HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các tòa nhà tái định cư đều có “vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy” phổ biến là hệ thống dây dẫn cứu hỏa hỏng, báo cháy không hoạt động.
Ngày 4 Tháng Tư, ông Chử Văn Tráng, phó giám đốc Xí Nghiệp Quản Lý Và Phát Triển Nhà Hà Nội, thuộc Công Ty Quản Lý và Phát Triển Nhà Hà Nội, cho biết thành phố có 170 công trình tái định cư đưa vào sử dụng, trong đó 160 công trình là chung cư.
“Các tòa nhà tái định cư ở Hà Nội đã được đưa vào sử dụng từ 3 đến 5 năm và đều có những vấn đề về phòng cháy, chữa cháy,” ông nói với báo VNExpress.
Ông Tráng cho hay, khi đơn vị tiếp nhận quản lý các công trình trên thì đều có giấy phép phòng cháy, chữa cháy, tuy nhiên đến nay vi phạm phổ biến ở 160 chung cư này là hệ thống trụ nước, đường ống, dây dẫn cứu hỏa hỏng; bình cứu hỏa di động không đủ áp suất; hệ thống báo cháy không hoạt động…
Theo ông, để cứu vãn, thành phố đã thông qua chủ trương dùng 180 tỷ đồng (hơn $7.8 triệu) từ ngân sách để “khắc phục vi phạm về phòng cháy, chữa cháy tại các tòa nhà tái định cư.”
“Cụ thể, trước mắt cơ quan chức năng sẽ thay thế, sửa chữa các trang thiết bị hỏng hóc, sau đó là bổ sung các thiết bị mà trước đây chưa có theo quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy mới,” ông nói.
Cũng theo VNExpress, tại buổi họp báo về công tác phòng cháy, chữa cháy chiều 3 Tháng Tư, ông Nguyễn Chí Dũng, phó giám đốc Sở Xây Dựng Hà Nội, cho biết thống kê của Sở Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy Hà Nội cho thấy, trong năm 2017 Hà Nội đã xảy ra 820 vụ cháy nổ.
Tuy nhiên năm 2018, mới quý I đã có đến 280 vụ. Trong đó, có 31 vụ cháy thiệt hại nghiêm trọng, 87 vụ cháy nhà cao tầng. Hậu quả khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 617 tỷ đồng (hơn 27 triệu) và 6.3 hécta rừng.
Cũng trong thời gian trên, Sở Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy Hà Nội đã thanh tra và kiểm tra gần 38,000 lượt đơn vị, cơ sở, phát hiện và yêu cầu các đơn vị, cơ sở khắc phục hơn 105,000 tồn tại thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy xử phạt hơn 4,000 tổ chức, cá nhân với số tiền gần 13 tỷ đồng (hơn $569,827). (Tr.N)
KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Nhiều du khách trong và ngoài nước đến Nha Trang không khỏi giật mình, cứ tưởng mình đang ở một xứ nào đó chứ không phải Việt Nam, bởi vì các biển hiệu hàng quán, dịch vụ đều bằng ngôn ngữ Nga và Trung Quốc.
Theo báo Zing, với những du khách lần đầu đến thành phố Nha Trang sẽ rất ngạc nhiên bởi vì dọc các con phố, các biển hiệu toàn bằng tiếng ngoại quốc, từ nhà hàng, khách sạn, quán ăn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đến tờ rơi quảng cáo.
Bốn năm về trước, để đáp ứng nhu cầu của “làn sóng Nga” ồ ạt đến Nha Trang, các doanh nghiệp đã thay thế biển hiệu ngành nghề của mình hoàn toàn bằng tiếng nước này.
Tiếp nữa, khoảng ba năm trở lại đây, khách Trung Quốc đến Nha Trang tăng vọt. Từ đó, các cửa hàng, dịch vụ được mở ra, biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc bắt đầu “chiếm ưu thế” so với tiếng Nga.
Một số cửa hàng chọn cách vừa phục vụ vừa khách Nga, vừa khách Trung Quốc nên biển hiệu được ghi luôn bằng hai thứ tiếng. Tuy nhiên, những cửa hàng này chỉ xuất hiện ở trung tâm thành phố, nơi tập trung phục vụ hai dòng khách nói trên.
“Ở Sài Gòn cũng có phố Tây, nhưng biển hiệu tiếng ngoại quốc không nhiều như ở đây. Mỗi lần ra Nha Trang du lịch mà cứ ngỡ như đang ở phố Tàu, phố Nga. Rất buồn,” anh Nguyễn Mạnh Hùng, một du khách ở Sài Gòn, nói.
“Ở đây từ khách trọ, đến dịch vụ ăn uống chỉ phục vụ người nước ngoài, không có người Việt nên không cần phải ghi tiếng Việt. Phiền phức mà không cần thiết,” chủ một quán ăn trong hẻm 120 đường Nguyễn Thiện Thuật, nói.
Còn ở ngoại thành hoặc xa trung tâm, do chỉ phục vụ khách Trung Quốc, các nhà hàng, quán ăn ghi biển hiệu chủ yếu bằng tiếng Trung Quốc.
“Mình bán cho ai thì ghi tiếng của nơi đó để dễ cho khách đến mua. Mấy cái này cũng đi thuê người ta viết, chứ mình có biết tiếng Trung hay tiếng Nga đâu,” bà Nhuần bán trái cây nói.
Theo Luật Quảng Cáo của Việt Nam, “Các biển hiệu phải viết bằng tiếng Việt; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn tiếng Việt.”
“Tuy nhiên, trên thực tế, những cửa hàng chuyên bán cho khách Trung Quốc họ không in tiếng Việt. Bởi họ nghĩ ít tiếp khách Việt nên không cần thiết ghi. Riêng những tờ rơi, biển hiểu tạm thời, khi đi đến nơi kiểm tra bị chủ cất đi nên rất khó xử lý,” một cán bộ Sở Văn Hóa-Thể Thao tỉnh Khánh Hòa nói với báo Zing.
Các biển như thế này được dựng, dán ở khắp các con hẻm ở khu phố Tây Nha Trang. Dù rất mất mỹ quan, tuy nhiên khồng hề có sự kiểm tra, cũng như nhắc nhở của phường, thành phố hoặc cơ quan quản lý văn hóa cấp tỉnh ở Khánh Hòa.
“Sắp tới sở sẽ đưa tiêu chí thi đua xét công nhận hộ gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa việc chấp hành quy định về viết đặt tên biển hiệu, bảng quảng cáo,” ông Nguyễn Khắc Hà, giám đốc Sở Văn Hóa-Thể Thao tỉnh Khánh Hòa, nói.
Trả lời báo Zing, ông Nguyễn Sỹ Khánh, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Nha Trang, tỏ ra “bất ngờ” về thông tin tràn ngập biển hiệu, bảng quảng cáo bằng tiếng Trung Quốc và Nga ở Nha Trang.
“Tôi đã trực tiếp xem thông tin mà báo chí phản ánh. Tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy, vì thành phố kiểm tra liên tục. Báo nêu làm tôi cũng sốt ruột…,” ông Khánh nói.
Tuy nhiên, ông Khánh thừa nhận, một trong những nguyên nhân để xảy ra sai phạm tràn lan lâu nay là khách Trung Quốc đến Nha Trang rất nhiều, nhu cầu kinh doanh cũng vì thế tăng lên. Phần nữa do công tác kiểm tra buông lỏng, không cương quyết.
“Có một thời gian bỏ bê, lơ là việc kiểm tra nên sai phạm ngày càng nghiêm trọng. Tôi đã yêu cầu phòng văn hóa kiểm tra lại thông tin báo nêu. Lập tức lập kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát. Lần này kiên quyết, chứ để tình trạng như vậy không ổn,” ông Khánh khẳng định. (Tr.N)
Bác sĩ tốt nghiệp ở Việt Nam có thể hành nghề ở Hoa Kỳ
Geen opmerkingen:
Een reactie posten