TQ không biết xử lý 10.000 tấn nhiên liệu hạt nhân bằng cách nào
Hải Võ |
"Không thể không thừa nhận Trung Quốc là một nước lạc hậu trong lĩnh vực xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng".
16/10 là ngày Trung Quốc kỷ niệm 52 năm lần đầu tiên nước này thử nghiệm thành công bom nguyên tử.
Tuy nhiên, tham dự sự kiện kỷ niệm hôm 15/10 tại thủ đô Bắc Kinh, Viện sĩ Chu Vĩnh Tuấn từ Viện khoa học Trung Quốc (CAS) cùng 9 chuyên gia hàng đầu nước này trong lĩnh vực hóa học hạt nhân và hóa học phóng xạ tỏ ra bi quan về trình độ của Trung Quốc trong lĩnh vực xử lý nhiên liệu hạt nhân qua sử dụng.
Nhà máy điện hạt nhân thương mại đầu tiên được Trung Quốc đưa vào vận hành từ năm 1991, nhưng đến nay, Bắc Kinh vẫn bế tắc trong công đoạn xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng.
Thậm chí, dự án hạt nhân tuần hoàn mà Trung Quốc dự định hợp tác với Pháp ở thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, hồi tháng 8 vừa qua đã phải đình chỉ vô thời hạn do người dân bản địa phản đối quyết liệt.
Ông Chu nói: "Nhiều năm qua, Trung Quốc thiếu nghiên cứu một cách có hệ thống về phân đoạn chu kỳ xử lý nhiên liệu hạt nhân, không có quy hoạch khoa học thượng tầng, đội ngũ nghiên cứu tản mác, không có cơ sở nghiên cứu làm nền tảng. Tình hình tiếp diễn chắc chắn ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngành điện hạt nhân."
Ngày 16/10/1964, Trung Quốc chính thức gia nhập "câu lạc bộ sở hữu bom hạt nhân. (Ảnh tư liệu: SCMP)
Nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng là "ma quỷ"
"Nhiệu liệu hạt nhân qua sử dụng" chỉ nhiên liệu hạt nhân còn lại sau khi đi qua phản ứng hạt nhân. Đây không phải là chất thải hạt nhân bởi trong đó vẫn có 95% uranium chưa đốt cháy, cùng với một số thành phần hạt nhân mới gồm 1% plutonium và 4% các chất khác.
Đến năm 2020, Trung Quốc dự kiến sẽ có các cụm lò phản ứng hạt nhân với công suất 580 triệu kilowatt, mỗi năm sinh ra khối lượng nhiên liệu hạt nhân qua sử dụng khoảng 1.000 tấn và tổng lượng loại nhiên liệu này tồn tại trong các bể chứa vào khoảng 10.000 tấn.
Nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng mang tính phóng xạ rất mạnh, nếu không xử lý chính xác sẽ dẫn đến thảm họa không thể tưởng tượng nổi. Thế giới hiện nay có hai cách xử lý: Tàng trữ vĩnh viễn trong lòng đất, hoặc tận dụng những thành phần sử dụng được.
Giáo sư Trần Tĩnh của Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cho hay: "Nước Mỹ tốn 100 tỉ USD để xây dựng kho chứa Núi Yucca ở sâu hàng trăm mét dưới lòng đất bang Nevada, nhưng đến năm 2015 đã sử dụng 75% trữ lượng kho này."
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama cũng phải tạm ngừng việc đưa thêm nhiên liệu hạt nhân qua sử dụng về kho nay và nghiên cứu tìm thêm các giải pháp xử lý hữu hiệu.
Ông Trần gọi hoạt động xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng là việc làm "diệt trừ ma quỷ", bởi mối đe dọa tiềm ẩn quá lớn.
Bể chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trong nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc. (Ảnh: Nhật báo Khoa học)
Kho nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của Trung Quốc... không biết về đâu?
Năm 2004, Viện sĩ Sài Chi Phương thuộc CAS từng viết một báo cáo gửi Trung Nam Hải, khẳng định công nghệ xử lý nhiên liệu hạt nhân qua sử dụng của Trung Quốc còn lạc hậu hơn so với Ấn Độ.
"Báo cáo đã làm chấn động các lãnh đạo quốc gia," bà Sài cho biết.
Hiện nay, các quốc gia sở hữu hạt nhân chủ yếu trên thế giới như Pháp, Mỹ, Anh, Nga, Nhật Bản đều có cơ sở xử lý nhiên liệu qua sử dụng.
"Ngay cả Ấn Độ cũng xây dựng được 3 cơ sở xử lý quy mô trăm tấn từ hơn chục năm trước, trong khi Trung Quốc chỉ có duy nhất 1 xưởng xử lý loại 50 tấn ở Cam Túc, hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu xử lý nhiên liệu từ các nhà máy điện hạt nhân thương mại," bà Sài cho hay.
Do không có cơ sở xử lý hiện đại, nhiên liệu hạt nhân qua sử dụng của các nhà máy Trung Quốc buộc phải tàng trữ trong các bể chứa, thông thường chỉ đáp ứng việc lưu trữ trong tối đa 15-20 năm.
Bên cạnh đó, việc mở rộng bể chứa hoặc tìm phương pháp lưu trữ khác chỉ là biện pháp kéo dài thời gian nếu không xử lý được nhiên liệu loại này.
Vào thập niên 1970, ông Chu Vĩnh Tuấn cùng cộng sự đã đề xuất xây dựng một quy trình theo chuẩn quốc tế để xử lý nguyên tố Actini trong chất thải hạt nhân phóng xạ cao, nhưng lộ trình công nghiệp hóa và đầu tư của chính phủ Trung Quốc không theo kịp nên đến nay chỉ dừng ở phương thức lưu trữ.
Các chuyên gia hạt nhân Trung Quốc "lạnh người" khi nghĩ đến 10.000 tấn nhiên liệu hạt nhân qua sử dụng, và có thể còn nhiều hơn, không biết "đi đâu về đâu" khi ngành điện hạt nhân tiếp tục phát triển trong khi công nghệ xử lý tụt hậu hơn cả quốc gia không thuộc Nhóm Các nước cung cấp hạt nhân (NSG) như Ấn Độ.
theo Thế giới trẻ
http://soha.vn/tq-khong-biet-xu-ly-10000-tan-nhien-lieu-hat-nhan-bang-cach-nao-20161016172556889.htm
Geen opmerkingen:
Een reactie posten