zaterdag 20 oktober 2018

Singapore - Liên Hiệp Châu Âu (EU) ký hiệp định tự do thương mại + Ủy Ban Châu Âu đệ trình hiệp định tự do mậu dịch với Việt Nam


Singapore - Liên Hiệp Châu Âu ký hiệp định tự do thương mại


mediaThủ tướng Singapore Lý Hiển Long, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk tại thượng đỉnh ASEM ở Bruxelles ngày 19/10/2018.Reuters
Ngày 19/10/2018 tại Bruxelles, Liên Hiệp Châu Âu và Singapore đã ký một hiệp định tự do thương mại, hiệp định được xem là một thông điệp rõ ràng nhằm đối lại chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng thống Donald Trump.
Hiệp định được thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cùng đặt bút ký bên lề thượng đỉnh Á – Âu ASEM tại Bruxelles. Văn bản còn phải chờ được Nghị Viện Châu Âu thông qua, trước khi có hiệu lực vào năm 2019.
Singapore là đối tác thương mại hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu trong khối ASEAN. Trao đổi mậu dịch năm 2017 giữa hai bên đạt lên đến 53,3 tỉ euro. Các cuộc đàm phán với Singapore đã bắt đầu sau khi Bruxelles và ASEAN thất bại trong các cuộc đàm phán năm 2009.
Ngoài việc dỡ bỏ thuế quan và một số rào cản về giá, hiệp định tự do mậu dịch song phương « thế hệ mới » còn gồm nhiều điều khoản liên quan đến bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do hóa đầu tư, cạnh tranh và phát triển bền vững. Ngoài hiệp định tự do thương mại, Liên Hiệp Châu Âu và Singapore còn ký một hiệp định về bảo hộ đầu tư.
Ông Juncker hôm qua đã hoan nghênh hiệp định được ký với một đối tác « có chung tầm nhìn » với Liên Hiệp Châu Âu. Còn bà Cecilia Malmstrom, ủy viên châu Âu về Thương Mại, đánh giá cao Singapore, vì « trong thời điểm khó khăn trên trường quốc tế, chúng ta cần những đồng minh mạnh mẽ như Singapore để duy trì hệ thống thương mại thế giới được thiết lập dựa trên quy định ».
Bruxelles hiện đang đàm phán với nhiều thành viên khác trong khối ASEAN, trong đó có Việt Nam. Hiệp định tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam có thể cũng sẽ sớm được chính thức ký kết.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181020-singapore-lien-hiep-chau-au-ky-hiep-dinh-tu-do-thuong-mai


Ủy Ban Châu Âu đệ trình hiệp định tự do mậu dịch với Việt Nam


media© Morganimation Fotolia.com
Theo hãng tin Reuters, hôm qua, 17/10/2018, Ủy Ban Châu Âu thông qua việc đệ trình Hiệp định Tự do Mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam ( EVFTA ), với hy vọng là hiệp định này sẽ sớm được chính thức ký kết và phê chuẩn, để có thể đưa vào thực thi.
Hiệp định tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam dự trù xóa bỏ 99% thuế quan trên hàng hóa giữa hai bên và như vậy sẽ thúc đẩy hơn nữa trao đổi mậu dịch giữa hai bên, hiện nay là khoảng 50 tỷ euro mỗi năm.
Cụ thể, Ủy Ban Châu Âu sẽ đệ trình hiệp định EVFTA lên Hội Đồng Châu Âu, đề nghị Hội Đồng chấp thuận cho chính thức ký kết dự kiến vào cuối năm 2018. Sau đó, hiệp định này sẽ được trình lên Nghị Viện Châu Âu, dự kiến vào đầu năm 2019. Nếu được phê chuẩn, hiệp định EVFTA sẽ được đưa vào thực thi.
Ủy Ban Châu Âu hôm qua cũng đã đề nghị một lịch trình tương tự để ký kết Hiêp định Bảo hộ Đầu tư Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam ( IPA ).
Trong bản thông cáo, Ủy Ban Châu Âu nhấn mạnh  Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam cũng đã đồng ý về một thỏa thuận nhằm thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, bao gồm những cam kết, đối thoại thường xuyên và khả năng thi hành các biện pháp trừng phạt, trong trường hợp có những vi phạm nhân quyền, kể cả biện pháp đình chỉ thực hiện hiệp định tự do mậu dịch.
Theo hãng tin AFP, trong cuộc họp báo hôm qua tại Bruxelles, Ủy viên Thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom khẳng định : « Có những vấn đề trầm trọng về nhân quyền ở Việt Nam. Không ai có thể bác bỏ điều đó và hiệp định tự do mậu dịch dĩ nhiên không thể nhanh chóng biến Việt Nam thành một quốc gia dân chủ hoàn toàn ». Nhưng theo bà Malmstrom, hiệp định sẽ giúp thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam.
Vấn đề là theo hãng tin Reuters, không chắc là các nghị sĩ châu Âu có đủ thời gian để tổ chức thảo luận và biểu quyết phê chuẩn hiệp định tự do mậu dịch với Việt Nam trước khi diễn ra bầu cử Nghị Viện Châu Âu tháng 05/2019.
Đây là hiệp định tự do mậu dịch đầu tiên mà Liên Hiệp Châu Âu ký với một nước đang phát triển ở châu Á. Ngày mai, Liên Hiệp Châu Âu sẽ ký một hiệp định tự do mậu dịch với Singapore, một thành viên khác của ASEAN, và Bruxelles hiện cũng đang thương lượng một hiệp định tương tự với Indonesia.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181018-uy-ban-chau-au-de-trinh-hiep-dinh-tu-do-mau-dich-voi-viet-nam-de-phe-chuan

Tự do mậu dịch: châu Âu và Việt Nam chạy đua với thời gian

Tự do mậu dịch: châu Âu và Việt Nam chạy đua với thời gian
 
Đại diện ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, bà Catherine Ashton (thứ 2 từ trái sang) trong chuyến thăm Việt Nam ngày 12/08/2014.REUTERS/Kham

    Ủy ban Thương mại quốc tế thuộc Nghị Viện Châu Âu ngày 10/10/2018 vừa tổ chức một buổi điều trần về Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo vệ đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Việt Nam.

    Theo lộ trình dự kiến, Ủy Ban Châu Âu sẽ gửi hồ sơ lên Hội Đồng Châu Âu để xin ủy nhiệm ký hiệp định. Sau khi được ký, hiệp định sẽ được Hội Đồng Châu Âu trình lên Nghị Viện Châu Âu để các nghị sĩ bỏ phiếu phê chuẩn. Vấn đề là thời gian hiện nay khá gấp rút, vì cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu khóa mới sẽ diễn ra vào tháng 5/2019, nếu các nghị sĩ châu Âu không thông qua trước thời điểm đó thì hai bên còn phải chờ thêm nhiều tháng nữa.
    Mời quý vị nghe phần phỏng vấn trưởng phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, Bruno Angelet, qua điện thoại ngày 03/10/2018 về tiến trình ký kết và phê chuẩn hiệp định tự do mậu dịch giữa EU với Việt Nam.
    RFI:Thưa ông Bruno Angelet, trước hết xin ông cho biết là hiệp định tự do mậu dịch với Liên Hiệp Châu Âu sẽ mang lại những mối lợi nào cho Việt Nam?
    Bruno Angelet: Trước hết, do mức độ phát triển hiện nay của Việt Nam, nhiều quốc gia và các nhà tài trợ chính đã chấm dứt các chương trình phát triển với Việt Nam. Vì Việt Nam không còn là một quốc gia đang phát triển nữa, nên các nhà tài trợ chính, các nước Liên Hiệp Châu Âu và khối Liên Hiệp Châu Âu đã thiết lập một đối tác mang tính chính trị hơn với Việt Nam, và sự hợp tác giữa hai bên tập trung nhiều hơn vào kinh tế, để thúc đẩy thương mại và đầu tư.
    Do Việt Nam hiện nay có một nền kinh tế phát triển hơn, phải bảo đảm làm sao cho những thành quả phát triển này được bền vững. Chúng tôi cho rằng để bổ sung cho hợp tác phát triển mà chúng tôi tiến hành từ 20 năm qua, cần phải củng cố đối tác giữa Liên Hiệp Châu Âu với Việt Nam bằng một hiệp định tự do mậu dịch. Đây là điểm đầu tiên rất quan trọng
    Thứ hai, hiệp định tự do mậu dịch sẽ giúp cho Việt Nam thâm nhập thị trường duy nhất của Liên Hiệp Châu Âu, hàng hóa từ Việt Nam vào EU được miễn thuế nhập khẩu, qua đó làm gia tăng mạnh trao đổi thương mại giữa hai bên.
    Hiện giờ kinh tế Việt Nam có quy mô tương đương với nước Bỉ của tôi, đối diện với Việt Nam là Liên Hiệp Châu Âu, nền kinh tế hàng đầu thế giới. Dĩ nhiên là trước mắt chúng tôi phải để cho phía Việt Nam hưởng nhiều mối lợi hơn là phía Liên Hiệp Châu Âu. Hàng được miễn thuế, Việt Nam sẽ xuất khẩu sang châu Âu nhiều hơn so với hiện nay, nhất là thực phẩm: rau quả, thịt, hải sản... Liên Hiệp Châu Âu chủ yếu xuất khẩu những máy công cụ để giúp Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa. Hàng của châu Âu trong tương lai sẽ rẻ hơn, Việt Nam sẽ có thể mua nhiều hơn thiết bị để phục vụ cho công nghiệp hóa.
    Mối lợi thứ ba: hai bên không chỉ ký hiệp định tự do mậu dịch mà còn ký hiệp định về bảo vệ đầu tư, để tạo thuận lợi cho đầu tư của châu Âu ở Việt Nam. Đầu tư của châu Âu có chất lượng rất tốt, các nhà đầu tư của chúng tôi rất quan tâm đến môi trường, đến các quyền xã hội. Hiện giờ Liên Hiệp Châu Âu đã là nhà đầu tư hàng đầu trong ASEAN, ở Ấn Độ, Hoa Kỳ. Ở Việt Nam, Liên Hiệp Châu Âu chỉ mới chiếm thứ hạng 5, nhưng với hiệp định bảo về đầu tư, chúng tôi hy vọng sẽ gia tăng khối lượng đầu tư. Việt Nam cũng đang muốn đa dạng hóa nguồn đầu tư, để không chỉ phụ thuộc vào đầu tư của các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc.
    Mối lợi thứ tư, rất quan trọng, là về mặt địa chính trị, đối với Liên Hiệp Châu Âu lẫn Việt Nam. Trước hết, với hiệp định tự do mậu dịch, Việt Nam sẽ củng cố vị thế cửa ngỏ cho xuất khẩu và đầu tư của châu Âu vào toàn khối ASEAN, và nâng cao sức cạnh tranh của mình so với các thành viên khác của ASEAN. Liên Hiệp Châu Âu không chỉ muốn ký hiệp định tự do mậu dịch với Việt Nam, mà còn với toàn bộ các thành viên ASEAN, thậm chí ký hiệp định giữa hai khối với nhau. Hiệp định mà chúng tôi ký với Việt Nam chắc chắn sẽ làm tăng sức hấp dẫn của Liên Hiệp Châu Âu đối với toàn bộ khu vực.
    Điểm cuối cùng cũng rất quan trọng, đó là hiệp định tự do mậu dịch này sẽ giúp nâng cao trình độ và chất lượng của nền kinh tế Việt Nam, bởi vì cùng với việc xâm nhập thị trường duy nhất châu Âu, Việt Nam phải tuân thủ các chuẩn mực và tiêu chuẩn của Liên Hiệp Châu Âu, điều này sẽ buộc các doanh nghiệp phải cải tiến chất lượng sản phẩm, về lâu dài sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đối với toàn vùng.
    RFI:Thưa ông Bruno Angelet, vậy thì những lý do nào đã khiến việc ký kết hiệp định bị chậm trễ như vậy?
    Bruno Angelet: Sự chậm trễ là do chúng tôi phải tính đến khuyến nghị của Tòa án Công lý châu Âu. Tòa án này vào năm ngoái đã quyết định rằng các hiệp định tự do mậu dịch mà Liên Hiệp Châu Âu ký với các nước như Việt Nam phải theo một thủ tục phê chuẩn mới. Trong quá khứ, khi Liên Hiệp Châu Âu ký một hiệp định với một nước nào đó, Nghị Viện Châu Âu và Quốc Hội mỗi nước sẽ phê chuẩn hiệp định này. Nhưng từ khi Ủy Ban Châu Âu có thẩm quyền thương lượng luôn cả hiệp định bảo vệ đầu tư, Tòa án Công lý châu Âu khuyến nghị là Nghị Viện Châu Âu chỉ phê chuẩn về thương mại, còn về vế đầu tư thì phải tiếp tục tham vấn Quốc Hội các nước.
    Khuyến nghị nói trên của Tòa án Công lý châu Âu buộc chúng tôi phải soạn thảo lại hiệp định, chia văn bản thành hai phần. Chính công việc mang tính kỹ thuật này đã khiến chúng tôi mất hết cả năm 2017. Cho nên, chúng tôi hơi bị chậm trễ trong tiến trình ký kết hiệp định. Bây giờ, chúng tôi đã vượt qua mọi trở ngại về kỹ thuật, tôi nghĩ là chỉ vài tuần nữa là sẽ có thể ký được hiệp định. Ở Bruxelles, chúng tôi đang tiến hành giai đoạn cuối cùng là dịch bản hiệp định sang ngôn ngữ của 22 nước thành viên Hội Đồng Châu Âu. Công việc này trên nguyên tắc sẽ kết thúc vào giữa tháng 11. Sau đó Ủy Ban Châu Âu sẽ thông qua văn bản trong nội bộ, rồi chuyển hiệp định đến các quốc gia thành viên của Hội Đồng và yêu cầu Hội Đồng bật đèn xanh để ký kết.
    Tôi nghĩ là đến đầu năm 2019, chúng tôi sẽ được Hội Đồng cho phép ký hiệp định với Việt Nam trong những tháng đầu năm tới. Đây là một dự báo khá là thực tế.
    RFI: Thưa ông Angelet, liệu nhân quyền có sẽ là một yếu tố gây cản trở việc phê chuẩn hiệp định tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu? Phía EU đặt vấn đề này như thế nào với Việt Nam?
    Bruno Angelet: Trong khuôn khổ đối tác với Việt Nam, chúng tôi thường xuyên đề cập đến vấn đề này và hai bên vẫn có cuộc đối thoại thường niên về nhân quyền, một cuộc đối thoại rất quan trọng và không phải là dễ dàng.
    Đúng là trong vòng 20, 30 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng kể về xóa đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện xã hội – kinh tế cho người dân. Nhưng mặt khác, cũng đúng là Việt Nam còn cần phải có nhiều tiến bộ về việc tôn trọng các quyền tự do căn bản, các quyền dân sự và chính trị của người dân.
    Ngoài đối thoại thường niên về nhân quyền với Việt Nam, chúng tôi cũng hợp tác và trợ giúp về kỹ thuật về nhân quyền, đồng thời cũng nêu lên vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trong khuôn khổ Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève.
    Liên quan đến hiệp định tự do mậu dịch, các nguyên tắc và các giá trị của châu Âu được ghi trong phần mở đầu của hiệp định. Việc thẩm định sự tôn trọng các giá trị và nguyên tắc đó sẽ được tiến hành một khi hiệp định tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam được thực hiện. Chúng tôi cũng cần có sự bảo đảm là Việt Nam có quyết tâm và có khả năng tuân thủ các cam kết của mình, nhất là những cam kết được ghi trong hiệp định.
    Các hiệp định tự do mậu dịch mới mà Liên Hiệp Châu Âu ký với các nước như Việt Nam nay cũng có cả một chương về phát triển bền vững, bao gồm những cam kết về quyền lao động, chống đánh bắt cá trái phép, chống buôn lậu gỗ... Đối với những nước như Việt Nam, đó là những cam kết mang đầy tham vọng, vì nó đòi hỏi Việt Nam phải có khả năng thiết lập một khuôn khổ lập pháp hiện đại, một đòi hỏi gắt gao. Chúng tôi cũng trợ giúp về mặt kỹ thuật cho chính phủ và các tỉnh để bảo đảm là khuôn khổ lập pháp đó được tôn trọng.
    Việt Nam cũng phải có những cam kết quốc tế về quyền lao động. Chúng tôi đang chờ xem chính phủ Việt Nam có đưa vào dự luật lao động mới ( có thể sẽ được trình Quốc Hội vào năm tới ) một lộ trình phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế hay không.
    Đó là những cam kết đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, nhưng sẽ đưa Việt Nam lên một nấc cao hơn và giúp Việt Nam phát triển một xã hội trình độ cao hơn và hiện đại hơn so với các nước láng giềng. Tôi hiểu rằng Nghị Viện Châu Âu có những đòi hỏi gắt gao hơn về nhân quyền và tôi không biết là khi được đưa ra phê chuẩn ở Nghị Viện, hiệp định sẽ nhận được đa số phiếu như thế nào. Vấn đề nhân quyền ở Việt Nam chắc chắc được thảo luận, được tranh luận nhiều hơn.
    RFI:Thưa ông Bruno Angelet, trong vài tháng nữa, tháng 05/2019, sẽ diễn ra bầu cử Nghị viện châu Âu. Thời gian từ đây đến đó liệu có đủ cho việc ký kết và phê chuẩn hiệp định không?
    Bruno Angelet: Đúng là lịch trình hiện nay khá là sát sao. Nếu các quốc gia thành viên bật đèn xanh cho Ủy Ban Châu Âu ký hiệp định này với Việt Nam vào đầu năm 2019, rất có thể là thời gian sẽ quá ngắn để Nghị Viện Châu Âu hoàn tất các cuộc tranh luận về phê chuẩn hiệp định trước kỳ bầu cử. Như vậy là Nghị viện mới, một khi được bầu lên và được sắp xếp xong, sẽ tiếp tục công việc và kết thúc tiến trình phê chuẩn.
    RFI:Xin cám ơn ông Bruno Angelet, trưởng phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam.
    http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181015-tu-do-mau-dich-eu-va-viet-nam-chay-dua-voi-thoi-gian

    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >                 

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten