zaterdag 24 september 2016

Chuyện gì xảy ra nếu Mỹ bỏ rơi Philippines? + Philippines tuyên bố cần có Mỹ ở Biển Đông

Chuyện gì xảy ra nếu Mỹ bỏ rơi Philippines?

media
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte duyệt đội danh dự trong lễ kỷ niệm 250 năm Airlift Wing (PAW) tại căn cứu không quân Pasay, ngoại ô Manila, ngày 13/09/2016.REUTERS/Romeo Ranoco

Chuyên mục “Freeman Opinion” trên trang Philstar, ngày 22/09/2016, đăng nhận định của Josephus Jimenez sau loạt tuyên bố chống Mỹ của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong thời gian gần đây. Theo tác giả, thái độ bốc đồng như vậy không thể kéo dài trong tương lai.
Bất luận là cách thể hiện tâm trạng bức xúc, dù là thoáng qua, hay sự tức giận tức thời trước những lời chỉ trích từ phía Mỹ liên quan đến chiến dịch chống ma túy tại Philippines, bất luận sự hiểu lầm nào đang diễn ra với cả hai nước, tất cả những chuyện này không nên trở thành yếu tố quyết định trong chính sách đối ngoại của Manila.
Đúng vậy, một chính sách đối ngoại độc lập không chỉ là chọn lựa một điều tốt mà nhất thiết còn là một nguyên tắc của quốc gia có chủ quyền. Thế nhưng, khi lựa chọn quyền này, liệu Philippines có cần phải phá vỡ tình hữu nghị có từ lâu với đồng minh thân cận nhất không ?
Giả sử chính phủ Mỹ quyết định giữ khoảng cách với Philippines. Liệu Manila có một mình chống lại được quyết tâm “bắt nạt” và chiếm lãnh thổ Philippines của Trung Quốc hay không ? Liệu chính phủ có bảo đảm được an ninh quốc gia trước những cuộc tấn công bất ngờ của “kẻ cướp” tại châu Á-Thái Bình Dương và truớc các mối đe dọa nguyên tử của Bắc Triều Tiên hay không ? Phải chăng để có một chính sách đối ngoại độc lập thì nhất thiết phải chống lại một đồng minh lâu đời và luôn đáng tin cậy ?
Đúng là Hoa Kỳ không phải là một người bạn hoàn hảo. Mỹ có nhiều khiếm khuyết, thậm chí là có nhiều điều không chấp nhận được. Nhưng liệu Philippines có một giải pháp thay thế tốt hơn không ? Liệu Manila đã thật sự sẵn sàng cắt đứt quan hệ với Chú Sam ? Phải chăng nói thì dễ mà làm thì khó ?
Người dân Philippines không bao giờ trông cậy vào Trung Quốc vì từ lâu cường quốc này vẫn nhòm ngó vùng lãnh hải tại biển Tây Philippines (Biển Đông) mà Bắc Kinh luôn tự nhận là một phần của biển Nam Trung Hoa. Giống thời xưa, Trung Quốc ngày nay tiến hành cạnh tranh thương mại không lành mạnh đối với nền kinh tế và các lĩnh vực kinh doanh của Philippines. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập đất nước, có giá rẻ nhưng lại không an toàn và có hại cho sức khỏe.
Trung Quốc còn nhẫn tâm tử hình nhiều công dân Philippines bị cáo buộc buôn bán và vận chuyển ma túy. Thế nhưng, hầu hết các ông trùm lại là người Hoa ; các loại ma túy, như methamphetamine hay các chất gây nghiện khác của họ, tràn ngập Philippines.
Manila cũng không thể trông cậy vào Nga dù các nhà lãnh đạo tỏ lòng ngưỡng mộ tổng thống Putin. Nga chưa giúp Philippines trong lúc hoạn nạn hay lúc khải hoàn. Ngược lại, Hoa Kỳ luôn đứng sau Philippines khi xảy ra thiên tai, những cuộc bạo loạn hoặc thảm họa. Dù có khuynh hướng áp đặt với Philippines những chính sách hay hệ tư tưởng của Mỹ, dù có thiên hướng bắt Manila dập khuôn theo các nguyên tắc tự do về nhân quyền và các quyền tự do công dân thì Mỹ vẫn là người bạn đáng tin cậy nhất của Manila. Có hàng triệu người Philippines đang sống ở Hoa Kỳ, từ Hawai đến New York, từ Seattle đến Floria, Philippines không nên chống Hoa Kỳ.
Washington không phải là một đồng minh hoàn hảo mà thường có thái độ ban ơn. Họ đã từng có những lúc trục lợi do sự ngây thơ và không biết lo xa của giới lãnh đạo trước đây. Nhưng phải nói là Mỹ đã làm rất nhiều cho đất nước và người dân Philippines. Cả hai nước đã sát cánh bên nhau hơn một thế kỷ để chống lại kẻ thù chung và đối mặt với những vấn đề chung.
Người Mỹ chưa từng lạm dụng phụ nữ Philippines như người Nhật từng làm, họ chưa bao giờ ức hiếp tổ tiên của người Philippines như người Tây Ban Nha đã làm trong suốt 377 năm.
Đúng là nước Mỹ không hoàn hảo, nhưng điều quan trọng hơn cả là chính Hoa Kỳ, chứ không phải nước nào khác, sát cánh cùng Manila khi những kẻ xâm lược muốn chiếm đất đai và tàn sát người dân. Philippines không có người bạn nào như Mỹ cả, vì vậy, thật điên rồ nếu chọn đối đầu với Mỹ và thậm chí là điều không nên nghĩ tới vào lúc này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160923-chuyen-gi-xay-ra-neu-my-bo-roi-philippines

Tổng thống Philippines tuyên bố cần có Mỹ ở Biển Đông

media
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (áo trắng) và các sĩ quan quân đội theo dõi một cuộc luyện tập giải cứu các con tin, ngày 15/09/2016.TED ALJIBE / AFP

Theo Bloomberg hôm nay 21/09/2016, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhìn nhận Manila cần có quân đội Mỹ tại Biển Đông, và sau đó lại phản đối những chỉ trích từ Hoa Kỳ và châu Âu về cuộc chiến chống ma túy của ông.
Một tuần sau khi kêu gọi chấm dứt tuần tra chung với Hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông và rút lực lượng Mỹ ra khỏi Mindanao, ông Duterte hôm qua biện minh rằng mục đích của ông chỉ nhằm thương lượng thành công với phe Hồi giáo nổi dậy.
Nói chuyện trước các quân nhân ở Davao, ông tuyên bố : « Tôi nói rằng có thể trong tương lai lực lượng đặc biệt Mỹ sẽ phải rời đi. Tôi chưa bao giờ nói họ phải ra khỏi Philippines. Dù sao đi nữa, chúng ta cần có họ tại Biển Đông ».
Cũng theo ông Duterte, Philippines « không có đủ vũ khí để có thể chiến đấu », « cũng không sẵn sàng tham chiến với Trung Quốc » « vì đó sẽ là một cuộc thảm sát ». Ông than phiền là các chiến đấu cơ được Không quân Philippines mua trước đây có hỏa lực không đủ mạnh. Tờ Philippines Star dẫn lời ông Duterte : « Vấn đề là họ không muốn giao cho chúng ta hỏa tiễn. Chúng ta có thể mua từ Hàn Quốc, nhưng Seoul không thể bán nếu Mỹ không đồng ý ».
Từ nhiều thập kỷ qua, liên minh quân sự với Philippines vẫn là nền tảng cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc yêu sách đến trên 80% diện tích Biển Đông. Ông Duterte nói sẽ tôn trọng liên minh, nhưng vẫn nhấn mạnh « một chính sách đối ngoại độc lập » và từng đặt ra câu hỏi, liệu Mỹ có can thiệp nếu Trung Quốc xâm lăng lãnh thổ của Philippines tại Biển Đông.
Trong một động thái khác, tối qua khi nói chuyện với các quan chức địa phương ở Davao, ông Duterte bác bỏ những chỉ trích về nạn giết người bừa bãi, trong chiến dịch chống ma túy đã làm hơn 3.000 người chết trong không đầy ba tháng qua.
Trước lời kêu gọi của Nghị Viện Châu Âu chấm dứt tình trạng giết người không qua xét xử, và nghị quyết chỉ thị cho đại diện 28 nước thành viên tại Manila giám sát các vụ vi phạm nhân quyền ở Philippines, ông Rodrigo Duterte dùng những từ ngữ thóa mạ và cử chỉ tục tĩu để phản bác, khẳng định những người bị giết toàn là tội phạm.
Tổng thống Philippines cũng cáo buộc Hoa Kỳ là đạo đức giả, nói rằng người Mỹ đã « vi phạm nhân quyền trầm trọng» trong những vụ đụng độ với thổ dân Moro vào năm 1906.
Về quan hệ với các láng giềng Đông Nam Á, tổng thống Rodrigo Duterte sẽ đi thăm Việt Nam và Thái Lan trong tuần lễ cuối của tháng Chín. Tờ Philippines Star cho biết ông Duterte hy vọng tiếp xúc với cộng đồng người Philippines tại hai nước này. Ông cũng nhận được lời mời đến thăm Nhật Bản.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160921-tong-thong-philippines-tuyen-bo-can-co-my-o-bien-dong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten