vrijdag 19 oktober 2018

Liên Triều & Liên Hiệp Quốc họp về giải trừ binh bị + Mỹ phản đối dự án lập « vùng cấm bay » vùng giới tuyến

Giới tuyến Liên Triều : Mỹ phản đối dự án lập « vùng cấm bay »

media(Ảnh minh họa, chụp ngày 09/10/2018) - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng tỏ ý « không hài lòng » với thỏa thuận giải trừ binh bị ở vùng giới tuyến Liên Triều.REUTERS/Jonathan Ernst
Mỹ thận trọng trước các biện pháp giải trừ binh bị tại vùng giới tuyến Nam Bắc Triều Tiên, được lãnh đạo hai miền ra hồi tháng 09/2018. Hôm nay, 18/10, có thông tin là Washington phản đối việc lập vùng cấm bay dọc theo giới tuyến này.
Theo Reuters, hai nguồn tin ẩn danh nắm rõ hồ sơ này cho biết Hoa Kỳ không chấp nhận phương án nói trên, vì lo ngại khả năng tự vệ của Hàn Quốc bị suy yếu. Về các thỏa hiệp giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc mới đây nhằm gây dựng lòng tin, Washington bất đồng trên nhiều vấn đề, nhưng Mỹ đặc biệt phản đối việc lập ra một vùng cấm bay, vì cho rằng lệnh cấm này sẽ gây khó khăn cho việc không quân Hoa Kỳ, với các chiến đấu cơ F-16 chẳng hạn, hỗ trợ đồng minh Hàn Quốc trong các cuộc tập trận trên bộ, để sẵn sàng đối phó với các đe dọa từ phía bắc.
Lập vùng cấm bay đối với phi cơ quân sự trên toàn bộ khu vực dọc theo hai bên đường giới tuyến là một trong các biện pháp chủ yếu của thỏa thuận giải trừ binh bị giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, nhằm tiến tới lập ra các vùng đệm an toàn giữa hai miền, dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.
Cụ thể là các chiến đấu cơ « cánh cố định » không được phép xâm nhập vào khu vực 40 km cách biên giới, ở phía đông đường giới tuyến, và khu vực 20 km, ở phía tây (máy bay cánh quạt bị cấm vào khu vực 10 km, và 15 km với máy bay không người lái). Thỏa thuận cũng cấm tiến hành các cuộc tập trận với chiến đấu cơ cánh cố định, cùng tên lửa không đối đất, tại các khu vực cấm bay.
Hồi tuần trước, trong một cuộc trao đổi qua điện thoại với đồng nhiệm Hàn Quốc Kang Kyung Wha, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tỏ ý « không hài lòng » với thỏa thuận giải trừ binh bị ở vùng giới tuyến Liên Triều. Tuy nhiên, theo một quan chức Ngoại Giao Hàn Quốc, ngoại trưởng Mỹ đã không nắm được toàn bộ bản thỏa thuận mà ông phê phán, nhưng sau khi hiểu rõ vấn đề, ông Mike Pompeo đã thay đổi thái độ. Bộ Ngoại Giao Mỹ từ chối bình luận về việc này.
Về phần mình, một người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cũng không muốn bình luận về thỏa thuận giải trừ binh bị Moon-Kim, nhưng khẳng định Lầu Năm Góc ủng hộ mọi biện pháp có thể giúp giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20181018-gioi-tuyen-lien-trieu-my-phan-doi-du-an-lap-«-vung-cam-bay-»

Hai miền Triều Tiên và Liên Hiệp Quốc họp về giải trừ binh bị

mediaChủ tịch Ủy Ban Thống Nhất Hòa Bình của Bắc Triều Tiên Ri Son Gwon bước qua đường giới tuyến tại Bàn Môn Điếm để đến tham gia cuộc họp với bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon, ngày 15/10/2018.Korea Pool/Yonhap via REUTERS
Thêm một tín hiệu hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên. Hôm nay, 16/10/2018, đại diện quân đội hai miền Nam - Bắc Triều Tiên và Bộ chỉ huy quân sự Liên Hiệp Quốc (UNC) bắt đầu cuộc họp tham vấn ba bên về vấn đề giải trừ vũ khí trong Vùng an toàn chung (ZSC), nằm trong khu phi quân sự.
Theo AFP, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc thông báo với báo chí, cuộc họp ba bên đã bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng nay, giờ địa phương, tại khu làng đình chiến Bàn Môn Điếm.
Trong khuôn khổ thỏa thuận quân sự được ký giữa lãnh đạo hai miền trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 9 giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, Bình Nhưỡng và Seoul đã chấp thuận giải trừ quân bị trong vùng an toàn chung này. Hôm 01/10 vừa qua, hai nước đã bắt đầu tiến hành tháo gỡ mìn trong vòng 20 ngày tại khu vực này.
Đoàn Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên do 2 đại tá dẫn đầu và đại diện quân đội Liên Hiệp Quốc là đại tá người Mỹ, Burke Hamilton, thư ký Ủy ban đình chiến.
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap dẫn nguồn tín chính thức cho biết thêm chi tiết, qua cuộc họp tham vấn ba bên lần này, hai miền sẽ cùng lực lượng Liên Hiệp Quốc đóng tại chỗ cùng xem xét kết quả của chiến dịch gỡ mìn và bàn về cách thức thực thi thỏa thuận phi quân sự hóa hoàn toàn khu an toàn chung, trong đó có việc rút bớt quân và vũ khí và các chốt gác ra khỏi khu vực trên.
Hai bên dự kiến rút từ 4 đến năm chốt gác mỗi bên khỏi ZSC. Mỗi bên sẽ chỉ duy trì một đội tuần tra 35 lính, không mang vũ khí. Người dân hai nước và du khách nước ngoài có thể qua lại vùng giới tuyến quân sự trong khoảng thời gian từ 9 giờ  đến 17 giờ hàng ngày.
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết, sau cuộc họp tham vấn ba bên lần này, sẽ có những cách thức áp dụng cụ thể để vùng này trở thành an toàn thực sự.
ZSC được lập ít ngày sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chấm dứt bằng một hiệp định đình chiến. Đây là khu vực được hai bên sử dụng cho các cuộc tiếp xúc, trong đó có hai cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai lãnh đạo Moon-Kim.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181016-hai-mien-trieu-tien-va-lien-hiep-quoc-hop-ve-giai-tru-binh-bi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten