Động đất - sóng thần: Ngân Hàng Thế Giới trợ giúp 1 tỷ đô la cho Indonesia
Thành phố Palau, Indonesia nhìn từ trên cao, sau thảm họa động đất.Antara Foto/Muhammad Adimaja/via REUTERS
Hôm nay, 14/102/2018, Ngân Hàng Thế Giới có kế hoạch tài trợ nhiều khoản tiền với tổng trị giá lên đến 1 tỷ đô la, để giúp Indonesia khắc phục thảm họa trận động đất - sóng thần mới đây tại đảo Sulaweisi.
Trong một cuộc họp báo tại Bali, bà Kristalina Georgieva, tổng thư ký Ngân Hàng Thế Giới thông báo số tiền mà định chế quốc tế này hỗ trợ Indonesia, sẽ được dùng để xây dựng lại các cơ sở hạ tầng, đồng thời để giúp đất nước này chuẩn bị đối phó tốt hơn với các thảm họa trong tương lai, dự đoán sẽ còn gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Người phụ trách Ngân Hàng Thế Giới nhấn mạnh là các hỗ trợ này sẽ giúp cho chính quyền Indonesia có được một phương án hành động tốt hơn.
Tổng thư ký Ngân Hàng Thế Giới họp báo sau khi kết thúc hội nghị thường niên của Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Bà Kristalina Georgieva cũng vừa đến thăm thành phố Palau, tại đảo Bali, Indenosia - khu vực bị thiên tai.
Các trợ giúp tài chính của Ngân Hàng Thế Giới sẽ được chuyển cho Jakarta theo hình thức tín dụng. Bộ trưởng Tài Chính Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati, hoan nghênh quyết định nói trên. Theo bà, việc Ngân Hàng Thế Giới ra tay là rất quan trọng, bởi sẽ giúp cho Jakarta thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm thêm các nguồn hỗ trợ tài chính khác.
Sau trận động đất - sóng thần tàn phán đảo Sulaweisi cách nay hai tuần, hiện tại khoảng 200.000 người dân tại đảo này đang cần được cứu trợ khẩn cấp, khoảng 90.000 người hiện không có nơi ở. Theo chính quyền, phải mất hai năm nữa mới có thể xây cất đủ nơi ở mới cho những người mất nhà, mất cửa hiện nay.
vi.rfi.fr/quoc-te/20181014-dong-dat-song-than-ngan-hang-the-gioi-tro-giup-1-ty-do-la-cho-indonesia
Sóng thần Indonesia : Gần 200.000 người cần cứu trợ khẩn cấp
Tại Petobo, gần thành phố Palu, đảo Sulawesi, Indonesia. Ảnh chụp này 2/10/2018.
Antara Foto/Muhammad Adimaja/ via REUTERS
Năm ngày sau khi xảy ra động đất gây sóng thần, công tác cứu hộ được tăng cường, đặc biệt tại thành phố Palu, nơi việc tìm kiếm nạn nhân vẫn chưa kết thúc. Thống kê mới nhất ngày 03/10/2018 về số người chết tại Indonesia đã lên đến hơn 1.400 người.
Gần 200.000 người cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp. Tại một số khu vực bị nạn, mùi hôi thối bắt đầu nặng hơn do xác người chết.
Thông tín viên RFI Joel Bronner tường thuật từ Palu :
« Ở Palu, cuối cùng các quan chức cũng bắt đầu xuất hiện thay vì mỗi vài quân nhân có mặt ở đây, như tại một trung tâm phân phát thực phẩm. Hiện giờ họ có mặt ở ngoài phố. Người ta cũng thấy vài chục xe tải đã tới.
Tương tự đối với lực lượng cứu hộ, người ta thấy ngày càng nhiều nhân viên mặc áo chuyên dụng và nghe thấy nhiều hơn tiếng máy bay trực thăng trên trời. Nói tóm lại, năm ngày sau thảm họa, hoạt động cứu hộ có vẻ đã được triển khai với mạnh hơn, phù hợp hơn với tình hình và quy mô của trận thiên tai xảy ra ở Palu.
Và đã đến lúc phải tiến hành những biện pháp này vì trong thành phố, có rất nhiều nơi bắt đầu bốc mùi phân hủy xác người chết. Thực vậy, trên bãi biển vẫn còn rất nhiều thi thể người chết bị kẹt dưới những ngôi nhà đổ nát hay những xác người được đặt tạm sau các bệnh viện.
Hôm qua, tôi đã đến một nhà xác, nơi người dân Palu đến tìm người thân, những người mất tích mà họ không có tin tức gì. Họ lục từng túi đựng xác được đặt ngay dưới đất để tìm người thân. Thành phố Palu sống theo nhịp độ tìm kiếm xác chết. Nếu nhịp độ này còn tăng thì có thể làm thay đổi diện mạo thành phố Palu, hiện như đang biến thành một nghĩa địa ngoài trời ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181003-indonesia-hon-1400-nguoi-chet-vi-dong-dat-gay-song-than
Sóng thần tại đảo Sulawesi: Indonesia chấp nhận trợ giúp quốc tế
Cư dân thành phố Palu ngán ngẩm nhìn thiệt hại do trận sóng thần gây ra cho một trung tâm thương mại. Ảnh chụp ngày 29/09/2018.
Antara Foto/Rolex Malaha via REUTERS
Bốn ngày sau trận động đất 7,7 độ richter gây sóng thần, ập vào bờ phía tây đảo Sulawesi, khiến ít nhất 844 người chết, hôm nay 01/10/2018, tổng thống Indonesia tuyên bố chấp nhận trợ giúp quốc tế khẩn cấp.
Theo Reuters, tổng thống Indonesia Joko Widodo , trả lời báo giới tại Jakarta, cho biết việc giải cứu và sơ tán người khỏi các vùng bị cô lập hiện là ưu tiên số một. Công việc này gặp trở ngại đặc biệt do thiếu phương tiện cứu nạn. Việc giải cứu người bị kẹt trong các đống đổ nát cần nhiều máy móc hạng nặng, thế nhưng giao thông hết sức khó khăn, do cầu đường bị tổn hại nặng nề sau trận động đất, sóng thần.
Hiện tại hàng chục người có thể vẫn còn bị kẹt dưới nhiều khách sạn bị đổ và một trung tâm thương mại riêng tại Palu, thành phố ven biển, với 380 ngàn dân, cách thủ đô Jakara 1.500 km về phía bắc. Jakarta thông báo tình trạng khẩn cấp 14 ngày tại vùng gặp nạn. Chính quyền đặc biệt lo ngại cho huyện Donggala, với khoảng 300 ngàn cư dân, nằm ở phía bắc Palu, gần sát tâm chấn động đất. Kể từ thứ Sáu đến nay, gần như không có thông tin gì về Donggala cùng hai huyện khác, với tổng dân số khoảng 1 triệu người.
Theo nguyên thủ Indonesia, nhiều máy bay vận tải quân sự C-130, với nhu yếu phẩm, được cử đi ngay trong hôm nay tới vùng bị nạn, nơi cư dân đang thiếu thốn mọi thứ, từ thức ăn, nước sạch, xăng dầu cũng như thuốc men. Hàng chục tổ chức nhân đạo, phi chính phủ cho biết sẵn sàng cứu trợ.
Đại diện của tổ chức quốc tế chống nghèo đói Oxfam, có trụ sở tại Anh Quốc, thông báo kế hoạch trợ giúp cho 100 nghìn người, về đồ ăn, phương tiện lọc nước sạch, cũng như lều bạt. Hiện tại, các nước láng giềng như Úc, Thái Lan, Trung Quốc, cũng như Liên Hiệp Châu Âu đã tuyên bố đóng góp.
Pháp gởi nhóm chuyên gia cứu hộ đến hỗ trợ Indonesia
Một nhóm gồm 5 lính cứu hộ chuyên nghiệp thuộc hiệp hội PUI (Pompiers de l’Urgence Internationale – Lính cứu hộ khẩn cấp quốc tế) đã xuất phát ngày 01/10/2018 từ Limoges để đến đảo Sulawesi của Indonesia.
Nhóm chuyên gia được trang bị các thiết bị định vị nạn nhân (máy rà soát truy tầm, camera, thiết bị đo dư chấn) cùng với một bộ lọc nước.
Hiệp hội PUI được một lính cứu hỏa, đại úy Philippe Besson thành lập vào năm 2004, quy tụ khoảng 135 người. Trong số này, gần 90% thành viên là lính cứu hỏa, số còn lại là y tá, bác sĩ và những người chuyên trách hậu cần.
Hội PUI của Pháp đã từng tham gia cứu hộ tại Haiti, Madagascar, Philippines, Ecuador, Saint Martin, trong các đợt thảm họa thiên tai gần đây. PUI đã được INSARAG cấp bằng chứng nhận, nghĩa là được Liên Hiệp Quốc công nhận để có thể can thiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181001-song-than-tai-dao-sulawesi-indonesie-chap-nhan-tro-giup-quoc-te
Tổng kết mới : 832 người chết do động đất và sóng thần ở Indonesia
Quang cảnh một góc thành phố Palu, đảo Sulawesi, Indonesia, sau cơn sóng thần. (Ảnh chụp ngày 30/09/2018)
Antara Foto/Muhammad Adimaja/via REUTERS
Quy mô thiệt hại trận động đất gây sóng thần tại Indonesia nghiêm trọng hơn. Ít nhất 832 người chết, chủ yếu ở thành phố biển Palu, theo thống kê ngày 30/09/2018 của Cơ quan Xử lý thiên tai Indonesia. Tuy nhiên, số nạn nhân có nguy cơ cao hơn, trên 1.000 người.
Tổng thống Joko Widodo đã đến thành phố Palu để giám sát công tác cứu hộ và động viên quân đội « sẵn sàng ứng cứu người dân cả ngày lẫn đêm ».
Theo AFP, lực lượng cứu hộ vẫn gặp khó khăn để vào một số khu vực bị nạn. Do sợ các cơn dư chấn tiếp tục xảy ra, nhiều người dân ở Palu đã ngủ ngoài trời. Nhu cầu cấp bách nhất hiện này là lương thực và chỗ ở tạm. Hàng đoàn người xếp hàng dài để chờ nước uống và mì ăn liền. Nhiều máy bay chở nhu yếu phẩm đã đến sân bay Palu, nơi nhiều đường băng bị hư hỏng.
Trả lời RFI, ông Thomas Howells, giám đốc tổ chức phi chính phủ Save the Childre tại Jakarta tham gia cứu hộ, cho biết, đảo Sulawesi cần giúp đỡ của quốc tế:
« Tại Indonesia, đảo Sulawesi không phải là một vùng rất phát triển, như đảo Java và thành phố Jakarta, nhưng cũng không phải là hòn đảo nghèo nhất nước.
Cách người dân vượt qua được thiên tai này rõ ràng phụ thuộc vào tình hình kinh tế-xã hội của vùng, nhưng nhất là mức độ nghiêm trọng của thảm họa. Chúng tôi thực sự nghĩ rằng người dân Indonesia và chính quyền địa phương rất cần trợ giúp, căn cứ vào sức tàn phá của trận động đất gây sóng thần.
Một trận động đất 7,5 độ Richter là rất lớn và chúng tôi chưa từng thấy một trận động đất nào như vậy ở Indonesia. Cơn sóng thần cũng tràn sâu vào đất liền hơn. Vì vậy, tình hình rất đáng lo ngại ».
Pháp đề xuất giúp Indonesia cứu trợ người bị nạn
Ngày 30/09/2018, điện Elysée cho biết Pháp sẵn sàng giúp đỡ chính quyền Indonesia trong công tác cứu hộ. Nhóm Cứu hộ Thiên tai Pháp (GSCF), một tổ chức nhân đạo quốc tế tại thành phố Villeneuve-d’Ascq, gửi bốn lính cứu hỏa và khoảng 100 kg trang thiết bị đến Indonesia ngày 01/10. Hội Secours populaire của Pháp đã kêu gọi quyên góp.
Vào tháng 08/2018, một máy bay vận tải quân sự Pháp A400M đã chở hàng cứu trợ nhân đạo đến đảo Lombok sau trận động đất khiến hơn 500 người thiệt mạng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180930-tong-ket-moi-832-nguoi-chet-do-dong-dat-va-song-than-o-indonesia
Geen opmerkingen:
Een reactie posten