vrijdag 16 september 2016

Chiến tranh Trung-Mỹ : Khó xảy ra nhưng vẫn có thể

Chiến tranh Trung-Mỹ : Khó xảy ra nhưng vẫn có thể

mediaXe lội nước của Hoa Kỳ trong cuộc tập trận ở Biển Đông, ngoài khơi tỉnh Zambales, Philippines, tháng 04/2015.REUTERS
Rand Corporation, một tổ chức tư vấn (think tank) tại California, đã đưa ra một giả thuyết ít có cơ xảy ra : một cuộc chiến bất ngờ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Dù căng thẳng thường xuyên diễn ra, nhưng cho đến nay, cả hai cường quốc đối thủ vẫn nỗ lực kiềm chế để tránh đối đầu trực tiếp.
Trong bài viết « Chiến tranh Trung-Mỹ : Khó xảy ra nhưng vẫn có thể » trên mục « Ý Kiến & Thảo luận » của nhật báo kinh tế Les Echos (15/09/2016), nếu một cuộc chiến xảy ra giữa hai nước, lợi ích chính trị, kinh tế, thậm chí là xã hội do dân cư Trung Quốc di chuyển đến châu Mỹ sẽ là những hậu quả thảm hại. Thảm họa không chỉ đến với riêng với hai nước này, mà còn có thể là với vùng Đông Á và toàn thế giới. Cuộc chiến gần đây nhất giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên trong những năm 1950. Từ đó, hai cường quốc tránh trực tiếp đối đầu nhau, mà tham gia vào chiến tranh ủy nhiệm, như cuộc chiến ở Việt Nam.
Tuy nhiên, không nên ảo tưởng vào những nụ cười rạng rỡ tại thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu của nguyên thủ hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tại Washington, người ta hình dung ra điều tồi tệ nhất, như kết quả của một nghiên cứu được công bố vào mùa hè năm 2016 của Rand Corporation, một think tank được thành lập ngay sau Thế Chiến II và được đánh giá là có quan hệ mật thiết với giới quân sự Mỹ. Theo khẳng định trong bản nghiên cứu của « think tank » này, hiện nay, mối căng thẳng trong vùng đã đạt đến cấp độ có thể « dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự, thậm chí khốc liệt, giữa hai cường quốc ».
Theo tài liệu này, cả hai nước đang tập trung lực lượng quân đội trong những vùng, nơi căng thẳng ngày càng leo thang. Vì thế, phải nghĩ đến « điều không tưởng » : đó là một cuộc chiến, không phải do hành động « được chuẩn bị sẵn » từ hai phía, mà do sự cố hay tính toán sai lầm từ bên này hoặc bên kia. Tổ chức Rand Corporation xem xét mọi « mầm mống nhen nhóm » có thể dẫn đến một cuộc xung đột.
Chẳng hạn, tại Biển Đông, Bắc Kinh đã bồi đắp các đảo nhân tạo, xây dựng các đường băng, nhiều cơ sở hạ tầng và tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế (ZEE) 200 hải lý xung quanh các đảo này. Tham vọng của Trung Quốc khiến Philippines và nhiều đồng minh khác của Mỹ trong khu vực tức giận. Hơn nữa, vùng Biển Đông lại là tuyến đường hàng hải huyết mạch trung chuyển đến 40% hàng hóa toàn cầu.
Tháng 07/2016, Bắc Kinh giận dữ vì phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye cho rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines. Cho đến hiện nay, cuộc xung đột mới chỉ thể hiện trong ngôn từ. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) từng nói : « Đừng biến Biển Đông thành cái nôi chiến tranh ».
« Vạn lý Trường thành trên biển »
Căng thẳng với Nhật Bản trên biển Hoa Đông cũng không lắng dịu, mà còn đi xa hơn. Mùa hè năm 2016, do nguồn hải sản trong các vùng biển Trung Quốc bị giảm đi, khoảng 230 tầu cá của Trung Quốc, được gần chục tầu hải cảnh hộ tống, đã ùa đến đánh bắt xung quanh quần đảo Senkaku/Điều Ngư đang có tranh chấp với Nhật Bản.
Tháng 11/2013, Trung Quốc lập « vùng nhận dạng phòng không » (ADIZ) bao trùm khu vực từ miền nam Nhật Bản đến Đài Loan. Đây là « bức trường thành thứ tư của Trung Quốc, ở trên không », theo nhận định trong một nghiên cứu mới đây của Jun Osawa, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế ở Tokyo (IIPS). Cho tới nay, các hãng hàng không dân dụng và không quân các nước vẫn bỏ qua yêu cầu xin phép Bắc Kinh để được bay qua khu vực này. Tuy nhiên, ông Jun Osawa lưu ý, chỉ cần một sự cố nhỏ cũng « có thể gây ra một tính toán sai lầm » của Trung Quốc hay của các nước láng giềng ở Biển Đông.
Bối cảnh hiện nay khả dĩ hơn một chút. Tổng thống Barack Obama bước vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ thứ hai nên tỏ ra hòa dịu. Đối với Rand Corporation, Washington và Bắc Kinh phải hình dung ra được khả năng xảy ra một cuộc xung đột kéo dài với những hậu quả nặng nề về con người và kinh tế.
Tại Washington, viễn cảnh đáng báo động này không nhận được hết sự đồng thuận của giời chuyên gia. Theo nhận định của Anthony Cordesman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Hoa Kỳ và Trung Quốc vừa là đối thủ, vừa là những đối tác tiềm tàng. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng những thay đổi trong lực lượng quân sự và việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc là kết quả trực tiếp của ý chí « bảo vệ lợi ích của quốc gia này trong một vùng đầy biến động ». Thế nhưng, trở thành cường quốc số 1 thế giới cũng không nhất thiết phải tiến hành chiến tranh.

Trung Quốc : Những người vợ dũng cảm đòi trả tự do cho chồng luật sư
Sáu phụ nữ có chồng là luật sư Trung Quốc bị chính quyền bắt giữ từ hơn một năm nay liên tục có các hoạt động ủng hộ chồng mình. Phóng viên Brice Pedroletti của nhật báo Le Monde đã phác họa chân dung của « Những người vợ quả cảm » này trong chuyên mục « Điều tra ».
Trong một chiến dịch có quy mô lớn của cảnh sát ngày 09/07/2015 nhằm vào giới luật sư, những người chồng của họ lần lượt bị « mất tích ». Những người chồng này nằm trong số gần 300 người, phần lớn là luật sư và nhà hoạt động nhân quyền, bị bắt giữ, tra tấn và bị theo dõi. Sau nhiều tuần trôi qua, còn khoảng 15 người, trong đó có rất nhiều gương mặt nổi tiếng của giới bảo vệ nhân quyền, vẫn « bặt vô âm tín ».
Phóng viên của Le Monde đã gặp được 4 trong số 6 người vợ đòi tự do cho chồng. Hai người trong số bốn luật sư trên bị bắt giam vì tội « lật đổ nhà nước » và hai người khác thì bị cáo buộc « xúi giục lật đổ nhà nước ».
Đầu tháng 07/2016, hình ảnh của những người phụ nữ quả cảm này lan truyền trên khắp thế giới khi họ đến Tòa Án Tối Cao Bắc Kinh mặc váy in mầu đỏ tên những người chồng của họ và những lời ủng hộ, nhằm phản đối sự im lặng của tư pháp Thiên Tân (Tianjin). Họ cũng đăng những bức thư dài trên các website của các tổ chức phi chính phủ quốc tế để thuật lại cuộc chiến đau khổ của mình. Khi có thông tin phiên tòa xét xử sẽ diễn ra ngày 01/08, họ bị đưa về Thiên Tân, bị quản thúc tại gia. Cuối cùng, phiên tòa lại diễn ra ngày 02/08 mà không có các nhân chứng phiền toái này. Ngay cả nhiều quan chức ngoại giao phương Tây, thường có mặt tại các phiên xét xử như vậy, cũng không ở lại Thiên Tân sau ngày 01/08.
Từ đó, những người phụ nữ dũng cảm thường xuyên bị hạ nhục công khai : bị lôi về đồn cảnh sát, bị giam giữ không có lý do, gây sức ép để chủ nhà không kí hợp đồng thuê, không được liên lạc với chồng… Họ bị lôi vào một thế giới bạo lực không tưởng, nhưng đã đoàn kết để tiếp tục sống qua ngày.

Liên Hiệp Châu Âu bất định
« Châu Âu trong mối nghi ngờ hiện hữu » là dòng tựa lớn trên trang nhất của Le Monde. Thứ Sáu 09/09, tại Bratislava, lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu chỉ họp với 27 nguyên thủ mà không có Anh Quốc.
Ngoài thực tế "Brexit", Liên Hiệp còn đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, như người nhập cư, khủng bố, kinh tế. Trước những chia rẽ trong nội bộ Liên Hiệp, Ủy Ban Châu Âu muốn ngăn chặn sự chia rẽ trong châu lục bằng những dự án cụ thể. Thế nhưng, đầu tầu Pháp-Đức có vẻ như đang trục trặc vì sắp đến các kỳ bầu cử đầy bất trắc.
Có cùng nhận định trên, nhật báo Le Figaro viết : Lần này, cuộc khủng hoảng có tính quyết định. "Brexit", khủng bố, làn sóng nhập cư, phong trào dân túy lên cao, chia rẽ Đông-Tây : châu Âu có nguy cơ trở thành « nơi dung hợp mất phương hướng » mà mỗi bên chỉ lo cho lợi ích của mình.
Thế nhưng, những tham vọng của Liên Hiệp Châu Âu vẫn phải mang tính chiến lược, theo nhận định của chính trị gia người Ý Enrico Letta, được Le Monde trích dẫn. Đối mặt với những thách thức khủng bố, di dân, xích mích láng giềng, châu Âu không thể ngồi yên tố cáo hay cố hạn chế thiệt hại. Vẫn theo ông Letta, « chính việc Liên Hiệp Châu Âu không muốn giải quyết vấn đề Syria đã khiến Anh Quốc rút khỏi Liên Hiệp. Điều quyết định thái độ của cử tri, không phải là vấn đề người nhập cư ở Đông Âu, mà là những hình ảnh hỗn loạn hàng ngày tại Hy Lạp, Lampedusa hay ở Calais ».

Bầu cử Mỹ : Nếu Trump giành chiến thắng ?
« Trump có chiến thắng được không ? », câu hỏi này được Le Figaro đăng trên trang nhất. Vì chỉ còn ít thời gian trước kỳ bầu cử tổng thống, người được cho là « kẻ ngoài lề » đang lột xác thành người có thể trở thành tổng thống.
Ứng viên đảng Cộng Hòa theo đuổi chiến lược « thay đổi », có thể giúp ông tiến đến Nhà Trắng. Ông vừa thể hiện là một người có thể trở thành tổng thống ung dung và có khả năng hợp nhất, vừa là một « kẻ ngoài lề » sẵn sàng phá vỡ hệ thống. Donald Trump tỏ ra ung dung khi Hillary Clinton tức giận. Sự trở lại ngoạn mục trong cuộc đua của Donald Trump khiến giới quan sát sửng sốt. Le Figaro đánh giá, chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ lại có cuộc vận động bầu cử « điên rồ » như lần này.

Bayer-Monsanto : Sự hợp nhất đầy nguy hiểm ?
« Sự hợp nhất làm đảo lộn ngành nông nghiệp thế giới » là tựa lớn trên nhật báo kinh tế Les Echos. Tập đoàn Bayer của Đức sắp thuộc về tập đoàn Monsanto của Mỹ với khoản tiền « nhỏ mọn » chừng 66 tỉ đô la. Theo nhận định của Les Echos, một nhóm nhỏ các nhà công nghiệp có thể kiểm soát được 2/3 thị trường hạt giống thế giới.
Tập đoàn Monsanto khẳng định bị ghét bỏ một cách vô lý, trong đó phải kể đến tranh luận về sản phẩm biến đổi gien (OGM) mà « sự độc hại chưa bao giờ được chứng minh ». Thế nhưng, những sản phẩm này lại có thể nuôi được cả hành tinh.
Còn theo Libération, cuộc chạy đua giữa các tập đoàn hóa chất nông nghiệp nhằm mục đích kiểm soát tối đa các bằng sáng chế, đặc biệt là về sản phẩm biến đổi gien, và bán cho nhà nông « một gói dịch vụ đầy đủ » : từ hạt giống, phân bón đến thuốc trừ sâu. Với « gói đầy đủ » này, người nông dân bị phụ thuộc hoàn toàn vào một nhà cung cấp duy nhất. Nhờ đó, các tập đoàn đa quốc gia lại càng có thể gây sức ép đối với các chính phủ để thông qua các quy định buộc người nông dân sử dụng sản phẩm của họ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160915-chien-tranh-trung-my-kho-xay-ra-nhung-van-co-the

Geen opmerkingen:

Een reactie posten