dinsdag 10 april 2018

Trương Vĩnh Ký và những nỗ lực phổ biến chữ quốc ngữ cuối thế kỷ XIX

Trương Vĩnh Ký : Chiếc cầu nối Đông-Tây

Trương Vĩnh Ký : Chiếc cầu nối Đông-Tây
 
Pétrus KýDR

    « Nhà văn Việt Nam. Sáng lập ra ngành báo chí tại Việt Nam, ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm lịch sử, giảng dạy, ngôn ngữ và dịch thuật các tác phẩm Tầu » . Đây là lời giới thiệu về Jean-Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký (06/12/1837-01/09/1898) của từ điển các danh nhân của Larousse. Ông cũng được giới học thuật châu Âu thế kỷ XIX liệt vào một trong « Thế giới Thập bát văn hào » , đồng thời đứng trong hàng những người biết nhiều ngoại ngữ bậc nhất trên thế giới nhờ thông thạo 10 ngoại ngữ và nắm sơ một số khác.

    Cuộc đời và sự nghiệp của ông nhận nhiều ý kiến trái chiều. Một số người nhìn nhận ông như tay sai của thực dân Pháp. Một số khác thì ghi nhận ông như người đặt nền móng cho nhiều lĩnh vực chưa từng được biết đến tại Việt Nam trong giai đoạn đó, như dịch thuật, báo chí và viết văn.
    Sinh tại ấp Cái Mơn, huyện Vĩnh Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), Trương Vĩnh Ký, còn được biết tới dưới các bút hiệu « Sĩ Tải » hay « Nam Trung ân sĩ », nổi tiếng với học thức uyên bác, am tường nhiều lĩnh vực và khả năng ngoại ngữ siêu phàm. Ngay từ nhỏ, nhờ trí thông minh, nhanh nhẹn, ông được linh mục Long đưa vào trường dòng học chữ la tinh ở Cái Nhum (thuộc tỉnh Vĩnh Long ngày nay). Từ đó, ông được bôn ba du học tại nhiều nước trong khu vực, từ Cam-bốt tới Cao Miên hay Pinang (Malaysia). Tại mỗi nơi, được gặp gỡ bạn đồng môn quốc tế, ông vận dụng khiếu ngoại ngữ để học tiếng nói của họ. Tới năm 1858, khi quay về quê chịu tang mẹ, ông đã thành thạo khoảng chục ngoại ngữ và am tường văn chương, khoa học, triết học. Năm đó, ông mới 21 tuổi.
    Năm 1860, dưới sự chỉ huy của Đô đốc Bonard, người theo chủ trương tôn trọng ngôn ngữ và phong tục bản địa, quân đội Pháp chuẩn bị tấn công Sài Gòn và cần một thông dịch để tránh mắc sai lầm về chính trị. Linh mục Lefèbvre trông coi địa phận Nam Kỳ đã giới thiệu Trương Vĩnh Ký. Bắt đầu từ công việc thông dịch, dần dần ông tham gia nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt phải kể đến báo chí và xuất bản, trước khi tham gia chính trị để rồi cuối đời gần như về ở ẩn và viết sách do bị cả chính phủ thuộc địa Pháp và triều đình nhà Nguyễn nghi kị.
    Cầu nối Đông-Tây ?
    Vai trò cầu nối Đông-Tây của Trương Vĩnh Ký có thể được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể tới dạy học, dịch thuật và làm báo.
    Theo nhận xét của Nguyễn Cao Kim trong bài « Thân thế và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký » , « ông giữ thái độ đặc biệt không đi quá trớn. Sau khi được đô đốc Bonard mời ra giúp việc, ông đã chấp thuận với ý định tạo nên bầu không khí giao hảo giữa Pháp và Việt Nam. Cũng vì nghĩ như vậy nên lúc làm thông ngôn (20-12-1860), hay lúc làm Đốc học trường thông ngôn Sài Gòn, ông vẫn chủ trương giúp cả hai nước mà chẳng nhị tâm ».
    Phải chăng, Trương Vĩnh Ký chỉ muốn tận dụng cơ hội và vị trí của mình để xoa dịu những mất mát của người dân do chiến tranh gây ra và sau đó là cổ xúy cho tân trào ?
    Năm 1861, đô đốc Charner, người kế nhiệm và đi ngược với chính sách bị coi là « mị dân » của đô đốc Bonard, cho phá đồn Chí Hòa (Kỳ Hòa). Hiểu rõ nỗi thống khổ của người dân, Pétrus Ký muốn làm dịu vết thương chiến tranh bằng cách đứng ra làm gạch nối cho sự giao hảo Pháp-Việt. Có lẽ vừa do phẩm chất, vừa do trình độ, nên nhiều lần, ông được cử làm thông ngôn cho sứ bộ hai bên, trong đó phải kể tới chuyến sang châu Âu của phái đoàn Phan Thanh Giản (06/1863-03/1864) đàm phán với triều đình Pháp và Tây Ban Nha việc chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường).
    Trong thời gian lưu lại châu Âu, Trương Vĩnh Ký đã khám phá tinh hoa của nước Pháp và tìm hiểu tại sao người Pháp có thể tới đánh chiếm một nước xa xôi như Việt Nam. Ngược lại, ông cũng đã khiến triều đình Pháp thán phục trước sự thông tường chữ la tinh. Để thử tài của ông, một Bộ trưởng Pháp, trong lúc đón phái đoàn, đã để ông nói chuyện với một chuyên gia chữ la tinh hàng đầu của chính phủ.
    Trong cuốn Impressions d’un Japonais en France, suivies des impressions des Annamites en Europe (Ấn tượng của một người Nhật tại Pháp, tiếp theo là ấn tượng của người An Nam tại châu Âu, 1864), Richard Cortembert miêu tả cuộc đối thoại giữa Pétrus Ký và nhà la tinh học lỗi lạc của Pháp thời bấy giờ như sau :
    « … Đôi khi, nhà bác học Pháp phải chờ đợi vài giây trước khi kết thúc đoạn hội thoại của mình và dường như phải quanh co để không bị đuối. Trái lại, chàng phiên dịch An Nam lại cứ thoải mái nói hơn bao giờ hết ; cứ như từng giây một, cậu ta lại có thêm sinh lực mới… Những lời giải thích của cậu trở nên chính xác, rõ ràng hơn, trong khi đó, đối thủ của cậu luẩn quẩn trong cách nói dài dòng và không chính xác. Có lúc, như đuối sức, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng phương Tây trả lời luôn bằng tiếng Pháp trước câu hỏi bằng tiếng la tinh của Pétrus ; chàng thanh niên An Nam phản lại bằng tiếng la tinh, và người ta lại trả lời bằng tiếng Pháp… »
    Từ năm 1866 tới 1879, ông lần lượt được đề cử làm Giám đốc dạy tiếng Đông phương ở trường Thông ngôn (Collège des Interprètes (1866-1868)), rồi Giám đốc Trường sư phạm (Ecole normale, 01/01/1872-31/12/1873) và cuối cùng là Giáo sư sinh ngữ (tiếng Việt và Hán tự) tại trường Tham biện Hậu bổ (Ecole des Administrateurs stagiaires, 01/01/1874-1879).
    Đây là khoảng thời gian mà ông soạn nhiều sách và giáo trình để phục vụ cho công việc giảng dạy. Đối với người Pháp là giáo trình dạy chữ Hán và quốc ngữ, địa lý và lịch sử Việt Nam. Đối với người Việt, phần lớn cũng là sách dạy chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Ngoài ra, nhận thấy người Pháp mở trường tiểu học nhưng « quên » soạn và in sách, ông đã biên soạn nhiều sách giáo khoa, đồng thời luôn có những lời khuyên răn đạo đức cho trò nhỏ mà có thể thấy trong cuốn Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca (1877) :
    « Sách Sơ học vấn tân nghĩa là kẻ mới học hỏi bền là sách Annam làm cho con-nít học cũng như bên Tàu Tam-tự-kinh vậy. Sách nầy tóm cả truyện bên Trung-quốc cả truyện bên nước Nam ta nữa ; lại có kể ra phép học, bài thi, khuyên gắng công học cho chuyên.
    Vậy nay âm ra ba thứ tiếng để cho con-trẻ học mà phá ngu, cùng tập lần cho biết cho dễ học sách cao đến sau ; đã có chữ có nghĩa lại có tiếng phangsa một bên, học một mà biết ba thì cũng tiện lắm.
    Học thì chẳng phải là học cho biết viết chữ, cho thuộc tiếng nói mà-thôi, mà lại phải học nghĩa-lý phép-tắc, lễ-nghi, cang-thường luân-lý, là giềng-mối mà xử-trí trong việc ăn-ở trong đời với thiên-hạ. Ấy là lịch ấy là thanh. Nên phải do cựu tùng tân mới là phải, chẳng nên mới chuộng cũ vong mà mang lấy tiếng « yểm cựu nghinh tân ». Vì « vật hữu bổn mạt, sự hữu thỉ chung ; tri sở tiên hậu tắc cận đạo hỉ ». »
    Tại thời điểm đó, tác giả không phải bận tậm việc phân phối sách nhờ trợ cấp của chính phủ và thường viết theo « đặt hàng ». Vì không phải lo lắng tới việc phân phối và nhuận bút, nên tác giả hoàn toàn có thể chuyên tâm vào việc nghiên cứu để tác phẩm có chất lượng tốt. Hoặc nếu nhận thấy một tác phẩm có ích, nhà nước sẽ xét duyệt ngân sách để mua và phân phối tới các trường học, thư viện hay các phòng ban hành chính.
    Cũng trong giai đoạn này, ngoài sách dạy học, ông cũng chuyên tâm dịch các bộ sách cổ của Tầu, như Tứ Thư (1876) (Đại học, Trung dung, Luận ngữ và Mạnh Tử). Một số ý kiến cho rằng, dù theo Công giáo, nhưng ông vẫn giữ truyền thống nho giáo phương Đông và muốn duy trì những tư tưởng này cho thế hệ sau.
    Tư tưởng này cũng nổi bật rõ nét trong những câu chuyện mà ông biên soạn sau khi từ giã quan trường lui về ở ẩn. ông chuyển thể sang chữ Quốc ngữ những chuyện thơ dân gian, hay viết những câu chuyện đơn giản, dễ hiểu đầy ngôn từ địa phương. Ví dụ có thể kể đến các cuốn : Bất cượng chớ cượng làm chi (1882), Nữ tắc (1882), Thơ mẹ dạy con (1882), Thơ dạy làm dâu (1882), Thạch suy bỉ thới phú (1883), Học trò khó phú (1883), Phú bần truyện diễn ca, Cờ bạc nha phiến (1884)… Trong lời tựa của mỗi cuốn sách, ông đều tìm cách giải thích cho người đọc ý nghĩa câu chuyện, bài học đạo đức và giải thích phong tục tập quán. Như trong cuốn Thạnh, suy, bỉ, thới có những dòng tâm sự sau :
    « Phú nầy nói về làm con người ở đời thì có sự thạnh, sự suy, sự bỉ, sự thới. Lúc thạnh thì khiến cho được giàu-có sang-trọng. Của-cải bạc-tiền, ngọc ngà châu báu chẳng thiếu vật chi. Đã giàu mà lại thêm sang, tôi-mọi hầu-hạ trong ngoài, khách kẻ tới người lui chật nhà chật cửa. Đến lúc suy cũng như hùm mạnh sa cơ, nhà-cửa xích-xác, trống trước trống sau, cũng như Vương-khải với Thạch-sùng khi nghiên-nghèo sánh lại với buổi giàu-sang, xa cách nhau biết là bao nhiêu ? Khi bỉ thì khốn-khó lút đầu lút óc, trí phải khó-nhọc buồn-rầu, xác phải nhọc-nhằn công lên việc xuống ; ăn bữa no bữa đói, đi thất-thơ thất-lạc. Đến khi gặp hồi thới lai, thì lại ra tử-tế, nên giàu nên sang, quan yên dân chuộng kẻ đưa người rước ; việc gì việc nấy đều may-mắn cả, phỉ-chí toại lòng.
    Vậy mới biết việc đời xây-vần dời-đổi. Nên dầu nghèo dầu giàu cũng chẳng nên lo ; hễ hết thạnh thì tới suy, suy rồi lại thạnh ; hễ có qua cực rối lại sướng, sướng rồi lại tới cực đắp-đổi nhau. Có vậy mới từng mùi đời, mới biết thạnh suy bỉ thới ».
    Nhìn vào danh sách tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, có thể nhận thấy rằng ngoài kiến thức siêu phàm, phải có tâm huyết cao, ông mới có thể soạn ra các tác phẩm với những chủ đề đa dạng như vậy.
    Nhà trí thức vì tân trào
    Mong muốn duy tân đất nước của ông được thể hiện rõ ràng ngay trong chuyến công du lần đầu tới nước Pháp. Cũng như nhiều quan lại trong phái bộ, ông ý thức rằng văn minh, nông nghiệp và công nghệ châu Âu đã tiến xa rất nhiều so với phương Đông. ông nuối tiếc nêu những điểm yếu của Việt Nam trong bức thư gửi Richard Cortembert :
    « Ở An Nam, đất đai rất mầu mỡ ; nhưng không được tiếp xúc với nhu cầu lao động nên tâm trí luôn trong trạng thái « ăn không ngồi rồi »… Đối với những người đứng đầu nhà nước, vấn đề không phải là phải thay đổi An Nam, mà là phải đấu tranh chống sự trây ì… Và có bao nhiêu điều mê tín phải loại bỏ, bao nhiều phong tục phải cải tổ lại, bao nhiêu định kiến phải tiêu diệt, bao nhiêu tính kiêu căng sẽ bị động chạm tới trong chiến dịch tổng cải tổ này ! »
    ông chỉ trích quan lại Việt Nam quá cố hữu trong những chuẩn tắc của chính mình. Dù có trình lên những gì « mắt thấy tai nghe » tại châu Âu, hay có đưa ra những đề xuất gì, chưa chắc phái bộ Phan Thanh Giản đã thuyết phục được triều đình thay đổi ý kiến. ông cũng lo lắng vì quan lại không nghĩ tới dân, mà chỉ muốn làm vui lòng vua nhà Nguyễn với những tin tức hay sự kiện vui vẻ. Trong khi đó, họ giấu nhẹm những tai ương, đói khổ mà người dân cam chịu.
    Ngoài ra, hơn ai hết, ông cũng hiểu được những khó khăn trong việc phổ biến học thuật mới bằng chữ Tầu. ông băn khoăn tự hỏi : « Làm thế nào để có thể truyền bá kiến thức với loại chữ tượng hình với hàng loạt kí tự khó này ? Tôi không phủ nhận rằng người ta có thể tiếp nhận khoa học với loại chữ này. Nhưng chỉ toàn bất tiện và khó khăn mà thôi. Để có thể đọc và hiểu được tốt những gì loại chữ này thể hiện, một người phải mất ít nhất cả tuổi thanh xuân của mình ; anh ta chẳng bao giờ có đủ thời gian để bắt tay nghiên cứu những công trình khoa học.
    Đồng hương của tôi tạo thành một dân tộc dễ sai khiến, hay bắt chước, nhưng lại hoàn toàn trây ì ; tôi thấy rằng, ở đây, lỗi chủ yếu là do nhà nước. Họ không chú tâm vào khích lệ hay thức tỉnh dân tộc » .
    Chính vì thế, ngoài viết sách, báo chí cũng là công cụ hữu hiệu để ông thử nghiệm việc truyền bá học thuật bằng chữ quốc ngữ. Trước khi ông được bổ nhiệm làm « chánh tổng tài » (rédacteur en chef), Gia-định báo chỉ đơn thuần là một tờ công báo của chính phủ Pháp tại Nam Kỳ. Tờ báo dịch đăng những thông tin bằng tiếng Pháp của tờ Le Courrier de Saigon. Tờ công báo này có nội dung nghèo nàn và ngôn từ khô khan với hai phần : « Phần Công vụ » với những thông tư, văn bản mới được công bố và « Phần Tạp vở » với những thông tin thuyên chuyển, bổ nhiệm hay giá cả một số mặt hàng.
    Làm chánh tổng tài từ số 20 (24/09/1869), ông đã biến tờ báo thành một cơ quan phong phú, đa dạng hơn. ông khuyến khích viên chức nhà nước, giáo viên tham gia viết bài về bất kì chủ đề gì, từ cuộc sống đời thường tới những bài học khuyên răn đạo đức, từ dịch chuyện hay viết văn bằng chữ quốc ngữ... Ngoài các cơ quan nhà nước và địa phương, tờ báo cũng được « phát không tới các trường học để học sinh khá trong các làng mạc có thể đọc được » (Le Courrier de Saigon, số 7, 05/04/1865).
    Chính vì thế, Gia-định báo giữ hai chức năng chủ đạo. Thứ nhất, là chiếc cầu nối nhằm tránh những hiểu lầm giữa chính phủ và người dân. Mục đích này được ông viết trong lời tựa số 20 :
    « Những thầy trường quốc ngữ thì trễ nải, hoặc chẳng đọc nhựt trình cho học trò hay là người làng nghe, hoặc có khi chẳng hiểu cho rõ, kẻ hay chữ thì chẳng hay cắt nghĩa cho người ta biết với. Quan Nguyên-Soái người muốn cho người ta đừng có làm như vậy nữa, thì người phú cho ta việc đặt nhựt trình nầy kẻo người ta nói đặng rằng không hiểu, cũng là cho người ta biết những điều viết trong nhựt trình là đều thật và có ích.
    Nhựt trình nầy có ích cho mọi người vì trong ấy có đủ mọi đều về dân sự, lịnh quan Nguyên Soái dạy, ý người về sau làm sao cùng là cách thế người làm. Trong ấy người ta biết được các tin tức buôn bán. Ở trên Châu-Đốc Hà-Tiên đều biết được giá hàng tại Saigon Chợ-Lớn. Mà ngồi một chỗ khỏi đi đâu, nên muốn mua muốn bán cũng gặp chầu, lại biết cho đến giá riêng đồ các chợ lớn ở các nơi. » (Gia-định báo, số 20, 24/09/1869).
    Mặt khác, trong một thời gian dài, Gia-định báo được dùng làm sách dạy đọc chữ quốc ngữ tại các trường học ở nông thôn. Trên thực tế, chính phủ Pháp lập trường nhưng lại không tập trung soạn sách giáo khoa. ông hiểu rằng nhắm tới học sinh nhỏ, sẽ tác động được tới cha mẹ của các em. Vì các em thường kể những gì mình học được và nghe được cho gia đình.
    Từ một tờ công báo đơn thuần, ông đã biến Gia-định báo thành một cơ quan truyền bá với ba mục đích chính : truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân. Các mục mới như khảo cứu, nghị luận, gồm các bài dịch thuật, sưu tầm, khảo cứu, sáng tác thơ, văn, lịch sử, truyện cổ tích lần lượt được mở với sự tham gia của các cộng tác viên là trí thức, giáo viên hay công chức… Gia-định báo đã mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ Quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam.
    Dù cổ vũ tân trào, Trương Vĩnh Ký luôn giữ những giá trị truyền thống phương Đông, đặc biệt là trang phục áo dài, khăn xếp. Chính cách ăn mặc giản dị, cũng như thần thái khoan dung của một nhà nho học, lúc đó mới có 25 tuổi, đã khiến Richard Cortembert ngỡ ngàng khi tiếp xúc tại Paris. ông viết : « Diện mạo của cậu ta (Trương Vĩnh Ký) khác hoàn toàn với những người khác cùng đoàn ; - tuy sắc mặt có vẻ xanh xao hơn, mũi tẹt hơn ; đôi môi thì dầy, còn gò má thì cao, nhưng vầng trán thì rất rộng làm nổi rõ tính cách quân tử. Trang phục của cậu ta, vô cùng giản dị, gồm một kiểu như váy đen khiến liên tưởng tới váy trùm của thầy tu. Một dải băng dài màu xám cuốn xung quanh đầu và để hé vài sợi tóc đen phía sau…
    Tôi nhanh chóng nhận thấy sự thông minh nổi trội và những phẩm chất thanh cao của chàng phiên dịch trẻ, mà giọng nói nhẹ nhàng đầy thiện cảm đã cuốn hút tôi ngay lập tức… Rất dễ để nhận thấy rằng chuyên môn ưa thích của cậu ta là thần học. Cậu ta nói chuyện về chủ đề này, không hề tự phụ, với một cách dẫn giải khó lòng cưỡng lại được. Cậu ta ở đúng bộ môn mình ưa thích, lĩnh vực mà cậu đã trau dồi từ lâu và thấu hiểu tường tận : cậu ta mới chỉ có 25 tuổi ! »
    Chênh vênh ở thế giữa, ông chọn làm cầu nối trung gian giữa hai nền văn minh Đông và Tây : hai thái cực mà một bên ông ngưỡng mộ, còn bên kia, ông thương yêu gắn bó. ông tìm cách phổ biến những gì tiên tiến tốt đẹp của phương Tây mà Việt Nam chưa có. Đồng thời, ông vẫn bảo tồn và quảng bá những truyền thống của người Á đông. Gần 200 tác phẩm ông để lại, gồm đủ các loại tiếng, giúp chúng ta phần nào đánh giá được sự nghiệp và lương tâm nghề nghiệp của ông.

    http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150320-truong-vinh-ky-chiec-cau-noi-dong-tay

    Trương Vĩnh Ký và những nỗ lực phổ biến chữ quốc ngữ cuối thế kỷ XIX

    Trương Vĩnh Ký và những nỗ lực phổ biến chữ quốc ngữ cuối thế kỷ XIX
     
    Pétrus Ký và các học trò.@historicvietnam.com/tim-doling/

      Trong suốt cuối thế kỷ XVI và nửa đầu thế kỷ XIX, chữ quốc chỉ được dùng trong mục đích truyền giáo. Đây là loại kí tự dùng chữ cái La tinh để ghi lại tiếng nói của người Việt. Công trình này lần lượt được các nhà truyền giáo dòng Tên khởi nguồn và hoàn thiện, từ Gaspard d’Amaral và Antonio Barbosa, hai giáo sĩ dòng Tên người Bồ Đào Nha, cho tới Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ) hay Pigneaux de Béhaine (cha Bá Đa Lộc), người Pháp.

      Khi mới đặt chân tới Tourane (Đà Nẵng) vào năm 1624, cha Đắc Lộ đã không khỏi ngạc nhiên khi nghe người bản địa, đặc biệt là phụ nữ, nói như “chim hót” và đã từng nghĩ không thể nào học được tiếng nói này. Sau này, chính ông là người đã hệ thống hóa và phổ biến loại chữ viết La tinh, vừa dễ học vừa nhanh hơn so với chữ Hán và chữ Nôm. Tuy nhiên, chữ quốc ngữ được hoàn thiện như ngày nay là nhờ vào công sức của cha Bá Đa Lộc trong khoảng cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX.
      Sau khi chiếm được Sài Gòn và bắt đầu công cuộc khai thác, chữ quốc ngữ trở thành công cụ hữu ích cho chính sách đô hộ. Chính quyền Pháp muốn sử dụng loại chữ viết này để cắt hẳn mọi liên hệ giữa người dân Nam Kỳ, giờ đây nằm dưới sự cai trị của người Pháp, với nền văn minh Trung Hoa, tiếp theo là phổ biến học thuật Pháp và đồng hoá dân bản địa.
      Trong thư văn đề ngày 15/01/1866 gởi cho thống đốc Sài Gòn, giám đốc nội vụ Paulin Vial có viết : « Từ những ngày đầu người ta (Pháp) đã hiểu rằng chữ Hán còn là một ngăn trở giữa chúng ta và người bản xứ ; sự giáo dục bằng thứ chữ tượng hình khó hiểu làm chúng ta rơi tuột hoàn toàn ; lối viết này chỉ tổ khó cho việc truyền đạt đến dân chúng những điều tạp sự cần thiết có liên quan tới khung cảnh của nền cai trị mới cũng như cho việc thương mại... Chúng ta bắt buộc phải theo truyền thống nền giáo dục riêng của chúng ta ; đó là cách duy nhất khiến chúng ta có thể gần gũi người An Nam thuộc địa hơn, ghi vào tâm não họ những manh mối của nền văn minh Âu châu đồng thời cô lập họ khỏi ảnh hưởng đối nghịch của các lân quốc của chúng ta ».
      Tuy nhiên, các đô đốc Pháp nhanh chóng hiểu rằng rất khó thay đổi được một đất nước chịu ảnh hưởng của Khổng giáo và lòng trung thành sâu sắc của người dân đối với triều đình. Họ chú ý tăng cường ảnh hưởng của Pháp tới đời sống và phong tục của người Nam Kỳ. Để thực hiện thành công chính sách cai trị và “mị dân”, các “quan” Pháp được khuyến khích học chữ hán, chữ quốc ngữ, nghiên cứu phong tục tập quán, ngôn ngữ và lịch sử của Việt Nam. Chính vì thế, rất nhiều tài liệu bằng tiếng Pháp và tiếng Việt mang tính chuyên môn cao được các “học giả” quân sự dịch và soạn thảo trong giai đoạn này.
      Mặt khác, họ đưa chữ quốc ngữ ra khỏi khuôn khổ của Giáo Hội để phổ biến trong dân. Ngay từ năm 1864, các trường tiểu học quốc ngữ được thành lập tại các trung tâm quan trọng nhất và các làng công giáo. Mục đích chính là nhằm đào tạo một thế hệ công chức tương lai tận tâm với nước Pháp, đồng thời cắt đứt ảnh hưởng của Nho giáo. Bắt đầu từ năm 1882, chữ quốc ngữ được dùng là văn tự chính thức trong giao dịch, giấy tờ hành chính, tư pháp và thương mại của nhà cầm quyền thuộc địa. Các quan địa phương phải học chữ quốc ngữ và chỉ được thăng chức hay giảm thuế nếu biết đọc, biết viết loại văn tự này.
      Biên soạn giáo trình dạy chữ quốc ngữ
      Về phần mình, từ khi được bổ nhiệm làm chánh tổng tài tờ Gia-định báo (16/09/1869), Trương Vĩnh Ký có cơ hội để phát triển sự nghiệp dịch thuật và viết văn. Đây cũng là vị trí và công cụ giúp ông phổ biến rộng rãi hơn chữ quốc ngữ. Thái độ ủng hộ việc truyền bá học thuật bằng kí tự La tinh này đã được ông thể hiện với Richard Cortembert ngay từ chuyến công du sang Pháp.
      Sau này, lợi ích và vai trò của nó còn được ông nhấn mạnh trong cuốn Manuel des écoles primaires (Giáo trình cho các trường tiểu học, 1876) như sau : « Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà. Cần phải nắm vững nó cho điều tốt đẹp và cho sự tiến bộ. Vì thế, chúng ta phải tìm mọi cách để phổ biến chữ viết này ». Ông cho rằng loại chữ viết đơn giản, dễ học này sẽ là phương tiện hiệu quả để tiếp thu những kiến thức mới vì ba lý do : Thứ nhất, do nạn mù chữ đại trà trong dân, tiếp theo là chữ hán sẽ không còn có ích một khi người Pháp cai trị Nam Kỳ và cuối cùng, chỉ cần ba tháng là có thể biết đọc và viết chữ quốc ngữ.
      Ngoài ra, ông còn khuyên nhủ người học như sau :
      « Sách nầy là sách rút tóm lại những đều đại-cái người ta phải học, để cho con trẻ mới vô trường, học những đều đại lược mà phá ngu, cho đặng đến sau khi vào trường chung nghe dạy nghe giải rộng các đều ấy thì mau hiểu hơn là một ; hai nữa là để mà tập coi, tập đọc tập viết tiếng Annam trong chữ quốc-ngữ cho trúng tiếng, cho nhằm giọng, phân biệt ra cho rõ-ràng.
      Khuyên các trò hãy bớt tính ham chơi, mà chuyên việc học-hành, chữ-nghĩa, văn-chương cho được vào đường công-danh với người-ta cho sớm, trước là cho đặng đẹp mặt nở mày cha mẹ, giúp đời dạy dân, sau là cho mình được công thành danh toại, thơm danh, tốt tiếng ở đời ».
      Dù tên sách viết bằng tiếng Pháp nhưng đây là bộ giáo án giành cho giáo viên, gồm hai phần, phần một là « phép học chữ quốc ngữ, lịch sử An Nam và Tàu », và phần hai gồm « các khái niệm khoa học cơ bản ». Trong đó, Trương Vĩnh Ký giải thích cách tổ chức một buổi lên lớp, các hoạt động hay cách đánh giá học sinh.
      « Hễ trò nào mới vô thì phóng vở theo đã ra trước nầy, giao cho nó, cấp cho một trò cũ đã biết mà nhác-biểu chỉ-vẽ cho nó.
      Phân lớp ra mà dạy cho dễ : Như học-trò đã biết viết, biết đọc thì bát nó viết mò, bát đọc một đoạn sách cho lẹ cho xuôi. Viết mò thì lấy những tuồng, văn, thơ, phú, mà nói cho nó viết, viết rồi thì thầy coi mà sửa lại cho nó, cho chính câu chính chữ.
      Còn mỗi bữa học, bát nó kiếm câu hát, câu đối, lời phương ngôn tục ngữ, diêu ngôn vân vân, mà viết ra một đâu câu chẳng hạn, đem tới nộp cho thầy sửa, góp những cái ấy lại, để một nơi.
      Dạy toán thì trước hết dạy bốn phép, cộng, trừ, nhơn, chia, cho rõ. Rồi cứ ra bài đố cho nó mần cho quen. Dạy phép đo cũng vậy… Những tập nó học nó viết mỗi bữa học thì thầy sửa rồi đề ngày vô cho nó, cho dễ xét đứa nào trễ-nải, đặng như quan có đòi thì thầy có sẵn mà nộp cho quan ».
      Một giáo trình khác được Trương Vĩnh Ký biên soạn nhằm chủ yếu vào giới quan lại địa phương khi có nghị định bắt buộc dùng chữ quốc ngữ trong các văn bản hành chính. L’Alphabet quốc ngữ en treize tableaux avec des exercices de lecture (Vần quốc ngữ thông qua 13 bảng và các bài tập đọc, 1887) giúp các quan học loại chữ viết này trong một thời gian ngắn. Tám bảng đầu dạy học nguyên âm và phụ âm cùng với sáu thanh điệu và cách ghép vần. Các bảng còn lại gồm các bài tập đọc, từ đơn giản tới phức tạp.
      Sưu tầm-chuyển ngữ
      Song song với việc soạn giáo trình, Trương Vĩnh Ký dùng chữ quốc ngữ ghi lại những cuốn sách Tàu và những tác phẩm được viết bằng chữ nôm. Trên thực tế, hai loại chữ tượng hình trên dần dần bị sao nhãng và ngày càng có ít người sử dụng. Chữ Hán chỉ giành cho một bộ phận nhỏ gồm các nhà nho và quan lại. Trong khi đó, chữ Nôm còn phức tạp hơn do mượn Hán tự. Vì vậy, cần phải biết chữ Hán mới có thể học được loại chữ này.
      Hơn nữa, Trương Vĩnh Ký cho rằng văn học Việt Nam mới chỉ có thơ ca với nhiều thể loại khác nhau, song không có văn xuôi và các loại khảo cứu, nghị luận. Dịch thuật là một cách giúp học làm văn và làm giàu từ vựng tiếng Việt. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi một phần ba trong tổng số 118 tác phẩm của ông là các công trình dịch thuật.
      Vấn đề phiên dịch các tác phẩm Tầu ra thể văn vần chữ quốc ngữ cũng đã được Luro, một thanh tra bản xứ sự vụ, trong bản báo cáo ngày 06/01/1873, đề xuất : « Từ lâu, tôi thỉnh cầu một cách vô hiệu rằng người ta phải phiên dịch, dưới sự chăm sóc của một hội đồng có đủ quyền hành, lịch sử nước An Nam và những sách cao quí triết lý của Trung Hoa. Người dân ít nghe tiếng Quan thoại, họ sẽ rất sung sướng có được những cuốn sách dịch bằng ngôn ngữ thường ngày của họ một cách thanh nhã. Họ sẽ mua, sẽ đọc những cuốn sách đó. Trong số các thừa sai và viên chức của chúng ta, chúng ta có nhiều người có đủ khả năng để hoàn thành những sách dịch thanh nhã từ tiếng Quan thoại ra tiếng nói hàng ngày ».
      Như vậy, cả chính phủ Pháp và Trương Vĩnh Ký đều tận dụng thời cơ để phổ biến chữ quốc ngữ. Chính quyền Pháp muốn « mượn tay » những công chức Pháp hóa để tách rời dân chúng khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Còn Trương Vĩnh Ký thì hoàn toàn tin vào chính sách khai hóa của nước Pháp. Và, theo ông, công cụ duy nhất để có thể đạt tới trình độ « Học thuật Châu Âu » là chữ quốc ngữ. Chính vì thế, ông tìm mọi cách để loại chữ viết La tinh này được phổ biến rộng rãi tới các tầng lớp dân chúng.
      Từ khi chữ quốc ngữ trở thành văn tự chính thức tại Nam Kỳ vào năm 1882, ông chuyển ngữ ngay nền văn chương truyền khẩu bình dân, gồm những áng văn vần và chuyện dân gian rất được ưa chuộng, như : Phép lịch sự Annam (1881), Thơ dạy làm dâu (1882), Thơ mẹ dạy con (1882), Nữ tắc (1882), Thạnh suy bỉ thới phú (1883), Cờ bạc nha phiến (1884), Ngư tiều trường điệu (1884)… Trong cuốn Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã nhận định rất đúng khi viết : « Hồi đó, ông (Trương Vĩnh Ký) cần phải xuất bản như thế, cốt dùng những chuyện phổ thông làm cái lợi khí cho chữ quốc ngữ được lan rộng trong nhân gian... »
      Tất cả đều được bán với giá rất hợp lý. Thường những tập dày 7 đến 10 trang, được bán với giá từ 35 đến 50 xu franc và từ 1 đến 2 franc đối với những tập dày trên hai mươi trang.
      Viết văn
      Thông qua những bản dịch, lần đầu tiên một loại hình văn học mới được đưa vào Việt Nam. Đó là văn xuôi, với nhiều thể loại khác nhau, như tiểu luận, kí sự hay tiểu thuyết. Tại thời kỳ đó, thể loại này còn chưa được ưa chuộng và không được coi là « văn học », vì người ta cho rằng văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ ngang như lời nói. Công bằng mà nói, lời nhận xét khá đúng, vì ngôn từ và cách hành văn trong các tác phẩm thời đó thiếu trau chuốt và tự nhiên như văn của thế hệ sau này.
      Bài văn xuôi đầu tiên do Trương Vĩnh Ký biên soạn, dài khoảng bẩy trang, xuất hiện trên tờ Gia-định báo vào năm 1863, dưới tựa đề Ghi về vương quốc Khơ Me (1863). Phải chờ tới năm 1881, Trương Vĩnh Ký viết một tập bút kí khác, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876), công phu hơn và trau chuốt hơn. Tuy nhiên, ông phải mượn rất nhiều từ Hán để có thể miêu tả tỉ mỉ chuyến đi này. Không bàn tới mục đích của chuyến công du Bắc Kỳ của Trương Vĩnh Ký, ở đây chúng ta chỉ quan tâm sau chuyến đi này, ông viết một bản hồi kí ghi lại những kỉ niệm, những điều « mắt thấy tai nghe », vị trí địa lý, lịch sử, những phong tục tập quán của những địa phương nơi ông đi qua.
      Ví dụ văn phong trong một đoạn miêu tả « Chợ » ở Bắc Kỳ : « Chợ-búa nội cả tỉnh cũng nhiều lắm. Mà chợ lớn có tiếng và đủ đồ hơn hết tại Bắc-kỳ, thì là những chợ kể trong câu ví nầy : Xứ Nam là chợ Bằng Vồi ; xứ bắc Giâu, Khám, xứ đoài Xuân Canh ; nghĩa là tỉnh Hà-nội, Hưng-yên, Ninh-bình, Nam-định là phía nam, thì có chợ Bằng, chợ Vồi có tiếng hơn hết. Còn bắc là Bắc-ninh, thì có chợ Giâu, chợ Khám ; xứ đoài là trên Sơn-tây thì là chợ Thâm-xuân-canh ».
      Một nhà nghiên cứu nhận xét đây là « một trong vài tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ sớm nhất của thế kỷ XIX, Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi để lại nhiều dấu ấn ngôn ngữ với những phương ngữ, tiếng Việt cổ có giá trị về mặt ngôn ngữ. Câu văn khúc chiết, sinh động chứng tỏ năng lực viết văn xuôi quốc ngữ của tác giả trong buổi sơ khai của loại chữ mới mẻ này ».
      Tới năm 1918, quốc ngữ trở thành chữ viết bắt buộc tại Bắc Kỳ. Từ giai đoạn này trở đi, các nhà trí thức trẻ không ngừng trau dồi, phát triển và phổ biến nền văn học hiện đại Việt Nam. Năm 1954, quốc ngữ trở thành chữ chính thức của các cơ quan hành chính Việt Nam. Điều này đã khẳng định tiên đoán cũng như mong muốn của Trương Vĩnh Ký vào năm 1876 : « Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà ».

      http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150327-truong-vinh-ky-vn

      Gian nan phổ biến chữ quốc ngữ tại Nam Kỳ (1862-1871)

      Gian nan phổ biến chữ quốc ngữ tại Nam Kỳ (1862-1871)
       
      Một trường học sinh bản địa Việt Nam dưới thời thuộc địa Pháp

        Khi tới Nam Kỳ vào năm 1858, quân đội Pháp cần một số phiên dịch để phục vụ công việc hành chính hàng ngày và làm cầu nối giữa chính quyền với người dân địa phương. Tại thời điểm này, việc dạy và học chữ quốc ngữ chỉ phổ biến trong môi trường truyền đạo của các giáo sĩ phương Tây, đã có mặt tại vùng đất này từ thế kỷ thứ XVII.
        Hội Thừa Sai (Société des Missions étrangères) nắm rõ phong tục tập quán địa phương và quản lý hai chủng viện tại Sài Gòn. Đây là nguồn cung cấp phiên dịch đầu tiên cho các đô đốc Pháp và trong suốt quá trình bình định Nam Kỳ.

        Chữ quốc ngữ và âm mưu đồng hóa
        Cho tới năm 1871, chính quyền Pháp và Giáo hội liên kết với nhau trong vấn đề giáo dục. Trường Thông ngôn đầu tiên (le Collège des Interprètes) được thành lập năm 1860 theo yêu cầu của Đô đốc Charner, trước cả khi ký kết Hòa ước Nhâm Tuất (05/06/1862) tại Sài Gòn, mục đích là đào tạo người giúp việc địa phương và trợ lý thông dịch qua các kỳ thi tuyển. Vì vậy, chương trình đào tạo này hoàn toàn mang tính hành chính, chứ không mang tính chất giáo dục. Tiếp theo, hai trường học khác cũng lần lượt ra đời, một trường thông ngôn giành cho người Châu Âu (08/05/1862) và một trường dạy chữ Hán cho con em quan lại địa phương hoặc các gia đình giàu có trong vùng nhằm mục đích làm cầu nối giữa chính phủ và giới trí thức, quan lại địa phương.
        Giáo dục phổ thông tiếp tục được giao cho các nhà truyền giáo và tập trung tại ba trường thuộc sự quản lý của Giáo hội, là Chủng viện của Hội Thừa sai, tu viện Sainte-Enfance (l’Œuvre de la Sainte-Enfance) và trường Giám mục Adran (le Collège de l’Evêque d’Adran). Ba trường này được tổ chức lại để đáp ứng việc cung cấp nguồn viên chức tương lai tận tâm phục vụ nước Pháp, đồng thời nhằm cắt đứt ảnh hưởng của tầng lớp quan lại và văn sĩ để tạo điều kiện cho việc đồng hóa người Việt.
        Kế hoạch trên bị gián đoạn trong vòng ba năm khi Đô đốc Bonard làm thống đốc Nam Kỳ (1861-1864). Vị Đô đốc này cho rằng phải tiếp tục duy trì việc dạy chữ Nho và giáo dục truyền thống để người dân cảm thấy ''thoải mái'' một chút dưới sự cai quản của những ''chủ nhân'' mới. Ông quyết định tiếp tục dùng chữ Nho là kí tự chính tại Nam Kỳ. Ngoài ra, theo ông, chính quyền sẽ mắc sai lầm nếu để người Pháp thay thế quan lại bản địa. Việc này chỉ làm tăng thêm lòng căm phẫn của người dân và quan lại đối với chính quyền mới. Vì vậy, ông tiếp tục duy trì chế độ giáo dục và khoa cử truyền thống, không bắt buộc học chữ quốc ngữ, nhưng sẽ ưu tiên những người biết loại chữ viết này.
        Thế nhưng, tinh thần tôn trọng các truyền thống bản địa của Đô đốc Bonard không thuyết phục được Giáo hội. Các nhà truyền giáo luôn bảo vệ quan điểm phổ biến Thiên chúa giáo và chữ quốc ngữ là những biện pháp duy nhất để đồng hóa người Việt. Ngoài ra, « tính ưu việt về trí tuệ mà giáo dục mang lại cho những đứa trẻ, hay chức vụ mà sau này chúng sẽ đảm nhiệm trong xã hội, sẽ giúp việc xây dựng lòng kính trọng của học sinh đối với ảnh hưởng của nước Pháp. Mở trường học là biện pháp tốt nhất để khai thác thuộc địa và truyền bá tôn giáo » (1).
        Từ năm 1864, chuẩn đô đốc La Grandière, thay người tiền nhiệm Bonard, cho dạy song song hai kiểu chữ viết : chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Các trường dạy chữ Hán tiếp tục được duy trì một cách tự phát tại nông thôn. Mỗi làng có thể tự do mở trường và mời thầy về dạy cho con trẻ. Thầy có thể là một ông đồ già hoặc cũng có thể là một nhà nho không đỗ đạt thi cử. Một số làng cấp ruộng cho gia đình thầy giáo, coi như tiền thù lao. Ngoài ra, khi tới xin học, gia đình học trò thường chuẩn bị một chút lễ nhập môn, hay biếu quà tạ ơn vào các dịp lễ tết.
        Các trường tiểu học dạy chữ quốc ngữ được mở tại các trung tâm quan trọng hay tại các làng Công giáo và tiếp tục nằm dưới sự quản lý của Giáo hội. Học sinh được được ăn ở miễn phí và theo học chương trình giống phương Tây. Do giáo dục bắt buộc, nên số lượng trường học và học sinh tăng theo từng năm. Cuối năm 1864, có khoảng 20 trường với chừng 300 học sinh ; năm 1865, số trường lên tới 30 với khoảng 1.000 học sinh theo học và tháng 03/1869, có tới 104 trường với 3.000 học sinh.
        Những hạn chế của việc phổ cập chữ quốc ngữ
        Để tránh bị chỉ trích, quan lại địa phương tiến hành nhiều biện pháp "bắt buộc" theo đúng nghĩa đen, để đạt được những con số khả quan trên. Các làng tuyển học sinh như tuyển lính, bằng việc trợ cấp cho gia đình học sinh. Thực ra, khoản tiền này được trích từ nguồn thu thuế, như vậy, thay vì được hưởng lợi, người dân sẽ phải nộp thuế nhiều hơn để bù cho thâm hụt ngân sách của nhà nước.
        Cả chính phủ và Giáo hội đều băn khoăn về phương pháp giáo dục đang thực hiện, dẫu biết rằng mục đích chính là tách người Việt Nam khỏi những truyền thống và ảnh hưởng của nền Nho giáo có từ lâu đời. Tuy nhiên, chính quyền thuộc địa lại không thiết kế được một chương trình giáo dục đầy đủ, phù hợp với trình độ của người học và nhu cầu của địa phương.
        Ngoài ra, việc cả hai thể chế, chính phủ và tôn giáo, đồng quản lý cũng là một cản trở cho việc phát triển giáo dục và phổ biến chữ quốc ngữ. Thực vậy, chính sách giáo dục với mục đích tôn giáo được thể hiện rõ trong bức thư của cha Wibaux viết cho đô đốc Bonard (02/12/1863) : « Trường học sẽ không chỉ là những cơ sở dạy tiếng Pháp và kiến thức thông thường, mà còn phải là nơi đào tạo tư tưởng tôn giáo ». Trong khi đó, chính quyền thuộc địa lại hấp tấp và nôn nóng muốn có ngay một đội ngũ giúp việc tận tình và Tây hóa. Không có kinh nghiệm và khả năng tổ chức giáo dục, chính phủ thuộc địa bị thụ động, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động của Giáo hội.
        Lý do thứ hai chính là chất lượng và số lượng giáo viên đứng lớp. Số lượng giáo viên không đủ đáp ứng số lượng học sinh ngày một tăng. Đô đốc La Grandière quyết định để học sinh các trường phiên dịch lên lớp hai giờ mỗi tuần. Những "giáo viên" trẻ này chỉ được đào tạo cấp tốc trong khoảng thời gian bình định Nam Kỳ, đủ trình độ đọc-viết và làm đủ bốn phép tính cơ bản. Họ thiếu kinh nghiệm và không nắm được các phương pháp giảng dạy truyền thống. Còn những giáo viên được tuyển từ trường dòng, thì chỉ tập trung một mục đích duy nhất, là truyền đạo.
        Có lẽ những giáo viên trẻ này chỉ đứng lớp vì nhận được số tiền trợ cấp hấp dẫn. Lương mỗi ngày đứng lớp là một franc, thêm vào đó là khoản tiền thưởng 1 franc cho mỗi học sinh biết đọc và viết, 50 xu nếu học sinh chỉ biết đọc. Về phía học sinh, những người biết đọc và viết nhận được 1 franc tiền thưởng, và khoản tiền này còn dao động tùy theo tâm huyết của học sinh.
        Thiếu sách giáo khoa là nguyên nhân thứ ba giải thích chương trình giảng dạy nghèo nàn. Chính phủ cho lập trường học nhưng lại không in sách giáo khoa do quá vội vàng trong khâu chuẩn bị, nhưng cũng có thể do "ỷ lại" vào Giáo hội. Học sinh học đọc thông qua tờ Gia-định báo, cũng nghèo nàn về thông tin và văn phong. Khi học xong, chúng không còn sách báo hay bất kì tài liệu nào để tiếp tục học tập.
        Trong một giáo trình dạy công chức Pháp, Eliacin Luro, một cựu quan chức Pháp tại Nam Kỳ, hồi tưởng : « Chúng ta đã phá hỏng tất cả... Sau một, hai năm, học sinh chỉ biết đọc và viết chữ quốc ngữ dưới sự hướng dẫn của các giáo viên chỉ ngang tuổi của chúng. Theo giáo dục truyền thống, học đọc và viết đồng nghĩa với việc học và tiếp thu được kiến thức đạo đức, lịch sử. Thế nhưng, với hệ thống của chúng ta, học trò học đọc và viết qua vài cuốn sách và truyện ngụ ngôn mà bản thân thầy giáo cũng không đủ khả năng rút ra bài học đạo đức để giảng giải cho chúng…
        Trở về nhà, đứa trẻ khiến toàn bộ gia đình ngạc nhiên vì thiếu hiểu biết. Chúng vất hành trang vô ích đã học được vào góc vì những kiến thức này chẳng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Đứa trẻ mất một khoản thời gian quý hiếm vì giáo dục, nếu quay lại học chữ Nho, thì ở tuổi của chúng, đã quá trễ, vì còn phải làm việc đồng áng. Trên thực tế, các trường tiểu học của chúng ta gần như không đạt được kết quả gì ».
        Phương hướng giải quyết
        Câu hỏi được đặt ra lúc đó là liệu có nên xóa bỏ việc dạy chữ quốc ngữ hay không ? Dĩ nhiên là không. Tuy nhiên, cần phải có những giải pháp phù hợp với việc dạy và học loại chữ này để đạt được hiệu quả.
        Giải pháp thứ nhất là không mở thêm trường học mới, xóa bỏ các trường ít học sinh theo học, đồng thời nâng cao trình độ của giáo viên. Ngoài chữ quốc ngữ, giáo viên phải học thêm Hán tự để có thể dạy cả hai loại chữ viết này. Trên thực tế, chính phủ Pháp hiểu rằng không dễ gì loại bỏ ngay Hán tự khỏi các thủ tục hành chính và cuộc sống hàng ngày. Và loại chữ viết tượng hình này sẽ còn được dùng trong vòng vài chục năm nữa.
        Giải pháp thứ hai liên quan tới các trường tự do, giáo viên dạy chữ Hán phải thông thạo chữ quốc ngữ để dạy lại cho học sinh, song song với chương trình dạy học thông thường. Eliacin Luro viết, để đạt được kết quả mong đợi, « chỉ cần dụ dỗ họ bằng một khoản tiền thưởng chừng hai hoặc ba trăm franc hàng năm » (2). Ông cho rằng việc yêu cầu các giáo viên trường làng học chữ quốc ngữ không có gì là khó. Vì họ chỉ cần hai đến ba tháng là có thể nắm vững loại chữ viết này, đến chừng sáu tháng, họ hoàn toàn có thể dạy lại được cho học sinh. Hơn nữa, chỉ cần dạy chữ quốc ngữ mỗi ngày một giờ mà nhận được tới hai hoặc ba trăm franc, thì ai cũng muốn quay sang dạy chữ quốc ngữ.
        Ý đồ này chỉ có lợi cho chính quyền thuộc địa. Thứ nhất, chính phủ sẽ tiết kiệm được một khoản tiền rất lớn. Thay vì phải đầu tư cho nền giáo dục, thực dân Pháp lợi dụng hệ thống trường làng do ngân quỹ của làng và gia đình học trò đóng góp. Ngoài ra, thay vì phải thưởng cho mỗi gia đình có con em đi học, nhà nước chỉ phải trả một khoản "lương" hàng năm không đáng kể cho thầy giáo.
        Thứ hai, khi việc dạy chữ quốc ngữ trở nên phổ biến tại các trường tự do, nhà nước sẽ áp dụng chính sách bắt buộc dạy và học chữ quốc ngữ, đồng thời dần xóa bỏ các trường học dưới sự quản lý của nhà nước để giảm bớt gánh nặng ngân sách. Như vậy, chính quyền thực dân gần như không phải đầu tư một khoản kinh phí nào cho nền giáo dục.
        Giải pháp thứ ba, đưa chữ quốc ngữ vào chương trình học và các kỳ thi tuyển. Các quan Đốc học cũng được yêu cầu học loại ký tự viết theo bảng chữ cái la tinh. Ở điểm này, người Pháp cũng rất tinh ý và tính toán kỹ lưỡng. Họ hiểu rằng, một khi đã nắm vững chữ viết này, nhà nho và quan lại sẽ là những người đóng góp rất nhiều vào việc chỉnh sửa và làm giàu vốn từ vựng của "tiếng nói nôm na" bình dân. Thực vậy, họ sẽ là những người dịch ra chữ quốc ngữ các tác phẩm lịch sử, đạo đức hay triết học được viết bằng chữ Hán. Người Việt nổi tiếng ham tìm tòi và học hỏi nên những cuốn sách được viết bằng chữ quốc ngữ sẽ thu hút được nhiều độc giả.
        Chỉ khi nào chữ quốc ngữ được phổ biến rộng rãi trong dân thì mới loại được chữ Hán khỏi cuộc sống hàng ngày. Chính quyền Pháp hiểu được vấn đề này và từng bước cải cách hệ thống giáo dục bắt đầu từ năm 1871. Tại Nam Kỳ, từ 1871 đến 1890 là khoảng thời gian để chính phủ thử nghiệm nhiều cải cách khác nhau, đặc biệt hình thành một nền giáo dục tự do, độc lập với Giáo hội, miễn phí và không bắt buộc. Các trường thuộc Giáo hội tiếp tục nhận được trợ cấp của chính phủ tới năm 1882.
        Chú thích :
        (1) CAOM, GGI, hồ sơ 12203 : Ghi chép về giáo dục tiểu học tại thuộc địa ngày 02/12/1863 của cha Wibaux gửi tới Đô đốc Bonard.
        (2) E. Luro, Cours d’administration (Giáo trình hành chính), bản viết tay.

        Cùng chủ đề
        • TẠP CHÍ VĂN HÓA

          Trương Vĩnh Ký và những nỗ lực phổ biến chữ quốc ngữ cuối thế kỷ XIX
        • TẠP CHÍ VĂN HÓA

          Trương Vĩnh Ký : Chiếc cầu nối Đông-Tây
        Các lưu trữ
        1. 1
        2. 2
        3. 3
        4. ...
        5. trang sau >
        6. trang cuối >
        7.               
          http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150605-gian-nan-pho-bien-chu-quoc-ngu-tai-nam-ky-1862-1871
           

        Geen opmerkingen:

        Een reactie posten