Cháy nhà máy sợi ở Quảng Ninh phải nhờ Trung Quốc giúp dập lửa
Đám cháy được phát hiện vào khoảng 2 giờ 30 phút sáng và được mô tả là “cháy suốt 12 tiếng chưa dứt.”
Truyền thông Việt Nam ghi nhận, các xe cứu hỏa Trung Quốc “được đưa qua cửa khẩu Móng Cái tới khu công nghiệp Hải Yên tham gia cùng lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh.”
Báo Zing tường thuật: “Đến 10 giờ 30 phút sáng 4 Tháng Tư, ngọn lửa hầu như chỉ được kiểm soát không bị lây lan sang khu vực lân cận. Các kho, nhà xưởng tại nhà máy sợi Texhong Ngân Long vẫn tiếp tục cháy. Theo lực lượng chữa cháy, do trong kho nhà máy chứa một lượng lớn sợi bông hóa học và các vật dụng dễ cháy nên dù liên tục phun nước, ngọn lửa vẫn chưa thể được dập tắt hẳn.”
Theo Cổng Thông Tin Quảng Ninh, đến 5 giờ chiều cùng ngày, trong cuộc họp báo về vụ cháy, ông Vũ Văn Kinh, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Móng Cái, cho biết: “Lực lượng cứu hỏa Trung Quốc sang tham gia trợ giúp dập lửa gồm 14 xe và khoảng 60 người. Cụ thể là sáu xe chữa cháy; hai xe phun nước cao trình, một xe thông tin, một xe chở bọt, một xe chở phương tiện và hai xe xe múc. Tổng số người tham gia chữa cháy cả Việt Nam và Trung Quốc khoảng 800 người.”
“Trong buổi sáng cùng ngày, đám cháy đã được khoanh vùng và không để cháy lan ra diện rộng, khu vực xung quanh. Đến nay vụ cháy không có thiệt hại về người và không có người bị thương. Riêng giá trị tài sản thiệt hại chưa có thống kê. Hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục huy động tối đa lực lượng cùng với nhà máy Texhong Ngân Long dập tắt đám cháy và thực hiện các giải pháp, tổ chức thu dọn, vệ sinh môi trường sau cháy. Đến nay các lực lượng chức năng đang khẩn trương điều ra, làm rõ nguyên nhân và sẽ công bố khi có thông tin chính thức sau,” ông Kinh được trang này dẫn lời.
Website của nhà máy sợi Texhong Ngân Long cho hay, doanh nghiệp này “trực thuộc Tập Đoàn Texhong của Trung Quốc” và “xây dựng, hoạt động tại Móng Cái từ năm 2012.”
Nhà máy này được ghi nhận “chuyên sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm về sợi và các sản phẩm dệt may thời trang với quy mô sản lượng 139,000 tấn/năm và có khoảng 5,000 công nhân viên.”
Trong một diễn biến khác, hồi tháng trước, Văn Phòng Chính Phủ CSVN đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh mở rộng lượng xe hơi do khách Trung Quốc lái từ thành phố Đông Hưng, Trung Quốc, đến thành phố Hạ Long. Động thái này được truyền thông trong nước ghi nhận là “hứa hẹn lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm 2018.”
Hồi Tháng Mười Hai, 2017, Phòng Quản Lý Xuất Nhập Cảnh, Công An tỉnh Quảng Ninh, cùng Đồn Biên Phòng Cửa Khẩu Quốc Tế Móng Cái xử phạt hành chính và trục xuất 52 người Trung Quốc nhập cảnh du lịch Việt Nam nhưng mục đính chính là bán hàng online.
Theo báo Tuổi Trẻ, thời điểm đó có 52 người Trung Quốc gồm 46 nam và sáu nữ ngụ tại khách sạn Kim Hoàng ở phường Trà Cổ, dùng thị thực du lịch nhưng lại đang vận hành 40 máy tính cá nhân, 25 máy tính để bàn và nhiều thiết bị mạng khác để điều hành đường dây mua bán hàng hóa thông qua website Taobao của Trung Quốc.
Nhóm người này sau đó bị xử phạt về hành vi “khai không đúng sự thật để được cấp thị thực Việt Nam.”
Hồi cuối năm 2017, báo Thanh Niên ghi nhận có đến hàng ngàn lượt khách Trung Quốc “làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam, đa phần đi du lịch theo ‘tour 0 đồng’ khiến Cửa Khẩu Quốc Tế Móng Cái ở tỉnh Quảng Ninh tắc nghẽn.” (T.K.)
Bác sĩ tốt nghiệp ở Việt Nam có thể hành nghề ở Hoa Kỳ
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/chay-nha-may-soi-o-quang-ninh-phai-nho-trung-quoc-giup-dap-lua/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten