Sinh vật nào có cú táp đáng sợ nhất?
- 4 tháng 9 2016
Bạn hãy tưởng tượng một cái miệng với hàm răng lởm chởm hàng trăm chiếc sắc như dao cạo. Vòm cơ đầy sức mạnh dùng để xé thịt, nhai xương và có thể cắn phập vào con mồi với vận tốc kinh hoàng.
Bộ hàm kinh khủng đó khá quen thuộc trong các phim quái vật, từ bộ phim Jaws đến phim Godzilla. Nhưng trong thế giới thực, sinh vật nào có cú táp kinh khủng nhất?Đây không chỉ là vấn đề có miệng to hay không. Cá voi đầu cong có miệng lớn hơn bất cứ loài nào khác, nhưng miệng nó lại không phải dùng để cắn.
Để thực sự có một cú táp đầy uy lực, con vật đó cần phải có miệng rộng, rất nhiều răng khoẻ và cơ hàm cực khoẻ.
Để tìm ra loài có cú cắn ghê rợn nhất, chúng ta phải tìm trên mặt đất, dưới nước và nhìn lại cả quá khứ nữa.
Đầu tiên, ta cần hiểu không phải mọi loài động vật có răng đều có thể cắn. Chẳng hạn như con ốc sên vườn phổ biến có hàng ngàn cái răng trên một dải răng nhìn như cái lưỡi.
Nhưng ốc sên sử dụng răng để gặm, không nghiền, vì thế không thể nói đó là cắn.
Tương tự, cá voi xanh có lẽ là loài động vật lớn nhất trên thế giới ngày nay, nhưng nó không có cú cắn dữ dội nhất. Lý do rất đơn giản: nó không có răng.
Thay vào đó nó có các tấm tổ ong, một cấu trúc tương tự như lưới, giúp nó lọc thức ăn từ những ngụm nước biển khổng lồ.
Cá nhà táng có vẻ nhiều triển vọng hơn - nó là loài động vật ăn thịt có răng to nhất trên Trái Đất. Nhưng lại có một điểm tréo ngoe ở đây. Nó chỉ có răng hàm dưới, và thường nuốt chửng cả con mực khi ăn.
Những sự khác thường đó khiến việc tìm ra loài thú sở hữu cú đớp dữ dội nhất trên Trái Đất không hề đơn giản.
Cú đớp đáng sợ nhất địa cầu
Theo nhà nghiên cứu Olivier Lambert từ Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ, ứng viên sáng giá nhất không phải là cá voi, mà là loài vật coi cá voi là con mồi."Loài động vật lớn nhất sử dụng răng để bắt mồi và xé mồi thành từng mảnh là cá voi sát thủ," ông nói.
Dù có tên là cá voi sát thủ, nhưng loài này thực ra là cá heo. Nó còn được gọi là cá kình và có thể dài đến 9,5m. Chúng có khoảng 50 cái răng hình nón, được dùng để xé con mồi - từ hải cẩu cho đến cá voi xám con.
Tuy nhiên, như những ai người mê phim tài liệu về thế giới tự nhiên đều biết, cá kình thường đi cùng nhau để săn hạ con mồi lớn.
Điều này có nghĩa nhiều bộ hàm cá nhà táng chỉ phải làm việc nhẹ, và từng cú cắn riêng lẻ của chúng không thực sự quá mạnh.
Vì thế, nếu muốn tìm một kẻ săn mồi đơn độc, ta có thể xem xét loài cá săn mồi lớn nhất thế giới là cá mập trắng khổng lồ.
Nổi tiếng vì hàm có 300 chiếc răng sắc như dao và thường xuyên được thay thế, cá mập trắng dĩ nhiên sở hữu một trong những cú đớp đáng sợ nhất trên Địa Cầu.
Nhưng với một cái hàm làm bằng xương sụn linh hoạt chứ không phải là xương cứng, liệu cá mập trắng có thể tạo ra cú cắn mạnh mẽ nhất?
Để tìm hiểu, có người đã phải đo lực cắn mà loài này gây ra.
Việc đo một cú cắn của loài săn mồi như cá mập trắng khổng lồ nghe có vẻ như cần phải đi một chuyến xuống đáy biển.
Hiển nhiên các nhà khoa học đồng ý, vì rất nhiều thí nghiệm đo đạc lực cắn đã được tiến hành từ bàn làm việc an toàn.
Năm 2008, Stephen Wroe từ Đại học New England ở Úc và đồng nghiệp đã sử dụng mô phỏng máy tính để ước tính lực cắn của cá mập trắng khổng lồ mạnh tới đâu.
Với con cá mập kích cỡ lớn nhất, ước tính lực cắn mạnh nhất khoảng 18.216 Newton. Để so sánh, cú đớp mạnh nhất của chúng ta với những răng hàm ở vị trí số hai chỉ có lực khoảng 1.317N.
Các công nghệ mô phỏng lực cắn đã xem xét hàm như một đòn bẩy hai chiều, nhưng Wroe sử dụng phương pháp tiên tiến hơn.
"Kỹ thuật phân tích phần tử hữu hạn (FEA) ba chiều đã tạo ra cách mạng trong việc phỏng đoán và phân tích lực cắn," Wroe nói.
"Chỉ vì theo giả thiết con vật có thể tạo ra một lực nào đó không có nghĩa là nó thực sự làm vậy. FEA cho phép chúng tôi dự đoán lực ấn và lực xé qua xương sọ và hàm, cũng như phản lực, và từ đó cho phép chúng tôi dự đoán tổng thể hành vi của cơ."
Tuy nhiên, vẫn không có gì có thể đo được cú cắn một con mồi còn tươi sống. Một vài nhà nghiên cứu dũng cảm đã tiến hành các thử nghiệm trên động vật thật.
Kẻ gây kinh hoàng
Cú cắn mạnh nhất từng được ghi nhận trên sinh vật đang sống thuộc về cá sấu nước mặn, theo một nghiên cứu năm 2012 do Gregory Erickson từ Đại học Bang Florida ở Tallahassee và đồng nghiệp tiến hành.Nhóm nghiên cứu so sánh 23 loài cá sấu bằng cách dụ những con vật bò sát này cắn một miếng bánh sandwich bằng kim loại trên cây sào.
Thiết bị "đầu dò đo lực cắn" này đo đạc áp lực giữa hàm trên và hàm dưới của con vật nhờ hai tấm đĩa mỏng gắn vào.
Nhóm của Erickson bắt và kiềm chế con cá sấu, sau đó đưa thiết bị đo giữa hàm răng chúng nơi lực cắn có thể là mạnh nhất.
Điều này có nghĩa là chỉ có lực "cơ nội chuyển hàm" được đo mà không tính đến các lực xoắn khác.
Những con cá sấu nước mặn lớn nhất có thể cắn với lực 16.414N, gấp 3,5 lần so với nhà vô địch giữ kỷ lục trước đó, là linh cẩu đốm.
Cú cắn của cá sấu yếu hơn một chút so với cá mập trắng khổng lồ - nhưng cú cắn của cá mập chỉ mới là kết quả dựa trên mô phỏng.
Không phải răng hay hàm dài của cá sấu khiến chúng có cú cắn lớn, mà là lực táp dữ dội, theo Laura Porro từ Trường Thú y Hoàng gia ở London, Anh Quốc.
"Chúng tôi nghĩ lực cắn mạnh là vì cơ đóng hàm khổng lồ, đặc biệt là cơ chân bướm ngoài (pterygoideus)," Porro nói.
"Nếu bạn nhìn bức ảnh một con cá sấu lớn, có những yếm thịt lủng lẳng gần góc hàm của miệng chúng."
Điều này giải thích vì sao cá sấu lớn có lực cắn mạnh đến thế.
"Cơ đóng hàm của chúng cho thấy sự phát triển nhanh tích cực," Porro nói. "Khi con vật lớn lên, các cơ lớn nhanh hơn thông thường. Cá sấu lớn cắn mạnh hơn các con chưa trưởng thành [một phần] vì chúng hoàn toàn lớn hơn về mặt kích cỡ, nhưng cũng bởi vì các cơ của chúng cũng lớn hơn."
Những con cá sấu mà nhóm của Erickson tiến hành đo lực cắn không phải là loài lớn nhất từng được biết đến, vì thế có thể còn có những con cá sấu ở đâu đó trên thế giới có lực cắn còn mạnh hơn.
“Quái vật” bé nhỏ
Ở thái cực ngược lại, loài cá Nam Mỹ nhỏ xíu piranha thì khét tiếng về khả năng cắn xé con mồi thành từng mảnh nhỏ.Tuy nhiên, trong một nghiên cứu năm 2012, các nhà nghiên cứu đo lực cắn của cá piranha đen là khoảng 320N.
Lực cắn này quá yếu đuối so với cá mập trắng khổng lồ, thậm chí ngay cả khi bạn so với tỷ lệ khác biệt về kích cỡ.
Điều này cho thấy, cá piranha không hẳn có phong độ như chúng đã từng.
Khoảng 9 triệu năm trước, Nam Mỹ là nơi cư trú của loài cá piranha khổng lồ có tên là Megapiranha paranensist, dài đến 1m.
Các nhà nghiên cứu cá piranha ước tính chúng có lực cắn khoảng 1.240N - 4.749N và răng chúng có thể nghiền gãy xương.
Phát hiện này càng chứng minh quy tắc chung là cá thể sinh vật càng lớn thì cú cắn càng mạnh.
Tổ tiên đầy sức mạnh
Vì lý do này, tổ tiên thời tiền sử của cá sấu, cá mập và cá voi có lẽ là loài có lực cắn mạnh nhất mọi thời đại.Loài cá mập khổng lồ nổi tiếng với tên Carcharodon megalodon đã tuyệt chủng 2,6 triệu năm trước. Nó có thể dài đến 20m, gấp 3,5 lần kích cỡ của một con cá mập trắng khổng lồ lớn nhất.
Các nhà nghiên cứu lực cắn của cá mập ước lượng lực cắn của con cá mập siêu khổng lồ này là "phi thường", từ 108,514 đến 182,201N. Lực cắn này đủ để nghiền nát một chiếc xe hơi nhỏ.
Giờ thì cú cắn mạnh nhất có lẽ đã chính thức được tính toán. Nhưng đó có thể không phải là cú cắn mạnh nhất hơn cả.
Cùng thời điểm mà cá mập C.Megalodon còn hiện diện dưới biển, có một loại cá nhà táng khác tên là Livyatan melvillei.
Tên của con cá được đặt theo tên của tác giả kể câu chuyện cá voi cuối cùng. Loài cá voi khổng lồ này sống đâu đó gần khu vực cùng với cá mập khổng lồ, và cùng săn một loại con mồi.
Nó thực sự là một kẻ khổng lồ. Chỉ phần đầu thôi đã dài đến 3m. Không chỉ vậy, khác với cá nhà táng ngày nay, nó có răng ở cả hai hàm.
Và đó là là những cái răng có lẽ là lớn nhất so với mọi loài động vật, mỗi chiếc dài tới 36cm.
"Với xương sọ và kích cỡ răng như thế, không còn nghi ngờ gì nữa, Livyatan melvillei chính là một trong những loài có cú cắn ghê gớm nhất mọi thời đại, nếu không muốn nói là ghê gớm nhất," Olivier Lambert, thành viên của nhóm nghiên cứu lần đầu tiên mô tả kích cỡ của cá nhà táng khổng lồ.
Cho đến giờ, chưa có ai áp dụng kỹ thuật phân tích phần tử hữu hạn từng được sử dụng cho cá mập C. megalodon lên cá nhà táng L. melvillei.
Kết quả là chúng ta không thể so sánh lực cắn được ước tính của chúng.
Tuy nhiên, "rõ ràng là đáng để thử", Lambert nói.
"Xem xét hàm, răng và kích cỡ sọ và các thành phần, con vật này rõ ràng có thể tạo ra những cú cắn cực mạnh."
Vì thế nếu bạn đi ngược thời gian đủ xa, có thể có những chi tiết có thật trong tiểu thuyết giả tưởng 'Moby Dick'.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Earth.
Tin liên quan
- Xương sống có giúp con người ưu việt hơn?
- Những điều có thể bạn chưa biết về lợn
- Những sinh vật béo nhất thế giới
- Bí mật về loài bồ câu hoang nơi đô thị
- Vì sao con người hơn hẳn muôn loài?
- Bí ẩn những sinh vật “nửa đực nửa cái”
- Nên ăn thức ăn vừa rơi xuống nền nhà?
- Nguồn gốc bệnh chết người khủng khiếp nhất
- Những lễ tang trong vương quốc động vật
- Rùa làm gì khi bị lật ngửa?
http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/09/160904_one-creature-had-a-bite-more-powerful-than-any-other_vert_earth
Geen opmerkingen:
Een reactie posten