woensdag 19 oktober 2016

Bệnh chân voi

Bệnh chân voi

Chào mừng quý vị và các bạn đang đến với chuyên mục “Sức Khỏe và Đời Sống” của Đài Á Châu Tự Do phát thanh sáng Thứ Năm hàng tuần.
Trà Mi, phóng viên đài RFA
2008-12-19

Bệnh chân voi.
Bệnh chân voi.
Photo courtesy of Wikipedia

Qua những cuộc trao đổi giữa Trà Mi với các bác sĩ trong và ngoài nước thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau, “Sức Khoẻ và Đời Sống” sẽ cung cấp kiến thức y học tổng quát nhằm giúp nâng cao nhận thức về việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ.
Trong tuần qua, chương trình có nhận được email của thính giả Lê Bình hỏi về bệnh chân voi ở người. Căn bệnh nghe ngồ ngộ nhưng tính nguy hiểm và tàn phá của nó đối với sức khoẻ thể chất và tinh thần của con người rất lớn. Cho nên hôm nay Trà Mi mời quý vị cùng gặp gỡ Bác sĩ Quang Đi ở Sài Gòn, chuyên khoa ký sinh trùng, để hỏi thăm chi tiết về căn bệnh này.

Nguyên nhân

Trà Mi: Bệnh chân voi là bệnh gì, thưa Bác Sĩ?
BS Quang Đi: Bệnh chân voi là một bệnh lý do giun chỉ. Giun chỉ có hai nhóm, một nhóm là ký sinh của hệ bạch huyết, nhóm thứ hai là nhóm ký sinh hệ mô liên kết thì nhóm này ít gây hiện tượng chân voi hơn cái loại đầu tiên. Mặc dù giun chỉ chia làm hai nhóm chính là nhóm ký sinh hệ bạch huyết và nhóm ký sinh hệ cơ của mô liên kết nhưng chủ yếu là nhóm ký sinh hệ bạch huyết gây ra bệnh chân voi. Về mặt bệnh lý, con giun chỉ sau khi xâm nhập vào người thì nó gây tắt hệ bạch huyết, làm cho bạch huyết không được lưu thông, và tình trạng bị ứ đọng làm cho chân bị phù lên và nó cứng dày lên gọi là phù chân voi.

Bệnh chân voi là một bệnh lý do giun chỉ. Về mặt bệnh lý, con giun chỉ sau khi xâm nhập vào người thì nó gây tắt hệ bạch huyết, làm cho bạch huyết không được lưu thông, và tình trạng bị ứ đọng làm cho chân bị phù lên và nó cứng dày lên gọi là phù chân voi.
BS Quang Đi
Trà Mi: Thưa, Bác Sĩ nói bệnh chân voi là do giun chỉ bạch huyết gây nên nhưng mà tại sao lại bị nhiễm giun này ạ?
BS Quang Đi: Con người mình là ký chủ vĩnh viễn chứa giun chỉ trưởng thành, tức là con người bị giun chỉ là thông qua do vật trung gian là muỗi hoặc ruồi.
Trà Mi: Nhưng mà có loại ruồi hoặc muỗi nào đặc biệt mang ký sinh trùng này hay không, hay là bất cứ loại ruồi muỗi nào cũng có thể gây bệnh này, thưa Bác Sĩ?
BS Quang Đi: Tức là bệnh chân voi là một bệnh do giun chỉ gây ra. Bệnh này do loại muỗi mà đặc hiệu nhất là muỗi anôphên là hai loại muỗi hay gặp nhất truyền ấu trrùng giun chỉ vô trực tiếp con người.
Trà Mi: Nhưng mà để truyền giun chỉ vào người mình thì chỉ cần một lần bị muỗi đốt thôi là có thể bị bệnh hay là mức độ phải nhiều lần hay là thường xuyên bị muỗi cắn mới có thể bị bệnh này ạ?
BS Quang Đi: Giun chỉ này tùy theo mức độ nó ký sẵn ở con muỗi. Thí dụ cũng con muỗi này mà nếu nó không chứa giun chỉ thì nó không lây truyền được. Nhưng mà nếu muỗi có ấu trùng và khi chích vào người thì ấu trùng nằm ở vòi con muỗi sẽ đi vào người bệnh.

Triệu chứng

Trà Mi: Cũng xin được hỏi thăm Bác Sĩ là biểu hiện của bệnh chân voi ra sao ạ?
BS Quang Đi: Bệnh chân voi thì khi mà nhiễm giun chỉ thì nó có 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu thì không có triệu chứng. Khi con muỗi chích vào con người thì bắt đầu chưa có triệu chứng và tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều năm. Sau đó mới bắt đầu biểu hiện giai đoạn cấp tính, tức là lúc giun chỉ bắt đầu sinh sôi nẩy nở thì lúc đó có biểu hiện sốt mà thường thường trung bình là 38 độ rưỡi. Lúc bấy giờ hạch bạch huyết bắt đầu viêm ở vùng nách, bẹn, hạch bắt đầu sưng to và đau, thậm chí có biểu hiện viêm mào tinh, viêm tinh hoàn. Giai đoạn cấp tính kéo dài thường thường có thể 6 tuần. Giai đoạn mãn tính là giai đoạn tạo chân voi thì ở giai đoạn này ấu trùng phát triển thành giun chỉ rồi. Những giun chỉ này ở vùng bạch huyết gây tắt mạch, lúc đó bạch huyết không lưu thông nên gây phù nề, da trở nên dày và sần sùi, do đó người ta gọi là phù chân voi. Đó là giai đoạn mãn tính.
Trà Mi: Thế còn những bộ phận khác trong cơ thể có thể bị phù nề hay không nếu như mắc phải bệnh này?
BS Quang Đi: Ngoài ở chân thì có thể ở vùng bẹn, bìu sinh dục ở nam và nữ. Một số trường hợp gây tổn thương ở mắt, nhưng mà tỷ lệ thấp thôi. Chủ yếu là ở chân và vùng bẹn, bìu sinh dục.
Trà Mi: Xin được hỏi thăm Bác Sĩ kỹ hơn là chân của mình có thể bị phình to đến mức nào?
BS Quang Đi: Có trường hợp cẳng chân có thể to bằng cái mông, gấp đôi cái mông, và cái chân khi đi giống như một trái banh gắn vào cẳng chân.
Trà Mi: Nhưng mà bất kỳ bệnh nhân nào bị nhiễm giun chỉ bạch huyết cũng có biểu hiện chân voi hay sao, thưa Bác Sĩ?
BS Quang Đi: Nói về tổn thương thì tùy thuộc số lượng giun chỉ. Ví dụ người ta bị nhiễm nhẹ, số lượng giun chỉ ít không gây tắt hệ bạch huyết thì là ở giai đoạn cấp tính thôi. Ở thời kỳ này nếu phát hiện kịp thời và điều trị thì hết bệnh. Những trường hợp bị số lượng nhiều làm tắt mạch bạch huyết thì mới gây ra hiện tượng phù nề.
Trà Mi: Bệnh có lây từ người này sang người khác không, thưa Bác Sĩ?
BS Quang Đi: Chắc chắn là bệnh này không lây từ người này sang người khác nếu mà không có muỗi trực tiếp truyền bệnh. Nếu muỗi chích người bệnh rồi chích sang người khác thì có thể lây sang người khác. Nếu mình diệt được con muỗi này, không cho muỗi xâm nhập tiếp xúc với người bệnh thì không lây gì cả.
Trà Mi: Thế còn tính nguy hiểm của bệnh thì như thế nào nếu như để kéo dài?

Bệnh chân voi thì khi mà nhiễm giun chỉ thì nó có 3 giai đoạn.
BS Quang Đi
BS Quang Đi: Tất nhiên nếu mình để kéo dài phù chân voi thì không những bệnh làm cho bệnh nhân mất khả năng lao động, lâu ngày gây hiện tượng loét, làm tổn thương hay gây nhiễm trùng làm hoại thư chân. Bệnh nầy giống như tình trạng tắt mạch nhưng không cấp thời, song để lâu dài gây hoại tử chân giống như trường hợp tắt mạch vậy.

Cách điều trị

Trà Mi: Cũng xin được hỏi thăm thêm là bệnh chân voi có hy vọng được chữa khỏi không ạ?
BS Quang Đi: Trước đây vấn đề điều trị thì hơi khó vì lý do khi mà đã tắt rồi thì những thuốc mình điều trị đa số là diệt con giun chỉ thôi chứ còn thuốc mà điều trị con giun chỉ rất là khó khăn.
Trà Mi: Đó là điều trị cái phôi thôi chứ còn con giun trưởng thành thì khó, phải không?
BS Quang Đi: Đúng rồi. Con trưởng thành khó lắm. Nhưng mà càng về sau người ta nghiên cứu những thuốc mới thì hiệu quả nó vừa tác dụng trên phôi vừa diệt con giun chỉ. Và trong quá trình điều trị mình phải phối hợp điều trị chống viêm và thấy nhiễm trùng thì phải dùng kháng sinh. Nếu điều trị mà đáp ứng thì tất nhiên là có cải thiện, còn nếu trường hợp không phản ứng thì rất là khó khăn.
Trà Mi: Bác Sĩ nói cải thiện có nghĩa là không có thể chữa khỏi dứt điểm hay sao ạ?
BS Quang Đi: Trước đây người ta báo cáo là những trường hợp phù chân voi khi mà nó trưởng thành thì điều trị rất là hạn chế.
Trà Mi: Chứ còn nếu mà uống thuốc trị giun như Bác Sĩ nói thì trong thời gian tối thiểu là bao lâu thì thấy tác dụng và tác dụng tối đa là như thế nào?
BS Quang Đi: Hiện nay có những nghiên cứu mới nhất của 2007-2008 thì ngoài thuốc diethylcarbamazine thì hiện nay người ta còn dùng phối hợp thêm albendazole. Rồi những công trình mới đây người ta báo cáo là dùng doxycyline hay là teracycline. Trước đây người ta dùng diethylcarbamazine để điều trị thì chỉ dùng một liều duy nhất vì người ta thấy điều đó là đủ nồng độ để diệt con ấu trùng và cả luôn giun chỉ bạch huyết.
Trà Mi: Thế tác dụng tối đa của nó như thế nào ạ? Thí dụ như sau khi diệt giun rồi thì chân voi sẽ xệp hay sao ạ?
BS Quang Đi: Sau khi diệt được ấu trùng và giun chỉ làm cho hệ bạch huyết lưu thông thì tất nhiên hiện tượng giảm phù càng ngày sẽ càng hồi phục thôi. Tức là khi bạch huyết lưu thông thì hiện tượng phù nề sẽ dần dần mất đi và bệnh nhân hồi phục.
Trà Mi: Nhưng mà tóm lại có thể nói rằng bệnh chân voi cho đến nay có thể điều trị dứt điểm, khỏi hẳn, phải không ạ?
BS Quang Đi: Đúng rồi.
Trà Mi: Thế thuốc kháng sinh mà Bác Sĩ nói do những công trình mới sau này mang tên là doxycyline thì thuốc này đã được áp dụng tại Việt Nam chưa ạ?
BS Quang Đi: Ở Việt Nam mình bệnh này rất là hiếm. Chắc có lẽ con muỗi đó ở Việt Nam mình ít cho nên sự truyền bệnh rất là ít. Cho nên điều trị thì mình vẫn dùng thuốc thông thường trước đây thôi. Còn cái diethylcarbamazine thì Việt Nam mình có mua.
Trà Mi: Ngoài việc điều trị bằng thuốc thì người bị bệnh chân voi nếu mà phẫu thuật phần bị sưng đó thì bệnh có dứt khỏi không, thưa Bác Sĩ?
BS Quang Đi: Nhiều người người ta phẫu thuật quá mức gây ra biến chứng như là nhiễm trùng gây hoại tử, thì mình chỉ cắt một mô thôi. Nó chỉ giải quyết triệu chứng thôi chứ còn bằng cách đó thì không giải quyết được. Nếu mà thuốc điều trị không hiệu quả thì làm như vậy chắc là không giải quyết được.
Trà Mi: Tức là chủ yếu vẫn là phải dùng thuốc điều trị giun và phẫu thuật chỉ là dạng can thiệp để mà chữa triệu chứng bên ngoài thôi.
BS Quang Đi: Đúng rồi.
Trà Mi: Bệnh nhân chân voi có những điều gì cần lưu ý khi tự chăm sóc cho mình ở tại nhà, thưa Bác Sĩ? Bác Sĩ có lời khuyên nào cho bệnh nhân chân voi không?
BS Quang Đi: Khi có dấu hiệu bệnh phù chân voi thì bắt buộc phải đi bệnh viện rồi. Còn vấn đề khi mà điều trị tại bệnh viện mà đã điều trị hiệu quả thì vấn đề chăm sóc còn tùy thuộc vào thời gian nữa. Khi bệnh nhân điều trị được và bạch huyết lưu thông rồi thì chân càng ngày càng đỡ hơn thì tất nhiên là trong thời gian còn phù thì hạn chế sự đi lại. Thứ hai nữa là vệ sinh sạch sẽ, đừng để trầy xước mà bị nhiễm trùng. Hạn chế đi lại là chính, không làm việc gì quá nặng, hoặc đứng lâu quá cũng không được.
Trà Mi: Bác Sĩ nói là khi phát hiện bệnh thì phải nên đến bệnh viện, nhưng mà đối với bệnh này thì khi mà phát hiện thì cũng hơi muộn. Thế có cách nào để mình có thể tầm soát bệnh nầy sớm để có thể chữa trị kịp thời không ạ?

Diệt muỗi là tốt nhứt. Thứ hai nữa là nếu mình không diệt được thì tránh cho muỗi đốt bằng dung dịch thoa chân tay, ngủ phải giăng mùng. Những người đã bị rồi thì phải diệt hết giun chỉ trong cơ thể để tránh lây lan cho những người khác.
BS Quang Đi
BS Quang Đi: Tầm soát sớm thì như mình đã biết bệnh này có 3 giai đoạn, giai đoạn đầu rất khó phát hiện, giai đoạn cấp tính thì nó có thể gợi ý cho mình nên trong giai đoạn này mình nên đi khám bệnh vì có dấu hiệu như là sốt, hạch bạch huyết sưng to, sưng mào tinh, tinh hoàn, phụ nữ có vấn đề ảnh hưởng tới đường sinh dục. Khi có những dấu hiệu đó thì mình nên đi khám để khi xét nghiệm máu mà có dấu hiệu thì điều trị. Còn giai đoạn mãn tính thì việc điều trị tùy thuộc vào khả năng đáp ứng của loại thuốc. Chủ yếu mình muốn phát hiện sớm thì nên nhập viện ở giai đoạn cấp tính.

Cách phòng bệnh

Trà Mi: Và chúng ta có thể phòng bệnh chân voi bằng cách nào, thưa Bác Sĩ?
BS Quang Đi: Tức là mình phải diệt muỗi thôi. Diệt muỗi là tốt nhứt. Thứ hai nữa là nếu mình không diệt được thì tránh cho muỗi đốt bằng dung dịch thoa chân tay, ngủ phải giăng mùng. Những người đã bị rồi thì phải diệt hết giun chỉ trong cơ thể để tránh lây lan cho những người khác.
Trà Mi: Thế có thuốc nào dự phòng đối với bệnh này không, thưa Bác Sĩ?
BS Quang Đi: Nói về thuốc thì người ta không khuyên dùng thuốc để mà dự phòng vì như ở Việt Nam mình chẳng hạn có những thuốc mà mình đâu có mua được, hoặc những loại thuốc mới mình có thể mua được, nhưng mà mình uống mà không chắc chắn mình có bệnh thì không nên xài.
Trà Mi: Nói như vậy có nghĩa rằng Việt Nam không có chương trình cấp thuốc dự phòng đại trà miễn phí cho bệnh này, phải không ạ?
BS Quang Đi: Đúng rồi. Bệnh này không phải là bệnh cần phải dự phòng miễn phí đại trà.
Trà Mi: Cảm ơn Bác Sĩ rất là nhiều về thời gian và những kiến thức rất bổ ích dành cho chương trình.
Chương trình “Sức Khoẻ và Đời Sống” kỳ này xin dừng lại tại đây. Hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn trong một đề tài mới vào giờ này, sáng Thứ Năm tuần sau. Trà Mi thân ái kính chào.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten