woensdag 12 oktober 2016

Hiểm hoạ... "Trung Quốc" trong dự án thép Cà Ná của tập đoàn "Tôn Hoa Sen"

Hiểm hoạ Trung Quốc trong dự án thép Cà Ná


Cờ Trung Quốc đã tung bay ở Vĩnh Tân, và sắp tới là Cà Ná? Ảnh: Lê Anh Hùng
Cờ Trung Quốc đã tung bay ở Vĩnh Tân, và sắp tới là Cà Ná? Ảnh: Lê Anh Hùng
Gần một tháng nay, dự án khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná do Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đề xuất triển khai tại Ninh Thuận đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng Việt Nam. Với tổng vốn đầu tư lên tới 10,6 tỷ USD, dự án khổng lồ này đang bị dư luận lo ngại là sẽ trở thành một Formosa Hà Tĩnh mới ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nhất là sau khi người ta phát hiện ra bóng dáng Trung Quốc đằng sau dự án.
Về mặt môi trường, dự án đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cả giới chuyên môn lẫn dân chúng, trong bối cảnh thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Bắc Trung Bộ vẫn còn nóng hổi, nhức nhối, và tiếp tục là một hiểm hoạ lơ lửng trên đầu dân tộc Việt Nam. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến những hệ luỵ về an ninh quốc phòng của dự án đối với đất nước chúng ta.
Vì sao Trung Quốc quan tâm đến dự án thép Hoa Sen Cà Ná
Cà Ná là một khu vực có địa thế hiểm trở, vừa nhỏ vừa hẹp, trước mặt là biển, sau lưng là đồi núi. Quốc lộ 1A chạy qua đây là tuyến độc đạo nối liền Nam - Bắc. Vì thế, chỉ cần một đội quân nhỏ là đã đủ sức chia cắt giao thông Bắc - Nam. Nếu bị tắc ở đây, xe cộ từ phía Bắc vào phải quay trở ra thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, cách Cà Ná khoảng 30km, rồi theo tỉnh lộ 27 để đi lên Tây Nguyên; còn xe cộ từ phía Nam ra thì phải quay lại thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cách Cà Ná khoảng 70km, rồi theo tỉnh lộ 28 để đi lên Tây Nguyên. Nếu Tây Nguyên cũng bị chia cắt nữa thì coi như Việt Nam bị chia cắt thành 2 phần ở đây.
Đặc biệt, Cà Ná còn có cảng nước sâu tự nhiên với độ sâu tới 20m, không bị bồi lắng và hàng trăm năm qua chưa có bão. Đây là địa điểm lý tưởng cho tàu chiến đổ bộ và neo đậu.
Như vậy, về mặt quân sự, Cà Ná là một khu vực cực kỳ xung yếu. Nó là vị trí đắc địa cho cả đội quân nằm vùng lẫn lực lượng đổ bộ từ ngoài biển vào. Nếu kiểm soát được Cà Ná thì khi hữu sự, Trung Quốc chỉ cần kích hoạt quả bom nguyên tử mang tên “bùn đỏ” ở Tây Nguyên, hoặc phối hợp với lực lượng từ bên kia biên giới Campuchia đánh sang, là có thể chia cắt Việt Nam thành hai phần tại khu vực này. Chưa hết, cùng với các căn cứ quân sự Trung Quốc ở Trường Sa, lúc đó Việt Nam còn bị chia cắt cả đường biển.
Trong bài “Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân và hiểm hoạ mất nước” trên VOA ngày 20/4/2015, chúng tôi đã báo động việc Trung Quốc đã thiết lập được căn cứ ở Vĩnh Tân thông qua việc làm chủ đầu tư 2 dự án nhà máy nhiệt điện là Vĩnh Tân 1 và Vĩnh Tân 3 theo hình thức BOT.
Vĩnh Tân chỉ cách Cà Ná chừng 6km, và cũng là một địa điểm xung yếu về an ninh quốc phòng. Hai căn cứ quân sự trá hình cách nhau chỉ 6km – mức độ nguy hiểm đến thế nào thì có lẽ ai cũng hình dung ra được.
Đặc biệt, vịnh Cam Ranh – lá bài quan trọng nhất của Việt Nam trong chiến lược bảo vệ Trường Sa và Biển Đông – chỉ cách Cà Ná 75km. Nếu kiểm soát được Cà Ná và vùng biển xung quanh, Trung Quốc sẽ dễ dàng uy hiếp Cam Ranh, cũng như tàu bè ra vào vịnh. Ngoài ra, Cà Ná cũng chỉ cách địa điểm đặt Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) khoảng 20km và Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) khoảng 50km.
Trung Quốc có thể làm chủ dự án thép Hoa Sen Cà Ná như thế nào?
Một khi dự án được triển khai, Trung Quốc có rất nhiều cách thức hợp pháp để trở thành chủ nhân thực sự của nó. Chẳng hạn, họ có thể mua cổ phần của HSG; ký hợp đồng EPC với chủ đầu tư rồi sau khi thực hiện xong hợp đồng thì lấy giá trị hợp đồng làm vốn góp; cho tập đoàn Hoa Sen vay vốn rồi tiến tới thoả thuận chuyển nợ thành vốn góp; mua cổ phần của đối tác tham gia thực hiện dự án với Hoa Sen, v.v.
Dự án Hoa Sen Cà Ná và các căn cứ khác của TQ từ Hà Tĩnh trở vào. Xin lưu ý thêm, Campuchia giờ đã trở thành một căn cứ khổng lồ của TQ, còn Lào thì đang ngả dần về phía Bắc Kinh.
Dự án Hoa Sen Cà Ná và các căn cứ khác của TQ từ Hà Tĩnh trở vào. Xin lưu ý thêm, Campuchia giờ đã trở thành một căn cứ khổng lồ của TQ, còn Lào thì đang ngả dần về phía Bắc Kinh.

Với một vị trí vô cùng lợi hại như Cà Ná thì ngay cả khi không trực tiếp tham gia vào dự án thép, Trung Quốc cũng sẽ tìm mọi cách để thâu tóm nó thông qua những cách thức hợp pháp nêu trên. Chủ tịch HSG Lê Phước Vũ từng khẳng định việc sử dụng công nghệ thép của Trung Quốc “không thành vấn đề”, và trong bối cảnh nợ nần đầm đìa như hiện nay thì việc HSG bắt tay với các ông chủ Trung Quốc là một khả năng rất dễ xảy ra. (Xin lưu ý là tháng 6/2015, tập đoàn CISDI của Trung Quốc đã đến Ninh Thuận để khảo sát địa điểm để thiết kế xây dựng tổ hợp thép Hoa Sen Cà Ná, và tháng 7/2015 HSG đã cử người sang Trung Quốc để làm việc với CISDI. Từ năm 2008 đến nay, CISDI đã thiết kế kỹ thuật, lập dự án khả thi, mua sắm thiết bị, và thi công những hạng mục quan trọng nhất của dự án Formosa Hà Tĩnh.)
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của công luận, ngay trong ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm Trung Quốc, Bộ Công Thương vẫn lên tiếng bảo vệ dự án thép Hoa Sen Cà Ná. Chưa hết, ngày 13/9 vừa qua, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh còn chỉ thị cho các cơ quan báo chí trong cả nước “dừng phản biện, đưa tin về dự án thép của Tôn Hoa Sen”. Xem ra một đại hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường nữa lại sắp lơ lửng trên đầu dân tộc.
* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Lê Anh Hùng


    Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten