vrijdag 2 september 2016

Báo Ấn Độ : Thủ tướng Modi thăm Việt Nam để khẳng định vai trò của New Delhi ở Đông Nam Á + Hồ sơ Biển Đông

 Báo Ấn Độ : Thủ tướng Modi thăm Việt Nam để khẳng định vai trò của New Delhi ở Đông Nam Á

mediaThủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.MUNIR UZ ZAMAN / AFP
Báo chí Ấn Độ hôm nay, 29/08/2016 tiết lộ một số nội dung về chuyến ghé thăm Việt Nam của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 03/09 tới đây nhân dịp ông đến Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu. Đối với báo chí Ấn Độ, mục tiêu của ông Modi chính là khẳng định sự hiện diện của nước này trong khu vực Đông Nam Á vào lúc Trung Quốc không che giấu tham vọng bành trướng tại Biển Đông.
Chính sách chung của Ấn Độ hiện nay đối với Việt Nam là sẽ tăng thêm phần giúp đỡ quân đội, cả trên phương diện tài chính lẫn huấn luyện, trợ giúp trong lĩnh vực không gian, đầu tư nhiều hơn cũng như mua thêm phần hùn trong các lô dầu khí.
Một số nguồn thạo tin đã cho Economic Times biết là đỉnh cao chuyến công du kéo dài một ngày tại Việt Nam của thủ tướng Ấn Độ sẽ là việc ký kết hợp đồng cung cấp bốn chiếc tàu tuần tra cho quân đội Việt Nam, trong khuôn khổ ngân khoản 100 triệu đô la tín dụng được thông qua nhân chuyến thăm Ấn Độ của thủ tướng Việt Nam vào tháng 10/2014.
Ngoài ra, Ấn Độ có thể trợ giúp thêm Việt Nam về mặt tài chánh để nâng cao năng lực quân sự, như tăng số lượng cán bộ lực lượng vũ trang được Ấn Độ đào tạo, hỗ trợ thêm trong việc sửa chữa và bảo trì thiết bị quân sự. Sự giúp đỡ về mặt quốc phòng của New Delhi cho Hà Nội nhằm mục đích tăng cường năng lực của quân đội Việt Nam.
Theo Economic Times, trong khối ASEAN, cùng với Singapore, Việt Nam là một trong hai đối tác chiến lược hàng đầu của Ấn Độ. Mọi người đều chú ý đến quan hệ đối tác quốc phòng Ấn-Việt ngày càng tăng, nhưng bên cạnh đó, hai nước còn hợp tác với nhau trong lãnh vực an ninh hàng hải và an ninh mạng. Một kết quả quan trọng của chuyến thăm Việt Nam sắp tới đây của ông Modi có thể là một tài liệu về hợp tác an ninh mạng.
Theo ghi nhận của Economic Times, quan hệ thân hữu giữa New Delhi và Hà Nội đã trở nên gắn bó hơn trong một thập niên gần đấy trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng và lộ rõ tham vọng ở khu vực Đông Nam Á trong đó có Biển Đông.
Việc ông Modi chọn ghé thăm Việt Nam, một bên tranh chấp ở Biển Đông, trước khi đến Trung Quốc, rồi sau đó là Lào để tham dự các hội nghị với ASEAN và khối Thượng Đỉnh Đông Á EAS, tự nó đã mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160829-thu-tuong-modi-tham-viet-nam-de-khang-dinh-vai-tro-an-do-o-dong-nam-a

Thủ tướng Ấn Độ thăm Việt Nam: Biển Đông sẽ là hồ sơ nổi bật ?

mediaBiểu hiện cụ thể của quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Ấn: Tàu Hải Quân Ấn Độ thường xuyên ghé cảng Việt Nam, như Chiến hạm Sahyadri tại Đà Nẵng ngày 02/10/2015.CC/Indian Navy

Theo chương trình, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Hà Nội vào chiều tối ngày 02/09/2016 để thực hiện một ngày công du Việt Nam, trước khi bay sang Hàng Châu,Trung Quốc dự Thượng Đỉnh G20. Giúp Việt Nam tự vệ tại Biển Đông trước tham vọng của Trung Quốc sẽ là một chủ đề được thủ tướng Ấn trao đổi với giới lãnh đạo Việt Nam.
Nội dung cụ thể các cuộc thảo luận giữa thủ tướng Narendra Modi với chính phủ Việt Nam không được thông báo trước, nhưng truyền thông Ấn Độ tin chắc hồ sơ Biển Đông là trọng điểm.
Theo hãng tin ANI, trả lời một câu hỏi liên quan đến xung khắc tại Biển Đông, đại sứ Ấn Độ  tại Hà Nội P. Harish đã hàm ý cho rằng Trung Quốc cần phải tôn trọng phán quyết của Toà Trọng Tài La Haye, phủ nhận các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Đại sứ Ấn Độ nói nguyên văn như sau: « Chúng tôi tin rằng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS là nền tảng của luật quốc tế về biển và đại dương, và chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tôn trọng UNCLOS. »
Lập trường của New Delhi được ông P. Harish nhấn mạnh : Quyền tự do hàng hải tối cần thiết cho thương mại quốc tế.
Theo ANI, bình luận trên đây là một thái độ lên án Bắc Kinh một cách khôn khéo và nói lên được chủ trương của Ấn Độ trong chính sách « hướng đông ».  Trung Quốc trong thời gian qua đã từ chối công nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye.
Cũng theo lời đại diện ngoại giao Ấn : « Quốc phòng và an ninh là một cột trụ quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Ấn-Việt ».
Đối với ANI, các tuyên bố trên của đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam là những chỉ dấu cho thấy những hồ sơ nổi bật trong chương trình nghị sự của thủ tướng Modi tại Hà Nội.
Theo các nguồn tin thông thạo, ngoài sự kiện Ấn Độ sắp trao cho Việt Nam bốn tàu tuần duyên, nhân chuyến viếng thăm Hà Nội của thủ tướng Narendra Modi, dự án chuyển giao tên lửa đa năng BRAMOS cũng sẽ được thúc đẩy trong bối cảnh Việt Nam đang bị sức mạnh quân sự của Trung Quốc lấn áp.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160902-thu-tuong-an-do-tham-viet-nam-bien-dong-se-la-ho-so-noi-bat

Thủ tướng Ấn thăm Việt Nam, Bắc Kinh khuyên New Delhi tránh Biển Đông

mediaThủ tướng Ấn Độ Narendra ModiẢnh : Reuters
Báo chí Ấn Độ ngày hôm nay, 11/08/2016 cho biết : Mặc dù chưa có thông báo chính thức về chuyến thăm Việt Nam sắp tới đây của thủ tướng Narendra Modi, nhưng đại sứ Việt Nam tại New Delhi vừa xác nhận với báo chí là ông Modi sẽ ghé Hà Nội để thảo luận về hợp tác song phương, đánh dấu 10 năm hai nước nâng cấp quan hệ lên hàng Đối Tác Chiến Lược. Ông Modi chưa lên đường, nhưng Bắc Kinh đã bắn tiếng với New Delhi là không nên để cho hồ sơ Biển Đông phá hoại tiềm năng hợp tác to lớn giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo báo Ấn Độ Financial Express, trong buổi nói chuyện tại Câu Lạc Bộ Phóng Viên Ngoại Quốc ở New Delhi, đại sứ Việt Nam đã nêu bật triển vọng tốt cho Ấn Độ, nếu đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam, vì lẽ Việt Nam vừa là thành viên của Cộng Đồng Kinh tế ASEAN, vừa đã ký kết một loạt thỏa thuận tự do mậu dịch quan trọng, đặc biệt là Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Theo các nhà quan sát, thủ tướng Ấn Độ Modi có thể ghé thăm Việt Nam nhân dịp ông đến Trung Quốc tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh G20, diễn ra trong hai ngày 04 và 05/09, nơi ông sẽ có cuộc họp thượng đỉnh với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Để chuẩn bị cho sự kiện này, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ ghé New Delhi vào ngày mai. Như để dè chừng Ấn Độ đề cập đến vấn đề Biển Đông, một trong cái gai trong quan hệ Ấn-Trung, Trung Quốc lại theo kịch bản cũ đã bật đèn xanh cho báo chí cảnh báo Ấn Độ là không nên can dự vào Biển Đông.
Một bài viết trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm nay đã khuyên New Delhi là nên tránh những « rắc rối không cần thiết » liên quan đến tranh chấp Biển Đông khi tiếp đón ngoại trưởng Trung Quốc.
Đối với tờ báo này, không nên để cho Biển Đông trở thành « một nhân tố khác » tác hại đến quan hệ song phương Trung-Ấn, đặc biệt là phương hại đến giới xuất khẩu Ấn Độ, được cho là đang rất muốn gia tăng hiện diện tại Trung Quốc, thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới.
Tờ báo nhấn mạnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã gia tăng trong những tháng gần đây do một loạt các sự cố chính trị, do dó « vì Ấn Độ không trực tiếp tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, liệu có đáng để cho vấn đề này trở thành một yếu tố khác ảnh hưởng đến hợp tác Ấn-Trung hay không ? Ấn Độ nên xem xét việc này ».

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160811-thu-tuong-an-tham-viet-nam-bac-kinh-khuyen-new-delhi-tranh-bien-dong

Ấn Độ chuẩn bị bán hỏa tiễn chống hạm siêu thanh cho Việt Nam

mediaẤn Độ bắn thử tên lửa BrahMos (ảnh do bộ Quốc Phòng công bố ngày 01/11/2015)AFP PHOTO / DEFENCE MINISTRY
Các quan chức quốc phòng Ấn Độ đang chuẩn bị bán cho Việt Nam một trong những loại hỏa tiễn hành trình chống hạm có tốc độ nhanh nhất thế giới. Trang mạng USNI News của Học viện Hải quân Hoa Kỳ dẫn nhiều nguồn tin báo chí hôm qua 01/06/2016 cho biết như trên.
BrahMos là loại tên lửa chống hạm siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình, dựa theo kiểu P-800 Onyx của Nga, được New Delhi và Matxcơva cùng hợp tác sản xuất trong thập kỷ qua. Hỏa tiễn này được cho là một trong những loại hỏa tiễn chống hạm có tính sát thương cao nhất, nhờ vào tốc độ siêu nhanh của nó.
Theo Jane’s Defense Weekly, Ấn Độ dự tính xuất khẩu hỏa tiễn siêu thanh Mach 3 từ nhiều năm trước, nhưng vấp phải sự phản đối của Nga do vấn đề sở hữu trí tuệ vẫn chưa được giải quyết. Thêm vào đó, Trung Quốc – đối thủ trên biển của Ấn Độ và Việt Nam – tỏ ra lo ngại nếu New Delhi bán loại tên lửa này cho Hà Nội, sẽ phá vỡ thế cân bằng sức mạnh ở Biển Đông.
Praveen Pathak, phát ngôn viên của BrahMos Aerospace tuần trước đã nói với hãng thông tấn Tass của Nga : « Trong trường hợp Việt Nam, Trung Quốc cho biết họ chống lại việc Ấn Độ cung cấp vũ khí vì đang xung đột với Việt Nam về chủ quyền trên Biển Đông ».
Năm 2014, Ấn Độ đã đề nghị xuất khẩu hỏa tiễn cho Việt Nam nhân chuyến viếng thăm của tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng bất thành. Theo chuyên gia Eric Wertheim, nếu mọi việc suông sẻ thì đây sẽ là một thắng lợi lớn cho công nghiệp vũ khí Ấn Độ - xuất khẩu vũ khí vốn là một trong những mục tiêu để đẩy mạnh năng lực sản xuất trong nước.
Đối với Việt Nam, loại tên lửa mới này cũng giúp nâng cao năng lực chiến đấu trong lúc Hà Nội tìm kiếm tăng cường sức mạnh trên biển, chống lại sự bành trướng không ngừng của Trung Quốc. Ông Wertheim nói : « Việt Nam thuộc loại tầm tầm bậc trung, nếu xét về năng lực và các khiếm khuyết lớn của Hải quân, và Bắc Kinh đã đẩy Hà Nội vào cái thế phải xem xét lại vấn đề an ninh hàng hải của mình. Việc mua hỏa tiễn BrahMos sẽ cho thấy Việt Nam đang tìm kiếm các đối tác khác, ngoài những đối tác truyền thống ».
Vụ mua vũ khí quan trọng nhất gần đây của Hà Nội là sáu chiếc tàu ngầm tấn công lớp Kilo của Nga, một phần trong thương vụ ký kết năm 2009 với Matxcơva, trị giá từ 1,8 đến 2 tỉ đô la.
Hỏa tiễn BrahMos hiện nay được sản xuất để bắn đi từ mặt đất và trên không, nhưng Ấn Độ đang thử nghiệm một phiên bản có thể phóng ra từ tàu ngầm, thiết kế để sử dụng trên các tàu ngầm Kilo của Việt Nam.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160602-an-do-chuan-bi-ban-hoa-tien-chong-ham-sieu-thanh-cho-viet-nam

Ấn Độ-Việt Nam : Đối trọng mới của Trung Quốc ở châu Á

mediaChiến hạm Sahyadri của Hải Quân Ấn Độ thăm cảng Đà Nẵng 4 ngày, trong khuôn khổ "chính sác hướng Đông". Ảnh chụp ngày 02/10/2015.CC/Indian Navy
Ấn Độ không còn che giấu tham vọng đóng một vai trò chính trị và an ninh tích cực hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là nhận xét của tác giả Sylvia Mishra, trong bài phân tích đăng trên trang mạng nationalinterest.org ngày 25/04/2016.
RFI tiếng Việt xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Nghiên cứu Quan sát, chuyên gia về chính sách của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và quan hệ Ấn Độ-Hoa Kỳ.
Theo nhận định của nhà nghiên cứu Sylvia Mishra, vì các lý do chính trị và thương mại, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong chính sách tư duy chiến lược của Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ có thể chưa đủ khả năng hòa nhập một cách khôn khéo vào khu vực, do thiếu chính sách phù hợp, hiện đại hóa quân sự và tốc độ phi mã của nền kinh tế khu vực. Tuy nhiên, New Delhi đã từng bước phát triển trọng lượng chiến lược và kinh tế của mình thông qua “Chính sách hướng Đông” (Act East policy) và theo đuổi chinh sách ngoại giao đa phương.
Đọc thêm: Ấn Độ thách thức Bắc Kinh khi tăng cường quan hệ với Việt Nam
Trong bối cảnh tăng cường an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một quốc gia quan trọng giúp Ấn Độ có thể hiện diện và duy trì vị trí trong khu vực là Việt Nam. Trong vài năm gần đây, vai trò ngoại giao của Hà Nội đã gia tăng trong tính toán chiến lược của New Delhi. Giữa một “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ và một “Chính sách hướng Tây” của Việt Nam, cả hai nước có một cơ hội lịch sử để hình thành sự cân bằng quyền lực ở châu Á.
Ấn Độ-Việt Nam và truyền thống bang giao
Chính quyền Modi đã đánh dấu sự chín chắn trong chiến lược châu Á của Ấn Độ, thể hiện qua việc cam kết tăng cường và nâng mối quan hệ với Việt Nam ở cấp độ cao hơn. Tuy nhiên, cả hai nước cần phải nỗ lực nhiều hơn để xây dựng chiến lược phối hợp ngoại giao và quân sự một cách rõ ràng hơn và gần gũi hơn. Sự lo ngại trước những yêu sách bành trướng và thái độ ngang nhiên coi thường các nguyên tắc quốc tế của Trung Quốc càng giải thích việc New Delhi và Hà Nội cải thiện quan hệ song phương.
Ấn Độ và Việt Nam đã có nền tảng tảng quan hệ ngoại giao chặt chẽ được Jawaharlal Nehru, vị thủ tướng Ấn Độ đầu tiên và chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh thiết lập trong chuyến công du Ấn Độ tháng 02/1958. Tuy nhiên, cả hai nước cần phải vượt trên cả những nền tảng lịch sử này để xây dựng cơ chế chính trị-quân sự mới hoàn toàn thích ứng với một trật tự châu Á đang phát triển. Tương lai rộng mở cho mọi mối quan hệ hợp tác tốt đẹp hơn giữa hai nước, trong các lĩnh vực phát triển hợp tác quốc phòng, ngoại giao, hải quân hay thương mại và đầu tư.
Gần đây, trong chuyến thăm chính thức New Delhi vào tháng 05/2014 của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, các nhà lãnh đạo hai nước tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ quốc phòng thông qua đối thoại an ninh, xây dựng năng lực và hành động nhân đạo rà xóa bom mìn theo quy định của Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM Plus).
Hai nước cũng đã ký một biên bản ghi nhớ về hạn mức tín dụng, theo đó Ấn Độ cho Việt Nam vay 100 triệu đô la để mua trang thiết bị quốc phòng. Nằm trong khoản vay trên có đơn hàng Ấn Độ chuyển giao cho Việt Nam bốn tàu tuần tra ngoài khơi. Những sự kiện này cho thấy, một mặt, Ấn Độ đã sẵn sàng để trở thành một nước xuất khẩu vũ khí ; mặt khác, quốc gia Nam Á này cũng mong muốn góp phần nâng cao năng lực quốc phòng của Việt Nam.
Đọc thêm: Ấn Độ cung cấp cho Việt Nam tàu tuần tra cao tốc
Tuy nhiên, việc New Delhi hỗ trợ Hà Nội hiện đại hóa lực lượng quân sự không phải là điều mới mẻ. Trước đó, dưới thời chính phủ của đảng Liên minh Tiến Bộ Thống nhất (United Progressive Alliance, UPA) đã diễn ra nhiều cuộc đàm phán chuyển giao các tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos do Ấn Độ sản xuất. Nhưng quá trình đàm phán không mấy tiến triển do đảng Liên minh Tiến Bộ Thống nhất tỏ ra do dự trong việc xuất khẩu vũ khí quốc phòng. Từ hai năm qua, chính phủ của ông Modi cũng đã không thúc đẩy được quá trình này.
Việt Nam cũng đã tìm cách hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực hàng hải. Cả hai nước đã tham gia vào trao đổi tàu thuyền thường xuyên, trong khi các sĩ quan Ấn Độ huấn luyện cho các lực lượng tàu ngầm Việt Nam. Trước những tranh chấp lãnh thổ và tuyên bố chủ quyền trên gần hết vùng Biển Đông của Trung Quốc, Việt Nam đã phải nỗ lực để giữ lãnh thổ trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng tiến hành nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trên các rạn san hô.
Đọc thêm: Triển khai sang Biển Đông: Tàu chiến Ấn Độ thăm cảng Đà Nẵng
Một báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (Stockholm International Peace Research, SIPRI) nhấn mạnh rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm 46% lượng vũ khí nhập khẩu toàn cầu trong vòng 5 năm trở lại đây. Cuộc chạy đua vũ trang cũng chứng tỏ tính thiếu an toàn tại khu vực này, nơi Trung Quốc “bắt nạt” các nước láng giềng nhỏ hơn song lại không bị trừng phạt.
Từ lâu, Ấn Độ rất thận trọng với các bên tranh chấp lãnh thổ. Nhưng dưới thời chính quyền Modi có một sự thay đổi chính sách ngày càng rõ nét. Hiện New Delhi tiếp cận vấn đề này một cách thực dụng hơn và không ngại làm “mếch lòng” Trung Quốc.
Ấn Độ hưởng ứng chính sách “xoay trục” sang châu Á của Mỹ
Tuyên bố “Tầm nhìn chiến lược” Ấn Độ-Mỹ về khu vực châu Á-Thái Bình Dương cùng với việc ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông là một trong những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi chính sách trên. Mặc dù New Delhi đã từ chối nhiều cuộc đàm phán về tuần tra chung ở Biển Đông với Hoa Kỳ, nhưng Ấn Độ đang dần để lộ rõ tham vọng đảm trách vai trò an ninh quan trọng hơn để khôi phục trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực này.
Nhìn xa hơn, quan hệ hợp tác của Ấn Độ với Việt Nam trước hết là sự hưởng ứng ngày càng mạnh mẽ đối với chính sách “tái cân bằng” của Mỹ. Ấn Độ, Hoa Kỳ và Việt Nam cùng chia sẻ lợi ích chung trong việc ngăn chặn hành vi thống trị của Trung Quốc trên các tuyến đường thương mại hàng hải, cũng như các yêu sách đòi hỏi chủ quyền và hành vi chiếm đoạt lãnh thổ của Bắc Kinh.
Đọc thêm: Tàu chiến Ấn Độ tới Biển Đông tập trận với các nước Đông Nam Á
Vào thời điểm khi Trung Quốc đang triển khai hệ thống tên lửa tiên tiến địa đối không trên các đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam coi sự hiện diện của Hoa Kỳ như một lá chắn chống lại sức mạnh quân sự ngày càng hùng hậu của Bắc Kinh. Chắc chắn, quân đội Hoa Kỳ đồn trú trong khu vực sẽ có tầm ảnh hưởng đáng kể đến sự cân bằng sức mạnh tại đây. Tuy nhiên, duy trì ngoại giao và sự hỗ trợ an ninh với các nhân tố khác trong vùng như Ấn Độ, Nhật Bản và Úc sẽ là một lực cản đáng kể. Thêm vào đó là lời cam kết về kinh tế của New Delhi với Việt Nam và các nước châu Á-Thái Bình Dương khác cũng là một yếu tố giúp các quốc gia khác nhìn nhận Ấn Độ như một cán cân tái cân bằng trong vùng.
Tuy nhiên, mối quan hệ đối tác thương mại Ấn Độ và Việt Nam vẫn còn chưa phát triển mạnh. Trong khi thương mại của Ấn Độ với Việt Nam ở mức thấp đáng ngạc nhiên, chỉ vào khoảng 8,08 tỉ đô la (năm 2014), thì ngược lại giao thương Việt Nam-Trung Quốc không ngừng tăng, bất chấp những tranh chấp lãnh thổ kéo dài từ nhiều thế kỷ, đạt 66 tỉ đô la (năm 2015).
Theo một báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài thuộc bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, có khoảng 1.346 dự án của Trung Quốc đang được thực hiện tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 10,4 tỉ đô la. Như vậy, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn thứ chín trên tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Vẫn theo báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng mạnh vốn đầu tư : từ 312 triệu đô la vào năm 2012 lên tới 2,3 tỉ đô la vào năm 2013 và cuối cùng là 7,9 tỉ đô la vào năm 2014.
Đọc thêm: Việt - Ấn mở rộng hợp tác dầu khí Biển Đông bất chấp Trung Quốc
Là thành viên của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), Việt Nam muốn tận dụng các khoản đầu tư Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Chính vì vậy, để đáp ứng những ràng buộc kinh tế, giới doanh nghiệp Việt Nam không ngừng nỗ lực để kiềm chế làn sóng bạo lực và bài Trung Quốc trong những năm gần đây.
Cách Ấn Độ tiếp cận thực tế với Việt Nam nên bao gồm cả quan hệ chiến lược và quốc phòng, cũng như thúc đẩy chính sách thương mại và đầu tư đầy tiềm lực trong các lĩnh vực dệt may, nông nghiệp, dược phẩm, năng lượng, dầu mỏ và khí đốt. Những nỗ lực để xây dựng hợp tác song phương này không chỉ là chìa khoá cho tái cân bằng quyền lực châu Á, mà còn mở đường cho vai trò chủ đạo của Ấn Độ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160428-an-do-viet-nam-doi-trong-moi-cua-trung-quoc-o-chau-a-thai-binh-duong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten