woensdag 28 september 2016

Tên lửa bắn MH17 'được chuyển đến từ Nga' + Toàn cảnh điều tra MH17

Tên lửa bắn MH17 'được chuyển đến từ Nga'

  • 4 giờ trước


Image copyright Reuters
Image caption 298 người trên khoang máy bay Malaysia Airlines MH17 thiệt mạng

Nhóm các công tố viên quốc tế hôm 28/09/2016 công bố báo cáo nói trái hỏa tiễn bắn hạ phi cơ MH17 của hàng không Malaysia hồi năm 2014 "được chuyển từ Nga sang lãnh thổ Ukraine".
Nhóm điều tra cũng thu hẹp khu vực máy bay bị bắn là thuộc vùng do phiến quân được Nga ủng hộ tại miền Đông Ukraine kiểm soát.
Báo cáo mới nhất được công bố loại trừ khả năng MH17 bị bắn từ một phi cơ như một số gợi ý ban đầu.
Chuyến bay MH17 từ Amsterdam đến Kuala Lumpur bị rơi trong lúc xung đột giữa quân chính phủ Ukraine và phe ly thân thân Nga dâng cao.
Toàn bộ 298 người trên khoang tử nạn khi chiếc phi cơ vỡ tung trên không trung.
Nga nói các kết luận điều tra "cực kỳ nặng tính chính trị" và các hỏa tiễn Buk của họ "không bao giờ bắn hạ" chiếc phi cơ.


Image caption Báo cáo mới nhất được công bố loại trừ khả năng MH17 bị bắn từ một phi cơ
"Dựa trên cuộc điều tra hình sự, chúng tôi đi đến kết luận là chuyến bay MH17 đã bị bắn rơi bởi một hỏa tiễn Buk thuộc series 9M83, được chuyển từ lãnh thổ Liên bang Nga tới," người đứng đầu nhóm điều tra của cảnh sát Hà Lan, Wilbert Paulissen nói trong cuộc họp báo hôm thứ Năm.
Giàn phóng hỏa tiễn sau đó đã được đưa trở lại Nga, ông nói.
Một cuộc điều tra do Cơ quan An toàn Hà Lan thực hiện hồi năm ngoái cũng kết luận rằng hỏa tiễn Buk do Nga sản xuất đã bắn trúng chiếc phi cơ, tuy nhiên không nói hỏa tiễn được phóng ra từ đâu.
Nhưng Nga bác bỏ kết luận trên và nói nó "cực kỳ nặng tính chính trị".
"Đây hẳn nhiên là một tuyên bố khiêu khích... không liên quan gì tới cuộc điều tra về thảm kịch cướp đi sinh mạng của chừng đó người," Leonid Stutsky, người đứng đầu ủy ba quốc hội Cộng đồng Các quốc gia Độc lập nói.
"Những kết luận này chỉ nhằm đạt một mục đích duy nhất - nhằm làm cách ly thêm nữa hình ảnh Nga trong chính trị toàn cầu," ông nói thêm.

Ai ra lệnh?



Các công tố khoanh vùng địa điểm phóng hỏa tiễn lại là ở một cánh đồng gần làng Pervomaiskyi, nơi do các phiến quân kiểm soát.
Họ xác định được danh tính của khoảng 100 người "liên quan tới vụ tai nạn hoặc việc vận chuyển hỏa tiễn Buk", nhưng vẫn chưa xác định ai là người phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cần phải xác định được ai là người ra lệnh đưa hỏa giàn phóng hỏa tiễn vào đông Ukraine, và lệnh phóng hỏa tiễn được đưa ra từ đâu, các nhà điều tra nói.
Nhóm điều tra do Hà Lan dẫn đầu gồm các công tố viên từ Hà Lan, Úc, Bỉ, Malaysia và Ukraine hợp tác tham gia.

Nhiều nhân chứng

Các công tố viên trong buổi họp báo đã cho chạy những đoạn băng ghi lén các cuộc gọi điện thoại.


Image caption Cả ba người trong gia đình gốc Việt tử nạn trên chuyến bay
Họ nói các nhân chức cho biết đã thấy giàn phóng hỏa tiễn được chuyển từ Nga vào Ukraine, và đã trình các hình ảnh, video.
Địa điểm phóng hỏa tiễn cũng được "nhiều nhân chứng" xác định, các công tố viên nói.
Thân nhân những người thiệt mạng trong chuyến MH17 đã được nghe trình bày trước khi nhóm điều tra công bố các kết quả tìm kiếm sơ bộ.
Có ba nạn nhân quốc tịch Hà Lan gốc Việt tử nạn trong vụ MH17 bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine tháng 7/2014.
Bà Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1977 và hai con là Đặng Minh Châu (sinh 1997), Đặng Quốc Huy (sinh 2001) bị tử nạn trên chuyến bay từ Hà Lan về qua Kuala Lumpur, Malaysia, để tới Hà Nội nghỉ hè cùng gia đình.


Tổng cộng có 298 người trên chiếc phi cơ, đa số mang quốc tịch Hà Lan, bị thiệt mạng.
Hồi tháng 5/2016, tin tức cho hay gia đình các nạn nhân của chuyến bay MH17 của hãng Malaysia Airlines đã kiện Nga và Tổng thống Vladimir Putin lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu.
Các nước Phương Tây và Ukraine nói những người nổi dậy phải chịu trách nhiệm về vụ phi cơ Malaysia trúng hỏa tiễn, nhưng Nga buộc tội lực lượng Ukraine.
Việc khởi kiện của các gia đình nạn nhân dựa trên sự vi phạm về quyền sống của hành khách, theo trang News.com.au.
Cáo buộc này đòi 10 triệu đô-la Úc (7,2 triệu đô-la Mỹ) cho từng nạn nhân, vụ kiện đưa ra tên bị đơn là chính quyền và Tổng thống Nga.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/09/160928_mh17_missile_russia

Toàn cảnh điều tra MH17

  • 2 giờ trước

Image copyright Reuters

Chuyến bay MH17, từ Amsterdam đến Kuala Lumpur, biến mất khỏi radar trong lúc đang bay qua Ukraine ngày 17/7/2014.
283 hành khách, gồm 80 trẻ em, cùng 15 phi hành đoàn ở trên máy bay.
Máy bay của Malaysia Airlines bị rơi sau khi bị tên lửa Buk, do Nga sản xuất, bắn.
Nhóm điều tra Hà Lan hôm 28/09/2016 công bố báo cáo nói trái hỏa tiễn bắn hạ phi cơ MH17 của hàng không Malaysia "được chuyển từ Nga sang lãnh thổ Ukraine".

Trách nhiệm của ai?

Máy bay rơi ở miền đông Ukraine do quân nổi dậy kiểm soát, vào lúc cao điểm xung đột giữa chính phủ và quân ly khai thân Nga.
Chính phủ ở Ukraine và nhiều viên chức Tây phương nói tên lửa do Nga đem tới, phóng đi từ khu vực quân nổi dậy Ukraine kiểm soát.
Một báo cáo của Hà Lan tổng hợp ba cuộc điều tra của Nga, Hà Lan và Ukraine để xem máy phóng tên lửa có thể đặt ở đâu.
Báo cáo xác nhận tên lửa có lẽ đã phóng đi từ vùng 320 cây số vuông ở đông Ukraine. Họ nói cần thêm nghiên cứu để chỉ ra chính xác nơi phóng.
Tháng Sáu 2016, nhóm điều tra quốc tế (JIT) có điều tra hình sự riêng, đã công bố hình chụp một phần của tên lửa Buk do Nga sản xuất, tìm thấy ở nơi rớt máy bay MH17 ở đông Ukraine.

Image caption Tên lửa Buk
Nhưng giới chức Nga và ly khai thân Nga bác bỏ cáo buộc liên quan.
Công ty Nga sản xuất tên lửa Buk khẳng định đây là mô hình mà quân Nga không còn sử dụng, và nói điều tra riêng của họ cho thấy nó bắn đi từ lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.
Hai ngày trước khi JIT sắp công bố báo cáo tạm thời hồi tháng Chín 2016, Nga đưa ra hình ảnh radar mà họ nói cho thấy máy bay không thể ở khu vực do quân nổi dậy kiểm soát.
Giới chỉ trích chỉ ra rằng Nga đã đưa ra ba giải thích sự kiện khác nhau từ khi máy bay bị bắn hạ.

Chuyện gì xảy ra?

Theo các nhà điều tra Hà Lan, máy bay rời sân bay Schiphol của Amsterdam lúc 10:31 GMT ngày 17/7.
Lẽ ra máy bay sẽ hạ cánh ở phi trường quốc tế Kuala Lumpur lúc 22:10 GMT.
Ủy ban an toàn Hà Lan nói máy bay mất liên lạc với kiểm soát không lưu lúc 13:20 GMT, khi cách biên giới Ukraine-Nga 50 cây số.
Malaysia Airlines lúc đầu nói máy bay mất liên lạc lúc 14:15 GMT.
Đoạn phim từ nơi rớt máy bay ở Donetsk, Ukraine, do quân ly khai thân Nga kiểm soát, và các nhân chứng thì cho biết hơn chục thi thể ở trên mặt đất.
Sau đó có thêm đoạn phim về khoảnh khắc sau khi MH17 rơi. Quay ngày 17/7/2014, đoạn phim này chỉ được xem vào ngày 16/11.

Vì sao máy bay rơi?

Ủy ban an toàn Hà Lan nói vụ rơi MH17 là do đầu đạn loại 9N314M của Nga phát nổ, được phóng đi từ hệ thống tên lửa Buk ở đông Ukraine.
Hệ thống vũ khí được xác định quay mẫu thiệt hại ở tro tàn máy bay, cũng như các mẩu bom.

Image copyright Reuters
Image copyright Getty
Image copyright Reuters
Dấu vết sơn trên mảnh vỡ tên lửa phù hợp với sơn của một phần tên lửa tìm thấy trong khu vực.
Các nhà điều tra Hà Lan mô phỏng các cách bay của đầu đạn để xác minh nó nổ ở đâu, và tìm thấy đầu đạn 70kg phù hợp với thiệt hại nơi tro tàn.
Nó cho thấy đầu đạn nổ ở khoảng bốn mét trên mũi máy bay, ở phía trái buồng lái phi công, bắn ra các mảnh vỡ vào máy bay.
Phần phía trước của máy bay bị xuyên thủng bởi hàng trăm vật năng lượng cao từ đầu đạn, giết ngay tức thì ba phi hành đoàn, khiến máy bay bị vỡ theo nhiều giai đoạn:
Đầu tiên buồng lái vỡ, nhưng máy bay vẫn bay.
Sau đó, các đầu cánh bị vỡ, phần sau máy bay cũng vỡ.
Phần chính máy bay rơi xuống mặt đất, bị lật ngửa.
Các nhà điều tra tin rằng khoảng 60 đến 90 giây sau khi buồng lái vỡ thì máy bay rơi xuống đất.
Các bằng chứng trước đó gồm hình ảnh được cho là chứng tỏ có máy phóng tên lửa đất đối không trong khu vực, phân tích giọng nói quân nổi dậy thân Nga dường như xác nhận bắn hạ máy bay, và hoạt động trên mạng xã hội nói rằng phiến quân liên quan.
Nhưng Nga trước đó bác bỏ mọi tố cáo họ cung cấp vũ khí cho phiến quân và nói báo cáo Hà Lan không cung cấp bằng chứng rằng máy bay bị người thân Nga bắn.
Ukraine lại nói điều tra chứng minh máy bay Malaysia bị tên lửa do Nga sản xuất bắn rơi, từ hệ thống Buk ở vùng nằm ngoài kiểm soát của Kiev.

Xác máy bay

Một phần máy bay được tìm thấy trong khu vực chừng 50 cây số vuông.
Sau vụ rơi, quốc tế chỉ trích cách phiến quân xử ly địa điểm rơi, để thi thể hành khách bị sức nóng mùa hè và để người tình nguyện không có huấn luyện được vào khu vực. Việc này dẫn tới nhiều tuần chậm trễ để di dời tro tàn, nhưng sau khi thỏa thuận với dân quân địa phương đã cho phép công việc tiến hành.

Ai điều tra?

Các nhà quan sát từ OSCE có nhiệm vụ quan sát hiện trường trước khi các nhà điều tra tới. Họ là nhóm đầu tiên thăm khu vực tro tàn, nhưng việc đi lại bị dân quân hạn chế.
Trách nhiệm điều tra thuộc về nhà nước quản lý nơi xảy ra vụ việc, theo Tổ chức hàng không dân sự quốc tế.
Vì vậy, chính phủ Ukraine mở điều tra nhưng Ủy ban an toàn Hà Lan được yêu cầu đứng đầu điều tra, vì đa số nạn nhân từ Hà Lan.
Một cuộc điều tra riêng của JIT, do Hà Lan dẫn đầu, đã thu thập bằng chứng về khả năng mở tòa hình sự, và đưa ra công bố tạm thời ngày 28/9.
Hồi tháng Bảy 2014, Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết ở Hội đồng Bảo an LHQ nhằm thành lập tòa quốc tế điều tra.
Tổng thống Vladimir Putin nói nó sẽ là “quá sớm” và có hại”.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/09/160928_mh17_investigation_explainer

'Mảnh hỏa tiễn Nga' ở nơi MH17 bị tai nạn

  • 11 tháng 8 2015
Image copyright Reuters
Image caption Hiện trường vụ tai nạn nằm ở khu vực phiến quân kiểm soát
Các nhà điều tra Hà Lan cho hay tìm thấy mảnh nghi là hỏa tiễn của Nga tại hiện trường máy bay MH17 rơi ở Ukraine.
Họ nói các mảnh này, có thể thuộc hệ thống tên lửa đất đối không Buk, rất đáng chú ý và có thể giúp xác minh ai đứng đằng sau vụ tai nạn.
Tuy nhiên chưa ai chứng minh được liên hệ giữa mảnh tên lửa với vụ rớt máy bay.
Chiếc phi cơ chuyến bay số hiệu MH17 đã rơi xuống khu vực phiến quân thân Nga kiểm soát hồi tháng 7/2014, làm cả 298 người bên trên thiệt mạng.
Trong số 283 hành khách có 80 trẻ em; 15 nạn nhân còn lại là phi hành đoàn.
Khoảng hai phần ba số người thiệt mạng là công dân Hà Lan, cộng thêm vài chục người Malaysia và Australia.
Ukraine và nhiều nước phương Tây đã cáo buộc phiến quân thân Nga là bắn rơi chiếc máy bay của Malaysia Airlines bằng hỏa tiễn Buk do Nga cung cấp.
Nga và phe ly khai một mực bác bỏ trách nhiệm và nói chính quân đội Ukraine đã thực hiện vụ này.
Nhóm điều tra chung (JIT) cùng Ủy ban An toàn Hà Lan ra thông cáo nói các mảnh hỏa tiễn đã "được tìm thấy trong chuyến thực địa trước ở miền Đông Ukraine".
Thông cáo viết: "Các mảnh vỡ gây chú ý đặc biệt cho cuộc điều tra hình sự vì chúng có thể cung cấp thêm thông tin về những người liên quan tới vụ tai nạn MH17. Vì lý do đó, JIT đang tiếp tục điều tra nguồn gốc các mảnh này".
"Hiện tại chưa thể đưa ra kết luận rằng có liên hệ giữa các mảnh vừa tìm thấy và vụ tai nạn MH17."
Thông cáo nói thêm rằng các nhà điều tra nay sẽ yêu cầu trợ giúp từ các chuyên gia vũ khí và xác lập chứng cứ để phân tích các mảnh vỡ.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/08/150811_mh17_missiles

Geen opmerkingen:

Een reactie posten