vrijdag 14 oktober 2016

Ca nhạc sĩ Bob Dylan được giải Nobel Văn học 2016


Bob Dylan được giải Nobel Văn học


mediaCa sĩ Mỹ Bob Dylan, ảnh chụp năm 2012.REUTERS/Ki Price/File Photo
Hôm nay, 13/10/2016, Viện Hàn Lâm Thụy Điển vừa thông báo trao giải Nobel Văn học 2016 cho nam ca nhạc sĩ Mỹ Bob Dylan, 75 tuổi. Theo tổng thư ký Viện Hàn Lâm Thụy Điển, Sara Danius, ông Bob Dylan được tặng giải thưởng cao quý này « vì trong khuôn khổ truyền thống âm nhạc Mỹ, ông đã tạo ra những hình thức diễn đạt thơ ca mới ».
Thông báo này đã được cử tọa trong khán phòng tại thị trường chứng khoán Stockholm đón nhận với những tiếng reo hò vui mừng. Đây là lần đầu tiên một nhạc sĩ được trao giải Nobel Văn học, kể từ khi giải này ra đời vào năm 1901.
Sinh năm 1941 tại bang Minesota, Hoa Kỳ, Bob Dylan không chỉ là ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sáng tác nhạc, mà còn là một họa sĩ và thi sĩ. Những sáng tác nổi tiếng nhất và gây ảnh hưởng nhiều nhất của ông là vào thời thập niên 1960 và một số bài hát đó đã trở thành những ca khúc phản chiến, đặc biệt là thời chiến tranh Việt Nam.
Nhạc của Bob Dylan dựa rất nhiều vào những điệu nhạc truyền thống của Mỹ : folk, country, blues, gospel, rock’n’roll, cũng như nhạc folk Anh, Scotland và Ireland, nhưng ông cũng đã tìm kiếm những con đường mới, với những bài hát đánh dấu văn hóa âm nhạc đương đại. Nhiều ca sĩ nổi tiếng sau này nhìn nhận là đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Bod Dylan, như David Bowie, Paul Simon, Neil Young hay Bruce Springsteen.
Cho dù theo thể điệu nào, các sáng tác của Bob Dylan cũng đều phản ánh những khát vọng xã hội và văn hóa của từng thời đại, góp phần quảng bá văn hóa bình dân của Mỹ ra thế giới.
Nay dù đã vào tuổi 75, Bob Dylan vẫn tiếp tục sáng tác và trình diễn. Ông vừa ra một album mới, album thứ 37, trong đó ông trình bày lại những ca khúc tiêu biểu của Mỹ nổi tiếng qua giọng ca bất hủ của Frank Sinatra.
Salman Ruschdie, tác giả cuốn sách nổi tiếng toàn cầu « Những vần thơ của quỷ », một trong những ứng viên « nặng ký » cho giải Nobel Văn học 2016, hôm nay đã chúc mừng Bod Dylan đoạt giải này, hoan nghênh sự « chọn lựa tuyệt vời » của Viện Hàn lâm Thụy Điển.
Đây không phải là lần đầu tiên Viện Hàn lâm Thụy Điển gây bất ngờ trong việc chọn trao giải Nobel Văn học. Vào năm 1953, họ đã trao giải này cho một chính khách, đó là thủ tướng Anh Winston Churchill.

 http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161013-bob-dylan-duoc-giai-nobel-van-hoc

Giải Nobel Văn Học 2016 cho chất thơ trong nhạc Bob Dylan

Giải Nobel Văn Học 2016 cho chất thơ trong nhạc Bob Dylan
 
Bob Dylan (P) và Joan Baez trong chuyến "Tuần hành đến Washington vì Việc làm và Tự do", ảnh chụp ngày 28/08/1963.CC/U.S. National Archives and Records Administration

    Cùng với Nobel Hòa Bình, Nobel Văn Học, được cho là hai giải mang tính chính trị những cũng là những giải được ngóng đợi nhất. Lần đầu tiên được trao vào năm 1901 cho Sully Prudhomme, theo truyền thống, Nobel Văn Học luôn được công bố vào thứ Năm đầu tiên của mùa giải.

    Tuy nhiên, cuối tháng 09/2016, Viện Hàn Lâm Thụy Điển, tổ chức trao giải Nobel, thông báo Nobel Văn Học sẽ không được công bố cùng tuần với những giải khác do Alfred Nobel thành lập, mà lùi đến ngày 13/10, càng khiến người hâm mộ hồi hộp chờ danh tính của tân chủ nhân.
    Phương pháp làm việc của hội đồng giám khảo luôn bất di bất dịch. Tháng Hai hàng năm, Viện Hàn Lâm lập danh sách khoảng 300 ứng viên được đề cử, sau đó họ giữ lại khoảng 20 người trước khi chọn năm tác giả vào chung kết. Tất cả đều diễn ra trong bí mật ! Thành viên giám khảo cân nhắc và đánh giá trong suốt mùa hè trước khi chọn ra tân khôi nguyên và công bố giải thưởng vào đầu tháng 10. Cuộc bỏ phiếu chính thức chọn tân khôi nguyên trong số năm tác giả được lọt vào vòng cuối diễn ra trong buổi họp cuối cùng, chỉ vài giờ trước khi thông báo chính thức.
    Quyết định lùi ngày công bố Nobel Văn Học được giới quan sát cho rằng có sự bất đồng trong nội bộ hội đồng giám khảo. Sự chờ đợi lại càng giúp giới chuyên môn và các nhà cái thu hút thêm đặt cược. Tại nhà cái Landbrokes nổi tiếng của Anh, nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, lần thứ hai liên tiếp, nhận được tỉ lệ cá cược cao (1 ăn 5), ngoài ra còn phải kể đến nhà thơ gốc Syria Adonis (tỉ lệ 1 ăn 7) hay tiểu thuyết gia người Kenya Ngugi wa Thiong’o (1 ăn 4), ba tác giả người Mỹ Don DeLillo, Philip Roth và Joyce Carol Oates...
    Hai ngày trước lễ công bố Nobel Văn Học 2016, mọi phỏng đoán đều mang tính hên xui. Giới văn chương đồng loạt đưa ra nhận định nhà văn Nhật Haruki Murakami, được công chúng và người cá cược ưa thích nhất, chưa chắc đã nhận được sự ủng hộ của hội đồng giám khảo, vì “thế thì dễ đoán quá !”
    Bí mật được giữ đến phút chót, đúng như lời nói đùa của ông Odd Zschiedrich, người đứng đầu Viện Hàn Lâm : “Nhiều người muốn biết có gì trong những gói quà Noel, một số người khác thì lại muốn điều bất ngờ. Còn chúng tôi muốn gây bất ngờ”.
    Và Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã giữ lời hứa : Nobel Văn Học 2016 được trao cho Bob Dylan. Từ một cậu bé xuất thân trong một gia đình nhập cư Do Thái, Robert Allen Zimmerman (sinh ngày 24/05/1941), tên thật của Bob Dylan, trở thành một biểu tượng, một huyền thoại sống của âm nhạc Mỹ.
    Bob Dylan, “người tạo ra những hình thức diễn đạt thi ca mới”
    Bà Sara Danius, tổng thư ký của Viện Hàn Lâm giải thích lựa chọn của hội đồng giám khảo :“Ông (Bob Dylan) rất có khiếu trong thơ ca. Đó là một loại hình văn học gợi nên truyền thống cao thượng và có thể kết hợp một cách sáng tạo những loại âm nhạc khác nhau và những thể loại văn khác nhau”.
    Với một số người, Bob Dylan là một huyền thoại, với một số khác thì ông là người phát ngôn cho thế hệ Beat (Beat generation, Beatniks) và hippie. Nhắc đến ông là nhắc đến Hoa Kỳ trong những năm 1960 với một thế hệ trẻ hoài nghi xã hội và làn sóng phản văn hóa. Nhắc đến ông là nhắc đến những phong trào đấu tranh vì nhân quyền và phản chiến, đặc biệt là cuộc chiến tại Việt Nam, với nhạc phẩm Blowin’ in the Wind, ca khúc nổi tiếng năm 1962 được lấy một phần từ một ca khúc truyền miệng giữa những người nô lệ da mầu mang tên No More AuctionBlock, trở thành bản “thánh ca” trong các phòng trào đấu tranh ôn hòa.
    Bao nhiêu chặng đường phải bước

    Cho hồn xứng đáng thành người ?

    Bồ câu vượt bao đại dương
    Mới được trên cát ngủ vùi ?
    Bao nhiêu đạn dược phải rơi

    Mới đến ngày im tiếng súng ?
    Bạn thử nghe câu trả lời

    Tiếng thầm bay trong gió thổi...
    Với phong cách folk-rock trí thức, cặp kính đen, chiếc mũ phớt đặt trưng và giọng hát có phần thô ráp nhưng đầy mạnh mẽ, Bob Dylan quyến rũ với những bài hát phản chiến trong thập niên 1960 tới những bản blue buồn rầu trong những năm 1990. Theo tổng hợp của website L’Obs, ít nhất “25 bài hát của Bob Dylan xứng đáng được nhận một giải Nobel”.
    Từ A Hard Rain’s A-Gonna Fall (1962) được sáng tác dưới dạng hỏi-đáp trên nền nhạc dân gian Anh-Scotland của thế kỷ XVII, thể hiện xuất sắc tâm trạng lo sợ một cuộc chiến tranh hạt nhân từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba (10/1962)… đến lời chỉ trích giận dữ ngành công nghiệp quân sự : “Ngay cả Chúa Jesus cũng không bao giờ muốn tha thứ cho những gì các người làm” trong Masters of War (1963). Năm 2001, Bob Dylan nhận xét : “Masters of Wars không phải là một bài hát phản chiến. Tôi không ôn hoà đến mức vậy”. Khổ cuối của bài hát chứng minh điều này : tác giả vui mừng vì những tên lái súng phải đền mạng.
    Cả ba bài hát này đều nằm trong album The Freewheeling’ Bob Dylan, phát hành năm 1963. Cũng vào năm này, ông tham gia cuộc "Tuần hành đến Washington" cùng Martin Luther King. Bob Dylan từng thổ lộ trong một buổi phỏng vấn thu âm vào năm 1966, nhưng được BBC công bố lần đầu tiên vào ngày 23/05/2011, ông từng nghiện ma túy ở New York, chi 25 đô la mỗi ngày để mua loại chất gây nghiện này và từng nghĩ đến tự tử.
    Cuối thập niên 1970, chàng trai nổi loạn gốc Do Thái khám phá Cơ đốc giáo và xa dần một bộ phận người hâm mộ, những người cho rằng ông là “một nhà truyền đạo”. Thế nhưng, ông chỉ nhận mình là một nhà thơ, một ca sĩ chứ “không phải là một nhà truyền đạo. Tôi không làm được điều kỳ diệu”, như ông từng nói trong tập đầu cuốn hồi ký Chronicles xuất bản năm 2005.
    Bob Dylan, “người mang lại hơi thở cho thi ca”
    Cậu con trai xuất thân trong gia đình nhập cư tiếp tục sáng tác và rong ruổi chuyến lưu diễn mà ông gọi là “Never Ending Tour”, trong đó có trạm dừng chân tại Việt Nam ngày 10/04/2011 trước hơn 8.000 người hâm mộ thành phố Hồ Chí Minh. Ngay hôm được trao giải Nobel, Bob Dylan có một buổi trình diễn tại Las Vegas. Tháng 03/2016, Fallen Angels, album phòng thu thứ 37 ra đời, ông hát lại những ca khúc Mỹ từng được Frank Sinatra phổ biến.
    Trong buổi lễ trao giải thưởng “Nhân Vật của Năm” của MusiCares được tổ chức năm 2015, nhạc sĩ-ca sĩ nhìn lại chặng đường đã đi : “Những bài hát không xuất hiện nhờ phép mầu nhiệm, tôi không sáng tác ra chúng từ chỗ không có gì cả. Tôi đã học viết lời bài hát bằng cách nghe những bài hát dân ca. Và tôi chơi chúng (…), tôi không hát gì khác ngoài những folk songs, và những bài hát này đã mở ra cho tôi tất cả những gì thuộc về mọi người”.
    “Bob Dylan là một người luôn thích làm việc, lúc nào cũng hoạt động”, đây là lời khẳng định với AFP (13/10/2016) của nghệ sĩ Hugues Aufray, một người bạn Pháp thân thiết của Bob Dylan từ năm 1961 và là người đầu tiên chuyển thể một số bài hát sang tiếng Pháp. Ông nhận xét :
    “Giải Nobel Văn Học 2016 có vẻ khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng Dylan thật sự là một người đặc biệt, từ cách ông chơi ghi ta đến cách ông hát, từ cách ông nghĩ đến cách ông viết… Ông là người mang lại đúng giai điệu du dương cho thơ ca. Rất nhiều nhà thơ đã không hiểu tín hiệu mà Rimbaud đưa ra. Năm 20 tuổi, ông đã vứt cuốn sổ ghi chép của mình và lên đường, tạo nên triết lý thơ trải nghiệm. Dylan đi theo truyền thống này: ông đã mang lại hơi thở cho thơ ca, điều mà theo tôi đang chết dần, vì quá tinh hoa. Thơ của Dylan đi vào những nhà máy, thẩm sâu trong lòng người”.
    Tại sao lại không phải là Leonard Cohen hay Patti Smith, cũng là những nhà thơ thổi hồn cho nhạc ? Ông Huges Aufray cho rằng “họ không có nét quyến rũ của Bob Dylan”.
    11 giải Grammy, 1 giải Oscar (2000), 1 giải Quả cầu vàng (2001), 1 huân chương tự do từ tổng thống Barack Obama (2012), 1 giải Pulitzer (2008) cho dấu ấn sâu sắc đối với âm nhạc đại chúng và văn hóa Mỹ, qua những tác phẩm trữ tình có sức mạnh thi ca phi thường, ở tuổi 75, ca sĩ-nhạc sĩ người Mỹ vừa gây nên một bất ngờ tuyệt vời. Biểu tượng của làng nhạc Mỹ đã thuyết phục được một hội đồng giám khảo khó tính, chỉ quan tâm đến việc “tác giả có tài hay không, liệu phong cách viết của người đó có hơn những nhà văn khác cũng được lựa chọn hay không”.
    Bob Dylan không phải là quyết định ngạc nhiên đầu tiên : Viện Hàn Lâm Thụy Điển từng trao giải Nobel Văn Học cho thủ tướng Anh Winston Churchill năm 1953.

    Cùng chủ đề
    Các lưu trữ
    1. 1
    2. 2
    3. 3

      http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161014-bob-dylan-bat-ngo-tai-giai-nobel-van-hoc-2016

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten