maandag 12 september 2016

Seoul nói Bắc Hàn sẵn sàng thử hạt nhân lần 6 + Bắc Triều Tiên dồn dập thử hạt nhân để buộc Mỹ đàm phán

Seoul nói Bắc Hàn sẵn sàng thử hạt nhân lần 6

  • 5 giờ trước


Image copyright Getty
Image caption Miền Bắc tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 dưới lòng hôm 9/9, được cho là mạnh nhất từ ​​trước đến nay

Các quan chức Nam Hàn cho hay Bắc Hàn có thể đang sẵn sàng cho một vụ thử hạt nhân mới bất cứ lúc nào.
Miền Bắc tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 dưới lòng hôm 9/9, được cho là mạnh nhất từ trước đến nay.
Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Nam Hàn cho rằng vẫn còn một đường hầm tại khu vực Punggye-ri có thể được sử dụng cho một vụ nổ thứ sáu bất cứ lúc nào.
Vụ thử bị quốc tế lên án hôm 9/9 càng gây thêm căng thẳng và khiến Nam Hàn phản ứng gay gắt.
Hôm 11/9, nguồn tin quân sự Nam Hàn nói với hãng Yonhap rằng Bình Nhưỡng có thể bị san phẳng nếu họ cho thấy bất kỳ dấu hiệu của một cuộc tấn công hạt nhân.


Image copyright Reuters
Image caption Những tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày càng hung hăng
Trong khi vẫn còn hoài nghi về tuyên bố của Bắc Hàn về việc gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo - nghĩa là họ có thể thực hiện tấn công hạt nhân - các chuyên gia cho rằng tiến bộ gần đây đáng quan ngại.

'Nực cười'

Hôm 12/9, Yonhap dẫn nguồn tin chính phủ cho hay báo cáo chỉ ra rằng miền Bắc đã chuẩn bị xong một vụ thử nữa, trong đường hầm trước đây chưa sử dụng tại khu vực nằm sâu dưới lòng đất Punggye-ri.
"Tình báo Seoul và Washington đang theo dõi chặt chẽ", quan chức chính phủ giấu tên nói.
Moon Sang-gyun, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Hàn, sau đó phát đi thông cáo tương tự. Ông không cho biết thêm chi tiết vì lý do an ninh.
Phóng viên BBC Stephen Evans ở Seoul nói rằng vụ thử hạt nhân mới khó có thể xảy ra ngay lập tức, trong lúc các nhà khoa học của Bình Nhưỡng muốn nghiên cứu kết quả của vụ thử gần nhất, nhưng vụ thử lần thứ sáu có thể diễn ra trong những tuần hoặc những tháng tới.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt mới với Bắc Hàn, điều mà miền Bắc gọi là "nực cười".
Bình Nhưỡng đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân trong năm nay, cũng như một số vụ thử tên lửa. Các vụ thử này đều bị lệnh trừng phạt hiện hành ngăn cấm.
Những tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày càng hung hăng.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/09/160912_nkorea_ready_another_nuclear

Seoul: Bắc Triều Tiên sẵn sàng thử vũ khí nguyên tử lần thứ sáu

mediaChân dung lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un bị đốt nhân một cuộc biểu tình chống Bắc Triều Tiên tại trung tâm Seoul (Hàn Quốc) ngày 10/09/2016.REUTERS/Kim Hong-Ji
Căn cứ vào các nguồn tin tình báo của Mỹ và Hàn Quốc, ngày 12/09/2016 bộ Quốc Phòng Hàn Quốc khẳng định Bắc Triều Tiên đã sẵn sàng thử nghiệm hạt nhân thêm một lần nữa, sau khi đã 5 lần liên tiếp khiêu khích cộng đồng quốc tế. Đợt gần đây nhất là hôm Thứ Sáu, 09/09/2016.
Như 5 lần trước đây, vụ thử sắp tới vẫn sẽ được tiến hành từ cơ sở hạt nhân Punggye Ri, nơi được trang bị một đường hầm. Hãng tin Yonhap trước đó trích dẫn nhiều nguồn tin từ phía chính quyền, cũng đưa tin và Bình Nhưỡng vừa hoàn tất khâu chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm khác.
Về phần tổng thống Park Geun Hye, làm việc với lãnh đạo các đảng phái chính trị tại Seoul vào sáng nay, bà cho là Bắc Triều Tiên đang thực sự một mối đe dọa « cận kề » đối với an ninh Hàn Quốc. Seoul không loại trừ khả năng những hành vi khiêu khích liên tiếp của chính quyền Kim Jong Un sẽ « làm dấy lên nguy cơ chiến tranh và rủi ro dẫn tới những vụ tấn công khủng bố trên bán đảo Triều Tiên ».
Về mặt ngoại giao, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho vào sáng nay lên đường tới Bắc Kinh trước khi bay sang Venezuela dự thượng đỉnh Phong Trào Phi Liên Kết, mở ra từ ngày 13 đến 18/09/2016. Giới quan sát ghi nhận ngoại trưởng Bắc Triều Tiên đến Bắc Kinh sau khi Washington và Seoul yêu cầu Liên Hiệp Quốc gia tăng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5.
Song song với chuyến công tác Bắc Kinh của ngoại trưởng Bắc Triều Tiên, cũng hôm nay đặc sứ Mỹ về hồ sơ Bắc Triều Tiên, Sung Kim, lên đường đến Seoul sau khi đã có một buổi làm việc tại Tokyo vào ngày Chủ Nhật 11/09/2016 với các quan chức Nhật Bản.
Đại diện Hoa Kỳ không loại trừ khả năng Washington đơn phương áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào chế đọ Kim Jong Un.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160912-seoul-khang-dinh-bac-trieu-tien-san-sang-thu-vu-khi-nguyen-tu-lan-thu-sau


Bắc Triều Tiên dồn dập thử hạt nhân để buộc Mỹ đàm phán


mediaHình ảnh Kim Jong Un trong một đoạn video được công bố ngày 09/09/2016, sau khi Bình Nhưỡng thử vụ tên lửa thứ 5.REUTERS/KTR

Tham vọng hạt nhân của chính quyền Kim Jong Un vượt ngoài dự phóng của cộng đồng quốc tế. Bình Nhưỡng tăng cường kho vũ khí chiến lược với mục đích bảo vệ chế độ. Giới chuyên gia không loại trừ khả năng Mỹ phải đàm phán với Bắc Triều Tiên.
Sau vụ Bắc Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ 5 vào sáng ngày 09/09/2016, mà theo Seoul đó là vụ thử một quả bom nguyên tử 10.000 tấn, có sức công phá lớn nhất trừ trước tới nay. Chế độ Kim Jong Un gia tăng các hành vi khiêu khích cộng đồng quốc tế vì mục đích gì và vì sao Bình Nhưỡng lại chọn thời điểm này ?
Kể từ năm 2014, hơn một năm sau khi Kim Jong Un thay cha lãnh đạo đất nước, Bình Nhưỡng đã dồn dập tiến hành các vụ bắn tên lửa và thử nghiệm vũ khí hạt nhân, thông báo làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để trang bị cho tên lửa, hay thành công phóng tên lửa từ tàu ngầm.
Giới quan sát không phủ nhận Bắc Triều Tiên đã phóng đại thành tích đề hù dọa quốc tế, nhưng đã phải nhìn nhận là Bình Nhưỡng đã có những bước tiến xa trên về công nghệ hạt nhân. Trả lời báo Anh, The Guardian số ra ngày 09/09/2016, bà Kelsey Davenport, giám đốc đặc trách về chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc tổ chức giám sát vũ khí Arms Control Association, trụ sở tại Mỹ, ghi nhận : Có nhiều khả năng hiện tại Bắc Triều Tiên đã làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để trang bị cho tên lửa tầm ngắn và tầm trung, các loại tên lửa đó có thể bắn tới Hàn Quốc hay Nhật Bản, tới các cơ sở quân sự của Mỹ trong vùng Đông Bắc Á.
Vẫn theo chuyên gia này, còn phải mất thêm nhiều thập niên nữa, hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên mới có thể bắn sang tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Dù vậy theo bà Davenport, tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ sắp tới, sẽ phải đặc biệt quan tâm đến « hiểm họa và mối đe dọa Bắc Triều Tiên ».
Về phần Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á, thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury, bang Vermont- Hoa Kỳ, ông cho là các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân dồn dập nói trên cho thấy Kim Jong Un không khoanh tay ngồi nhìn, phó mặc số phận của mình cho Mỹ như các ông Saddam Husein hay đại tá Kadhafi ở Irak và Libya xưa kia. Bình Nhưỡng dùng lá bài hạt nhân để buộc Hoa Kỳ phải chọn giải pháp đàm phán.
Điều nguy hiểm là, theo như phân tích của Mark Fitzpatrick, giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Chiến lược Quốc tế IISS tại Washington, các hành động của Bắc Triều Tiên có nguy cơ đẩy Nhật và Hàn Quốc vào một cuộc chạy đua vũ trang. Nói cách khác, giới phân tích không loại trừ khả năng, chiến lược « hung hăng » của Bắc Triều Tiên sẽ phản tác dụng.
Về câu hỏi tại sao Bắc Triều Tiên lại gia tăng các vụ thử tên lửa và bom nguyên tử vào thời điểm này, phó giám đốc chương trình Châu Á tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Châu Âu, Mathieu Duchâtel nêu lên những yếu tố như sau : Washington và Seoul đang ráo riết thảo luận về dự án thiết lập hệ thống phòng thủ THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Hệ thống chận bắt tên lửa THAAD của Mỹ một khi đi vào hoạt động sẽ giám sát chặt chẽ hơn các cơ sở hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Không muốn radar và tên lửa bắn tên lửa của Mỹ được đặt sát cạnh mình, nên Bắc Triều Tiên « kích hỏa » trước quả bom để dằn mặt cả Seoul lẫn Washington.
Thứ nữa, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền vào mùa xuân 2013, Bắc Kinh đã thắt chặt quan hệ với Seoul. Trung Quốc không còn là đồng minh gắn bó với Bắc Triều Tiên như trong quá khứ. Tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã không ngần ngại biểu quyết thông qua các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Ý thức được vấn đề an ninh và ổn định ngay tại biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, Bắc Kinh không đứng hẳn về phía phương Tây để mạnh tay trừng phạt chế độ Kim Jong Un, cho nên Bình Nhưỡng khai thác lá bài « gây chia rẽ » cộng đồng quốc tế trên hồ sơ hạt nhân Triều Tiên.
Tóm lại, giới phân tích của châu Âu và Mỹ đều nhận thấy rằng, đây là thời điểm để Bình Nhưỡng thị uy và dùng lá bài hạt nhân mặc cả với quốc tế. Bình Nhưỡng khai thác con chủ bài hạt nhân như một lá bùa hộ mệnh để bảo đảm cho sự tồn tại của chế độ Bắc Triều Tiên.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160909-bac-trieu-tien-don-dap-thu-nghiem-hat-nhan-de-buoc-my-dam-phan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten