vrijdag 26 oktober 2018

Giáo Sư Chu Hảo bị CSVN ‘kỷ luật’ vì... "tự diễn biến... hòa bình, văn minh, tiến bộ", nhưng được công luận ủng hộ và đã có 2 nhà trí thức... từ bỏ đảng VC để phản đối




Giáo Sư Chu Hảo bị CSVN ‘kỷ luật’ nhưng được công luận ủng hộ





Giáo Sư Chu Hảo, giám đốc kiêm tổng biên tập Nhà Xuất Bản Tri Thức. (Hình: VnExpress)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhiều blogger trên mạng xã hội hôm 26 Tháng Mười bày tỏ sự ủng hộ và khâm phục Giáo Sư Chu Hảo, giám đốc kiêm tổng biên tập Nhà Xuất Bản Tri Thức. Ông Hảo là người vừa bị đề nghị kỷ luật vì “tự diễn biến”–một tội danh mà nhà cầm quyền CSVN đặt ra cho những trí thức có phát ngôn hoặc hành động “đi ngược lại đường lối chủ trương của đảng CSVN”.
Thông cáo đăng trên trang web của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương viết: “Ông Chu Hảo chịu trách nhiệm chính về việc Nhà Xuất Bản Tri Thức xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của đảng, nhà nước, vi phạm Luật Xuất Bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy.”
“Ông Hảo đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với cương lĩnh chính trị, điều lệ đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vi phạm, khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật,” theo website nêu trên.
Đối với những người yêu sách và có tư tưởng tiến bộ ở Việt Nam, ông Chu Hảo được biết đến là người cho ấn hành những cuốn Bàn Về Tự Do, Chính Thể Đại Diện (John Stuart Mill); Đường Về Nô Lệ (Friedrich Hayek), Chủ Nghĩa Tự Do Của Hayek (Gilles Dostaler); Nền Dân Trị Mỹ (Tocqueville); Nền Đạo Đức Tin Lành Và Tinh Thần Của Chủ Nghĩa Tư Bản (Max Weber); Dân Chủ Và Giáo Dục (John Dewey)…
Gần đây nhất, Giải Sách Hay ở Việt Nam đã “trao lộn giải” cho cuốn Từ Nhà Nước Điều Hành Sang Nhà Nước Kiến Tạo Phát Triển do Nhà Xuất Bản Tri Thức ấn hành. Cuốn sách này được ghi nhận có nội dung mà nhà cầm quyền CSVN cho là “nhạy cảm”: vấn đề tự do báo chí, mô hình hệ thống chính trị một đảng thống lĩnh…
Hôm 26 Tháng Mười, ông Mạc Văn Trang, nghiên cứu viên tại Viện Khoa Học Giáo Dục Việt Nam bình luận trên trang cá nhân: “Việc đảng CSVN làm to chuyện kỷ luật người trí thức như Chu Hảo là nhằm triệt tiêu giới tinh hoa của đất nước, những người nhiệt thành muốn thay đổi xã hội theo chiều hướng văn minh, đẩy họ về phía đối lập với đảng. Tôi rời bỏ đảng vì thất vọng với những gì đảng đã và đang làm, bất chấp bao ý kiến đóng góp tâm huyết và trí tuệ của những người như Chu Hảo; bất chấp những tiếng kêu thảm thiết của biết bao người dân bị cướp bóc, đàn áp, bất công một cách oan ức, thảm khốc…”
Cùng thời điểm, blogger Linh Hoàng Vũ ở Hà Nội nhận xét trên trang cá nhân: “Nỗi xấu hổ nếu có của ông Chu Hảo không phải là việc ông bị kỷ luật vì góp phần phổ cập tri thức nhân loại cho người dân Việt Nam mà là việc ông bị kỷ luật chung với một viên tướng Quân Khu 7 bán đất của công cho doanh nghiệp [Thiếu Tướng Phan Tấn Tài]. Và án kỷ luật của viên tướng này là khiển trách. Sau vụ này, chắc Nhà Xuất Bản Tri Thức sẽ khó lòng ấn hành được những cuốn sách có tinh thần khai minh như từng xuất bản các sách của Hayes, Mises, Popper, Isaiah Berlin, Hamvas Béla…”
Cũng nhân sự kiện này, một số blogger khác nhắc lại chuyện ông Chu Hảo, người có học vị tiến sĩ, “từng được trao tặng Huân Chương Quốc Công của Pháp”, từng cùng 126 vị trí thức khác ký thư ngỏ đến Bộ Chính Trị xin trả lại tự do cho những người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ, tham gia nhóm phản đối Luật An Ninh Mạng và Luật Đặc Khu.
Tuy những yếu tố này không được nêu ra trong bản thông cáo của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương nhưng có thể khiến “tội trạng tự diễn biến” của ông Chu Hảo thêm nặng nề trong mắt của nhà cầm quyền CSVN. (T.K.)

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/giao-su-chu-hao-bi-csvn-ky-luat-nhung-duoc-cong-luan-ung-ho/

GS Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật vì 'tự diễn biến'

  • 25 tháng 10 2018


Ảnh chụp Giáo sư Chu Hảo hồi năm 2010. Bản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM/Getty Images
Image caption Ảnh chụp Giáo sư Chu Hảo hồi năm 2010.

Tại Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản vừa thông báo ông Chu Hảo, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức bị "đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật" vì những 'vi phạm nghiêm trọng'.

Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương hôm 25/10 viết: "Với cương vị là Giám đốc - Tổng biên tập, đồng chí Chu Hảo chịu trách nhiệm chính về việc Nhà xuất bản Tri thức xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy".
"Từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng chí đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'. Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật".
Tin này nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội.
Có người chia buồn với ông về tin này trong lúc những người khác chúc mừng ông đã 'về với nhân dân'.
Tên các cuốn sách được cho là 'nhạy cảm' được xuất bản bởi Nhà xuất bản Tri thức cũng được nhiều người nhắc đến.

'Đối trọng, không đối lập'

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với BBC tháng 9/2017, GS. Chu Hảo bộc lộ quan điểm của ông:
"Bên cạnh nhà nước, doanh nghiệp, thì xã hội dân sự có thể là chìa khóa dẫn đến những áp lực để thay đổi thể chế.
"Tôi nghĩ nếu tầng lớp trí thức chân chính, có tấm lòng với đất nước, trong ngoài nước, xây dựng ở Việt Nam một xã hội dân sự lành mạnh, làm đối trọng chứ không phải đối lập với chính quyền, để từng bước ép buộc chính quyền phải mở rộng dân chủ hơn. Từng bước làm cho người dân hiểu quyền làm người, quyền công dân, hiểu được đòi hỏi chính đáng của mình nhưng cũng phải biết nghĩa vụ thật sự của mình đối với đất nước. Và sẽ dùng lá phiếu chân chính của mình để lựa chọn tầng lớp lãnh đạo ngày một tử tế hơn."
"Theo tôi đấy là con đường chúng ta phải đi đến chứ không phải là vận động bạo lực, vận động lật đổ - những con đường đó đều bế tắc.
"Có lẽ tôi là một trong những người thế hệ sau kiên trì đi theo con đường của cụ Phan Chu Trinh."



Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Chuyên gia Phạm Chi Lan và GS. Chu Hào bình luận về phát triển và cải cách tư duy ở VN.

Chuyên gia Phạm Chi Lan và GS. Chu Hào bình luận về phát triển và cải cách tư duy ở VN.

'Người trí thức đích thực'

Facebooker Ngô Thị Kim Cúc viết: CHIA SẺ CÙNG ANH CHU HẢO, NGƯỜI TRÍ THỨC ĐÍCH THỰC" và dẫn lại nội dung Thông báo của Ủy ban Kiểm tra trung ương chiều 25/10/2018
Nhà báo Hồ Bất Khuất viết trên dòng trạng thái:
"TÔI ĐAU ĐỚN KHI ĐỌC " Xuất bản sách, phát ngôn trái chủ trương, ông Chu Hảo bị kỷ luật".
Phải nói thế này: Tôi nhìn thấy anh Chu Hảo nhiều lần nhưng chưa bao giờ trò chuyện. Tôi chỉ ngưỡng mộ anh Chu Hảo qua những việc anh làm.
Anh Chu Hảo là một trí thức, anh phải đóng góp cho đất nước, cho dân tộc, cho xã hội với tư cách ấy. Sách trái chủ trương (tôi không cần phải nói rõ chủ trương của ai, nó như thế nào) nhưng cung cấp kiến thức để con người sống đàng hoàng, tử tế hơn - nghĩa là những quyển sách có nội dung tốt, vì sự tiến bộ của loài người.
Anh Chu Hảo bị kỷ luật có lẽ vì anh vẫn tham gia một tổ chức chính trị nào đấy làm hạn chế tự do của anh. Theo nhiều người hiểu thì anh vẫn là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam nên mới bị kỷ luật theo điều lệ của đảng này. Đã khá lâu rồi, tôi hiểu để làm người tự do thì không nên tham gia một tổ chức chính trị nào đấy.
Những người xuất sắc nhất của nước Mỹ, có đóng góp lớn cho sự phát triển (chủ yếu trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội...) là những người tự do, không tham gia các đảng phái chính trị.
Theo tôi, anh Chu Hảo chỉ cần làm đơn xin ra khỏi Đảng, trở thành người tự do. Khi đó, anh có thể đóng góp cho sự phát triển đất nước, xã hội với tư cách là người tự do. Tôi tin vào trí thức và nhân cách của anh Chu Hảo."


Ông Chu Hảo cầm cuốn sách "Dân chủ và Giáo dục' Bản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM/Getty Images
Image caption Ông Chu Hảo cầm cuốn sách "Dân chủ và Giáo dục' của tác giả John Dewey do Nhà xuất bản Tri thức phát hành

'Người đấu tranh cho tiến bộ xã hội'

Luật sư Luân Lê trên Facebook cá nhân ca ngợi ông Chu Hảo là "người lên tiếng đấu tranh rất nhiều cho những vấn đề tiến bộ xã hội, trong đó có các bản kiến nghị bãi bỏ các điều luật, chính sách phản khoa học ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nền kinh tế cũng như ký thư phản đối và đề nghị Quốc hội hoãn thông qua Luật Đặc khu."
"Ông là một đảng viên đảng cộng sản, mặc dù vậy ông là một người tốt, có trách nhiệm với người dân và đất nước. Ông hiện đang là Giám đốc nhà xuất bản tri thức, nơi cho ra lò rất nhiều cuốn sách có giá trị về nhiều thể loại trong đó có chính trị, triết học, kinh tế mà có những lời phê phán kịch liệt và không khoan nhượng chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản.
Và Ông đã vừa bị Uỷ ban Kiểm tra trung ương của đảng cộng sản kỷ luật vì đã "tự diễn biến, tự chuyển hoá, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Xuất bản sách, phát ngôn đi ngược lại quan điểm, tư tưởng và đường lối của Đảng và Nhà nước. Đã vi phạm vào các điều mà đảng viên không được làm".
Tuy nhiên, việc kỷ luật Ông chỉ khiến đảng càng dễ trở nên tổn thương nhiều hơn nữa, vì khi Ông không còn đứng trong hàng ngũ đảng thì Ông càng có sức mạnh hơn với nhân dân và tiếng nói của mình mà không còn bị trói buộc và kìm kẹp bởi chiếc áo đảng Ông đã từng khoác nữa."

'Sẽ được nhân dân chào đón'

"Bác ạ, bác chỉ nói thẳng nói thật nhưng lại là vi phạm những điều đảng viên không được làm nên mới bị kỷ luật! Thôi, giũ áo phủi tay mà về với dân luôn đi bác! Luôn kính trọng bác", Facebooker Nguyễn Thị Oanh viết chiều 25/10.
Còn Nguyễn Trường Sơn cảm ơn Giáo sư Chu Hảo về những cuốn sách và buổi hội thảo ông nhận trách nhiệm xuất bản và tổ chức.
Giáo sư Chu Hảo sinh năm 1940, theo truyền thông Việt Nam. Ông từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ từ năm 1996 đến 2005.
Năm 2005, ông xin nghỉ hưu trước thời hạn. Từ đó đến nay, ông là Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức và Phó hiệu trưởng Đại học Phan Châu Trinh.

Tin liên quan

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45983080

Trí thức, đảng viên kỳ cựu từ bỏ đảng sau khi GS Chu Hảo bị kỷ luật

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang
 Courtesy FB Trang Mac Văn
Hai trí thức nhiều năm tuổi đảng vừa tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.
Một trí thức Việt Nam tại Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, vào sáng ngày 26/10 tuyên bố ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam sau khi Ủy ban kiểm tra Trung ương đảng hôm 25/10 xem xét kỷ luật Giáo Sư Chu Hảo, Giám Đốc- Tổng Biên Tập Nhà Xuất Bản Tri Thức và nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học- Công Nghệ và Môi trường.
Phó GS-Tiến Sĩ Mạc Văn Trang là người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002 và đã có hơn 54 năm tuổi đảng.
Nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại vào ngày 26/10, Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho biết nguyên nhân cụ thể của quyết định bỏ đảng như sau:
Thực ra từ năm 2000, tôi đã thấy lý tưởng lúc vào đảng là đấu tranh cho đất nước được độc lập- tự do, người dân hạnh phúc; thế nhưng đến năm 2000 thì đảng đi ngược lại lý tưởng đó. Giặc chiếm đảo, biên giới thì không lên tiếng mà nhượng bộ giặc cụ thể là Trung Quốc. Đối với dân thì đàn áp những người đấu tranh đòi quyền sống, đàn áp những người dân phản đối Trung Quốc xâm lược, phản đối môi trường bị ô nhiễm … Các trí thức nhiệt tình góp ý kiến, trong đó có tôi, thì không nghe. Nhiều người lên tiếng phản đối thì thậm chí còn bị bắt đi tù.”
Đến năm 2000 thì đảng đi ngược lại lý tưởng đó. Giặc chiếm đảo, biên giới thì không lên tiếng mà nhượng bộ giặc cụ thể là Trung Quốc. Đối với dân thì đàn áp những người đấu tranh đòi quyền sống, đàn áp những người dân phản đối Trung Quốc xâm lược, phản đối môi trường bị ô nhiễm … - TS. Mạc Văn Trang
Giáo sư Chu Hảo bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng đề nghị kỷ luật với lý do là ông đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Kết luận của Ủy ban cho rằng nhà xuất bản Tri Thức của Giáo sư Chu Hảo đã xuất bản những cuốn sách trái với chủ trương, đường lới của đảng và nhà nước, vi phạm luật xuất bản.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, Phó Giáo sư- Tiến Sĩ Mạc Văn Trang nhắc lại mong mỏi của những người góp ý với đảng là cần phải thay đổi xã hội; không thể cứ tiếp tục đường lối học thuyết cộng sản, độc đảng- toàn trị. Phải thay đổi theo hướng đa đảng có cạnh tranh, tam quyền phân lập, xã hội dân sự để cho nhân dân được lên tiếng; thay đổi đường lối- chủ trương sai lầm để quản lý đất nước, kiểm soát quyền lực.
Phó giáo sư Mạc Văn Trang cho biết còn nhiều đảng viên khác cũng có cùng trăn trở với ông là nên ở lại hay ra khỏi đảng. Dù ở lại hay ra khỏi đảng đều cũng vì lo cho dân, cho dân.
Hành động ra khỏi đảng của ông hiện nay được nói nhằm để hỗ trợ cho Giáo sư Chu Hảo để vị này không thấy bị đơn độc trong công cuộc đấu tranh cho sự phát triển đất nước.
Ngay sau quyết định của Tiến sĩ Mạc Văn Trang, nhà văn Nguyên Ngọc, một trí thức nổi tiếng khác ở Việt Nam, vào cùng ngày cũng tuyên bố ra khỏi đảng.
Tôi đã suy nghĩ và định làm việc này từ lâu, nhưng muốn làm một cách bình thường, không gây ồn ào. Nay sau việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỷ luật PGS. TS Chu Hảo, tôi quyết định ra tuyên bố này, chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ hôm nay”, nhà văn Nguyên Ngọc viết như vậy trên trang facebook cá nhân.
Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, tự diễn biến thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước - Nhà văn Nguyên Ngọc
Đánh giá về việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc viết: “Kỷ luật ông Chu Hảo thực chất là một hành động thực hiện chính sách ngu dân, kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, để dễ lừa dối và đàn áp, vì quyền lợi ích kỷ của một đảng độc tài”.
Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết ông đã vào đảng từ năm 1956, đến nay là được 62 năm. Ông viết rằng ông vào đảng vì hăng hái tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thế nhưng “từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, tự diễn biến thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước”, nhà văn Nguyên Ngọc viết.
Trước đó, ngay vào ngày 25/10, sau khi có tin Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật, một trí thức khác là Tiến sĩ Hoàng Dũng nói với đài Á Châu Tự Do rằng việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo là một tuyên chiến đối với giới trí thức  Việt Nam. Ông cũng cho biết, đã có một số trí thức lên tiếng phản đối với ông ngay sau quyết định này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-intellectual-denounces-communist-party-membership-10262018094207.html


Nguyên Ngọc, Mạc Văn Trang thoái Đảng, ủng hộ GS Chu Hảo


Nhà văn Nguyên Ngọc, Trưởng ban vận động Văn Đoàn Độc Lập



Nguyên Ngọc, đảng viên lão thành và là nhà văn nổi tiếng có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh trung học Việt Nam, và Mạc Văn Trang, PGS-TS, nhiều năm làm việc ở Viện Khoa học-Giáo dục và có trên 54 năm tuổi Đảng, tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 26/10, để phản đối quyết định kỷ luật của Đảng đối với Giáo Sư Chu Hảo.
Đảng ‘ngày càng xa rời’ và ‘tự diễn biến’
Quyết định này của ông Nguyên Ngọc, theo lời lý giải của ông trong tuyên bố thoái Đảng, có nguyên nhân trực tiếp là việc Tiến sỹ Chu Hảo, cựu thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng kỷ luật vì có những bài viết, phát ngôn trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.
“Nay sau việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỷ luật PGS. TS. Chu Hảo, tôi quyết định ra tuyên bố này, chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ hôm nay,” ông viết trong Tuyên bố được đăng tải trên trên trang Facebook ‘Lão mà chưa an’.
Trong tuyên bố thoái Đảng, Nguyên Ngọc lên án Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị mà ông đã gia nhập, chiến đấu và phụng sự trong 62 năm qua là ‘đảng độc tài đang cướp quyền sống và phát triển của dân tộc’.
“Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, đã tự diễn biến thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước,” ông viết. “Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy.”
Trong những năm gần đây Nguyên Ngọc đã là một tiếng nói mạnh mẽ phản biện các đường lối của Đảng cộng sản cầm quyền, nhất là các chính sách về tài nguyên, môi trường và đối ngoại với Trung Quốc. Cho nên, việc ông tuyên bố thoái Đảng là điều đã được nhiều nhà quan sát dự đoán từ trước.
Thật ra, trong bản tuyên bố được đăng hôm 26/10, ông Nguyên Ngọc cũng nói rằng ông ‘đã suy nghĩ và định làm việc này (thoái Đảng) từ lâu’ và việc công bố ‘quyết định đã chuẩn bị từ trước’ vào lúc này là để ‘tỏ rõ thái độ’ với quyết định kỷ luật ông Chu Hảo.
Nội dung Tuyên bố thoái Đảng của ông gần như là lời phản đối mạnh mẽ việc Đảng thực thi kỷ luật đối với ông Chu Hảo – người mà ông Nguyên Ngọc cho là ‘có công lớn với đất nước và dân tộc’, người mà ông ‘có vinh dự và tự hào là bạn thân’ và ‘đã cùng làm việc và tham gia các hoạt động xã hội nhiều năm nay’.
Ông lên án việc kỷ luật này là ‘hành động thực hiện chính sách ngu dân, kiềm hãm nhân dân trong vòng tăm tối để dễ lừa dối và đàn áp’ và là ‘chủ tâm đánh vào những người trí thức yêu nước, có tài và có tâm, luôn hành động và phát ngôn theo lương tâm của mình’.
Ông giãi bày rằng ông tự nguyện vào Đảng lúc đầu là ‘vì yêu nước’ và ‘hăng hái tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc’. Sau khi vào Đảng, ông đã tham gia vào cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở chiến trường miền Nam.
Tuy nhiên, ông nói rằng ông ‘vẫn tin ở tương lai của đất nước, nhất là lớp trẻ’.
Nhà văn Nguyên Ngọc, tên thật là Nguyễn Văn Báu, năm nay 86 tuổi. Mặc dù nguyên quán ông ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, các tác phẩm nổi tiếng của ông đều viết về đất và người và cuộc chiến đấu giữ nước của các dân tộc ở Tây Nguyên do ông có thời gian lăn lộn trong công cuộc kháng Pháp ở Tây Nguyên.
Từng tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và từng là tổng biên tập báo Văn Nghệ, các tác phẩm ‘Rừng Xà Nu’ và ‘Đất nước đứng lên’ của ông lâu nay được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa để dạy cho học sinh Việt Nam về tinh thần chiến đấu bất khuất, kiên cường của người dân Tây Nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, với việc ông quay đầu trở thành nhân vật đối lập với Đảng Cộng sản, hiện chưa rõ trong thời gian tới các tác phẩm của ông có bị đưa ra khỏi sách giáo khoa hay không.
Biến chất và tha hóa ‘không thể cứu chữa’
Gần như đồng thới với việc ông Nguyên Ngọc thoái Đảng, một trí thức khác là PGS-TS Mạc Văn Trang, người từng nhiều năm làm việc ở Viện Khoa học-Giáo dục và có trên 54 năm tuổi Đảng, cũng công bố trên Facebook quyết định ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguyên nhân trực tiếp khiến ông Trang chính thức ra khỏi Đảng, theo lời ông, cũng là để ‘tỏ rõ thái độ’ trước việc ông Chu Hảo bị kỷ luật mặc dù ông đã ‘rời xa Đảng từ năm 2000’.
Cũng giống như ông Nguyên Ngọc, ông Mạc Văn Trang cho rằng ông vào Đảng với lý tưởng ‘độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân’. Nhưng giờ đây ông cho rằng Đảng ‘đã biến chất hoàn toàn’, ‘đảng viên ngày càng tha hóa’ đến mức ‘không thể nào cứu chữa được’.
Ông bác bỏ sự lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng sản ở Việt Nam và kêu gọi ‘đa đảng’, ‘tam quyền phân lập’ và ‘xây dựng xã hộ dân sự’.
“Tôi rời bỏ Đảng vì thất vọng với những gì Đảng đã và đang làm, bất chấp bao ý kiến đóng góp tâm huyết và trí tuệ của những người như Chu Hảo; bất chấp những tiếng kêu thảm thiết của biết bao người dân bị cướp bóc, đàn áp, bất công một cách oan ức, thảm khốc,” ông viết trên trang Facebook cá nhân của ông.
Các ông Nguyên Ngọc và Mạc Văn Trang không phải là những trường hợp đầu tiên đảng viên có tên tuổi tuyên bố thoái Đảng. Hồi cuối năm 2013, ông Lê Hiếu Đằng, cựu phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, cũng đã công bố quyết định ra khỏi Đảng với lý do tương tự như của ông Nguyên Ngọc và Mạc Văn Trang là ‘Đảng không còn như trước mà đã suy thoái biến chất, là Đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển của đất nước, dân tộc’.
Đến đầu năm 2014, ông Đặng Xương Hùng, cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Geneve, Thụy Sỹ, cũng công bố việc ông đã thoái Đảng để ‘bắt đầu cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam’ do ‘Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn con đường đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam’.

https://www.voatiengviet.com/a/nguyên-ngọc-mạc-văn-trang-thoái-đảng-ủng-hộ-gs-chu-hảo/4631038.html

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten