zaterdag 27 oktober 2018

Nghệ sĩ Kim Cương : Cuộc đời & Con đường nghệ thuật

Kim Cương - Phần 1: 'Tôi ở lại vì tôi là người Việt Nam'

  • 21 tháng 12 2016
Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Nghệ sĩ Kim Cương (phần 1): Con đường nghệ thuật và quyết định ở lại Việt Nam sau 1975

Nghệ sĩ Kim Cương (phần 1): Con đường nghệ thuật và quyết định ở lại Việt Nam sau 1975
Sinh ra trong một gia đình bốn đời phục vụ sân khấu và tám ngày tuổi đã được lên sân khấu, nghệ sĩ Kim Cương kể bà được "sống và thở không khí của nghệ thuật" và coi đương nhiên cuộc đời là như vậy.
Nhưng khi lên chín tuổi, khi chứng kiến hoàn cảnh qua đời của cha mình, bà chợt nhận "cái bạc bẽo của nghề hát". Bà kể:
"Ba tôi là trong những viên gạch đầu tiên xây dựng cái đàn ca Nam bộ của sân khấu cải lương mình những năm 1930. Thế mà khi ba tôi đau, đoàn đi lưu diễn ở Phan Thiết, tứ cố vô thân, má tôi chở ba tôi vô cái rạp hát trống không mà cách đó nửa tháng đoàn hát của tôi mang bao nhiêu lợi nhuận cho ông chủ và rạp hát đó thì ông chủ rạp đuổi ba tôi đi."
Thế rồi trong lúc gia đình bối rối thì một người ân nhân đã đưa gia đình bà tới một ngôi chùa Phật học ở Phan Thiết và cha bà mất ở đó.
Chính cái đêm ngồi trong cái rạp hát trống không đó, với một người cha đã chết sống cho sân khấu mà tới cuối đời muốn chết trên sân khấu cũng không được, bà chợt hiểu cuộc đời không đẹp như mình nghĩ.
Cũng có lẽ vì những oan nghiệt đó mà mẹ bà đã quyết định không cho bà theo nghề hát mặc dầu người thân quanh bà đều là những diễn viên nổi tiếng như bà Năm Phỉ, bà Mười Truyền, bà Bảy Nam, những viên gạch đầu tiên của nền sân khấu Nam bộ lúc đó.

Trở lại với sân khấu

Được má gởi vô một trường nội trú của các bà sơ, lại vốn là một đứa trẻ "sống như một con thú hoang, theo đoàn hát rong tới chín, mười tuổi," nay bị ép vô một môi trường kỷ luật khắt khao như thế, bà cho biết mấy năm đầu đã rất khủng hoảng và quậy phá.
"Nhưng rồi thời gian qua, với kỷ luật của nhà trường và sự dịu dàng của các sơ, những an ủi của bạn bè đã khiến tôi trở nên đầm hơn lại và cho tới năm 19 tuổi, tôi chấp nhận cuộc sống an phận, với suy nghĩ lớn lên sẽ làm một giáo viên như má mong muốn, chứ không còn mơ tới sân khấu nữa."
Thế và con đường trở lại sân khấu của bà cũng thật tình cờ. Trong một dịp hè về thăm má và đoàn đang diễn ở Châu Đốc, đúng vào thời điểm chiến cuộc đang còn sôi động, bà đã phải lên sân khấu biểu diễn ngoài dự định.
Nghệ sĩ Kim Cương
Image caption Giáo dục gia đình khiến nghệ sĩ Kim Cương hiểu rằng nghề hát là thiêng liêng, nó giúp con người ta sống tốt đẹp hơn.
Đó là đêm đoàn đương diễn thì có đụng độ ở ngoại ô và chính quyền yêu cầu không cho khán giả ra đường, sợ có rủi ro xảy ra. Đoàn hát đã giấu không cho khán giả biết lệnh đó nên chỉ nói rằng sẽ hát tặng thêm cho khán giả. Thế rồi khi mọi người đã ra hát thêm hết lượt và kéo dài cả một, hai tiếng đồng hồ mà tiếng súng vẫn chưa dứt, cô học trò Kim Cương trong chiếc đầm đồng phục của trường đã phải bước lên sân khấu và thật bất ngờ được khán giả rất hoan nghênh.
"Bắt đầu từ đó má tôi nghĩ tôi cũng có duyên với sân khấu. Bà cho tôi trở về với sân khấu. Tôi cũng không có ngờ đêm hát chữa lửa đã trở thành đêm định mạng của tôi. Từ đó tôi gắn chặt với sân khấu. Suốt mấy mươi năm trời tôi chết sống với sân khấu," bà nói.

Lao động nghệ thuật - lao động tâm hồn

Với truyền thống và giáo dục gia đình, bà hiểu rằng nghệ hát là thiêng liêng, nó giúp con người ta sống tốt đẹp hơn.
"Tôi cho rằng lao động nghệ thuật là lao động về tâm hồn", bà nói và như vậy thì người nghệ sĩ phải đem hết tâm hồn mình thì mới mong gặp được tâm hồn của khán giả và lấy được sự đồng cảm của họ.
Theo bà nghề sân khấu là rất khó, vì sau một ngày làm việc, khán giả tới rạp với những tâm trạng vui buồn khác nhau nhưng phận sự của người diễn viên là sau 15-20 phút phải làm sao kéo khán giả khóc theo mình, cười theo mình và làm được như vậy không phải dễ.
Bà vẫn thường nói với các diễn viên trong đoàn rằng nếu chỉ diễn để lấy tiền, để có tiếng thì chắc chắn sẽ không bao giờ đi được tới mức hòa đồng với khán giả.
"Cái hạnh phúc của người nghệ sĩ là khi thấy rằng những cái đẹp của cuộc đời được đưa lên sân khấu đã được người xem hiểu và đồng cảm."
Một trong những ví dụ về sự đồng cảm với khán giả là khi diễn vở Lá Sầu Riêng. Bà kể khi người mẹ cảm hóa con trai mình và nói: "Hồi nhỏ má cho con gói bánh, gói kẹo, con theo má tối ngày. Giờ này má cho con cả cuộc đời má, mà con không nhận vậy?" thì khi nhìn xuống, ít nhất 80% khán giả giơ tay lên chùi nước mắt.
"Đó là giờ hạnh phúc của tôi, câu nói về tình mẹ con của tôi đã được khán giả chấp nhận. Ai cũng biết ảnh hưởng của sân khấu và văn học nghệ thuật tới đời sống là rất mạnh", bà nói.

'Tôi ở lại vì tôi là người Việt Nam'

Nghệ sĩ Kim Cương
Image caption Bà cho rằng người nghệ sĩ phải đem hết tâm hồn mình khi diễn thì mới mong gặp được tâm hồn của khán giả và lấy được sự đồng cảm của họ.
Sau biến cố của đất nước năm 1975, bà quyết định ở lại Việt Nam và cho biết đây là "cột mốc quan trọng nhất" trong cuộc đời bà.
"Thật sự lúc đó tôi, cũng như hàng trăm ngàn gia đình khác, rất là lo. Chúng tôi hiểu rất rõ đây không phải là một thay đổi từ chính phủ này qua chính phủ khác, hay ông Thủ tướng này qua ông Thủ tướng khác, mà là thay đổi cả một ý thức hệ. Ngay cái ý thức hệ đó chưa chắc chúng tôi đã hiểu rõ."
Mặc dù những năm đầu cuộc sống thực sự khó khăn nhưng bà vẫn quyết định ở lại, và bà nói thêm việc ở lại không phải vì bà là thượng tá cách mạng hay đảng viên như một số người đồn đại.
"Tôi ở lại, lý do thứ nhất: tôi là người Việt Nam. Tôi đã sống nhiều năm ở nước ngoài nên tôi hiểu, tâm hồn tôi không thể sống ở nước ngoài được.
"Lý do thứ hai: tôi thương gia đình tôi. Má tôi chắc chắn không đi rồi. Mà má tôi không đi thì tôi không đi, em tôi không đi và cả gia đình tôi không đi.
"Và một nguyên nhân sâu xa nữa là tôi thương nghề tôi, tôi thương khán giả của tôi, bởi tôi biết rằng khán giả nước ngoài có thể thương Kim Cương vì sắc vì tài.v.v. nhưng không một khán giả nào có thể thương Kim Cương bằng khán giả Việt Nam. Tôi đã bơi lội trong tình thương đó mấy chục năm trời và tôi muốn giữ tình thương đó cho tôi mặc dù nghèo đói.
"Lý do thứ ba là quan niệm sống của tôi. Có người cho rằng sống phải có xe hơi nhà lầu, vật chất đầy đủ mới hạnh phúc. Còn tôi và gia đình tôi thì nghĩ rằng nơi nào mình đóng góp được nhiều, nơi nào mình đem được niềm vui và bớt nỗi khổ cho mọi người thì nơi đó tôi có hạnh phúc, mà ở đó thì không đâu khác hơn Việt Nam, nhất là những năm đầu khó khăn.
"Tôi muốn ở lại chia sẻ với bà con tôi, đồng bào tôi, mặc dầu những đóng góp đó của tôi chỉ giống như một hạt cát nhưng tôi cũng xin có mặt trong những ngày khó khăn đó," bà nói thêm.
Bà cho biết đó là một quyết định đúng vì 40 năm qua bà đã làm được rất nhiều cho sân khấu và cho thiện nguyện, và nếu lựa chọn lại bà vẫn chọn nơi đây là quê hương.
Mời quý vị đón xem phần II cuộc phỏng vấn với nghệ sĩ Kim Cương trên trang BBCVietnamese.com

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38384169

Kim Cương - Phần 2: Kịch nói Nam bộ và những khó khăn

  • 26 tháng 12 2016
Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Cuộc đời Kỳ nữ Kim Cương (phần 2): Xây dựng nền kịch nói Nam Bộ và những khó khăn trong quá trình đó

Cuộc đời Kỳ nữ Kim Cương (phần 2): Xây dựng nền kịch nói Nam Bộ và những khó khăn trong quá trình đó
Tiếp theo phần một cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Kim Cương, BBC Tiếng Việt hỏi về điều đã khiến bà đến với kịch nói, một loại hình nghệ thuật còn mới mẻ ở Nam bộ lúc bây giờ, trong khi bà vốn được mệnh danh là Kỳ nữ trong làng cải lương.

Nghệ sĩ Kim Cương cho biết cải lương tuy có cái hay riêng của nó, nhờ vào âm nhạc, phong cảnh, ánh sáng, tính trữ tình, giúp đưa nghệ thuật tới người xem dễ dàng, nhưng theo bà nó không đến trực tiếp tới khán giả được như kịch nói mà với loại hình nghệ thuật này bà có thể đặt thẳng các vấn đề xã hội.
"Tận thâm tâm, tôi có một mong muốn, đó là muốn thấy sân khấu miền Nam chưa có kịch. Ở miền Bắc có bác Thế Lữ, Phùng Khắc Khoan, kịch ở miền Bắc nhiều lắm rồi mà miền Nam thì chưa có."

Đặc tính 'kịch Kim Cương'

Nghệ sĩ Kim Cương lật xem một vài bức ảnh trong cuốn Hồi kỳ Kim Cương
Image caption Nghệ sĩ Kim Cương mong gây dựng được một sân khấu kịch nói miền Nam với phong cách giản dị, đi vào lòng người
Với đặc thù của người dân miền Nam, theo tinh thần di dân, tìm đất mới, mà như vậy thì cần đoàn kết, thương yêu nhau, cần hiểu và gần gũi nhau, bà nói, mà như vậy muốn hiểu nhau thì càng giản dị chừng nào càng tốt chừng nấy.
"Tôi rất ngưỡng mộ cụ Hồ Biểu Chánh, nhà văn Nguyễn Đình Chiểu, những người đi vào văn học Việt Nam bằng phong cách của miền Nam, rất giản dị, không cầu kỳ nhưng thấm vào lòng người.
"Và tôi mong dựng được một sân khấu kịch miền Nam. Hạnh phúc của tôi là qua bao nhiêu khó khăn suốt mấy chục năm, giờ này ở Sài Gòn đã có một loại kịch của miền Nam mà mấy anh thường thương tôi mà gọi là Kịch Kim Cương, nhưng kỳ thiệt đó là tinh thần của kịch miền Nam, tinh thần của những người dân Nam bộ", bà nói.
Khi được hỏi về sắc thái riêng trong kịch Kim Cương, bà giải thích: Trong nghệ thuật có hai thể loại kịch, loại kịch bác học là những vở kịch kinh điển, người diễn và người xem phải tỉnh táo để nhận xét câu chữ rồi qua suy nghĩ mới đi vào trái tim; nhưng kịch Kim Cương muốn đi vào tim trước, làm khán giả xúc động, thấy đồng cảm rồi từ đó mới đi lên óc để suy nghĩ nên sống sao cho đẹp với cuộc đời.
Nghệ sĩ Kim Cương cũng nhớ lại kỷ niệm với một khán giả cải lương lớn tuổi người đã từng ngạc nhiên hỏi bà: "Ra sân khấu mà không ca hát, chỉ nói không thì tao xem cái gì!", bà kể, và nó cho thấy kịch nói còn rất xa lạ ở miền Nam thời bấy giờ.

Khó khăn xây dựng nền kịch nói miền Nam

Nghệ sĩ Kim Cương trò chuyện cùng Hà Mi, BBC Tiếng Việt
Image caption Kịch nói là một mảnh đất hoàn toàn mới mẻ tại Nam bộ vào những năm 1950 và có rất nhiều khó khăn khi xây dựng một nền kịch nói Nam bộ
"Đây là một mảnh đất còn mới mẻ, mà bà gọi là 'phá rừng mà đi'".
Khó khăn đầu tiên là tìm diễn viên vì khi đó ở miền Nam chưa có trường sân khấu, do vậy bà phải tìm bạn diễn, những người có chung tâm huyết muốn đóng góp một cái gì cụ thể cho sân khấu.
Kế tiếp là không có kịch bản vì vào những năm 1950, cải lương đang rất thịnh hành, phần lớn các tác giả viết hay và nổi tiếng đều tập trung viết cho cải lương, vừa có nơi diễn vừa có thu nhập, trong khi kịch nói lâu lâu mới có một lần.
"Năn nỉ hoài không có ai viết, thôi tôi phải đành nhảy ra tôi viết để mình diễn. Mà lúc đó tôi không tin là mình viết được nên không dám lấy tên Kim Cương mà lấy tên một cậu con trai là Hoàng Dũng để nếu người ta có chê thì chê Hoàng Dũng chứ không chê Kim Cương," nữ nghệ sĩ kể.
Ngoài ra còn có khó khăn về rạp diễn vì rạp lớn phần lớn đều dành cho cải lương. Ban đầu đoàn của bà phải nói khó mới thuê được rạp chiếu phim một hai tuần để diễn kịch và để làm được việc đó bà phải bán đồ nữ trang của mình, của má và đồ đạc của gia đình để trả trước tiền rạp mới thuê được.
"Cái buổi đầu tiên thành công của kịch nói, tôi còn nhớ đó là vở Tôi làm mẹ, tôi mừng lắm," bà nói. "Mừng là mình đã tìm được một con đường, dù chỉ mới manh nha, nhưng ít nhất cũng nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm để vững bước đi trên con đường kịch nói."

Tình mẹ con trong kịch Kim Cương

Ảnh mẹ con nghệ sĩ Kim Cương từ cuốn Hồi ký Kim Cương
Image caption Với nghệ sĩ Kim Cương, mẹ bà không chỉ là người mẹ mà còn là người thầy, bạn diễn và người tri kỷ.
Một chủ đề được nói tới rất nhiều trong các vở kịch Kim Cương là về tình mẹ con vì bà cho rằng "không có tình nào thiêng liêng bằng tình mẹ, một thứ tình cảm cho đi cả cuộc đời mà không bao giờ đòi hỏi cái gì".
Bà cũng cho biết mẹ con bà là một cặp mẹ con rất đặc biệt: "Má tôi đối với tôi không chỉ là một người mẹ mà còn là một người thầy, một người bạn diễn, một người tri kỷ, người chia sẻ những vui - buồn và thành công - thất bại của sân khấu".
Việc viết về tình mẹ con cũng một phần vì bà muốn làm cho mẹ vui do mẹ bà không được may mắn trên con đường nghệ thuật như bà mặc dù có tài, và khi mẹ bà có điều kiện thể hiện khả năng của mình trên sàn diễn thì lúc đó đã có tuổi rồi.
"Là một nghệ sĩ tôi hiểu rất rõ rằng cái vui của người nghệ sĩ không có gì bằng được diễn trên sân khấu, không phải vì tiếng vỗ tay, vì tiền cao mà là tâm hồn mình được hòa nhập với tâm hồn khán giả, được sống với các vai tuồng khác của cuộc đời," bà tâm sự.
Mời quý vị đón xem phần III cuộc phỏng vấn với nghệ sĩ Kim Cương trên trang BBCVietnamese.com

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38392391

Kim Cương - Phần 3: Niềm vui làm thiện nguyện và đời tư

  • 28 tháng 12 2016
Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Nghệ sĩ Kim Cương nói về công tác thiện nguyện và đời sống tình cảm riêng tư

Nghệ sĩ Kim Cương nói về công tác thiện nguyện và đời sống tình cảm riêng tư
Trong phần ba và cũng là phần cuối loạt ba bài về cuộc đời của kỳ nữ Kim Cương, BBC Tiếng Việt xin giới thiệu những hoạt động thiện nguyện của bà sau khi rời sân khấu cách đây gần 20 năm và bà cũng chia sẻ một số kỷ niệm khó quên trong đời nghệ sĩ của mình.

Nghệ sĩ Kim Cương cho biết cảm thấy rất vui vì đã làm được một số việc thiện nguyện trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hồ Chí Minh, Thường vụ Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo.

Làm thiện nguyện

Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hồ Chí Minh
Image caption Trung Tâm dạy nghề được thành lập hơn 10 năm nay
Bà đặc biệt tự hào là Hội bảo trợ người khuyết tật đã xây dựng được một Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật tại Hooc Môn, ngoại ô thành phố.
"Ban đầu khó khăn lắm, cái gì bắt đầu cũng khó khăn thôi. Từ một miếng đất hoang, lội sình, chúng tôi đi tìm tài trợ, mà bây giờ đã thành một ngôi trường tương đối khang trang cho cả trăm em ở nội trú để học nghề," bà nói.
Được biết trong 10 năm hoạt động, Trung tâm đã đào tạo được trên 1000 thanh thiếu niên khuyết tật, và 85% học viên nay đã có việc làm. Bà nói việc dạy nghề cho học viên của trường đã giúp đổi đời cho các em:
"Vấn đề không phải chỉ là tiền bạc không đâu mà là đem lại cho các em khuyết tật sự tự tin bước vào đời và đó cũng là cái thành công của tôi, cái thành công của tôi khi ở lại.
"Nhưng mà có lẽ cái mà tôi trăn trở nhất, đó là lo cho những người khó khăn đó cũng không phải là cực lòng bằng phải đối đầu với những tiêu cực trong công tác thiện nguyện," bà chia sẻ.
Nghệ sĩ Kim Cương tới thăm Trung tâm dạy nghệ cho người khuyết tật
Image caption Đem lại tự tin cho người khuyết tật qua việc dạy nghề là một trong những niềm tự hào của nghệ sĩ Kim Cương trong công tác thiện nguyện
Nghệ sĩ Kim Cương tới thăm Trung tâm dạy nghệ cho người khuyết tật
Image caption Trong 10 năm qua, Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật đã đào tạo được khoảng 1000 học viên với 85% nay có việc làm

Đời tư

Khi được hỏi về chuyện tình cảm, đời tư bà cười nói: "Tôi thường nói đùa với các bạn rằng một đêm tôi diễn thì chắc có chừng ít nhất 1000 người nghe xem. Không lẽ 1000 người đó không có một người nào cảm Kim Cương hay sao? Nghĩa là một năm có 365 người cảm tôi. Đấy mới là một năm chứ chưa nhân lên 10 năm! Mà không lẽ bao nhiêu người lại không có một người thương tôi thật, làm tôi xúc động được hay sao? Do đó nếu nói Kim Cương chỉ có yêu một mình chồng không thì cũng không ai tin.
"Thật sự là tôi đã được yêu và cũng đã yêu rất nhiều. Nhưng tôi thường nói rằng tôi là người may mắn, may mắn trong học tập, trong nghề nghiệp, và cả trong tu tập nhưng cái tôi không may mắn là vấn đề tình yêu và vợ chồng.
"Tôi nghĩ cái đó là quy luật thôi. Bởi vì con người chỉ có thể làm được một mặt nào đó, và đúng là do nghề nghiệp tôi không có tròn với gia đình lắm, không có tròn bổn phận làm dâu, mà ngay cả đối với con tôi cũng không sống hết cái tình như một bà mẹ muốn. Do đó tôi bù đắp cho con tôi bằng cách sống của tôi."
Bà cho biết đã gãy gánh gia đình khi con trai lên 15 tuổi và bà hiểu cái lẽ dĩ nhiên rằng "đỗ vỡ nào cũng là lỗi của hai bên và thiệt thòi cũng là của cả hai bên". Nhưng mười mấy năm trôi qua, như một ly nước đã lắng xuống, bà nhận thấy tất cả đều có nhân có quả, không phải lỗi của riêng ai, tuy nhiên bà nhận ra một điều:
"Tôi nghĩ rằng tôi có một cái lỗi. Tôi khổ lắm, tới mức có lúc tôi định tự vẫn. Nhưng giờ nhờ Phật pháp tôi mới hiểu rằng tất cả những dày vò khổ sở là do tôi. Bởi vì tôi hiểu đời là vô thường. Không có cái gì là bền bỉ cả. Thế mà tôi thương ông nào tôi cũng bắt thương tôi trăm năm! Tôi đòi hỏi một chuyện không có trên thế gian. Thành ra tôi khổ là phải.
"Cách đây chừng 20 năm, tôi hiểu rằng mình không có cái duyên trong tình cảm thì thôi, chấp nhận với những gì mình có. Tôi sống bằng tình cảm của bạn bè, khán giả, và nhất là của con tôi, và may mắn con tôi là người rất có hiếu.
Ảnh gia đình chụp từ cuốn Hồi kỳ Kim Cương
Image caption Nghệ sĩ Kim Cương bằng lòng với những gì mình có và tự hào có một người con hiếu thảo và bốn cháu nội.
Biết bằng lòng với tất cả những gì mà cuộc đời đem lại đã giúp bà tìm thấy hạnh phúc, do đó những năm cuối đời, bà "sống tri túc, bình an, không mơ nhà lầu, xe hơi, hay mơ yêu một ông hoàng tử nào đó".
Kỷ niệm đời nghệ sĩ và khi làm thiện nguyện
Cuộc đời nghệ sĩ mấy chục năm đã đem lại cho bà không ít những kỷ niệm khó quên như hình ảnh khán giả đứng dưới mưa tầm tã nghe hát khi đoàn diễn ngoài trời ở Đà Nẵng, hay câu nói của các khán giả nhí theo nắm tay bà sau vở diễn Bông hồng cài áo, đề cao tình mẹ con, rằng sau này lớn lên mẹ có nghèo các em cũng sẽ ở mẹ chứ không ở với bà nội đâu!
Đó chính là những phần thưởng rất lớn cho những người nghệ sĩ và nó thúc đẩy bà trên con đường sân khấu, bà nói.
Nghệ sĩ Kim Cương
Image caption Những kỷ niệm khó quên khi còn trên sân khấu lẫn khi là thiện nguyện là phần thưởng và hành trang giúp nghệ sĩ Kim Cương tiếp tục con đường của mình.
Bà cũng nhắc lại một kỷ niệm cảm động khi làm công tác thiện nguyện cùng Hội hỗ trợ bệnh nhân nghèo đi mổ mắt cho hai mẹ con bị mù ở Nha Trang.
Khi hai mẹ con lần đầu tiên nhìn thấy nhau, cô gái khiếm thị 15 tuổi nói với bà rằng "trước đây con không thấy mẹ nhưng con nghe được mùi mẹ". Câu nói khiến bà thốt lên rằng tuy viết rất nhiều vở kịch về mẹ mà chưa bao giờ bà biết sử dụng cái chữ "mùi mẹ, một mùi thiêng liêng của người mẹ mà không thể lầm được với ai hết".
Những kỷ niệm như vậy là hành trang cho bà bước theo con đường thiện nguyện, bà nói.
"Tôi nghe nhà văn Chế Lan Viên nói một câu như thế này: 'Tận cùng của lý mà là lý thì vô lý vô cùng. Tận cùng của lý mà là tình mới thật là có lý. Và đó là kim chỉ nam cho tôi trong cuộc đời này.
"Viết kịch tôi cũng khai thác hết những mặt tình cảm của tình bạn, tình mẹ, tình chồng vợ, tình chị em. Và khi làm thiện nguyện tôi cũng đem hết cái tình ra để sống ở đời.
"Khi đã thông cảm với nhau thì mọi chuyện khó khăn đều dễ dàng. Và tôi cũng mong trên cuộc đời này người ta sống với nhau bằng cái tình, mà khi người ta sống bằng tình thương, lẽ phải thì chắc chắn sẽ bớt khổ cho nhân loại, bớt chiến tranh, bớt chết chóc nhiều lắm."

Chủ đề liên quan

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten