Đồng yuan vào "rổ tiền tệ" IMF: Thách thức cho Trung Quốc
Kể từ ngày 01/10/2016, « rổ tiền tệ » của IMF kết nạp thêm một đồng tiền mới : nhân dân tệ (hay là yuan). Đây là một biểu tượng lớn và một thắng lợi chính trị quan trọng đối với Trung Quốc.
Kể từ ngày 01/10/2016, rổ ngoại tệ do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF quản lý dưới tên gọi chính thức là « Quyền rút vốn đặc biệt hay quyền trích xuất đặc biệt/ Droits de Tirage Spéciaux/Special Drawing Rights » có trị giá 285 tỷ đô la.
Trong rổ riền này, đồng đô la Mỹ chiếm 42 %; euro là 31 % ; Đồng yen là 8 %, đơn vị tiền tệ của Anh là 8 % và 11 % còn lại được dành cho đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Vị trí của đồng euro, đồng yen Nhật Bản và bảng Anh bị thu hẹp lại để nhường chỗ cho bạc của nền kinh tế thứ hai toàn cầu.
Để hòa nhập với 4 đơn vị tiền tệ truyền thống trong rổ tiền tệ của IMF, trong một năm qua, Trung Quốc đã từng bước « điều chỉnh » tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ. Cụ thể là trong ngắn hạn, Bắc Kinh đã phải hạ giá đồng tiền.
Điều này hoàn toàn trái ngược với mong đợi của quốc tế vì năm 2011, khi đề nghị « mời » nhân dân tệ gia nhập câu lạc bộ các đồng tiền được « quyền rút vốn đặc biệt », phương Tây hướng tới ba mục tiêu : một là tăng khả năng can thiệp của IMF trong trường hợp một quốc gia thành viên cần ngoại hối. Hai là giảm bớt trọng lượng của đồng đô la – qua đó là của Hoa Kỳ đối với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và sau cùng là một cách gián tiếp để buộc Trung Quốc thả nổi đồng tiền, tăng giá nhân dân tệ.
SDR-Rổ ngoại tệ của IMF
Quyền rút vốn đặc biệt hay Droits de Tirage Spéciaux/Special Drawing Rights đặt dưới sự quản lý của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế vừa là một ngân khoản tín dụng vừa là một loại ngoại tệ dự trữ được các thành viên công nhận và sử dụng, nhưng không được sử dụng để thanh toán.
Để tham gia vào rổ tiền tệ này, một đơn vì tiền tệ cần hội tụ ba điều kiện cơ bản : thứ nhất, đồng bạc đó phải là một ngoại tệ giao hoán phổ biến, nghĩa là được nhiều nước sử dụng làm phương tiện thanh toán. Tiêu chuẩn thứ nhì là đơn vị tiền tệ đó phải được « tự do sử dụng » trên thị trường ngoại hối. Sau cùng đồng tiền đó phải là đơn vị tiền tệ của một thành viên IMF.
Trong ba điều khoản này, tiêu chuẩn thứ nhì đòi hỏi một loạt sự điều chỉnh từ phía Bắc Kinh, quan trọng nhất là thả nổi đồng tiền, theo luật cung cầu của thị trường, và công nhận quyền « tự do luân chuyển » của các luồng tư bản.
Trong khuôn khổ tạp chí hôm nay, từ Hoa Kỳ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa cho rằng với việc đồng nhân dân tệ, yuan tham gia rổ tiền tệ của IMF, Bắc Kinh đang rơi vào hoàn cảnh khó xử mà giới trong ngành gọi là thế « Tam Nan ». Nhưng trước tiên ông trở lại với những chuyển biến gần đây của tỷ giá đồng tiền Trung Quốc :
Nguyễn Xuân Nghĩa : Trước hết, về bối cảnh thì việc đồng nhân dân tệ, còn được gọi là đồng nguyên, chính thức nằm trong rổ ngoại tệ gọi là Quyền Trích Xuất Đặc Biệt hay Đặc Trích - tức quyền rút vốn đặc biệt được Quỹ Tiền Tệ thông báo từ năm 2015, cho nên ta cần nhìn biến chuyển về hối suất đồng bạc này từ tháng 8/2015 cho đến nay chứ không phải từ hai tuần qua.
Tháng 8/2015, Bắc Kinh ra biện pháp phá giá mạnh, tới 1,9% trong một ngày mà lại không gọi là phá giá, rồi sau đó lặng lẽ điều chỉnh mỗi ngày cho lên hay xuống chút đỉnh theo tình hình giao dịch của hôm trước. Đó là biện pháp « phá giá ngầm » , cần thiết để tìm lợi thế xuất cảng với trị giá đồng bạc và hàng hóa rẻ hơn.
Khi gần đến kỳ hạn gia nhập cái rổ ngoại tệ quý tộc này, vào tháng 9/2016, việc phá giá ngầm như vậy tạm ngưng. Nhưng trong tuần lễ đầu tháng 10/2016, nhân dân tệ lại sụt giá tới mức thấp nhất kể từ sáu năm qua so với đô la Mỹ, khiến các thị trường lo ngại là Bắc Kinh lại tung đòn phá giá vì vậy, người ta mới thấy Ngân Hàng Trung Uơng Bắc Kinh kín đáo can thiệp để giữ giá đồng bạc cho khỏi sụt nặng hơn. Những động thái trái ngược ấy đã được các thị trường chú ý.
RFI : Khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI công nhận đồng yuan/nhân dân tệ là một loại ngoại tệ mạnh để nằm trong rổ DTS/SDR thì điều ấy có nghĩa là đồng bạc này phải được tự do trao đổi và trị giá của nó sẽ do thị trường quyết định theo quy luật cung cầu, chứ vì sao Bắc Kinh vẫn có quyền định giá và can thiệp như vậy ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Bắc Kinh có hứa là sẽ áp dụng quy luật tự do, kể cả quyền tự do chuyển ngân tư bản ra hay vào thị trường nội địa theo quy luật cung cầu. Tôi thiển nghĩ rằng Quỹ Tiền Tệ biết rằng Bắc Kinh chưa thể thi hành cam kết ấy nhưng có thể là định chế này vẫn làm như tin tưởng vì thứ nhất để khỏi mang tiếng kỳ thị đồng bạc của nền kinh tế có sản lượng thứ nhì thế giới, và thứ hai, là cứ để quy luật thị trường đẩy Bắc Kinh vào chỗ phải tuân thủ sự cam kết. Và bây giờ Trung Quốc mới lâm thế kẹt khi vẫn phải can thiệp vào thị trường mà họ chia làm hai.
RFI : Thế kẹt đó là gì và nét đặc thù của đồng tiền Trung Quốc trên thị trường ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Đồng bạc của Trung Quốc được trao đổi trên thị trường nội địa và thị trường hải ngoại theo hai quy chế khác nhau và được yết giá khác nhau.
Nếu Bắc Kinh muốn đồng bạc được công nhận như một ngoại tệ giao hoán phổ biến và có giá trị của một ngoại tệ dự trữ như đồng đô la hay đồng euro trong rổ Đặc Trích thì phải dần dần thống nhất hai thị trường ấy.
Khi đồng nhân dân tệ sắp vào rổ Đặc Trích, từ trung tuần tháng 9/2016, Bắc Kinh đã có biện pháp can thiệp trên thị trường nội địa để giữ hối suất đồng bạc với đồng Mỹ kim ở quanh giá 6,67 yuan ăn một đô la. Biện pháp đó là tăng lãi suất giao dịch ngắn hạn giữa các ngân hàng, gọi là Hong Kong Interbank Exchange Rate hay HIBOR, tăng 24% cho giao dịch qua đêm và tăng 13% cho giao dịch trong một ngày.
Biện pháp can thiệp này có mục đích ngăn cản việc thiên hạ bán tháo đồng nhân dân tệ và chặn đà sụt giá của đồng bạc khi bắt đầu bước vào rổ Đặc Trích.
Sau đấy, lãi suất HIBOR đã giảm mạnh và đồng nhân dân tệ lại tiếp tục bị phá giá trong mươi ngày qua, nhưng không đến nỗi gây biến động cho các thị trường như Tháng Tám năm ngoái. Dù sao thiên hạ đều thấy đồng tiền Trung Quốc chao đảo và Bắc Kinh chóng mặt.
Chuyện rắc rối ấy có nghĩa là Bắc Kinh đang phải thỏa mãn hai mục tiêu trái ngược. Đó là để đồng bạc xuống giá nhờ vậy chiếm lợi thế xuất cảng vì hàng hóa rẻ hơn. Nhưng mục tiêu này gây biến động giá cả cho thị trường nội địa và mâu thuẫn với mục tiêu kia là làm sao ngăn được đà thất thoát tư bản, khi giới đầu tư thấy đồng bạc mất giá thì càng bán tháo để mua tài sản ở nước ngoài. Bắc Kinh bắt đầu hiểu ra thế nào là cái thế « tam nan » hay « tam đa đoan » không thể nào có cả ba điều ước như trong truyện cổ tích và trong ba mục tiêu thì chỉ đạt được hai là mừng….
RFI : Thế nào là cái thế « tam nan » và ba mục tiêu đó là gì ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Giới kinh tế gọi hiện tượng này là « ba điều bất khả » , theo đó, ngân hàng trung ương có thể đề ra ba mục tiêu là 1) có hối suất đồng bạc cố định để không bị biến động ngoại hối, 2) có luồng giao dịch tài chánh tự do để khỏi áp dụng chế độ kiểm soát tư bản, và 3) có chính sách tiền tệ độc lập để theo quy luật thị trường chứ không do định hướng chính trị của nhà nước.
Nhưng trong ba mục tiêu ấy thì các ngân hàng trung ương chỉ có thể đạt được hai, chứ nếu muốn cả ba thì tất nhiên bị khủng hoảng như nhiều quốc gia đã từng bị trong quá khứ. Bắc Kinh không thể có chính sách tiền tệ độc lập khi nhà nước vẫn phải bảo vệ các tập đoàn quốc doanh sắp vỡ nợ để tránh nạn thất nghiệp, trong khi muốn có đồng nhân dân tệ được trao đổi theo tỷ giá ổn định mà lại bãi bỏ chế độ kiểm soát tư bản vì đồng tiền Trung Quốc được vào rổ tiền tệ của IMF.
RFI : Thách thức hiện nay cho nền kinh tế Trung Quốc ? Và hậu quả sẽ là những gì cho các bạn hàng hay các nền kinh tế giao dịch với Trung Quốc ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Về hậu quả cho thế giới thì có lẽ chúng ta phải dành vào dịp khác vì những thách đố hiện nay cho nền kinh tế Trung Quốc và cho lãnh đạo Bắc Kinh đã là chuyện quá phức tạp. Thứ nhất, từ nhiều năm nay nền kinh tế này vay mượn và mắc nợ nhiều và nhanh hơn khả năng sản xuất và trả nợ, là điều chúng ta đã có dịp phân tách khi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS có phúc trình cảnh báo vào tháng trước.
Mới đây ta đã thấy có tin là trong nửa năm nay, 25% các doanh nghiệp Trung Quốc không thể trả được nợ và kinh tế sa sút lẫn nợ nần chống chất khi thị trường gia cư đang bị bể bóng khiến cho khủng hoảng tài chính càng dễ bùng nổ.
Thứ hai, theo Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, lượng hàng hóa giao dịch trên toàn cầu đã giảm mạnh và sẽ còn giảm qua năm tới. Điều ấy có nghĩa là các nước quá lệ thuộc vào xuất cảng càng khốn đốn, dù phá giá đồng bạc thì cũng chẳng giúp gì cho xuất cảng vì nhập cảng của các nước khác không tăng. Trong khi ấy, Bắc Kinh được cái tiếng là có đồng nhân dân tệ được vào rổ Đặc Trích mà vẫn cứ lao đao vì kinh tế suy trầm và vì nạn tẩu tán tư bản và muốn chặn đà thất thoát mà tung tiền can thiệp thì khối ngoại tệ dự trữ lại càng hao hụt.
Y như năm 2008, khi bước lên đài vinh quang với Thế vận hội Bắc Kinh thì Trung Quốc bắt đầu chu kỳ suy sụp và phải ráo riết bơm tiền. Năm nay, khi đơn vị tiền tệ quốc gia được vào rổ Đặc Trích thì cũng là lúc Bắc Kinh xanh mặt vì cái danh hão. Mà nếu có xé rào và phá giá thì cũng chưa tránh nổi khủng hoảng tài chánh như nhiều nhiều trung tâm nghiên cứu quốc tế đã tiên báo.
Các lưu trữ
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
-
Deutsche Bank : thế giới lại đứng trước một thảm họa tài chính ngân hàng ?
Tám năm sau vụ Lehman Brothers phá sản năm 2008, đến lượt ngân hàng số một của Đức, Deutsche Bank, đe dọa tài chính toàn … -
''Sản xuất đúng lúc'', cuộc cách mạng từ Toyota
Tại Hội chợ xe hơi Paris, loại xe « crossover » đời mới, C-HR của Toyota thu hút nhiều chú ý, nhất là tập đoàn Nhật Bản … -
Ngân hàng Trung Quốc đứng trước « đại họa »
Bắc Kinh có nguy cơ phải đối mặt với khủng hoảng tài chính ngân hàng trong ba năm sắp tới. Nợ Trung Quốc cao gấp ba lần so với mức … -
J. Stiglitz : Đồng euro, mối đe dọa cho tương lai châu Âu
Là một thất bại cả về mặt kinh tế, chính trị lẫn xã hội, đồng euro có nguy cơ làm eurozone tan rã, chôn vùi luôn … -
Âu- Mỹ : Khả năng TTIP bị khai tử ?
Ngày 30/08/2016 Pháp chính thức đòi tạm ngưng đàm phán về Hiệp Định Đối Tác Thương Mại và Đầu Tư TTIP Xuyên … -
Châu Phi, mặt trận mới trong cuộc đọ sức Nhật -Trung
Ý thức được là không thể cạnh tranh với Trung Quốc về số đông, Nhật chú trọng vào « chất lượng » các dự án …
Geen opmerkingen:
Een reactie posten