woensdag 23 november 2016

Những lý do khiến Việt Nam bỏ điện hạt nhân: Nợ công tăng nhanh, thay đổi ban lãnh đạo và quan ngại về an toàn hạt nhân + các giải pháp thay thế ?

Những lý do khiến Việt Nam bỏ điện hạt nhân

mediaTổng giám đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế IAEA, Yukiya Amano, trong một chuyến thăm hiện trường dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận, 10/01/2016.Ảnh : Wikipedia
Nợ công tăng nhanh, thay đổi ban lãnh đạo và quan ngại về an toàn hạt nhân, đó là những lý do khiến Việt Nam buộc phải từ bỏ điện nguyên tử. Hôm qua, 22/11/2016, trong một phiên họp kín, Quốc Hội Việt Nam, với 92% phiếu thuận, đã thông qua nghị quyết về việc dừng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chủ trương xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã từng được Quốc Hội Việt Nam thông qua vào tháng 11/2009 ( nhưng chỉ với 77% phiếu thuận ). Dự án gồm 2 nhà máy với công suất tổng cộng 4000 MW, theo dự kiến sẽ do Nga xây dựng, với nhà máy đầu tiên sẽ được khánh thành vào năm 2028. Việt Nam cũng đã dự trù xây hai nhà máy điện nguyên tử khác ở Ninh Thuận với sự trợ giúp của Nhật. Mục tiêu là để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, được dự báo sẽ tăng nhanh trong những năm tới cùng với đà tăng trưởng kinh tế.
Theo lời chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành, được báo trong nước trích dẫn hôm qua, một trong những lý do của đề nghị ngưng dự án nhà máy điện hạt nhân là do hiện nay, "nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu khí có giá thành thấp hơn trước, việc đầu tư không cạnh tranh được về kinh tế".
Thế nhưng, theo tờ Nikkei Asian Review của Nhật, trong bài viết đang hôm nay, 23/11/2016, lý do đầu tiên khiến Việt Nam buộc phải từ bỏ điện hạt nhân, đó là chi phí cho các dự án nói trên quá cao, tổng cộng lên tới 27 tỷ đôla, chiếm đến 13% tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam ( được thẩm định chỉ vào khoảng 200 tỷ đôla ).
Trong khi đó, nợ công của Việt Nam lại đang tăng rất nhanh, theo dự báo sẽ lên đến 65% GDP vào cuối năm nay, vì trong những năm qua, Việt Nam đã phải vay ngày càng nhiều tiền từ bên ngoài để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Trong khi đó thì nguồn thu nhập từ thuế thì đã bị giảm gần 10%, do Việt Nam phải thi hành các hiệp định tự do mậu dịch, chẳng hạn như với ASEAN.
Theo Nikkei Asian Review, trích lời một phóng viên trong nước, việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mất chức cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định dừng dự án điện hạt nhân. Ông Dũng đã là người ủng hộ các dự án nhà máy điện nguyên tử và các dự án cơ sở hạ tầng lớn khác. Nhưng ban lãnh đạo mới hiện nay có thể sẽ tạm dừng hoặc ngưng các dự án lớn như vậy.
Tuy tai nạn hạt nhân Fukushima năm 2011 đã khiến công luận Việt Nam thêm lo ngại, lúc đó chính quyền Hà Nội vẫn thúc đẩy các dự án điện nguyên tử ở Ninh Thuận, vì chế độ độc đảng ở Việt Nam ít khi nào quan tâm đến ý kiến của người dân. Thế nhưng chính phủ ngày càng khó mà kiểm duyệt các thông tin trước sức lan tỏa của các mạng xã hội như Facebook. Ý thức về môi trường của người dân Việt Nam càng được nâng cao qua vụ cá biển chết hàng loạt do các chất thải độc hại từ nhà máy Formosa. Mối quan ngại về an toàn hạt nhân có lẽ cũng là một yếu tố thúc đẩy ban lãnh đạo mới của Việt Nam phải quyết định dừng dự án điện hạt nhân.

 http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161123-nhung-ly-do-khien-viet-nam-bo-dien-hat-nhan

Việt Nam từ bỏ dự án điện hạt nhân : các giải pháp thay thế ?

mediaMô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (DR)
Vào năm 2009, Quốc hội Việt Nam đã thông qua kế hoạch xây dựng bốn nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận với sự trợ giúp của Nga và Nhật. Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020. Thế nhưng, báo chí chính thức ngày 11/11/2016 cho biết, Việt Nam từ bỏ dự án điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận vì dự án này có mức đầu tư quá cao, nguồn tài chính của Nhà nước hiện nay rất eo hẹp. Mặt khác, chính phủ lo ngại về tính an toàn của nhà máy hạt nhân. RFI phỏng vấn Đặng Đình Cung, kỹ sư tư vấn chiến lược công nghiệp tại Pháp về vấn đề này.
RFI: Anh đánh giá về việc từ bỏ dự án điện hạt nhân của Việt Nam như thế nào ?
Kỹ sư Đặng Đình Cung :Trước tiên chúng tôi xin định nghĩa đơn vị lượng điện và đơn vị công suất dùng trong cuộc phỏng vấn này. Trong nghành điện, chúng tôi tính lượng điện sản xuất hay tiêu thụ bằng TWh (tê ra oắt giờ), nghĩa là một triệu kWh (ki lô oắt giờ) mà người thường quen biết. Và đơn vị công suất điện tính bằng tổ phát điện, công suất của một tổ phát điện nguyên tử 1.000 MW (mê ga oắt), nghĩa là một triệu ki lô oắt.
Theo số liệu của OECD thì mỗi năm nước ta sản xuất 141 TWh và tiêu thụ 131 TWh, sai biệt do tiêu thụ của nhà máy điện và thất thoát trong hệ thống biến thế và vận chuyển điện. Bốn tổ phát điện nguyên tử ở Ninh Thuận dự trù sẽ sản xuất khoảng 20 - 25 TWh/năm, nghĩa là 1/6 - 1/7 sản lượng điện hiện nay của cả nước. Đây là một tỷ lệ khá lớn nhưng có thể dễ dàng thay thế bằng những giải pháp khác.
Việc bỏ dự án là một điều đáng tiếc, nhưng sự mất mát cũng không quá đáng so với mất mát từ các dự án công nghiệp khác chậm tiến độ, vượt ngân sách đầu tư rồi hủy bỏ ở nước ta.
RFI : Nhu cầu điện của VN trong tương lai sẽ ra sao ?
Kỹ sư Đặng Đình Cung : Theo kinh nghiệm thế giới thì gia tăng của nhu cầu điện bằng hai lần gia tăng của kinh tế. Trung bình từ mười năm nay kinh tế nước ta tăng 6% mỗi năm, và tiêu thụ điện tăng 12%. Các chuyên gia quốc tế dự báo trong tương lai kinh tế nước ta sẽ tăng trưởng 7%/năm. Nếu đi từ 141 TWh thì mỗi năm tới phải sản xuất thêm 17- 20 TWh. Với sự trợ giúp của một hai đập thủy điện cỡ trung bình thì hai nhà máy hạt nhân ở Ninh Thuận, tương đương với bốn tổ phát điện, có tiềm năng đáp ứng được đủ tăng trưởng của nhu cầu điện trong một năm.
RFI : Vậy đâu là các giải pháp thay thế ?
Kỹ sư Đặng Đình Cung :Kết cấu các nguồn năng lượng cơ bản để sản xuất điện ở nước ta là 1/4 than, 1/3 khí tự nhiên và phần còn lại là thủy điện và năng lượng tái tạo khác.
Thủy điện và năng lượng tái tạo khác không ô nhiễm. Nhưng chúng ta đã xây hết tiềm năng thủy điện rồi. Còn các nguồn năng lượng tái tạo khác như là phong điện thì chúng ta cũng đang làm thử, hoàng điện thì chúng ta cũng có ít nhất hai máy lớn sản xuất bảng quang điện. Nhưng những công nghệ này chưa hoàn chỉnh và khả năng cung cấp không thể đáp ứng được tất cả nhu cầu điện của cả một nước.
Than thì chúng ta phải nhập từ Úc và Trung Quốc vì than của chúng ta chứa nhiều lưu huỳnh và quá rắn làm cho các thiết bị dập và phun than hao mòn quá mau chóng. Khí tự nhiên thì ô nhiễm ít hơn là than. Chúng ta có vài mỏ với trữ lượng lớn ở ngoài khơi Cà Mâu. Nhưng chúng ta đã đạt giới hạn cung cấp của các mỏ khí và không có hạ tầng để nhập khẩu khí hóa lỏng từ ngoại quốc.
Còn lại giải pháp tiết kiệm điện. Đây là giải pháp chỉ tốn có một chút vốn đầu tư ban đầu và hoàn toàn không ô nhiễm. Hiện nay hơn 1/3 điện dùng cho tiện nghi của tư nhân so với trung bình 27 % của thế giới, 14 % của Singapore hay 11 % của Đại Hàn. Nếu chúng ta áp dụng biểu giá điện của Đại Hàm và đạt được tỷ lệ điện gia dụng như họ thì đã tiết kiệm được 30 TWh mỗi năm, sản lượng của năm tổ phát điện nguyên tử.
RFI : Anh đánh giá thế nào về giá thành điện và mức độ ô nhiễm ?
Kỹ sư Đặng Đình Cung :Nhưng tranh cãi về giá thành và ô nhiễm của các dạng năng lượng vừa vô lý vừa vô ích.
Chúng tôi xin lấy thí dụ về phong năng. Nếu lấy giá ở hai đầu kẹp của ở phát điện thì điện gió rẻ hơn điện hạt nhân tới cả chục lần. Nhưng mang điện gió từ ngoài khơi đến đầu kẹp của nơi tiêu thụ thì giá điện sẽ đắt hơn nhiệt điện hay có thể ngang nhau vì có thể xây một nhà máy nhiệt điện ở gần nơi tiêu thụ. Mà nếu phải cung cấp lượng điện cần thiết cho lúc cần dùng thì chắc chắn là phong điện đắt gấp 5-6 lần điện nguyên tử vì phải tích trữ phong điện khi có gió mà không cần dùng đến điện.

Thực ra điều quan trọng là lợi ích của một thiết bị so với tổng-số chi phí sử-dụng thiết-bị đó mà trong đó có giá điện tiêu-thụ. Điện để chạy máy giặt mua của công ty điện là 0,15 EUR mỗi ki-lô-oắt giờ. Vài mi-li-oát-giờ điện của đồng hồ điện-tử tốn hơn cả trăm lần thế mà cũng có người mua.
Có người cho rằng năng lượng nguyên tử nguy hiểm hơn là các năng lượng khác, đặc biệt năng lượng tái tạo. Tỷ dụ plutonium là một chất hóa học rất độc hại. Nhưng plutonium cũng là một nguyên liệu quý báu dùng để chế-tạo bom nguyên tử và, từ khi có hiệp định giảm vũ khí hạt nhân đến nay, người ta tích trữ nó cặn kẽ để sau này dùng làm ngòi châm cho các lò phản ứng neutron nhanh trong tương lai. Trong trường hợp này thì có mấy ai được dịp tiếp cận plutonium đâu mà phải sợ độc hại của chất này.
Còn nói rằng nửa đời của các phế liệu hạt nhân gây hại trong cả chục cả triệu năm thì cũng vậy. Khói các nhà máy sử dụng năng lượng hóa thạch sinh ra khí có hiệu-ứng nhà kính. Đây là nguy cơ trước mắt chứ không phải là nguy cơ cho vài trăm vài nghìn năm tới. Khối lượng những phế liệu đó rất nhỏ mà rủi ro tiềm tàng thì tăng với khối lượng. Lượng bùn đỏ của một nhà máy alumin gây nhiều rủi ro hơn là những phế liệu của tất cả các nhà máy điện nguyên tử của Pháp.
Hiện nay, khói các nhà máy điện than của Trung Quốc làm cho mỗi năm nhiều người chết hơn là số người chết vì tai nạn Fukushima và số người tiềm tàng sẽ bị ung thư sau tai nạn Tchernobyl.

Phỏng vấn kỹ sư Đặng Đình Cung 15.11.16 15/11/2016 Nghe

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161115-viet-nam-tu-bo-du-an-dien-hat-nhan-cac-giai-phap-thay-the

Geen opmerkingen:

Een reactie posten