woensdag 23 augustus 2023

Hà Lan và Đan Mạch cam kết chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine

  Hà Lan và Đan Mạch cam kết chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine

Thứ Hai, 06:43, 21/08/2023

VOV.VN - Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chính thức tuyên bố hôm qua (20/8) về việc đồng ý chuyển giao máy bay F-16 của Hà Lan và Đan Mạch cho Ukraine.

Ngày 20/8, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chính thức tuyên bố về việc đồng ý chuyển giao máy bay F-16 của Hà Lan và Đan Mạch cho Ukraine, nhân chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Volodymyr Zelensky tới căn cứ Không quân Eindhoven, ở phía nam Hà Lan.

Tuy nhiên, Thủ Tướng Hà Lan cũng khẳng định rằng họ sẽ phải làm việc với các đối tác quốc tế trước khi có được con số máy bay chính xác cung cấp cho Kiev.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte  cho biết: “Chúng tôi đang xem xét việc bảo dưỡng lại toàn bộ máy bay hay lắp đặt các bản cập nhật trước khi có thể tiến bước xa hơn. Vì vậy, chúng tôi không thể cung cấp con số máy bay chính xác sẽ được chuyển đi. Nhưng nó sẽ nằm trong số 42 chiếc F-16 hiện được bảo quản trong kho quốc gia của Hà Lan”.

Trong một động thái tương tự, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng nước này sẽ tặng 19 chiếc F-16 cho Ukraine. Đồng thời, người đứng đầu chính phủ Đan Mạch cho biết những chiếc máy bay này sẽ được chuyển giao theo lộ trình cho Kiev: 6 chiếc vào cuối năm nay, 8 chiếc vào năm sau và 5 chiếc vào năm tiếp theo.

Trước đó hôm 18/8, Mỹ đã chấp thuận cho Đan Mạch và Hà Lan gửi máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine sau khi các phi công nước này tốt nghiệp khóa đào tạo từ liên minh. Khóa đào tạo nói trên, được tổ chức bởi liên minh 11 quốc gia, dự kiến sẽ bắt đầu trong tháng này. Các quan chức liên minh cho biết họ hy vọng các phi công sẽ sẵn sàng vào đầu năm 2024 sắp tới.

Trong chuyến thăm bất ngờ của mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có mặt ở Thụy Điển vào thứ Bảy (19/8), trước khi đến Hà Lan và Đan Mạch hôm chủ nhật. Tại đây, ông đã thảo luận với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson xoay quanh gói viện trợ quân sự thứ 13 của nước này, bao gồm việc cùng sản xuất xe tăng hạng nhẹ CV90.

Trong chuyến thăm của ông Volodomyr Zelenskiy, Tổng thống Ukraine, thủ tướng của Hoà Lan và Đan Mạch vào hôm Chủ nhật tuyên bố hai quốc gia NATO này sẽ cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, và những đợt giao hàng đầu tiên sẽ diễn ra vào dịp Năm mới. Cam kết này là lời hứa thực sự đầu tiên về F-16 dành cho quân đội Ukraine, và được đưa ra vài ngày sau khi Hoa Kỳ chấp thuận khả năng chuyển giao chiến đấu cơ của hai nước. Theo Reuters, ông Zelenskiy đã gọi quyết định này là "thỏa thuận đột phá", đồng thời nêu rõ các máy bay này sẽ giúp tăng cường khả năng phòng không của Ukraine và giúp phản công chống lại cuộc xâm lăng vào năm 2022 của Nga. Bà Mette Frederiksen, Thủ tướng Đan Mạch, xác nhận Đan Mạch sẽ chuyển giao tổng cộng 19 máy bay phản lực, trong đó 6 chiếc đầu tiên sẽ được chuyển đến Ukraine vào dịp Năm mới, tiếp theo là 8 chiếc vào năm 2024 và 5 chiếc vào năm 2025. Trước đó vào hôm Chủ nhật, 20 tháng 8, khi ông Zelenskiy đến thăm nước này, ông Mark Rutte, thủ tướng Hoà Lan, tuyên bố Hoà Lan có tổng cộng 42 chiếc F-16 nhưng vẫn chưa quyết định liệu có viện trợ toàn bộ hay không. Hoà Lan và Đan Mạch đã dẫn đầu một nỗ lực kéo dài nhiều tháng để đào tạo các phi công Ukraine lái F-16 và cuối cùng là cung cấp các máy bay phản lực này để giúp chống lại ưu thế trên không của Nga.

Phụ nữ gốc Việt phi thường, bà Vân Phan, 52 tuổi, chạy 100 dặm lần thứ 100

 Phụ nữ gốc Việt phi thường chạy 100 dặm lần thứ 100

BELLINGHAM, Washington (NV) – Chỉ có 25 người trên thế giới đạt được thành tựu này. Và giờ đây, một phụ nữ sống tại Pierce County cũng đã làm được điều này, tờ The News Tribune loan tin hôm Chủ Nhật, 20 Tháng Tám..

Vân Phan, 52 tuổi, vừa vượt qua đường chạy marathon dài 100 dặm lần thứ 100.

Hội Đồng Quận Pierce ở tiểu bang Washington chúc mừng Vân Phan đạt thành tích chạy 100 dặm lần thứ 100 hôm 13 Tháng Tám, 2023, trên X (Hình chụp từ màn hình X của Pierce County Council)

Theo Davy Crockett, chuyên gia nghiên cứu lịch sử marathon, Vân Phan là người ở Tây Bắc Thái Bình Dương đầu tiên trên thế giới, gia nhập nhóm những lực sĩ quốc tế từng chạy marathon 100 dặm đường dài được 100 lần.

Bà Vân đã hoàn tất đường chạy bền sức Hamster Endurance Run tại Bellingham vào ngày 13 Tháng Tám, đánh dấu cột mốc cung đường hơn 100 dặm thứ bảy trong năm 2023 và cung đường thứ 100 trong sự nghiệp chạy marathon.

Bà liên tiếp hoàn thành các cung đường xa hơn 26.2 dặm theo tiêu chuẩn marathon. Bắt đầu sự nghiệp chạy marathon đường dài gần 20 năm trước vào ngày 20 Tháng Chín năm 2003, bà tham gia đường chạy Cle Elum Ridge 50K khi ấy.

Bà Vân sống tại Lakewood cùng bạn trai, Mikey Skylar, người cũng từng tham gia chạy cung đường Bellingham ngày 13 Tháng Tám vừa qua. Từ khi còn là một cô bé mới chập chững biết đi, phía Tây Washington đã là quê nhà của Vân Phan. Bà không phải là một lực sĩ điền kinh chuyên nghiệp. Công việc chính của bà là phụ tá bác sĩ từ năm 2001.

Vân Phan cũng chưa từng chạy đường dài cho tới năm 29 tuổi hồi 2001, đó là lần đầu tiên chạy marathon. Bà Vân tìm thấy tình yêu dành cho môn thể thao lấy sức bền thắng tốc độ. Trong những đường chạy marathon dài, các lực sĩ sẽ phải đi rất xa, đôi khi xuyên qua những địa hình hoang vắng, chạy suốt từ sáng tinh mơ tới đêm tối mịt mù. “Điều lôi cuốn đối với hầu hết lực sĩ trên những cung đường này, đó là khi họ chạy băng qua núi rừng,” Crockett nói, “Đối với quãng đường 100 dặm, đó thật sự là một chuyến phiêu lưu.”

Cuộc đua 100 dặm lần thứ 100 của Vân Phan không phải là đường chạy dốc mà giống một cung đường như vòng quay bánh xe. Cung đường Bellingham diễn ra trên đường vòng 2.6 dặm quanh Hồ Padden yên ả, cảnh trí đẹp đẽ, gần biên giới Canada. Bà Vân đã chạy quanh hồ 42 lần chỉ trong hơn 30 giờ đồng hồ, với thành tích 109 dặm trong 30 giờ 15 phút 33 giây. “Tôi thấy khá là tiếc vì không chạy tiếp… Tôi đã có thể dứt điểm thêm hai vòng nữa,” Bà Vân nói với The News Tribune về thành tích của mình.

Vân Phan đã chạy suốt buổi tối Thứ Bảy tới giữa trưa Chủ Nhật, quên cả ngủ, trên con đường đất quanh bờ hồ tương đối phẳng lặng và mềm mại, xung quanh nhiều cây rừng. “Kế hoạch của tôi là đi bộ sớm để có thể chạy những cung đường bằng phẳng và thả dốc trong suốt cuộc đua,” bà Vân cho biết. “Tôi đã chạy rất nhiều cung đường như thế này rồi… tôi có kinh nghiệm để điều tiết tốc độ chạy.”

Bà Vân cố gắng duy trì nhịp tim ở mức dưới 130 nhịp đập/phút trong lúc chạy nhiều ngày liền. “Tôi giữ nhịp tim vừa đủ để không khiến cơ thể quá sức,” bà nói.

Đường chạy bền sức Hamster Endurance Run là loại hình chạy đua với thời gian. Các lực sĩ tham dự sẽ có 32 giờ đồng hồ để chạy càng nhiều dặm càng tốt.

Sau khi đạt 100 dặm, Phan ăn mừng cùng những người bằng hữu đứng chờ sẵn với bánh kem và giải thưởng. Nhưng đối thủ của bà đang đuổi theo sát nút. “Tôi rời khỏi buổi ăn mừng sớm để đối thủ của tôi không đuổi kịp,” Vân Phan cho biết. “Tôi làm hỏng kế hoạch của cô ấy… rốt cuộc cô ấy về hạng 3.”

Vân Phan là một đối thủ quyết liệt, luôn luôn để mắt đến các lực sĩ khác khi họ gần chạm tới thành tích của cô. Phan đã chiến thắng 20 cung đường có độ dài hơn 100 dặm và đã đứng trên bục vinh quang ở nhiều giải khác. “Tỷ lệ thành tựu của cô ấy khá là cao,” Skylar nói về bạn gái của mình. “Thật khác thường khi có quá nhiều vinh quang như vậy cùng nhiều chiến thắng khác trong những cuộc đua có khi trên 200 dặm đường.” (TTHN)

Phụ nữ gốc Việt phi thường chạy 100 dặm lần thứ 100 - Nguoi Viet Online (nguoi-viet.com)

Mỹ trao trả cho Việt Nam nhiều cổ vật quý giá

 Mỹ trao trả cho Việt Nam nhiều cổ vật quý giá

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cục Di Sản Văn Hóa Việt Nam loan báo đã làm việc với các chuyên gia cổ vật và xác định bốn cổ vật sắp được Mỹ trao trả là của Việt Nam bị buôn bán trái phép ra ngoại quốc.

Theo báo Tuổi Trẻ hôm 23 Tháng Tám, sau khi hoàn trả 10 cổ vật bị buôn bán trái phép cho Việt Nam thông qua Đại Sứ Quán Việt Nam tại Mỹ, hồi Tháng Ba vừa qua, Cục Di Sản Văn Hóa tiếp tục nhận được đề nghị của Cơ Quan Điều Tra An Ninh Nội Địa Mỹ (HIS), thuộc Bộ An Ninh Nội Địa Mỹ (DHS), yêu cầu xác định nguồn gốc của một số cổ vật có khả năng từ Việt Nam bị buôn bán trái phép vào Mỹ.

Những cổ vật được Mỹ trao trả cho Việt Nam hồi năm 2022. (Hình: Tuổi Trẻ)

Danh sách các cổ vật lần này gồm các hiện vật: dao găm đồng dài 23 cm, cán hình người, thuộc Văn Hóa Đông Sơn có niên đại cách ngày nay từ 2,500 đến 2,000 năm; Tomb Sculpture (nhạc công Ginang đánh trống), thuộc Văn Hóa Champa, chất liệu bằng đá, niên đại thế kỷ 19 (có khả năng giả cổ)…

Cục Di Sản Văn Hóa cho biết sau khi đã làm việc với các chuyên gia cổ vật theo hồ sơ do HIS cung cấp, Việt Nam xác định bốn cổ vật là của Việt Nam.

Tin cho biết, hiện HIS đang “khẩn trương hoàn tất thủ tục và tiến hành các bước hoàn trả về cho Việt Nam.”

Trước đó, hồi Tháng Mười Một năm ngoái, Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia Việt Nam đã tiếp nhận 10 cổ vật quý giá được Mỹ trao trả, bao gồm: một rìu đá hậu Kỳ Đá Mới; bốn hiện vật (ba rìu đồng, một nồi gốm) Văn Hóa Đông Sơn; ba tượng cá sấu đá thế kỷ 1-2 Sau Công Nguyên và hai tẩu đồng thế kỷ 17-18.

Theo đó, hồi năm 2013, trong cuộc điều tra tại tiểu bang Indianna, Cơ Quan Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) đã phát hiện ông Donald Miller (hiện đã qua đời) tự xưng là nhà từ thiện, nhà khảo cổ nghiệp dư, lưu giữ trái phép bộ sưu tập lớn cổ vật và hài cốt.

Năm 2014, FBI đã thu hồi hơn 7,000 đồ vật, hiện vật mà ông Donald Miller “từ bỏ quyền sở hữu, hợp tác với FBI, mong muốn trao trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.”

Hôm 27 Tháng Hai, 2019, FBI công bố thông cáo báo chí trên website của cơ quan này, tuyên bố mong muốn trao trả các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp về với cộng đồng mà chúng thuộc về, đồng thời kêu gọi chính phủ ngoại quốc liên lạc, cử chuyên gia giám định liên lạc với FBI.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Đại Sứ Quán Việt Nam tại Mỹ đã gửi Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch thông báo về việc FBI đề nghị trao trả một số cổ vật được xác định là có nguồn gốc Việt Nam.

Đến nay, với sự hỗ trợ của một số nước, nhiều cổ vật đã được đưa về Việt Nam. Không kể những cổ vật do Mỹ trao trả, vào năm 2018 có 18 cổ vật Việt Nam, do Cơ Quan Phòng Chống Tội Phạm Cảnh Sát Berlin (Đức) thu giữ từ một vụ buôn bán trái phép, đã được trao trả cho Việt Nam.

Năm 2015 và 2021, một số cổ vật của Huế cũng được chính phủ và một số nhà hảo tâm ngoại quốc đấu giá thành công và đưa về Việt Nam. (Tr.N) [qd]

Mỹ trao trả cho Việt Nam nhiều cổ vật quý giá (nguoi-viet.com)


CDC Mỹ: Dòng COVID mới có thể làm người đã tiêm chủng vẫn nhiễm bệnh + Chính phủ Mỹ cấp 1,4 tỷ đô để phát triển thuốc và vắc-xin mới chống COVID

 

CDC Mỹ: Dòng COVID mới có thể làm người đã tiêm chủng vẫn nhiễm bệnh

24/08/2023
Trụ sở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ở Atlanta.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ngày 23/8 cho biết dòng virus corona mới BA.2.86 có thể có khả năng cao hơn các biến thể cũ trong việc khiến người đã tiêm chủng hoặc đã mắc COVID trước đây vẫn bị nhiễm COVID.

CDC cho biết còn quá sớm để biết liệu dòng virus này có thể gây bệnh nặng hơn so với các biến thể trước đó hay không.

Nhưng do số lượng đột biến được phát hiện ở dòng này cao nên đã có lo ngại về tác động của nó đối với khả năng miễn dịch từ vắc-xin và từ việc đã nhiễm COVID trước đó, CDC nói.

Các nhà khoa học đang để mắt đến dòng BA.2.86 vì nó có 36 đột biến phân biệt với biến thể XBB.1.5 đang chiếm ưu thế hiện nay.

Tuy nhiên, CDC cho biết vẫn chưa có các mẫu virus rộng rãi để xét nghiệm kháng thể thêm trong phòng thí nghiệm.

CDC đầu tháng này cho biết đang theo dõi dòng BA.2.86 đột biến cao, đã được phát hiện ở Hoa Kỳ, Đan Mạch và Israel.

CDC hôm 23/8 cho hay sự gia tăng số ca nhập viện hiện nay ở Hoa Kỳ có thể không phải do dòng BA.2.86 gây ra.


CDC Mỹ: Dòng COVID mới có thể làm người đã tiêm chủng vẫn nhiễm bệnh (voatiengviet.com)


Chính phủ Mỹ cấp 1,4 tỷ đô để phát triển thuốc và vắc-xin mới chống COVID

24/08/2023
Trụ sở chi nhánh công ty Regeneron Pharmaceuticals ở Tarrytown, New York (ảnh chụp ngày 17/9/2020).

Chính phủ Hoa Kỳ ngày 22/8 loan báo đã cấp 1,4 tỷ đô la cho việc phát triển các liệu pháp điều trị mới và vắc-xin mới chống lại COVID, bao gồm hợp đồng trị giá 326 triệu đô la với hãng dược Regeneron về liệu pháp kháng thể thế hệ tiếp theo hầu ngăn ngừa bị nhiễm COVID.

Nguồn quỹ dành cho Regeneron là một phần của sáng kiến trị giá 5 tỷ đô gọi là “Dự án NextGen” của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS).

Regeneron trước đó đã phát triển một liệu pháp kháng thể đơn dòng chống lại COVID, được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA cấp phép vào tháng 11 năm 2020, nhưng việc sử dụng đã bị hạn chế vào đầu năm ngoái sau khi người ta phát hiện ra rằng nó có thể không hiệu quả trước biến thể Omicron.

Nguồn quỹ này cũng bao gồm 1 tỷ đô la cho 4 thử nghiệm lâm sàng giai đoạn giữa đối với vắc-xin COVID mới và 100 triệu đô la cho tập đoàn Đầu tư Sức khỏe Toàn cầu - một tổ chức phi lợi nhuận đầu tư vào các công nghệ mới nhằm đẩy nhanh ứng phó với bệnh tật.


Chính phủ Mỹ cấp 1,4 tỷ đô để phát triển thuốc và vắc-xin mới chống COVID (voatiengviet.com)


Với biến thể mới, chúng ta có phải lo ngại về COVID lần nữa?

22/08/2023
Bệnh nhân nhận được miếng dán đã chích ngừa biến thể COVID-19 Omicron tại tiệm thuốc Skippack ở Schwenksville, Pennsylvania, Mỹ, ngày 8/9/2022.

Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC đang theo dõi một dòng mới, có tính đột biến cao của virus gây ra COVID-19.

Sáu trường hợp ở bốn quốc gia đã được phát hiện kể từ cuối tháng Bảy năm nay. Các nhà khoa học đang để mắt đến dòng mới, được đặt tên là BA.2.86, vì nó có 36 đột biến giúp phân biệt nó với biến thể XBB.1.5 đang chiếm ưu thế hiện nay.

Cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy BA.2.86 lây lan nhanh hơn hoặc gây bệnh nghiêm trọng hơn các phiên bản trước. CDC cho biết lời khuyên của họ về việc tự vệ trước COVID vẫn không thay đổi.

COVID có gì mới?

Số ca nhiễm và nhập viện do COVID đang gia tăng ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á, nhiều trường hợp hơn trong những tháng gần đây được cho là do biến thể phụ EG.5 “Eris”, hậu duệ của dòng Omicron xuất hiện từ tháng 11 năm 2021.

Trong vài ngày qua, các cơ quan y tế công cộng đã ghi nhận một trường hợp BA.2.86 tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Israel, cùng ba trường hợp ở Đan Mạch.

Các nhà khoa học nói gì về BA.2.86?

Bác sĩ S. Wesley Long, giám đốc y tế về vi sinh chẩn đoán tại Bệnh viện Methodist Houston, giải thích BA.2.86 bắt nguồn từ một “nhánh trước” của virus corona, vì vậy nó khác với biến thể mà các loại vắc-xin hiện tại nhắm đến.

Ông cho biết vẫn còn phải xem liệu BA.2.86 có thể vượt qua các chủng khác hay có bất kỳ lợi thế nào trong việc thoát khỏi các phản ứng miễn dịch có được từ nhiễm COVID hay từ tiêm chủng trước đây hay không.

Nhưng nhiều quốc gia đã giảm đáng kể việc xét nghiệm bệnh nhân và giảm nỗ lực phân tích bộ gen của virus gây ra các ca nhiễm COVID mới. Trong tình huống đó, đường đi của BA.2.86 “có vẻ không tốt bây giờ”, với tốc độ xác định các trường hợp mới, Tiến sĩ Eric Topol, một chuyên gia về bộ gen và giám đốc của Viện nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California, cho biết.

Ông Topol nói nhiều đột biến làm cho BA.2.86 “hoàn toàn khác biệt về cấu trúc” so với các biến thể trước đó.

Ông nói thêm, câu hỏi chính là liệu BA.2.86 có khả năng lây truyền cao hay không.

Các biến thể mới có làm cho mọi người bị bệnh nhiều hơn?

Theo dữ liệu trên trang web của CDC, số ca khám bệnh và nhập viện vì COVID ở Hoa Kỳ vẫn ở mức thấp, nhưng đã tăng lên kể từ đầu tháng 7 năm nay. Tuy nhiên, cho đến nay, các bác sĩ đã báo cáo rằng những bệnh nhân được khám trong những tuần gần đây, do biến thể Eris đang lan rộng, không bị bệnh nặng như những bệnh nhân mà họ đã điều trị trong các đợt đại dịch trước đó.

Ông Topol cho biết sự lây lan rộng hơn của BA.2.86 có thể sẽ gây ra nhiều bệnh tật và tử vong hơn ở những nhóm người dễ bị tổn thương.

Vẫn còn quá sớm để biết liệu BA.2.86 có gây ra bệnh nặng hơn hay không.

Phát ngôn viên của CDC cho biết: “Dựa trên các bằng chứng hiện có, chúng tôi chưa biết những rủi ro nào, nếu có, mà (BA.2.86) có thể gây ra cho sức khỏe cộng đồng ngoài những gì đã thấy với các dòng virus hiện đang lưu hành khác”.

Vắc-xin có chống lại các biến thể mới?

Do đại dịch đang suy yếu, có thể đã hơn một năm kể từ khi nhiều người trước đó bị nhiễm bệnh hoặc được tiêm phòng COVID.

Ông Long nói: “Vắc-xin vẫn sẽ cung cấp cho bạn khả năng bảo vệ tuyệt vời khỏi bệnh tật và tử vong.”

Các mũi chích ngừa tăng cường COVID được cập nhật hiện đang được phát triển đã được thiết kế để nhắm mục tiêu vào biến thể phụ Omicron XBB.1.5.

Moderna nói dữ liệu thử nghiệm sơ bộ cho thấy phiên bản vắc-xin mới nhất của họ hứa hẹn chống lại Eris và một biến thể liên quan có tên Fornax vốn đã bắt đầu lưu hành ở Hoa Kỳ.

Công ty Pfizer cho biết ảnh chụp COVID-19 cập nhật của họ cho thấy hoạt động trung hòa chống lại biến thể phụ Eris trong một nghiên cứu được thực hiện trên chuột.

Trong khi đó, chính quyền Mỹ đang có kế hoạch thúc giục tất cả dân chúng tiêm nhắc lại vào mùa thu này để chống lại làn sóng lây nhiễm mới, một quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết hôm 20/8.

Moderna và các nhà sản xuất vắc-xin COVID khác như Novavax, Pfizer/BioNTech đã tạo ra các phiên bản vắc-xin nhắm vào biến thể phụ XBB.1.5.

Trong khi chờ phê duyệt từ các cơ quan quản lý y tế ở Hoa Kỳ và Châu Âu, các công ty này hy vọng các mũi tiêm cập nhật sẽ sẵn sàng trong vài tuần tới cho đợt tiêm chủng mùa thu.

“Chúng tôi sẽ khuyến khích tất cả người Mỹ tiêm những liều thuốc tăng cường đó ngoài việc tiêm phòng cúm và tiêm phòng RSV,” quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết, đề cập đến virus hợp bào hô hấp RSV.


Với biến thể mới, chúng ta có phải lo ngại về COVID lần nữa? (voatiengviet.com)