donderdag 19 april 2018

Cuba: Raul Castro chính thức rời bỏ chức chủ tịch nước, chấm dứt 60 năm "triều đại" Castro, để..."truyền ngôi" cho ông Diaz-Canel, để lại nước Cuba..."đói rách" đến độ phải xin Việt Nam..."xóa nợ" ! [...lá rách đùm lá nát] + Con trai của Fidel Castro tự sát



Cuba: Raul Castro chính thức rời bỏ chức chủ tịch nước


mediaÔng Raul Castro (T) và Miguel Diaz-Canel (P) lúc đến Quốc Hội tại La Habana, Cuba, ngày 18/04/2018.Irene Perez/Courtesy of Cubadebate/Handout via Reuters.
Hôm nay, 19/04/2018, chủ tịch Cuba Raul Castro, 86 tuổi, chính thức nhường chiếc ghế chủ tịch nước cho người được chỉ định kế nhiệm Miguel Diaz - Canel, 57 tuổi. Phó chủ tịch Cuba là ứng cử viên duy nhất trong cuộc bỏ phiếu hôm qua tại Quốc Hội Cuba và kết quả đã được biết trước: đúng 9 giờ, giờ địa phương ( 13 giờ GMT ), ông Diaz - Canel chính thức được bầu làm chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước Cuba.
Ông Diaz-Canel như vậy là lãnh đạo đầu tiên của Cuba không thuộc dòng họ Castro và cũng không thuộc thế hệ đã trải qua Cách mạng 1959, cho nên ông sẽ phải tự tạo tính chính đáng cho bản thân. Tuy nhiên, tại Cuba không ai chờ đợi sẽ có những thay đổi lớn lao trong những năm đầu ông Diaz-Canel làm chủ tịch.
Từ La Habana, thông tín viên Romain Lemaresquier gởi về bài tường trình:
Đối với nhiều người dân Cuba, đây chỉ là thay đổi bề ngoài. Theo cái nhìn của họ, sẽ không có những chuyển biến quan trọng ở Cuba. Ông Raul Castro rời bỏ chức chủ tịch nhưng vẫn giữ chức bí thư thứ nhất Đảng Cộng Sản Cuba đến năm 2021. Vẫn chính là đảng này đề ra các chính sách cho Cuba, những chính sách được hoạch định rất lâu từ trước.
Mặc khác, ông Miguel Diaz Canel sẽ phải thi hành các cải tổ mà người tiền nhiệm đã khởi động. Trong 3 năm đầu của nhiệm kỳ, tân chủ tịch Cuba không được đi ra khỏi con đường đã được vạch ra. Chỉ đến năm 2021, khi ông Raul Castro không còn lãnh đạo đảng nữa, người ta mới thật sự biết được là Cuba sẽ đi theo hướng nào.
Trong nội bộ Đảng Cộng Sản Cuba, đang có nhiều phe phái tranh nhau chiếc ghế lãnh đạo. Một bên là những thành phần bảo thủ, không muốn mở cửa kinh tế và chủ trương tiếp tục mô hình hiện nay của Cuba. Bên kia là phe cải tổ, muốn Cuba dần dần đi đến một nền kinh tế thị trường và mở cửa chính trị một phần.
Tranh chấp giữa hai phe có thể sẽ rất gay gắt và phe thắng cuộc chắc chắn sẽ giành quyền lãnh đạo đảng khi ông Raul Castro ra đi. Chỉ khi đó người ta mới biết là chế độ Cuba có sẵn sàng chuyển hướng hay không. Miguel Diaz Canel là một người do đảng kiến tạo. Cho dù nhiều người mô tả ông là một nhân vật bảo thủ, cũng cần phải nhắc lại rằng, khi lãnh đạo tỉnh ủy Villa Clara, ông đã tỏ ra có đầu óc cấp tiến, hiện đại. Như vậy là rất có thể tân chủ tịch Cuba trong vài năm nữa sẽ chuyển biến thành một nhà kiến tạo chính sách đổi mới.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180419-cuba-raul-castro-roi-bo-chuc-chu-tich



Cuba: Miguel Diaz-Canel, người thay thế chủ tịch Raul Castro, là ai?


mediaTổng thống El Salvador Sanchez Ceren (T) tiếp phó chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel (P) tại phủ tổng thống Salvador, ngày 22/05/2015.Flickr/Presidencia El Salvador
Từ ngày 19/04/2018, Cuba bước sang một thời kỳ mới, “sẽ không còn do gia đình Castro điều hành” là hàng tựa trên Le Monde cùng với bài tổng kết 10 năm lãnh đạo của chủ tịch kiêm tổng bí thư đảng Cộng Sản Cuba Raul Castro. “Cuba sẵn sàng chuyển đổi trong thời hậu Castro” với sự kiện chuyển giao quyền lực sau 6 thập kỷ dưới triều đại nhà Castro, là nhận định của Le Figaro.
Chủ tịch Raul Castro nghỉ hưu ở tuổi 86 nhường lại vị trí lãnh đạo cho ông Miguel Diaz-Canel, 57 tuổi, “người được Raul đỡ đầu trên chính trường” theo nhận định của Le Monde và là “một người trung thành với chế độ” theo Le Figaro. Cả hai nhật báo đều phác họa chân dung của tân lãnh đạo Cuba, một người ít cười, ít nói, kiên nhẫn leo từng bậc trong nấc thang danh vọng dưới sự bảo trợ của ông Raul Castro.
Sinh ngày 20/04/1960 tại Placetas, tỉnh Villa Clara, ông Diaz-Canel tốt nghiệp kỹ sư điện tại đại học trung ương Las Villas năm 1985 và bắt đầu sự nghiệp trong Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba. Sau khi xuất ngũ, ông quay lại giảng dạy tại đại học trước khi đi công tác hai năm ở Nicaragua (1987-1989). Trở về Cuba, ông dần thăng tiến trong bộ máy lãnh đạo : trước tiên là trở thành một nhà lãnh đạo của Liên minh Thanh niên Cộng sản, tiếp theo là vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba năm 1991. Ở mọi chức vụ, ông luôn thể hiện là một lãnh đạo trẻ điềm tĩnh, hiện đại và được lòng dân. Ông di chuyển bằng xe đạp khi xăng dầu khan hiếm, mặc quần bò, tự nhận là fan của ban nhạc Anh Beatles và thành lập trung tâm văn hóa Santa Clara …
Tướng Raul Castro chú ý đến nhân vật mới nổi, và chỉ định Diaz-Canel vào vị trí bí thư thứ nhất của đảng Cộng Sản ở Holguin năm 2003 và gia nhập Bộ Chính Trị đầy quyền lực của đảng Cộng Sản Cuba. Sáu năm sau, năm 2009, vẫn dưới sự bảo trợ của Raul Castro, ông Diaz-Canel trở thành bộ trưởng bộ Đại Học, tiếp theo là phó thủ tướng phụ trách đào tạo, khoa học, văn hóa và thể thao. Đến năm 2013, ông vượt qua một cây đại thụ bảo thủ khác của thế hệ trước để trở thành phó chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước và đạt đến đỉnh cao là trở thành người kế nhiệm chức chủ tịch Cuba.
Thách thức cải cách Cuba đối với tân chủ tịch Diaz-Canel
Le Monde trích nhận định của nhà sử học Cuba Rafael Rojas cho rằng để đạt đến đỉnh cao này, “Diaz-Canel chỉ nợ mỗi Raul Castro”. Với Le Figaro, dù không thuộc thế hệ cách mạng, nhưng ông Diaz-Canel luôn chứng tỏ lòng trung thành với chế độ và “chưa bao giờ đi chệch đường lối của Đảng”, theo nhận định của nhà báo Nora Gamez Torres làm việc tại tờ Miami Herald.
Tuy nhiên, tính chính đáng của vị tân chủ tịch có thể bị tác động vì ông Diaz-Canel sinh ra sau cuộc cách mạng. Ngoài ra, ông cũng không xuất thân từ nhà binh dù từng phục vụ trong quân đội, trong khi Lực lượng Vũ trang lại có quyền lực rất lớn về chính trị và kinh tế tại Cuba.
Tân chủ tịch Cuba sẽ phải giải quyết tình hình khá nhạy cảm. Nền kinh tế bị đình đốn, giới trẻ bỏ xứ ra nước ngoài, trong khi Venezuela, quốc gia vẫn tài trợ cho chế độ, thì bị khủng hoảng và sẽ không thể tiếp tục giúp đỡ Cuba. Để thúc đẩy nền kinh tế, La Habana đã đón tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và khen ngợi “sự phát triển kinh tế ấn tượng” của Việt Nam.
Những thách thức đang đợi tân chủ tịch Cuba là chấm dứt hệ thống hai đồng tiền peso lưu thông song song trên thị trường khiến nền kinh tế mất cân đối, tái khởi động nền kinh tế Cuba, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đường bị lơ là từ nhiều năm qua… Thời gian sẽ trả lời liệu người kế nhiệm có vượt qua được cái bóng của người đã đưa ông vào guồng máy hay không.
Trục Ankara-Matxcơva vẫn liên kết chặt chẽ trong hồ sơ Syria
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ trận oanh kích của Mỹ-Anh-Pháp nhắm vào các khu vực được cho là có liên quan đến nghiên cứu và tàng trữ chất độc của Syria. Tuy nhiên, sự kiện này “không chia rẽ” Ankara và đồng minh Nga mà ngược lại, “Trục Ankara-Matxcơva kháng cự các trận oanh kích”, như nhận định trên hàng tựa của Le Monde.
Trong buổi họp báo chung ngày 16/04 với tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định : “Chúng tôi (Nga và Thổ Nhĩ Kỳ) có thể nghĩ khác nhau, nhưng quan hệ của chúng tôi với Nga quá mạnh nên tổng thống Pháp khó lòng phá vỡ được”.
Đây cũng là quan điểm của phát ngôn viên điện Kremlin khi cho rằng giữa hai nước luôn có những điểm bất đồng nhưng điều này chẳng có gì là bí mật với mọi người và cũng không ngăn cản hai bên tiếp tục đối thoại.
Thực vậy, việc Ankara phản đối chế độ Damas cũng không cản trở Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác chặt chẽ với Nga và Iran trong khuôn khổ vòng đàm phán Astana về hòa bình tại Syria, qua đó Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể lập được 9 trạm quan sát giữa các lực lượng đối lập và quân của chế độ Damas tại vùng Idlib, khu đồn trú cuối cùng của quân nổi dậy còn nằm ngoài tầm kiểm soát của Damas.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn giữ quan hệ chặt chẽ với Nga thông qua nhiều hợp đồng lớn : xây đường ống dẫn dầu và một nhà máy điện hạt nhân ở Mersin cũng như một dự án mua hệ thống lá chắn tên lửa S-400 gây nhiều tranh cãi vì Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên quan trọng của NATO.
Syria: Bằng chứng về những tội ác của chế độ Damas
Nhật báo Công Giáo La Croix dành trọn trang nhất và 8 trang “Điều tra” để đăng hình ảnh một số nhân chứng và các bằng chứng về tội ác của chế độ Bachar Al Assad, được các nhà điều tra thu thập ở châu Âu và tại Syria qua lời kể của người dân hay qua tài liệu từ một số quan tòa ở các tòa án châu Âu.
Bài xã luận của La Croix cho biết ở mỗi cấp độ, mỗi người đưa ra hành động cáo buộc chế độ Syria : hành động tra tấn, các vụ mất tích, giết người. Thêm vào đó là những bằng chứng do các tổ chức phi chính phủ thu thập được. Khối lượng hình ảnh, video, chứng cứ rất lớn, vì vậy cần thời gian và kiên nhẫn để có thể kiểm chứng, chắp nối để có thể nhận dạng thủ phạm, vạch rõ trách nhiệm và “Ai biết được đấy, một ngày nào đó, Bachar có thể bị xét xử ?”
Trả lời phỏng vấn La Croix, ông Mazen Darwish, giám đốc Trung tâm vì Truyền thông và Tự do ngôn luận Syria, nhận định “những hành động tàn bạo của Daech đã làm lãng quên hàng loạt tội ác của Bachar Al Assad”. Tham gia biểu tình ôn hòa năm 2011, ông bị cầm tù trong vòng ba năm và đang sống tại Đức, nơi tổ chức của ông hỗ trợ các nạn nhân trong cuộc chiến pháp lý chống chế độ Damas.
Sau lằn ranh đỏ Syria, tổng thống Pháp đối mặt với lằn ranh đỏ trong nước
Sinh viên bãi khóa, chiếm trường ở một số trường đại học, những người bảo vệ khu đất ở Notre-Dame-des-Landes (thường được gọi là “zadiste”) khỏi dự án xây dựng sân bay mới… tổng thống Pháp đang phải đối mặt với “lằn ranh đỏ” nội địa của “những người gây rối chuyên nghiệp”.
Dù dự án xây sân bay mới đã được hủy, vài trăm “người vô chính phủ”, cụm từ được Le Figaro sử dụng trong bài xã luận, vẫn tiếp tục chiếm đóng khu đất rộng lớn, trong khi “người dân xung quanh bực tức vì lượng người đấu tranh đổ xô đến đây”, trong đó có “nhiều người cải trang thành nông dân địa phương”, theo cáo buộc của bài xã luận. Chiến dịch giải tán của cảnh sát dường như chưa đủ mạnh để phong tỏa khu vực.
Còn tại Tolbiac, một cơ sở của trường đại học Paris I, bị sinh viên bãi khóa chiếm đóng từ nhiều ngày nay. Cơ sở vật chất bị phá hỏng gây thiệt hại lên đến vài trăm nghìn euro. Bài xã luận đặt câu hỏi : Tổng thống Pháp biện hộ cho “một thế giới chuyển động” để làm gì nếu như Nhà nước phải lùi bước trước vài bộ phận cánh tả?
Miến Điện : Tòa Hình sự Quốc tế xem xét điều tra hồ sơ người Rohingya
Biện lý của Tòa Hình Sự Quốc tế (CPI) đề nghị các thẩm phán xem xét khả năng tài phán về việc di chuyển cưỡng bức đối với 700.000 người Rohingya Miến Điện tại Bangladesh, liên quan đến hai tội : di chuyển và giam hãm tại trại tập trung ở nước ngoài.
Theo quy định, có ba khả năng để đưa một vụ việc ra Tòa Hình Sự Quốc Tế : thông qua một Quốc gia thành viên, theo quyết định của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tự thụ lý hồ sơ.
Trong hồ sơ người Rohingya, Miến Điện không phải là thành viên của Quy chế Roma việc thành lập Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, nhưng Bangladesh là một thành viên của định chế này. Về phương án quyết định của Hội Đồng Bảo An, Nga và Trung Quốc sẽ dùng quyền phủ quyết vì hai nước công khai ủng hộ chính quyền Miến Điện. Nếu các thẩm phán của CPI hợp thức hóa yêu cầu của biện lý thì biện lý có thể tự thụ lý hồ sơ và mở điều tra, hoặc cũng có thể theo yêu cầu điều tra từ phía Bangladesh về những tội ác vi phạm trên lãnh thổ nước này.
Chính phủ Miến Điện bày tỏ “quan ngại” trong bản thông cáo ngày 13/04. Với luật sư Alicia de la Cour giảng dạy tại đại học Luân Đôn, phản ứng của Naypyidaw không có gì ngạc nhiên : “Từ lâu, bà Aung Sang Suu Kyi phủ nhận mọi trấn áp nhắm vào người Rohingya. Hiện nay, người ta còn thậm chí có thể nói bà là đồng phạm với giới quân sự và như vậy, đồng phạm trong cuộc diệt chủng.
Bà Aung Sang Suu Kyi là người duy nhất tại Miến Điện có thể làm thay đổi tâm tính vì người dân yêu bà và nghe bà. Dĩ nhiên bà không có quyền lực chính trị để làm thay đổi mọi việc nhưng bà có quyền lực tinh thần. Cuối cùng, bà đã tham gia vào việc đối xử mất nhân tính với người Rohingya khi không phát biểu gì hết”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180418-cuba-miguel-diaz-canel-nguoi-thay-the-chu-tich-raul-castro-la-ai


Cuba: Chủ tịch Raul Castro và những cải cách chưa trọn vẹn


mediaChủ tịch Cuba Raul Castro (P) tiếp tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại La Habana, ngày 29/03/2018.REUTERS
Ông Raul Castro chính thức rời vị trí chủ tịch Cuba trong tháng 04/2018, nhưng tiếp tục giữ vai trò tổng bí thư đảng Cộng Sản. Từ năm 2006, khi ông lên thay anh trai Fidel nắm quyền, bộ mặt của Cuba đã thay đổi theo những chính sách cải cách tái bạo mà từ lâu khó có thể hình dung ra được tại đất nước Cộng Sản.
Người dân Cuba hiện được hưởng nhiều tự do hơn, như có thể du lịch nước ngoài, tự thành lập doanh nghiệp, thậm chí, người ta còn nhìn thấy quốc kỳ Mỹ phấp phới trên đường phố La Habana. Tuy nhiên, theo AFP, nền kinh tế Cuba vẫn chưa thật sự khởi sắc với nhiều chương trình cải cách quan trọng còn bị trì hoãn.
1. Cải thiện quan hệ với Mỹ
Sự kiện quan trọng nhất đánh dấu thời kỳ Raul Castro diễn ra vào ngày 17/12/2014 khi ông thông báo trên truyền hình về tiến trình xích lại gần hơn với cựu thù Mỹ từ thời chiến tranh lạnh. Ngày 20/06/2015, hai nước nối lại quan hệ ngoại giao. Tháng 03/2016, chủ tịch Cuba đón tổng thống Mỹ Barack Obama tại La Habana.
Tiến trình bình thường hóa quan hệ bị chững lại kể từ khi ông Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng vì tân tổng thống Mỹ có đường lối cứng rắn với Cuba.
2. Du lịch và nhập cư
Năm 2013, ông Raul Castro chấm dứt những biện pháp hạn chế khắc nghiệt ngăn cản người Cuba ra nước ngoài. Từ đó, người dân được phép xuất ngoại trong vòng hai năm mà không bị mất tài sản hay nhà ở nếu họ ra đi một cách hợp pháp.
Biện pháp cải cách này đã tạo điều kiện cho các chuyến thăm viếng và di dân Cuba hồi hương. Từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2016, hơn 670.000 người Cuba đã ra nước ngoài hơn một triệu lượt.
3. Lĩnh vực tư
Dưới thời chủ tịch Raul Castro, nền kinh tế Cuba đã mở cửa cho lĩnh vực tư nhân. Hiện Cuba có khoảng 580.000 lao động tư nhân hoặc « tự chủ », chiếm 12% dân số trong độ tuổi lao động. Việc cấp giấy phép mới cho một số hoạt động nhiều lợi nhuận, như dịch vụ nhà hàng, bị tạm ngừng từ tháng 08/2017 trong khi chờ quy định mới.
4. Mua - Bán
Cuối năm 2011, ông Raul Castro đã cho phép cá nhân được mua và bán nhà ở. Sau đó, đến năm 2014, thị trường ô tô được tự do hóa nhưng khách hàng của các đại lý Nhà nước lại phàn nàn về mức giá quá đáng của các loại xe mới, cao gấp 5 lần so với giá bán ở nước ngoài.
5. Internet
Từ năm 2013, chính phủ đã cho phép truy cập internet và lắp đặt nhiều điểm truy cập wifi công cộng trên toàn quốc. Tuy nhiên, người dân Cuba vẫn chưa có dịch vụ 3G và chỉ một bộ phận nhỏ người dân truy cập được internet tại nhà. Đây vẫn là một điểm yếu của Cuba.
6. Đầu tư nước ngoài
Kể từ năm 2014, chủ tịch Cuba đã thay đổi luật để khuyến khích đầu tư nước ngoài và khánh thành khu cảng Mariel rộng lớn, cách thủ đô La Habana khoảng 45 km về phía đông. Khu vực này cũng được phát triển để trở thành vùng công nghiệp lớn nhất của Cuba.
Nhưng hiện giờ, do lệnh cấm vận của Mỹ và nhiều quy định hạn chế của chính phủ Cuba, trung bình đầu tư nước ngoài vẫn còn dưới ngưỡng mục tiêu của chính phủ, được ấn định là 2,5 tỉ đô la hàng năm để thúc đẩy mức tăng trưởng 4%.
7. Nợ nước ngoài
Giữa những năm 2013 và 2016, Cuba đã đàm phán lại được khối nợ nước ngoài với tất cả các chủ nợ, thanh toán tổng số tiền 23 tỉ đô la còn thiếu và gây dựng được độ tin cậy của nước này trên thị trường. Nhờ đó, Cuba có thể có được những khoản vay mới.
8. Thống nhất đồng tiền
Cuba sắp xóa bỏ việc lưu hành song song hai đồng tiền : đồng peso Cuba được dùng trong trao đổi nội địa và đồng peso hoán đổi (tương đương với đồng đô la Mỹ, trị giá khoảng 24 đến 25 peso Cuba) chủ yếu dùng trong việc mua bán sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu.
Đây là hệ thống có một không hai trên thế giới, và gây mất cân đối cho nền kinh tế Cuba từ năm 1994. Biện pháp cải cách trên vừa mang tính then chốt vừa rất phức tạp và đã nhiều lần bị hoãn lại.
9. Cải cách ruộng đất
Năm 2008, Cuba cho phép nông dân được quyền sử dụng đất bỏ hoang. Lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá là « chiến lược » để giảm thiểu phụ thuộc vào nhập khẩu.
Từ đó, Nhà nước đã phân phối hơn 1 triệu ha đất, thực hiện vi tín dụng và tạo điều kiện cho tư nhân mua bán. Tuy nhiên, Cuba vẫn nhập đến 80% lượng lương thực tiêu thụ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180415-cuba-chu-tich-raul-castro-va-nhung-cai-cach-chua-tron-ven

Quanh việc Việt Nam xoá nợ cho Cuba

  • 3 tháng 4 2018
Việt Nam, Cuba, xóa nợ, Nguyễn Phú TrọngBản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM
Image caption Tổng bí thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng và ông Raul Castro Ruz, Bí thư thứ nhất BCH TW ĐCS Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba
Việc Việt Nam xóa nợ cho Cuba được các chuyên gia kinh tế cho hay chỉ là quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản, trong khi đó có nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Tuyên bố xóa nợ này được đưa ra trong chuyến thăm Cuba cuối tháng 3/2018 của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, theo truyền thông Việt Nam.
'Chỉ là quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản'
Việt Nam, Cuba, xóa nợ, Nguyễn Phú TrọngBản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images
Image caption Việt Nam và Cuba được cho là 'có mối quan hệ đặc biệt'
Trả lời BBC từ Hà Nội ngày 3/4, tiến sỹ Nguyễn Quang A nhắc lại rằng Việt Nam đã được nhiều chính phủ xóa nợ từ trước tới nay.
"Thời trước là từ các nước xã hội chủ nghĩa, rồi một loạt các nước khác thông qua các cuộc đàm phán ở Câu lạc bộ Paris hoặc Câu lạc bộ London, tùy khoản nợ, có khoản của nhà nước, khoản của doanh nghiệp. Thực sự Việt Nam từ trước đến nay có thể nói là một nước nợ nhiều hơn là cho người khác nợ."
Về việc Việt Nam lần này đóng vai 'người xóa nợ', ông Quang A cho rằng đây "hoàn toàn là vấn đề quan hệ chính trị giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Cuba."
Bàn tròn BBC: Tái cấu trúc Bộ Công An và ngân sách
'Kinh tế thị trường không thể hủy hoại XHCN'
Nguyễn Phú Trọng: 'Người đốt lò vĩ đại'
Cuba: Con trai của Fidel Castro tự sát
"Không có vấn đề về lợi ích kinh tế hoặc đòi hỏi có đi có lại hay điều kiện gì cả. Chỉ thuần túy là vấn đề tình cảm giữa các ông ấy với nhau và vấn đề chính trị của hai đảng cộng sản", ông Quang A nói.
"Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng nắm quyền, bất luận là nó nắm quyền chính đáng hay không, được người dân đồng ý hay không. Có thể về mặt hình thức, đây là một quyết định của chính phủ chứ không phải quyết định của đảng. Tôi nghĩ không có gì lạ trong chuyện xóa nợ cho Cuba này cả."
Liên quan đến các điều kiện mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thường đặt ra khi xóa nợ cho một nước, tiến sỹ Nguyễn Quang A nói:
"Cần hết sức lưu ý rằng IMF và chính phủ Việt Nam là hai thiết chế hoàn toàn khác nhau."
"IMF luôn đặt vấn đề xóa nợ, giãn nợ, hoặc cung cấp các khoản nợ tiếp với các điều kiện về cải cách kinh tế. Những điều kiện này thường theo học thuyết Tân tự do một thời người ta gọi là Đồng thuận Washington."
"Còn chính sách của chính phủ Việt Nam tôi cho là hoàn toàn khác. Khoản xóa nợ cho Cuba mang tính chất chính trị, tình cảm hơn."
"Tất nhiên Việt Nam cũng khuyên Cuba cải cách kinh tế từ lâu rồi, chí ít từ thời ông Võ Văn Kiệt làm thủ tướng. Nhưng giữa Việt Nam và Cuba thì hoàn toàn không có chuyện đặt điều kiện trong việc cho vay hay xóa nợ."
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng có cùng ý kiến.
Ông cho BBC hay ông tin rằng hành động này "thể hiện tình hữu nghị và sự biết ơn của Việt Nam đối với sự giúp đỡ của Cuba và giúp Cuba vượt qua tình hình kinh tế khó khăn hiện nay".
Cần thông qua ai?
Việt Nam, Cuba, xóa nợ, Nguyễn Phú TrọngBản quyền hình ảnh Hoang Dinh Nam
Image caption Ý kiến phản đối việc Việt Nam xóa nợ cho Cuba có vẻ bắt nguồn thực trạng kinh tế còn khó khăn của Việt Nam
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng theo thông lệ quốc tế, việc xóa nợ phải được thảo luận trong một câu lạc bộ, ví dụ Câu lạc bộ Paris, về các điều khoản và điều kiện giữa chủ nợ và con nợ.
Nhưng trong trường hợp Việt Nam và Cuba thì 'đây là quan hệ đặc biệt'.
"Tôi không được biết chi tiết của thủ tục cũng như tờ trình như thế nào về việc xóa nợ này và nó được thực hiện qua quốc hội hay qua các cơ quan có thẩm quyền như thế nào", ông Doanh nói.
"Theo tôi trước hết phải thông qua quốc hội vì đây là cơ quan giám sát tối cao về việc thông qua ngân sách này. Tôi không có thông tin về việc này."
Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói thường chính phủ bao giờ cũng là người lo chuyện này, trong khi Bộ Tài chính lo khâu tính toán, cân đối, rồi khuyến nghị.
"Nói chung cơ quan hành pháp là nơi người ta quyết định về việc vay nợ hoặc xóa nợ cho các con nợ", ông Quang A nói với BBC từ Hà Nội.
"Tôi nghĩ không có nước nào trên thế giới trưng cầu dân ý về việc xóa nợ cho một con nợ của nước đó. Có thể là họ sẽ phải cân nhắc khi quyết định xem ý kiến như thế nào, dư luận ra sao. Còn bảo lấy ý kiến người dân rồi bỏ phiếu quyết định thì chuyện đấy tôi nghĩ rằng tôi chưa từng nghe thấy ở nơi nào."

'Lạm quyền'?

Việt Nam, Cuba, xóa nợ, Nguyễn Phú TrọngBản quyền hình ảnh YAMIL LAGE/AFP/Getty Images
Image caption Trong khi đó, nền kinh tế Cuba được nhìn nhận là chưa có dấu hiệu khởi sắc kể từ khi thực hiện cải cách kinh tế
Thông tin 'xóa nợ' cũng làm dấy lên những ý kiến trái chiều trong cộng đồng người Việt Nam.
Tác giả Trần Thành của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam cho rằng "ngay cả trong trường hợp Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng ngân sách của Đảng để cho Cuba vay qua hình thức viện trợ hoàn lại, thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng không được trao quyền tùy nghi sử dụng khoản tiền này, mà nó chịu sự quản lý của Luật Ngân sách Nhà nước."
"Ông Nguyễn Phú Trọng phải có tờ trình gửi Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc xóa nợ viện trợ cho Cuba".
"Việc đơn phương tuyên bố xóa nợ với Cuba... sẽ không có giá trị thi hành. Thậm chí, nếu thực sự thượng tôn pháp luật, việc tuyên bố xóa nợ này của ông Tổng Bí thư mang dấu hiệu vi phạm Luật Ngân sách Nhà nước, Điều 18.1 về "Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngân sách nhà nước", là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước".
Cuba: Một nơi đầy mâu thuẫn nhưng quyến rũ
Cuba: khách sạn tình yêu mở cửa trở lại
Tác giả Trần Thành cho rằng đây là hành vi 'lạm quyền', vì với nợ chính phủ, cần có sự phê chuẩn của quốc hội bằng một văn bản minh bạch gọi là 'Nghị quyết xóa nợ'.
Ông Thành lấy ví dụ năm 2014, Nga xóa 90% trong tổng số nợ 35,3 tỷ đôla của Cuba 'với những ràng buộc được công khai cho dân chúng'.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Trọng "không thông báo là nợ cụ thể bao nhiêu, xóa như thế nào và đánh đổi những vấn đề gì trong chuyện xóa nợ ấy."
"Căn cứ vào Điều 4, Hiến pháp 2013 và Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, việc Tổng Bí thư tuyên bố "xóa nợ Chính phủ cho Cuba" là một tuyên bố vô hiệu vì trái thẩm quyền, không có giá trị thực hiện, kể cả khi viện dẫn thỏa thuận về các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết", ông Trần Thành lập luận.
"Nôm na, với tuyên bố "xóa nợ Chính phủ cho Cuba", ông Tổng Bí thư đã vi phạm về chính điều khoản mà ông từng đưa ra là không "tham vọng quyền lực" tại Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành."
Facebooker Nguyễn Lương Anh Tuấn thì đặt câu hỏi về vai trò của người ra quyết định xóa nợ: "Với tư cách là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì đảng của ông làm gì cho ra tiền để giúp Cuba xóa nợ?"

'Chấp nhận được'

Nhưng cũng có ý kiến ủng hộ quyết định này.
Nhà báo Mạc Việt Hồng từ Ba Lan cho hay 'không đồng ý' với các ý kiến bất bình việc ông Trọng xóa nợ cho Cuba, đồng thời đưa ra ba lý do:
Thứ nhất, chắc đây "không phải là quyết định mang tính bột phát cá nhân mà phải có sự bàn bạc trước chuyến đi rồi".
Thứ hai, "Việt Nam đã nhận trợ cấp kể từ 1945 tới nay", "từ lương thực thực phẩm, thuốc men y tế; từ lĩnh vực dân sự tới lĩnh vực quốc phòng. Ai trong chúng ta ngồi đây không từng ăn mì ép, bo bo, bột mì" tới "sử dụng những công trình từ nguồn viện trợ". Mới đây nhất Việt Nam nhận viện trợ gạo từ Nam Hàn.
"Đời có vay, có trả; nên sẽ đến lúc Việt Nam cần viện trợ hoặc giúp đỡ các quốc gia nghèo khó hơn, châu Phi chẳng hạn", nhà báo Việt Hồng bình luận.
Thứ ba, " Việt Nam cũng từng được nhiều nước xóa nợ" và "Cuba là quốc gia nhiều ân tình với Việt Nam hay nói đúng ra là với chính quyền Cộng sản, nên việc hành xử này, theo mình là chấp nhận được."
Facebooker Trần Thủy Tiên thì nhắc lại thời khó khăn, Cuba đã có những hành động 'không tiền nào mua được' như gửi máu, thuốc kháng sinh và bác sĩ sang chiến trường miền Nam Việt Nam.
"Cuba cũng là một trong những nước tích cực vận động cho Việt Nam gia nhập Liên hiệp quốc, bỏ phiếu chống lại cấm vận Việt Nam do Mỹ và Trung Quốc phát động", tài khoản Trần Thủy Tiên viết.
Do đó, hành động Việt Nam xóa nợ cho Cuba là 'điều tất yếu', facebooker này nhận định.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43624964

Cuba: Con trai của Fidel Castro tự sát

  • 2 tháng 2 2018
Ông được biết đến như là "Fidelito" bởi vì dung mạo khá giống với cha mìnhBản quyền hình ảnh AFP/GETTY
Image caption Fidel Ángel Castro Díaz-Balart được biết đến như là "Fidelito" bởi vì dung mạo khá giống với cha mình
Con trai 68 tuổi của Fidel Castro, Fidel Ángel Castro Díaz-Balart, đã tự tử tại Havana, theo truyền thông Cuba.
Ông được tìm thấy vào sáng thứ Năm, 1/2 và được tin là bị trầm cảm.
Được biết đến với cái tên "Fidelito", ông là con trai đầu lòng của cựu tổng thống, người đã chết vào tháng 11/2016.
'Fidelito' và cô Paris Hilton trong một chuyến đến thăm Havana của nhân vật thượng lưu MỹBản quyền hình ảnh Reuters
Image caption 'Fidelito' và cô Paris Hilton trong một chuyến đến thăm Havana của nhân vật thượng lưu Mỹ
Castro Díaz-Balart là một nhà vật lý hạt nhân đã được đào tạo tại Liên Xô cũ.
Cuba: 'Không có chuyện tấn công nhân viên Mỹ'
Sự nghiệp Fidel Castro
Raul Castro lên án chính sách của Trump
Cuba: khách sạn tình yêu mở cửa trở lại
"Fidel Castro Diaz-Balart, người đã được một nhóm bác sĩ điều trị trong vài tháng vì bị trầm cảm nặng, đã tự kết liễu mạng sống của mình sáng nay," tờ báo chính thức của Cuba, Granma cho biết.

Đám tang gia đình

Truyền hình nhà nước nói rằng ông đã được điều trị y tế ngoại trú trong vài tháng gần đây, sau một thời gian nằm viện.
Fidel Castro Diaz-Balart giống cha nhất nên được gọi là Fidelito - Fidel nhỏBản quyền hình ảnh AFP
Image caption Ảnh hồi 2002: Fidel Castro Diaz-Balart giống cha nhất nên được gọi là Fidelito - Fidel nhỏ
Vào thời điểm ông qua đời, ông là cố vấn khoa học cho Hội đồng Nhà nước Cuba và ông giữ chức vụ phó chủ tịch Học viện Khoa học Cuba.
Tiểu sử của ông cho biết ông là tác giả của nhiều cuốn sách, và đại diện cho giới học giả của Cuba tại các sự kiện quốc tế trên thế giới.
Che Guevara trách Fidel Castro ‘hèn’
Việt Nam 'yêu cầu Mỹ xóa cấm vận chống Cuba'
Quân đội Cuba làm cách mạng hay làm ăn?
Cuba với dấu tích chủ nghĩa xã hội
Xe cũ trên nền khẩu hiệu cách mạng CubaBản quyền hình ảnh Hanh Ly
Image caption Xe cũ trên nền khẩu hiệu cách mạng Cuba
Thông báo trên truyền thông cho biết đám tang của ông sẽ do gia đình tổ chức và không cung cấp thêm thông tin nào khác.
Cha của ông, Fidel Castro, một biểu tượng cách mạng và là một trong những nhà lãnh đạo chính trị nắm quyền lâu nhất thế giới, đã qua đời ở tuổi 90 vào năm 2016.
cubaBản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Ông Fidel Castro (giữa) tiến vào Havana năm 1959, lãnh đạo Cuba từ đó đến năm 2011 và qua đời năm 2016

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten