dinsdag 10 april 2018

Paris phong cách Haussmann : Dấu ấn thời hoàng đế Napoléon III (1853-1870) + Paris hậu Đệ Nhị Thế Chiến : Cách mạng nhà ở và tiện nghi sinh hoạt


Paris phong cách Haussmann : Dấu ấn thời hoàng đế Napoléon III

Paris phong cách Haussmann : Dấu ấn thời hoàng đế Napoléon III
Paris phong cách HaussmanẢnh chụp màn hình.

    Paris mang dáng dấp hiện đại như ngày nay, với những đại lộ trải dài, rộng thênh thang, những công trình kiến trúc hoành tráng, không gian xanh rải rác khắp nơi … là thành quả 17 năm quy hoạch của nam tước Haussmann, từ năm 1853 đến năm 1870, dưới triều hoàng đế Napoléon III, thời Đệ Nhị Đế Chế Pháp. Haussmann đã tạo cho Paris một dấn ấn riêng hiếm có. « Paris Haussmannien », tạm dịch là « Paris theo phong cách Haussmann » đã góp phần không nhỏ đưa Paris lên tầm thành phố tráng lệ nhất thế giới.

    Nhìn lại lịch sử, cho tới thế kỷ XIX, kinh thành Paris vẫn giữ cấu trúc cũ từ thời Trung Cổ, với các con phố nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, các tòa nhà chen chúc, chật chội, nhiều khu phố ngột ngạt, xấu xí. Cơ sở hạ tầng dần xuống cấp nghiêm trọng, toàn thành phố chỉ có 100km cống thoát nước, đường phố bẩn thỉu, dân cư nhiều nơi sống trong cảnh bần cùng. Thêm vào đó, nhiều người từ nông thôn đổ về Paris kiếm kế sinh nhai, khiến dân số Paris tăng nhanh, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu của dân cư. Điều kiện vệ sinh tồi tệ đã góp phần không nhỏ khiến đại dịch hạch thế kỷ XIX (1832-1834) tàn phá Paris.
    Vào năm 1848, nước Pháp bước sang Đệ Nhị Đế Chế, Louis-Napoléon Bonaparte lên ngôi hoàng đế. Đã từng trải qua một thời gian tại Luân Đôn, bị mê hoặc bởi các khu vườn và sự thoáng đãng trong các khu phố của thành phố này, hoàng đế Napoléon III thấy Paris thực sự cũ kỹ, tối tăm và không đảm bảo vệ sinh, nhất là sau dịch hạch 1849.
    Napoélon III đã nghĩ tới một dự án quy hoạch lại Paris cho sạch đẹp, sáng sủa, nhằm cải thiện điều kiện sinh sống cho người dân thành phố, mở nhiều trục lộ giao thông mới, thúc đẩy giao thương phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm và giúp người dân đi lại được thuận tiện. Ngoài ra, xây dựng một Paris hiện đại, đẹp bậc nhất châu Âu cũng nhằm góp phần khẳng định, minh chứng uy lực của hoàng đế.
    Thực ra, hoàng đế Napoélon III không phải người đầu tiên tính đến việc cải tạo bộ mặt của Paris. Hoàng đế Napoléon I đã từng có một dự án lớn quy hoạch lại Paris, nhưng chưa có thời gian và chưa hội tụ đủ điều kiện thực hiện mong muốn đó. Trong giai đoạn 1815-1830, khi chế độ quân chủ được tái lập và dưới nền Quân Chủ tháng Bảy - giai đoạn 1830 -1848, chính quyền cũng đã đầu tư cải tạo Paris : lắp đặt nhiều đài nước ở nơi công cộng, cải thiện hệ thống chiếu sáng đường phố, …
    Nhưng phải đến thời Napoélon III, công cuộc tái quy hoạch thực sự Paris mới được tiến hành. Vào năm 1853, hoàng đế bổ nhiệm nam tước, luật sư George-Eugène Haussmann, 44 tuổi, người vùng Alsace, làm tỉnh trưởng tỉnh Seine (nay là Paris) và giao cho Haussmann nhiệm vụ mở rộng, cải tạo kinh thành Paris, đưa Paris trở thành một trong những đô thành đẹp nhất châu Âu.
    Trong bối cảnh hòa bình, kinh tế phát triển khả quan, hoàng đế Pháp nắm nhiều thực quyền, thêm vào đó, với lòng trung thành tuyệt đối, nam tước Haussman đã được sự ủng hộ vô điều kiện của hoàng đế Napoléon III, khiến công cuộc tái quy hoạch Paris tiến triển thuận lợi.
    Các dự án cải tạo của Haussmann phải được Nhà nước thông qua và điều hành, nhưng công việc thực hiện được giao cho các công ty tư nhân, với nguồn vốn vay khổng lồ. Vào năm 1860, khoảng 8.000 doanh nghiệp tham gia dự án Haussmann sử dụng tới 31.000 thợ nề, 6.000 thợ đúc sắt, 3.500 thợ lợp mái nhà, 8.000 thợ mộc, 600 thợ sơn … Tổng cộng, 55.000 lao động tham gia công trường khổng lồ ở Paris.
    Paris thay đổi bộ mặt
    Xét về tổng thể, 60% bộ mặt Paris đã thay đổi hoàn toàn sau 17 năm quy hoạch dưới thời Napoléon III. Tính tới năm 1868, 18.000 ngôi nhà (hơn 50% số nhà ở của người dân) đã bị phá hủy để xây dựng đường sá mới và các khu nhà mới. Haussman mở rộng Paris bằng cách cho sáp nhập một số làng mạc ở ngoại ô, chẳng hạn Passy, Auteuil, Monceau, Monmartre, Charonnne, Bercy ... Từ 12 quận, Paris được mở rộng thành 20 quận. Ngoài tòa thị chính thành phố, mỗi quận đều có tòa chính riêng của mình. Diện tích Paris tăng từ 3.000 ha lên thành 6.000 ha, dân số tăng từ 800.000 người lên thành 2 triệu người.
    Một trong những thay đổi lớn đầu tiên là về giao thông. Haussman đã cho phá nhiều công trình cũ để mở những tuyến đường mới, những đại lộ dài rộng, thẳng tắp, thông thoáng theo hai trục bắc - nam, đông - tây (boulevard Sébastopol, de Strasbourg, Magenta, Voltaire, Diderot, Saint Germain, Malesherbes, Saint Michel, avenue Kléber, Foch, Victor Hugo, Carnot, Niel, Iéna …) và những con phố khang trang (rue de Rivoli, Soufllot, Réamur, rue du Quatre-Septembre, de Rennes, des Ecoles …). Tổng cộng, 175 km đường lộ mới được hình thành.
    Thêm vào đó, Haussmann cho xây dựng các ga xe lửa lớn : Gare de Lyon (1855), Gare du Nord (1865) và Gare Saint Lazare (1885). Kiến trúc sư Pierre Rinon giải thích : « Napoléon III có một câu nói rất hay về các ga xe lửa. Ông nói rằng nhà ga là cánh cửa mới của thành phố. Hoàng đế nói rằng giao thông đường bộ cơ bản sẽ biến mất. Con người sẽ đi lại và vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường sắt và đến Paris tại các ga xe lửa ». Cho đến nay, các ga này vẫn là các ga lớn với lưu lượng tàu xe rất cao. Gare du Nord và Gare Saint Lazare hiện là hai ga có số hành khách đi lại hàng ngày nhiều nhất châu Âu.
    Các không gian xanh bao quanh thành phố được phân bố đều: rừng Boulogne nằm ở phía tây và rừng Vincennes ở phía đông, ngoài ra còn có hai công viên lớn là Buttes-Chaumont ở phía bắc và Montsouris ở phía nam. Trong trung tâm thành phố có công viên Monceau … Ngoài ra, còn có rất nhiều vườn hoa công cộng, công viên nhỏ trong các khu dân cư.
    Để khắc phục tình trạng vệ sinh yếu kém của thành phố, Haussmann cho cải tạo và xây dựng mới hệ thống cấp và thoát nước. Nước sạch được dẫn đến từng tòa nhà. Từ năm 1865 đến năm 1900, Paris có thêm 600 km đường ống dẫn nước sạch, nhiều đường ống quy mô lớn gọi là aqueduc, dẫn nước từ những nguồn nước từ các nơi xa về thành phố. Haussmann còn cho xây bể chứa nước lớn nhất thế giới vào thời đó ở nội thành, gần công viên Montsouris, phía nam Paris, để trữ nước sạch dẫn từ vùng ngoại ô Vannes về.
    Song song với hệ thống cấp nước sạch, 500 km cống thoát nước cũng được lắp đặt. Dưới mỗi con phố, đều có hệ thống cống ngầm. Các ống cống ngầm đều có kích cỡ đủ lớn để công nhân dễ dàng di chuyển và bảo dưỡng, nạo vét lòng cống. Nước đã qua sử dụng từ các tòa nhà phải được dẫn vào hệ thống cống ngầm chứ không được đổ ra cống lộ thiên trên phố như trước đó. Cả hai hệ thống cấp và thoát nước trên sau Đệ Nhị Đế Chế đều được tiếp tục mở rộng và hiện vẫn duy trì hoạt động.
    Kỹ sư về cấp thoát nước, ông Olivier Jacques, giải thích : « Trong những năm đầu thế kỷ XIX, các vấn đề vệ sinh ngày càng nghiêm trọng. Dân số lại tăng đáng kể, nên thường xảy ra dịch bệnh. Hàng trăm ngàn người đã chết vì bệnh dịch trong nửa đầu thế kỷ XIX. Với quy hoạch của Haussmann, Paris mới thực sự có một hệ thống thoát nước hoàn chỉnh. Một mục tiêu khác là cung cấp nước sạch tới mọi tòa nhà ở Paris. »
    Phong cách kiến trúc Haussmann
    Dấu ấn Haussmann còn hiện hữu rõ nhất cho đến bây giờ qua kiến trúc nổi bật của các tòa nhà được gọi là « immeubles haussmanniens ». Hàng chục ngàn tòa nhà kiến trúc Haussmann đã được xây dựng, kể cả sau khi Đệ Nhị Đế Chế sụp đổ. Hiện nay, 60% số tòa nhà trong Paris có kiến trúc Haussmann. Đặc trưng kiến trúc Haussmann thể hiện rõ nhất ở mặt tiền tòa nhà. Các tòa nhà trong cùng một tuyến phố phải có chiều cao bằng nhau, gồm tối đa 6 tầng, cùng phong cách trang trí mặt tiền, tạo sự thống nhất về tổng thể kiến trúc. Độ cao của các tòa nhà tỉ lệ thuận với bề rộng của con phố.
    Quy định thiết kế mặt tiền phải được tuân thủ chặt chẽ, chỉ nhà ở tầng hai và tầng năm (tầng ba và tầng sáu nếu tính theo kiểu Việt Nam) là có balcon. Mái nhà thường dốc 45o. Tường phía mặt tiền tòa nhà thường được xây bằng đá đẽo chất lượng cao, lấy từ các mỏ đá Saint-Maximin, vùng Oise và mỏ Petit-Montrouge ngay tại Paris. Tường đầu hồi và tường phía mặt hậu cũng được cũng được xây bằng đá đẽo nhưng chất lượng kém hơn.
    Kiến trúc sư Pierre Rinon giải thích : « Mặt tiền tòa nhà bắt buộc phải được xây bằng đá khối. Đó là một điều khoản bắt buộc được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng đất. Đó là điều Haussmann làm. Vào thời kỳ đó, chưa có giấy phép xây dựng. Khi một người mua một mảnh đất để xây khu nhà, người ta ghi rõ loại đá khối và cả khu khai thác đá. Người ta cũng nói rõ các tòa nhà phải ngay hàng thẳng lối, tạo thành sự hài hòa, thống nhất. Một số người không thích phong cách này thì coi sự đồng nhất đó là nhàm chán, tẻ nhạt. Ý định của Haussmann là tòa nhà đầu tiên được xây dựng trong khu phố trở thành hình mẫu cho các tòa nhà kế tiếp. Thiết kế các tòa nhà được lặp lại và tạo sự đồng nhất ».
    Tầng trệt thường dành cho việc buôn bán, trừ tại các tòa nhà được gọi là « de haute bourgeoisie », có nghĩa là dành cho giới quý tộc giàu sang, chẳng hạn ở khu phố Monceau. Thời đó, do chưa có thang máy, tầng hai (tầng ba theo cách tính của người Việt Nam) là tầng « có giá nhất », dành cho các gia đình giàu có, vì không cao quá nên việc trèo thang bộ không quá bất tiện, nhưng tầng hai lại đủ cao để ngắm được quang cảnh xung quanh. Các căn hộ ở tầng này cũng có độ cao lớn nhất so với các tầng còn lại, ô cửa sổ cũng được trang trí cầu kỳ hơn. Tầng áp sát mái thường dành cho người nghèo. Như vậy là giữa các tầng nhà đã có sự phân hóa xã hội lớn.
    Suốt một thời gian dài, các tòa nhà Haussman được coi là hình mẫu nhà ở lý tưởng, tiện ích, với không gian thông thoáng, sáng sủa nhờ các ô cửa sổ lớn. Cho đến nay, sau 150 năm xây dựng, các căn hộ này vẫn được ưa chuộng và có giá cao.
    Chi phí khổng lồ
    Công cuộc quy hoạch tiến triển thuận lợi cho đến năm 1867, khi ngày càng có nhiều lời than phiền về chi phí quá tốn kém cho dự án. Quốc Hội Pháp quyết định tái thiết việc giám sát công việc của tỉnh trưởng Haussmann, điều nam tước không hề mong muốn. Quả thực, tổng số tiền chi cho sự án của Haussmann lên tới 2,5 tỉ franc, tăng 2,27 lần so với số tiền 1,1 tỉ franc dự kiến ban đầu.
    Việc bội chi đặc biệt nghiêm trọng đã khiến tiền thuế người dân Paris phải đóng cũng tăng chóng mặt. Chẳng hạn, vào năm 1852, trước khi có quy hoạch, chính quyền Paris thu 52 triệu franc tiền thuế. Con số này là 232 triệu franc vào năm 1869 (tăng gần 4,5 lần), nhưng một phần cũng do dân số Paris đã tăng hơn 2,5 lần.
    Quy hoạch cũng khiến nạn đầu cơ ngày càng nghiêm trọng, giá bất động sản ở Paris tăng chóng mặt khiến sự phân tách về không gian sống giữa các tầng lớp xã hội ngày càng lớn. Tới năm 1870, chỉ vài tháng trước khi Đệ Nhị Đế Chế sụp đổ, Haussmann vẫn hy vọng được bổ nhiệm làm bộ trưởng để có thể mở rộng quy hoạch tầm quốc gia, nhưng cuối cùng ông bị cách chức vào ngày 05/01/1870 và để lại một món nợ lớn cho ngân sách Nhà nước.
    Vào những tháng ngày cuối của Đệ Nhị Đế Chế, nam tước Haussmann là nhân vật bị công chúng chế giễu, đả kích nhiều nhất. Thậm chí, Jules Ferry còn viết một bài văn đả kích nối tiếng có tiêu đề « Sự chi tiêu quái dị của Haussmann ».
    Giờ đây, sau gần 150 năm, khi nhìn lại lịch sử, bất chấp những mặt trái trong quá trình mở rộng, cải tạo Paris, không ai có thể phủ nhận giá trị lớn lao của công cuộc cải tạo kinh đô Paris của « bộ đôi » Napoléon III - Haussmann. Nếu không có 17 năm quy hoạch đó, liệu Paris có được sự hiện đại, tráng lệ như bây giờ ? Chẳng ai dám chắc là nếu không có « bộ đôi » lừng danh đó, Paris có trở thành một trong những thành phố lộng lẫy nhất thế giới, một điểm đến mơ ước của du khách quốc tế.

    Cùng chủ đề
    • TẠP CHÍ VĂN HÓA

      Nhà hát opéra Garnier và "phong cách của hoàng đế Napoléon III"
    • TẠP CHÍ VĂN HÓA

      Khải Hoàn Môn Paris và ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt
    • TẠP CHÍ VĂN HÓA

      Champs-Elysées : Từ « bãi sình lầy » tới « đại lộ đẹp nhất thế giới »
    • TẠP CHÍ VĂN HÓA

      Triển lãm hoàn cầu Paris 1900: Sự kiện đánh dấu thế kỷ XX
    • TẠP CHÍ VĂN HÓA

      Chuyện “Métro” Paris

    Các lưu trữ
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >
    7.               
       http://vi.rfi.fr/phap/20180223-paris-phong-cach-haussmann-dau-an-thoi-hoang-de-napoleon-iii


    Paris hậu Đệ Nhị Thế Chiến : Cách mạng nhà ở và tiện nghi sinh hoạt

    Paris hậu Đệ Nhị Thế Chiến : Cách mạng nhà ở và tiện nghi sinh hoạt
    Cha Pierre, người đã khởi động chiến dịch đoàn kết toàn quốc xây dựng nhà ở tình nghĩa cho người nghèo. Ảnh chụp năm 1954.UPI / AFP

      Trong giai đoạn hậu Đệ Nhị Thế Chiến, tỉ lệ sinh nở gia tăng mạnh trong nhiều năm, việc phá hủy các khu nhà cũ nát, lượng người nhập cư và ngoại tỉnh đổ về Paris góp phần vào công cuộc tái thiết thành phố cũng dẫn đến một vấn đề nan giải là quỹ nhà ở vốn đã hạn hẹp, xuống cấp lại càng trở nên khan hiếm trầm trọng. Thậm chí hàng ngàn người ở Paris phải sống trong cảnh « màn trời, chiếu đất ».

      Năm 1949, linh mục Pierre thành lập Phong trào Emmaüs để giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là người vô gia cư. Năm 1954, Paris trải qua một mùa đông lạnh giá khác thường, khắc nghiệt nhất kể từ Đệ Nhị Thế Chiến, nhiệt độ ở Paris xuống dưới -15oC, nhiều con sông, ao hồ đóng băng, nhiều người vô gia cư chết cóng ngoài trời.
      Vào đêm 30/01, rạng sáng 01/02, một phụ nữ đã chết vì lạnh trên đại lộ Sébastopol, Paris ít giờ sau khi bị đuổi khỏi nơi ở trọ. Sáng hôm đó, một nhà báo đã gợi ý linh mục Pierre đưa lời kêu gọi về tình đoàn kết, tương trợ. Lời kêu gọi của cha Pierre được phát trên sóng phát thanh Radio-Luxembourg, mở đầu bằng câu ngắn gọn « Các bạn của tôi, xin hãy cứu giúp … ». Theo cha Pierre, có hơn 2.000 người vô gia cư đang co ro ngoài đường vì giá rét và đói khát.
      « Lời kêu gọi của cha Pierre »
      Xin hãy nghe tôi : Trong ba giờ, hai khu cứu trợ khẩn cấp đã được dựng lên : một khu ở chân điện Panthéon, phố Sainte Geneviève, khu còn lại ở Courbevoie. Nhưng cả hai đều đã quá tải. Cần phải dựng những khu cứu trợ như vậy ở khắp nơi. Ngay vào tối hôm nay, tại mọi thành phố của nước Pháp, trong mọi khu phố của Paris, cần phải treo các tấm biển dưới ánh đèn sáng, ở cửa vào những nơi có chăn đắp, có trải rơm, có súp, nơi người ta đọc được cái tên : « Trung tâm cứu trợ tình nghĩa », và những chữ đơn giản như sau : « Hỡi những người đang chịu đựng khó khăn, cho dù bạn là ai, hãy vào đây, nằm ngủ, ăn uống và lấy lại hy vọng. Ở đây, bạn được yêu thương ! »
      Theo dự báo thời tiết, lạnh giá khắc nghiệt còn kéo dài cả tháng. Vì mùa đông còn kéo dài, các khu cứu trợ còn phải được duy trì để cứu giúp những người trong cảnh khốn cùng, cha Pierre kêu gọi người dân Pháp phát huy lòng trắc ẩn, tình yêu thương, với hy vọng nỗi đau thương mang lại « tâm hồn chung cho nước Pháp » :
      « Mỗi người chúng ta đều có thể cứu giúp những người vô gia cư. Vào tối nay, và muộn nhất là tới ngày mai, chúng tôi cần 5.000 cái chăn, 300 lều bạt cỡ lớn, 200 lò sưởi. Hãy khẩn trương mang tới khách sạn Rochester, số 92, phố Boétie. Hãy cử người tình nguyện và xe tải tới thu nhận đồ, tối nay vào lúc 23 giờ, trước khu lều ở đại lộ Sainte Geneviève. Nhờ có các bạn, không một người nào, không một em nhỏ nào đêm nay còn phải ngủ vạ vật trên hè phố Paris. Cám ơn các bạn ! »
      "Lời kêu gọi của cha Pierre" đã nhận được sự ủng hộ tích cực ngoài sức tưởng tượng của dân chúng, các dân biểu và giới truyền thông. Nhiều người tình nguyện tham gia công tác cứu trợ, số tiền quyên góp thu được cao khổng lồ với vô vàn vật dụng sinh hoạt cần thiết. Lời kêu gọi của cha Pierre không chỉ đánh thức lòng nhân ái của cộng đồng, mà còn thúc đẩy giới chính trị, lãnh đạo tìm kiếm giải pháp khắc phục nạn thiếu nhà ở nghiêm trọng tại thủ đô Paris thời hậu Đệ Nhị Thế Chiến.
      Ba tuần sau, Quốc Hội Pháp đã thông qua ngân sách 10 tỷ franc để xây dựng 12.000 căn hộ cho người nghèo thuê với giá thấp. Hai năm sau đó, vào năm 1956, Quốc Hội Pháp lại thông qua luật cấm đuổi người thuê ra khỏi nhà trong mùa đông. Luật này đến nay vẫn còn hiệu lực. Sau này, trong suốt nhiều năm, cha Pierre luôn được bình chọn là nhân vật được dân Pháp yêu quý nhất.
      Trở lại với tình trạng nhà ở tại Paris, bên cạnh tình trạng vô gia cư, nhiều hộ gia đình khác sống trong điều kiện tồi tệ. Theo thống kê, 160.000 người phải sống chung với cả gia đình trong một phòng trọ không có thiết bị vệ sinh. Hơn 240.000 gia đình trong cả tỉnh Seine (nay là Paris) có nhu cầu chuyển tới ở trong một căn hộ đảm bảo điều kiện sống hơn.
      Ở phía đông và các khu ngoại ô cũ, người dân có cuộc sống khiêm tốn hơn, giải quyết nhu cầu nhà ở cho cư dân là một thách thức lớn cho chính quyền. Việc phá hủy các công sự ở ngoại vi Paris vào những năm 1920 khiến khu vực quân sự « không được phép xây nhà ở » trở thành khu vực sống tạm bợ qua ngày của những người có hoàn cảnh khó khăn.
      Hàng ngàn gia đình, trong có chủ yếu là người nhập cư phải « chui rúc » trong những « khu ổ chuột » ở ngoại ô, những chiếc xe tải đã han gỉ hay trong các lều tạm. Họ trồng rau trong khoảng đất trống bao quanh để có cái ăn qua ngày. Những nghĩa địa xe bus thành nơi chen chúc của những gia đình nghèo khó, trong đó có rất nhiều trẻ em.
      Đường lối « phi công nghiệp hóa Paris » dẫn đến việc đóng cửa hầu hết các nhà máy, xí nghiệp nằm trong nội đô, thay vào đó là các xưởng nghề thủ công và các cửa hàng buôn bán nhỏ. Các khu nhà xưởng bỏ trống, chưa được tái quy hoạch tại các quận 19-20 ven ngoại ô cũng trở thành nơi ở của các cư dân nghèo.
      Từ năm 1952, kế hoạch đô thị hóa phát triển theo hai cách khác nhau : hoặc cải tạo các tòa nhà cũ, hoặc xây dựng mới hoàn toàn các khu nhà, làm biến đổi 100% bộ mặt nhiều khu phố. Tại khu phố lịch sử Marais, nhiều khách sạn cổ trở thành kho hàng hay xưởng nghề thủ công, phần nhiều tòa nhà cũ không được sửa sang chăm chút xuống cấp mạnh mẽ và đối mặt với nguy cơ bị phá dỡ.
      Năm 1969, bộ trưởng Văn Hóa André Malraux muốn bảo tồn các tòa nhà mà ông gọi là « di sản lịch sử của thủ đô ». Khu phố Marais được xếp hạng, bảo tồn và « không thể bị phá dỡ ». Rất nhanh chóng, tầng lớp trung lưu và nhiều nghệ sĩ có tiếng tăm đến sinh sống.
      Ở khu trung tâm và mạn tây Paris, những người giàu có, nhất là các công chức cao cấp và những người xuất thân từ tầng lớp quý tộc, tư sản vẫn sống trong các khu phố đẹp đẽ, sang trọng do nam tước, tỉnh trưởng Paris Haussmann quy hoạch dưới thời hoàng đế Napoléon III và trong giai đoạn quy hoạch kế tiếp.
      Vào giữa những năm 1960, tại khu phố Couronnes, 2.188 căn hộ tồi tàn đã được phá dỡ để xây 1.754 căn hộ mới. Như vậy là có nhiều nhà mới, rộng rãi, hiện đại hơn nhưng số căn hộ lại giảm, tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều khu vực, chẳng hạn ở Belleville vào năm 1975, khiến giới công nhân không thể tiếp tục thuê nhà trong nội thành mà phải dịch chuyển dần ra các khu đô thị mới ở ngoại ô.
      Trong những năm 1930, hàng loạt tòa nhà giá rẻ xây bằng gạch đỏ mọc lên bao quanh Paris ở khu vực vành đai, thì tới những năm 1960, HLM - tạm dịch là « nhà cho thuê với giá thấp » - lại là một phép nhiệm màu để giải quyết nhu cầu nhà ở của những người có thu nhập khiêm tốn.
      Trong thập niên 60 -70, mỗi tòa nhà thường có một người, đa phần là phụ nữ, trông coi tòa nhà, nhận thư từ bưu phẩm từ người đưa thư, giao cho các hộ gia đình và phụ trách quét dọn vệ sinh. Họ cũng là người làm nhiệm vụ nhắc nhở, đòi tiền thuê nhà của các hộ gia đình thanh toán tiền muộn. Chính vì thế, họ vừa là người rất gần gũi với cư dân, nhưng cũng thường bị nhiều người tránh né.
      Tiện nghi sinh hoạt
      Cùng với sự ra đời của các tòa nhà mới, tiện nghi bên trong các căn hộ cũng đạt bước tiến mới và dẫn tới một cuộc cách mạng về thói quen sinh hoạt của người dân Paris.
      Các cửa hàng bán than và những người thợ khuân than củi nặng nề trèo lên cầu thang bộ cao phục vụ các gia đình sưởi ấm vào mùa đông giá rét dần biến mất. Lò sưởi đốt bằng than riêng trong từng hộ gia đình được thay thế bằng hệ thống sưởi ấm chung cho cả khu nhà. Thang máy cũng được lắp đặt trong các tòa nhà cao tầng.
      Lavabo, nước nóng - lạnh, bồn tắm … là những thứ không thể thiếu trong các ngôi nhà, căn hộ mới. Đã qua rồi cái thời người Paris mang dầu gội, xà phòng đi tắm gội 1 lần/tuần ở nhà tắm công cộng. Người dân dần có thói quen tắm rửa hàng ngày và tại nhà. Cảnh tượng nhà vệ sinh chung cho cả tầng ướt bẩn nhớp nháp, nước chảy dọc hành lang, tong tỏng xuống cầu thang cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng.

      1. 1
      2. 2
      3. 3
      4. ...
      5. trang sau >
      6. trang cuối >
      http://vi.rfi.fr/phap/20180323-paris-hau-de-nhi-the-chien-nha-o-tien-nghi-sinh-hoat

      Geen opmerkingen:

      Een reactie posten