vrijdag 21 oktober 2016

Khám phá thành Rome cổ kính + Roman Forum, nghị viện cổ xưa ở Rome + Ðấu trường La Mã Colosseum, kỳ quan mới thế giới



Khám phá thành Rome cổ kính




Thành phố Rome êm đềm cổ kính. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)
Trịnh Hảo Tâm
Rome nằm ở vùng Trung Tây của bán đảo Ý Ðại Lợi có hình chiếc giày cao cổ (boot), là thành phố lớn nhất và là thủ đô của nước Ý. Dân số Rome là 2.7 triệu người, nếu kể luôn vùng ngoại ô là 3,849,000 người.
Người Ý chiếm đa số ở Rome, với 93%. Ngoại kiều đông nhất là người Ðông Âu, phần lớn đến từ Lỗ Mã Ni (Romania) và Ba Lan (Poland) chiếm 3%, người Á Châu nhiều nhất là Phi Luật Tân chiếm 1.3%, người Nam Mỹ đông nhất là Peru chiếm 1.1%. Ngoài ra có khoảng vài chục ngàn kiều dân bất hợp pháp sinh sống ở đây. 
Thành phố cổ
Thành phố cổ xưa này có chiều dài lịch sử hơn 2,700 năm, từng có thời là thành phố lớn nhất thế giới và là trung tâm nền văn minh Tây Âu, một trong những nền văn minh lớn của nhân loại.
Nước Ý ngày xưa phân chia ra nhiều tiểu quốc, Rome từng là thủ đô nước Thiên Chúa Giáo được Giáo Hoàng cai trị. Về chính trị, quân sự, Ðức Giáo Hoàng vừa hành xử như nhà vua nên được gọi là “Quốc Gia của Giáo Hoàng” (Papal States).
Về mặt tín ngưỡng, Ðức Giáo Hoàng cai quản giáo hội Thiên Chúa Giáo là tôn giáo mà đa số các nước Âu Châu đặt thành quốc giáo. Thời đó vua các nước Âu Châu phải xin Ðức Giáo Hoàng phong vương, đội vương miện mới có đủ uy tín để cai trị và các lân quốc mới công nhận.



Ðền Pantheon xây cách nay 2,000 năm. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)
Trước phong trào các tiểu quốc thống nhất thành lập nước Ý, năm 1870 quân Ý tiến chiếm Rome và ngày nay nước của Ðức Giáo Hoàng thu hẹp lại thành nước Vatican nằm trong thành phố Rome cũng là trung tâm của giáo hội Công Giáo La Mã. Ðức Giáo Hoàng chỉ lo về tôn giáo, điều khiển giáo quyền, còn chính trị, quân sự có nước Ý bảo vệ.
Vì thành phố vẫn còn lưu lại nhiều di tích, đền đài xây từ vài ngàn năm trước cũng như Tòa Thánh Vatican là điểm hành hương nên Rome hiện nay là thành phố du lịch đứng thứ ba mỗi khi du khách đến thăm các nước trong khối Liên Hiệp Âu Châu.
Thành phố Rome có bảy ngọn đồi vây xung quanh. Khu trung tâm thành phố cũng là khu phố thời cổ đại nằm ở phía Ðông sông Tiber. Các di lịch lịch sử lừng danh của Rome như Roman Forum, Colosseum, Trevi Fountains đều nằm ở phía Ðông.
Phía Tây sông Tiber là khu phát triển sau thời Trung Cổ, ít kiến trúc cổ chỉ có Tòa Thánh Vatican với thánh đường thánh Phêrô đồ sộ là địa điểm tập trung đông đảo người hành hương và khách du lịch.
Rome có ngôi đền Pantheon, đây là một kiến trúc cổ xưa đến 2,000 năm, là ngôi đền lớn nhất thế giới có mái vòm được chống đỡ bằng những cột không có cốt sắt bên trong. Toàn bộ ngôi đền phía trước là kiến trúc bằng đá theo dạng hình hộp với những hàng cột theo kiểu La Mã và phía sau là đền thờ chính với mái vòm hình bán nguyệt.
Ðền được xây dưới triều đại vua Augustus và hoàn thành năm 126 Trước Công Nguyên, ngày xưa là đền thờ đạo La Mã cổ và ngày nay là nhà thờ Công Giáo với các thánh lễ vào Chủ Nhật.
Phía trong đền có sàn lát cẩm thạch hình tròn và bên trên là mái vòm bán cầu rộng lớn với lỗ trống hình tròn lấy ánh sáng vào. Xung quanh tường là những bàn thờ, những bức tượng. Trong đền cũng là nơi chôn cất xác hai vua người Ý là Vittorio Emanuele II và Umberto I cùng vợ của vua này.
Cách đó vài trăm thước về hướng Tây là quảng trường Navona. Quảng trường này được xây vào thế kỷ Thứ Nhất Sau Công Nguyên, như là một vận động trường ngoài trời để người La Mã ngày xưa xem các trận đấu.



Công trường Navona xây vào thế kỷ thứ I. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)
Giữa quảng trường là đài phun nước cùng các tượng điêu khắc nghệ thuật thần linh bằng đá trắng và cây cột đá Obelisk Ai Cập dùng để xem giờ. Trước kia quảng trường này người ta nhóm chợ, ngày nay là di tích lịch sử thu hút du khách và là hội chợ Giáng Sinh hằng năm.
Tuy là thành phố lớn nhưng Rome không có nhiều tòa nhà cao chọc trời mà hầu hết là những kiến trúc xưa. Nhiều người cho rằng, nếu không thấy xe hơi kiểu mới và người đi với quần áo tân thời thì người ta tưởng rằng Rome đang sống vào thời kỳ trước Tây lịch.
Nhà cửa ở thành phố Rome thường sơn vàng hay xây bằng gạch đỏ, lợp ngói đỏ nên đứng trên cao thấy hầu hết là màu đỏ cam. Trong thành phố ít cây cối xanh tươi, có lẽ vì mưa ít, khí hậu khô khan như miền Nam California.
Giao thông ở Rome
Tuy đông dân nhưng đường sá ở Rome êm đềm vắng vẻ, nhịp sống không hối hả ngược xuôi mà có vẻ trầm lặng, phảng phất một tinh thần hoài cổ.
Thành phố Rome ngoài xe hơi còn có nhiều xe gắn máy, đa số xe phân khối lớn lưu thông nhưng ít nạn kẹt xe. Nhìn trên bản đồ nhiều con đường tạo thành hình nan quạt đều đồng quy về Rome, đây là những con đường có từ thời La Mã cổ. Phía ngoài nối các nan quạt ấy với nhau là xa lộ vòng đai hình tròn.
Taxi có nhiều và có thể đón bằng cách ngoắc tay ở ngoài đường, tuy nhiên phải ngã giá rõ ràng trước khi lên xe. Xe điện ngầm mỗi nhà ga phía bên trên dùng bảng đỏ có chữ “M” trắng. Hệ thống xe điện ngầm ở Rome hiện nay chỉ có hai tuyến đường nối nhau theo hình chữ X có tên gọi là Line A và Line B.
Hiện Rome đang cho đào đất để xây tuyến mới Line C. Tuy nhiên, việc đào đất rất thận trọng, luôn luôn có nhân viên khảo cổ theo sát để giám định vì mỗi thước sâu trong lòng đất có thể chứa cả kho tàng lịch sử.
Tại nhiều ga xe điện ngầm có nơi được nối với tuyến đường xe điện trên mặt đất gọi là xe Tram. Muốn dùng hai phương tiện giao thông công cộng này phải có bản đồ các tuyến đường Metro và Tram này.
Về hàng không, Rome có phi trường quốc tế Leonardo Da Vinci International Airport nhưng người ta thường gọi là phi trường “Fiumicino Airport” vì nằm ở quận Fiumicino về phía Tây Nam Rome, gần bờ biển. Nước Ý có hãng hàng không quốc doanh Alitalia (đang thua lỗ định bán cho hãng máy bay Lufthansa của Ðức).
Tác giả Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản tám quyển ký sự du lịch gồm: Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam; Miền Tây Hoa Kỳ; Ký Sự Du Lịch Trung Quốc; Mùa Thu Ðông Âu; Tây Âu Cổ Kính; Miền Ðông Nước Mỹ và Canada; Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái; Nhật Bản, Hồng Kông-Macau, Thái Lan.
Sách dày trên 300 trang, trình bày đẹp, mỗi quyển giá $15 (bao cước phí trong nước Mỹ), xin liên lạc Trịnh Hảo Tâm qua số điện thoại (909) 489-2451, email: trinhhaotam@yahoo.com.

http://www.nguoi-viet.com/du-lich/kham-pha-thanh-rome/




Roman Forum, nghị viện cổ xưa ở Rome




Những cột đá còn lại trong khu Roman Forum. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)
Trịnh Hảo Tâm
Rome là một trong những thành phố Âu Châu hiếm hoi không bị thiệt hại trong trận Ðệ Nhị Thế Chiến, mặc dù bị máy bay đồng minh oanh tạc và Ðức Quốc Xã chiếm đóng.
Trong Thế Chiến Thứ Hai, nước Ý dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài Benito Mussolini đứng về phe Trục Phát Xít gồm ba nước Ðức, Ý, Nhật và thua trận. May mắn không bị chiến tranh tàn phá, thành phố Rome còn duy trì nhiều kiến trúc cổ, trong đó có khu cung điện Roman Forum mặc dù đã hoang phế theo thời gian hơn 2,500 năm.
Ngay phía Tây Nam của đấu trường Colosseum, du khách sẽ thấy một khu đất trống hoang tàn đổ nát với nhiều cột đá tròn đứng chơ vơ cạnh những nền nhà và hố sâu, đất đá, cỏ cây loang lổ. Ðó là di tích thành phố cổ với nhiều hội trường lớn thời xa xưa mà người ta gọi là Roman Forum, tạm dịch “Nghị Trường La Mã.”
Roman Forum là khu trung tâm hành chánh, tôn giáo và thương mại từ thời La Mã Cổ khoảng thế kỷ thứ 5 Trước Công Nguyên. Ðây là thời La Mã theo chế độ Cộng Hòa và guồng máy nhà nước được một hội đồng gọi là nghị viện điều hành.
Trong thời kỳ này La Mã là một kinh đô lớn, ở vùng đồng bằng giữa hai ngọn đồi Palatine và Capitoline người ta xây những hội trường lớn gọi là Forum để hội họp, cùng những đền thờ, chợ búa và cung điện.
Trải qua nhiều thế kỷ kế tiếp, khu Forum được xây cất thêm trở thành trung tâm sinh hoạt của thành phố La Mã mở rộng, nơi đây hàng ngày nghị viện hội họp bàn thảo luật lệ, phiên tòa xử các vụ án, buổi tế lễ, cầu nguyện, lễ hội ăn mừng chiến thắng hay đám tang chức sắc quan trọng.
Năm trăm năm Trước Công Nguyên nhưng La Mã đã là một đất nước văn minh, có ngôn ngữ và chữ viết La Tinh, kỹ thuật kiến trúc tân tiến có thể xây cất những đền đài, dinh thự bằng đá ba, bốn tầng lầu với những cột tròn đồ sộ, chạm khắc mỹ thuật tinh vi.
Roman Forum được thành hình và tồn tại trong thời Cộng Hòa La Mã (Roman Republic).
Khoảng 500 năm Trước Công Nguyên, làn sóng dân chủ bắt đầu ở Athens (Hy Lạp) và tràn sang Rome. Giai cấp giàu có bất mãn với các vua người Etruscan vì các vua này độc tài nắm hết quyền hành, nên xúi dân nghèo nổi lên dẹp triều đại vua chúa người Etruscan với lời hứa hẹn là đời sống sẽ khá hơn.



Nghị viện thời cổ nay chỉ là phế tích. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)
La Mã trở thành nước dân chủ theo thể chế Cộng Hòa đầu tiên và guồng máy nhà nước được một hội đồng gọi là nghị viện điều hành. Người nghèo được hứa hẹn sẽ được tham gia việc cai trị nước nhưng sau khi lật đổ vua chúa, giới nhà giàu không muốn trao quyền cho người nghèo nên thực chất hội đồng nghị viện quy tụ toàn là giới nhà giàu.
Bất mãn, các lãnh tụ dẫn dân nghèo ra khỏi thành phố, và đình công không chịu làm việc cho tới khi họ phải có tiếng nói và quyền hành. Giới nhà giàu đồng ý cho dân nghèo được bầu cử chọn người đại diện nói lên tiếng nói của dân nghèo gọi là dân biểu.
Các dân biểu có quyền tham dự các buổi nhóm họp của nghị viện và có quyền phủ quyết (Veto, tiếng La Tinh) những luật đi ngược lại quyền lợi của người nghèo. Những luật lệ nghị viện viết ra được đem công bố, dán lên ở quảng trường cho mọi người có thể đọc gọi là “Mười Hai Chương” (Twelve Tables).
Quân đội La Mã thời ấy hùng mạnh, hễ chiếm thành phố nào là sáp nhập thành phố đó vào La Mã, bắt người dân ở đó phải nộp thuế và đi lính cho La Mã. La Mã đưa quân xuống chiếm miền Nam Ý cũng như các nước quanh vùng Ðịa Trung Hải.
Cuối thời Cộng Hòa bắt đầu từ năm 146 Trước Công Nguyên, La Mã gặp nhiều nội chiến vì các lãnh tụ tranh giành quyền lực, cuối cùng quyền hành lọt vào tay ba người là Pompey, Crassus (rất giàu có) và Julius Caesar, bộ ba tam đầu chế này lãnh đạo La Mã trong 10 năm.
Crassus thiệt mạng khi đi đánh quân Parthians ở Tây Á. Pompey và Caesar thù nghịch và đánh nhau, binh sĩ hai bên nhiều người chết. Caesar thắng ở trận Pharsalus khiến Pompey phải chạy sang Ai Cập (Egypt), Caesar rượt theo và Pompey bị người Ai Cập giết để lấy lòng Caesar.
Ở Ai Cập Caesar gặp nữ hoàng Cleopatra, hai người dẫn nhau về La Mã và họ có với nhau một đứa con. Trước nghị viện, Caesar tuyên bố nắm hết quyền hành cho đến chết khiến nghị viện bất bình và đâm chết ông vào năm 44 Trước Công Nguyên.
Sau khi Caesar chết, quyền bính lọt vào tay bộ ba mới là Mark Anthony (tướng của Caesar), Lepidus (cũng rất giàu) và Octavian (cháu cũng là con nuôi của Caesar). Cleopatra trở thành tình nhân của tướng trẻ Mark Anthony và họ có ba đứa con.
Sau đó Lepidus bị gạt ra ngoài, còn lại Anthony (cùng với Cleopatra) gây chiến với Octavian. Năm 31 Trước Công Nguyên, Octavian đánh bại Anthony ở mặt trận Actium, thất bại Anthony cùng Cleopatra tự tử chết.



Khu phố mới nằm cạnh phế tích Roman Forum. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)
Khi Octavian nắm quyền cũng là lúc nền Cộng Hòa cáo chung và thời kỳ Ðế Quốc La Mã (Roman Empire) bắt đầu. Sau khi loại trừ được Anthony và Cleopatra, trả thù được cho cha nuôi mình là Caesar, Octavian nắm trọn quyền lực buộc mọi người gọi mình là Augustus (có nghĩa là “Minh Chủ”) và trở nên độc tài thao túng nghị viện.
Ông ta sống rất lâu đến năm 14 Sau Công Nguyên. Con rể lên nối ngôi tự xưng hoàng đế lấy hiệu là Tiberius, làm vua đến năm 37 Sau Công Nguyên thì chết và người cháu tên Caligula lên ngôi nhưng ông này làm nhiều điều thất nhân tâm nên bị chính người hộ vệ giết chết. Caligula là người đem cây cột Obelisk từ Ai Cập về dựng ở công trường Thánh Phêrô ngày nay.
Chú của Caligula là Claudius lên nắm quyền, ông này thông minh, mở mang bờ cõi bằng cách chiếm nước Anh nhưng sau đó bị vợ đầu độc chết bằng nấm độc. Con nuôi là Nero mới 16 tuổi được đưa lên làm vua nhưng mọi việc triều chính đều do bà mẹ nắm quyền.
Năm 25 tuổi Nero giết chết mẹ mình để được thực sự nắm quyền. Nero là bạo chúa nổi tiếng vụ đốt thành Rome để tàn sát người Thiên Chúa Giáo bằng cách gom những người này vào trong thành trước khi phóng hỏa.
Hai thánh Phêrô (Peter) và Phaolô (Paul) đều bị giết chết trong thời Nero. Năm 68 Sau Công Nguyên vua Tây Ban Nha (Spain) là Galba đem quân bao vây khống chế thành Rome và Nero tự tử kết thúc triều đại của gia đình Julius Caesar và Augustus.
Cuối thời kỳ may mắn được cai trị bởi những minh vương nên La Mã rất hùng mạnh, biên cương bao trùm khắp cả Âu Châu và phía Nam tới biển Ðịa Trung Hải. La Mã rất giàu có, là trung tâm quyền lực chính trị Âu Châu và là thành phố lớn nhất Tây phương lẫn thế giới.
Thời kỳ này Thiên Chúa Giáo sau gần 300 năm bị cấm đạo bắt đầu phát triển ở Rome. Thời cường thịnh đó kéo dài được 500 năm cho tới khi Ðế Quốc La Mã bắt đầu suy tàn vì chia rẽ.
Ðế Quốc La Mã suy tàn (khoảng năm 476 Sau Công Nguyên) khu Forum cũng suy tàn theo, những đền đài bị biến cải thành nhà thờ hay bị bỏ hoang phế. Vào năm 800 tài liệu còn ghi lại, Forum không hơn là một mỏ đá lộ thiên cung cấp vật liệu cho những công trình xây dựng dưới thời Trung Cổ và Phục Hưng. Việc khai quật di chỉ khảo cổ bắt đầu từ thế kỷ 19 dưới thời Napoléon cai trị và tiếp tục cho đến ngày nay.
Khu Forum không bán vé cho du khách vào xem, du khách tham dự các tour có hướng dẫn, thuyết trình mới phải trả lệ phí khoảng 10 Euros để hiểu nguồn gốc và ý nghĩa những di tích quý giá nơi đây.
Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 21 tháng 10 năm 2016

Khi tham quan Forum, du khách nhớ mua nước uống mang theo vì khu này rất rộng mà không có quán hàng nhằm bảo vệ cảnh quan cổ xưa. Gần khu Forum là các di tích như đồi Palatine, khải hoàn môn của vua Constantine, Domus Aurea là khu nhà cổ, Circus Maximus (sân giải trí, thể thao cổ).
Tác giả Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản tám quyển ký sự du lịch gồm: Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam; Miền Tây Hoa Kỳ; Ký Sự Du Lịch Trung Quốc; Mùa Thu Ðông Âu; Tây Âu Cổ Kính; Miền Ðông Nước Mỹ và Canada; Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái; Nhật Bản, Hồng Kông-Macau, Thái Lan.
Sách dày trên 300 trang, trình bày đẹp, mỗi quyển giá $15 (bao cước phí trong nước Mỹ), xin liên lạc Trịnh Hảo Tâm qua số điện thoại (909) 489-2451, email: trinhhaotam@yahoo.com.

http://www.nguoi-viet.com/du-lich/roman-forum-nghi-vien/



Ðấu trường La Mã, kỳ quan mới thế giới



Ðấu trường La Mã - một di tích cổ được xây vào thế kỷ 1. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)
Trịnh Hảo Tâm
Ðấu trường La Mã (hay còn gọi là Roman Colosseum) có bình diện hình bầu dục ở về phía Nam thành phố Rome và nằm bên tả ngạn (bờ Ðông) sông Tiber, nước Ý.
Ðấu trường rất lớn, có chỗ ngồi cho 50,000 khán giả xem những cuộc tranh tài của võ sĩ giác đấu (gladiator), hay màn đánh với thú dữ như sư tử, cọp, hoặc cuộc hành hình đem tử tội cho thú dữ ăn thịt…
Ðấu trường bắt đầu được xây dựng dưới triều Hoàng Ðế Vespasian vào khoảng năm 70-72 Sau Công Nguyên. Người ta dùng vàng bạc thu được từ chiến lợi phẩm trong những cuộc xâm lăng các lân bang để xây dựng vận động trường này. Mục đích xây vận động trường là để làm nơi tranh tài thi đấu, giải trí cho dân chúng vừa là khải hoàn môn nơi tổ chức khao quân ăn mừng chiến thắng.
Hoàng Ðế Vespasian cho lấp ao hồ trong cung điện của bạo chúa Nero trước đây để xây Colosseum. Xây xong tầng thứ ba thì vua băng hà. Năm sau, Vua Titus, con của ông, cho khánh thành đấu trường này. Theo lịch sử ghi chép có khoảng 9,000 thú dữ bị sát hại trong những trận thi đấu trong dịp khánh thành đấu trường.
Ðấu trường được tu bổ thêm dưới thời con út của Vespasian là Vua Domitian. Ông cho xây thêm khu chuồng thú dưới hầm cũng là nơi giam giữ nô lệ, tử tội sắp bị hành hình cũng như xây thêm phần sân thượng để tăng sức chứa cho đấu trường.
Năm 217, đấu trường bị hỏa hoạn vì sét đánh làm thiêu rụi tầng ghế ngồi bằng gỗ, phải đến năm 240 mới sửa chữa và thêm hai đợt tu bổ nữa vào năm 250 và 320.


Bên trong đấu trường một thời được dùng làm pháo đài. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)
Theo sử liệu, đấu trường được trùng tu dưới thời Vua Theodosius 2 và Vua Valentinian 3 vì hư hại do trận động đất vào năm 443. Ðấu trường tiếp tục dùng để thi đấu cho đến thế kỷ thứ 6, những trận giác đấu còn được ghi nhận lần cuối cùng vào năm 435 và trò chơi giết thú dữ còn tiếp tục đến năm 523. Từ đó suốt thời gian dài gần 700 năm đấu trường gần như hoang phế.
Thời Trung Cổ, đấu trường La Mã nhiều lần bị thay đổi mục đích sử dụng, khoảng năm 1200 gia đình dòng họ Frangipani chiếm cứ Colosseum, xây thêm công sự phòng thủ và biến đấu trường thành một lâu đài.
Năm 1349, trận động đất lớn làm sụp đổ một phần phía Nam của bức tường ngoài. Ðá đổ xuống, đấu trường lại bị bỏ hoang, người ta lấy đá để xây cung điện, nhà thờ, bệnh viện khắp nơi trong thành Rome. Ðá cẩm thạch dùng để trang trí tiền diện các cung điện, những que đồng giữ đá trên tường được tháo ra khiến bộ mặt Colosseum loang lổ như hiện nay.
Thế kỷ 14, 15, đấu trường nguy nga, hoành tráng ngày nào trở thành mỏ đá lộ thiên để mọi người tự do khai thác.
Cuối thế kỷ 16 một nhà thờ nhỏ được xây trong sân vận động trường rồi sau đó những khoảng trống dưới những tầng ghế ngồi người ta biến thành nhà ở hay xưởng sản xuất đồ gia dụng và một nghĩa địa được thành lập trong sân vận động trường.
Trong hai thế kỷ 16 và 17 sau đó, giáo hội muốn tu sửa đấu trường to lớn này thành một nơi hữu dụng, Giáo Hoàng Sixtus V (1585-1590) muốn biến Colosseum thành xưởng dệt để tạo công ăn việc làm cho các phụ nữ mại dâm trong thành phố nhưng ông mất sớm nên kế hoạch không thành.


Ðấu trường La Mã hoang phế sau hai ngàn năm vì thiên tai động đất. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)
Năm 1749, Giáo Hoàng Benedict XIV công bố sắc phong đấu trường La Mã là thánh địa nơi người Thiên Chúa Giáo tử đạo dưới triều các bạo chúa trước thời vua Constantine. Ngày xưa những tín đồ bị giam vào đây và cho thú dữ xé thịt trước sự chứng kiến của dân chúng. Ông cấm việc lấy đá và xem đấu trường như đoạn đường khổ nạn của Chúa ngày trước, ông cho gắn các hình tượng Chúa chịu nạn (Chặn Ðàng Thánh Giá), công bố nơi đây là di tích tôn giáo.
Những thời giáo hoàng sau đó đã trùng tu lại đấu trường, dọn dẹp cây cối hoang tàn, bảo vệ kiến trúc không bị hư hại thêm, tiền diện được gia cố bằng gạch năm 1807 và 1827, bên trong đấu trường được sửa chữa vào các năm 1831, 1846 và thập niên 1930.
Gần đây nhất vì tình trạng ô nhiễm và sự xuống cấp theo thời gian nên đấu trường đã được đại tu bổ từ năm 1993 đến năm 2000 với kinh phí lên đến 20.6 triệu Euro.
Ngày nay đấu trường La Mã là một trong những điểm du lịch thu hút du khách vào bậc nhất ở Rome, đón tiếp hàng triệu người mỗi năm. Trong những năm gần đây đấu trường ngày trước cũng là pháp trường trở thành biểu tượng chống lại án tử hình, nhiều cuộc biểu tình đòi xóa bỏ án tử hình diễn ra nơi đây vào năm 2000.
Gần đây nhất vào Tháng Mười Hai, 2007, Colosseum được chiếu sáng đèn vàng kim khi tiểu bang New Jersey của Hoa Kỳ bãi bỏ án tử hình. Bên trong đấu trường còn ngổn ngang gạch đá nhà cửa thời xưa nên khó tổ chức những buổi ca hát, hòa nhạc ngoài trời nên những buổi trình diễn này thường được diễn ra ở bên ngoài đấu trường như của Ray Charles (5-2002), Paul McCartney (5-2003) và Elton John (9-2005).
Vào ngày 7 Tháng Bảy, 2007, đấu trường La Mã được bình chọn là một trong bảy kỳ quan mới thế giới (New Seven Wonders of the World).
Mời độc giả xem video: Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 14 tháng 10 năm 2016
Tác giả Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản tám quyển ký sự du lịch gồm: Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam; Miền Tây Hoa Kỳ; Ký Sự Du Lịch Trung Quốc; Mùa Thu Ðông Âu; Tây Âu Cổ Kính; Miền Ðông Nước Mỹ và Canada; Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái; Nhật Bản, Hồng Kông-Macau, Thái Lan.
Sách dày trên 300 trang, trình bày đẹp, mỗi quyển giá $15 (bao cước phí trong nước Mỹ), xin liên lạc Trịnh Hảo Tâm qua số điện thoại (909) 489-2451, email: trinhhaotam@yahoo.com.

http://www.nguoi-viet.com/du-lich/dau-truong-la-ma-ky-quan/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten