zondag 30 september 2018

Elon Musk bị phạt 20 triệu đôla, phải từ chức chủ tịch nhưng vẫn còn là CEO Tesla

Elon Musk bị phạt 20 triệu đôla, phải từ chức chủ tịch

  • 30 tháng 9 2018

Elon Musk Bản quyền hình ảnhReuters
Image caption Elon Musk ra tuyên bố về việc khách hàng đầu tiên sẽ bay vòng quanh Mặt Trăng với SpaceX

Elon Musk phải từ chức chủ tịch Tesla và phải trả một khoản tiền phạt sau khi đạt thỏa thuận dàn xếp pháp lý về những bài đăng trên Twitter hé lộ việc tư nhân hóa Tesla.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) khởi kiện ông Musk tội lừa đảo chứng khoán.
Theo thỏa thuận, ông Musk sẽ vẫn là CEO Tesla nhưng sẽ từ chức chủ tịch trong ba năm.
Ông và Tesla cũng sẽ phải nộp phạt 20 triệu đôla.
Đời sống sắc màu của 'trùm' công nghệ Elon Musk
Tỷ phú Nhật đáp SpaceX lên Mặt Trăng
Tham Luang: Tỷ phú Mỹ xin lỗi thợ lặn Anh
Bí quyết quản trị của Elon Musk, ông chủ Tesla

Musk viết gì trên Twitter?

Các cáo buộc gian lận liên quan đến bài đăng trên Twitter hồi tháng 8/2018 của Musk cho biết ông đang cân nhắc việc rút hãng sản xuất xe điện Tesla khỏi thị trường chứng khoán vì đã tìm được nguồn tiền để tư nhân hóa với mức 420 đôla/cổ phiếu.
Sau thông báo này, cổ phiếu Tesla tăng trong thời gian ngắn, nhưng sau đó giảm trở lại.
SEC cho biết tuyên bố đó là "sai sự thật và gây nhầm lẫn".
"Sự thật là Musk thậm chí không thảo luận các điều khoản quan trọng, gồm giá cả, với bất kỳ nguồn tiền nào", SEC cho hay.
Ông Musk ban đầu nói rằng việc buộc tội ông là "bất công" và ông làm theo "lợi ích tốt nhất của sự minh bạch và vì lợi ích của các nhà đầu tư".

Có gì trong thỏa thuận?

Ngoài tiền phạt, ông Musk cũng sẽ phải tuân thủ quy định của công ty khi đưa thông tin trên Twitter.
Bây giờ ông còn 45 ngày trước khi rời vai trò chủ tịch Tesla.
Ban đầu SEC tìm cách cấm ông Musk tham gia điều hành, nhưng theo thỏa thuận, ông có thể tiếp tục làm giám đốc điều hành Tesla.
Một tân "chủ tịch độc lập" sẽ được bổ nhiệm và người này sẽ nắm quyền điều hành hội đồng quản trị.
Elon Musk công kích báo chí trên Twitter
Chiếc phi cơ bay nửa vòng Trái đất trong 30 phút
Hành trình đến Sao Hoả dành cho các 'tay mơ'

The Tesla Roadster in earth orbit, before it headed towards Mars Bản quyền hình ảnhSPACEX
Image caption Chiếc xe hơi điện Tesla Roadster trong quỹ đạo Trái Đất trước khi bay tới sao Hỏa

'Hàng loạt rắc rối'

Elon Musk là một trong những doanh nhân quyền lực nhất thế giới, đó là điều không thể chối cãi.
Phát ngôn mới nhất của Elon Musk là về vị khách đầu tiên trả tiền để được lên bay quanh Mặt Trăng cùng SpaceX của ông.
Trước đó, ông luôn đi trước thời đại với hàng loạt những sản phẩm đột phá như dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal, xe hơi điện Tesla, và SpaceX.
Từ nhỏ, ông đã có niềm đam mê đặc biệt với năng lượng mặt trời và trí tuệ nhân tạo. Thiên tài công nghệ từng hứa sẽ tạo ra Hyperloop - con tàu du hành siêu tốc bằng nam châm, chạy trong một đường ống mà ông thiết kế, dẫn thẳng lên Sao Hoả.
Tuy nhiên, năm nay, mọi sự với doanh nhân công nghệ không được như ý.
Hồi tháng trước, trên Twitter, ông đánh động các nhà đầu tư với tuyên bố định chuyển Tesla thành dạng công ty tư nhân thay vì có phát hành cổ phiếu trên thị trường, và nguồn tài trợ quỹ này đã được đảm bảo. Tin này khiến cổ phiếu công ty tăng vọt.
Hai tuần sau, ông tuyên bố buông dự án, khiến các nhà đầu tư không hài lòng muốn kiện ông.
Nay, tin cho hay Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã yêu cầu hãng của ông nộp trình "tài liệu", với các tường thuật nói hiện đang có cuộc điều tra hình sự đối với công ty.
Đây chỉ là một vụ bê bối bên cạnh hàng loạt rắc rối khác như việc ông hút cần sa trong một buổi phát hình trực tuyến qua webcast, uống rượu whisky công khai, và việc ông cáo buộc một thợ lặn cứu đội bóng Thái Lan thoát khỏi hang động là "kẻ ấu dâm" - thứ đang khiến Elon Musk bị kiện và thu hút sự chú ‎ý của toàn thế giới.

Chàng trai Nam Phi

Elon Musk sinh ra ở Pretoria, Nam Phi. Thời trẻ, ông chịu ảnh hưởng nặng nề của các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng và điện tử - một nền tảng tốt cho những phát kiến sau này của ông.
17 tuổi, Musk đến Canada theo học ngành vật lý và kinh tế. Đến năm 1992, ông đến Mỹ để tiếp tục việc học hành.
Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày theo học chương trình tiến sỹ, Musk quyết định bỏ dở và thành lập nền tảng đọc báo trực tuyến Zip2. Sau đó, chàng thanh niên rao bán công ty và bắt tay vào xây dựng PayPal.
Năm 2002, sau thương vụ eBay mua Paypal với giá 1,5 tỉ đôla, Elon bỏ túi 165 triệu đôla khi mới 31 tuổi.

A man prepares to plug into a Tesla charging station in Fremont, California Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Một tài xế tại trạm xạc điện Tesla ở Fremont, California

Tiền bạc và danh tiếng

Không phải là người tạo ra Tesla nhưng cái tên của Musk gắn liên với công ty.
Elon Musk tham gia #DeleteFacebook
Nén giận khi làm việc gây hại cho sức khỏe
Nghệ thuật và khoa học của sức cuốn hút
Bạn có thể tự rèn luyện thành người dám mạo hiểm
Sau khi bỏ túi lợi nhuận khủng từ vụ bán PayPal, Musk đầu tư vào SpaceX và Tesla, nơi ông trở thành Chủ tịch trước khi giữ vị trí giám đốc điều hành vào năm 2008.
Năm đó hóa ra là một năm thật tồi tệ, khi lần phóng tên lửa thứ ba của SpaceX thất bại, và chi phí tăng cao đe doạ đến sự tồn vong của Tesla.
Bất chấp những thành tựu công nghệ phi thường, các công ty của ông liên tục lỡ hẹn và bị những khoản thua lỗ khổng lồ.
Một số người bắt đầu hoài nghi về khả năng lãnh đạo của Elon tại một công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán như Tesla.

Elon Musk and then-wife Talulah Riley arrive at the White House in February 2014 Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Elon Musk và vợ là Talulah Riley tại Nhà Trắng hồi 2014, khi hai người chưa ly hôn

Đời sống cá nhân

Bên cạnh bê bối hút cần sa và những phát ngôn gây tranh cãi trên Twitter, ông đã ba lần kết hôn - trong đó hai lần với cùng một người phụ nữ.
Vợ đầu của ông là Justine Wilson, một văn sỹ.
Năm 2010, ông cưới Talulah Riley. Sau hai năm chung sống, cả hai chia tay.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, họ tái hôn. Năm 2014, Elon có ý định ly hôn nhưng đã kịp nghĩ lại. Hai năm sau, tới lượt Riley quyết định đâm đơn. Và lần này họ chính thức đường ai nấy đi.
Musk sau đó được cho là có hẹn hò với Amber Heard và Cameron Diaz. Rober Downey Jr đã lấy Musk làm cảm hứng để diễn tròn vai Tony Stark trong siêu phẩm điện ảnh Iron Man.

BBC
Elon Musk có một sức làm việc phi thường. Khi sáng lập Zip2, ông làm việc quên ngày đêm, ngủ ở văn phòng, hay thậm chí tắm nhờ ở cơ sở YMCA.
Tháng trước, trong một cuộc phỏng vấn đầy cảm xúc với tờ New York Times, Elon Musk tiết lộ ông làm việc lên tới 120 tiếng/ tuần và đôi lúc phải uống thuốc Ambien để điều trị chứng mất ngủ.
Một câu hỏi lớn hiện nay là liệu những cổ đông có tiếp tục sát cánh bên CEO Tesla lắm tài nhiều tật hay không.
Cổ phiếu của Tesla đã bị sụt giảm hơn một phần năm kể từ khi Musk đưa dòng tweet về "nguồn quỹ được đảm bảo".
Kết quả kinh doanh mới nhất của công ty cho thấy một sự thua lỗ kỷ lục nữa.
Các nhà phân tích đang thúc giục công ty chỉ định thay thế một nhà lãnh đạo khác.
Nhưng có một điều chắc chắn là Musk sẽ tiếp tục chiếm vị trí hàng đầu các mặt báo trong tương lai.

Tin liên quan

Nhật Bản tăng cường hợp tác với 5 nước vùng Mêkông (Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Việt Nam, Miến Điện) + 66 tỉ đô la đầu tư vào Tiểu vùng sông Mêkông

Nhật Bản tăng cường hợp tác với năm nước vùng Mêkông

mediaThủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp lãnh đạo năm nước vùng Mêkông tại Tokyo vào tháng 7/2015Reuters
Lãnh đạo của Nhật Bản và năm nước Đông Nam Á dọc dòng sông Mêkông sẽ họp tại Tokyo vào tháng 10/2018 nhằm thảo luận và thông qua một chiến lược hợp tác mới, phù hợp hơn với tình hình trong khu vực và toàn cầu.
Trang Mainichi của Nhật ngày 29/09/2018, trích nhiều nguồn tin ngoại giao, cho biết, lãnh đạo sáu nước, Nhật Bản, Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Miến Điện và Thái Lan sẽ thảo luận và thông qua kế hoạch mới mang tên « Chiến lược Tokyo 2018 vì Hợp tác Mêkông-Nhật Bản  / Tokyo Strategy 2018 for Mekong-Japan Cooperation ». Kế hoạch này chú trọng đến ba điểm hợp tác chính : kết nối, con người và môi trường.
Vẫn theo báo Mainichi, để đảm bảo khả năng kết nối năng động và hiệu quả, lãnh đạo năm nước Đông Nam Á và Nhật Bản sẽ xúc tiến phát triển « cơ sở hạ tầng có chất lượng » thông qua việc tăng cường « kết nối hạ tầng cứng, kết nối hạ tầng mềm và kết nối ngành » trong vùng Mêkông và ra ngoài khu vực.
Yếu tố con người được chú trọng, đặc biệt là sự tham gia của phụ nữ, phát triển du lịch trong vùng theo tiêu chuẩn « chất lượng Nhật Bản », hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục và Nhà nước pháp quyền, đối phó với thách thức biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước và giảm thiểu các nguy cơ thiên tai.
Nhật Bản hiện triển khai « Chiến Lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở », đồng thời tiếp tục tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và phát triển quyền tự do hàng hải, hàng không trong vùng Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180929-nhat-ban-tang-cuong-hop-tac-voi-nam-nuoc-vung-mekong

66 tỉ đô la đầu tư vào Tiểu vùng sông Mêkông

mediaThủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (G) và các đồng nhiệm Hun Sen (Cam Bốt), Thongloun Sisoulith (Lào) tại Hà Nội ngày 31/03/2018.REUTERS/Kham/Pool
Các nhà lãnh đạo sáu quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mêkông hôm nay 31/03/2018 tại Hà Nội đã thông qua một kế hoạch đầu tư đầy tham vọng, với 227 dự án có tổng vốn 66 tỉ đô la cho năm năm tới. Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) đóng góp ít nhất 7 tỉ đô la, số còn lại từ các chính phủ và tư nhân.
Kế hoạch này được đưa ra nhân Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng lần thứ sáu họp tại Việt Nam, với sự tham dự của các thủ tướng Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Việt Nam, phó tổng thống Miến Điện và ngoại trưởng Trung Quốc.
Chương trình Hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS) được ADB khởi xướng từ năm 1992, đến nay đã huy động được 21 tỉ đô la, đa số dành cho các dự án hạ tầng.
Hãng tin AP dẫn phát biểu của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc: « GMS đang khởi đầu một kỷ nguyên phát triển mới, với những cơ hội và thách thức chưa từng có, đòi hỏi phải có phương cách sáng tạo với tầm nhìn toàn diện lâu dài, nhằm tận dụng sức mạnh của mỗi quốc gia (…) tạo sự cộng hưởng mạnh mẽ thông qua GMS để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, hài hòa với việc phát triển xã hội và bảo vệ môi trường ».
Tiểu vùng sông Mê kông mở rộng gồm năm nước nằm dọc theo lưu vực con sông này cùng với tỉnh Vân Nam và khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc, có 340 triệu dân và tổng GDB 1,3 ngàn tỉ đô la, là một trong những khu vực có kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Xuân Phúc nhận định việc hợp tác tiếp tục là động lực cho sự phát triển của khu vực.
Trung Quốc sẽ nhập 8.000 tỉ đô la hàng trong 5 năm tới
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm nay 31/0/2018 loan báo như trên, nhân hội nghị Tiểu vùng sông Mêkông tổ chức tại Việt Nam. Bên cạnh đó sẽ thu hút 600 tỉ đô la đầu tư ngoại quốc, đồng thời đầu tư 750 tỉ đô la vào các nước khác. Ông Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh ủng hộ « hệ thống thương mại đa phương, cổ vũ cho toàn cầu hóa kinh tế một cách rộng mở và thăng bằng (…), kiên quyết phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ».
 http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180331-66-ti-do-la-dau-tu-vao-tieu-vung-song-mekong

Khai mạc hội nghị thượng đỉnh các nước vùng sông Mêkông

mediaLãnh đạo 6 nước tham dự Diễn đàn Hợp tác Lan Thương - Mêkông tại Phnom Penh Cam Bốt ngày 10/01/2018.REUTERS/Samrang Pring
Lãnh đạo các quốc gia vùng sông Mêkông họp lại hôm nay, 10/01/2018, tại thủ đô Phnom Penh của Cam Bốt trong bối cảnh Trung Quốc đang xây dựng thêm các con đập làm thay đổi dòng chảy của con sông này và gây nhiều quan ngại về môi trường.
Theo hãng tin AP, hội nghị Cấp cao Hợp tác Lan Thương-Mêkông do thủ tướng Cam Bốt Hun Sen và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đồng chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và Miến Điện.
Mục tiêu của hội nghị, do Bắc Kinh khởi xướng vào năm 2015, là thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống của hàng triệu người sinh sống tại vùng sông Mêkông.
Được gọi là Lan Thương ở Trung Quốc, sông Mêkông xuất phát từ vùng cao nguyên Tây Tạng, trải dài trên gần 5000 km, băng qua các nước Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cam Bốt và Việt Nam, rồi đổ ra Biển Đông. Tuy nhiên, đây cũng là con sông gây căng thẳng khu vực do nhiều dự án đập thủy điện , chủ yếu của Trung Quốc, làm thay đổi dòng chảy của con sông và gây quan ngại về những tác hại đến môi trường. Bị tác động nhiều nhất vẫn là Việt Nam, quốc gia nằm ở hạ nguồn sông Mêkông.
Kể từ thập niên 1990, Trung Quốc đã xây tổng cộng 8 đập thủy điện trên thượng nguồn và đang xây hoặc dự trù xây thêm khoảng một chục đập nữa. Trung Quốc cũng tham gia nạo vét và mở rộng sông Mêkông để các tàu lớn có thể lưu thông trên sông này. Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã cảnh báo là việc này sẽ gây những tác hại nặng nề lên hệ sinh thái.
Hội nghị Cấp cao Hợp tác Lan Thương- Mêkông được xem là một cơ chế cạnh tranh với Ủy hội sông Mêkông (MRC), được thành lập từ cách đây hơn 60 năm, và không bao gồm Trung Quốc lẫn Miến Điện.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180110-khai-mac-hoi-nghi-thuong-dinh-cac-nuoc-vung-song-mekong

Biển Đông : Tàu chiến Mỹ tuần tra sát Gạc Ma và Ga Ven ở Trường Sa + TV Trung Quốc phát phóng sự chiến đấu cơ tập bắn đạn thật [... dọa ông Trump ?] ở Biển Đông



Biển Đông : Tàu chiến Mỹ tuần tra sát Gạc Ma và Ga Ven ở Trường Sa


mediaKhu trục hạm Mỹ USS Decatur hoạt động tại Biển Đông (Ảnh chụp ngày 28/06/2016)(www.public.navy.mil)
Các quan chức Hoa Kỳ cho CNN biết, Hải Quân Mỹ, ngày hôm nay, 30/09/2018, đã điều một tàu chiến đi tuần tra sát các thực thể đang có tranh chấp, ở vùng quần đảo Trường Sa, Biển Đông.
Theo hai quan chức Mỹ, khu trục hạm USS Decatur, được trang bị tên lửa dẫn đường, đã hoạt động trong vùng biển cách cụm đá Ga Ven và đá Gạc Ma chưa đầy 12 hải lý. Hai thực thể này thuộc quần đảo Trường Sa. Việc tuần tra của tàu chiến USS Decatur nằm trong khuôn khổ « các hoạt động bảo đảm tự do lưu thông hàng hải », nhằm khẳng định sự cần thiết phải tôn trọng quyền lưu thông, tự do qua lại tại các vùng biển quốc tế.
Một quan chức Hoa Kỳ nhấn mạnh với CNN: các hoạt động bảo đảm quyền tự do lưu thông là một thách thức, xem xét lại các đòi hỏi chủ quyền quá mức trên biển và cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc tôn trọng các quyền, các quyền tự do và sử dụng biển cũng như không gian mà luật phát quốc tế bảo đảm cho các quốc gia.
Hoạt động của Hải Quân Mỹ bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải gần đây nhất là vào tháng 05/2018 : hai tàu chiến Mỹ tiến vào trong vùng 12 hải lý của bốn thực thể trong vùng quần đảo Hoàng Sa, ở Biển Đông.
Từ lâu nay, Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc tiến hành quân sự hóa các đảo, các thực thể mà Bắc Kinh bồi đắp thành đảo, tại các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
Hồi đầu tuần, các oanh tạc cơ chiến lược B-52 của Mỹ bay qua Biển Đông và Bắc Á. Đây là những khu vực được coi là nhậy cảm đối với quân đội Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh đã coi các phi vụ này là những hành động « khiêu khích ».
Cuộc tuần tra của khu trục hạm USS Decatur hôm nay, bên trong vùng 12 hải lý của cụm đá Ga Ven và đá Gạc Ma, Trường Sa, chắc chắn sẽ làm Trung Quốc tức giận.
Ngày 26/09, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis khẳng định rằng các hoạt động của không quân và hải quân Mỹ tại vùng biển này không có gì là « khác thường » cả.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180930-bien-dong-tau-chien-my-tuan-tra-sat-dao-gac-ma-va-cum-da-ga-ven-o-truong-sa


TV Trung Quốc phát phóng sự chiến đấu cơ tập bắn đạn thật ở Biển Đông


mediaKhông quân Trung Quốc luyện tập bắn đạn thật ở Biển Đông. Ảnh do báo Japan Times chụp lại trên truyền hình Trung Quốc.(Capture d'image www.japantimes.co.jp)
Chiến đấu cơ và oanh tạc cơ Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông. Một đoạn phóng sự ngắn về sự kiện này được đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV phát ngày 29/09/2018, chỉ vài ngày sau khi máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay qua vùng Biển Đông đang có tranh chấp.

Trang Japan Times lược lại phóng sự của CCTV cho biết nhiều máy bay tiêm kích và máy bay ném bom của lực lượng không quân của Hải Quân Trung Quốc thuộc Bộ Chỉ Huy Phương Nam tiến hành tập trận nhằm thử nghiệm kỹ năng của phi công trong việc tấn công, thâm nhập và oanh kích chính xác vào các mục tiêu trên biển. Thông tin cuộc tập trận được Nhân Dân nhật báo đăng lại cùng với nhiều hình ảnh chụp màn hình từ phóng sự của CCTV.
Tuy nhiên các nguồn tin Trung Quốc không cho biết cuộc tập trận nói trên diễn ra vào lúc nào.
Đây có thể là lời đáp trả cho việc oanh tạc cơ B-52 của Mỹ bay qua vùng Biển Đông hôm 25/09, bị Bắc Kinh lên án là hành động « khiêu khích ».
Việc điều B-52 đến Biển Đông được quân đội Mỹ coi như một hoạt động thường kỳ, trong khuôn khổ các chiến dịch tuần tra « bảo vệ tự do hàng hải » (FONOP) cùng các đồng minh.
Tháng 08/2018, một chiếc B-52 đã tiến hành thao dượt tương tự ở vùng Biển Đông. Trước đó, vào tháng Sáu, sau khi hai chiếc B-52 của Mỹ bay gần các đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông, ngoại trưởng Trung Quốc đã tuyên bố không một tầu chiến hay chiến đấu cơ nào có thể làm lay chuyển quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của Bắc Kinh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180930-truyen-hinh-trung-quoc-phat-phong-su-chien-dau-co-tap-ban-dan-that-o-bien-dong

zaterdag 29 september 2018

Trung Quốc – Hoa Kỳ : Một cuộc chiến công nghệ gay gắt + Công nghệ : Bắc Kinh nếm đòn do ảo tưởng bắt kịp Mỹ

Trung Quốc – Hoa Kỳ : Một cuộc chiến công nghệ gay gắt

mediaẢnh minh họa bài viết trên báo Le FigaroCapture d'image Le Figaro)
Phải chăng cuộc chiến thương mại mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đối đầu với các biện pháp áp thuế lẫn nhau chỉ là bề nổi ? Ẩn sau cuộc chiến này là một cuộc tấn công khác, hệ quả còn nặng nề hơn đang lặng lẽ diễn ra từ nhiều tháng qua.
Đó chính là « Tech war », một cuộc chiến công nghệ có khả năng làm đảo lộn địa chính trị thế giới cũng như bản chất sâu đậm của xã hội ngày mai. Về chủ đề này báo Le Figaro số ra ngày 24/09/2018 có bài viết đề tựa « Trung Quốc và Hoa Kỳ, một cuộc chiến công nghệ không chút nương tay ». RFI Tiếng Việt lược dịch.
Trung Quốc và Hoa Kỳ : Những thủ lĩnh công nghệ
Đó sẽ là một cuộc đối đầu dữ dội giữa hai cường quốc duy nhất có khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ. Và các hãng công nghệ lớn là những con át chủ bài hàng đầu. Nếu so về tương quan lực lượng, Hoa Kỳ và Trung Quốc, « kẻ tám lạng người nửa cân ».
Bảng báo cáo Mary Meeker Internet Trends 2018 cho thấy trong số 20 doanh nghiệp Web có giá trị hàng đầu, có 11 hãng là của Mỹ và 9 hãng Trung Quốc. Châu Âu hầu như vắng mặt mặc dù khu vực này cũng có nhiều doanh nghiệp hiện diện trên sàn chứng khoán.
Bên cạnh các hãng lớn, những doanh nghiệp khởi nghiệp không niêm yết giá chứng khoán và có giá trị hơn một tỷ đô la cũng là những cánh tay đắc lực khác cho hai cường quốc công nghệ này. Trong số 260 doanh nghiệp loại này, gần phân nửa (125) là của Mỹ, 77 của Trung Quốc, còn châu Âu chỉ có khoảng 30.
Kết quả có được không phải ngẫu nhiên. Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng đầu của mình, nhất là trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo Artificial Intelligence - AI. Mức đầu tư cho AI của đôi bên xấp xỉ tương đương trong khoảng 165-170 tỷ đô la, kể cả trong khối tư nhân.
Theo Le Figaro, sở dĩ ngần ấy phương tiện được đầu tư vào lĩnh vực này là vì cả hai cường quốc đều xem AI như là một công cụ mới cho sức mạnh quân sự và chính trị. Ngay từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ đã hiểu được tầm quan trọng của AI, một công cụ gần như bí hiểm nhằm gia tăng ưu thế quân sự của Mỹ trên thế giới.
Bên cạnh đó, nước Mỹ cũng hiểu được giá trị của công nghệ này trong xã hội loài người tương lai : Từ công tác tổ chức hành chính cho đến chẩn đoán bệnh tật, nhất là trong việc dự đoán kinh tế. Tóm lại, công nghệ AI có vai trò như là phương tiện gây ảnh hưởng, một công cụ của quyền lực mềm.
Về phần mình, Bắc Kinh tin rằng trí thông minh nhân tạo sẽ giúp cải thiện khả năng ra quyết định và hành động khi có chiến tranh. Trong sản xuất, máy móc tự chủ có thể thay thế con người thực hiện nhiều nhiệm vụ với hiệu quả cao và nhanh hơn. Đặc biệt là trong chính trị, AI bảo đảm sự trường tồn của mô hình siêu tập trung quyền lực, độc quyền lãnh đạo. Đó sẽ là một công cụ hữu ích giúp kiểm soát người dân và dự đoán các hiệu quả về chính sách của nhà nước.
Hơn nữa, trí thông minh nhân tạo được cho là có khả năng khôi phục tầm vĩ đại xưa kia cho đế chế Trung Hoa để có thể đi từ « Made in China » (Sản xuất tại Trung Quốc) sang « Created in China » (Sáng chế ở Trung Quốc).
« Tám chiến binh gác cổng »
Thách thức liên quan đến trí thông minh nhân tạo lớn đến mức mọi thủ đoạn đều được cho phép. Chính quyền Bắc Kinh áp dụng đủ mọi phương cách : Len lỏi tham gia vào các doanh nghiệp chiến lược, ồ ạt gởi sinh viên ra nước ngoài, hạn chế cổng vào thị trường của mình và thậm chí cả dọ thám.
Đầu tư gián tiếp của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ Mỹ cũng khá lớn. Số liệu của CB Insight cho thấy trong giai đoạn 2015-2017, đầu tư của Bắc Kinh tại Mỹ có lẽ đã lên đến 24 tỷ đô la.
Một công cụ khác không thể thiếu trong hành trình thâu tóm công nghệ : Giáo dục. Bộ Quốc Phòng Mỹ ước tính ¼ số sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học và công nghệ là người Trung Quốc.
Tệ hơn, một báo cáo của ủy ban tình báo Thượng Viện Mỹ năm 2013 khẳng định Trung Quốc là thủ phạm của 96% các vụ gián điệp mạng. Một điều tra khác của tờ Politico hồi tháng 3/2018 tiết lộ sự hiện diện đông đảo của nhiều điệp viên và người cung cấp thông tin Trung Quốc tại thung lũng Silicon Valley.
Trong khi mà trên lãnh thổ của mình, Trung Quốc áp đặt các doanh nghiệp nước ngoài làm việc với các hãng trong nước phải lưu trữ dữ liệu tại chỗ và nhượng quyền bằng sáng chế công nghệ, … bằng không những doanh nghiệp đó bị cấm cửa thâm nhập nền thị trường lớn thứ hai trên thế giới. Song song đó, chính quyền Bắc Kinh còn nghiêm cấm các công sở sử dụng một số sản phẩm của Microsoft, Apple và Intel !
Từ lâu vẫn kín tiếng, nay Hoa Kỳ bắt đầu gia tăng hành động đáp trả. Washington nắm trong tay nhiều lá chủ bài. Được mệnh danh là « tám chiến binh gác cổng », Apple, Cisco, Google, IBM, Intel, Microsoft, Oracle và Qualcomm bị truyền thông Trung Quốc tố cáo là « đã thâm nhập quá sâu trong cơ sở hạ tầng tin học của Trung Quốc ».
Hoa Kỳ còn đi xa hơn khi cấm bán các linh kiện điện tử cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE và cản trở các tập đoàn Trung Quốc thực hiện một số thương vụ mua lại các doanh nghiệp nhà nước (MoneyGram, Qualcomm).
Các quyết định áp thuế của tổng thống Mỹ cho thấy quyết tâm của ông xoay lưng lại với một trào lưu hướng đến mở cửa thị trường từ nhiều thập niên qua để rồi dựng lên các hàng rào bao quanh một pháo đài Mỹ. Thậm chí chấp nhận tự cô lập mình với các đồng minh.
Thắng lợi của AlphaGo năm 2016 : Một cú sốc mạnh thực sự tại Trung Quốc
Câu hỏi đặt ra, từ lúc nào trí thông minh nhân tạo trở thành vấn đề mấu chốt tại Trung Quốc ? Trả lời báo Le Figaro, ông Charles Thibout, nhà nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), chuyên gia về các thách thức địa chính trị của các nền công nghệ đang trỗi dậy trong đó có trí thông minh nhân tạo, cho rằng sự ganh đua giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể dẫn đến một sự đối đầu giữa Trung Quốc và tập đoàn khổng lồ có thế lực như Nhà nước, GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft).
« Khi AlphaGo, chương trình tin học do công ty Google DeepMind phát triển, đánh bại nhà vô định cờ vây Hàn Quốc Lee Sedol vào tháng 03/2016, điều này tạo ra một cú sốc mạnh thực sự tại Trung Quốc, nơi mà cờ vây có âm hưởng văn hóa rất lớn. Cho đến lúc đó, các quan chức Trung Quốc đã quan tâm đến trí thông minh nhân tạo. Thế nhưng thắng lợi này của một tập đoàn Hoa Kỳ đã thúc đẩy nhanh chương trình về trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc, vì lo sợ bị tụt hậu về công nghệ. Thậm chí người ta coi đó như « thời điểm Spoutnik » tức là khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh Spoutnik. »
Tại sao một công nghệ như trí thông minh nhân tạo lại hội tụ các căng thẳng chính trị với Hoa Kỳ ?
« Đối với nước Trung Quốc đương đại, trí thông minh nhân tạo là phương tiện trả lại cho chế độ vị thế được coi như là đương nhiên trên bàn cờ quốc tế. Đáp lại sự huyễn hoặc của Trung Quốc là « tư duy chuyên gia » Mỹ, như cách gọi của nhà phân tích chính trị Stanley Hoffmann, theo đó mọi vấn đề chính trị, hiểu theo nghĩa rộng của từ này, có thể được giải quyết thông qua kỹ thuật.
Hai siêu cường đều có những suy nghĩ huyễn hoặc về trí thông minh nhân tạo và mỗi bên đều chạy đua để có thể vượt lên trên những tiến bộ mà bên kia đạt được. Hoa Kỳ đối đầu với Trung Quốc về trí thông minh nhân tạo, giống như trước kia Mỹ đối đầu với Liên Xô trong lĩnh vực chinh phục không gian. Do vậy, trí thông minh tạo là một vấn đề chính trị. »
Trong cuộc đối đầu này, bên nào giành thắng lợi ?
« Trung Quốc có một nền kinh tế được chỉ đạo và đó là một lợi thế để điều phối việc thực hiện một chiến lược quốc gia. Thế nhưng, Trung Quốc cũng cần đến những nhân tài Mỹ để phát triển các ngành công nghệ riêng của họ. Còn Hoa Kỳ thì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và các đầu tư Trung Quốc. Ngoài ra, chính sách kinh tế của Mỹ chỉ có vai trò khuyến khích. Mỹ mong muốn là các doanh nghiệp mũi nhọn trong lĩnh vực phát minh có thể trang bị cho quân đội các khả năng công nghệ thông qua các thị trường.
Thế nhưng hiện nay, các nhân viên của tập đoàn Google chống lại các dự án quân sự Mỹ, buộc tập đoàn này phải hủy các hợp đồng ký với quân đội. Do có khả năng chống lại Nhà nước, các tập đoàn công nghệ như Google có một vai trò ngoại giao thực sự. Đầu tư tư nhân trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo cao hơn rất nhiều so với đầu tư của các quốc gia và các doanh nghiệp có thế lực như những Nhà nước này sẽ có một tầm quan trọng chủ chốt khi đối mặt với Trung Quốc. »
Tiếc rằng trong cuộc đọ sức này, châu Âu bị đứng ngoài cuộc, đóng vai khán giả. Châu Âu bất lực nhìn dòng chất xám chảy qua nước Mỹ và chỉ biết nhìn việc chuyển giao công nghệ dồn sang Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180928-trung-quoc-–-hoa-ky-mot-cuoc-chien-cong-nghe-gay-gat-0

Công nghệ : Bắc Kinh nếm đòn do ảo tưởng bắt kịp Mỹ

mediaHồ sơ "Mỹ - Trung, thời điểm đụng độ", tuần báo Courrier International, 27/09/2018.CẢnh chụp màn hình
Cuộc chiến thuế Mỹ-Trung dữ dội đang diễn ra chỉ là màn mở đầu cho cuộc đọ sức toàn diện. Đó là nhận định của Courrier International tuần này. Tuần báo quốc tế Pháp, số ra cuối tháng 9/2018, giới thiệu một tổng thuật về cuộc chạy đua công nghệ số, mà Bắc Kinh đang nếm đòn, do ảo tưởng có thể nhanh chóng đuổi kịp Hoa Kỳ, trích từ báo South China Morning Post (SCMP) (1).
Trong cuộc chạy đua dành vị trí thống trị thế giới về công nghệ cao, chính tham vọng bị đánh giá là « hung hãn » của Trung Quốc đã đẩy Bắc Kinh vào tình thế « lẩy bẩy như Cao Biền dậy non ».
SCMP nêu một ví dụ tiêu biểu. Đó là trường hợp công ty tin học khởi nghiệp Redcore Trung Quốc, hồi tháng 08/2018 vừa qua đã kiêu hãnh tuyên bố « phá vỡ được thế độc quyền của Hoa Kỳ », nhờ một phần mềm trình duyệt chưa từng có. Tuy nhiên, ngay sau đó Redcore đã buộc phải cải chính, sau khi phát hiện ra rằng trong sản phẩm này có chứa nhiều dấu ấn của phần mềm trình duyệt Google Chrome nổi tiếng của Mỹ.
Thất bại lồ lộ nói trên có thể được hiểu theo hai cách. Về phía phương Tây, điều này thể hiện rõ chiến lược đánh cắp công nghệ của Bắc Kinh trong tham vọng trở thành siêu cường công nghệ số. Về phía Trung Quốc, vụ Redcore một lần nữa cho thấy « vực thẳm » mà Bắc Kinh phải vượt qua, nếu muốn đuổi kịp Mỹ.
Tham vọng của Redcore, cùng rất nhiều công ty tin học Trung Quốc khác, bắt nguồn từ chương trình MIC 2025, được chính quyền Bắc Kinh khởi sự vào năm 2015. Bắc Kinh đặt mục tiêu trong 10 năm sau đó đưa Trung Quốc lên vị trí ngang hàng với các tập đoàn phương Tây hàng đầu, trong hàng loạt lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, như robot, công nghệ không gian, vật liệu mới hay xe chạy bằng các loại năng lượng mới. Công nghệ tin học là một trong 10 lĩnh vực mũi nhọn này (xem thêm : Trí thông minh nhân tạo: "Bước đại nhảy vọt mới" của Trung Quốc?).
« Đại nhảy vọt» thời công nghệ số ?
Vấn đề là : 10 năm, thời gian quá ngắn để Trung Quốc thực hiện được tham vọng ghê gớm như vậy.
Bộ trưởng Công Nghiệp và Công Nghệ Tin Học Trung Quốc, hồi 2015, cũng thừa nhận là Trung Quốc phải cần đến 30 năm nữa mới có thể trở thành một siêu cường về công nghiệp. Hiện tại, Trung Quốc rất phụ thuộc vào « các công nghệ cơ bản », mà nước này chủ yếu phải mua của nước ngoài. Sau hơn 20 năm tồn tại, và cho dù đã có hàng tỉ đô la đầu tư, ngành tin học Trung Quốc vẫn không đưa ra được thị trường một « hệ điều hành » máy tính riêng, hay tự chế được các vi mạch tích hợp (SCMP : tính dễ tổn thương của Trung Quốc về công nghệ có thể thấy rõ qua vụ công ty viễn thông Trung Quốc ZTE phải ngừng hoạt động, vì bị Mỹ cắt nguồn linh kiện. Xem thêm : ZTE, yếu tố chính trị trong cuộc đọ sức kinh tế Mỹ-Trung).
SCMP nhận xét là : Dự án MIC 2025 – được triển khai từ ba năm nay, với tham vọng nhanh chóng đưa Trung Quốc lên đỉnh cao thế giới – đã gây ra một cơn sốt săn lùng công nghệ mới, với việc các công ty Trung Quốc tăng cường mua lại các doanh nghiệp mũi nhọn nước ngoài, hay cưỡng bức công ty nước ngoài làm việc tại Trung Quốc phải « chuyển giao » công nghệ… Nhiều cường quốc cũng có những dự án đầy tham vọng trong các công nghệ đỉnh cao, nhưng riêng trường hợp Trung Quốc, các can thiệp trực tiếp, và thô bạo của Bắc Kinh khiến các cường quốc công nghệ, trước hết là Hoa Kỳ, rất cảnh giác.
Muốn lên đỉnh, nhưng thiếu « cơ bản »
Nhà nghiên cứu Lô Tuấn Vĩ (Lu Jiun-wei), làm việc tại một viện kinh tế Đài Loan, chỉ ra một điểm yếu sâu xa trong chiến lược phát triển công nghệ cao của Trung Quốc. Đó là Bắc Kinh chủ yếu trông chờ vào việc lấy lại các công nghệ sẵn có của nước ngoài, mà không tự đầu tư đúng mức cho « các nghiên cứu cơ bản ». Theo Lô Tuấn Vĩ, trong kế hoạch MIC 2025, chỉ có 5% số tiền được dùng cho nghiên cứu cơ bản, tỉ lệ chỉ bằng một phần ba, một phần tư so với các nền kinh tế phát triển.
Bị chỉ trích mạnh, Trung Quốc đã buộc phải tỏ ra bớt hung hăng hơn. Hồi tháng 06/2018, Bắc Kinh chỉ đạo báo chí ngừng nói đến kế hoạch MIC 2025. Tổng biên tập một tờ báo của bộ Khoa Học và Công Nghệ thừa nhận Trung Quốc đã « tự dối mình » khi nghĩ rằng có thể nhanh chóng đuổi kịp Mỹ.
Chiến thuật của « Bình đầu cá »
MIC 2025 tạm thời bị Bắc Kinh cho vào hậu trường, nhưng tham vọng chạy đua công nghệ của Trung Quốc không vì thế mà ngừng lại. Tập đoàn Alibaba vừa quyết định cho ra đời một doanh nghiệp sản xuất vi mạch điện tử riêng, để không phụ thuộc vào Hoa Kỳ.
Xã luận Courrier International tóm lược không khí cuộc chiến Mỹ-Trung với hình ảnh : « Vũ điệu chiến tranh của loài lửng mật Trung Quốc ». « Lửng mật » hay « lửng mật ong » (tiếng Trung là Bình đầu cá/Pingtouge) là tên gọi mà tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc Alibaba đặt cho một doanh nghiệp sản xuất vi mạch, vừa được khai trương rầm rộ, đúng vào lúc ông chủ Alibaba tuyên bố sẽ không thực hiện kế hoạch tạo thêm một triệu chỗ làm mới cho nước Mỹ, như đã hứa với Donald Trump hồi mới đắc cử.
Là một động vật ăn thịt nhỏ bé, nhưng hết sức dữ tợn, lửng mật ong không ngại huyết chiến với các loài ăn thịt to lớn như hổ báo. Trong cuộc đọ sức với các động vật to hơn gấp bội, loài chồn mê mật ong có cách tấn công riêng : Đó là lùi một bước, để tiến hai bước. Chiến thuật này được so với điều mà Bắc Kinh đang làm.
Sự ra đời của công ty sản xuất vi mạch mang tên « Bình đầu cá » được Courrier International coi là một « phát súng mới nhất » từ phía Bắc Kinh, trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Cho dù, đòn đánh thuế mới đây của chính quyền Trump nhắm vào hàng xuất khẩu Trung Quốc trị giá 200 tỉ đô la đang « bóp nghẹt » kinh tế nước này, nhưng tuần báo Pháp dự kiến là, kể từ giờ, Bắc Kinh sẽ không chấp nhận « nhìn Trái đất quay theo giờ Washington » nữa, và sẵn sàng cho cuộc đấu lâu dài với Hoa Kỳ, theo chiến thuật của loài lửng.
Còn tờ The Atlantic, được Courrier International trích dẫn, dự báo quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay đang đi đến « một vùng xám », không hoàn toàn là sự đoạn tuyệt về kinh tế, giống như quan hệ Mỹ-Xô thời Chiến tranh Lạnh, nhưng cũng khác xa với giai đoạn mật thiết đầu thế kỷ XXI. Giờ đây, mỗi bên sẽ tìm cách ngày càng ít phụ thuộc nhau hơn.
Kinh tế Mỹ sung mãn : Phải thừa nhận công Trump
Về phía nước Mỹ, Le Point có bài xã luận « Khi Trump làm nên phép lạ », ca ngợi kinh tế Hoa Kỳ đang trong tình trạng sung mãn. Tổng thống Donald Trump cách đây ít hôm đưa ra nhận xét là « tăng trưởng kinh tế (4,2%) còn cao hơn tỉ lệ thất nghiệp (3,9%) ». Donald Trump khoe đây là điều chưa từng có từ hơn một thế kỷ nay. Le Point khẳng định ngay nhận định này là hoàn toàn sai trái (fake news) (tình hình tương tự đã xảy ra lần gần nhất là vào năm 2006), nhưng không thể không thừa nhận tình trạng tốt đẹp về nhiều mặt của nền kinh tế Mỹ, với tỉ lệ thất nghiệp rất thấp, lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh, lương bổng cũng tăng trở lại, tỉ lệ dân cư nghèo sụt mạnh…
Le Point cho rằng, cho dù chính quyền tiền nhiệm Obama đã đặt nhiều nền tảng cho tình trạng kinh tế khỏe mạnh của nước Mỹ hiện nay, nhưng không thể phủ nhận các đóng góp của Donald Trump, với các biện pháp giảm mạnh thuế cho doanh nghiệp, tăng đầu tư công. Le Point nhấn mạnh là kinh tế Mỹ vững mạnh khiến toàn thế giới, vì không có giải pháp tốt hơn, tiếp tục mua nhiều trái phiếu của bộ Tài Chính Mỹ, « cho dù toàn thế giới có thể ghét Donald Trump ». Và điều này góp phần làm nên « phép mầu » của nền kinh tế Mỹ hiện nay.
Amazon : Ông chủ mới của thế giới
Cũng về Hoa Kỳ, l’Obs dành hồ sơ chính tuần này cho chủ đề : « Ông chủ mới của thế giới. Jeff Bezos đã lập trình để Amazon xâm nhập vào đời sống của chúng ta như thế nào ». Từ chủ một hiệu sách nhỏ bán hàng qua mạng, hơn 20 năm sau, Jeff Bezos đã biến Amazon thành tập đoàn thương mại hàng đầu thế giới.
Đối với ông chủ Amazon, thế giới hiện nay cũng giống như miền trung tây Hoa Kỳ cuối thế kỷ 19, với cuộc đua chinh phục các miền đất mới. « Tất cả đều có thể. Tất cả đều mong manh. Tất cả đều cần phải làm lại ». Một trong các bí quyết thành công của doanh nhân được người Mỹ rất hâm mộ này, là phục vụ khách hàng đến mức tối đa.
Amazon không chỉ là công ty chuyển phát nhanh với tốc độ kỉ lục, mà còn buộc chân khách hàng bằng nhiều ưu đãi, quà tặng. Để chinh phục được khách hàng, thì phải nắm được tối đa các thông tin về họ. Dịch vụ lưu giữ thông tin của Amazon trên đám mây điện toán, Amazon Web Service, chỉ chiếm 20% doanh số của tập đoàn, nhưng đem lại hơn 50% lợi nhuận cho Amazon.
Ủy Ban Châu Âu vừa mở điều tra về nghi án Amazon lợi dụng các dữ liệu về khách hàng, để khẳng định vị thế độc quyền.
Trong bài « Những gói hàng bị đặt bẫy », l’Obs đưa ra một giải thích khác về nguyên nhân thành công kỳ lạ của Amazon. Đó là việc tập đoàn Mỹ khai thác triệt để sức lao động của nhân viên, với « áp lực thường trực », « nhịp độ làm việc hết sức căng thẳng », đồng lương rẻ mạt (theo một điều tra đầu năm nay, có đến 10% nhân viên Amazon phải vắng mặt vì ốm đau, hay bệnh nghề nghiệp). Tuổi trung bình của nhân viên Amazon (làm việc tại hãng) là 32, thời gian làm việc trung bình tại công ty là... « một năm », đứng cuối bảng trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ.
Làm thế nào kháng cự lại yêu tinh Mỹ ?
Về Amazon, l’Obs có một bài khác mô tả nỗ lực tự vệ của các tập đoàn phân phối Pháp, với tựa đề : « Làm thế nào để kháng cự lại yêu tinh Mỹ ? ». Sau một thời gian choáng váng vì uy lực áp đảo của Amazon, các công ty Pháp đã quyết định phản công để giành lại vị trí trên sân nhà.
Tập đoàn phân phối hàng hóa đa chủng Casino Cdiscount chọn cách cạnh tranh trực diện, và giữ được vị trí thứ hai trong số các địa chỉ bán hàng điện tử được nhiều người lui tới nhất. Trong khi đó, tập đoàn siêu thị Monoprix chọn cách hợp tác với Amazon, để hãm bớt đà tiến của « yêu tinh Mỹ ». Về phần mình, Fnac-Darty chọn cách liên minh với Google. Kể từ năm tới khách hàng Fnac-Darty có thể ra lệnh mua hàng, với loa thông minh Google Home.
« Con Đường Tơ Lụa » chọn Marseille: Cơ hội hay cạm bẫy ?
Sự kiện Marseille, hải cảng miền nam nước Pháp đang trở thành một « đầu cầu chiến lược » của Trung Quốc tại châu Âu gây lo ngại là chủ đề của phóng sự điều tra của nhật báo hàng đầu nước Áo Der Standard, được Courrier International dẫn lại (mời xem thêm : LHCA đề ra chiến lược cạnh tranh với Con Đường Tơ Lụa Trung Quốc).
Sau nhiều năm cân nhắc, Trung Quốc quyết định đầu tư vào Marseille, thay vì Barcelona. Tập đoàn vận tải biển số một của Trung Quốc Cosco Shipping, thuộc sở hữu Nhà nước, nắm trong tay hơn 100 tàu hàng chở contenơ, mùa xuân năm nay, đã chính thức chọn Marseille làm căn cứ chính tại khu vục Địa Trung Hải.
Pháp : Lo ngại xử sự thô lỗ nở rộ
Lo ngại về các liên hệ cộng đồng, có vẻ đang trở nên xấu đi tại Pháp, là chủ đề lớn của Le Point. Tuần báo chú ý trước hết đến các xử sự « mất lịch sự » (incivilité) trong đời sống hàng ngày, với hàng tựa trang nhất : « Đồ bẩn thỉu ! ». Tuần báo liệt kê trước hết các hành động văng tục, phá phách, phóng uế bừa bãi, bật nhạc ồn ĩ, gian lận hay đặt chân lên ghế nơi công cộng….
Theo Insee hồi năm ngoái, nơi ở của hơn 600.000 người Pháp, xe hơi của hơn một triệu người bị xâm hại ở các mức độ khác nhau. Năm ngoái, cảnh sát Paris đã tăng cường xử phạt, với tổng cộng hơn 1.200 trường hợp để chó phóng uế lên vỉa hè, hơn 1.000 người vứt đầu lọc thuốc lá xuống đường, hơn 4.500 trường hợp vứt rác sai chỗ. Le Point cũng đưa ra nhiều con số đầy ấn tượng, theo một điều tra, có đến 42% người làm công ăn lương gặp phải các ứng xử bất lịch sự nơi làm việc, 81% bị đồng nghiệp làm ồn, 77% không chào hỏi…
Thực ra theo Le Point, hiện tại chưa có đủ số liệu thống kê để khẳng định tất cả những con số nói trên cho thấy nạn ứng xử không văn hóa đang tăng lên hay giảm xuống tại Pháp. Nhà xã hội học Laurent Mucchielli (CNRS) khẳng định có nhiều hành động phá phách bị xử phạt hơn trên toàn quốc, cũng như tại nhiều thành phố lớn, nhưng đồng thời ông cho rằng cần nhìn vấn đề một cách công bằng và toàn diện hơn, bởi tại những xã hội như Pháp, « hiện nay chúng ta đang được an toàn chưa từng có ».
Còn nhà xã hội học Sebastian Roché (CNRS) lưu ý các chuẩn mực, mà dựa trên đó, người ta đánh giá các ứng xử thế nào thì bị coi là « mất lịch sự », cũng thay đổi rất nhiều theo thời gian, theo hoàn cảnh, hay môi trường xã hội. Ví dụ, trong những năm 1970, tại một khu phố công nhân, việc một bà mẹ lớn tiếng gọi con qua cửa sổ được coi là chuyện rất bình thường, thì hiện nay không phải vậy. Hay tại trung tâm Paris, do áp lực giao thông, việc đỗ xe tại một số điểm bị cấm giờ được nhiều người cho là có thể chấp nhận được…
Tuy nhiên, theo một chuyên gia khác (nhà xã hội học Julien Damon), « các dấu hiệu (đáng lo ngại) này cần được xử lý khẩn cấp ».
« 21 bài học cho thế kỷ XXI »: Con người ngày càng liên đới
Tiếp theo hai cuốn sách bán rất chạy, được dịch ra hơn 30 thứ tiếng (« Sapiens » và « Homo deus », nói về quá khứ và tương lai của nhân loại), nhà sử học Israel Yuval Noah Harari vừa ra mắt cuốn sách thứ ba, mang tựa đề « 21 bài học cho thế kỷ 21 ». Trả lời phỏng vấn l'Obs, Yuval Noah Harari nói ông muốn đưa ra một cái nhìn với hy vọng giúp làm « sáng tỏ » các xu thế của thế giới hiện nay. Một thế giới vốn đang bị chìm ngập trong vô số thông tin « vô bổ ».
Tác giả cuốn « 21 bài học cho thế kỷ XXI » lưu ý đến ba thách thức chủ yếu đe dọa sự sống còn của nhân loại: chiến tranh hạt nhân, biến đổi khí hậuđảo lộn công nghệ. Theo ông, cho dù có tránh được hai hiểm họa đầu, thì trí thông minh nhân tạo và công nghệ y sinh học (thách thức thứ ba) sẽ làm biến đổi sâu sắc thị trường lao động, trật tự thế giới, cũng như chính cơ thể và tâm hồn con người (mời đọc thêm : Trí thông minh nhân tạo sẽ còn đi đến đâu ?).
Theo Yuval Noah Harari, cho dù « nền dân chủ tự do » (démocratie libérale) hiện nay đang bị thách thức nghiêm trọng, cũng như bất lực trước thách thức lớn thứ ba nói trên, thì đây vẫn là phương tiện tốt nhất trong hiện tại, để bảo vệ trật tự thế giới. Nền dân chủ tự do là một trong ba thể chế chủ yếu của nhân loại thế kỷ 20, cùng với chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Hai học thuyết kia đều đã phá sản: chủ nghĩa phát xít với Thế chiến Hai, và chủ nghĩa cộng sản với sự sụp đổ của khối Liên Xô.
Hiện tại, cho dù có những bất đồng, xung đột ghê gớm ở nơi này, nơi khác, theo nhà sử học Israel, nhân loại hiện nay đã thuộc về « cùng một hệ thống chính trị, kinh tế, khoa học ». Trong thế giới đang toàn cầu hóa, số phận con người ngày càng liên hệ mật thiết với nhau.
Người ở đầu này của hành tinh làm nên thực phẩm, quần áo, cho người ở đầu kia, trong khi cuộc sống của chính họ lại bị đe dọa trong một cuộc chiến vì giá cả xăng dầu, mặt hàng mà chúng ta tiêu thụ. Cuộc sống của họ cũng có thể lâm nguy, khi chúng ta thờ ơ trong việc bảo vệ môi trường. Không ai có thể phủ nhận trách nhiệm của mình với người khác, với lý do những con người ấy chẳng liên quan gì đến ta, vì họ sống ở một nơi nào đó xa tít tắp.
Ghi chú
1. Việc tập đoàn Alibaba Trung Quốc, năm 2006, mua lại nhật báo Anh ngữ Hồng Kông vốn có truyền thống hơn một thế kỷ, đã gây nhiều lo ngại lớn: tính độc lập và chất lượng bài sẽ bị suy yếu, và thậm chí tờ báo có thể biến mất (ghi nhận của Courrier International).
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180929-cong-nghe-bac-kinh-nem-don-do-ao-tuong-nhanh-chong-bat-kip-my