vrijdag 31 juli 2020

Trung Quốc và phương Tây : « Chiến tranh lạnh mới» đã khơi mào ?

Trung Quốc và phương Tây : « Chiến tranh lạnh mới» đã khơi mào ?

Phần âm thanh 11:02
Ảnh minh họa: Hoa Kỳ dồn dập gây sức ép với các nước đồng minh hòng ngăn chận Hoa Vi tham gia phát triển mạng viễn thông 5G.
Ảnh minh họa: Hoa Kỳ dồn dập gây sức ép với các nước đồng minh hòng ngăn chận Hoa Vi tham gia phát triển mạng viễn thông 5G. POOL/AFP
Minh Anh

Trung Quốc đang là tâm điểm của mọi căng thẳng với phương Tây. Chỉ trong vòng có vài tuần, Bắc Kinh mở nhiều mặt trận đối đầu với Mỹ, Canada, Úc, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, kể cả với Ấn Độ vì những tranh chấp lãnh thổ ở biên giới. Cuộc chiến 5G còn làm cho mối quan hệ Trung Quốc – phương Tây thêm phần gay gắt. Phải chăng chiến tranh lạnh mới, như người ta dự đoán từ nhiều năm, giờ đã khai diễn?Những căng thẳng ngoại giao do đại dịch Covid-19, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, gây ra vẫn còn chưa tạm lắng, và bất chấp những cảnh báo của nhiều nước phương Tây về những hậu quả có thể có cho Hồng Kông, chính quyền Bắc Kinh kiên quyết áp đặt luật an ninh mới lên đặc khu hành chính này.

Trung Quốc đe bên ngoài để « rắn » bên trong

Phương Tây dồn dập lên án Trung Quốc đã vi phạm cam kết « Một quốc gia, Hai chế độ » do chính Trung Quốc đưa ra vào thời điểm Anh Quốc trao trả thuộc địa năm 1997. Úc, Canada và Anh Quốc đã có những phản ứng mạnh mẽ, đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông. Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút quy chế đặc biệt đối với đặc khu.

Căng thẳng còn gia tăng thêm một nấc khi Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng phô diễn sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn đi xa hơn với những tuyên bố cứng rắn, cho rằng những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển rộng 3,5 triệu km2 mà Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines… là « bất hợp pháp ».

Trước đó, quân đội Trung Quốc còn đối đầu với Ấn Độ ở vùng cao nguyên Ladakh, trên dãy Himalaya. Những cuộc va chạm đẫm máu đã làm thiệt mạng hàng chục binh sĩ ở cả hai phía.

Ông Emmanuel Lincot, giáo sư Viện Công giáo Paris, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, trên đài RFI, nhận định rằng những sự kiện gần đây cho thấy Trung Quốc đang dùng vũ lực để khẳng định thế cường quốc: 

« Chúng ta hoàn toàn trong một logic chiến tranh, nghĩa là lợi dụng dịch Covid-19, chúng ta thấy là tầu chiến Trung Quốc đối đầu với tầu chiến Đài Loan, hay như quý vị đã biết cách đây ba tuần hay một tháng, nhiều cuộc đối đầu đẫm máu đã xảy ra ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đây chỉ là một vài yếu tố trong nhiều yếu tố khác.

Quả thật chính quyền Trung Quốc đã trở nên cực đoan hơn và điều này được thể hiện bằng một quyết định về mặt tư pháp là áp đặt lên Hồng Kông luật an ninh quốc gia. Đạo luật này trên thực tế còn vượt ngoài khuôn khổ Hồng Kông, được áp đặt cho cả nước Trung Quốc.

Vì sao ? Bởi vì những gì truyền thông phương Tây chưa nói hết chính là Trung Quốc, do đại dịch Covid-19, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, với hàng chục triệu người thất nghiệp. Thế nên chính quyền Bắc Kinh tìm cách ngăn ngừa mọi mầm mống phản đối trong những tuần hay những tháng sắp tới. »

Hoa Vi : Tai mắt bên ngoài cho chính phủ Trung Quốc ?

Cuộc chiến 5G mà Hoa Vi – Tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc – trong tầm ngắm, còn làm cho cuộc đọ sức giữa phương Tây và Trung Quốc trở nên dữ dội hơn bao giờ hết. Giới quan sát không ngần ngại ví cuộc đối đầu này như là một cuộc "chiến tranh lạnh mới".

Nước Anh, dưới áp lực của Mỹ, sau một thời gian do dự đã quyết định đi theo các nước còn lại trong nhóm Five Eyes (Anh, Úc, Canada, New Zealand, Mỹ), gạt Hoa Vi hoàn toàn ra khỏi dự án phát triển mạng 5G, được cho là có một vai trò chiến lược cốt lõi cho các nền kinh tế trong tương lai. Nước Pháp trong thế « đu dây » thì tuyên bố nhẹ nhàng hơn « không hoàn toàn cấm Hoa Vi », nhưng không triển hạn giấy phép tạm thời từ 3-8 năm cho những hãng khai thác viễn thông nào đã sử dụng các trang thiết bị của Hoa Vi.

Vì sao như vậy ? Bộ Ngoại Giao Mỹ cáo buộc Hoa Vi có tham gia vào các hoạt động dọ thám cho chế độ cộng sản Trung Quốc. Ông Emmanuel Lincot, khi trả lời phỏng vấn trang mạng Atlantico, nhắc lại trong một bài viết đăng hồi tháng 11/2018, tờ The Australian dẫn một số nguồn tin từ các cơ quan tình báo Úc xác nhận Hoa Vi đã cung cấp mã khóa và các dữ liệu đăng nhập cho cơ quan tình báo Trung Quốc, cho phép họ thâm nhập vào một « hệ thống mạng nước ngoài ».

Những cáo buộc mà bà Chunyan Li, sáng lập viên Feida Consulting, trong chương trình Tranh Luận của kênh truyền hình quốc tế France 24, đã mạnh mẽ phản bác, cho rằng vụ việc đã bị chính trị hóa:

« Tôi cho rằng đằng sau những quyết định này còn có một thách thức chính trị giữa các nước khác nhau. Bởi vì quốc gia nào cũng có các cơ quan tình báo riêng của mình, và chẳng qua là nước này có nhiều phương tiện hơn nước khác mà thôi. Trên các kênh truyền thông phương Tây, người ta nghe nói nhiều về Hoa Vi, họ cáo buộc Hoa Vi có hoạt động dọ thám hay nhiều vấn đề an ninh khác nữa. Nhưng cho đến tận lúc này, người ta cũng chưa có được một bằng chứng nào về mối lo đó.

Nếu chúng ta có thể nói đến các vụ Snowden, Facebook…, liệu các doanh nghiệp Mỹ có mang lại nhiều an toàn và có sẽ trấn an chúng ta được về tính bảo mật các dữ liệu hơn là các hãng Trung Quốc hay không ? Tôi nghĩ là câu trả lời không dễ chút nào, tuyệt đối là sẽ không rõ ràng. Theo tôi, vụ việc này đã bị chính trị hóa. »

Ba lý do

Ông Bruno Tertrais, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), cũng trong chương trình Tranh Luận của France 24, không đồng tình với quan điểm của bà Chunyan Li. Ông đưa ra ba lý do giải thích cho sự quay ngoắc 180° của chính phủ Luân Đôn đối với Hoa Vi:

« Thật ra theo tôi, có ba lý do để giải thích cho thái độ quay ngoắc 180° của nước Anh. Thứ nhất, không nên bỏ qua bối cảnh. Chúng ta nói nhiều đến Hồng Kông. Đặc khu hành chính này là một hồ sơ cực kỳ nhạy cảm đối với Anh Quốc. Chúng ta biết rõ là Vương Quốc Anh đã có phản ứng nhanh chóng sau khi luật an ninh quốc gia được thông qua, nhanh hơn rất nhiều so với các nước còn lại của châu Âu. Và điều đó đã tạo ra một bối cảnh bất lợi cho các mối quan hệ với Bắc Kinh.

Lý do thứ hai mang tính chính trị, nhưng theo nghĩa an ninh mạng. Nói một cách khác, đấy không chỉ đơn giản là một nguy cơ gián điệp, các cơ quan điều phối viễn thông của Anh Quốc đánh giá là các trang thiết bị của Hoa Vi chưa đủ bảo đảm về an ninh, nếu phải trao cho Hoa Vi chiếc chìa khóa 5G của nước Anh.

Yếu tố thứ ba, và tôi chỉ xếp yếu tố này vào hàng thứ ba, quả thật đó còn vì mối quan hệ với Mỹ, và ở đây đúng là một quyết định chính trị, và có thể bàn cãi thêm. Có thể là hơi thực dụng, nhưng dẫu sao đó cũng là một quyết định chiến lược – chính trị. Ngay khi Hoa Kỳ đã chọn một hướng đi, Vương Quốc Anh cho rằng đi theo cùng một hướng với Hoa Kỳ chưa hẳn là tồi. »

Theo phương Tây, việc Hoa Vi có liên kết với các hoạt động của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc là chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Trong một chế độ độc tài do Đảng-Nhà Nước kiểm soát, ranh giới giữa lĩnh vực dân sự và quân sự gần như là không có. Nhà báo Dorian Malovic, phụ trách mục Châu Á cho nhật báo Công Giáo La Croix, cũng trên kênh France 24 nhận xét thêm rằng việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới lên Hồng Kông còn làm gia tăng thêm nỗi ngờ vực về mối liên hệ giữa Hoa Vi với chế độ cộng sản Trung Quốc:

« Con virus này đã là một chiếc máy gia tốc thảm hại cho Hồng Kông, bởi vì Trung Quốc đã thật sự gia tăng gây áp lực. Dịch Covid-19 đồng thời cũng làm gia tăng mối nghi kỵ từ thế giới phương Tây : Úc, New Zealand, Canada… về những phương thức vận hành của Trung Quốc.

Đối với vụ Hoa Vi, cần phải cẩn trọng trong các cuộc đối đầu, bởi vì nếu công khai chỉ trích Hoa Vi, quý vị có thể bị kiện về tội vu khống. Ở đây, doanh nghiệp Trung Quốc đương nhiên trong tình trạng hiện nay còn có nghĩa vụ phải tuân thủ luật an ninh quốc gia của Trung Quốc nữa. Và nếu chính quyền nước này đòi phải cung cấp bất kể gì đi chăng nữa, thì doanh nghiệp này buộc phải thực hiện mệnh lệnh này. »

Chip bán dẫn : Đòn giáng « chí tử » của Mỹ nhắm vào Hoa Vi ?

Đại dịch Covid-19 đã làm cho phương Tây mở mắt trước mối họa của chế độ độc tài Trung Quốc và các nước châu Âu bắt đầu có những phản ứng mạnh. Cuộc chiến 5G này còn thêm phần gây cấn khi hãng TSMC (Taiwan Semiconductor Manufactoring Company) – hãng sản xuất con chip bán dẫn điện tử hàng đầu thế giới – ngày 16/07/2020 thông báo trước mối nguy bị áp lệnh trừng phạt của Mỹ, đã bắt đầu ngưng nhận đơn đặt hàng cung cấp chip điện tử cho Hoa Vi kể từ trung tuần tháng 5.

Nếu như trên đài France 24, bà Chunyan Li không ngớt lời ca ngợi kỳ tích của Hoa Vi, bỏ xa các nước khác trong lĩnh vực công nghệ viễn thông từ 2-3 năm, thì quyết định này của TSMC đang đe dọa đến sự sống còn của Hoa Vi, bởi vì nguồn cung ứng thay thế là rất hiếm.

Theo báo Pháp Le Monde ngày 21/07/2020, ngoài TSMC, trên thế giới hiện chỉ có Samsung là đủ khả năng sản xuất loại chip điện tử Kirin dùng để sản xuất các loại điện thoại thông minh. Tuy nhiên, Hoa Kỳ hồi tháng 5/2020 thông báo trừng phạt bất kỳ doanh nghiệp nào sử dụng các linh kiện của Mỹ để bán cho Hoa Vi.

Giải pháp duy nhất cho Hoa Vi là quay về với hãng SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corporation) ở trong nước. Thế nhưng, công nghệ của hãng điện tử hàng đầu Trung Quốc này chỉ có khả năng khắc những con chip silicium có độ mỏng 14 nanomet so với những con chip mỏng 5 nanomet của Đài Loan và Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là Trung Quốc bị chậm đến 4 năm.

Như để chặn mọi đường tiến của Hoa Vi, chính quyền Donald Trump còn gây áp lực với Hà Lan để hãng ASML không bán cho SMIC của Trung Quốc các loại máy móc tân tiến nhất để khắc những loại chip điện tử thế hệ mới.

Câu hỏi lớn nhất hiện nay : Hoa Kỳ còn những chiêu bài nào để chống Hoa Vi ? Liệu rằng với những đòn này, Hoa Kỳ cũng như phương Tây có chặn được tham vọng Made in China 2025, theo đó 80% các sản phẩm trong mười lĩnh vực chủ chốt sẽ phải được sản xuất ở Trung Quốc ?

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200723-trung-quoc-phuong-tay-chien-tranh-lanh-hoa-vi

Trung Quốc : Tầm nhìn « China 2025 » hay bản chỉ dẫn... đánh cắp công nghệ ?

Tầm nhìn « China 2025 » hay bản chỉ dẫn đánh cắp công nghệ ?

Phần âm thanh 11:50
Tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston, Texas, Hoa Kỳ, ngày 24/07/2020. Chính quyền Donald Trump cáo buộc nơi này là một ổ gián điệp,
Tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston, Texas, Hoa Kỳ, ngày 24/07/2020. Chính quyền Donald Trump cáo buộc nơi này là một ổ gián điệp, REUTERS - ADREES LATIF
Minh Anh

Leo thang căng thẳng Mỹ - Trung bước sang một nấc mới : « Cuộc chiến lãnh sự ». Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tuần qua ra lệnh đóng cửa các tòa lãnh sự lẫn nhau : Một của Trung Quốc tại Houston và một của Mỹ tại Thành Đô. Hoa Kỳ đặc biệt tố cáo Bắc Kinh gia tăng các hoạt động gián điệp, đánh cắp công nghệ nhằm phục vụ cho mục tiêu « Tầm nhìn Made in China 2025 » đầy tham vọng.« Văn phòng biện lý đặc trách Đông Washington và An ninh Quốc gia quyết định truy tố hai tin tặc Trung Quốc làm việc cho bộ An Ninh Trung Quốc, trong đó có sở An ninh tỉnh Quảng Đông (GSSD) trực thuộc bộ An Ninh (MSS), với tội danh tiến hành một chiến dịch càn quét xâm nhập toàn bộ hệ thống máy vi tính. (…)

Chỉ trong vòng vài ngày từ 21-24/07/2020, nhiều sự kiện dồn dập xảy ra, khiến cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn dĩ đã xấu đi nay thêm phần tồi tệ. Ngày 21/07/2020, bộ Tư Pháp Hoa Kỳ thông báo truy tố hai tin tặc người Trung Quốc Xiaoyu Li et Jiazhi Dong. Trong buổi họp báo, trợ lý chưởng lý, ông John.C. Demers nêu rõ :

Chiến dịch này nhắm vào các sở hữu trí tuệ và các thông tin thương mại bảo mật trong các lĩnh vực tư nhân, kể cả các dữ liệu nghiên cứu Covid-19 liên quan đến điều trị, xét nghiệm và vac-xin. Chiến dịch còn nhắm vào các ngành công nghiệp như ngành sản xuất trang thiết bị y tế công nghệ cao, kỹ thuật dân dụng và công nghiệp, phần mềm giáo dục kinh doanh và trò chơi, năng lượng mặt trời, ngành bào chế dược phẩm và quốc phòng ».

Ngoài hai tin tặc trên, FBI còn truy bắt bốn người Trung Quốc khác bị cáo buộc che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, để có thị thực nhập cảnh cho phép họ theo học hay tiến hành các nghiên cứu các ngành công nghệ mũi nhọn tại Mỹ từ y khoa cho đến trí thông minh nhân tạo.

Vài giờ sau khi ra thông cáo, chính phủ Mỹ gia hạn cho Trung Quốc có 72 giờ để đóng cửa tòa lãnh sự tại Houston. Theo ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo ngày 23/07, tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston là một « ổ gián điệp », tổ chức các hoạt động « đánh cắp sở hữu trí tuệ ». Chuyên gia địa chính trị, ông Philippe Moreau Desfarges, trên đài RFI cho rằng những kiểu tố cáo này chẳng có gì là mới cả:

« Tại nhiều lãnh sự hay tòa đại sứ, có những người được gọi là tùy viên quân sự, trợ lý tùy viên quân sự, có những chức năng khá đặc biệt. Đương nhiên, theo luật quốc tế, có một sự tách bạch rất rạch ròi giữa chức năng ngoại giao với mọi hình thức dọ thám. Nhưng trên thực tế, hành chức ngoại giao cũng là một dạng gián điệp. Do vậy, chẳng có gì là đáng ngạc nhiên cả. »

Kế hoạch « China 2025 » : Bản đồ chỉ dẫn đánh cắp ?

Điều đáng chú ý là trong buổi họp báo, bộ Tư Pháp Mỹ cáo buộc những gián điệp trên của Trung Quốc tiến hành đánh cắp các dữ liệu của nhiều hãng công nghệ cao không chỉ riêng tại Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia có công nghệ tiên tiến khác như Úc, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Anh Quốc, Hàn Quốc… Và các hoạt động dọ thám này của Trung Quốc là là nhằm phục vụ cho kế hoạch « China 2025 ».

Ông John C. Demers phát biểu tiếp : « Không ngạc nhiên, những vụ xâm nhập này nhắm vào các ngành công nghiệp được vạch ra trong kế hoạch ʺMade in China 2025ʺ - kế hoạch 10 năm này của Trung Quốc nhắm đến phát triển những ngành công nghiệp sản xuất công nghệ tiên tiến chiến lược. Dù rằng bản kế hoạch kêu gọi một cách tiếp cận theo hướng cách tân, những trường hợp này cho thấy rõ bản kế hoạch này giống như một bản đồ chỉ dẫn để đánh cắp, hơn là một bản hướng dẫn để đổi mới.

Những hành động xâm nhập trong trường hợp này chủ yếu nhắm vào tám trong số mười ngành công nghệ được xác định trong bản kế hoạch : Công nghệ thông tin thế hệ mới, robot và các loại máy móc công cụ tự động hóa, hàng không và các linh kiện hàng không, các loại tầu hàng hải, vật liệu mới, công nghệ sinh học và kỹ nghệ đường sắt. »

Kế hoạch Made in China 2025 đó nói gì ? Được thủ tướng Lý Khắc Cường công bố hồi tháng 5/2015, bản kế hoạch 10 năm này vạch ra mục tiêu là đến năm 2025, 80% các sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như ông John C. Demers đề cập ở trên phải được sản xuất ở trong nước. Mục tiêu là phải có được một sản phẩm tương đồng của Trung Quốc.

Trong một số lĩnh vực, mục tiêu này của Trung Quốc hầu như đã đạt được. Chẳng hạn như Mỹ có GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon), thì một cách tương ứng, Trung Quốc có BXTA (Baidu, Xiaomi, Tencent, Alibaba) và nhất là còn có Hoa Vi – tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc và đang dẫn đầu thế giới công nghệ mạng 5G - hiện là tâm điểm của cuộc đọ sức Mỹ - Trung.

Trong hồ sơ này, Hoa Kỳ gây nhiều áp lực với các nước đồng minh để gạt Hoa Vi ra khỏi các dự án phát triển mạng 5G tương lai, ít nhất vì hai lý do. Thứ nhất là nguy cơ bị dọ thám thông qua các mạng 5G, bởi vì Hoa Kỳ cho rằng Hoa Vi có những mối liên hệ trực tiếp với những lợi ích của Trung Quốc. Thứ hai là rủi ro bị phá hoại, bởi vì mạng 5G sẽ cho phép kiểm soát thông tin từ xa.

Một lĩnh vực khác cũng cho thấy Bắc Kinh dường như đã đạt được mục tiêu là có được một Hyperloop của riêng mình – tức một dạng tầu điện siêu thanh do nhóm nghiên cứu của nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk phát triển. Tuy những thông tin về dự án tầu điện từ trường này vẫn chưa rõ ràng, nhưng có một điều chắc chắn là, cũng như bao dự án khác, Bắc Kinh trực tiếp quản lý và không muốn lệ thuộc vào một nước nào để thực hiện.

Tấn công tin tặc : Trung Quốc dồn dập hành động

Chỉ có điều kế hoạch 10 năm này của Trung Quốc đe dọa vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của Mỹ và khiến nhiều nước phương Tây lo ngại. Một mặt, Bắc Kinh tìm cách tiếp cận các hiểu biết tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới. Nhưng mặt khác, Trung Quốc khóa chặt cánh cổng thị trường của mình.

Đồng thời, để có thể hoàn thành nhanh chóng các mục tiêu đề ra trong kế hoạch « China 2025 », Trung Quốc trong một thập niên qua đã tăng tốc các hoạt động dọ thám, tấn công tin học để đánh cắp công nghệ - kỹ nghệ cao tại nhiều nước phương Tây, theo như điều tra của nhà báo Antoine Izambard, tác giả tập sách « France-Chine, les liaisons dangereuses » (tạm dịch là Pháp – Trung Quốc, những mối liên hệ nguy hiểm). Trên kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24, ông giải thích :

« Những gì các cơ quan phản gián cho biết từ năm 2016, trong giai đoạn 2008 – 2014, 2015, chúng ta thấy rõ có một đợt dọ thám tin học, tấn công tin tặc tại Pháp cực kỳ dữ dội. Tình hình này sau đó có giảm bớt đôi chút, bởi vì Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ ʺđiểm mặt chỉ tênʺ. Do vậy, Bắc Kinh đã hiện đại hóa đôi chút công cụ dọ thám tin học của họ, nên giờ rất khó quy cho Trung Quốc tiến hành tấn công tin học tại Pháp. Nhưng theo những gì phần đông những người phải đối phó với tình trạng này nói với tôi, chính một nước lớn mới tấn công các doanh nghiệp của chúng ta nhiều nhất tại Pháp ».

Vẫn trên kênh France 24, nhà báo Antoine Izambard nhận định tiếp Bắc Kinh đã « hiện đại hóa » các thủ thuật tin tặc như thế nào để dễ bề đánh cắp các dữ liệu :

« Chính vào lúc các cuộc tấn công tin tặc dễ bị các cơ quan tình báo Pháp phát hiện, Trung Quốc sẽ trở nên ʺxảo quyệtʺ hơn một chút, mà vụ Airbus là một ví dụ. Một nhà thầu phụ, một hãng cung cấp trang thiết bị,… bị nhắm đến, để rồi mục tiêu là thâm nhập được vào Airbus để có được các tài liệu chứng nhận sẽ cho phép chứng thực chiếc C-919 sẽ là chiếc máy bay hai động cơ thân hẹp đường trung đầu tiên trên thế giới ».

Du học sinh : Đội ngũ gián điệp đông đúc và hiệu quả ?

Bên cạnh các hoạt động tin tặc, các cơ quan phản gián phương Tây còn báo động mối họa gián điệp sinh viên Trung Quốc. Ngày 02/07/2020, cơ quan an ninh nội địa Bỉ (phản gián – La Sûreté de l’Etat) công bố báo cáo hằng năm, gióng chuông cảnh báo các hoạt động dọ thám của sinh viên Trung Quốc trong các ngành công nghệ quốc phòng.

Vẫn theo cơ quan phản gián Bỉ, chính quyền Bắc Kinh đặc biệt khuyến khích sinh viên đến học tập và nghiên cứu tại Bruxelles, vì thành phố này là nơi trú ngụ nhiều trụ sở lớn của các định chế Liên Hiệp Châu Âu. Mối lo gián điệp sinh viên Trung Quốc, trước đó đã từng được FBI của Mỹ đánh động vào năm 2019, sau vụ bắt giữ sinh viên Ji Chaoqun, học tại Viện Công Nghệ Chicago.

Nhiệm vụ của cậu sinh viên này là « xác định các công dân Mỹ gốc Hoa hay Đài Loan làm việc trong ngành công nghiệp vũ khí mà cơ quan tình báo Trung Quốc đánh giá là có thể tuyển dụng được », theo như giải thích của ông Joseph Augustyn, cựu trợ lý giám đốc CIA với kênh truyền hình France 2.

Vẫn theo vị cựu lãnh đạo CIA này, « Trung Quốc sử dụng sinh viên gián điệp là bởi vì họ có đến 350.000 du học sinh (đông gấp 10 lần so với số nhân viên FBI), đông đến mức họ có thể chỉ ra được một số cá nhân cho việc tìm kiếm những thông tin nào mà Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến ».

Hoa Kỳ hẳn không thể nào quên được vụ Liu Ropeng, hiện đang đứng đầu một hãng công nghệ tương lai, trong đó có các loại vật dụng bay. Người này bị cáo buộc đánh cắp các kỹ nghệ trong quá trình theo học với một giáo sư vật lý có tiếng tăm ở Mỹ, ông David Smith, từng mở cánh cửa phòng thí nghiệm cho cậu sinh viên Trung Quốc. Trở về nước, Liu Ropeng đã cho xây dựng một bản sao phòng thí nghiệm. Đương nhiên, FBI đã không thể chứng minh được hành động gián điệp của Liu Ropeng.

Mỹ chặn đà tiến của Trung Quốc : Liệu đã muộn ?

Hoạt động dọ thám, tin tặc, đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc đã có ít nhất từ 10 năm nay, vì sao đến bây giờ Hoa Kỳ mới có những phản ứng mạnh mẽ? Việc gây ầm ĩ lúc này chắc chắn cũng nhằm mục tiêu tái tranh cử của tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây giật mình tỉnh ngộ là đã quá lệ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, cũng như đã bị nước này bỏ xa trong nhiều ngành chiến lược, từ viễn thông cho đến cả không gian. Và nhất là trong cơn đại dịch này, Hoa Kỳ và phương Tây còn có nguy cơ bị Trung Quốc qua mặt trong cuộc đua tìm kiếm vac-xin ngừa Covid-19.

Thế nên, theo quan điểm của ông François Costantini, chuyên gia địa chính trị, với kênh truyền hình RT (Russia Today), những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc còn nhằm mục đích chặn đà tiến « China 2025 » của Bắc Kinh.

« Đúng là hiện nay Hoa Kỳ muốn hạn chế bớt vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trên thế giới. Thế nên, Mỹ chủ yếu nhắm vào ở những lãnh vực có thể gây thiệt hại nhiều nhất. Những gì mà Hoa Kỳ nhận thấy từ một phần tư thế kỷ nay là hầu như Trung Quốc xây dựng nên sức mạnh của mình nhờ vào thặng dư thương mại.

Ở đây, người ta thấy rõ chính trong thặng dư thương mại, chính sách thương mại, trí thông minh nhân tạo, một số lĩnh vực chiến lược mà Hoa Kỳ đang tìm cách ngăn chận sức mạnh của Trung Quốc để đẩy lui GDP của Trung Quốc.

Đừng quên rằng 45% GDP của Trung Quốc có được là từ ngành xuất khẩu, do vậy giảm thặng dư mậu dịch của Trung Quốc là giảm sức mạnh của Bắc Kinh và có thể dẫn đến việc người dân Trung Quốc tự chất vấn, để cuối cùng có thể là đi đến một cuộc cách mạng chính trị như Hoa Kỳ nhắm đến, nhất là vào thời điểm đôi bên đang trong cuộc đọ sức ».

Liệu rằng có đã quá trễ để chặn đà tiến của Bắc Kinh hay không ? Như một sự trùng hợp, vào ngày Washington ra lệnh đóng cửa tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston, chính quyền Bắc Kinh thông báo phóng thành công phi thuyền Thiên Vấn -1, độc hành chuyến thám hiểm Sao Hỏa đầu tiên của mình.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200730-hoa-ky-trung-quoc-gian-diep-cang-thang

Covid-19 : Mỹ đẩy mạnh cuộc săn lùng gián điệp Trung Quốc

Covid-19 : Mỹ đẩy mạnh cuộc săn lùng gián điệp Trung Quốc

Ảnh minh họa. Các nhà nghiên cứu của Mỹ về virus corona đã được chính quyền cảnh báo về nguy cơ tin tặc, gián điệp Trung Quốc.
Ảnh minh họa. Các nhà nghiên cứu của Mỹ về virus corona đã được chính quyền cảnh báo về nguy cơ tin tặc, gián điệp Trung Quốc. © REUTERS - POOL
Thùy Dương
7 phút

Gián điệp Trung Quốc là chủ đề được báo chí Pháp nhắc đến nhiều trong những ngày qua, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao Mỹ - Trung đặc biệt gia tăng trong tuần trước.

Các cường quốc gài gián điệp dọ thám lẫn nhau không phải là điều mới mẻ. Việc Mỹ và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau làm gián điệp cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng điều đáng nói là trong vòng một tuần, Washington liên lục đưa ra ánh sáng các vụ tin tặc, gián điệp Trung Quốc dọ thám và đỉnh điểm là quyết định yêu cầu tòa lãnh sự Trung Quốc tại Houston, Texas, đóng cửa, kéo theo đòn trả đũa của Bắc Kinh là đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô.

Quyết định của Washington ngày 21/07/2020 về việc cho đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston như « tiếng sấm nổ bên tai ». Trên đài France Info ngày 25/07, bà Valérie Niquet, phụ trách cơ quan nghiên cứu châu Á, thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp, nhấn mạnh : « Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1979 và kể từ khi Trung Quốc và Mỹ tái lập quan hệ, một tòa lãnh sự của Trung Quốc bị Mỹ yêu cầu đóng cửa ».

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, Morgan Ortagu, giải thích quyết định của Washington là nhằm « bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các thông tin cá nhân của người Mỹ »,khẳng định « Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho việc Trung Quốc có những hành động vi phạm chủ quyền của Mỹ và đe dọa nhân dân Mỹ ».

Hàng loạt vụ bắt tin tặc, gián điệp Trung Quốc

Theo giới quan sát, cuộc chiến của Washingtion chống gián điệp Trung Quốc đặc biệt gia tăng giữa lúc khủng hoảng Covid-19. Chỉ trong vòng một tuần, bắt đầu từ ngày 21/07, hàng loạt vụ việc liên quan đến gián điệp Trung Quốc bị Washington « lôi ra trước ánh sáng ».

Ngày 21/07, trong một thông cáo, bộ Tư Pháp Mỹ thông báo đã phát lệnh truy nã hai tin tặc Trung Quốc Lý Tiểu Ngọc (Xiaoyu Li) và Đổng Gia Chí (Jiazhi Dong). Hai người này hiện đang ở Trung Quốc và bị Mỹ cáo buộc đã tiến hành các cuộc tấn công tin tặc nhắm vào hàng trăm tổ chức phi chính phủ, công ty công nghệ cao, định chế và cơ quan hành chính của Mỹ và 10 quốc gia khác, trong đó có Đức, Anh, Bỉ, Úc, Nhật, Hàn Quốc … trong suốt hơn 10 năm. Phó giám đốc FBI, David L. Bowdich, khẳng định hai tin tặc này hoạt động dưới sự chỉ đạo của cơ quan tình báo Trung Quốc.

Ngày 23/07, bộ Tư Pháp Mỹ lại thông báo đã bắt giữ một người phụ nữ Trung Quốc tên là Juan Tang, 37 tuổi, chuyên gia về bệnh ung thư, đến học tập, nghiên cứu tại đại học California từ tháng 01/2020. Trước đây, bà Tang làm việc trong một quân y viện của Trung Quốc. Sau khi bị FBI phát giác dùng hộ chiếu giả, che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc khi xin visa nhập cảnh vào Mỹ nhằm mục đích dọ thám, Juan Tang đã đến ẩn náu ở lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco, nhưng cuối cùng, bà Tang cũng bị Washington bắt.

Các chưởng lý liên bang tố cáo bà Tang là sĩ quan và là nhà nghiên cứu của bệnh viện của lực lượng không quân Trung Quốc. Nếu bị tòa kết tội, Juan Tang sẽ phải chịu án tù giam lên tới 10 năm và nộp phạt 250.000 đô la. Trước khi bà Tang bị bắt, có ba nhà khoa học khác của Trung Quốc cũng bắt vì cáo buộc tương tự ở California và Indiana. Theo trang tin Fr 24 News, bộ Tư Pháp Mỹ nhận định các vụ đó mới chỉ là một phần nhỏ trong một mạng lưới lớn tại ít nhất 25 thành phố của Mỹ.

Đến ngày 24/07, bộ Tư Pháp Mỹ lại thông báo một công dân Singapore thú nhận trước một tòa án liên bang là đã làm gián điệp cho Trung Quốc thông qua việc dùng danh tính giả, tự nhận là người tuyển dụng nhân viên phục vụ chính phủ và quân đội Mỹ để thu thập và cung cấp cho Bắc Kinh những thông tin nhạy cảm của Whasington.

Nghiên cứu Covid-19 : mục tiêu mới của tin tặc, gián điệp Trung Quốc

Trở lại vụ hai tin tặc Trung Quốc Lý Tiểu Ngọc và Đổng Gia Chí, theo bộ Tư Pháp Mỹ, ngoài các bí mật liên quan đến các vệ tinh của quân đội, pin mặt trời và hóa chất …, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hai tin tặc Trung Quốc Lý Tiểu Ngọc và Đổng Gia Chí đặc biệt nhắm vào các doanh nghiệp nghiên cứu vac-xin ngừa virus corona. Theo chưởng lý liên bang phụ trách hồ sơ, mới đây, hai người này đã tấn công vào một số doanh nghiệp ở California, chuyên về nghiên cứu vac-xin, điều trị và xét nghiệm tầm soát virus corona, cũng như hai doanh nghiệp công nghệ sinh học ở Maryland và Massachusetts.

Ngoài ra, phải kể đến tổ hợp y khoa lớn ở thành phố Houston, Texas, trong đó có đại học y Baylor và bệnh viện Houston Methodist. Đài France 24 cho biết các cơ quan tình báo Mỹ cũng khẳng định đại học Oxford của Anh và ngành công nghệ dược phẩm của Pháp, trong đó có cả hãng dược nổi tiếng Sanofi, cũng bị gián điệp Trung Quốc « nhòm ngó ».

Chính quyền Mỹ không nói rõ hai tin tặc Trung Quốc đã lấy được thông tin bí mật của các doanh nghiệp hay chưa, nhưng theo AFP ngày 22/07, ông John Demers, đặc trách các vấn đề an ninh quốc gia của bộ Tư Pháp, lo ngại là các vụ tấn công tin tặc hoặc các âm mưu tấn công mạng khiến công tác nghiên cứu, vốn đang rất cấp bách để có thể khống chế dịch bệnh, bị chậm lại.

Đài France Info ngày 25/07 trích dẫn ông Julian Barne, chuyên gia của New York Times, tác giả các bài điều tra về gián điệp Trung Quốc, theo đó kể từ khi virus corona xuất hiện, các hoạt động gián điệp đã tăng mạnh và « vào thời chiến tranh lạnh, người ta đánh cắp các bí mật quân sự và các bí mật về công cuộc chinh phục không gian … còn hiện giờ, mục tiêu lớn bị nhắm đến là các nghiên cứu về vac-xin. Các doanh nghiệp về công nghệ sinh học và dược phẩm bị nhắm đến, nhưng các trường đại học cũng vậy, vì đó là nơi tiến hành nhiều nghiên cứu, và máy tính của các trường đại học thì dễ bị xâm nhập hơn. Khác với doanh nghiệp, trường đại học không có nhiều tiền để đầu tư vào an ninh mạng. »

Ngay từ hôm 13/05, cảnh sát liên bang và cơ quan an ninh mạng của Mỹ đã cảnh báo các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu về virus corona về nguy cơ bị tin tặc Trung Quốc tấn công. Theo các nhà bình luận, rất hiếm khi cảnh sát liên bang và cơ quan an ninh mạng của Mỹ làm như vậy. Đến ngày 07/07, giám đốc FBI Christopher Wray tố cáo Trung Quốc đang tìm cách gây hại cho công tác nghiên cứu của Mỹ về Covid-19.

Theo các chuyên gia, những vụ phát giác liên tục trong tuần trước chỉ là « phần nổi của tảng băng chìm ». « Cuộc chiến gián điệp » của Mỹ chống Trung Quốc sẽ còn quyết liệt, nhất là trong bối cảnh cả thế giới đang ngóng chờ vac-xin, niềm hy vọng để vượt qua đại dịch. Không phải vô cớ mà cả chính quyền và các dân biểu Mỹ đều khẳng định Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ thời Covid-19 !  

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200731-covid-19-m%E1%BB%B9-%C4%91%E1%BA%A9y-m%E1%BA%A1nh-cu%E1%BB%99c-s%C4%83n-l%C3%B9ng-gi%C3%A1n-%C4%91i%E1%BB%87p-trung-qu%E1%BB%91c

Thêm một gián điệp Trung Quốc sa lưới Tư Pháp Hoa Kỳ

Bộ Tư Pháp Mỹ thông báo đã bắt được thêm một nghi can người Trung Quốc làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Bộ Tư Pháp Mỹ thông báo đã bắt được thêm một nghi can người Trung Quốc làm gián điệp cho Bắc Kinh. GETTY IMAGES/AFP/File
Thanh Hà
3 phút

Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ ngày 24/07/2020 cho biết đã bắt được nhà nghiên cứu Trung Quốc Juan Tang từng trốn trong tòa lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco. Bà là một trong 4 người bị Cục Điều Tra Liên Bang cáo buộc dùng hộ chiếu giả nhập cảnh vào Mỹ và che giấu liên hệ với quân đội Trung Quốc.

Một quan chức bộ Tư Pháp Mỹ xác nhận với báo giới, « Một người chạy trốn vào tòa lãnh sự Trung Quốc ở San Francisco trong đêm Thứ Năm 23/07/2020 đã bị bắt ». Đương sự đang bị tạm giam và trình diện trước một tòa án nội trong ngày 24/07. Quan chức này cho biết thêm người vừa bị bắt là Juan Tang, người Trung Quốc. Bà là một chuyên gia về bệnh ung thư và từ tháng Giêng 2020 đã làm việc tại Đại Học California.

Cục Điều Tra Liên bang Mỹ vừa phát hiện nhân vật này cùng 3 người khác đã sử dụng hộ chiếu giả, đội lốt các nhà khoa học để dọ thám Hoa Kỳ. Bản thân bà Juan Tang từng phục vụ trong một bệnh viên quân y Trung Quốc. Mục tiêu những người này nhắm tới là dọ thám các cơ sở kinh tế của Mỹ.

Vẫn theo quan chức nói trên được AFP trích dẫn, 4 trường hợp vừa bị bắt chỉ là « phần nổi của tảng băng » về những hoạt động tình báo của Trung Quốc nhắm vào các mục tiêu kinh tế của Mỹ.

Trung Quốc tuyển dụng công dân Singapore dọ thám Mỹ

Trong bối cảnh cực kỳ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh hiện tại, hôm 24/07/2020 trước một tòa án Liên Bang Mỹ, một công dân Singapore thú nhận làm gián điệp cho Trung Quốc. Thông tín viên Eric de Salve từ San Francisco cho biết thêm :

« Công dân Singapore này hoạt động tại Mỹ dưới một danh tính giả và tự nhận là người tuyển dụng nhân viên phục vụ cho chính phủ và quân đội Hoa Kỳ. Trên thực tế hãng của anh ta có nhiệm vụ thu thập những thông tin nhậy cảm của Mỹ để cung cấp cho phía chính quyền Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019.

Sa lưới cơ quan phản gián thuộc FBI, bị truy tố về « tội làm gián điệp cho một lực lượng nước ngoài » đương sự nhận tội vào hôm qua trước một tòa án Liên Bang tại Washington. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh hàng loạt các gián điệp được phơi bày ra ánh sáng và căng thẳng Mỹ - Trung càng lúc càng tăng cao.

Chính quyền Trump tố cáo Trung Quốc đánh cắp các công trình nghiên cứu vac-xin chống virus corona, can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11/2020. Thứ Năm vừa qua một nhà nghiên cứu Trung Quốc bị FBI tình nghi làm gián điệp cho Bắc Kinh đã trú ẩn tại tòa lãnh sự Trung Quốc ở San Francisco. Một ngày trước đó Mỹ ra lệnh đóng cửa tòa lãnh sự Trung Quốc tại Houston, bị nghi ngờ là một ổ gián điệp chính của Trung Quốc tại Mỹ ».

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200725-th%C3%AAm-m%E1%BB%99t-gi%C3%A1n-%C4%91i%E1%BB%87p-trung-qu%E1%BB%91c-sa-l%C6%B0%E1%BB%9Bi-t%C6%B0-ph%C3%A1p-hoa-k%E1%BB%B3

Công dân Mỹ bị bắn chết trong tòa xử vụ ‘báng bổ tôn giáo’ ở Pakistan

Công dân Mỹ bị bắn chết trong tòa xử vụ ‘báng bổ tôn giáo’ ở Pakistan

ISLAMABAD, Pakistan (NV) – Một công dân Mỹ bị bắn chết ngay trong phòng xử ở Pakistan, trong phiên tòa xử tội “báng bổ tôn giáo,” theo tin từ giới chức an ninh và truyền thông.

Bản tin của CNN cho biết ông Tahir Ahmed Naseem, 47 tuổi, chết hôm Thứ Tư, 29 Tháng Bảy, sau khi một người trong đám đông đến dự phiên xử, cầm súng bước ra giữa phòng xử, khai hỏa ngay trước mặt chánh án. Hung thủ bị bắt ngay sau đó.

Ông Naseem bị đưa ra tòa về tội báng bổ tôn giáo sau khi bị tố cáo đã tự xưng là “nhà tiên tri,” một tội có thể bị án tử hình, theo như luật pháp ở Pakistan.

Trong bản thông cáo gửi tới báo chí, Bộ Ngoại Giao Mỹ bày tỏ “sự đau buồn, bàng hoàng, và giận dữ” trước việc công dân Mỹ bị giết. Bản thông cáo này nói ông Naseem “đã bị kẻ khác lập kế dẫn dụ từ nhà ông ở Illinois về Pakistan rồi sau đó dùng luật về tôn giáo để khiến ông bị tống giam.”

Chính phủ Mỹ cũng đòi hỏi phía Pakistan phải “ngay lập tức có biện pháp để những thảm kịch đáng xấu hổ tương tự sẽ không còn lặp lại nữa.”

Ông Naseem bị bắt từ năm 2018 và được sự trợ giúp của chính phủ Mỹ qua tòa đại sứ từ đó đến nay.

Theo một phát ngôn viên của sở cảnh sát ở vùng Peshawar, hung thủ nói với Naseem rằng ông ta là “kẻ thù của tôn giáo” và đáng bị giết, trước khi nổ súng.

Cảnh sát đang điều tra vì sao hung thủ có thể cầm súng vào trong tòa án để giết người trước sự hiện diện của các nhân viên giữ an ninh. (V.Giang) [qd]

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/cong-dan-my-bi-ban-chet-ngay-trong-phien-toa-xu-vu-bang-bo-ton-giao-o-pakistan/

Bác Sĩ Fauci lạc quan vaccine COVID-19 sẽ được cung cấp rộng rãi cho người dân Mỹ

Bác Sĩ Fauci lạc quan vaccine COVID-19 sẽ được cung cấp rộng rãi cho người dân Mỹ

WASHINGTON, DC (AP) – Một khi vaccine ngừa COVID-19 được chuẩn thuận là an toàn và hiệu quả, sẽ phổ biến rộng rãi cho người dân Mỹ trong một thời gian hợp lý, lời của Bác Sĩ Anthony trong phiên điều trần tại Hạ Viện, hôm Thứ Sáu, 31 Tháng Bảy.

Chuyên gia cao cấp nhất nước về bệnh truyền nhiễm tỏ vẻ lạc quan về sự tiến triển của vaccine, “Tôi tin rằng, cuối cùng thì người Mỹ sẽ được chính ngừa vào một thời điểm trong năm 2021.”

Tuy nhiên, sẽ có một danh sách ưu tiên cho những người được chích ngừa sớm hơn, “Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người được chích ngừa ngay lập tức,” ông Fauci giải thích, nhưng “cuối cùng, trong một thời gian hợp lý, kế hoạch vạch ra cho phép bất kỳ người Mỹ nào cần sẽ được chích ngừa.”

Dưới kế hoạch của Tòa Bạch Ốc, các giới chức y tế liên bang đang thực hiện kế hoạch Operation Warp Speed để sản xuất 300 triệu liều vaccine trong một thời gian gấp rút.

Bác Sĩ Fauci đồng thời cho biết hiện nay có hơn 250,000 người sẵn sàng cho thí nghiệm với các vaccine chống COVID-19.

Hôm Thứ Ba, 14 Tháng Bảy, các nhà nghiên cứu hồi hộp chờ kết quả từ 45 tình nguyện viên tiêm vaccine do đồng nghiệp của ông Fauci ở Viện Y Tế Quốc Gia và công ty Moderna bào chế.

Đây là vaccine COVID-19 đầu tiên được thử nghiệm ở Mỹ giúp tăng cường hệ miễn dịch đúng như các nhà nghiên cứu hy vọng.

Cơ thể 45 người này sản sinh kháng thể trong máu nhiều bằng số kháng thể trong cơ thể bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, nhóm nghiên cứu loan báo trên tạp chí Y Khoa New England.

“Đây là tin vui, cho dù ai nói gì đi nữa,” Bác Sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu quốc gia, nói với hãng tin AP.

Vào khoảng ngày 27 Tháng Bảy, loại vaccine sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm quan trọng nhất: Chích thử nghiệm cho 30,000 người nhằm xác định vaccine đủ mạnh để chống lại virus Corona gây bệnh COVID-19 hay không.

Bác Sĩ Fauci cho hay giai đoạn thử nghiệm này gồm người già, người bị bệnh mãn tính, người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc La Tinh.

Với 30,000 người tham gia, đợt thử nghiệm cuối cùng sẽ là cuộc nghiên cứu vaccine COVID-19 lớn nhất thế giới tính đến lúc này.

“Đây là nền tảng thiết yếu để tiến tới giai đoạn thử nghiệm mà có thể thực sự xác nhận vaccine này ngừa được COVID-19 hay không,” theo lời Bác Sĩ Lisa Jackson thuộc Viện Nghiên Cứu Kaiser Permanente Washington ở Seattle, trưởng nhóm nghiên cứu vaccine. (MPL)

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/fauci-lac-quan-vaccine-duoc-cung-cap-rong-rai-cho-dan-my/