zondag 22 april 2018

Bắc Triều Tiên tuyên bố chấm dứt thử hạt nhân và tên lửa + Nhật hoài nghi + Tổ Chức Cấm Thử Nghiệm Hạt Nhân kêu gọi Bình Nhưỡng phê chuẩn hiệp ước + Nam Hàn tắt loa phát thanh nhắm vào Bắc Hàn


Bắc Triều Tiên tuyên bố chấm dứt thử hạt nhân và tên lửa


mediaKim Jong Un tập trung cho chương trình hỏa tiễn đạn đạo, năm 2012 tại Bình Nhưỡng.KCNA/via REUTERS/File Picture
Hôm nay, 21/04/2018, Bắc Triều Tiên loan báo chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên lục địa, cũng như đóng cửa cơ sở thử nghiệm hạt nhân. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc đã hoan nghênh quyết định ngoạn mục này, trong khi Nhật Bản đón nhận một cách thận trọng.
Hãng tin chính thức KCNA trích lời lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thông báo : "Kể từ ngày 21/04, Bắc Triều Tiên sẽ ngưng các vụ thử hạt nhân và bắn tên lửa đạn đạo liên lục địa". Theo lời ông Kim Jong Un, cơ sở được dùng để tiến hành các vụ thử hạt nhân đã « hoàn thành nhiệm vụ », cho nên Bắc Triều Tiên sẽ đóng cửa cơ sở này để thể hiện cam kết ngưng thử nghiệm hạt nhân.
Tuy nhiên, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng không nói đến chuyện giải trừ kho vũ khí nguyên tử của nước này. Ông Kim Jong Un bảo đảm là việc gắn các đầu đạn hạt nhân lên các tên lửa đạn đạo « đã được hoàn tất ».
Phủ tổng thống Hàn Quốc đã ngay lập tức hoan nghênh quyết định nói trên của Bình Nhưỡng, trong khi phe đối lập ở nước này thì tỏ vẻ hoài nghi. Từ Seoul, thông tín viên Louis Palligiano tường trình :
« Quyết định của Bắc Triều Tiên là một tiến bộ đáng kể đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, điều mà cả thế giới đều mong muốn. Đó là tuyên bố của văn phòng tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hôm nay.
Vào lúc chưa tới một tuần nữa sẽ diễn ra cuộc họp thượng đỉnh hiếm hoi giữa lãnh đạo của hai miền Triều Tiên, Seoul xem sáng kiến của Bình Nhưỡng là nền tảng cho một môi trường rất thuận lợi cho thành công của thượng đỉnh liên Triều, cũng như cho thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên. Mặt khác, trong phiên họp của Đảng Lao động Triều Tiên hôm qua, Bình Nhưỡng đã hé lộ một đường lối mới.
Chế độ của Kim Jong Un kể từ nay muốn tập trung vào việc khôi phục một nền kinh tế đang bị kiệt quệ do hậu quả của các biện pháp trừng phạt quốc tế. Khi chuyển theo hướng ngoại giao, qua việc loan báo ngừng chương trình phát triển vũ khí, Kim Jong Un đang tìm đủ mọi cách để chứng tỏ ông là lãnh đạo của một quốc gia « bình thường ».
Nhưng ở phía bên kia biên giới, công luận vẫn còn hoài nghi. Đảng đối lập chính của Hàn Quốc cho rằng lời hứa nói trên của Bình Nhưỡng vẫn còn xa so với mục tiêu phi hạt nhân hóa « hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được ». Nhiều nhà quan sát cho rằng thông báo ngưng thử hạt nhân chẳng có ý nghĩa gì, bởi lẻ Bắc Triều Tiên đã có trong tay các vũ khí nguyên tử. »

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180421-bac-trieu-tien-tuyen-bo-cham-dut-thu-hat-nhan-va-ten-lua


Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mỹ, Hàn, Trung hài lòng, Nhật hoài nghi


mediaCơ sở nguyên tử Yongbyon của Bắc Triều Tiên. Ảnh tư liệu chụp ngày 27/06/2008.REUTERS/Kyodo
Loan báo của Bình Nhưỡng về việc chấm dứt các vụ thử nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa đã gây ra những phản ứng khác nhau tại các nước có liên quan.
Hoa Kỳ, Hàn Quốc hoan nghênh quyết định của Bình Nhưỡng
Tại Hoa Kỳ tổng thống Donald Trump phản ứng ngay lập tức về quyết định của Bình Nhưỡng ngưng các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Qua Twitter, tổng thống Mỹ coi đây là "một tin rất vui đối với Bắc Triều Tiên và thế giới". Chủ nhân Nhà Trắng nói đến "một tiến bộ to lớn" và cho biết ông đang nóng lòng tham gia thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên.
Trước đây ba ngày, hôm 18/04/2018 cũng ông Trump từng dọa "hủy đàm phán" với lãnh đạo Bắc Triều Tiên nếu xét thấy"đối thoại không đem lại kết quả". Ngược lại, nếu như Bình Nhưỡng tiến hành công cuộc giải trừ vũ khí hạt nhân một cách "toàn diện, thực sự và không thể đảo ngược" thì "một con đường mới đầy hứa hẹn đang mở ra cho Bắc Triều Tiên".
Nhìn từ Seoul, phủ tổng thống Hàn Quốc hoan nghênh Bình Nhưỡng tạo "môi trường rất thuận lợi cho thượng đỉnh liên Triều" sắp mở ra vào ngày 27/04/2018.
Bắc Kinh muốn tranh công
Chỉ vài giờ sau khi Bắc Triều Tiên thông báo ngưng các chương trình nguyên tử và đạn đạo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng quyết định nói trên là một dấu hiệu mới làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Thông tín viên đài RFI Angélique Forget từ Thượng Hải cho biết :
"Bắc Kinh, đồng minh truyền thống và trên phương diện ngoại giao của Bình Nhưỡng, hoan nghênh quyết định nói trên. Trung Quốc khẳng định là sẽ hỗ trợ Bắc Triều Tiên trong nỗ lực nối lại đối thoại với Hàn Quốc. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hy vọng quyết định ngưng các chương trình thử nghiệm tên lửa và hạt nhân sẽ cho phép Bắc Triều Tiên tập trung vào việc 'phát triển kinh tế'.
Trong thời gian gần đây, chính quyền Trung Quốc đã mạnh mẽ lên án chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và thường xuyên kêu gọi Bắc Triều Tiên tránh để 'tình hình thêm nghiêm trọng'.
Trung Quốc cũng đã thường biểu quyết ủng hộ các biện pháp trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng do Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban hành.
Nhưng kể từ chuyến công du bất ngờ của ông Kim Jong Un tại Bắc Kinh hồi tháng 3/2018, quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã được sưởi ấm.
Trung Quốc muốn chứng minh là làm chủ hồ sơ Bắc Triều Tiên và ông Tập Cận Bình là đối tác đặc biệt của Kim Jong Un, trước cả Donald Trump. Để minh họa cho đều này, chủ tịch Trung Quốc vào giữa tuần qua đã thông báo là sẽ sớm viếng thăm Bình Nhưỡng. Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của nguyên thủ Trung Quốc tại quốc gia còn khép kín này".
Tokyo hoài nghi
Riêng Nhật Bản vẫn rất thận trọng. Thủ tướng Shinzo Abe nhìn nhận thiện chí của Bình Nhưỡng, nhưng đòi Bắc Triều Tiên phải "hủy bỏ toàn bộ các chương trình phát triển hạt nhân và đạn đạo" Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Itsunori Onodera kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục duy trì áp lực tối đa đối với Bình Nhưỡng. Thông tín viên đài RFI Frédéric Charles từ Tokyo tường thuật :
"Tên lửa Bắc Triều Tiên tối thiểu là đã hai lần bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản. Tokyo không tin tưởng vào quyết tâm của Bình Nhưỡng từ bỏ loại vũ khí này hay từ bỏ bom nguyên tử. Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Itsunori Onodera lưu ý rằng ông Kim Jong Un không đả động đến việc từ bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Khoảng 100 trong số này đang chĩa về phía Tokyo và Osaka. Nói một cách khác, (vẫn theo bộ trưởng Quốc Phòng Nhật) trong trường hợp đạt được một thỏa thuận với Donald Trump, Kim Jong Un sẵn sàng từ bỏ kế hoạch dùng tên lửa tầm xa để tấn công các thành phố trên lãnh thổ Hoa Kỳ, nhưng vẫn giữ quyền uy hiếp các thành phố của Nhật Bản với các loại tên lửa tầm ngắn.
Tokyo lo ngại tổng thống Trump trước hết tìm cách bảo đảm là Bắc Triều Tiên không tấn công vào lãnh thổ Mỹ, cho dù là để đạt được điều đó, Washington có thể hy sinh an ninh của Nhật Bản.
Trong khi đó, chiếu theo Hiệp Ước An Ninh Mỹ-Nhật, Washington phải cùng lúc bảo đảm được cả hai mục tiêu là an ninh cho Hoa Kỳ và Nhật Bản. Các căn cứ quân sự ngoài lãnh thổ Mỹ lớn nhất được đặt tại Nhật Bản".

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20180421-hat-nhan-bac-trieu-tien-my-han-trung-hai-long-nhat-hoai-nghi


Tổ Chức Cấm Thử Nghiệm Hạt Nhân kêu gọi Bình Nhưỡng phê chuẩn hiệp ước


mediaẢnh vệ tinh bãi thử hạt nhân Punggye-Ri của Bắc Triều Tiên.Airbus Defense & Space and 38 North/Handout via Reuters
Chào mừng quyết định của Kim Jong Un chấm dứt thử nghiệm hạt nhân, từ Vienna Tổ Chức Cấm Thử Nghiệm Hạt Nhân CTBTO, kêu gọi Bình Nhưỡng « phê chuẩn » hiệp ước quốc tế này để « củng cố bước tiến » xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân.
Trên thực tế, Bắc Triều Tiên không phải là nước duy nhất còn « chân trong chân ngoài » hiệp ước trói buộc này.
Trong bản thông cáo công bố vài giờ sau khi Bắc Triều Tiên loan báo ngưng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa, ông Lassina Zerbo, thư ký điều hành Tổ Chức Cấm Thử Nghiệm Hạt Nhân khen ngợi « Bắc Triều Tiên quyết định « mạnh mẽ và đúng hướng ». Người đứng đầu tổ chức CTBTO kêu gọi Bắc Triều Tiên và « những nước chưa phê chuẩn » hiệp ước ngăn cấm thử nghiệm hạt nhân hãy tiến thêm một bước cụ thể để hiệp định này có hiệu lực.
Được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1996, và được 183 quốc gia ký kết nhưng hiệp ước cần phải được 8 nước có công nghệ hạt nhân phê chuẩn. Cho đến nay, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên, Ai Cập, Iran và Israel vẫn thóai thác.
Theo thư ký điều hành của Tổ Chức Cấm Thử Nghiệm Hạt Nhân CTBTO, hiệp ước có tính pháp lý trói buộc ngăn cấm thử nghiệm hạt nhân là phương thức duy nhất tiến tới một thế giới không vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Chuyên gia hoài nghi thực tâm của Bình Nhưỡng
Thông báo chấm dứt thử nghiệm nổ hạt nhân và phóng tên lửa liên lục địa của Bình Nhưỡng được giới quan sát đón nhận một cách hoài nghi. Xu hướng chung, theo AFP, giới phân tích khuyến cáo cộng đồng quốc tế có quyền hy vọng nhưng không nên ngây thơ » bởi vì trong suốt nhiều thập niên qua chế độ Bắc Triều Tiên không bao giờ giữ lời hứa.
Lần này, những cam kết của Kim Jong Un, tuy ngoạn mục, nhưng có thể đảo ngược. Chờ xem, nếu trong cuộc gặp với tổng thống Hàn Quốc vào ngày 27/04/2018 mà yêu sách của lãnh đạo Bắc Triều Tiên không được thỏa mãn thì Bình Nhưỡng sẽ đổi thái độ ngay. Một số chuyên gia còn cho rằng chính nhờ áp lực của Donald Trump và cấm vận khiến Bình Nhưỡng phải dịu giọng.
Tuy nhiên, Joel Wit, chuyên gia thuộc viện Mỹ-Hàn, đại học John Hopskin lạc quan hơn. Ông cho rằng Kim Jong Un muốn « bỏ hạt nhân để tập trung vào kinh tế » .
Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á thăm Hàn Quốc
Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc thông báo bà Susan Thorton, quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á ngày 22/04/2018 tới Séoul để thảo luận với Hàn Quốc về hợp tác trong bối cảnh thượng đỉnh liên Triều dự trù vào ngày 27/04/2018. Đại diện của Mỹ sẽ hội kiến với ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha vào ngày mai 23/04/2014 và dự kiên làm việc với ông Lee Do Hoon, đặc trách về an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Bà Susan Thorton cũng là người phụ trách công tác chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên tới đây.

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20180422-to-chuc-cam-thu-nghiem-hat-nhan-keu-goi-binh-nhuong-phe-chuan-hiep-uoc

Nam Hàn tắt loa phát thanh nhắm vào Bắc Hàn

  • 3 giờ trước
Bắc Hàn, Nam Hàn, loa phóng thanhBản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Nam Hàn có hàng chục loa phóng thanh dọc theo khu vực biên giới, phát đủ thứ từ nhạc K-pop đến các tin tức quan trọng của miền Bắc.
Nam Hàn ngừng phát sóng các chương trình tuyên truyền qua hệ thống loa phóng thanh dọc biên giới Bắc Hàn trước các cuộc đàm phán cấp cao cuối tuần này.
Nam Hàn có hàng chục loa phóng thanh dọc theo khu vực biên giới, phát đủ thứ từ nhạc K-pop đến các tin tức quan trọng của miền Bắc.
Các chương trình phát sóng có thể được nghe bởi quân đội Bắc Hàn đóng dọc theo biên giới và dân thường trong khu vực.
Người ta không biết liệu Bắc Hàn có tắt hệ thống loa của mình hay không.
Bắc Hàn tuyên bố diễu binh lớn trước Olympics
Bắc Hàn thường phát thanh các thông tin quan trọng của Seoul và các đồng minh.
Động thái này của Nam Hàn nhằm "giảm căng thẳng quân sự giữa hai miền Nam Bắc, và tạo ra bầu không khí của các cuộc đàm phán hòa bình", Bộ Quốc phòng cho biết trong một thông báo gửi tới hãng tin Yonhap.
Bắc Hàn thông báo vào cuối tuần rằng họ đã ngưng các thử nghiệm hạt nhân và đóng cửa một địa điểm thử nghiệm nguyên tử. Bắc Hàn thông báo tin bất ngờ này khi đang chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh lịch sử với Mỹ.
Bắc Hàn, Nam Hàn, loa phóng thanhBản quyền hình ảnh Getty Images
Lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong-un sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào thứ Sáu 27/4 tại làng đình chiến Panmunjom, đánh dấu hội nghị thượng đỉnh liên triều sau hơn một thập kỷ.
Ông Kim cũng sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng Sáu. Đây sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai lãnh đạo đương nhiệm của Bắc Hàn và Hoa Kỳ.
Các chương trình phát thanh tuyên truyền của Nam Hàn được bập bõm phát đi kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Ý tưởng là để thuyết phục lính Bắc Hàn nghi ngờ những gì họ được nghe từ lãnh đạo của họ.
Năm 2004, các chương trình phát sóng bị tạm ngừng như là một phần của thỏa thuận được thương lượng giữa hai nước.
Nhưng vào năm 2015, sau khi hai binh sĩ Nam Hàn bị thương nặng do Bắc Hàn gài mìn ở khu phi quân sự (DMZ), Nam Hàn bật loa trở lại.
Sau đó nó lại ngưng vào năm 2015 và mở lại vào năm 2016 để phản ứng việc Bắc Hàn thử nghiệm một quả bom khí.

Chủ đề liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43861683

Geen opmerkingen:

Een reactie posten