dinsdag 22 november 2016

Trung Quốc dùng ngư dân Hải Nam để xác quyết đòi hỏi lãnh thổ ở Biển Đông + "Chiến tranh Cá" tại Biển Đông

Bắc Kinh dùng ngư dân Hải Nam để xác quyết đòi hỏi lãnh thổ ở Biển Đông

Bắc Kinh dùng ngư dân Hải Nam để xác quyết đòi hỏi lãnh thổ ở Biển Đông
 
Một tầu đánh cá tại cảng Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc.RFI/Heike Schmidt

    Trung Quốc có đội tàu thuyền đánh cá lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nhiệm vụ của đội tàu này không chỉ giới hạn trong các hoạt động đánh bắt hải sản. Vốn nuôi tham vọng trở thành cường quốc biển, Bắc Kinh cho rằng các ngư dân đóng vai trò quan trọng. Trong bối cảnh đó, ngư dân Hải Nam (Hainan) được khuyến khích chiếm giữ các vị trí tiền đồn và cho phép Trung Quốc kiểm soát được hầu như toàn bộ Biển Đông.

    Liên quan đến chủ đề này, thông tín viên đài RFI Heike Schmidt có bài phóng sự về các hoạt động ngư nghiệp tại cảng Đàm Môn (Tanmen), Hải Nam, Trung Quốc. Các cuộc trao đổi với nhiều nhân chứng tại đây đều được ghi âm lén.
    Nguồn hải sản gần bờ khan hiếm
    Vào một buổi sáng, khi các thuyền đánh cá vừa cập bến, người ta tranh nhau xuống chọn mua cá thu và đó là loại cá đánh bắt gần bờ. Một thương nhân buôn cá cho biết là cá ngày càng ít và bé. Trong tương lai thì sẽ còn ít hơn.
    Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc mỗi năm chỉ cấm đánh bắt trong hai tháng. Có thể từ năm tới, lệnh cấm kéo dài tới bốn tháng. Thế nhưng nhu cầu của Trung Quốc về hải sản không ngừng tăng. Trung Quốc tiêu thụ khoảng một phần ba tổng sản lượng hải sản đánh bắt trên thế giới. Theo Ngân Hàng Thế Giới, từ nay đến 2030, nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng thêm 30%. Do đó, các ngư dân nước này ngày càng đi xa hơn. Họ cố tình không đếm xỉa đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực – La Haye, được công bố ngày 12/07/2016, có lợi cho Philippines, thừa nhận Manila có quyền đối với một phần của vùng biển mang tính chiến lược này.
    Để đáp ứng nhu cầu, khoảng 800 tàu đánh cá của ngư dân Hải Nam phải đi xa hơn, thậm chí đến tận vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bất chấp sự phản đối, tức giận của Việt Nam, Philippines. Một ngư dân Hải Nam thừa nhận : « Đánh bắt gần bờ thì không có vấn đề gì, nhưng khi chúng tôi đi xa hơn, người nước ngoài xua đuổi và ngăn cản vì họ không muốn chúng tôi đánh bắt ở đó ».
    Cô Lâm Xuân Yến (Lin Chunyan) rất tự hào là thành viên một gia đình có nhiều thế hệ là ngư dân ở Hải Nam vì họ được coi là những anh hùng, dám đương đầu với tuần duyên nước ngoài. Cô nói : « Những người trong gia đình tôi thường xuyên đi đánh bắt cá khoảng hai tháng, họ đi tới các bãi đá Nansha (Trường Sa – Spratly). Chính phủ khuyến khích họ tới đó. Trên thực tế, đó là nhằm bảo vệ vùng biển. Nhiều thế hệ ngư dân Đàm Môn, Hải Nam tới đó đánh bắt hải sản. Đích thân chủ tịch Tập Cận Bình tới đây để ủng hộ chúng tôi ».
    Khuôn mặt cô Lâm tươi hẳn lên khi kể lại chuyện chủ tịch Trung Quốc tới Hải Nam hồi tháng Tư năm 2013 : « Chuyến thăm của chủ tịch thật là hoành tráng. Chúng tôi đã nồng nhiệt đón tiếp ông. Chủ tịch căn dặn chúng tôi phải chú ý vấn đề an ninh. Chúng tôi rất vui mừng là chủ tịch đến tận đây để động viên chúng tôi và chúng tôi rất phấn khởi ».
    Để tưởng nhớ sự kiện này, một tấm áp phích khổng lồ được dựng lên ngay khu ngã tư trung tâm thành phố có 30 ngàn dân. Trên ảnh, người ta thấy quây quần quanh chủ tịch Tập Cận Bình là các ngư dân Trung Quốc tươi cười, nét mặt thể hiện quyết tâm bảo vệ tổ quốc, những ngư dân yêu nước, sẵn sàng giương cờ Trung Quốc trên Biển Đông.
    Bắc Kinh hỗ trợ tài chính cho ngư dân đánh bắt xa bờ
    Một ngư dân chỉ cho phóng viên RFI bốn chiếc tàu cá lớn và cho biết đó là quà của chủ tịch Tập Cận Bình tặng cho ngư dân Đàm Môn. Chủ tịch Trung Quốc đã cảm ơn các ngư dân và kêu gọi họ hãy tới tận Nam Sa (tức Trường Sa) để vừa đánh bắt cá vừa bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Trung Quốc. Chính vì thế, các ngư dân Đàm Môn cảm thấy yên tâm và không sợ gì cả.
    Theo phóng viên Heike Schmidt, đây không phải là những chiếc tàu đánh cá bình thường mà là tàu của du kích biển, một tổ chức bán vũ trang được quân đội huấn luyện. Ông Lâm Vĩnh Hâm (Lin Yongxin), thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia, trụ sở tại Hải Nam, cho biết :
    « Tại tỉnh Hải Nam, chúng tôi có rất nhiều du kích dự bị. Chúng tôi cải thiện khả năng phòng thủ của hải quân. Trong thời gian qua, đã từng xẩy ra các vụ đụng độ. Người ta bắn vào ngư dân của chúng tôi. Do vậy, các ngư dân cần chính phủ bảo vệ họ. Tàu vỏ gỗ quá mong manh. Chính phủ khuyến khích ngư dân trang bị tàu vỏ sắt, vững chắc, vừa chống chọi với sóng bão, vừa chống lại được các vụ bị quân lính Philippines tấn công ».
    Tàu vỏ sắt vững chắc rất cần cho hải quân Trung Quốc xây dựng cái gọi là « vạn lý trường thành bằng cát » ở Biển Đông. Các bãi đá, san hô được cải tạo, bồi đắp thành các đảo nhân tạo, trên đó có các phi đạo và cảng quân sự. Ông Lâm giải thích tiếp: « Các ngư dân đóng vai trò quan trọng trong việc bồi đắp các bãi đá. Trong giai đoạn bị cấm đánh bắt cá, thì việc tham gia bồi đắp đảo nhân tạo mang lại một nguồn thu bổ sung cho ngư dân, giúp họ nuôi gia đình ».
    Từ năm 2014, khoảng năm chục tàu vỏ gỗ được gia cố thành tàu vỏ sắt. Với trợ cấp của Nhà nước, khoảng ba chục tàu, có trọng tải 500 tấn, đang được đóng, một số đã được bàn giao. Các ngư dân tránh không nói nhiều tới trợ cấp của Nhà nước. Chọn lúc vắng người, ông Lí Hiền Lâm (Li Lin Xun) thổ lộ : « Các ngư dân vẫn liên tục tới đó (những nơi bồi đắp đảo nhân tạo). Ví dụ, chủ một con tàu như thế này sẽ được trợ cấp một khoản tương đương với 1500 € mỗi tháng. Nếu ở lại đó hai tháng thì sẽ được khá nhiều tiền. Đánh cá hay không, các tàu đều được trợ cấp, miễn là có mặt trong khu vực đó. Trung Quốc có khá nhiều tiền và không sợ bất cứ nước nào cả ».
    Nếu đi đến bãi Scarborough mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham (Huangyan), nơi đang có tranh chấp với Philippines, một con tàu có trọng tải 500 tấn, có thể được trợ cấp tới 10 000 € trong chuyến đi đầu tiên và 5000 € cho mỗi chuyến sau đó.
    Ngư dân Đàm Môn trên tuyến đầu
    Năm nay đã 61 tuổi, Lí Hiền Lâm muốn nghỉ ngơi. Nhưng lúc còn trai trẻ, ông chấp nhận mạo hiểm, đi xa đánh bắt hải sản quý hiếm. Ông kể lại là khi khoảng ba mươi tuổi, ông đã bị phía Philippines bắt giam hai năm, sống rất khổ cực trong tù, vì đã đánh bắt rùa biển. Ngư dân Trung Quốc tới Scarborough và các vùng biển xa không chỉ đánh bắt cá mà cả các hải sản quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng, như sò tai tượng vì bán được rất nhiều tiền.
    Đàm Môn là thủ đô sò tai tượng trên thế giới và đắt nhất là sò tai tượng ở Scarborough. Ông Lí nói rằng ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở đây từ hàng chục năm nay. Ngư dân Việt Nam không ra được vì chỉ có thuyền gỗ nhỏ.
    Ngư dân Đàm Môn luôn ở tuyến đầu trên mặt trận biển. Năm 2012, tám tàu cá Trung Quốc thách thức tàu chiến Philippines tại Scarborough và nhờ vậy Bắc Kinh đã kiểm soát được bãi san hô này. Năm 2014, Trung Quốc và Việt Nam đã đối mặt với nhau sau khi Bắc Kinh cho đặt giàn khoan HD 981 gần Hoàng Sa. Trong vụ này, ngư dân Đàm Môn cũng ở tuyến đầu.
    Trao đổi với Heike Schmidt, ngư dân Lâm Phong (Lin Feng) cho biết từ khi Bắc Kinh đứng ra bảo đảm an ninh cho các ngư dân, thì họ tỏ ra yên tâm. « Không còn lo ngại gì nữa, phía Philippines không dám tấn công chúng tôi nữa. Nếu xẩy ra bất kỳ sự cố nào, ngư dân chỉ việc gọi lực lượng tuần duyền và họ tới ngay lập tức Xisha (Hoàng Sa – Paracel) và Nansha (Trường Sa). Tuần duyên Philippines không được trang bị đầy đủ và các đội tàu tuần duyên của chúng tôi giám sát khu vực này để bảo vệ ngư dân ».
    Trong quán ăn hải sản Bafang, thực đơn rất phong phú, tôm, cua, mực xào dòn. Trên tường có dán một tấm bản đồ lớn vẽ vùng biển Trung Quốc tiến sát gần bờ biển của Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia. Làm thế nào để chứng minh rằng đó là vùng biển của Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Lâm Vĩnh Hâm thì từ thế kỷ XIV, ngư dân Đàm Môn đã đến tận Hoàng Sa và Trường Sa để đánh bắt hải sản.
    « Từ triều đại nhà Minh (Ming), nhà Thanh (Qing), ngư dân Trung Quốc đã đi đánh bắt hải sản ở biển Hoa Nam – Biển Đông. Trên các nhật ký hải trình, họ đã đánh dấu các tuyến đường qua lại, ghi lại khoảng cách giữa các bãi đá. Các nước khác không có những bằng chứng lịch sử này ».
    Tầu đánh cá hay tầu du kích biển ?
    Theo truyền thông của Nhà nước, thì thuyền trưởng Tô Chánh Phấn (Su Chengfen), 81 tuổi, ở Đàm Môn, là một trong những người hiếm hoi tìm thấy một cuốn hải trình – Genglubu – viết cách nay 600 năm. Khi phóng viên RFI tới gặp thì ông Su lại tỏ ra kín đáo, ít nói. Ông cho biết ngắn gọn là nếu muốn nhìn thấy cuốn hải trình và nghe kể lại câu chuyện tìm thấy tập tài liệu quý giá này, thì cần phải có một cán bộ của Đảng đi tháp tùng nhà báo. Sau hơn một giờ thuyết phục nhà chức trách tại trạm cảnh sát Đàm Môn, khi phóng viên RFI quay lại, thì ông Tô đã đi vắng.
    Hy vọng là trong tương lai, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng cuốn hải trình quý báu này tại Viện bảo tàng quốc gia về Biển Đông, rộng khoảng 3000 mét vuông, hiện đang được gấp rút hoàn thành. Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn có một viện bảo tàng như vậy tại Đàm Môn.
    Trung Quốc không ngần ngại chi tiền thực hiện các dự án khổng lồ để chứng tỏ sức mạnh hàng hải của mình. Tân cảng Sanya (Tam Á) vừa được xây dựng cách Đàm Môn khoảng ba giờ đi xe hơi. Đối diện với khu hậu cần cực kỳ hiện đại là bến cảng nơi neo đậu khoảng một chục tàu, trên đó có đầy đủ các thiết bị phục vụ đánh bắt cá như lưới, đèn cực sáng cho đánh bắt ban đêm.
    Thế nhưng, đoàn thủy thủ lại mặc quân phục và trông chẳng có gì giống ngư dân. Họ xua đuổi phóng viên RFI và không cho chụp ảnh. Phải chăng đó là tàu của hải quân hoặc du kích biển, được ngụy trang thành tàu đánh cá. Một người dân đứng gần đó nói nhỏ với Heike Schmidt: « Các tàu đậu ở đây là để bảo vệ chủ quyền, vùng biển của Trung Quốc. Tàu không dùng để đánh cá. Đó là những con tàu của Nhà nước. Nếu xẩy ra đụng độ va chạm, các tàu này bảo vệ ngư dân cũng như chủ quyền của nước chúng tôi ».
    Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã tuyên bố : « Bắc Kinh cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh nhân dân ở Biển Đông ». Và các ngư dân Trung Quốc đã được huy động vào cuộc chiến này.

    Cùng chủ đề
    • TẠP CHÍ VIỆT NAM

      Việt Nam khó đạt thỏa thuận giống Philippines với Trung Quốc
    • PHILIPPINES - BIỂN ĐÔNG

      Philippines : Ngư dân muốn có thông báo bằng văn bản quyền hoạt động ở Scarborough
    • BIỂN ĐÔNG - TRUNG QUỐC

      Biển Đông : Bắc Kinh dùng luật đánh cá để chống phán quyết quốc tế
    • BIỂN ĐÔNG - HẢI SẢN

      "Chiến tranh Cá" tại Biển Đông
    http://vi.rfi.fr/chau-a/20161116-ngu-dan-hai-nam-trung-quoc-chu-quyen-bien-dong

    Trung Quốc lập đội dân quân trên biển

    mediaĐoàn tàu cá Trung Quốc tại một cảng phía Tây đảo Hải Nam (Trung Quốc). Ảnh chụp ngày 18/06/2014.Reuters

    Đoàn tàu đánh cá Trung Quốc ở đảo Hải Nam được tổ chức thành đội ngũ, học tập quân sự, trang bị vũ khí, được cấp xăng và nước đá miễn phí để vừa đánh bắt hải sản vừa « bảo vệ chủ quyền » ở Biển Đông. Tin này do chính quyền Hải Nam xác nhận với Reuters.
    Theo tuyên bố của phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng thì « không báo giờ có chuyện Trung Quốc huy động ngư dân để khẳng định chủ quyền biển đảo ».
    Trên thực tế, theo Reuters, hàng chục ngàn tàu cá được trang bị vũ khí, hệ thống truyền tin, ngư phủ học tập quân sự trở thành dân quân phục vụ trên vùng Biển Đông.
    Khóa huấn luyện đầu tiên gồm cứu hộ, chiến đấu và thu thập thông tin tình báo được tổ chức trên bộ và sẽ thực tập trên biển từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay. Chính quyền Hải Nam cho biết trả tiền cho các ngư dân đi học quân sự. Khoảng 50.000 tàu đánh cá được trang bị hệ thống liên lạc với lực lượng tuần duyên, báo cáo tình hình, sự hiện diện của hải thuyền nước ngoài.
    Ngư dân Trung Quốc được tài trợ thay thế thuyền gỗ bằng thuyền vỏ thép và có trang bị súng. Họ tin rằng quân đội Trung Quốc đã « đủ mạnh » để bảo vệ họ nếu gặp kháng cự .
    Trả lời phỏng vấn của Reuters, một chủ công ty họ Trần cho biết hãng của ông được nhà nước tài trợ để mua tàu đánh cá loại lớn bằng thép, trọng tải hàng trăm tấn, để đánh cá tận Trường Sa và « bảo vệ chủ quyền tổ quốc » chống tàu cá nước ngoài xâm phạm.
    Tàu cá của công ty của ông Trần dừng chân ở đảo Phú Lâm, đảo Hoàng Sa, nơi có các giàn tên lửa phòng không, để lấy thêm nhiên liệu và báo cáo với tuần duyên. Ông này cho biết rất mong sử dụng các trạm tiếp liệu mà quân đội Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa.
    Một cố vấn chính quyền Hải Nam giải thích là lực lượng dân quân trên biển đang phát triển mạnh, vì « ngư dân có quyết tâm bảo vệ lãnh hải và quyền lợi quốc gia ».
    Một chuyên gia quốc tế cho biết là lực lượng dân quân ngư phủ của Trung Quốc có nguy cơ gây xung đột với hải quân quốc tế . Cho đến nay chỉ có chiến hạm mới có nguyên tắc ứng xử và liên lạc với nhau để tránh đụng độ vì hiểu lầm.
    Vấn đề là một khi dân quân Trung Quốc với đội tàu cá đông đảo và tối tân thực hiện ý đồ thống trị biển Đông của Trung Quốc, thì tương lai ngư dân các nước láng giềng ra sao ? Các nước liên can có đối sách bảo vệ ngư dân hay thụ động?

    http://vi.rfi.fr/chau-a/20160502-trung-quoc-lap-doi-dan-quan-tren-bien

    "Chiến tranh Cá" tại Biển Đông

    mediaẢnh một đội tàu cá Trung Quốc, trú tại cảng Đông Phương, Hải Nam.Reuters
    Các tạp chí Pháp tuần này tỏ ra rất « nghiêm khắc » với chính phủ Pháp và doanh nghiệp nhà nước. Về thời sự quốc tế, Trung Quốc và Nga được chiếu cố nhiều với những sự kiện đáng lo ngại cho hòa bình thế giới và cho bản thân của hai chế độ độc đoán. Riêng Le Courrier International, trong loạt bài phong phú, đã chọn một phóng sự của The Straits Times tại Singapore, báo động về nguy cơ chiến tranh tại Biển Đông, đưa lên trang châu Á : "Chiến tranh Cá ở Biển Đông", bên cạnh là tranh hí họa một bầy cá, con lớn đớp con bé và bị con to hơn há mõm nuốt hết.
    Tác giả nhìn từ đảo Hải Nam của Trung Quốc, trích dẫn rộng rãi quan điểm của ngư dân Trung Hoa mà sự suy nghĩ và hành động bị chế độ Trung Quốc điều kiện hóa, từ thông tin một chiều cho đến hỗ trợ tài chính để cuối cùng, cũng như các đồng nghiệp khác trong vùng, biến thành « con chốt » trong cuộc chiến tranh giành chủ quyền giữa Trung Quốc và các láng giềng.
    Ngư dân Trung Quốc bị chế độ lợi dụng
    Theo lời kể của một ngư dân Hải Nam thì thuyền chài Trung Quốc « thường xuyên » bị cảnh sát biển Việt Nam « truy bức », có lần bị phạt đến 2.500 đô la. Trong chiến lược Biển Đông của Bắc Kinh, ngư dân Hải Nam đóng vai trò « chính trị » then chốt trong việc tranh giành chủ quyền với Việt Nam : "Chính phủ trả cho chúng tôi 180.000 nhân dân tệ (25.000 euro) để đi ra Trường Sa, không cần làm gì cả, chỉ ở đó hai tuần là được".
    Mặt khác, do tình trạng hải sản càng ngày càng khan hiếm, và để thỏa mãn thị trường khổng lồ 1,4 tỷ người, ngư dân Trung Quốc « phải phiêu lưu xa hơn và họ thú nhận xâm nhập ngư trường của các quốc gia láng giềng ».
    Nhìn nhận họ là những người thất học, đánh cá là « nồi cơm » cho gia đình, cho nên ngư dân Hải Nam dễ dàng trở thành « tay sai » của chính quyền, theo phân tích của một chuyên gia nghiên cứu quốc tế mà The Straits Times chỉ nêu họ là ông Trương. Nhà nghiên cứu này nói rằng « ngư dân không muốn chiến tranh vì sợ tính mạng bị đe dọa ». Đích thân ông Tập Cận Bình đến tận Hải Nam để bảo đảm với ngư dân là sẽ được Hải Quân bảo vệ.
    Tuy vậy, trong phần kết luận, nhật báo của Singapore trích lời một ngư dân 28 tuổi tâm sự : « Tôi thất học nên phải đánh cá kiếm sống , nhưng tôi không muốn con tôi lao vào nghiệp này ».
    « Bước Đại Nhảy Lùi »
    Sa lầy trong hố nợ, giấc mộng làm cường quốc bóng đá bị tham nhũng phá tan, trên đây là bức tranh Trung Quốc trên một số tạp chí cuối tuần.
    Với tựa "Bước Đại Nhảy Lùi", tuần báo L’Express giới thiệu độc giả một phóng sự ảnh về Trung Quốc của Mao Trạch Đông, của những người còn luyến tiếc Mao, 50 năm sau cách mạng văn hóa mở đường cho một cuộc « đại thanh trừng » khởi động vào năm 1966 và kéo dài 10 năm trong bạo lực kinh hoàng.
    Nửa thế kỷ sau, báo đảng Cộng Sản nhìn nhận đây là một « sai lầm toàn diện » nhưng vẫn dứt khoát không tố cáo tội ác của thủ phạm gây ra thảm họa và thảm sát : chân dung của Mao vẫn ngự trị trên đồng tiền, tượng của Mao vẫn tồn tại. Nửa thế kỷ sau, người lớn tuổi không thể quên thời kỳ khốc liệt này nhưng người trẻ hoàn toàn không biết gì hoặc biết nhưng không rõ nguyên nhân.
    Ở quê hương Hồ Nam của Mao, trong nông trại vẫn còn bức tượng xi măng loang lổ của Mao chủ tịch kèm theo hàng chữ sơn tay : Đồng chí Mao. Ở đây, học sinh mỗi sáng vẫn phải « trả bài » trích đọc « Lời Mao Chủ Tịch » hay chơi đùa dưới chân dung của Stalin cũ mèm. Những tội ác như « cách mạng văn hóa, thảm sát Thiên An Môn » đều là chuyện cấm kỵ.
    Nhưng, cũng như cơn ác mộng, người dân Trung Hoa luôn bị Mao ám ảnh, vừa căm thù vừa bị mê hoặc.
    Trung Quốc đi vào chân tường
    Bề trái của bộ mặt phát triển hào nhoáng của Trung Quốc và nợ như núi, đầu tư nhà nước vô dụng, doanh nghiệp chỉ là xác chết vô hồn… : cuộc khủng hoảng của Trung Quốc đã gần kề.
    Trên đây không phải là cái nhìn của một « thế lực thù địch » mà là phân tích của một nhà cố vấn kinh tế Hoa Lục có uy tín, Lưu Hải Ảnh (Liu Hai Ying), tác giả quyển sách « Nợ Trung Quốc » mà ấn bản tiếng Pháp (Les dettes de la Chine) vừa được phát hành tại Pháp.
    Trả lời tạp chí l’Expansion, Lưu Hải Ảnh dự báo tăng trưởng kinh tế Hoa Lục sẽ từ 6,5% trong năm 2016 xuống 3,5% trong thập niên tới. Trùng Khánh của Bạc Hy Lai là trường hợp chung của cả nước. Để chạy đua thu hút đầu tư, chính quyền huy động tất cả tài nguyên để tranh thủ ngân hàng cho vay với tỷ lệ bỏ ra 100 triệu để được vay 900 triệu
    Nhưng từ 2008 đến nay, những món nợ này trở thành « nợ khó đòi » vì công ty tư nhân làm ăn thất bại trở thành những cái xác không hồn, các dự án đầu tư của chính quyền địa phương thực tế là « ném tiền qua cửa sổ ». Trữ lượng ngọai tệ trong vòng có vài tháng tiêu tan 800 tỷ đôla.
    Theo tác giả, vấn nạn của Trung Quốc không liên quan gì đến trữ lượng ngoại tệ mà chính là mất đi khả năng thu hút đầu tư để bù đắp cho món nợ cao như núi.
    Dường như để minh họa cho tham vọng « vĩ cuồng » của chính quyền Trung Quốc, L’Expansion dành ba trang để tường thuật chiến lược đầu tư vào bóng đá của Trung Quốc : Bỏ tiền hàng tỷ đô la để mua cầu thủ và huấn luyện viên hàng đầu quốc tế, dành quyền bảo trợ, quyền truyền hình... Trung Quốc chiếm hết và mơ tổ chức Cúp Thế Giới.
    Đích thân chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo chiến lược này. Từ 62 tỷ đô la đầu tư hiện nay, chính phủ dự kiến tăng lên 800 tỷ đô la vào năm 2025. Trong năm năm tới sẽ mở 20.000 trường đào tạo mầm non theo mô hình trường kiểu mẫu Quảng Đông với 50 sân bóng đá và 140 huấn luyện viên.
    Tuy nhiên, cho dù đã đầu tư trên 60 tỷ đôla, bóng đá Trung Quốc chỉ mới lên được hàng 81 theo bảng xếp hạng của FIFA, kém hơn Iran và thua xa Nhật và Hàn Quốc. Kết quả thê thảm này, theo l’Expansion là « kết quả » của tình trạng thiếu tập luyện các bộ môn tập thể.
    Không chỉ có thế, bóng đá Trung Quốc còn bị lũng đoạn vì nạn xã hội đen, gian lận, mua-bán độ. Mafia Trung Quốc là thủ phạm gây tai tiếng trong 18 trận tranh vô địch ở Bỉ và phải mất 10 năm mới điều tra đến nơi đến chốn (2014). Tất cả các nhà quan sát đều đồng ý, xã hội đen Trung Quốc là lực cản không cho Hoa Lục trở thành cường quốc bóng đá.
    Không hẹn mà nên, đồng nghiệp Le Point cũng dành nhiều trang để tìm hiểu tham vọng bóng đá của Tập Cận Bình và trình độ của Trung Quốc trong khi đội tuyển quốc gia không thắng được Hồng Kông và thua xa Uzbekistan. Theo một cầu thủ Trung Quốc, nhược điểm của bóng đá Hoa Lục là thiếu cơ sở hạ tầng và tinh thần khổ luyện.
    Nhiều tập đoàn nhà nước Pháp vì sao thua lỗ ?
    Các tuần báo Pháp cũng không chút khoan dung với những nhược điểm của Pháp. "Những thất bại thê thảm của nhà nước Pháp", tựa của L’Express. "Một đống nợ khổng lồ làm sao giải quyết ?" L’Expansion hiến kế.
    L’Express kể tội : Điện lực, Nhà Nước thiếu tầm nhìn; Công nghiệp điện hạt nhân Areva, Nhà Nước thiếu can đảm; Công ty đường sắt SNCF, nhà nước thiếu nghiêm khắc; Công ty hàng không Air France, nhà nước thiếu giải pháp. Cả một hệ thống tài sản quốc gia bị đe dọa vì nợ.
    Theo phân tích của chuyên gia Jean Peyrelevade, nguyên chủ tịch-tổng giám đốc ngân hàng Crédit Lyonnais, tình trạng này không phải là do tai nạn hay hiện tượng đặc thù của Pháp mà là do Nhà Nước cổ đông thiếu bổn phận. Thiếu bổn phận khi trao trách nhiệm cho những công chức cao cấp bị chi phối vì những cuộc đấu đá chính trị bên trong hậu trường. Thanh tra chính phủ cũng bất lực vì làm sao thanh tra những ông xếp cũ của mình ? Nếu lãnh đạo tập đoàn nhà nước là những vị công chức có lương tâm thì công việc sẽ tốt đẹp còn trúng phải người chỉ lo phục vụ tham vọng cá nhân thì thảm họa sẽ xẩy đến.
    L’Expansion trong bài « Núi nợ » của các cường quốc kinh tế từ Trung Quốc, Nhật Bản cho đến châu Âu, tổng cộng khoảng 200.000 tỷ đô la, đe dọa ổn định hệ thống kinh tế thế giới.
    Tạp chí kinh tế đề ra sáu biện pháp cho Pháp và Liên Hiệp Châu Âu: kiểm sóat chi thu nhà nước, triển hạn nợ, giữ lãi suất thấp, chia gánh nợ bằng trái phiếu giữa các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, đàm phán lại với chủ nợ hay chơi bạo như Êcuađo mà Hy Lạp đang ước mơ : tuyên bố nợ bất chính đáng.
    Tuần báo cánh tả L’Obs (Người quan sát) kể ra bảy tội của công chức lớn nhỏ tranh thủ thụ đắc xã hội để : lấy thêm ngày nghỉ bù. Không phải là báo chí khiêu khích mà đây là kết quả điều tra dày 190 trang của một cơ quan tư vấn do chính phủ Pháp yêu cầu trong khuôn khổ dự thảo luật lao động mới.
    Hiện tượng xảy ra bạo lực trong các cuộc biểu tình chống dự luật lao động này cũng được L’Obs dành nhiều trang để tìm hiểu : Chuyện gì diễn ra trong đầu kẻ đập phá cửa hàng và tấn công cảnh sát ? Trong khi đa số người biểu tình xuống đường ôn hoà thì một nhóm cực đoan, từ cực hữu cho đến cực tả, vô chính phủ, tự cho là họ sử dụng bạo lực như là hành động chính trị để « phá vỡ bế tắc ».
    Học sinh Nga học quân sự để làm gì ?
    Cuối cùng, Le Point tóm lược một bài phỏng vấn « trường giang » của tổng thống Nga Putin dành cho ba nhà báo Nga sắp được phát hành tại Pháp. Cựu trung tá mật vụ tiết lộ ông đến với KGB chỉ vì tò mò muốn biết « làm cách nào để trở thành gián điệp ». Muốn có câu trả lời, cậu thanh niên Vladimir, tự nhận là lớn lên trong không gian tuyên truyền một chiều, gõ cửa KGB đặt câu hỏi.
    Theo tổng thống Putin thì tương lai nước Nga đã được vạch ra một cách tự nhiên vì cùng văn hóa châu Âu. Nga sẽ theo con đường phát triển dân chủ.
    Nhưng một bài báo khác của chính báo Nga Ogoniok loan tải gây lo ngại cho không ít dân Nga : Nhân danh tình yêu tổ quốc, học sinh Nga sắp phải học quân sự. Hàng ngàn hiệp hội đề nghị mở chương trình huấn luyện quân sự cho học sinh nam nữ. Một tiểu đoàn nữ sinh trung học đã được thành lập.
    Còn những người chỉ trích chương trình thì bị lên án là « không yêu nước ». Giới phụ huynh ủng hộ những người chống chương trình quân sự trong học đường, cho rằng : Đã đến lúc phải sống với hiện tại, không một nước văn minh nào nhồi sọ trẻ em chuẩn bị như là chiến tranh sắp xảy ra đến nơi.

    http://vi.rfi.fr/chau-a/20160527-chien-tranh-ca-tai-bien-dong

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten