Loại hỏa tiễn làm thay đổi cục diện chiến tranh
Hà Tường Cát/Người Việt
Do đó để phần nào tránh lộn xộn lầm lẫn, trong bài này sẽ phân biệt các danh từ: “phi tiễn” để chỉ missile, “hỏa tiễn” để chỉ rocket, và cruise missile được gọi là phi tiễn bình phi (hay hành trình) chứ không phải hỏa tiễn bình phi.
Thời chiến tranh Việt Nam, các máy bay chiến đấu A-1 Skyraider và trực thăng võ trang AH-1 Cobra được trang bị nhiều loại vũ khí trong đó có hỏa tiễn 70 ly không điều khiển đựng trong ống.
Để pháo kích vào thành phố, Việt Cộng thường dùng hỏa tiễn 122 ly của Liên Xô hoặc 108 mm của Trung Cộng. Từ chiến tranh vùng Vịnh 1991, Hải Quân Mỹ quen dùng loại phi tiễn bình phi Tomahawk cho những trận oanh kích mở màn.
Bộ Quốc Phòng Nga hôm Thứ Sáu, 30 Tháng Ba, 2018, loan báo đã thử nghiệm thành công lần thứ nhì phi tiễn liên lục đia RS-28 “Sarmat” phóng đi từ căn cứ Plesetsk gần vòng cực Bắc. RS-28 Sarmat (tên gọi theo NATO là Satan 2) là một hỏa tiễn đạn đạo nặng 220 tấn, đặt trên xe di động, tầm bắn trên 10,000 dặm, mang theo từ 10 đến 15 đầu đạn nguyên tử cỡ 40 megaton nhắm đánh tới các mục tiêu khác nhau. Phát ngôn viên của quân đội Nga nói rằng đây là phi tiễn đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới có khả năng đánh bại mọi hệ thống hỏa tiễn phòng thủ.
Không Quân Nga cũng vừa thử nghiệm phi tiễn bình phi Kinzhal tầm xa 1,200 dặm vận tốc Mach 10, có khả năng tránh né phi đạn phòng thủ của đối phương ở mọi giai đoạn bay, được phóng đi từ một máy bay chiến đấu phản lực MiG-31. Máy bay chiến đấu siêu thanh MiG-31BM có tầm hoạt động 1,800 dặm không cần tiếp tế nhiên liệu và có thể coi Kinzhal như một phi tiễn xuyên lục địa đánh tới các mục tiêu trên đất liền cũng như hạm đội giữa đại dương.
Đây là hai trong số nhiều hệ thống vũ khí mới mà Tổng Thống Vladimir Putin đã nói đến hôm 1 Tháng Ba trong bản Thông Điệp Liên Bang Nga.
Tuy nhiên Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis tỏ ra hoài nghi là Nga đã có thể triển khai những loại vũ khí tân tiến như thế. Ông cho biết Kinzhal đã được thử nghiệm rất nhiều lần và còn phải rất lâu mới đưa vào sử dụng được.
Theo lời Tướng Mattis: “Nga có thể chế tạo ra những loại vũ khí mới nhưng sẽ không làm thay đổi bất cứ điều gì, mà chỉ đơn giản là Nga muốn quảng bá dự án phát triển của họ. Quân đội Nga nên hiểu rằng những vũ khí này không mang tới cho họ lợi thế đáng kể.”
Nhưng không hẳn chỉ có phi tiễn liên lục địa đa đầu như Satan 2 là mối nguy hiểm lớn. Sự xuất hiện của loại phi tiễn bình phi bội thanh (hypersonic cruise missile) như Kinzhal mới đáng lo ngại và sẽ làm chuyển biến hoàn toàn cuộc diện chiến tranh trong tương lai.
Để hiểu rõ vấn đề này, cần phải nhìn lại quá khứ.
Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh Mỹ và Liên Xô không ngừng tăng cường kho vũ khí với hàng chục ngàn đầu đạn nguyên tử của mỗi bên. Qua nhiều quá trình thương thuyết, ngày 26 Tháng Năm, 1972, Tổng Thống Mỹ Richard Nixon và Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Liên Xô Leonid Ilyich Brezhnev đã thỏa thuận ký kết hiệp ước chống phi tiễn đạn đạo, Anti-Ballistic Missile Treaty (ABM). Hiệp ước nhằm mục đích hạn chế các hệ thống phòng thủ chống phi tiễn đạn đạo chứ không phải hạn chế phi tiễn đạn đạo tấn công cũng như không đề cập đến thực trạng kho vũ khí nguyên tử của đôi bên.
Hiệp ước ABM quy định Liên Xô và Mỹ không được nghiên cứu, thử nghiệm các hệ thống chống phi tiễn mới ngoài những gì đã sẵn có trước, nghĩa là không thể tìm cách vô hiệu hóa tiềm năng tấn công nguyên tử của đối phương.
Luận lý của hiệp ước này là nếu cả hai bên đều không có khả năng phòng thủ an toàn khi đối phương tấn công thì buộc phải kiềm chế, không bên nào dám mở cuộc tấn công nguyên tử trước vì sợ bị trả đũa mà không thể chống đỡ được.
Hiệp ước ABM do đó đóng vai trò then chốt cho sự hình thành thế ổn định chiến lược toàn cầu, duy trì cân bằng lực lượng Liên Xô-Mỹ, tạo căn bản cho việc thỏa thuận cắt giảm kho vũ khí nguyên tử và chấm dứt chạy đua vũ trang.
Hiệp ước ABM có hiệu lực trong 30 năm. Sau khi Liên Xô tan rã, bốn nước Cộng Hòa Xô Viết cũ trong Liên Bang Nga thỏa thuận với Mỹ tiếp tục duy trì cam kết của Liên Xô. Nhưng đến 2002, hết 30 năm thi hành, Mỹ loan báo rút khỏi thỏa hiệp và hiệp ước chấm dứt. Lúc đó chính quyền Tổng Thống George W. Bush tin rằng cần có lá chắn chống các phi tiễn đạn đạo không chỉ từ Nga mà có thể từ các “quốc gia lừa đảo” như Bắc Hàn, Iran.
Sau đó trong khi Mỹ cố gắng kiện toàn các loại hỏa tiễn phòng thủ, thì Nga tìm cách phát triển những phi tiễn tấn công có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ.
Nhưng qua những lần thử nghiệm hỏa tiễn phòng thủ ngươi ta nhận thấy kết quả không bảo đảm dù được tiến hành trong điều kiện lý tưởng khác hẳn thực tế khẩn cấp của một cuộc tấn công nguyên tử. Hơn nữa việc xây dựng một hệ thống phòng thủ là rất tốn kém mà ít có hiệu quả, cho nên tới năm 2009 Tổng Thống Obama đã cho giảm bớt kế hoạch này.
Mạng lưới phòng thủ chống hỏa tiễn của Mỹ chủ yếu gồm có các hệ thống THAAD, Patriot, và Aegis, được trang bị các giàn radar mạnh, các bộ nhạy cảm và những phi đạn đánh chặn. Nhằm tránh rủi ro gây ra một vụ nổ nguyên tử ngoài ý muốn, các phi đạn đánh chặn đều không trang bị đầu nổ mà chỉ nhắm trúng đích và nhờ vào động năng để phá hủy phi tiễn địch.
Trên lý thuyết thì những hệ thống phòng thủ của Mỹ đủ khả năng đánh chặn phi tiễn đạn đạo tầm ngắn, tầm trung cũng như liên lục địa hiện có. Các phi tiễn này bay với vận tốc cao nhưng theo một quỹ đạo đạn đạo dễ dự đoán nên phi đạn phòng thủ có thế đón đánh ở mọi giai đoạn trong phi trình.
Còn loại phi tiễn bình phi hiện nay như Tomahawk đi theo một quỹ đạo biến đối, lẩn tránh, rất khó phát hiện, tuy nhiên nếu tìm thấy sẽ dễ dàng bắn hạ vì bay chậm. Phi tiễn bình phi có cánh ngắn được phóng lên bằng hỏa tiễn và sau đó bằng động cơ phản lực như máy bay, đi tới mục tiêu với vận tốc cận thanh (dưới Mach 1). Nhưng nếu vận tốc của phi tiễn bình phi lên tới cỡ siêu thanh (supersonic, trên Mach 1) hay bội thanh (hypersonic, hơn Mach 5) thì dù phát hiện được, cũng sẽ không còn đủ thời gian để đánh chặn.
Mỹ, Nga, Trung Quốc đều nghiên cứu về loại phi tiễn bình phi bội thanh (hypersonic cruise missile) từ lâu và cho tới nay dường như chỉ có Trung Quốc đã đạt tới một vài kết quả cụ thể trong lãnh vực vũ khí này. Nga đã thử nghiệm các phi tiễn bội thanh tầm trung KInzhal và tầm ngắn 3M22 Zircon, tuy nhiên chựa biết đến bao giờ mới có thể đưa vào sử dụng. Ấn Độ hợp tác với Nga sản xuất phi tiễn BrahMos chống chiến hạm, tầm bắn 250 dặm vận tốc Mach 3, được coi là phi tiễn bình phi bay nhanh nhất thế giới hiện nay và đã có thể triển khai vào hoạt động.
Cuối năm ngoái Trung Quốc hai lần bí mật thử nghiệm hỏa tiễn DF-17 mang loại đầu đạn gọi là HGV (Hypersonic Glide Vehicle). DF-17 là một hỏa tiễn tầm trung – từ 1,100 đến 1,600 dặm – phóng đi theo đường đạn đạo, sau khi trở lại bầu khí quyển, HGV được thả ra bay với vận tốc Mach 5 ở cao độ dưới 60 km và tự động điều khiển đến trúng mục tiêu xa 800 dặm trong vòng 11 phút. Mục tiêu mà Trung Quốc muốn nhắm tới hơn hết là hạm đội của Hải Quân Mỹ với các hàng không mẫu hạm.
HGV là máy liệng không có động cơ phải nhờ vào vận tốc của hỏa tiễn đạn đạo. Còn phi tiễn bình phi bội thanh chỉ cần hỏa tiễn đấy lên tới vận tốc trên siêu thanh để sau đó bay bằng động cơ phản lực dòng thẳng scramjet (supersonic combusting ramjet), không khí hút vào tự nén nhờ vận tốc lớn không cần tới turbin như máy bay thường. Phi tiễn bình phi bội thanh có thể bay thấp chỉ 10 mét trên mặt biển hay mặt đất, rất khó bị radar phát hiện.
Nhưng nhược điểm của hypersonic cruise missile là không đủ nhiên liệu cho động cơ scramjet để bay xa, muốn bay xa sẽ phải thay thế bằng loại động cơ khác như là động cơ nguyên tử mà hiện nay còn đang được nghiên cứu phát triển.
Với những phi tiễn thế hệ mới như nói trên, những hệ thống phòng thủ trị giá hàng tỷ đô la hiện có bị xem là lỗi thời, cần phải nghiên cứu phát triển những hệ thống vũ khí phòng thủ thích ứng hơn và cuộc chạy đua vũ trang sẽ không bao giờ dừng lại. (Hà Tường Cát)
—————-
Liên lạc tác giả: ha.cat@nguoi-viet.com
Điểm tin buổi sáng ngày 16 tháng 4 năm 2018
https://www.nguoi-viet.com/nhin-tu-hoa-ky/loai-hoa-tien-lam-thay-doi-cuc-dien-chien-tranh/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten