Hơn 165.000 người bị phát hiện ung thư tại Việt Nam trong năm 2018
Số ca mắc ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng trong thời gian qua với con số người mới bị phát hiện mắc ung thư trong năm 2018 là 165.000 người trên hơn 96 triệu dân, theo số liệu thống kê mới đây nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo WHO, con số ca mắc ung thư được phát hiện ở Việt Nam vào năm 2000 là 68.000 trường hợp. Con số này đã tăng lên 126.000 vào năm 2010. Hiện Việt Nam xếp ở vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỷ lệ mắc ung thư là 151,4/100.000 dân, xếp thứ 19 ở châu Á và thứ 5 khu vực Đông Nam Á.
Tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam cũng tương đối lớn theo số liệu thống kê mới, ở mức 104,4/100.000 dân. Trong số gần 165.000 ca mắc bệnh năm 2018, gần 70% trường hợp đã tử vong, tương đương 115.000 ca.
Những loại ung thư phổ biến ở Việt Nam gồm ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vú, và ung thư trực tràng. Trong số này ung thư phổi và ung thư gan phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.
Theo các chuyên gia, khoảng 40% trường hợp ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ bao gồm chế độ ăn uống, dinh dưỡng. Ngoài ra việc tầm soát phát hiện sớm một số loại ung thư như ung thư dạ dày, đại tràng, ung thư vú cũng giúp làm giảm nguy cơ tử vong.
Tin, bài liên quan
- 8.000 ca tử vong vì ung thư dạ dày mỗi năm
- Miễn dịch trị liệu điều trị ung thư giành giải Nobel Y học 2018
- WHO đề nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá để giảm người dùng
- Đề xuất tăng thuế thuốc lá để giảm nguy cơ tử vong
- Việt Nam kêu gọi Monsanto bồi thường cho nạn nhân chất diệt cỏ
- Thu hồi thêm 14 loại thuốc có tạp chất gây ung thư nhập từ Trung Quốc
- Nỗi lo ‘thuốc kém chất lượng’ tại bệnh viện
- 7 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí
- Hằng năm trung bình có 94 ngàn người Việt Nam chết vì ung thư
- Trường học bị đóng cửa vì khói mù
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-cancer-cases-found-in-vn-10052018085802.html
Hằng năm trung bình có 94 ngàn người Việt Nam chết vì ung thư
Phát biểu tại buổi hội thảo, Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, giám đốc bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư cho biết, hiện ung thư đang trở thành gánh nặng đối với nhiều nước, đặc biệt là các nước nghèo và đang phát triển. Theo ông, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng tại Việt Nam và đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội.
Theo Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và Viện Nghiên cứu và phòng chống ung thư quốc gia, tại Việt Nam mỗi năm có hơn 126 ngàn ca mắc bệnh ung thư mới và khoảng 94 ngàn người tử vong vì ung thư. Đa số người bị bệnh ung thư đến điều trị ở giai đoạn cuối nên việc chữa trị càng khó khăn.
Cũng theo ông Thuấn, bệnh ung thư nếu phát hiện sớm thì có thể chữa khỏi được, ông đưa ra ví dụ với bệnh ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn 1 thì tỷ lệ điều trị thành công 95 %, giai đoạn 2 từ 70 đến 75%, giai đoạn 3 tỷ lệ chữa khỏi là 65 %, nhưng đến giai đoạn 4 thì chỉ 5% chữa khỏi bệnh.
Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Thuấn cũng đưa ra lời khuyên, nên có thói quen đi khám bệnh để phát hiện bệnh sớm, cơ hội điều trị thành công cao hơn.
Cũng tại buổi hội thảo, Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết Việt Nam đang đối mặt sự gia tăng ngày càng nhiều của các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh ung thư. Theo ông các bệnh không lây nhiễm chiếm 2/3 tổng số các ca bệnh và tử vong trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trong đó tử vong do ung thư chiếm 18%.
Ông Trần Đắc Phu cũng cho biết ung thư và các bênh không lây nhiễm khác là nguyên nhân quá tải bệnh viện. Ông khuyên mọi người không nên hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục… để phòng tránh bệnh ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác.
Tin, bài liên quan
- Hơn 165.000 người bị phát hiện ung thư tại Việt Nam trong năm 2018
- 8.000 ca tử vong vì ung thư dạ dày mỗi năm
- Miễn dịch trị liệu điều trị ung thư giành giải Nobel Y học 2018
- WHO đề nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá để giảm người dùng
- Đề xuất tăng thuế thuốc lá để giảm nguy cơ tử vong
- Việt Nam kêu gọi Monsanto bồi thường cho nạn nhân chất diệt cỏ
- Thu hồi thêm 14 loại thuốc có tạp chất gây ung thư nhập từ Trung Quốc
- Nỗi lo ‘thuốc kém chất lượng’ tại bệnh viện
- Bệnh nhân và VN Pharma: Số phận tùy thuộc bác sĩ
- Miễn dịch trị liệu, hướng điều trị mới cho bệnh ung thư
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cancer-kill-94000-vietnamese-every-year-04202018082101.html
Miễn dịch trị liệu, hướng điều trị mới cho bệnh ung thư
Ung thư, một trong những căn bệnh khó chữa của thế giới, cướp đi sinh mạng của khoảng hơn 8 triệu người trên toàn thế giới một năm, theo số liệu thống kê vào năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới.
Việc điều trị ung thư sử dụng các biện pháp phổ biến như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị chỉ có đáp ứng tốt với một số lượng hạn chế bệnh nhân trong khi rất nhiều người khác vẫn không qua khỏi hoặc bị di căn sau đó. Tuy nhiên các nhà khoa học thế giới hiện nay đang nghiên cứu một hướng điều trị mới là miễn dịch trị liệu. Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy những dấu hiệu khả quan của hướng tiếp cận mới trong điều trị ung thư.
Vào tháng 8 năm 2015, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, năm nay 93 tuổi, cho biết ông đã mắc ung thư tế bào hắc tố, một loại ung thư da phổ biến và ung thư đã di căn sang gan và não của ông. Vài tháng sau, vào khoảng tháng 5 năm 2016, sau khi được phẫu thuật, xạ trị và được điều trị bởi thuốc pembrolizumab, một loại thuốc nhắm vào hệ miễn dịch của cơ thể, Tổng thống Jimmy Carter cho biết ông đã hết ung thư và bác sĩ đã không còn yêu cầu ông dùng thuốc điều trị nữa. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cho rằng thuốc điều trị mới pembrolizumab đã giúp ông đánh bại ung thư.
Hướng tiếp cận mới khả quan
Thuốc pembrolizumab, hay còn được biết với tên hãng là Keytruda, là loại thuốc điều trị ung thư bằng cách tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Đây là một trong nhiều loại thuốc thuộc hướng điều trị mới, miễn dịch trị liệu, đang được nghiên cứu ở nhiều nước và đã bắt đầu được sử dụng ở một số nhóm bệnh nhân và nhóm bệnh ung thư nhất định, phổ biến nhất là ung thư da và ung thư phổi. Bác sĩ Edward Garon, chuyên gia thuộc Trung tâm điều trị ung thư Jonsson thuộc trường đại học UCLA, California, Mỹ cho biết về hướng nghiên cứu điều trị ung thư mới:
“Hiện có nhiều loại thuốc thuộc hướng điều trị miễn dịch trị liệu được dùng để điều trị các bệnh ung thư khác nhau đang được nghiên cứu bao gồm không chỉ ung thư phổi mà cả ung thư cổ, bọng đái. Có loại thuốc thuộc dạng miễn dịch trị liệu đã được sử dụng cho ung thư da và ung thư thận.”
Các nghiên cứu gần đây đối với thuốc Keytruda ở Mỹ cho thấy có từ 30 đến 40% bệnh nhân bị ung thư da giai đoạn cuối đã có đáp ứng tốt với thuốc. Thuốc đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) chấp nhận cho sử dụng để điều trị ung thư phổi. Hãng điều chế thuốc này hiện cũng đang cho thử nghiệm thuốc đối với một số loại ung thư khác là ung thư vú, thận và cổ.
Một nghiên cứu về việc sử dụng hướng điều trị miễn dịch trị liệu với bệnh nhân ung thư phổi được công bố hồi năm ngoái tại Mỹ cho thấy một số những bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp hóa trị và xạ trị thông thường, đã có đáp ứng tốt với thuốc mới. Nghiên cứu được tiến hành trên khoảng hơn 1.000 người bị ung thư phi tiểu bào phổi ở giai đoạn cuối, một loại ung thư rất khó điều trị với các phương pháp truyền thống. Những bệnh nhân tham gia nghiên cứu được chia làm hai nhóm. Một nhóm được điều trị bởi Docetaxel là thuốc hóa trị thường dùng, và nhóm kia được dùng Keytruda. Kết quả cho thấy những người dùng Keytruda sống lâu hơn những người được điều trị bằng hóa trị liệu. Bác sĩ Edward Garon, người tham gia nghiên cứu cho biết:
“Tỷ lệ sống sót nhìn chung ở những bệnh nhân có sử dụng phương pháp hóa trị liệu thông thường là khoảng 8 tháng. Nhưng con số này cải thiện rõ ràng ở các bệnh nhân được dùng phương pháp miễn dịch trị liệu. Ngoài ra, khi chúng tôi xem xét về độ độc của phương pháp trị liệu, những người dùng pembrolizumab ít chịu độc hơn so với những người dùng phương pháp hóa trị liệu thông thường.”
Các kết quả mà FDA xem xét để chấp nhận việc sử dụng thuốc mới cho ung thư phổi cho thấy thời gian sống trung bình của người bệnh kéo dài hơn 1 năm. Một số bệnh nhân sử dụng thuốc miễn dịch trị liệu mới thậm chí đã loại bỏ được hẳn ung thư di căn.
Mới đây, các bác sĩ tại trường đại học Yale, Hoa Kỳ, cũng cho biết những kết quả khả quan trong việc điều trị ung thư bọng đái đã di căn với thuốc miễn dịch trị liệu. Bác sĩ Daniel Patrylak, giáo sư môn ung thư thuộc Trung tâm ung thư trường đại học Yale, cho biết
“Thường thì một khi ung thư đã bắt đầu di căn thì hướng điều trị đầu tiên là hóa trị. Mặc dù một số nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn bệnh nhân cho thấy dấu hiệu u ung thư nhỏ lại. Trong 3 bệnh nhân thì có một bệnh nhân có đáp ứng hoàn toàn với điều trị. Chỉ khoảng 10% số bệnh nhân được điều trị sống được đến khoảng 5 năm sau đó nếu ung thư bọng đái đã di cư sang các bộ phận khác của cơ thể. Trong quá khứ nếu bệnh nhân không có đáp ứng với thuốc hóa trị thứ nhất thì chúng tôi sẽ cho bệnh nhân hóa trị thuốc khác. Và bệnh nhân có thể sống thêm 9 tháng. Miễn dịch trị liệu bây giờ đã thay thế cho hóa trị như dòng điều trị thứ hai…. Trung bình những bệnh nhân này có thể sống thêm được khoảng từ 7 tháng đến 1 năm. Nhưng vấn đề không chỉ là số năm trung bình mà ở kết quả chúng tôi thây được. Đó là đã có bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị mới và vẫn sống 3 năm sau đó. Đây là điều mà chúng tôi chưa từng thấy trước kia.”
Những thuốc được dùng để điều trị ung thư bọng đái bao gồm atezolizumab hay còn được gọi là thuốc Tecentriq, và thuốc nivolumab hay còn được biết đến với cái tên Opdivo. Thuốc atezolizumab đã được FDA chấp thuận cho điều trị với bệnh nhân ung thư bọng đái.
Ai có thể dùng thuốc điều trị mới?
Loại thuốc trị liệu mới nhắm vào một loại protein được gọi là PD-1 do các tế bào thuộc hệ miễn dịch sản sinh ra. Khi bị ung thư, loại protein này kết hợp với một loại khác là PD-L1 để tạo thành một điểm miễn dịch và khiến cho hệ miễn dịch không hoạt động tốt để chống lại các tế bào ung thư. Thuốc mới được thiết kế nhằm ngăn chặn sự kết hợp giữa PD-1 và PD_L1, giúp hệ miễn dịch của bệnh nhân hoạt động chống lại các tế bào ung thư. Theo bác sĩ Edward Garon, những người có mức PD-L1 cao dường như có phản ứng tốt hơn với miễn dịch trị liệu. Tuy nhiên theo bác sĩ Patrylak, vẫn có những trường hợp có mức PD-L1 thấp có đáp ứng với thuốc.
Thuốc nhắm vào hệ miễn dịch nên cũng có những phản ứng phụ liên quan đến hệ miễn dịch. Bác sĩ Edward Garon cho biết:
“Phản ứng phụ thường không quá nặng nề nhưng điều chúng tôi lo ngại nhiều nhất là vì thuốc này được thiết kế để tăng cường hệ miễn dịch chống lại các khối u thì nó cũng có khả năng chống lại những tế bào bình thường. Phản ứng phụ tự miễn nhiễm là điều chúng tôi lo ngại nhất. Phản ứng phụ thường thấy nhà mà chúng tôi theo dõi được là suy tuyến giáp khi hệ miễn dịch tấn công tuyến giáp. Tuy nhiên bệnh này hoàn toàn có thể được điều trị bằng thuốc. Điều làm chúng tôi lo ngại nhiều hơn là viêm ở phổi. Đây là phản ứng phụ đã được theo dõi ở bệnh nhân.”
Bác sĩ Daniel Patrylak cho biết những phản ứng phụ từ thuốc mới nếu không được theo dõi chặt chẽ cũng có thể dẫn đến tử vong
“Tất nhiên những phản ứng phụ này có thể dẫn đến tử vong nhưng chủ yếu là ở những người dùng kết hợp một số loại thuốc nhắm vào các phầ khác nhau của hệ miễn dịch. Chúng tôi phải theo dõi chặt chẽ người bệnh để nếu có phản ứng phụ thì có đáp ứng kịp thời.”
Cũng chính bởi những phản ứng phụ này, theo bác sĩ Daniel Patrylak, một số yếu tố cần được xem xét khi cân nhắc bệnh nhân nào nên được dùng thuốc. Theo ông tuổi tác và sức khỏe tổng thể là điều quan trọng nhất. Nếu bệnh nhân đã bị bệnh trong hệ miễn dịch từ trước thì không nên dùng thuốc. Theo bác sĩ Patrylak, những bệnh nhân lớn tuổi và không chịu được hóa trị cũng không nên sử dụng thuốc mới.
Việc điều trị ung thư bằng những thuốc miễn dịch trị liệu là khá đắt đỏ. Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư da của Mỹ, thuốc Keytruda điều trị cho bệnh nhân ung thư da tốn khoảng 12.000 đô la một tháng hoặc khoảng 150.000 đô la một năm với một bệnh nhân ở Mỹ. Hiện thuốc này cũng đã được nhập về Việt Nam từ Singapore và Ấn Độ. Chi phí điều trị trung bình là khoảng 130 triệu đồng một tháng đối với những bệnh nhân bị ung thư phổi đã lan rộng.
Theo bác sĩ Daniel Patrylak, những nghiên cứu về hướng điều trị mới hiện chỉ là bước đầu vì còn rất nhiều điều các nhà khoa học chưa biết hết. Ông nhận định về tương lai, rất có thể các bác sĩ sẽ vẫn áp dụng các phương pháp điều trị truyền thống là hóa trị và xạ trị kết hợp với miễn dịch trị liệu.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa
Tin, bài liên quan
- Hơn 165.000 người bị phát hiện ung thư tại Việt Nam trong năm 2018
- 8.000 ca tử vong vì ung thư dạ dày mỗi năm
- Miễn dịch trị liệu điều trị ung thư giành giải Nobel Y học 2018
- WHO đề nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá để giảm người dùng
- Đề xuất tăng thuế thuốc lá để giảm nguy cơ tử vong
- Việt Nam kêu gọi Monsanto bồi thường cho nạn nhân chất diệt cỏ
- Thu hồi thêm 14 loại thuốc có tạp chất gây ung thư nhập từ Trung Quốc
- Nỗi lo ‘thuốc kém chất lượng’ tại bệnh viện
- Hằng năm trung bình có 94 ngàn người Việt Nam chết vì ung thư
- Bệnh nhân và VN Pharma: Số phận tùy thuộc bác sĩ
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/LifeAndHealth/immunotherapy-show-potential-f-cancer-treatment-vh-04032017144042.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten