 13/11, Hội nghị tổ chức 4 chuyên đề tập trung bàn bạc, góp ý xây dựng TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển.
Trung Sơn

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-kieu-bao-la-nguon-luc-giup-dat-nuoc-phat-trien-3498157.html

Chủ nhật, 13/11/2016 | 14:13 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Chủ nhật, 13/11/2016 | 14:13 GMT+7

Ông Đinh La Thăng: 'Mong được tiếp tục học hỏi từ kiều bào'

Bí thư Thành ủy TP HCM bày tỏ mong muốn được tiếp tục lắng nghe khuyến nghị và học hỏi nhiều hơn từ các kiều bào để phát triển thành phố.

Trưa 13/11, nói chuyện với 500 kiều bào đến từ 36 quốc gia trên thế giới, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng gửi lời cảm ơn đến các đại biểu không quản xa xôi, vất vả cùng về dự Hội nghị hiến kế xây dựng TP HCM phát triển bền vững trong 3 ngày qua.
"Chúng tôi hy vọng tiếp tục được lắng nghe các khuyến nghị và học hỏi nhiều hơn từ các kiều bào, cả sau khi hội nghị này", ông Thăng nói và cho biết rất trân trọng ghi nhận các ý kiến, đề xuất tâm huyết của kiều bào đóng góp cho lãnh đạo TP HCM.
ong-dinh-la-thang-mong-duoc-tiep-tuc-hoc-hoi-tu-kieu-bao
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói chuyện với 500 kiều bào hôm nay. Ảnh: Thiên Ngôn
Ông Đinh La Thăng đánh giá nhiều tham luận đã chia sẻ sự đồng thuận, giúp lãnh đạo thành phố củng cố niềm tin, tiếp tục bám sát các mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài theo 7 chương trình đột phá của thành phố như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh cải cách hành chính; giảm ùn tắc giao thông; khắc phục tình trạng ngập nước; cải thiện môi trường và chỉnh trang phát triển đô thị.
Bí thư Thành ủy TP HCM nói ông rất xúc động khi có nhiều kiều bào là Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia hàng đầu đang làm việc ở nước ngoài vô cùng bận rộn nhưng vì trách nhiệm với đất nước, tình yêu với thành phố mà về dự hội nghị.
"Điều đó khẳng định, dù phải sống trong những hoàn cảnh khác biệt ra sao về địa lý, xã hội, thể chế chính trị… chúng ta mãi mãi là con một nhà, là đồng bào ruột thịt của nhau, có chung một người mẹ lớn là tổ quốc Việt Nam yêu quý", ông Thăng chia sẻ.
Theo ông Thăng, việc chọn TP HCM - với vai trò trung tâm, động lực phát triển kinh tế của cả nước - là nơi diễn ra hội nghị đầu tiên không chỉ là vinh dự của thành phố mà còn đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về sự cầu thị, đề cao tinh thần hòa hợp dân tộc hướng tới mục tiêu xây dựng Việt Nam hùng cường cho tất cả mọi người dân Việt Nam, dù họ sinh sống ở đâu.
Trước 500 kiều bào, ông Đinh La Thăng cam kết, sau hội nghị này lãnh đạo thành phố sẽ cùng các sở ngành hình thành cơ chế tương tác, giữ mối quan hệ chặt chẽ với kiều bào để triển khai các đề xuất cụ thể, nhất là các vấn đề cải thiện chất lượng sống của người dân.
"Tôi hoàn thoàn đồng tình với ý kiến của ông Dương Nguyên Vũ, đại diện cho 500 kiều bào, đã nói là chúng ta phải bắt tay hành động ngay. Chúng tôi sẽ tích cực cùng các đại biểu tháo gỡ bất kỳ vướng mắc nào gây cản trở cho quá trình hợp tác", ông Thăng nói và đề nghị mỗi cán bộ thành phố phải coi những góp ý của đại biểu là nguồn lực quan trọng, là "ngân hàng ý tưởng" cho sự phát triển của thành phố.
"TP HCM luôn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục hàng ngày. Nhưng rõ ràng mọi thứ đang hướng về tương lai với năng lượng tràn ngập trên mỗi khuôn mặt. Mong rằng bà con kiều bào dù đang sinh sống, lập nghiệp ở đâu trên khắp thế giới sẽ luôn hướng về quê hương, về với thành phố như cây có cội như sông có nguồn", ông Thăng nhắn nhủ khi tuyên bố kết thúc hội nghị.
Thiên Ngôn

Geen opmerkingen:

Een reactie posten