zaterdag 3 september 2016

Cuộc chiến chống ma túy ở Philippines khiến gần 2.000 nghi phạm thiệt mạng chỉ trong vài tuần lễ + Danh sách quan chức..."muốn sống thì ra trình diện" !

Cuộc chiến chống ma túy ở Philippines

  • 27 tháng 8 2016
Image copyright Carlo Gabuco
Philippines đang trong cuộc chiến với ma túy, được phê chuẩn bởi vị Tổng thống gây nhiều tranh cãi Rodrigo Duterte, khiến gần 2.000 người thiệt mạng chỉ trong vài tuần lễ. Phóng viên Jonathan Head của BBC sẽ đi sâu vào những mảng tối liên quan những kẻ buôn ma túy và những vụ thủ tiêu thông qua câu chuyện với một nữ sát thủ.
Khi bạn gặp một sát thủ, là người đã từng giết chết sáu người khác, bạn sẽ không bao giờ nghĩ đó là một phụ nữ nhỏ bé, còn trẻ với dáng vẻ lo lắng và trên tay đang bồng một đứa bé.
“Tôi tham gia vụ đầu tiên cách đây hai năm, ở tỉnh lân cận. Lúc đó, tôi rất lo lắng và sợ hãi vì đây là lần đầu tiên.”
Và hiện nay, Maria, tất nhiên là tên giả, thực hiện các hợp đồng thủ tiêu trong kế hoạch triệt hạ tội phạm ma túy của chính phủ Philippines.
Cô là thành viên của một toán gồm ba phụ nữ, là những người được đánh giá cao vì có thể tiếp cận mục tiêu một cách an toàn mà không gây sự chú ý như nam giới.
Kể từ khi Tổng thống Duterte thắng cử và kêu gọi người dân, cùng với cảnh sát phải triệt hạ những kẻ buôn bán ma túy có hành động chống đối sự bắt giữ, Maria đã ra tay với năm người khác, bằng cách bắn vào đầu nạn nhân.
Tôi hỏi cô ta ai đã ra lệnh cho các vụ thủ tiêu này và được trả lời là: “Sếp của chúng tôi, sĩ quan cảnh sát.”
Image copyright CARLO GABUCO
Trong buổi chiều của buổi gặp mặt, cô ta và chồng mình được thông báo rằng nhà an toàn của họ đã bị lộ. Họ phải dọn đi một cách vội vã.
Cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi này đem lại cho cô ta thêm việc làm, nhưng cũng thêm nhiều rủi ro. Cô ta cho biết mọi việc bắt đầu khi người chồng được lệnh từ cảnh sát phải thủ tiêu một con nợ-đồng thời là một tay buôn bán ma túy.
“Chồng tôi được lệnh ra tay với những người không thể trả nợ.”
Đây là công việc mà chồng cô ta thường xuyên phải làm cho đến khi tình hình có sự thay đổi với thách thức lớn hơn.
“Có một lần, họ cần một phụ nữ… và chồng tôi đã đưa tôi đến với công việc này. Khi tôi nhìn thấy mục tiêu, tôi tiếp cận và bắn anh ta.”
Maria và chồng xuất thân từ một khu phố nghèo ở Manila và có thu nhập không ổn định cho đến khi làm công việc sát thủ.
Họ kiếm được khoảng 20.000 pesos, tương đương 430 đô la Mỹ cho một vụ, chia cho ba hoặc bốn người trong toán. Đối với những người có thu nhập thấp ở Philippines, số tiền này là cả một gia tài, và tình thế hiện nay cho thấy Maria không còn đường lui.
Làm sát thủ không có gì xa lạ ở Philippines. Nhưng những người làm nghề này chưa bao giờ bận rộn như hiện nay. Tổng thống Duterte đã đưa ra một thông điệp quá rõ ràng.
Trước khi thắng cử, ông Duterte hứa sẽ triệt hạ 100.000 tội phạm trong sáu tháng đầu tiên nắm quyền. Và ông cũng đã cảnh báo trước đối với tội phạm ma túy: “Không được phá hoại đất nước, nếu không muốn bị tiêu diệt.”
Trong tuần trước, Tổng thống Duterte đã lập lại quan điểm này, khi phản bác những chỉ trích sử dụng vũ lực quá mức đối với nghi phạm.
Image copyright CARLO GABUCO
“Tính mạng của 10 kẻ tội phạm có quan trọng hay không? Nếu tôi phải đối diện với tất cả những sự khổ đau, liệu tính mạng của 100 kẻ ngu dốt như vậy có ý nghĩa gì với tôi không?”
Được biết, điều làm vị Tổng thống có những phát ngôn cứng rắn, phẫn nộ và quyết định đưa ra chiến dịch chống tội phạm không khoan nhượng này là sự phát triển chóng mặt của một loại ma túy đá, có tên là “shabu” theo tiếng Philippines.
Loại ma túy này rẻ, dễ chế biến và có độ gây nghiện rất cao. Nó làm cho người sử dụng có cảm giác “lên mây” ngay tức thì và giúp họ quên đi cuộc sống bần cùng và khổ cực ở những khu ổ chuột, là doping cho những công việc chân tay mệt nhọc như lái xe tải.
Ông Duterte nói loại ma túy này như một bệnh dịch, gây nên sự đau khổ cho hàng triệu đồng bào của ông. Kinh doanh loại ma túy này rất có lãi. Tổng thống Philippines đã nêu một danh sách 150 quan chức cao cấp, sĩ quan cảnh sát và quan tòa có liên can đến hoạt động buôn bán ma túy. Theo lời ông Duterte, có năm vị tướng cảnh sát là những ông trùm trong lĩnh vực kinh doanh ma túy. Nhưng những kẻ thấp nhất trong đường dây buôn bán ma túy lại là mục tiêu của những người được thuê làm sát thủ.
Theo thông tin của cảnh sát, có hơn 1.900 người đã bị thủ tiêu trong cuộc chiến chống ma túy kể từ khi ông Duterte nhậm chức vào hôm 30 tháng Sáu. Trong số đó, có 756 trường hợp bị cảnh sát tiêu diệt do chống đối. Số còn lại thì vẫn đang được điều tra.
Trên thực tế thì sẽ không bao giờ có câu trả lời thỏa đáng. Hầu như tất cả những thi thể được tìm thấy hàng đêm tại những khu ổ chuột ở Manila và những thành phố khác, là những người nghèo, hành nghề đạp xe xích lô, lao động chân tay hoặc là người thất nghiệp. Thường thì bên cạnh những thi thể này có những tấm bìa với dòng chữ cảnh báo tránh xa ma túy. Cuộc chiến này hầu như diễn ra tại những khu vực nghèo nhất của Philippines và vì thế những người như Maria được dùng đến.
Nhưng đây cũng là cuộc chiến nổi tiếng. Tại Tondo, một khu xập xệ ngay cạnh cảng Manila, đa số người dân hoan nghênh chiến dịch của Tổng thống Duterte. Họ đổ lỗi cho ma túy đá “shabu” là nguyên nhân của tình trạng tội phạm gia tăng, làm hỏng nhiều số phận, nhưng cũng có người lo lắng cuộc chiến đi đến chỗ mất kiểm soát, và nhiều người vô tội sẽ trở thành nạn nhân.
Image copyright Reuters
Một trong những người bị truy lùng bởi đội ngũ sát thủ là Roger-tất nhiên cũng là tên giả.
Anh này bị nghiện shabu từ khi còn trẻ, trong lúc làm công việc lao động chân tay. Cũng giống như những người nghiện ngập khác, anh ta bắt đầu buôn bán ma túy để có tiền trang trải cho sở thích cá nhân, và cũng vì công việc này nhàn hạ hơn là lao động chân tay. Anh ta kết hợp với những cảnh sát bị biến chất, đôi khi lấy hàng từ những lô ma túy bị cảnh sát bắt giữ, để bán lại.
Anh ta cảm thấy tội lỗi với vài trò của mình trong việc kinh doanh ma túy.
“Tôi thực sự tin rằng tôi có tội. Tôi đã làm nhiều việc không tốt trong một thời gian dài. Tôi đã gây hại cho nhiều người vì biến họ thành con nghiện, thông qua việc bán ma túy cho họ. Nhưng điều tôi muốn nói là không phải ai sử dụng ma túy cũng phạm tội ăn cắp hoặc giết người. Tôi cũng nghiện nhưng tôi chưa bao giờ giết ai cả. Tôi nghiện nhưng chưa bao giờ ăn cắp.”
Anh ta gửi những đứa con đến sống với gia đình vợ ở ngoại ô, nhằm ngăn ngừa bọn trẻ tiếp xúc với ma túy, vì anh ta cho rằng có từ 30% đến 35% người dân ở khu vực anh ta sinh sống là con nghiện.
Vậy nên, khi Tổng thống Duterte tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, rằng ông sẽ không nương tay với những kẻ buôn bán ma túy, quăng thi thể của họ ở Vịnh Manila, Roger có thực sự xem lời đe dọa của ông Duterte là nghiêm trọng?
Image copyright JONATHAN HEAD
“Có, nhưng tôi nghĩ ông ta sẽ nhắm đến những tay to, là những kẻ sản xuất ra ma túy, chứ không phải những kẻ tép riu như tôi. Tôi ước gì có thể quay ngược được thời gian. Nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Tôi không thể dừng lại, vì nếu làm vậy, cảnh sát cũng sẽ không tha cho tôi.”
Maria cũng hối hận về lựa chọn của mình.
“Tôi cảm thấy tội lỗi và cảm thấy không thoải mái. Tôi không muốn gia đình của những người bị tôi sát hại trả thù.”
Cô ta cũng lo lắng những đứa con sẽ nghĩ gì về mẹ mình. “Tôi không muốn bọn nhỏ quay lại nói với cha mẹ chúng rằng chúng tôi giết người để kiếm tiền và để nuôi chúng.” Đứa con trai lớn đã bắt đầu hỏi Maria làm cách nào cha mẹ chúng kiếm được nhiều tiền như vậy.
Maria vẫn còn một vụ phải thực hiện và cho biết đây sẽ là lần cuối cùng cô làm nghề này. Nhưng sếp của cô dọa sẽ thủ tiêu bất cứ ai bỏ nhóm. Cô ta cảm thấy bế tắc và không có lối thoát. Cô xưng tội với cha cố trong nhà thờ, nhưng không dám nói thật mình đã phạm tội gì.
Liệu cô ta có cảm thấy đúng đắn khi thực hiện chiến dịch triệt hạ những kẻ buôn bán ma túy của Tổng thống Duterte?
“Chúng tôi chỉ nói về mục tiêu và kế hoạch thực hiện,” Maria nói. “Khi mọi chuyện đã xong, chúng tôi không bao giờ nói đến nữa.”
Nhưng khi nói chuyện, Maria nắm chặt tay và nhắm mắt, theo đuổi những suy nghĩ mà cô không muốn chia sẽ với bất cứ ai.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/08/160827_philippines_women_on_drugs_war

Quan tòa Philippines 'dính dáng ma túy'

  • 7 tháng 8 2016
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra lời cáo buộc đối với hàng chục chính trị gia đương chức hoặc đã nghỉ, viên chức và quan tòa có liên can đến ma túy và yêu cầu họ chịu sự điều tra.
Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, ông Duterte nêu tên cụ thể những người này và ra lệnh bãi bỏ chế độ bảo vệ đối với những người này.
“Nếu họ có hành động phản kháng, dù là nhẹ nhất, tôi vẫn ra lệnh cho cảnh sát ‘Hãy bắn họ’,” ông Duterte nói.
Truyền thông địa phương đưa tin nói một số viên chức đã bị nhận diện sai.
Tờ báo Inquirer nói một quan tòa bị Tổng thống Duterte nêu tên như là người bảo kê cho các hoạt động buôn bán ma túy, trên thực tế đã qua đời từ tám năm trước.
Điều tra riêng của tờ báo cũng cho thấy một số cái tên trong danh sách cáo buộc của Tổng thống Philippines, hoặc không còn nắm giữ, hoặc chưa bao giờ ở các vị trí quyền lực, trong khi một số khác thì bị nhận diện sai về thành phố hoặc tỉnh.
Toàn bộ danh sách có bảy quan tòa, một số thị trưởng và dân biểu đương chức, một số đã về hưu và một lượng lớn các nhân viên công lực đang tại chức hoặc đã nghỉ.

‘Tôi sẽ trừng phạt các anh’

Image caption Tổng thống Duterte nói sẽ chịu trách nhiệm nếu những người bị nêu tên vô tội
Đề cập đến những thị trưởng có tên trong danh sách này, ông Duterte nói: “Tôi sẽ tước quyền điều hành lực lượng cảnh sát của họ. Trong vòng 24 tiếng, tất cả mọi người, quân cảnh, đang gắn liền với họ, hãy báo cáo về trụ sở chính. Tôi cho các anh 24 tiếng hoặc tôi sẽ trừng phạt và bãi nhiệm các anh.”
Ông Duterte nói mình sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trừng phạt sai đối với người vô tội.
Tổng thống nói mình bắt buộc phải nêu tên các viên chức này vì vấn nạn ma túy của Philippines quá lớn, với hàng trăm ngàn người Philippines là con nghiện.
Image copyright Reuters
Image caption Ông Duterte giành thắng lợi áp đảo trong kỳ bầu cử hồi tháng Năm 2016
Ông Duterte tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Philippines vào hồi tháng Sáu, sau khi giành thắng lợi áp đảo trong kỳ bầu cử một tháng trước đó.
Trước khi trở thành Tổng thống, ông Duterte là Thị trưởng của thành phố Davao, là thành phố lớn thứ ba của Philippines, trong vòng 22 năm với chính sách điều hành cứng rắn và gây tranh cãi, khiến ông có biệt danh “Người trừng phạt”.

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten