donderdag 16 mei 2024

Thủ tướng Slovakia vừa bị bắn là người 'chống Ukraine, muốn thân Việt Nam'?

 

Thủ tướng Slovakia vừa bị bắn là người 'chống Ukraine, muốn thân Việt Nam'?

Ông Robert Fico, ông Phạm Minh Chính

NGUỒN HÌNH ẢNH,VGP

Chụp lại hình ảnh,Các nhà phân tích nhận định Việt Nam là lựa chọn lý tưởng để Thủ tường Slovakia Robert Fico thực hiện các chiến lược ngoại giao của mình

Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã qua khỏi tình trạng hiểm nghèo. Ông bị trọng thương sau khi trúng vài phát đạn hôm 15/5 tại thị trấn Handlova, cách thủ đô Bratislava 180 km về phía đông bắc.

Vụ tấn công xảy ra khi ông Fico đang rời một cuộc họp của chính phủ tại Handlova vào khoảng 14 giờ 30 (19 giờ 30 tại Việt Nam). Các thước phim cho thấy hung thủ đã bắn vị thủ tướng 5 phát vào bụng, tay và chân.

Ông được trực thăng đưa tới một bệnh viện gần đó trước khi chuyển tới một bệnh viện khác tại thị trấn Banska Bystrica.

Tổng thống Slovakia, bà Zuzana Caputova, nói rằng bà bị sốc trước hành động "tàn bạo và dã man" này.

“Tình trạng của ông ấy hiện không còn nguy kịch,” ông Taraba nói.

Trước đó, các quan chức Slovakia cho biết vị thủ tướng đã ở trong tình trạng "hiểm nghèo".

Cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm - một người đàn ông 71 tuổi sống ở một ngôi làng miền trung Slovakia.

Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án đây là "hành động bạo lực khủng khiếp" và cho biết đại sứ quán Mỹ đang liên lạc chặt chẽ với chính phủ Slovakia và sẵn sàng hỗ trợ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định "không thể có lời biện minh nào cho tội ác khủng khiếp này".

Tương tự, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rằng "không gì có thể biện minh cho bạo lực hoặc các cuộc tấn công như vậy".

Sự chia rẽ bên trong Slovakia

Vụ ám sát Thủ tướng Slovakia Robert Fico

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Chụp lại hình ảnh,Cảnh sát ngay lập tức khống chế một người tại hiện trường vụ tấn công

Hiện chưa có thông tin về động cơ gây án.

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Kalinak và Bộ trưởng Nội vụ Matus Sutaj Estok đổ lỗi cho việc lan truyền ngôn từ kích động thù địch trên mạng xã hội là nguyên nhân gây ra vụ nổ súng.

Ông Matus Sutaj Estok cáo buộc giới truyền thông đã góp phần tạo ra bầu không khí căng thẳng dẫn đến vụ nổ súng tấn công ông Fico, đồng thời phát biểu trong một cuộc họp báo: "Nhiều người trong số các bạn đã gieo rắc sự thù hận này."

Milan Nic, một cựu cố vấn cho thứ trưởng ngoại giao Slovakia, nói rằng không khí chính trị Slovakia đã trở nên phân cực trong vài năm trở lại đây.

Ông Nic cho biết trong khi vụ ám sát Thủ tướng Fico là một hung tin, "thì cùng lúc, các chính trị gia khác cũng nhận được những lời đe dọa, bao gồm cả Tổng thống Caputova."

“Giờ đây, giới chính trị cần phải xem xét chuyện này một cách cực kỳ nghiêm túc," ông Milan Nic nói tiếp.

Trong cuộc họp của Quốc hội Slovakia vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công, theo truyền thông Slovakia, một người trong đảng của ông Fico đã hét vào mặt các nghị sĩ đối lập, cáo buộc họ đã châm ngòi cho vụ tấn công.

Một cuộc biểu tình của phe đối lập đã bị hủy bỏ vào hôm 15/5 sau khi có thông tin về vụ nổ súng.

Ông Peter Pellegrini, người sắp kế nhiệm vị trí tổng thống của bà Caputova, gọi cuộc tấn công là "mối đe dọa chưa từng có đối với nền dân chủ Slovakia". Ông nói rằng mọi người không nhất thiết phải đồng ý với mọi thứ, nhưng có nhiều cách để bày tỏ sự bất đồng một cách dân chủ và hợp pháp.

Ông Pellegrini cũng đổ lỗi vụ nổ súng là do sự chia rẽ chính trị trong thời gian gần đây.

Chính trị gia Andrej Danko thì cho rằng đất nước đang tiến vào “chiến tranh chính trị”.

Ông Robert Fico, quay trở lại chiếc ghế thủ tướng Slovakia vào tháng 10/2023. Trước đó, ông từng giữ chức vụ này trong hai giai đoạn, 2006-2008 và 2012-2018

Trong một vài tháng đầu tiên ở nhiệm kỳ mới, ông Fico đã có những động thái gây tranh cãi về mặt chính trị.

Vị thủ tướng Slovakia đã quyết định dừng viện trợ quân sự cho Ukraine và vào tháng 4/2024, ông thông qua kế hoạch bãi bỏ Đài Phát thanh Truyền hình Slovakia (RTVS) - một đài công cộng.

Hàng ngàn người Slovakia trong những tuần gần đây đã biểu tình để phản đối quyết định liên quan đến RTVS.

Ông Fico đã thống trị chính trường Slovakia như thế nào?

Ông Robert Fico phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở Bỉ vào tháng 3/2024

NGUỒN HÌNH ẢNH,KENZO TRIBOUILLARD/AFP/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,Ông Robert Fico phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở Bỉ vào tháng 3/2024

Thủ tướng Slovakia là chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội - Phương hướng (Smer-SSD), một đảng dân tộc chủ nghĩa, và cũng là một chính trị gia dân túy, có lập trường thân Nga.

Phóng viên Rob Cameron tại Prague (Cộng hòa Czech) của BBC nhận định rằng khả năng làm mới bản thân của Robert Fico đã giúp ông luôn đứng đầu nền chính trị Slovakia bất chấp những vụ bê bối liên tục xảy ra.

Năm 2018, ông Fico bị buộc phải từ chức sau khi xảy ra vụ ám sát nhà báo điều tra Jan Kuciak.

Tuy vậy, ông Fico khi đó đã nói với ông Andrej Kiska, tổng thống Slovakia lúc bấy giờ, đồng thời là kẻ thù chính trị của ông, rằng ông sẽ sớm quay lại chính trường.

“Yên tâm, tôi không đi đâu cả,” ông Fico khẳng định. Và ông đã đúng.

Đại dịch Covid-19 đã mở ra cơ hội mới cho Robert Fico. Ông xuất hiện tại các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại các hạn chế của chính phủ.

Ông đã khuấy động đám đông biểu tình giận dữ bằng chiếc loa trên tay. Vị thủ tướng Slovakia đôi khi còn bị bắt giữ.

Khi Covid-19 dần qua đi, ông Fico đã tìm được thời cơ mới: cuộc chiến ở Ukraine.

Chiến thắng của ông Robert Fico trong cuộc bầu cử tháng 9/2023 được đánh giá là phần nào đến từ cam kết "không gửi thêm một viên đạn nào" tới Kyiv, đảo ngược chính sách hỗ trợ quân sự cho Ukraine trước đó của chính phủ Slovakia.

Vị thủ tướng khẳng định không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột này và việc gửi vũ khí tới Ukraine sẽ chỉ gây thêm chết chóc, đồng thời nói rằng Tổng thống Nga Putin đã bị phương Tây "làm cho xấu xí".

Trong lần nắm quyền lần này, ông và các đồng minh đã giáng một đòn nặng nề vào các thể chế của Slovakia với việc bãi bỏ Văn phòng Công tố Đặc biệt. Văn phòng ra đời cách đây 20 năm để điều tra tội phạm nghiêm trọng và tham nhũng.

Với sự bãi bỏ này, việc tuyên án liên quan đến cái chết của nhà báo Jan Kuciak giờ đây dường như xa vời hơn bao giờ hết.

Thủ tướng Robert Fico quyết định thay RTVS vào tháng 6/2024 bằng một cơ quan mới với một giám đốc mới. Ông Fico viện lý do cho hành động này là vì RTVS “không khách quan”, “xung đột với chính phủ” và chỉ có thể được khắc phục bằng cách thay thế.

Ủy ban Châu Âu và Liên minh Phát thanh Truyền hình Châu Âu cho rằng hành động đó sẽ ảnh hưởng xấu đến quyền tự do báo chí ở Slovakia.

Ông cũng vận động chống lại quyền của người LGBTQ+.

Việt Nam là lựa chọn lý tưởng cho ông Fico bất chấp bê bối Trịnh Xuân Thanh?

Ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Robert Fico tại Hà Nội tháng 7/2016

NGUỒN HÌNH ẢNH,HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,Ông Robert Fico trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 7/2016

Nhà nghiên cứu David Hutt, Viện Trung Âu chuyên Nghiên cứu về Châu Á (CEIAS) nhận định trên trang DW rằng Thủ tướng Robert Fico đang tìm cách thiết lập lại quan hệ với Việt Nam, bất chấp căng thẳng trước đây giữa hai nước.

Ông Hutt cho biết các nhà phân tích nhận định Việt Nam là lựa chọn lý tưởng để ông Fico thực hiện các chiến lược ngoại giao của mình.

Vài ngày sau khi trở lại chức vụ thủ tướng vào tháng 10/2023, ông Fico đã nhắc đến Việt Nam và Trung Quốc như hai trong số những quốc gia đầu tiên mà ông muốn đến thăm.

Vào tháng 1/2024, ông Fico đã có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.

Theo nhận xét của ông David Hutt, ông Robert Fico đang cố lái Slovakia ra xa phương Tây với những động thái như ngừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine hay tìm cách thắt chặt mối quan hệ với Trung Quốc.

Mặc dù việc gắn kết lại mối quan hệ với Việt Nam chưa chắc đem lại hiệu quả kinh tế cho Slovakia vì thương mại và đầu tư song phương từ trước đến nay vẫn ở mức nhỏ, động thái này có thể giúp vị tân thủ tướng này gửi đi một thông điệp rằng ông có chính sách đối ngoại độc lập, theo Tiến sĩ Martin Sebena, giảng viên Khoa Chính trị và Hành chính công Đại học Hong Kong.

“Việt Nam là quốc gia có nhiều bê bối nhân quyền, nhưng các nước phương Tây sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ. Điều này cho phép Fico chỉ ra thói đạo đức giả của các nước phương Tây và thể hiện rằng mình đang tìm kiếm các đường lối đối ngoại khác biệt,” DW dẫn lời ông Sebena nói.

Việt Nam và Slovakia vốn có mối quan hệ gần gũi, đặc biệt quốc gia châu Âu này từng là một nước cộng sản.

Vào tháng 6/2023, chính phủ Slovakia quyết định công nhận cộng đồng người Việt tại đây là dân tộc thiểu số thứ 14 của quốc gia này.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Sebena cho biết:

"Việt Nam là một trong những ưu tiên của hầu hết các chính phủ Slovakia từ xưa đến nay. Người Slovakia gốc Việt là cầu nối tự nhiên giữa hai nước, tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại, đầu tư, chính trị và văn hóa. Việc các chính trị gia xây dựng dựa trên những nền tảng này là điều hiển nhiên."

"Hơn nữa, ông Fico theo đuổi chính sách duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước phương Đông và phương Tây. Điều này khiến ông đặc biệt so với các lãnh đạo ở các nước thường xuyên chỉ trích phương Tây như Serbia hay Hungary. Ông vừa ủng hộ EU và NATO, vừa thích duy trì quan hệ hữu nghị với các nước như Nga và Trung Quốc. Vì Việt Nam là một quốc gia phương Đông có quan hệ thân thiện với phương Tây nên có vẻ như Việt Nam có vị trí thuận lợi cho chính sách đối ngoại của ông Fico," ông Sebena nhận xét.

Mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng vào năm 2017 sau vụ bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, Đức.

Ông Thanh được cho là đã bị lôi lên xe hơi rồi đưa tới Bratislava, thủ đô Slovakia.

Tại đây, giới chức Đức nghi ngờ rằng ông đã bị đưa lên một chiếc máy bay mà chính phủ Slovakia cho phái đoàn quan chức cấp cao của Việt Nam mượn và được đưa về Việt Nam qua ngả Moscow.

Trong khi đó, Hà Nội khẳng định ông Thanh tự nguyện trở về để đầu thú.

Bộ Nội vụ Slovakia khi đó đã tuyên bố rằng họ quan ngại về việc chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm năm 2017 có thể đã bị “lợi dụng” cho những mục đích vượt ra ngoài phạm vi hợp tác và hữu nghị song phương.

Thủ tướng Slovakia vừa bị bắn là người 'chống Ukraine, muốn thân Việt Nam'? - BBC News Tiếng Việt

Thủ tướng Robert Fico của Slovakia bị bắn trọng thương

Chụp lại video,Thủ tướng Robert Fico được đưa lên xe sau khi bị bắn

Thủ tướng Slovakia, ông Robert Fico, bị bắn trọng thương vào hôm nay tại một tòa nhà ở thị trấn miền trung Handlova.

Ông đã được đưa đi cấp cứu, trong khi nghi phạm tấn công đã bị bắt giữ.

Chính phủ Slovakia nói rằng đây là một vụ ám sát.

Các nhân chứng cho biết họ nghe nhiều tiếng súng.

Địa điểm xảy ra vụ bắn súng là thị trấn Handlova, cách thủ đô Bratislava 180 km về phía đông bắc.

Một số thông tin mới cập nhật:

  • Thủ tướng Robert Fico bị bắn khi đang rời một cuộc họp của chính phủ tại Handlova.
  • Các quan chức Slovakia cho biết ông đang ở trong tình trạng "nguy kịch".
  • Lúc bị bắn, ông đang vẫy chào đám đông trước một trung tâm văn hóa cộng đồng, nơi vừa diễn ra cuộc họp. Các vệ sĩ nhanh chóng đưa ông lên một chiếc xe gần đó.
  • Báo chí địa phương cho biết ông bị bắn vào bụng, tay và chân.
  • Ông được trực thăng đưa tới một bệnh viện gần đó trước khi chuyển tới một bệnh viện khác tại thị trấn Banska Bystrica.
Thị trấn Handlova nơi Thủ tướng Fico bị bắn

NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC

Chụp lại hình ảnh,Thị trấn Handlova nơi Thủ tướng Fico bị bắn

Trang Facebook của Thủ tướng Slovakia cho biết ông Fico đã "bị bắn nhiều phát và hiện đang ở trong tình trạng nguy kịch".

Ông đã được trực thăng chuyển tới thị trấn Banská Bystrica gần đấy.

Tổng thống Slovakia, bà Zuzana Caputova, nói rằng bà bị sốc trước hành động "tàn bạo và dã man" này.

"Tôi thực sự sửng sốt. Tôi mong ông Robert Fico có nhiều sức mạnh trong thời khắc quan trọng này để có thể bình phục," bà nói trong thông cáo sau vụ ám sát.

Một người bị bắt giữ sau khi Thủ tướng Robert Fico bị bắn

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Chụp lại hình ảnh,Một người bị bắt giữ sau khi Thủ tướng Robert Fico bị bắn

Một nhân chứng nói với đài phát thanh 5 Live của BBC rằng bà đã đứng chờ ngoài tòa nhà để bắt tay Thủ tướng Robert Fico.

"Khi ông ấy vừa ra khỏi tòa nhà, tôi đã chụp được một tấm hình."

Rồi bà bước tới để bắt tay ông Fico thì đột nhiên bà nghe tiếng nổ mà bà cứ ngỡ là "đại bác".

"Tôi nghe ba phát súng và tôi thấy vết xước trên đầu ông ấy," bà kể.

Chụp lại video,Thủ tướng Robert Fico được đưa lên trực thăng cấp cứu

Chúng ta biết gì về nghi phạm?

Cảnh sát đã bắt giữ một nghi phạm sau khi Thủ tướng Robert Fico bị bắn tại thị trấn Handlova.

Phóng viên Rob Cameron của BBC cho biết có thông tin kẻ tấn công là một người đàn ông 71 tuổi sống ở một ngôi làng miền trung Slovakia.

Khẩu súng được dùng để bắn ông Fico có giấy phép sử dụng.

Hiện chưa có thông tin về động cơ gây án.

Một video trên mạng quay cảnh dân chúng và các vệ sĩ bắt nghi phạm bên ngoài trung tâm văn hóa ở Handlova.

Người đàn ông mặc áo xanh nhạt, bị trói quặt tay ra phía sau.

Cảnh sát khống chế một người tại hiện trường vụ ám sát

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Chụp lại hình ảnh,Cảnh sát khống chế một người tại hiện trường vụ ám sát

Thủ tướng Robert Fico

Thủ tướng Robert Fico

NGUỒN HÌNH ẢNH,PIER MARCO TACCA/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Robert Fico

Thủ tướng Robert Fico năm nay 59 tuổi.

Ông nhậm chức thủ tướng Slovakia vào ngày 25/10/2023.

Ông từng làm thủ tướng Slovakia trong hai giai đoạn, 2006-2008 và 2012-2018.

Năm 2028, ông bị buộc phải từ chức sau khi xảy ra vụ ám sát nhà báo điều tra Jan Kuciak.

Ông Fico cũng từng làm phó chủ tịch Quốc hội và quyền bộ trưởng Tư pháp.

Ông là chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội - Phương hướng (Smer-SSD), một đảng dân tộc chủ nghĩa.

Ông là một chính trị gia dân túy, có lập trường thân Nga.

Năm ngoái, ông đã thắng cử với lời hứa sẽ chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine và chỉ trích các biện pháp cấm vận đối với Nga.

"Nếu đảng Smer nắm chính quyền, tôi sẽ không gửi một viên đạn nào tới Ukraine," ông Fico từng tuyên bố với người ủng hộ trong chiến dịch tranh cử.

Ông cũng vận động chống lại quyền của người LGBTQ+.

'Không phải sự cố đơn lẻ'

Milan Nic, một cựu cố vấn cho thứ trưởng ngoại giao Slovakia, nói rằng không khí chính trị Slovakia đã trở nên phân cực trong vài năm trở lại đây.

Ông nói: "Rất tiếc tôi phải nói rằng những chuyện như thế trước sau cũng đến."

"Đây không phải là một sự cố đơn lẻ, rất tiếc phải nói như thế," ông Nic nói với BBC News.

Ông nói rằng trong khi vụ ám sát Thủ tướng Fico là một hung tin, "thì cùng lúc, các chính trị gia khác cũng nhận được những lời đe dọa, bao gồm cả Tổng thống Caputova."

"Giờ đây, giới chính trị cần phải xem xét chuyện này một cách cực kỳ nghiêm túc."

Thủ tướng Robert Fico của Slovakia bị bắn trọng thương - BBC News Tiếng Việt


Các mối đe dọa khu vực ngày càng tăng, Mỹ-Nhật cùng phát triển hệ thống đánh chặn vũ khí siêu thanh

 

Các mối đe dọa khu vực ngày càng tăng, Mỹ-Nhật cùng phát triển hệ thống đánh chặn vũ khí siêu thanh

16/05/2024
Bộ Quốc phòng Mỹ phóng thử nghiệm vũ khí siêu thanh trên Đảo Wallops, Virginia.
Bộ Quốc phòng Mỹ phóng thử nghiệm vũ khí siêu thanh trên Đảo Wallops, Virginia.

Nhật Bản và Hoa Kỳ ngày 15/5 ký một thỏa thuận cùng phát triển một loại hệ thống phòng thủ phi đạn mới trong lúc hai đồng minh tìm cách tự vệ trước mối đe dọa ngày càng tăng của vũ khí siêu thanh, do Trung Quốc và Nga sở hữu và đang được Triều Tiên thử nghiệm.

Dự án này thoạt đầu được thống nhất giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào tháng 8 năm ngoái. Thiết bị đánh chặn Glide Sphere được lên kế hoạch triển khai vào giữa những năm 2030.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, thỏa thuận ngày 15/5 xác định việc phân bổ trách nhiệm và quy trình ra quyết định, một bước quan trọng đầu tiên trong dự án. Họ hy vọng sẽ quyết định được nhà thầu Nhật Bản và bắt đầu quá trình phát triển vào tháng 3 năm 2025.

Vũ khí siêu thanh được thiết kế để vượt quá mức Mach 5, tức gấp 5 lần tốc độ âm thanh, gây ra mối đe dọa cho các hệ thống phòng thủ phi đạn trong khu vực bằng tốc độ và khả năng cơ động của chúng. Việc phát triển các thiết bị đánh chặn chúng là một thách thức.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản gọi đây là “vấn đề cấp bách” và lưu ý rằng vũ khí siêu thanh trong khu vực đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây.

Các quan chức cho biết, theo thỏa thuận này, Nhật Bản chịu trách nhiệm phát triển một bộ phận ở đầu phi đạn đánh chặn có khả năng tách ra trong không gian để phá hủy đầu đạn đang bay tới cũng như động cơ phi đạn.

Theo Bộ Quốc phòng, Nhật Bản đã dành 75,7 tỷ yên (490 triệu đô la) cho việc phát triển và thử nghiệm ban đầu hệ thống đánh chặn.

Chi phí này bao gồm việc sản xuất linh kiện cho hai công ty Raytheon Technologies và Northrop Grumman vốn đang phát triển loại vũ khí này trong một cuộc cạnh tranh do Cơ quan Phòng thủ Phi đạn Hoa Kỳ MDA dẫn đầu. Một trong hai công ty sẽ được chọn cho dự án.

MDA ước tính chi phí phát triển hệ thống đánh chặn phi đạn siêu thanh sẽ vượt quá 3 tỷ đô la, trong đó Nhật Bản đóng góp 1 tỷ đô la.

Các phi đạn đánh chặn sẽ được triển khai trên các tàu khu trục lớp Aegis, giống như Phi đạn Tiêu chuẩn-3 hạm đối không mà Nhật Bản trước đây đã hợp tác phát triển với Mỹ.

Nhật Bản đang tăng cường xây dựng quân đội khi nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường khả năng răn đe trước các mối đe dọa ngày càng tăng. Nhật Bản cũng đã nới lỏng đáng kể chính sách xuất khẩu vũ khí của mình để cho phép các vũ khí sát thương đồng phát triển xuất sang các nước thứ ba.


Các mối đe dọa khu vực ngày càng tăng, Mỹ-Nhật cùng phát triển hệ thống đánh chặn vũ khí siêu thanh (voatiengviet.com)