woensdag 23 november 2016

Linh mục Peter Trần Đình Lai (Hà Tĩnh) : Nhà cầm quyền..."cộng sản" phải thay đổi, nếu không thì họ tự giết chính mình

Linh mục Peter Trần Đình Lai - Phần II: Nhà cầm quyền phải thay đổi, nếu không thì họ tự giết chính mình

Ảnh của nguyenhuuvinh
J.B Nguyễn Hữu Vinh:
- Thời gian vừa qua khu vực miền Trung là nó có một loạt học sinh phải nghỉ học không đến trường được. Vậy thì ở vùng mình thì đời sống người dân ảnh hưởng trực tiếp không những là người dân đi biển mà người dân các ngành liên quan như dịch vụ, du lịch cũng như là kinh doanh hàng hóa các thứ thế nào ạ?
Linh mục Peter Trần Đình Lai: - Hôm khai giảng thì giáo dân và học sinh ở vùng xứ Quy Hòa tức là Kỳ Hà, các em không đến trường được bởi vì lý do không có tiền. Sau đó, nhà cầm quyền hình như là đã có biên bản miễn học phí để các em đến trường. Còn ở vùng tôi thì tôi kêu gọi ngay từ khi thảm họa xảy ra và trước, giữa hè tôi đã mua sách, mua vở, tôi đã chuẩn bị tiền để cho các em được có áo quần, có túi, có sách vở đến trường. Rồi sau đó chúng tôi tất cả đại diện phụ huynh, gửi đơn lên chỗ Sở, Phòng và các nhà trường, xin được miễn học phí. Và bây giờ có một số trường họ đã trả lời và đã miễn cho một số, còn một số chưa có câu trả lời.
J.B Nguyễn Hữu Vinh:
- Thưa cha là quản xứ Đông Yên, xứ Đông Yên thì có lịch sử và cho đến gần đây thì di chuyển lên khu tái định cư. Ở tại khu vực cũ, hiện có khoảng 1000 giáo dân và hơn 150 hộ gia đình. Cha có liên hệ với con chiên của mình ở đó không? Đời sống của họ hiện nay như thế nào và nguyện vọng của họ là gì với cái dự án hiện nay họ đang phải chấp nhận?
Linh mục Peter Trần Đình Lai:
- Ở dưới đó hiện tại là 198 hộ, và 800 nhân khẩu với hơn 200 học sinh, các em mới được đi học lại từ ngày 23/8. Và rồi các em cũng có nơi để học giáo lý. Hàng tuần tôi cũng xuống đó để dâng lễ cho họ. Vì là nhu cầu về Đức Tin, về tâm linh và tôi có điều kiện để đến đấy phục vụ cho họ. Hiện họ đang chờ đợi và đang khắc khoải lo âu, chưa biết tương lai như thế nào.
J.B Nguyễn Hữu Vinh:
- Bây giờ hiện nay ở đó thì cuộc sống của họ đang bấp bênh. Đặc biệt, mấy năm qua, hai năm liền, học sinh không được đi học. Nhưng mà báo chí nhà nước bảo rằng là do chính người dân ở đó ép buộc con mình nghỉ học thì điều đó có đúng hay không?
Linh mục Peter Trần Đình Lai:
- Cái này thì tôi thấy không nhân bản chút nào. Ở chỗ là Nhà nước bắt những đứa nhỏ để làm con tin ép bố mẹ nó phải ký để rồi di dời. Cái đó không nhân bản, cái đó là vi phạm nhân quyền. Thực sự ra, nếu tôi là người ở đây lâu và tôi đứng về phía phụ huynh là tôi sẽ yêu cầu họ kiện chính phủ về việc vi phạm nhân quyền.
Quyền đi học là quyền của học sinh, quyền của những đứa trẻ. Nó không liên quan chi đến vấn đề trách nhiệm công dân cả. Nó đã đến tuổi công dân đâu. Chính phủ dùng nó làm con tin để ép bố mẹ nó. Rồi bố mẹ nó chống lại chứ không phải là bố mẹ nó dùng con để làm con tin.
Chính phủ bắt nó đi lên một khu vực xa nhà, hơn 20 cây số. Trẻ em nó bằng từng này làm sao nó đi được. Bố mẹ nó khi nào cũng phải chở con, chở con lên đây là phải chờ nó học xong mới chở về được. Như vậy là bố mẹ nó cũng phải đi theo con thì làm sao có tiền để nuôi con ăn học. Điều đó là điều không tưởng, mặc dù chính phủ đề ra, mặc dù có quyết định của Sở, của Phòng, nhưng quyết định đó không khả thi bởi vì nó không thực tế. Và chính chính phủ đã bắt học sinh làm con tin.
Tôi thấy điều đó rất là vi phạm nhân quyền. Chứ không phải bố mẹ nào chủ động làm điều đó với con cái mình cả.
J.B Nguyễn Hữu Vinh:
- Thưa cha là qua một thời gian theo dõi ở Đông Yên và tiếp xúc với họ, con được biết là ở đó vẫn là tình trạng bấp bênh chứ chưa có một sự ổn định. Nguyên nhân chính của vấn đề đó là không có một dự án nào cho khu vực Đông Yên, mà người ta lại cố tình ép người dân.  Theo tìm hiểu của những người có hiểu biết thì đó là sự vi phạm pháp luật. Người dân có quyền sống trên mảnh đất của mình được cha ông để lại và không có một quyết định nào mà trái về luật pháp để buộc họ ra khỏi đó.
Cha nghĩ như thế nào khi người dân quyết định sẽ không đi đâu mà sẽ ở lại đó?
Linh mục Peter Trần Đình Lai:
- Bây giờ người ta đang yêu cầu ở Hiến pháp Việt Nam sửa đổi và đưa vào luật, đặc biệt là luật đất đai là phải cho người dân được quyền tư hữu. Luật đất đai của mình đang được quyền sử dụng chứ không có quyền tư hữu. Như vậy đồng nghĩa với khi nhà nước cần thì họ lấy lại. Họ viết sẵn luật rồi họ tự làm thì mình có cách gì để thay đổi đâu. Đó là điều mà chúng ta đang còn phải đấu tranh pháp lý để cho hoàn chỉnh bộ luật, đặc biệt là luật đất đai.
Mấy năm nay thì không phải chỉ đất làng Đông Yên, không phải là Hà Tĩnh mà cả nước đều rất là nhức nhối với vấn đề khiếu kiện và tranh chấp đất đai vì luật nó quá là bất công. Nó không làm sao bảo đảm được cho quyền lợi của con người được cho bằng nhau cả. Do đó mà nó nổ ra rất là nhiều chuyện.
Luật, mặc dầu nó chưa hoàn chỉnh nhưng nó cũng có thứ tự ưu tiên của nó. Ví dụ đây là vấn đề nhu cầu ích lợi quốc gia, thì buộc anh khi nhận tiền bù thỏa đáng rồi, là buộc phải đi. Nhưng mà nên nhớ rằng buộc phải đi với điều kiện là đền bù thỏa đáng. Chứ không phải buộc phải đi bằng cách khác.
 Đó là ích lợi thứ nhất là về quốc gia, về an ninh quốc phòng, ích lợi thứ hai là về vấn đề bảo vệ. Thí dụ như ở đây là chỗ bị sạt lở, ở đây là cái chỗ xung yếu, dễ bão dễ chìm tàu dễ chết người thì bây giờ trách nhiệm của chính phủ là bảo vệ dân bằng cách di dời họ. Khi đó chính phủ phải hỗ trợ, và phải tìm cách tốt nhất để đưa họ đi đến một nơi an toàn hơn.
Đằng này ở đây, một đàng tôi cũng nghe là có dự án nọ dự án kia, hoặc nhiều người cũng nghĩ rằng đó là cái phần đền bù của Formosa. Nhưng mà rồi phía người dân phản đối lại mà cũng không ai đưa cho tôi chứng cứ rằng có dự án hoặc là Formosa đền bù gì cả. Nếu điều đó xảy ra không có dự án hoặc là không phải là có một cái cam kết đền bù giải tỏa đã hiệp đồng và đã có dân thỏa thuận để ký vào thì cái này là anh chính phủ làm sai. Ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ. Mình đang sống trong một nhà nước pháp quyền, chứ đâu phải quyền pháp. Anh đâu có quyền to hơn pháp luật được mà anh muốn làm gì thì làm, anh muốn bốc ai đi thì bốc, anh muốn đuổi ai để lấy đất thì đuổi. Phải căn cứ pháp luật chứ.
J.B Nguyễn Hữu Vinh:
- Điều hiện nay mà người dân thắc mắc nhất là cho đến nay đã đưa chuyển cả cái làng đó đi và hai làng bên cạnh cũng chuẩn bị chuyển đi. Nhưng chưa hề có một dự án nào ở đó cả. Người dân chưa hề được biết lấy đất của họ để làm gì. Để bán cho ai hoặc cho ai mượn hoặc thuê hoặc là để đất trắng. Người ta đã khiếu nại rất nhiều lần mà không được trả lời một cách thỏa đáng. Và chỉ có mỗi là ép người dân đi. Vậy thì theo cha điều đó có hợp lý trong nhà nước pháp quyền hay không?
Linh mục Peter Trần Đình Lai:
- Tôi thường đùa với bạn bè mình, tôi hỏi ai là to quyền nhất, họ trả lời là cơ quan lập pháp và quốc hội. Nhưng mà tôi lắc đầu, khi họ hỏi ai to quyền nhất thì tôi mới bảo là anh lái xe. Bởi vì là mấy anh cảnh sát hỏi mấy anh lái xe là làm luật chưa? Mấy anh lái xe là có quyền to nhất đấy.
J.B Nguyễn Hữu Vinh:
- Xin lỗi cha là có một câu hỏi mà tự nhiên nó nảy ra là vấn đề Formosa. Nhà nước nhận 500 triệu đô la, nói rằng cái tiền đền bù của Formosa. Nhưng mà tội ác đối với môi trường và vùng biển Việt Nam hủy diệt môi trường biển miền Trung, là một tội ác rõ ràng, vi phạm luật môi trường.
Bất cứ ai trên đất nước có nhà nước pháp quyền, có luật pháp thì mọi vi phạm luật pháp đều phải trừng trị. Vậy cho đến nay, người ta chưa khởi tố vụ án phá hoại môi trường và giết người ở đây.
Cha nghĩ như thế nào nếu bỏ tiền ra là khỏi tội? Cho đến nay chưa thấy nhà nước có động thái nào để mà khởi tố vụ án này, mặc dù là một vụ án vô cùng nghiêm trọng. Vậy thì cha nghĩ như thế nào?
Linh mục Peter Trần Đình Lai:
- Vâng, một anh vi phạm pháp luật, anh phải đền bù thiệt hại, và anh phải nhận sự câu lưu hoặc là giam xét theo luật, theo tội của anh. Như vậy đồng nghĩa với nếu áp dụng đúng luật Việt Nam hiện nay, thì Formosa là một kẻ gây ra tội giết người, anh phải đền bù thiệt hại công bằng và anh phải đền cái tội đó. Tôi nghĩ rằng phải truy tố, và phải bắt tạm giam ông chủ tịch hội đồng quản trị, thì cái đó mới thực sự là đúng với pháp luật.
J.B Nguyễn Hữu Vinh:
- Trong một nhà nước mà khi mà người ta cứ ù xọe cái chuyện tội thành không, không thành tội, thì cha có hy vọng gì trong vấn đề Formosa này không? Hay là ý kiến của người dân sẽ phải như thế nào để việc này sáng tỏ được?
- Trước hết thì lâu nay người dân người ta thất vọng về chính phủ. Vì nói thì hay mà làm thì dở. Nói thì nhiều mà làm ít. Mà quan trọng hơn tinh thần, thái độ phục vụ dân của họ càng ngày càng xuống. Xuống thấp quá rồi.
Đối với những người bình thường càng ngày càng thất vọng, thậm chí có những người buông xuôi, mặc kệ, không cần biết đến được có hay không, không quan tâm. Nhưng với chúng tôi, chúng tôi hy vọng rằng nhà cầm quyền phải thay đổi, vì không thay đổi đồng nghĩa với họ tự giết chính mình. Họ giết chết một chính thể thì đồng nghĩa với loạn dân và quốc gia. Không cẩn thận, những phe lợi ích phe nhóm, lợi ích đảng phái có thể xâu xé dân tộc này. Chuyện đó rất dễ dàng xảy ra, và khi đó nhà cầm quyền phải chịu hoàn toàn trách nhiệm vì sai lầm của họ, vì không nghe lời dân và không phục người dân.
J.B Nguyễn Hữu Vinh:
- Vâng cảm ơn cha. Chúc cha sức khỏe và chúc cha mọi điều rất tốt đẹp. Cũng xin Chúa cầu chúc cho tất cả chúng ta những điều bình an đó, làm sao có một cuộc biến đổi, thay đổi làm sao tốt đẹp hơn.
Linh mục Peter Trần Đình Lai:
- Cảm ơn anh Vinh, với tư cách là Linh mục tôi phải phục vụ đoàn chiên, và tôi yêu cầu các nhà cầm quyền với tư cách là công dân của mình, mình phải lo cho họ. Đó là nhà cầm quyền có trách nhiệm phải lo, chứ không phải là ân huệ muốn ban khi nào thì ban.
Điều thứ ba nữa, chúng ta là người Việt Nam, quan trọng nhất là phải yêu dân tộc mình, phải đấu tranh đòi những gì mà dân tộc mình đang bị cướp đi và bị đe dọa.

Đông Yên, Hà Tĩnh - Hà Nội, Ngày 20/11/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh

http://www.rfavietnam.com/node/3556

Geen opmerkingen:

Een reactie posten