donderdag 26 april 2018

Thượng Viện Canada ra nghị quyết lên án Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông

Thượng Viện Canada ra nghị quyết lên án Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông

mediaCác công trình xây dựng của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, Trường Sa, Biển Đông, nơi đang có tranh chấp với nhiều bên. (Ảnh vệ tinh do CSIS công bố ngày 6/06/2017(CSIS)
Thượng Viện Canada hôm qua 24/04/2018 đã thông qua nghị quyết chỉ trích thái độ hung hăng và sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Tờ Globe and Mail xuất bản tại thủ đô Ottawa cho biết như trên.
Nghị quyết tố cáo « sự leo thang và thái độ thù địch của Trung Quốc », kêu gọi các bên tranh chấp tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không, theo như quy định của luật quốc tế và Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Bên cạnh đó cần chấm dứt việc xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông.
Việc Thượng Viện Canada điểm mặt chỉ tên Trung Quốc như vậy là hành động hiếm thấy, vào thời điểm chính phủ của ông Trudeau đang tìm cách mở ra các cuộc đàm phán về thương mại với Bắc Kinh. Nghị quyết được thông qua với 43 phiếu thuận trong đó có các lá phiếu của đại diện chính phủ đảng Tự Do, 29 phiếu chống và 6 vắng mặt.
Thượng nghị sĩ đảng bảo thủ Ngô Thanh Hải cho rằng đây là một thông điệp mạnh mẽ cho Trung Quốc, rằng thái độ của họ ở Biển Đông là không thể chấp nhận được. Theo ông, với việc thông qua nghị quyết này, Thượng Viện đã cổ vũ chính phủ Canada có được « quan điểm mang tính nguyên tắc về một trong những cuộc xung đột địa chính trị lớn nhất trong thời đại chúng ta ».
Ông Ngô Thanh Hải cũng cho biết không ngờ dự thảo nghị quyết được thông qua, vì văn bản này đã bị ách lại suốt hai năm qua ở Thượng Viện do sự chống đối kịch liệt của thượng nghị sĩ gốc Hoa Paul Yuen Woo (Hồ Nguyên Báo), người đứng đầu nhóm nghị sĩ độc lập, cựu chủ tịch Asia-Pacific Foundation, bị tố cáo là « thân Trung Quốc hơn bất kỳ ai khác ».
Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada ra thông cáo lấy làm tiếc về việc nghị quyết được thông qua, và trách cứ thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải đã làm xấu đi quan hệ song phương.
Tờ Globe and Mail nhắc lại, chính phủ Canada ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016, rằng yêu sách đường lưỡi bò của Bắc Kinh ở Biển Đông là vô căn cứ. Theo Viện Chính sách chiến lược Úc, trong thập niên qua Trung Quốc đã tự tiện « chiếm hữu trên thực tế 80% Biển Đông, tương đương với diện tích Tây Âu ».
Trung Quốc khánh thành tượng đài trên Đá Chữ Thập
Reuters hôm nay 24/04/2018 cho biết Trung Quốc đã khánh thành một tượng đài ở Trường Sa, nhằm đánh dấu việc xây dựng tại Biển Đông, kể cả các đảo nhân tạo.
Hãng tin Anh trích dẫn bài viết của tờ People’s Liberation Army Daily nói rằng tượng đài này được khánh thành hôm thứ Hai 23/04 trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), « nhằm chứng tỏ quyết tâm bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền trên biển của Trung Quốc ».
Đây là rạn san hô thuộc cụm Nam Yết, đã bị Trung Quốc chiếm năm 1988 và xây lên một phi đạo dài trên 3.000 mét, cùng với các cơ sở quân sự khác. Đường băng này lớn nhất khu vực Trường Sa, có thể sử dụng cho máy bay ném bom chiến lược, và giúp Bắc Kinh dòm ngó được đến tận căn cứ Mỹ ở đảo Guam.
Việc Trung Quốc đào đắp tại Biển Đông với quy mô lớn cùng với các hoạt động bất chấp luật quốc tế đã khiến các nước láng giềng cũng như Washington lo ngại. Hôm nay phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cho tàu You Lian Tuo 9 thi công dưới nước, tổ chức cuộc đua thuyền buồm ở Hoàng Sa, lắp đặt thiết bị gây nhiễu sóng ở Trường Sa.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180425-thuong-vien-canada-ra-nghi-quyet-len-an-trung-quoc-gay-han-tai-bien-dong

Canada kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết Biển Đông

mediaNgoại trưởng Canada Stéphane Dion kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết Biển Đông.REUTERS/Joshua Roberts
Canada hôm 21/07/2016 đã tỏ thái độ trong hồ sơ tranh chấp Biển Đông, khi kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA) La Haye. Cho dù không nêu đích danh, nhưng rõ ràng nhằm hướng đến Trung Quốc, nước đang giận dữ vì tòa án cho rằng yêu sách "đường lưỡi bò" là bất hợp pháp.
Thông cáo của ngoại trưởng Canada, Stéphane Dion cho biết : « Canada tin rằng cần phải tuân thủ phán quyết, cho dù có đồng ý hay không. Các bên liên quan nên nắm lấy cơ hội này như một bước đệm để tiếp tục nỗ lực giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa, phù hợp với luật pháp quốc tế ».
Ông bày tỏ : « Chúng tôi quan ngại sâu sắc vì căng thẳng trong khu vực đã leo thang trong những năm gần đây. Điều cốt yếu là tất cả các nước trong khu vực nên kềm chế (…). Tất cả các bên đòi hỏi chủ quyền không nên đào đắp, quân sự hóa và những hành động khác có thể phá hoại an ninh và ổn định khu vực. Cũng nên tránh các hành vi gây nguy hiểm cho tự do hàng hải và hàng không, an ninh hàng hải và thương mại quốc tế ».
Ngoại trưởng Canada nhấn mạnh : « Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tái lập lòng tin, thông qua việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông (DOC), nhanh chóng đàm phán về Quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc ».
Tờ báo The Canadian Press cho biết thêm, bộ trưởng Quốc phòng Harjit Sajjan cũng nói rằng, Canada không đứng về bên nào trong tranh chấp. Nhưng chuyên gia Fen Hampson nhận định : « Đây là một thông điệp cho Trung Quốc mà không nêu tên Trung Quốc - được viết bằng ngôn ngữ ngoại giao nhưng không hề nhập nhằng ».
Theo The Canadian Press, vấn đề Biển Đông có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh, trong lúc Canada đang muốn tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị với Trung Quốc.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ đến Trung Quốc dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào mùa hè này, sau khi đã thúc đẩy lại quan hệ trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với ông Tập Cận Bình. Nhưng quyết định mới đây của Canada ủng hộ đồng minh Nhật Bản trong nhóm G7 về tranh chấp trên biển, cũng như bất đồng với Bắc Kinh về nhân quyền, sẽ làm phức tạp thêm vấn đề.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160722-canada-keu-goi-cac-ben-ton-trong-phan-quyet-bien-dong-am-chi-trung-quoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten