donderdag 12 april 2018

Pháp: Vì sao di dân không được thương cảm như thuyền nhân Việt 1979 ? + Bác sĩ Bernard Kouchner- Tổ chức Bác sĩ Không Biên Giới- Ile de Lumière, chiếc tàu cứu hàng chục ngàn thuyền nhân Việt Nam

Pháp: Vì sao di dân không được thương cảm như thuyền nhân Việt 1979 ?

mediaTị nạn và thuyền nhân đổ vào đảo Lesbos, Hy Lạp, ngày 10/09/2015REUTERS
Trước làn sóng người nhập cư đổ vào châu Âu hiện nay, người Pháp vẫn có tâm lý e ngại, thờ ơ, cho đến khi những hình ảnh thương tâm của em bé Syria chết đuối đánh động được dư luận. Tâm lý này tương phản với phong trào cứu vớt thuyền nhân Việt Nam vào cuối thập niên 70.
Vào thời kỳ đó, một phong trào đầy cảm động đã nổi lên ở nước Pháp và nhiều quốc gia phương Tây khác, nhằm cứu vớt hàng chục ngàn thuyền nhân chạy trốn chế độ cộng sản Việt Nam trong các điều kiện bi thảm, và cả người Cam Bốt, người Lào.
Vô số hình ảnh những con tàu nhỏ bé trôi dạt trên Biển Đông được phổ biến rộng rãi, đã thức tỉnh lương tâm mọi người. Những hình ảnh này cũng giống những gì thấy được trên báo chí trong mấy tháng gần đây : những ánh mắt hoảng loạn, những thân người kiệt sức, chen chúc trên những con tàu thô sơ ở Địa Trung Hải.
Nhưng bối cảnh rất khác nhau. Nước Pháp vào lúc ấy với tỉ lệ thất nghiệp thấp (chỉ 3,3%, còn nay là 10%), đã nhiệt tình đón tiếp. Hơn nữa người Việt và người Cam Bốt đến từ Đông Dương thuộc Pháp cũ, biết được ngôn ngữ và ít nhiều thấm đẫm văn hóa Pháp, trong khi di dân hiện nay đa số là người Hồi giáo.
Đặc biệt là sự dấn thân ngoạn mục của giới trí thức Pháp thời ấy, cả cánh tả lẫn cánh hữu, từ nhà văn đồng thời là nhà triết học nổi tiếng Jean-Paul Sartre cho đến Raymond Aron – nhà báo kiêm nhà sử học, triết gia, chính khách.
Cuối năm 1978, tàu Hải Hồng chở 2.500 người Việt Nam đã đến được Malaysia nhưng bị đẩy ra, phải trôi dạt 45 ngày trên biển từ bến này sang bến khác, đã gây xúc động lớn. Các nhà báo quay phim những cảnh khốn khổ của thuyền nhân trên tàu trong đó có nhiều trẻ em: thiếu thức ăn, nước uống, thuốc men, trốn tránh ánh nắng đổ lửa dưới những tấm bạt rách nát. Cuối cùng, các nước châu Âu quyết định tiếp nhận những người Việt tị nạn này.
Bị chấn động trước số phận chiếc tàu vô tổ quốc, và thảm kịch của những người mà người ta bắt đầu gọi là « boat people », nhiều nhân vật tiếng tăm của Pháp tập hợp xung quanh bác sĩ Bernard Kouchner và triết gia André Glucksmann, năm 1979 đã quyết định tung ra chiến dịch « Một con tàu cho Việt Nam ».
Họ vận động quyên góp để cải tiến một chiếc tàu mang tên « L’île de lumière » (Đảo Ánh sáng) thành một tàu bệnh viện, đi vớt các thuyền nhân khác trên Biển Đông, rồi thả neo ở đảo Palau Bidong (Malaysia) để các bác sĩ Pháp tình nguyện chăm sóc cho 34.000 người Việt bị giam trên đảo.
Trên đài truyền hình TF1, người dẫn chương trình Roger Gicquel kêu gọi : « Hỗ trợ cho chiến dịch không chỉ là hào hiệp mà còn là điều cần thiết ». Người bác sĩ trẻ Kouchner từ trên boong tàu « Đảo Ánh sáng » thuyết phục nhà báo Jacques Abouchar trước ống kính đài truyền hình France 2. Vị « French doctor » muốn tuyên truyền rộng rãi trên truyền thông, trong khi những người khác lại muốn âm thầm hoạt động.
Ủy ban « Một con tàu cho Việt Nam » được thành lập, được nhiều nhân vật lỗi lạc ủng hộ : triết gia Michel Foucault, giáo sĩ Do Thái Josy Eisenberg, Đức Hồng y François Marty, nhà văn Đức Heinrich Boll, ca sĩ kiêm diễn viên Yves Montand…
Ông Michel Rocard, chính khách đảng Xã hội chống lại chủ nghĩa cộng sản, ký vào bản kiến nghị nhưng Tổng thư ký đảng là ông François Mitterrand thì không. Một bộ phận trong cánh tả Pháp vẫn e dè vì nhiều người vẫn coi chủ nghĩa cộng sản là một mô hình để noi theo.
Cảm động nhất là sự ủng hộ của nhà văn mác-xít Jean-Paul Sartre và nhà trí thức lớn chủ trương tự do Raymond Aron, hai nhân vật này vốn không nhìn mặt nhau suốt 30 năm qua. Hôm 20/09/1979, Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing đã hội tụ ở điện Elysée nhiều tên tuổi, trong đó hai trí thức lừng lẫy trên đã siết chặt tay nhau. Đó là một hình ảnh gây tác động mạnh mẽ, chứng tỏ một nước Pháp đoàn kết, ít nhất là trong chủ đề thuyền nhân Việt.
Nhân dịp này, nhà văn nổi loạn Jean-Paul Sartre đã trở thành nhà hoạt động nhân đạo. Ông nhắc lại những từ ngữ mà chính ông đã chỉ trích nhà văn Albert Camus 25 năm về trước : « Tôi ủng hộ những con người mà có lẽ không phải là bạn tôi vào thời kỳ Việt Nam đấu tranh cho tự do, nhưng điều này có quan trọng gì, vì đó là những người đang gặp nguy hiểm đến tính mạng ».
Tiếp bước triết gia Aron, cánh hữu Pháp trở nên thoải mái hơn trong hồ sơ này. Đô trưởng Paris là ông Jacques Chirac đưa ra lời kêu gọi tiếp đón boat people, và bản thân ông cũng nhận một thuyền nhân trẻ Việt Nam – cô Anh Đào – làm con nuôi.
Năm năm sau đó, vào năm 1984, một nhóm nhạc rock Pháp mang tên Gold phát hành một album trong đó có bản nhạc « Gần bên những ngôi sao », nhằm vinh danh thuyền nhân Việt Nam, đã thành công rực rỡ với 900.000 đĩa bán ra.
Từ năm 1975 đến đầu thập niên 80, đã có trên 120.000 người Việt Nam được đón tiếp tại Pháp, được cấp giấy tờ chính thức là « người tị nạn ». Giáo sư Karine Meslin vào năm 2006 đưa ra con số « 128.000 người Đông Dương, trong đó có 47.356 người Cam Bốt đã nhập cư hợp pháp vào lãnh thổ nước Pháp ». Nhiều người khác đến Pháp nhưng không với tư cách tị nạn.
Từ năm 1975 đến 1985, trên một triệu người Việt đã bỏ trốn khỏi đất nước, trong đó có 800.000 boat people, và theo các nhà nghiên cứu, một phần tư những người vượt biên đã thiệt mạng.
Vì sao cuộc khủng hoảng di dân hiện nay không tạo nên được một làn sóng tương trợ như đối với thuyền nhân Việt Nam cuối thập niên 70 ? Bên cạnh nguyên nhân kinh tế và văn hóa như đã nói ở trên, còn có nhiều lý do khác.
Đợt sóng thuyền nhân Việt mang tính giai đoạn, trong khi áp lực dân số ở châu Phi, sự phức tạp của những cuộc xung đột ở lục địa đen và Syria, quân thánh chiến đủ các phe nhóm có thể tạo nên những cuộc di dân hàng loạt kéo dài.
Nhiều người còn nêu lên mặc cảm của cánh tả Pháp, trước đây ngưỡng mộ chủ nghĩa mác-xít, nên giang tay cứu vớt những người tị nạn cộng sản như một cách chuộc lỗi. Còn trước Hồi giáo cực đoan hiện nay, châu Âu không có cùng tình cảm này, ngược lại còn là nạn nhân. Bên cạnh đó, vai trò của trí thức Pháp cũng không còn như 36 năm về trước.
Thế nên cách đây vài tháng, khi xảy ra hàng loạt vụ chìm tàu làm chết hàng ngàn người trên biển, cũng đã có những lời kêu gọi tương trợ. Nhưng rốt cuộc, Địa Trung Hải năm 2015 không phải là vịnh Thái Lan năm 1979, và « Đảo Ánh sáng» đã không xuất hiện tại đây.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150911-vi-sao-di-dan-khong-duoc-thuong-cam-nhu-thuyen-nhan-viet-1979

Sau cú sốc ảnh bé tị nạn chết đuối, châu Âu họp bàn về nhập cư

mediaThuyền nhân đổ bộ lên đảo Kos tại Hy Lạp. Ảnh chụp ngày 20/08/2015.REUTERS/Kenan Gurbuz
Ngoại trưởng các nước Liên Hiệp Châu Âu hôm nay 04/09/2015 họp lại tại Luxembourg bàn về cuộc khủng hoảng di dân, sau cú sốc từ tấm ảnh em bé Syria tị nạn trôi dạt vào bờ biển, và lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc chia sẻ gánh nặng 200.000 người nhập cư vào châu lục này.
Trước hội nghị, Pháp và Đức hôm qua đã đưa ra một sáng kiến đánh dấu bước ngoặt trong nhận định về cuộc khủng hoảng nhập cư, về việc « tổ chức đón tiếp những người tị nạn và phân bổ một cách công bằng tại châu Âu », chủ yếu là những gia đình phải trốn chạy cuộc nội chiến ở Syria.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nêu ra vấn đề « quota mang tính ràng buộc », Tổng thống Pháp François Hollande nói về « một cơ chế thường trực và bắt buộc ». Hai nước cũng yêu cầu « đảm bảo việc hồi hương những di dân bất hợp pháp », và hỗ trợ « các nước xuất phát và trung chuyển » người nhập cư. Ngoại trưởng Luxembourg đề nghị chuyển văn phòng châu Âu về người tị nạn hiện đặt tại Malta trở thành một cơ quan quyền lực thực sự về vấn đề này.
Thủ tướng Anh David Cameron hôm nay loan báo Anh quốc sẵn sàng « hành động nhiều hơn nữa », đón tiếp thêm « hàng ngàn người tị nạn Syria ». Ông cho biết sẽ tìm kiếm những người tị nạn tại các trại tạm cư gần biên giới Syria, nói rằng « Đây là con đường trực tiếp và chắc chắn nhất để đến Anh, tránh cho họ những rủi ro của các cuộc hành trình đã làm cho nhiều người thiệt mạng ».
Trong khi các Ngoại trưởng Liên hiệp Châu Âu họp lại ở Luxembourg để bàn về hồ sơ nhập cư, bốn nước Đông Âu vốn không muốn mở cửa biên giới và phản đối quota, cũng họp tại Praha, khiến nguy cơ bất đồng càng thêm sâu sắc.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Donald Tusk tỏ ra lo ngại trước « sự chia rẽ giữa Đông và Tây Âu », khi một số nước thành viên chỉ nghĩ đến việc ngăn chận làn sóng nhập cư, còn những nước khác chú trọng tình tương thân tương ái.
Cha của Aylan Kurdi - bé trai ba tuổi bị chết đuối, mà tấm ảnh em bé nằm úp mặt xuống bãi cát đã gây xúc động toàn thế giới - hôm nay đã trở về thành phố Kobané ở Syria để chôn cất vợ và hai con.
Không chỉ ở châu Âu, mà tại Canada đang vào mùa bầu cử Quốc hội, các lãnh đạo đảng phái hứa hẹn sẽ đón tiếp nhiều người nhập cư hơn nữa, riêng Québec tuyên bố sẵn sàng đón nhận hàng ngàn người. Canada bị lên án là đã từ chối hồ sơ bảo lãnh của một thân nhân gia đình Kurdi để đưa họ sang tị nạn, nhưng rốt cuộc người này cho biết do không đủ điều kiện tài chính nên hồ sơ không hợp lệ. Còn tại Mỹ, Washington đang dưới áp lực tiếp nhận nhiều người tị nạn Syria hơn con số 1.500 người hiện nay.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150904-sau-cu-soc-anh-be-ti-nan-chet-duoi-chau-au-hop-ban-ve-nhap-cu

Thảm nạn thuyền nhân Địa Trung Hải : Châu Âu bất lực

mediaNhững người tị nạn tìm cách vào Hy Lạp đang cố bám vào những mảnh vỡ của chiếc tàu đắm gần bờ biển đảo Rhodes, 20/04/2015.REUTERS/Argiris Mantikos/Eurokinissi
« Nhập cư : Thất bại của người châu Âu, không phải của châu Âu », đó là tựa đề bài xã luận trên báo Le Monde hôm nay. Bài báo phê phán tình trạng mỗi nước có cách đối phó riêng, không có một sách lược chung cho Liên hiệp Châu Âu trước thảm nạn thuyền nhân Địa Trung Hải.
Tờ báo viết, người ta biết được con số trong mười ngày qua : ít nhất 1.200 thuyền nhân từ châu Phi, Trung Đông và Bắc Phi đã bị chết đuối tại Địa Trung Hải. Người ta trông thấy hình ảnh hàng ngàn con người kém may mắn chạy trốn chiến tranh và nghèo đói, chen chúc trên những con tàu tử thần, trôi dạt đến miền đất hứa châu Âu.
Người ta biết những gì đang chờ đợi ở phía trước : cả triệu người từ Libya, Syria, Irak, châu Phi hạ Sahara và vùng Sừng châu Phi tìm cách nhập cư vào châu Âu. Theo tác giả, không nên ảo tưởng : châu Âu không thể giải hòa giúp thế giới Ả Rập, mang lại hòa bình cho Libya hay giúp cho Somalia, Eritrea, hay các nước vùng Sahel trở nên thịnh vượng.
Từ đó rút ra một kết luận hầu như chắc chắn : trong mười năm tới, các quốc gia Liên hiệp Châu Âu (EU) sẽ phải đối đầu với một vấn đề khổng lồ là nhập cư.
Trước thử thách ấy, các quyết định được loan báo hôm 23/4 tại hội nghị thượng đỉnh Bruxelles chắc chắn đã gây thất vọng. Châu Âu tăng gấp ba ngân sách cho chiến dịch cứu hộ và giám sát Triton, từ 2,9 lên 9 triệu euro mỗi tháng. Chiến dịch này được tiến hành năm 2013 rồi bị ngưng vào tháng 10/2014 do không được ủng hộ về tài chính.
Không hề có một sự tỉnh thức trước các thảm họa nhân đạo đang diễn ra, không có gì cho thấy khởi động một chính sách nhập cư thực sự mà châu Âu đang cần. Nhưng có nên kết tội Liên hiệp Châu Âu hay không ? Có nên tiếp tục tố cáo những thiếu sót của châu Âu trước một bi kịch biết trước là sẽ kéo dài hay không ? Bài báo cho rằng dư luận đã sai lầm khi cáo buộc châu Âu. Trong vụ này, các định chế châu Âu hoàn toàn bất lực vì một lý do chính : vấn đề nhập cư không nằm trong lãnh vực chung của cộng đồng này.
Không có nước nào trong số 28 quốc gia thành viên muốn đóng góp một số tiền kha khá hơn để giúp cơ quan Frontex – cánh tay vũ trang của châu Âu chuyên giám sát biên giới. Từ Vácxava (địa điểm lý tưởng cho các vấn đề Địa Trung Hải), Frontex hoạt động chỉ với một phần ngàn ngân sách của Liên hiệp Châu Âu, để đối đầu với vấn đề gai góc nhất trong những năm sắp tới.
Hai mươi tám nước châu Âu không muốn định ra một sách lược tị nạn chung : không hề có chính sách chung về visa. Tương tự, EU cũng không đồng thuận trong vấn đề tương trợ, như việc phân bố người nhập cư trên toàn lãnh thổ EU tùy theo nhu cầu và khả năng tiếp nhận. Cuối cùng, cũng không có chính sách chung đối với các nước là điểm xuất phát của thuyền nhân, hay các nước trung chuyển người tị nạn.
Tất cả đều do chính phủ mỗi nước quyết định, thân ai nấy lo, chứ không phải là nhiệm vụ được EU giao cho. Vì sao ? Đó là vì vấn đề nguyên tắc : các Nhà nước thành viên từ chối giao phó cho Liên hiệp. Thường các chính phủ ngả theo ý kiến của đa số cử tri, từ chối nhượng lại quyền quyết định dù nhỏ nhất trong lãnh vực này. Trong khi cần phải huy động các phương tiện của cộng đồng châu Âu để có được hiệu quả, các Nhà nước lại hành động đơn lẻ.
Le Monde kết luận, không phải là Liên hiệp Châu Âu đã thất bại thảm hại trong vấn đề nhập cư, mà là các quốc gia châu Âu, những người lãnh đạo và cử tri của các nước trong liên hiệp.
Đưa người vượt biên : Lợi nhuận 8 tỉ euro một năm
Cũng liên quan đến vấn đề nhập cư, Courrier International trích dịch một bài đăng trên tờ báo Đức Focus, cho biết mỗi năm hoạt động đưa người vượt biên mang lại đến 8 tỉ euro cho bọn buôn người.
Bài báo mang tên « Món lợi béo bở của dịch vụ đưa người vượt biên » trích số liệu của Amnesty International cho biết nạn đói, chiến tranh và khủng bố đã khiến 57 triệu người trên thế giới phải đi tị nạn trong năm 2014. Chỉ riêng tại Syria, đã có hơn ba triệu người bỏ trốn khỏi đất nước. Đa số hướng đến châu Âu, đặc biệt là Đức với 202.815 người xin tị nạn trong năm ngoái.
Tất cả các tổ chức tội phạm đều nhúng tay vào lãnh vực béo bở này, từ mafia Nga, Ý, Tam Điểm Trung Quốc cho đến yakuza Nhật. Theo một tài liệu mật của tình báo Đức mà tờ Focus có được, thì hệ thống đưa người vượt biên hoạt động y như một công ty du lịch thông thường.
Bọn chúng quảng cáo trên Facebook, hay trong các phóng sự đăng báo hoặc truyền thanh, thu hút các nạn nhân bằng đề nghị « trọn gói ». Muốn đến Hy Lạp từ Irak hay Syria, giá phải trả từ 3.500 đến 8.000 euro, còn từ Istanbul đến Athens chỉ mất 2.500 euro. Nếu trả thêm 600 euro, người vượt biên có thể đuợc mài nhẹ hay gây phỏng bằng hóa chất các đầu ngón tay, thậm chí mua được thẻ căn cước mới.
Mới đây, cảnh sát liên bang Đức đã phá được một mạng lưới đưa người vượt biên ở bang Saxe, trong đó có cả người Đức, Bungari, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan. Băng này chuyên cung cấp giấy tờ giả cho các trung gian người Kurdistan và Việt Nam, lo cả việc chở người sang Đức bằng xe hơi, xe tải, máy bay ; thậm chí lo cả việc làm đám cưới giả với người quốc tịch Bungari hay tìm việc trong các nhà hàng Đức. Giá dịch vụ trọn gói có thể lên đến 30.000 euro.
Còn với đường biển, bọn tội phạm mua lại các tàu vận chuyển gia súc cũ kỹ, với giá 150.000 đến 200.000 euro, chi thêm số tiền tương đương cho thù lao thủy thủ đoàn và các món hối lộ. Với giá trung bình 5.000 euro một người, những kẻ đưa người vượt biên nhồi nhét khoảng 1.000 người trên tàu, bỏ túi 4,8 triệu euro nhẹ nhàng cho mỗi chuyến đi. Một người lính biên phòng nhận xét : « Khi lợi nhuận lên đến bằng ấy tiền, sinh mạng con người không được đếm xỉa ».
Học sinh Hàn Quốc trước áp lực trong nhà trường
Nhìn sang châu Á, nhật báo Libération cho biết ngày càng có nhiều phụ huynh Hàn Quốc bắt đầu quay lưng với trường công, cho con đi học các trường tư đặc biệt hoặc trường quốc tế.
Hiện nay có khoảng 300 trường loại này tại Hàn Quốc. Đó là vì các vị phụ huynh không muốn con cái suốt ngày phải chúi mũi vào học tập do chương trình học rất nặng, chịu đựng không khí độc đoán, cạnh tranh cao độ nơi các trường công.
Các công trình nghiên cứu cho biết học sinh Hàn Quốc là ít hạnh phúc nhất trong số các nước phát triển. Trong thập niên 90, khi tỉ lệ tự tử của thanh thiếu niên lên đến mức báo động, một phong trào ủng hộ trường học mang bộ mặt nhân bản hơn đã ra đời. Học sinh được học thêm các môn nghệ thuật, thể thao, tập cách tự quản.
Bên cạnh đó là các trường quốc tế, nơi học sinh hòa nhập với môi trường kiểu phương Tây, phải nói tiếng Anh ngay cả ngoài giờ học. Học phí cho bậc tiểu học lên đến 19.000 euro một năm, còn trung học là trên 24.000 euro, và nếu nội trú thì phải trả thêm 12.000 euro. Trường Korea International School (KIS) nổi tiếng ở Jeju hiện có 600 học sinh chủ yếu người Hàn Quốc, nhưng nhu cầu của các gia đình Trung Quốc cũng rất cao, với 300 em đang trong danh sách dự bị.
Trong lúc nhiều thanh niên Hàn Quốc đầy bằng cấp đang phải đối đầu với nạn thất nghiệp, đất nước này bắt đầu nghĩ đến những gì phía sau những điểm số cao của học sinh. Bộ trưởng Giáo dục hứa không chỉ xem xét thành tích học tập, mà ưu tiên cho sự thoải mái của các em.
Các trường nghề được coi trọng hơn, và từ năm tới sẽ dành một tam cá nguyệt với các môn nghệ thuật và thể thao cho học sinh trung học. Tuy nhiên hiện chưa có cải cách nào về kỳ thi tú tài, mà theo các nhà giáo, đây phải là bước khởi đầu của cải tổ giáo dục.
Nạn sử dụng súng bừa bãi tại Cam Bốt
Cũng trong lãnh vực xã hội, tại Cam Bốt, việc sử dụng súng lâu nay vẫn phổ biến trong giới nhà giàu, viên chức cao cấp, những người có thế lực. Nhưng nay chính quyền Phnom Penh bắt đầu tìm cách hạn chế tình trạng này – theo tờ Phnom Penh Post.
Ông John Mueller, Tổng giám đốc Global Security Solutions, công ty vệ sĩ tư nhân đầu tiên tại Cam Bốt cho biết: « Dù là cảnh sát, quân nhân hay quan chức, rất dễ dàng mua vũ khí». Các thiếu gia có thể thoải mái sử dụng súng ống, còn lỡ bị bắt thì cha mẹ cũng bảo lãnh ra. Một điều tra viên của một tổ chức nhân quyền nhận xét : « Mỗi lần có một vụ đọ súng, lực lượng an ninh khoanh tay đứng nhìn, đợi lệnh trên ».
Theo ông Mueller : « Có thể tìm thấy đủ loại vũ khí ở khắp nơi. Bất kỳ người Cam Bốt nào có tiền cũng mua súng được. Năm 1992, để mừng sinh nhật tôi, có người đã tặng tôi một khẩu AK 47. Tôi từ chối món quà đó. Nhưng súng nơi nào cũng có, khoảng 200 đô la một khẩu ».
Tuy nhiên gần đây dường như gió đã đổi chiều : sau vụ chạm súng mới nhất trước một hộp đêm sang trọng, con trai của một quan chức cao cấp ngành hải quan đã bị truy tố. Những người lâu nay sẵn sàng bóp cò vì một lý do vụn vặt, giờ đây sẽ phải biết kiềm chế hơn.
Những người bán báo lậu ở Cuba
Nhìn sang châu Mỹ la-tinh, Courrier International trích dịch bài phóng sự trên mạng Cubanet mang tựa đề « Những người bán báo lậu », cho biết để kiếm sống, những người già phải lén lút bán báo trên đường phố La Habana dù có nguy cơ bị phạt vạ.
Đó là những người về hưu hoặc thất nghiệp, cố gắng kiếm thêm vài đồng bằng cái nghề bị coi là bất hợp pháp này. Họ bị các kiểm soát viên, cảnh sát truy lùng, hăm dọa, bị phạt tiền thậm chí tịch thu hàng hóa. Cho dù những tờ báo họ rao bán chẳng có gì là nguy hiểm : ba tờ báo lớn nhất ở Cuba là Granma, Juventud Rebelde và Trabajadores, cộng thêm những tờ báo địa phương.
Mỗi ngày từ sáng sớm, những người bán báo lậu đến sạp báo hay bưu điện để lấy những tờ báo đầy những giấc mơ ảo ảnh, hay các thông tin tôn vinh chủ nghĩa cộng sản, đem rao bán trên đường phố. Một người về hưu cho biết, với vài đồng peso kiếm được, ông có thể mua thuốc hút, uống một ly cà phê, và đôi khi một bánh pizza, những thứ mà người con nghèo khổ của mình không thể lo nổi. Một cựu nhân viên bãi giữ xe thổ lộ, tuy cực khổ hơn nhưng đi bán báo có thu nhập gấp năm lần. Tuy là một công việc lương thiện, nhưng họ lại bị coi như những kẻ phạm pháp.
Được hỏi bao giờ mới hợp pháp hóa những người bán báo dạo, một nhân viên Bộ Thông tin Cuba nói rằng : « Việc công nhận nghề nhân viên viễn thông (tháng 8/2013) là một sự kiện tích cực trước đây, còn các nghề tự do khác vẫn đang trong vòng nghiên cứu ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150425-tham-nan-thuyen-nhan-dia-trung-hai-chau-au-bat-luc

Bác sĩ Bernard Kouchner- Tổ chức Bác sĩ Không Biên Giới- Ile de Lumière, chiếc tàu cứu hàng chục ngàn thuyền nhân Việt Nam

Nhân dịp các hội đoàn Việt Nam ở Đức xây tượng để tri ân ông Rupert Neudeck, người cứu trên 10,000 thuyền nhân với chiếc tầu Cap Anamur, cũng nên nhớ tới một chiếc tàu khác, Ile de Lumière. Một chiếc tàu Pháp đã cứu hàng chục ngàn thuyền nhân khác.
Cái bắt tay lịch sử
Ile de Lumière (Đảo Ánh Sáng) cũng tạo ra cái bắt tay lịch sử của hai trí thức, triết gia hàng đầu của Pháp: một của phe tả, Jean Paul Sartre, một của phe hữu, Raymond Aron. Và làm lung lay, nếu không tan vỡ, giấc mộng thiên đường XHCN, thế giới đại đồng của cả một lớp trí thức không tưởng.
Ile de Lumière ra đời do sáng kiến của Bernard Kouchner, được gọi là French Doctor, vì đã sáng lập Médecins Sans Frontières, tổ chức Bác sĩ Không Biên Giới, đưa các y sĩ Pháp đi giúp đỡ nạn nhân chiến tranh hay thiên tai trên khắp thế giới.
Trí thức Pháp thời đó có một ranh giới không ai muốn, hay có can đảm, vượt qua: tả và hữu
Sartre và Aron chống nhau kịch liệt. Sartre thiên Cộng, đã từng nói “những người chống Cộng là những con chó” (Tout anticommuniste est un chien). Và không lỡ một cơ hội đả kích, miệt thị Aron.
Aron là triết gia, bình luận gia chính trị hiếm hoi đã viết sách, báo không ngừng nghỉ, để vạch trần bộ mặt thực của Cộng Sản, thực chất của chiến tranh Việt Nam, và hiểm họa độc tài toàn trị đe dọa thế giới.
Đó là một thái độ can đảm hiếm có ở một nước, một thời điểm, thiên tả đồng nghĩa với trí thức. Những người chống Cộng không dám bày tỏ ý kiến của mình, sợ bị coi là phản động (réactionnaire), chưa nói tới chống Cộng kiên trì, với những lập luận sắc bén như Raymond Aron hay Jean François Revel. Câu nói quen thuộc của trí thức thời đó: “Thà lầm lẫn với Sartre còn hơn có lý với Aron” (Il vaut mieux avoir tort avec Sartre que raison avec Aron). Đó là cái phi lý của tinh thần mù quáng vì ý thức hệ. Sartre được ngưỡng mộ, Aron bị đả kích, chế nhạo, mặc dù với thời gian, người ta thấy, về chính trị, Sartre lầm từ đầu tới cuối, trong khi Aron có lý trên mọi phương diện. Sartre đã mua chuộc những lầm lẫn của mình bằng một thái độ đáng phục: khi tuổi đã cao, gác bỏ tự ái, đã cùng với Aron gõ cửa chính quyền, kêu gọi cứu giúp khẩn cấp các thuyền nhân Việt Nam.
Từ Hải Hồng tới Ile de Lumière
Một ngày gần cuối năm 1979, chuyện khó tin nhưng có thực đã xẩy ra: hai ông lãnh tụ trí thức không đội trời chung, Satre và Aron, ngồi lại với nhau, lên tiếng ủng hô dự án Île de Lumière, kêu gọi dân Pháp mở rộng bàn tay tiếp đón thuyền nhân, nạn nhân của cái mà trước đó những trí thức như Sartre nghĩ là một cuộc giải phóng. Khi quân Khmer Đỏ tiến vào Pnom Penh, tờ báo trí thức thiên tả Le Monde viết: dân chúng chen lấn hai bên đường đón rước.
Thảm trạng của boat people trên chiếc thuyền Hải Hồng trên màn ảnh truyền hình đã làm họ tỉnh ngủ.
Hình ảnh lạ hơn nữa là Sartre cùng với Aron vào điện Elysée, yêu cầu Tổng Thống Giscard d’Estaing đón nhận những thuyền nhân trên lãnh thổ Pháp.
Sartre và Aron tại Dinh Tổng Thống Pháp. Sartre bên trái, triết gia Gluckmann ở giữa, Aron, bên phải
Sartre là một trí thức anarchiste, không nhìn nhận nhà cầm quyền, hay những cơ cấu của xã hội trưởng giả, đã từng từ chối giải Nobel Văn Chương.
Nước Pháp còn là nơi tiếng nói của những trí thức lớn có ảnh hưởng đáng kể. Việc Sartre cùng với Aron vào Dinh Tổng Thống kêu gọi giúp boat people gây mộ tiếng vang lớn trong dư luận.
Tổng Thống Giscard d’Estaing chấp thuận, dân chúng vui lòng đón tiếp và tận tình giúp đỡ trên 128,000 thuyền nhân, chỉ trong những năm đầu, trong đó nhiều người đã được tàu Ile de Lumière cứu vớt ngoài khơi.
Nên nhớ lúc đó kinh tế Pháp đang kiệt quệ. Chính phủ Pháp đã quyết định ngưng nhận di dân. Việc đón tiếp, giúp đỡ, cấp giấy cư trú và giấy phép hành nghề dễ dàng cho hàng trăm ngàn boat people đi ngược lại chích sách nhà nước đã được dân Pháp ủng hộ. Hầu như không có một phản ứng tiêu cực nào, tại một xứ chia làm hai; cái gì phe tả cho là tốt, phe hữu cho là xấu. Hay ngược lại.
Là sáng kiến của Bernard Kouchner, dự án Một con tàu cho Việt Nam được sự ủng hộ tích cực của các trí thức tả phái nổi danh như triết gia Michel Foucault, ca sĩ Yves Montand, tài tử Simone Signoret, trước đó chống Mỹ, chống chiến tranh Việt Nam.
Hình Sarte ngồi họp báo với Aron sau khi gặp tổng thống Pháp chạy trên trang nhất tất cả các tờ báo lớn nhỏ. Ngồi giữa là André Gluckmann, triết gia thiên tả, maoiste (người tôn thờ Mao), sau vụ này trở thành chống Cộng. Ngày nay, tất cả đều đã qua đời, Sartre, Foucault, Aron, Gluckmann, Signoret, Montand. Bernard Kouchner về hưu. Sau khi tàu Ile de Lumière ngưng hoạt động, Kouchner rời Médecins Sans Frontières, sáng lập và điều hành tổ chức Médecins Du Monde (Y Sĩ Thế Giới), trước khi trở thành tổng trưởng Ngoại Giao dưới thời Sarkozy.
Nhà thương nổi
Ile de Lumière là một chiếc tàu cũ, 1500 tonnes, 90m chiều dài, được sửa cấp tốc, chạy tới đảo Poulo Bidong, ngoài khơi Mã Lai, khởi đầu dùng làm nhà thương nổi, với 100 giường, chữa trị cho 20,000 thuyền nhân trên đảo.
Thuyền trưởng François Herbelin, 29 tuổi, nói đó là những kỷ niệm sâu đậm nhất trên đời ông. “Tôi rất cảm phục những người Việt rất bình tĩnh, có tổ chức, có tư cách (digne), quyết tâm ra khỏi đại nạn. Khi mới tới, họ kiệt lực, nhưng hồi phục rất nhanh, nghĩ tới tương lai.”
Chín tháng sau, Ile de Lumière bắt đầu sứ mạng mới: ra khơi cứu vớt những thuyền nhân phấn đấu trên biển cả, giữa cái sống và cái chết, giữa mưa bão và hải tặc.
Hàng triệu người đã liều mạng vượt biển tìm tự do, với những phương tiện thô sơ gây kinh ngạc cho người Tây phương. Hàng trăm ngàn người bỏ mạng trên biển cả.
Ile de Lumière đã cứu hàng chục ngàn người, chở về Poulo Bidong chờ ngày được nhận đi định cư ở Hoa Kỳ, Canada hay Âu Châu.
Sau 14 tháng ngược xuôi, Ile de Lumière được thay thế bởi một chiếc tầu mới, Ile de Lumière II. Herbelin thành hôn với một phụ nữ thuyền nhân Việt Nam, trở thành thuyền trưởng một tàu thương mại. Làn sóng vượt biển bớt đi từ 1986, khi Việt Nam bắt đầu cởi trói, ít nhất về kinh tế.
Devoir d’ingérence
Ile de Lumière đánh dấu một phong trào tương trợ đáng cảm phục ở Pháp, và sau đó ở các nước Tây Phương. Bernard Kouchner nhân đó đưa ra chủ thuyết “Devoir d’ingérence” (Bổn phận phải can thiệp), theo đó các nước dân chủ Tây phương có bổn phận phải can thiệp, để cứu các nạn nhân, tại những nơi nhân quyền bị chà đạp. Sau đó, các nước Tây phương đã nhân danh nguyên tắc này để đổ bộ can thiệp ở Kosovo.
Ile de Lumière cũng đánh dấu sự thức tỉnh của trí thức thiên tả Pháp. Trước đó, từ 1975 tới 1979, Khmer Đỏ thảnh thơi tàn sát ở Cambodge, không ai phản ứng gì. Người ta bịt tai, bịt mắt, bịt miệng để khỏi nghe, khỏi thấy, khỏi nói tới những sự thực phũ phàng.

Người ta không quên câu nói nổi tiếng của Sartre, khi giải thích tại sao ông ta không đề cập đến Goulag và những chà đạp nhân quyền ở Nga Xô Viết: Il ne faut pas désespérer Billancourt. Không nên làm Billancourt tuyệt vọng. Boulogne Billancourt là một ngoại ô của Paris, nơi có trụ sở của hãng Renault, tượng trưng cho thợ thuyền Pháp. Không đả động gì tới những tệ hại ở Nga để khỏi làm tuyệt vọng giới thợ thuyền, đang mơ thiên đường XHCN như ông già trong thơ Tố Hữu, ngồi đan rổ mơ nước Nga.
Raymond Aron, tác giả cuốn L’Opium Des Intélectuels (Thuốc phiên của trí thức) viết: những trí thức thiên tả là những nhà cách mạng phòng khách, căm ghét xã hội đang sống, một xã hội cho họ một đời sống sung túc và đủ mọi quyền tự do, trong đó có quyền tự do ngôn luận.
Sau làn sóng boat people, sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, phong trào thiên tả đi xuống, đảng Cộng Sản Pháp trước đó là một trong hai chính đảng lớn nhất, làm mưa làm gió ở Pháp, ngày nay trở thành một đảng bỏ túi, với trên 1% phiếu bầu.
Từ Thức- Bernard KouchnerNgười Việt
Cám ơn.
https://www.facebook.com/trangthuyennhanvietnam
#thuyennhanvietnam, #traitinan,#vuotbien, #nguoitinan, #thuyennhan, #nguoivuotbien, #traicam, #vuotbienthailand, #vuotbienhongkong, #vietnamtinan, #vietkieu, #hoihuong, #cuongbuchoihuong, #nguoiditan,
#chientranhvietnam, #miennamvietnam, #vuotbienmalayia, #vuotbienphilippin, #nguoiviettinan, #vietnam, #boatpeople, #vietnameseboatpeople, #traicamhongkong, #thuyenvuotbien,

Afbeeldingsresultaat voor bác sĩ Bernard Kouchner Afbeeldingsresultaat voor bác sĩ Bernard Kouchner Gerelateerde afbeelding  Gerelateerde afbeelding
Gerelateerde afbeelding
Gerelateerde afbeeldingGerelateerde afbeelding
Afbeeldingsresultaat voor bác sĩ Bernard Kouchner
Gerelateerde afbeelding
Gerelateerde afbeelding
Gerelateerde afbeelding
Afbeeldingsresultaat voor bác sĩ Bernard Kouchner
Afbeeldingsresultaat voor bác sĩ Bernard Kouchner
Gerelateerde afbeelding
Gerelateerde afbeelding

Gerelateerde afbeelding

Geen opmerkingen:

Een reactie posten