zondag 25 september 2016

Xe điện có thật sự là... ‘xanh?’

Xe điện có thật sự là ‘xanh?’

Một chiếc Tesla sạc điện. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)
Tư Mỏ Lết
Có nhiều bài trong chuyên mục ký sự xe hơi này, giới thiệu về xe điện như là một giải pháp môi trường trong tương lai, một sản phẩm “xanh” (green product).
Mới đây có bạn đọc nêu ý kiến: “Nếu mà xe điện sạch thiệt, thì người Mỹ đã sản xuất và sử dụng nó từ lâu rồi!” Ý bạn đọc này là nghi ngờ chất “xanh” của xe điện!
Phản biện, dám suy nghĩ khác với đa số là một trong những đặc điểm của người Mỹ, giúp cho nước Mỹ tiến xa và trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới như hiện nay. Vì vậy, bài viết trong kỳ này sẽ thử tìm kiếm các ý kiến ngược lại: Xe điện có thật sự là “xanh?”
Khi mà nhà tỷ phú Elon Musk giới thiệu chiếc xe điện Tesla ra thị trường, người mua và lái nó cảm thấy hãnh diện, vì mình đã có ý thức làm sạch môi trường. Nhìn sơ là thấy liền: Xe điện chạy êm ru, không xả một miếng khói nào như các xe xăng, với cái ống khói đằng sau đuôi truyền thống.
Có thật vậy không? Có đơn giản “không khói là không ô nhiễm” không? Đã có nhiều công ty nghiên cứu, nhiều nhà khoa học không đồng ý với lập luận trên. Theo trang mạng www.wired.com, Devonshire Research Group, một công ty đầu tư chuyên đánh giá những công ty kỹ thuật, đã nghiên cứu sâu các dữ kiện, và kết luận rằng chuyện xe điện “bảo vệ môi trường” cần được xem lại! Devonshire không phủ định những chiếc xe điện không xả khí CO2 vào không khí như những chiếc xe xăng. Tuy nhiên, xe điện vẫn làm ô nhiễm môi trường, và xả khí carbonic theo một cách khác. Từ từng giai đoạn trong chu kỳ sống của một chiếc xe điện: Sản xuất – vận hành – tiêu hủy, xe điện đều góp phần gián tiếp vào việc hủy hoại môi trường.
Hãy bắt đầu với vấn đề cơ bản nhất của xe điện, đó là nhiên liệu vận hành. Xe điện không cần đốt xăng, dầu để chạy, nhưng có thể năng lượng điện nó sử dụng lại cần đốt xăng, dầu, hay than để sản xuất ra chứ? Như vậy, vấn đề tùy thuộc vào từng địa phương sản xuất điện bằng phương pháp nào. Thí dụ như ở California, nơi mà nguồn điện có sự đóng góp đáng kể của các nhà máy điện sử dụng nguồn nhiên liệu sạch như mặt trời, gió, thì chiếc xe điện ở đây quả là “xanh” khá rõ! Chứ nếu ở những tiểu bang sử dụng toàn là than để sản xuất điện, thì chiếc xe điện xem ra không hơn gì những chiếc xe xăng nếu xét về phương diện thải khí nhà kính! Xin lưu ý, năng lượng gió và năng lượng mặt trời đóng góp chưa nhiều lắm vào tổng số năng lượng điện sản xuất trên toàn nước Mỹ. Năng lượng gió chiếm tỉ lệ xấp xỉ 5%, trong khi năng lượng mặt trời chỉ là 0.75%. Ở California có khá hơn: 5% cho năng lượng gió, và 5% cho năng lượng mặt trời (số liệu trên wikipedia của năm 2015).
Bây giờ, thử nghiên cứu sâu vào chuyện sản xuất xe điện. Xe điện cần phải nhẹ, cho nên nó được chế tạo từ nhiều kim loại đặc biệt. Thí dụ như Lithium là vật liệu làm bình điện, nó nhẹ và độ dẫn điện cao, cho nên nó có khả năng chứa điện năng cao mà không làm cho xe điện quá nặng. Còn phải kể đến nhiều loại kim loại hiếm, có từ tính khác dùng để làm đèn, mạch dẫn điện. Vấn đề là ở chỗ những kim loại này được lấy từ những mỏ khoáng sản, mà quá trình khai thác lại gây ra sự hủy hoại môi trường lớn hơn so với những kim loại thông thường.
Kim loại hiếm có trữ lượng nhỏ, thường nằm ở những nơi khó khai thác. Lấy thí dụ như ở mỏ đất hiếm Jiangxi, Trung Quốc, công nhân phải đào những lỗ sâu 3 mét, đổ vào đó hóa chất để hòa tan đất sét, đem chúng lên cho vào dây chuyền tinh luyện (rất…ô nhiễm!) để cho ra những loại kim loại hiếm kể trên. Hãy tưởng tượng, chỉ có 0.2% những gì đem lên khó khăn từ lòng đất sẽ trở thành kim loại hiếm. Còn lại 99.8% vật chất, cộng với một lô hóa chất độc hại thêm vào trong quá trình tinh luyện, sẽ được đổ ngược lại vào trong môi trường. Quả là khó mà đo lường chính xác được mức độ ô nhiễm môi trường! Còn phải nói thêm rằng, ở Jiangxi việc khai thác quặng tương đối dễ, vì địa chất ở đó là đất sét. Chứ ở những vùng mỏ địa chất là đá, thì quá trình khai thác còn khó khăn hơn nhiều, với những máy khoan sử dụng dầu làm nguyên liệu, với mức độ xả khói rất kinh khủng! Với cái nhìn như vậy, các nhà nghiên cứu không chịu tách rời hình ảnh “chiếc xe điện xanh” ra khỏi cảnh tượng khói bụi mịt mù của những vùng mỏ xa xôi. Và họ đã kết luận rằng, xe điện gây ô nhiễm ở giai đoạn sản xuất, để bù lại cho lúc chúng vận hành không khói!
Bây giờ xét đến giai đoạn cuối của chiếc xe điện: Giai đoạn phế thải. Hãy tưởng tượng, chừng chục năm nữa, khi mà những chiếc xe điện đi đến giai đoạn “răng long đầu bạc.” Lúc đó, những bình điện của chúng sẽ đi về đâu? Trong những chiếc xe điện như Tesla, bình điện Lithium chiếm một trong lượng rất lớn, lên đến hàng nửa tấn! Và ai cũng biết, việc tiêu hủy, hoặc tái chế bình điện từ trước đến nay vẫn là một bài toán hóc búa đối với những ai quan tâm đến môi trường, bởi vì Lithium là một trong những hóa chất có khả năng gây hại cho sức khỏe con người. Có một tin vui là bình điện này không được phép đem đi chôn xuống đất, mà phải được đem đi tái chế, để thu hồi lại những vật liệu chính của nó. Vấn đề hiện nay là ở chỗ, do lượng bình điện cũ chưa đủ lớn, cho nên việc tái sinh chưa thể ở mức độ qui mô có thể đem lại lợi nhuận cho các công ty tái sinh. Nhưng trong tương lai, chắc chắc số lượng sẽ ngày càng lớn dần. Và các nhà sản xuất xe điện, ngay từ bây giờ đã phải đi tìm một công nghệ tái sinh phù hợp, để những bình điện Lithium không trở thành những kẻ đi phá hoại môi trường, xuất phát từ một chiếc xe “xanh.” Điển hình là hãng Tesla, với mô hình nhà máy Gigafactory, sẽ sản xuất và tái sinh bình điện ở một qui mô thật lớn, có tính hiệu quả kinh tế cao.
Để kết luận, cái nhìn phản biện theo truyền thống của Mỹ luôn luôn có những mặt tích cực. Đứng ở một góc nhìn toàn diện, tổng thể, có thể thấy xe điện – hay bất kỳ một sự vật hiện tượng nào – đều có mặt trái của nó. Nếu chỉ nhìn vào việc xe điện không khói mà vội kết luận là chúng “xanh hoàn toàn” là không hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta phủ nhận hoàn toàn giá trị của những chiếc xe điện. Đó là một hướng đi đúng đắn cho tương lai một quả địa cầu an toàn hơn, sạch sẽ hơn. Những ai có ý thức về môi trường vẫn có thể tiếp tục mua những chiếc xe điện, nhưng cũng quá tự tin, vội vã cho rằng chỉ có những chiếc xe xăng mới là thủ phạm làm ô nhiễm môi trường. Màu xanh lá cây trên mỗi chiếc xe điện cũng chỉ là… tương đối!

http://www.nguoi-viet.com/co-the-ban-quan-tam/xe-dien-co-su-la-xanh/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten