zaterdag 19 november 2016

Thủ tướng Đức Angela Merkel, « lãnh đạo thế giới tự do » + Obama : Thế giới cần một châu Âu vững mạnh và đoàn kết

Angela Merkel, « lãnh đạo thế giới tự do »

mediaThủ tướng Đức Angela Merkel một gương mặt lãnh đạo cứng rắn của phương Tây.REUTERS/Hannibal Hanschke/File Photo

Sau chiến thắng của nhà tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, nước Mỹ có nguy cơ đi theo chủ nghĩa biệt lập và như vậy sẽ không còn can thiệp nhiều ra bên ngoài nữa. Vào lúc mà chủ nghĩa chuyên chế đang trỗi dậy ở những nước như Nga thay Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi khối Liên Hiệp Châu Âu chưa thoát ra khỏi khủng hoảng, mọi con mắt đang đổ dồn vào thủ tướng Đức Angela Merkel, nay được xem như là « lãnh đạo thế giới tự do ».
Cho tới nay và nhất là vào thời chiến tranh lạnh, cụm từ « lãnh đạo thế giới tự do » vẫn được dùng cho tổng thống của Hoa Kỳ, cường quốc số một thế giới. Nhưng trong một bài viết đăng trên tờ nhật báo Anh The Guardian, nhà sử học Anh Quốc Timothy Garton Ash, giáo sư đại học Oxford, cho rằng kể từ nay, lãnh đạo thế giới tự do chính là bà Angela Merkel.
Để từ biệt châu Âu trước khi hết nhiệm kỳ, tổng thống Barack Obama đã không đến Anh Quốc, đồng minh truyền thống của Mỹ, mà chọn nước Đức, như thể là ông muốn giao cho thủ tướng Merkel tiếp nối vai trò của ông.
Ngay chính tờ New York Times cũng đã nhận định rằng với việc ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, bà Angela Merkel trở thành « người cuối cùng bảo vệ các giá trị nhân bản của phương Tây ». Còn đối với nhật báo cánh tả của Đức Die Tageszeitung, vai trò của thủ tướng Đức sẽ ngày càng quan trọng, vì bà phải làm sao duy trì sự gắn kết của khối Liên Hiệp Châu Âu, vừa đối phó với tổng thống Nga Putin và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, vừa phải kềm chế Donald Trump.
Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ đã gây lo ngại cho phương Tây khi ông tuyên bố sẽ hành động theo phương châm « nước Mỹ trước đã », kể cả trong quan hệ giữa Washington với các nước châu Âu. Trong bối cảnh này chỉ có nước Đức là bức tường thành vững chắc nhất, vì nước Anh thì phải lo chuyện Brexit, trong khi Pháp và Ý, hai trụ cột khác của châu Âu, thì đang gặp nhiều khó khăn kinh tế.
Đa số dân Đức nay tin rằng thủ tướng Merkel sẽ ra tranh cử cho nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm tới, vào lúc uy tín vẫn còn rất cao, thậm chí còn tăng thêm kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Theo nhận định của bà Daniela Schwazer, giám đốc viện nghiên cứu DGAP của Đức, nhìn thấy những tác động từ chiến thắng của Trump đối với châu Âu, thủ tướng Merkel chắc chắn nghĩ rằng nhiệm vụ của bà chưa chấm dứt và bà phải tiếp tục lãnh đạo châu Âu.
Trong bức điện chúc mừng ông Trump thắng cử, bà Merkel đã đặc biệt nhấn mạnh đến những giá trị dân chủ, như thể bà không thật sự tin tưởng là tổng thống tương lai của Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ những giá trị đó.
Chưa nói đến chuyện bảo vệ tự do dân chủ, trước mắt thủ tướng Đức sẽ phải đối đầu với xu hướng nước Mỹ thu mình lại, không còn muốn đóng vai trò « sen đầm của thế giới » nữa, theo dự báo của nhà phân tích Stefani Weiss, chuyên gia của tổ chức Bertelsmann.
Vấn đề là trên trường quốc tế, khuôn khổ hành động của nước Đức rất hạn hẹp, vì nước này không nằm trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Berlin cho tới nay vẫn không muốn can thiệp quân sự ra bên ngoài, tuy gần đây có đưa quân sang Mali để chống khủng bố Hồi giáo hoặc sang Litva để đối phó với mối đe dọa của Nga.
Nhiệm vụ của bà Merkel càng khó khăn vì ông Donald Trump đã tỏ ý muốn có một quan hệ hòa dịu hơn với tổng thống Nga Putin. Thêm vào đó, sau chiến thắng của nhà tỷ phú New York, sẽ có thêm nhiều nước chỉ trích chính sách nhập cư hào phóng của bà, cũng như chủ trương của bà thúc đẩy tự do mậu dịch toàn cầu và tích cực chống biến đổi khí hậu. Một gánh nặng quá lớn trên vai của vị nữ thủ tướng Đức, cho dù bà là một người rất có bản lĩnh.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161117-angela-merkel-%C2%AB-lanh-dao-the-gioi-tu-do-%C2%BB

Obama : Thế giới cần một châu Âu vững mạnh và đoàn kết

media
Tổng thống Mỹ phát biểu tại hội chợ công nghiệp Hanover, Đức, ngày 25/04/2016.REUTERS/Kevin Lamarque

Ngày 25/04/2016, tại Hanover, trước khi kết thúc chuyến thăm 2 ngày tại Đức, tổng thống Barack Obama đã có bài diễn văn quan trọng về mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, trong bối cảnh khối đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ đang liên tiếp rơi vào các cuộc khủng hoảng lớn.
Trong bài phát biểu ngày 25/04 tại hội chợ công nghiệp Hanover, tổng thống Barack Obama khẳng định Hoa Kỳ và thế giới « cần có một châu Âu mạnh, phồn thịnh, dân chủ và đoàn kết ». Tổng thống Mỹ nhấn mạnh đó là điều thiết yếu nhất với tất cả các bên.
Buổi chiều cùng ngày, tổng thống Mỹ có cuộc họp thượng đỉnh nhỏ với thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp François Hollande, thủ tướng Anh David Cameron và thủ tướng Ý Matteo Renzi.
Thông tín viên RFI Pascal Thibault tại Hanover tóm lược :
"Nếu như ông Barack Obama rảnh rỗi sau khi rời Nhà Trắng, có thể ông sẽ làm đại sứ cho Liên Hiệp Châu Âu. Tại Hanover, tổng thống Mỹ ca ngợi sự hội nhập của châu Âu như là một công trình lớn nhất kỷ nguyên hiện đại. Ông kêu gọi hãy làm sao châu Âu giữ đoàn kết trong đa dạng để trở nên mạnh hơn.
Đồng thời, ông cũng trấn an rằng Hoa Kỳ luôn đoàn kết với các đối tác châu Âu. Ông Obama cho rằng châu Âu cần có trách nhiệm chung bảo đảm an ninh tập thể trong một thế giới bất ổn như hiện nay.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh đến những mối đe dọa hiện nay, nhất là khủng bố, vấn đề biên giới hiện tại đang bị Nga xắp đặt lại, cũng như vấn đề chủ nghĩa dân tộc vị kỷ đang nổi lên ở châu Âu. Rất nhiều nguy cơ kéo châu Âu lùi lại phía sau.
Barack Obama mong muốn các đối tác can dự mạnh mẽ vào khối NATO hay vào các công việc nhằm hỗ trợ các nước gặp hiểm nguy như Irak và Syria.
Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh tính cấp thiết phải có một mô hình kinh tế không làm gia tăng bất bình đẳng. Ông ngầm phê phán kinh tế châu Âu tăng trưởng quá yếu và nạn thất nghiệp ở một số nước vẫn còn cao, làm gia tăng bất bình đẳng".

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160425-tong-thong-obama-the-gioi-can-mot-chau-au-manh-va-doan-ket

Geen opmerkingen:

Een reactie posten