zaterdag 28 april 2018

Pháo đài bay Mỹ B-52 diễn tập gần Biển Đông + Trung Quốc lắp đặt thiết bị điện tử tại Trường Sa để phá sóng radar và viễn thông




Pháo đài bay Mỹ B-52 diễn tập gần Biển Đông


mediaPhi cơ Mỹ B-52 bay tới căn cứ Osan ở Pyeongtaek, phía nam Seoul, Hàn Quốc, 10/1/2016.AFP PHOTO / JUNG YEON-JE
Không Quân Hoa Kỳ hôm nay 27/04/2018 loan báo : Pháo đài bay B-52 của Mỹ đã tiến hành diễn tập tại khu vực phụ cận Biển Đông và ở vùng quần đảo Okinawa, Nhật Bản. Một nhật báo Trung Quốc không ngần ngại gắn liền sự kiện đó với cuộc tập trận của Trung Quốc gần Đài Loan.
Theo Không Quân Mỹ, ngày 24/04 vừa qua, một số pháo đài bay B-52H đã cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam của Mỹ tại Thái Bình Dương và « quá cảnh đến vùng lân cận Biển Đông », để « tập huấn » rồi di chuyển đến khu vực lân cận với Okinawa để « diễn tập với các chiến đấu cơ F-15C Strike Eagles, trước khi quay trở lại Guam ».
Thông cáo của Không Quân Hoa Kỳ nói rõ : « Chiến dịch mang tên Oanh Tạc Cơ Hiện Diện Thường Xuyên - Continuous Bomber Presence (CBP) - có mục đích duy trì năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ » .
Bản thông cáo khẳng định : « Những nhiệm vụ của CBP thuộc Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương Mỹ, được thực hiện thường xuyên từ tháng 03/2004, và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế ».
Theo hãng tin Anh Reuters, cuộc diễn tập của Không Quân Mỹ đã được truyền thông Đài Loan loan tin cùng với những suy đoán rằng, đó có thể là tín hiệu cảnh cáo mà Mỹ gởi tới Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tăng cường hiện diện quân sự chung quanh Đài Loan.
Tại cuộc họp báo vào hôm qua 26/04, khi được hỏi về hoạt động của oanh tạc cơ Mỹ, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngô Khiêm chỉ nói gọn rằng Quân Đội Trung Quốc kiểm soát được tình hình, và vẫn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền đất nước.
Riêng tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm nay thì lên giọng, trong một bài xã luận, cho rằng nếu hoạt động của oanh tạc cơ Mỹ là tín hiệu gởi đến Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan, thì hành động đó hoàn toàn thất bại.
Tờ báo nổi tiếng hiếu chiến của Trung Quốc nhấn mạnh : « Mỹ không thể ngăn cản Đại Lục gây áp lực quân sự lên Đài Loan… Máy bay quân sự của Đại Lục sẽ bay ngày càng gần Đài Loan và cuối cùng sẽ bay trong không phận của hòn đảo này ».
Hãng Reuters nhắc lại rằng Đài Loan và Biển Đông là hai vấn đề gây mâu thuẫn giữa Washington và Bắc Kinh. Trung Quốc bực tức trước các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải mà Hải Quân Mỹ tiến hành ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã bồi đắp đảo nhân tạo để xây dựng căn cứ quân sự. Bắc Kinh cũng giận dữ trước việc Washington ủng hộ nền dân chủ Đài Loan.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180427-my-cho-phao-dai-bay-b-52-dien-tap-gan-bien-dong



Tập trận bắn đạn thật : Lời cảnh cáo của Tập Cận Bình đến Đài Loan và Mỹ


mediaChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung với các binh sĩ trên khu trục hạm Trường Sa (Changsha), Biển Đông, ngày 12/04/2018REUTERS
Sau hai ngày tập trận hùng hậu tại Biển Đông (11 và 12/04/2018), Trung Quốc tiếp tục phô trương sức mạnh hải quân và răn đe trong cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra từ 8 giờ sáng đến nửa đêm 18/04/2018 tại eo biển Đài Loan.
Khi tổ chức tập trận bắn đạn thật ngay sát sườn Đài Loan, Trung Quốc bắn một mũi tên nhắm đến nhiều mục đích. Thực vậy, theo nhận định với CNN của nhà nghiên cứu Collin Koh, thuộc trung tâm An toàn Hàng hải Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam tại Singapore, « Trung Quốc muốn nhấn mạnh là Hải Quân nước này luôn sẵn sàng. Đây cũng là một thông điệp nhắc nhở Đài Loan đừng đi quá xa ».
Mục đích thứ nhất là răn đe chính quyền Đài Loan với lập trường độc lập ngày càng cứng rắn kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành tổng thống năm 2016. Tình hình hiện nay trái ngược với chính sách dần cải thiện quan hệ với Bắc Kinh của người tiền nhiệm Mã Anh Cửu với đỉnh điểm là cuộc hội đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Singapore ngày 07/11/2015.
Từ sau cuộc nội chiến đẫm máu năm 1949, hai bờ eo biển không duy trì quan hệ chính thức và cũng không công nhận tính chính đáng của nhau. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh « nổi loạn », là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Lo ngại trước tinh thần dân tộc ủng hộ độc lập của chính quyền Đài Bắc hiện nay, Bắc Kinh từng cảnh cáo sẽ dùng vũ lực sáp nhập hòn đảo nếu cần thiết.
Đối với Bắc Kinh, cuộc tập trận bắn đạn thật cũng là lời cảnh cáo gửi đến Washington vì chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách thắt chặt quan hệ với Đài Bắc thông qua hai đạo luật mới. Đạo luật thứ nhất được ký vào tháng 03/2018 cho phép gia tăng các chuyến công du chính thức giữa Mỹ và Đài Loan. Đạo luật thứ hai được ký vào đầu tháng 04/2018 cho phép một số tập đoàn vũ khí Mỹ bán công nghệ chế tạo tầu ngầm và trang thiết bị quân sự cho Đài Loan.
Dù chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh, nhưng Hoa Kỳ vẫn duy trì chặt chẽ quan hệ không chính thức với Đài Bắc và cung cấp vũ khí cho hòn đảo trong khuôn khổ Luật về Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act). Dưới thời tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ còn tỏ ra nhiệt tình xích lại gần Đài Loan hơn. Điều này đã khiến Bắc Kinh giận dữ, cụ thể trong bài diễn văn đọc trước Quốc Hội vào tháng 03/2018, chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định : « Mỗi một tấc đất của mẹ tổ quốc không thể bị tách rời khỏi Trung Hoa ». Tiếp theo là lời đe dọa « khả năng xung đột quân sự » của Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh.
Dù Trung Quốc trở thành một cường quốc trong những năm gần đây nhờ vào tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa quân đội, nhưng người dân Đài Loan ngày càng ít quan tâm đến việc thống nhất với đại lục. Phát biểu với CNN, nhà nghiên cứu Richard McGregor thuộc Viện Lowy ở Sydney đánh giá Đài Loan « sẽ không từ bỏ cách sống và nền độc lập tiềm tàng mà họ có được, vì vậy, trong chừng mực nào đó đối với Trung Quốc, ngày càng khó nhận được sự tôn trọng ».
Cuối cùng, qua cuộc tập trận bắn đạn thật tại eo biển Đài Loan, diễn ra chưa đầy một tuần sau cuộc diễn tập tại Biển Đông, Trung Quốc còn « muốn chứng tỏ sức mạnh quân sự và quyền lực », theo đánh giá của nhà nghiên cứu McGregor. Khi duyệt đội quân danh dự trên khu trục hạm Trường Sa (Changsha) hôm 12/04, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng hải Quân Trung Quốc phải đạt đến « tầm cỡ quốc tế ». Như vậy, ông Tập Cận Bình cũng chứng tỏ đỉnh cao quyền lực, đặc biệt kể từ khi Quốc Hội xóa bỏ quy định hạn chế nhiệm kỳ của người đứng đầu nhà nước, mở đường cho ông lãnh đạo cả đời.
Tuy nhiên, vẫn theo chuyên gia McGregor, Trung Quốc muốn thống nhất Đài Loan bằng con đường hòa bình vì dùng vũ lực quy phục hòn đảo sẽ gây ra rất nhiều rủi ro, trong đó phải tính đến « yếu tố » Hoa Kỳ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180417-tap-tran-ban-dan-that-loi-canh-cao-cua-tap-can-binh-den-dai-loan-va-my

Trung Quốc lắp đặt thiết bị điện tử tại Trường Sa để phá sóng radar và viễn thông

Ảnh chụp đá Vành Khăn từ vệ tinh của công ty DigitalGlobe vào ngày 31 tháng 10 năm 2017.
Ảnh chụp đá Vành Khăn từ vệ tinh của công ty DigitalGlobe vào ngày 31 tháng 10 năm 2017.
Courtesy of CSIS/AMTI
Trung Quốc lắp đặt thiết bị điện tử phá tín hiệu viễn thông và sóng radar trên hai đảo nhân tạo mà Bắc Kinh lập nên tại Quần đảo Trường Sa. Đây là bước đáng kể trong hoạt động quân sự hóa dần dần mà Trung Quốc thực hiện tại khu vực chiếm đóng ở Biển Đông.
Một quan chức Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết như vừa nêu và tờ Wall Street Journal loan đi ngày 9 tháng tư. Thông tin được củng cố bởi ảnh vệ tinh do Công ty DigitalGlobe chụp được vào tháng qua và cung cấp cho Wall Street Journal.
Tin còn dẫn nguồn tình báo Mỹ nói rõ thiết bị điện tử phá tín hiệu viễn thông và sóng radar như vừa nêu được lắp đặt trong vòng 90 ngày qua trên hai đảo nhân tạo Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn ở Biển Đông.
Vị quan chức Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ phát biểu rằng trong khi Trung Quốc luôn nói việc xây dựng đảo nhân tạo là nhằm bảo đảm an toàn trên biển, hỗ trợ hàng hải, tìm kiếm - cứu nạn, bảo vệ nguồn cá và những chức năng phi quân sự khác, thì thiết bị điện tử phá tín hiệu viễn thông và sóng radar chỉ là sử dụng cho mục đích quân sự.
Tin vừa nêu được đưa ra vào khi quân đội Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận tại khu vực Biển Đông mà Hoa Kỳ cho là có qui mô lớn nhất tính đến nay. Trong đợt tập trận này có sự tham gia của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh cũng như không quân và các đơn vị mặt đất.
Tại ba trong số 7 đảo nhân tạo tiền tiêu mà Trung Quốc bồi lấp lên tại quần đảo Trường Sa, gồm Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi, nay có tổng cộng chừng 3 ngàn thước đường băng, các vòm chứa chiến đấu cơ, boongke trữ đạn dược, doanh trại và những cầu cảng nước sâu cho tàu neo đậu.
Tại quần đảo Hoàng Sa cách Trường Sa chừng 500 dặm về phía bắc, từ năm 2016, Trung Quốc đã cho bố trí tên lửa đất đối không HQ-9, chiến đấu cơ J-11B.
Tướng Kim Nhất Nam thuộc Đại Học Quốc Phòng Quốc Gia Trung Quốc được dẫn lời rằng những cuộc diễn tập của Bắc Kinh tại Biển Đông không hề liên quan gì đến việc Hoa Kỳ đưa 3 hàng không mẫu hạm đến khu vực này. Đó là chiếc USS Theodore Roosevelt đến Singapore vào ngày 2 tháng 4; rồi USS Carl Vinson đến Đà Nẵng, Việt Nam vào đầu tháng 3 vừa qua sau đó tập trận chung với phía Nhât Bản ngay tại Biển Đông. Hiện nay hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đang ở Nhật Bản.
Ông tướng Kim Nhất Nam cho rằng các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đến trong khu vực tạo cho Trung Quốc cơ hội nghiên cứu về hoạt động cũng như hệ thống radar và các tín hiệu điện tử của chúng.
Tướng Kim Nhất Nam còn thách thức liệu Hoa Kỳ có dám khai hỏa tấn công Trung Quốc hay không.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten