zaterdag 13 oktober 2018

Việt Nam: Buôn lậu ngà voi ‘lãi hơn ma túy’ + Dùng công nghệ trong cuộc chiến chống bọn săn trộm voi

Việt Nam: Buôn lậu ngà voi ‘lãi hơn ma túy’

  • 9 tháng 10 2018
EIA Bản quyền hình ảnhEIA
Cơ quan Điều tra Môi trường Vương quốc Anh (EIA) nói Việt Nam vẫn tiếp tục là tâm điểm của hoạt động buôn lậu ngà voi.
Báo cáo của EIA được đưa ra vào tháng trước như lời cảnh báo cho Hà Nội trước thềm Hội nghị quốc tế về chống buôn bán động vật hoang dã trái phép diễn ra tại London vào tuần này.
EIA nói 56 tấn ngà voi đã bị bắt giữ tại Việt Nam và 20 tấn ngà voi "có liên quan tới Việt Nam" bị thu giữ tại các quốc gia khác kể từ năm 2009.
'VN cần trình giấy phép mua vây cá mập Chile'
Thân phận bé gái Việt 'bị lừa sang Trung Quốc'
Nhà điều tra thị trường ngà voi bị giết ở Kenya
"Việc không có bất kỳ hành động có ý nghĩa nào chống lại các mạng lưới và đối tượng tội phạm đã được xác định đã dẫn tới tình trạng các băng nhóm tội phạm quốc tế người Việt đang hoạt động tự do ở khắp châu Phi và vào Việt Nam cũng như các quốc gia láng giềng.
"Ngà voi, sừng tê giác và tê tê đang được đưa trái phép vào Việt Nam với tốc độ đáng báo động, đẩy nhanh tốc độ suy giảm của các quần thể voi, tê tê, và tê giác vốn đã đang trong tình trạng nguy cấp," EIA nói trong báo cáo này.
Các băng nhóm người Việt được mô tả là "có nhiều chiêu trò hơn" băng nhóm tội phạm người Trung Quốc khi vận chuyển hàng hóa trên nhiều tuyến bao gồm đường không, đường biển và đường bộ.
EIA Bản quyền hình ảnhEIA
Một người bị cáo buộc là "thủ lĩnh" trong đường dây tội phạm được dẫn lời kể lại việc băng nhóm của mình sử dụng một thiết bị giám sát vệ tinh GPS để theo dõi một chuyến hàng sừng tê giác từ Mozambique về Việt Nam qua Doha.
EIA nói tham nhũng "có mặt trong toàn bộ dây chuyền buôn bán" và hầu hết các thành viên cấp cao của các băng nhóm người Việt đều khoe khoang rằng mối quan hệ với các quan chức tham nhũng giúp họ chuyển trót lọt các lô ngà voi.
Hầu hết các chuyến hàng được đưa từ Mozambique về Malaysia và rồi được đưa qua Lào và sau đó đưa vào Việt Nam bằng đường bộ. Ngà voi, sừng tê giác, vẩy tê tê được tiêu thụ tại Việt Nam hoặc được chuyển tiếp để bán qua Trung Quốc tại đường biên giới phía bắc.
Cuộc điều tra bí mật được tiến hành trong hai năm của EIA nói về sự tồn tại của một mạng lưới buôn bán ngà voi phức tạp do các đối tượng người Việt cầm đầu và mới chỉ nêu tên được một số đối tượng tuy có rất nhiều các đối tượng có liên quan khác.
Ít nhất một trong số những người bị cáo buộc bị ghi hình mô tả hoạt động buôn lậu ngà voi là "lãi hơn ma túy".
EIA ước tính, từ năm 2015 những đối tượng buôn bán ngà voi được xác định trong cuộc điều tra này có liên quan tới các vụ thu giữ tổng cộng 6,3 tấn ngà voi và 299kg sừng tê giác và có ít nhất 22 vụ vận chuyển ngà voi trót lọt từ châu Phi, với khối lượng ước tính khoảng 19 tấn và doanh thu tiềm năng 14 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 01/2016 đến tháng 11/2017.
Báo cáo của EIA được đưa ra sau hai năm kể từ khi Việt Nam đăng cai Hội nghị Quốc tế về Buôn bán Động vật hoang dã tại Hà Nội.
Với báo cáo khá chi tiết, EIA khuyến nghị nhà chức trách Việt Nam điều tra và khởi tố các đối tượng có liên quan đến hành vi tham nhũng cho phép hoạt động buôn lậu động vật hoang dã diễn ra ở Việt Nam, bao gồm tại các điểm nhập cảnh và xuất cảnh cho ngà voi như sân bay, bến cảng và cửa khẩu đường bộ.
Tổ chức có trụ sở tại London này nhấn mạnh về nhu cầu hợp tác giữa các cơ quan dựa trên thông tin tình báo để phá vỡ và bắt giữ các mạng lưới buôn bán ngà voi có tổ chức và cải thiện hợp tác quốc tế như thông qua dẫn độ, và điều tra hoạt động buôn bán ngà voi và động vật hoang dã bất hợp pháp thông qua mạng xã hội như WeChat, Zalo và Facebook.

Tin liên quan

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45769310

Dùng công nghệ trong cuộc chiến chống bọn săn trộm voi

  • 9 tháng 10 2018
iStock / Getty Images Plus Bản quyền hình ảnhiStock / Getty Images Plus
Image caption Voi bị săn để lấy da, dùng để sản xuất những sản phẩm "sang trọng" như túi đánh golf và ví tiền
Công nghệ đã đảo lại thế cờ với kẻ săn trộm.
2 giờ 56 phút sáng. Một tin nhắn đến. Khi cố mở mắt ra đọc, Dave Morgan nhận ra những chú voi của ông đang gặp nguy hiểm.
Các nhà nghiên cứu nghe tiếng súng trường tự động, theo sau là hai tiếng nổ gần trại của họ, ở Vườn Quốc gia Nouabale-Ndoki của Cộng hòa Congo, và họ gửi báo động đi.
Khi khủng long lang thang ở Nam Cực
Vì sao một thời con người ăn thịt nhau?
'Mầm sống' to nhất và nhỏ nhất thế giới
Morgan đang ở cách đó 7.000 dặm, tại Chicago, nhưng khoảng cách địa lý không ngăn cản ông hỗ trợ hoạt động tìm kiếm kẻ săn trộm trước khi chúng kịp bỏ trốn.
Chỉ vài phút sau, ông báo với các nhà nghiên cứu ông đã liên hệ với vườn quốc gia. Ông sẽ sớm có cuộc gọi trên Skype với kỹ thuật viên phụ trách truyền thông chống săn trộm.
Trong vài ngày kế tiếp, Morgan có thể giúp kết nối các nhóm tìm kiếm bọn săn trộm. Ngay sau đó, họ tìm ra chúng. Những kẻ săn trộm không chịu đầu hàng và bắn vào lực lượng kiểm lâm.
Khi lực lượng yểm hộ tới, bọn săn trộm đã kịp bỏ trốn - bỏ lại rất nhiều thiết bị và 70kg ngà voi.
"Chúng vứt lại tất cả những gì chúng có - bao gồm cả ngà voi, vốn rất nặng nếu đem theo," Morgan nói.
Chúng cũng bỏ lại cả thông tin danh tính, và thông tin này sau đó dẫn đến cuộc bắt giữ ba thành viên trong nhóm săn trộm. Nhưng vẫn còn nhiều hơn thế.
"Chúng có mang theo cân, đủ thiết bị y tế nếu phải ở lại rừng hàng tuần lễ hoặc thậm chí lâu hơn - chúng đã lên kế hoạch cho chuyến đi săn lớn trong thời gian dài," Morgan cho biết thêm.
"Chúng tôi chưa bao giờ thấy những nhóm đi săn trong rừng mang theo cả cân."
Elephant Action League Bản quyền hình ảnhElephant Action League
Image caption Trung Quốc gần đây đã ra lệnh cấm hoạt động buôn bán ngà voi, trước đây được coi là hợp pháp ở trong nước
Đó là chỉ dấu đáng lo ngại cho thấy nhóm săn trộm được tài trợ tốt và có khả năng làm được nhiều thứ tới mức nào. Rõ ràng là chúng chuẩn bị giết rất nhiều voi.
Vấn đề này chưa bao giờ kết thúc.
Nhu cầu về ngà voi tiếp tục thúc đẩy hoạt động săn trộm ở Châu Phi và Châu Á.
Con người trông sẽ thế nào sau 1 triệu năm nữa?
Những thảm họa núi lửa khủng khiếp nhất thế giới
Thoát chết sau khi bị nuốt chửng
Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy số lượng voi ở Trung Phi đã giảm 64% chỉ trong vòng một thập niên. Và giờ đây ngày càng nhiều voi bị săn để lấy da, dùng để sản xuất những sản phẩm "sang trọng" như túi đánh golf và ví tiền.
ẢNH: Voi bị săn để lấy da, dùng để sản xuất những sản phẩm "sang trọng" như túi đánh golf và ví tiền. Ảnh: © iStock / Getty Images Plus
Bất chấp nhu cầu của thị trường, giờ đây đang có những người không quản ngại vất vả, nỗ lực chặn đứt nguồn cung.
Morgan là nghiên cứu sinh tại Trung tâm Lester E Fisher về Nghiên cứu và Bảo tồn Linh trưởng, Vườn thú Công viên Lincoln, và đã nghiên cứu về voi Trung Phi trong rất nhiều năm.
Tuy sống ở phần khác của địa cầu, ông vẫn tiếp tục giúp theo dõi hoạt động ở Vườn Quốc gia Nouabale-Ndoki. Nơi đây có năm vùng nghiên cứu, trải dài trên 425km2, là những nơi mà nhóm nghiên cứu của ông thường khảo sát.
Phát hiện của họ - ghi nhận đường đi của voi và dấu hiệu của kẻ săn trộm - sẽ được cập nhật qua thiết bị định vị toàn cầu (GPS) để Morgan và đồng nghiệp có thể theo dõi mọi thứ từ xa.
"Nơi đây là cánh rừng tuyệt vời với những hành trình tuyệt đẹp của đàn voi," ông cho biết. "Đó là một hệ sinh thái lành mạnh, đó là sinh cảnh rừng còn nguyên vẹn."
Elephant Action League Bản quyền hình ảnhElephant Action League
Image caption Một người bị cho là kẻ buôn bán ngà voi ở Việt Nam
Tuy nhiên, hoạt động khai thác gỗ ngày càng tiến sát gần hơn khu vực bảo tồn trong những năm qua, và Morgan nghi rằng điều này sẽ khiến bọn săn trộm có thể vào vườn quốc gia dễ dàng hơn.
Ở những nơi khác tại Châu Phi, những nhóm như Tổ chức bảo vệ Thiên nhiên Hoang dã (WWF) đã sử dụng công nghệ để theo dấu bọn săn trộm ngay cả trong đêm tối trong rừng thẳm. Kể từ khi lắp đặt hệ thống camera tầm nhiệt ở Kenya năm 2016 cho tới nay, WWF cho biết đã có hơn 100 kẻ săn trộm bị bắt giữ.
Lịch sử nhân loại dưới tán cây bồ đề
Mũi Siccar: Nơi lịch sử Trái Đất được viết lại
Nhưng khi hoạt động chống săn trộm có thêm nguồn lực tốt, thì bọn săn trộm cũng vậy. Morgan cho biết việc các băng nhóm được trang bị quá tốt cho thấy những cảnh báo. "Có ai đó đang thực sự tài trợ cho hoạt động này."
Với một số nhà bảo tồn, đó là vấn đề thực sự. Andrea Crosta là giám đốc điều hành và đồng sáng lập tổ chức Elephant Action League (EAL - Liên đoàn Hành động bảo vệ Voi). Ông cho biết chỉ tấn công bọn săn trộm là chưa đủ.
"Bạn có thể bỏ tù 10 tên, bạn có thể giết 5 tên, nhưng như vậy bạn chẳng thay đổi được vấn đề," ông nhận định. "Vấn đề chính là những kẻ buôn lậu."
Có nhiều người tổ chức vận chuyển hàng lậu các bộ phận cơ thể động vật hoang dã, như ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê từ quốc gia có các loài này đến những quốc gia có nhu cầu mua. Chúng cũng thiết lập các cuộc mua bán loại hàng này cho người mua.
Crosta làm việc với các nhóm khắp thế giới để truy tìm kẻ buôn lậu và những người mà chúng có kết nối. Đồng nghiệp của ông phải làm việc trong lớp vỏ bọc bí mật.
"Thông thường họ sẽ giả làm người mua hàng, nhưng việc này tốn rất nhiều công sức vì bạn phải tốn nhiều tháng để những kẻ đó tin tưởng," ông giải thích. Nhưng kết quả, nếu thành công, sẽ dẫn đến thông tin tình báo cực kỳ quý giá về việc buôn bán sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp. "Chúng dẫn bạn đến các nơi, chúng giới thiệu bạn với gia đình, chúng kể bạn nghe mọi thứ, cơ bản là vậy."
Một kẻ buôn lậu bị truy nã đã bị bắt ở Thái Lan vào tháng 12/2017, một phần nhờ vào nỗ lực làm việc nhiều tháng của tổ chức EAL. Ngoài ra, mạng lưới của kẻ buôn lậu bị cáo buộc cũng liên quan đến việc chuyển lậu ngà voi.
Nhưng công việc thu thập thông tin từ những người này thường rất nguy hiểm. Ở một số quốc gia, EAL hoạt động mà không cho chính quyền sở tại biết, vì có thể có nguy cơ nhân viên chính phủ tham nhũng và chuyển thông tin cho các băng nhóm tội phạm liên quan đến săn trộm và buôn lậu.
Elephant Action League Bản quyền hình ảnhElephant Action League
Image caption Một bức ảnh chụp kẻ bị cho là chuyện buôn lậu ngà voi ở Trung Quốc
Nhưng Crosta tin tưởng rằng nỗ lực và và những rủi ro mà họ chấp nhận đương đầu là điều đáng chấp nhận. "Mỗi khi bạn bỏ tù một tên, đó là cú đấm lớn vào toàn bộ đường dây cung ứng," ông nói.
Quan trọng là, Trung Quốc vừa cấm ngành thương mại buôn bán ngà trước đây vốn được coi là hợp pháp ở nước này - một thay đổi nền tảng về chính sách khiến ngà voi rớt giá.
Crosta và Morgan đều đang theo dõi xem liệu chính sách này có khiến các vụ săn trộm giảm đi hay không. Trong khi người ta vẫn hy vọng điều này xảy ra, thì vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy điều đó lắm.
"Nếu vẫn còn nhu cầu với chúng," Morgan nó, "thì mọi người vẫn sẵn sàng liều mình."
Ảnh trong bài của Cultura Exclusive/Philip Lee Harvey/Getty Images
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Earth.

Tin liên quan


Geen opmerkingen:

Een reactie posten