donderdag 25 oktober 2018

Trung Quốc quyết bảo vệ Đài Loan và Biển Đông “bằng mọi giá” + Đài Loan trở thành... « hàng không mẫu hạm Mỹ » chĩa vào Trung Quốc

Trung Quốc quyết bảo vệ Đài Loan và Biển Đông “bằng mọi giá”

mediaBộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc nói chuyện với đồng nhiệm Singapore Ng Eng Hen, Hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng, Singapore, 19/10/2018.REUTERS/Edgar Su
Vào lúc quan hệ Mỹ-Trung càng lúc càng có dấu hiệu căng thẳng trên vấn đề Đài Loan và Biển Đông, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) hôm nay, 25/10/2018, đã khẳng định rằng nước này sẽ không từ bỏ một tấc đất nào, dù đó là Đài Loan hay lãnh thổ Trung Quốc ở vùng Biển Đông.
Phát biểu nhân buổi khai mạc cuộc hội thảo về an ninh mang tên Diễn Đàn Hương Sơn tại Bắc Kinh, ông Ngụy Phượng Hòa đã lên tiếng cảnh cáo là « Lực lượng võ trang Trung Quốc sẽ hành động bằng mọi giá » để ngăn chặn các mưu toan « tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc». Đối với ông, vấn đề Đài Loan « liên quan đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc».
Lời cảnh cáo của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc được đưa ra hai hôm sau khi Hoa Kỳ cử hai chiến hạm băng qua eo biển Đài Loan, một động thái được giới quan sát cho là nhằm biểu lộ hậu thuẫn của Mỹ đối với chính quyền Đài Bắc, đang bị Bắc Kinh hù dọa bằng một loạt những cuộc tập trận.
Đối tượng chính lời cảnh cáo của ông Ngụy Phượng Hòa rõ ràng là Mỹ. Theo bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, quan hệ quân sự của Trung Quốc với Hoa Kỳ rất quan trọng, nhưng rất nhạy cảm. Bắc Kinh coi Đài Loan là một lợi ích « cốt lõi » của Trung Quốc, và phản đối việc các « quốc gia ngoài khu vực » phô trương sức mạnh và có hành vi khiêu khích ở Biển Đông dưới danh nghĩa tuần tra bảo vệ tự do hàng hải.
Diễn đàn an ninh Hương Sơn là một hội nghị về an ninh do Trung Quốc thành lập, bắt chước cơ chế Đối Thoại Shangri-La tại Singapore.
Cựu tự lệnh Mỹ ở châu Âu cảnh báo về khả năng chiếntranh Mỹ-Trung
Tình hình căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đã được cựu tư lệnh lực lượng quân đội Mỹ ở châu Âu, tướng Ben Hodges gợi lên với một lời cảnh báo, theo đó một cuộc xung đột võ trang giữa Mỹ và Trung Quốc ở vùng Thái Bình Dương hoàn toàn có thể xảy ra.
Phát biểu vào hôm qua, 24/10/2018 nhân Diễn Đàn An Ninh Vacxava (Ba Lan), tướng Hodges cho rằng chiến tranh Mỹ-Trung « có xác suất rất cao » là sẽ bùng lên trong 15 năm tới đây, cho dù khả năng tránh được không phải là không có.
Tướng Hodges, nay đã về hưu, là người từng chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu cho đến năm 2017. Hiện nay ông là chuyên gia nghiên cứu chiến lược tại Trung Tâm Phân Tích Chính Sách Châu Âu (CEPA), trụ sở tại Washington.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181025-trung-quoc-quyet-bao-ve-dai-loan-va-bien-dong-“bang-moi-gia”

Đài Loan, « hàng không mẫu hạm Mỹ » chĩa vào Trung Quốc

Đài Loan, « hàng không mẫu hạm Mỹ » chĩa vào Trung Quốc
 
Bản đồ eo biển Đài Loan.Wikimedia Commons

    Từ hai năm nay, tình hình eo biển Đài Loan bỗng căng thẳng trở lại, sau gần 20 năm sóng yên gió lặng . Sự việc một lần nữa cho thấy rõ tầm quan trọng địa chính trị của hòn đảo tự trị này trong cuộc đọ sức chiến lược dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc từ hơn nửa thế kỷ qua.

    Ngược dòng lịch sử, ngay từ năm 1945, khi Liên Hiệp Quốc ra đời, Đài Loan đã từng là một thành viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An. Quan hệ hợp tác quân sự giữa Mỹ và Đài Loan cũng đã có ngay từ lúc đó. Năm 1954, Washington và Đài Bắc từng ký kết một Hiệp ước Quốc phòng Hỗ tương. Đối với tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower lúc bấy giờ, hiệp ước này nằm trong chiến lược « kềm hãm » (containment) thế giới cộng sản.
    Đài Loan: Tiền đồn quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương
    Nhưng đến ngày 25/10/1971, Đài Loan đã bị Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế tước mất chiếc ghế thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An, để nhường chỗ cho nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Bởi vì, trước đó, vào ngày 01/01/1979, Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Richard Nixon và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã chính thức thiết lập bang giao.
    Thông cáo chung ghi rõ : « Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ thừa nhận chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là chính phủ duy nhất hợp pháp tại Trung Quốc. Trong khuôn khổ này, người dân Mỹ chỉ duy trì quan hệ văn hóa, thương mại và nhiều mối quan hệ khác không chính thức với người dân Đài Loan (….). Chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận vị thế của Trung Quốc theo đó chỉ có một nước Trung Hoa duy nhất và Đài Loan là một phần của Trung Quốc ».
    Điều mỉa mai là Hoa Kỳ chưa bao giờ đoạn giao với Đài Bắc và không ngừng « chọc tức » Trung Quốc khi vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Đài Loan từ mấy chục năm qua. Các nhà chiến lược Mỹ vẫn luôn xem Trung Quốc như là một thách thức, một mối đe dọa đến sự thống trị cũng như an ninh quốc gia Mỹ.
    Hơn ba tháng sau khi chính thức ký kết thiết lập quan hệ song phương với Trung Quốc, ngày 10/04/1979, Thượng Viện Mỹ thông qua Taiwan Relations Act. Theo hiệp ước này, Washington cam kết cung cấp vũ khí sao cho hòn đảo tự trị này có thể tự vệ trong trường hợp bị tấn công. Tuy nhiên, văn bản không bao gồm điều khoản phòng vệ hỗ tương như hiệp ước trước đây buộc Hoa Kỳ phải trực tiếp bảo vệ Đài Loan.
    Dù vậy, có những lúc Hoa Kỳ cũng phải nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc. Ngày 17/08/1982, Washington ký với Bắc Kinh một thỏa thuận đồng ý giảm bớt lượng vũ khí bán cho Đài Bắc, để rồi cũng chính Hoa Kỳ vi phạm thỏa thuận này 10 năm sau đó khi thông báo bán 150 chiến đấu cơ F-16 cho Đài Loan năm 1992, bất chấp phản đối của Trung Quốc.
    Năm 2010 đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung. Ngày 29/01/2010, chính quyền Obama sau khi được Quốc Hội thông qua đã thông báo bán vũ khí cho Đài Loan với tổng giá trị nằm trong khoảng 6,4 tỷ đô la. Hợp đồng xuất khẩu vũ khí cho Đài Loan bao gồm tên lửa hành trình Patriot PAC-3, trực thăng Black Hawk, tên lửa chống tầu chiến Harpoon, tầu chiến chống mìn và vật liệu chiến tranh điện tử.
    Và mới đây nhất, ngày 25/09/2018, bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo đã thông qua một kế hoạch bán vũ khí mới trị giá 330 triệu đô la. Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp cho Đài Loan các linh kiện rời, linh kiện thay thế cho các chiến đấu cơ và vận tải F-16, C-130, và F-5. Thông báo được đưa ra cùng ngày các biện pháp áp thuế của Mỹ nhắm vào 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực.
    Theo đánh giá của giới chuyên gia, các vụ mua bán vũ khí này càng cho thấy rõ eo biển Đài Loan vẫn là tâm điểm của cuộc đối đầu Mỹ – Trung. Trên bình diện chiến lược, Đài Loan được xem như là một tiền đồn quan trọng cho quân đội Mỹ tại vùng Thái Bình Dương. Hòn đảo tự trị này là một phần của pháo đài chống Trung Quốc của Hoa Kỳ đi từ Nhật Bản cho đến Ấn Độ, đi qua cả Hàn Quốc, Philippines, Indonesia và Việt Nam.
    Một hàng rào do Mỹ dựng nên nhằm cản trở Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Đông Á. Đài Bắc trong khuôn khổ này chẳng khác gì một chiếc hàng không mẫu hạm của Mỹ đang chĩa mũi vào lãnh thổ Trung Quốc.
    Pháo đài dân chủ tại Đông Á
    Bà Valerie Niquet, chuyên gia Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp trong chương trình « Địa Chính Trị » của ban tiếng Pháp đài RFI nhận định rằng cuộc đọ sức Mỹ – Trung không chỉ trên phương diện quân sự mà cả trong mặt trận hệ tư tưởng.
    Đài Loan gần như hội nhập hoàn toàn các giá trị phổ quát quốc tế về dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Đối nghịch với bên kia bờ eo biển là một nước Trung Quốc theo chế độ độc tài với hệ tư tưởng lỗi thời. Chính vì lý do này mà ngày càng có nhiều người dân đảo Đài Loan không tin vào ý tưởng hợp nhất với một chế độ như Trung Quốc hiện nay.
    Trong khi đó, Bắc Kinh không ngừng nỗ lực thâu tóm Đài Bắc để phá vỡ vòng kềm tỏa của Mỹ. Chính quyền Bắc Kinh đặt mục tiêu sáp nhập Đài Loan trở lại với Trung Quốc từ đây đến năm 2050, một năm sau ngày kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Sự hợp nhất này được xem như là một yếu tố chủ đạo cho tiến trình « trỗi dậy quốc gia » mà ông Tập Cận Bình mong muốn, và tiến trình này sẽ phải hoàn thành vào giữa thế kỷ XXI.
    Do vậy, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình ngày càng tỏ ra xác quyết hơn và tăng tốc cô lập Đài Loan. Ngày nay, chưa đầy 20 nước là vẫn còn giữ quan hệ với Đài Bắc, trong số này có tòa thánh Vatican. Về điểm này, ông Emmanuel Dubois de Prisque, nhà nghiên cứu thuộc Viện Thomas More trên đài RFI ngày 13/10/2018 có nhận xét như sau :
    « Đài Loan đang thua trong cuộc chiến ngoại giao, trong cuộc đối đầu trực diện về ngoại giao. Ví dụ hai bên đấu tranh với nhau để có quyền hiện diện tại Liên Hiệp Quốc. Đương nhiên, Đài Loan đã bị gạt ra khỏi phần lớn các định chế quốc tế. Như vậy, rõ ràng là Đài Loan đã thua trên mặt trận ngoại giao. Nếu như hiện nay vẫn còn một số nước Trung Mỹ và châu Mỹ La Tinh tiếp tục công nhận Đài Loan, theo tôi, đó chỉ là vì chính quyền Donald Trump gây áp lực để tình trạng này được duy trì.
    Nhưng trên một lĩnh vực khác, có thể Đài Loan đang thắng, đó là trận chiến về tư tuởng. Có nghĩa là Đài Loan ngày càng được công nhận như một dạng quốc gia dân chủ, hòa đồng với phần lớn các nước trên thế giới. Quan hệ ngày càng được thặt chặt giữa Đài Loan với các nước lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ và trong một chừng mực nào đó, với một số nước Đông Nam Á.
    Như vậy, trên lĩnh vực tư tưởng, hay « quyền lực mềm », Đài Loan đang thắng. Chứ còn trong lĩnh vực ngoại giao thuần túy, theo tôi, Đài Loan đã thua. »
    Nhưng việc bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống và đảng Dân Tiến  PPD của bà kiểm soát các cơ quan hành pháp và Nghị viện tại Đài Loan đã trở thành một rào cản lớn cho tham vọng hợp nhất một nước Trung Hoa của ông Tập Cận Bình. Cũng như đa số người dân Đài Loan, đảng PPD bác bỏ chủ trương của Trung Quốc « một nhà nước, hai thể chế » và dường như muốn độc lập. Một lằn ranh đỏ không nên vượt qua theo như cảnh cáo của Trung Quốc.
    Mặc dù Đài Loan và Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ trên phương diện thương mại, thậm chí có thể nói nền kinh tế của hòn đảo « phản nghịch » này lệ thuộc nhiều vào thị trường và lao động Trung Quốc, nhưng tư tưởng độc lập về chính trị vẫn chiếm đa số tại Đài Loan. Ông Emmanuel Dubois de Prisque cho biết tiếp :
    « Trên sân khấu chính trị Đài Loan, người ta rất muốn có quyền tự quyết, chứ không phải chỉ lựa theo quan hệ với Trung Quốc. Đôi khi họ còn chống Trung Quốc trên một số hồ sơ, ví dụ trong vấn đề toàn cầu hóa về kinh tế. Tân đảng chính trị, Đảng Lực Lượng Thời Đại (New Power Party) được thành lập vào cuối 2014 đầu 2015, sau các cuộc biểu tình chống việc xích lại gần Trung Quốc về kinh tế. Họ quan tâm đến chủ đề mãi lực, nhà ở, cho dù đằng sau các chủ đề này vẫn là vấn đề quan hệ với Trung Quốc.
    Rõ ràng là có một sân khấu chính trị Đài Loan độc lập, không nhất thiết chỉ quan tâm đến vấn đề Trung Quốc và mong muốn có quyền tự quyết một cách độc lập các vấn đề quan hệ của Đài Loan, trong những hồ sơ riêng của Đài Loan. »
    Tuy nhiên, theo quan điểm của chuyên gia Valerie Niquet, chính quyền Bắc Kinh có thể dùng kinh tế như là một công cụ để gây áp lực và tác động đến chính sách đối nội của Đài Bắc. Về điểm này, ông De Prisque có lưu ý rằng Trung Quốc khó có thể thực hiện ý đồ đó:
    « Tại Đài Loan, có một sự nghi ngại rất lớn đối với mọi hình thức can thiệp của Trung Quốc vào hòn đảo này. Các cơ quan truyền thông của Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn khi làm việc tại Đài Loan. Hòn đảo này không hề đóng cửa về kinh tế đối với Trung Quốc, nhưng Đài Loan lại đóng cửa, ngăn chặn ảnh hưởng văn hóa, chính trị của Trung Quốc. Đó là một sự thật. Nguyên nhân là Đài Loan có tâm lý muốn bảo toàn chủ quyền, độc lập của mình. »
    Trung Quốc vừa là "bạn" vừa là "đối thủ"
    Về mặt hình thức, Hoa Kỳ vẫn ủng hộ chính sách một nước Trung Hoa duy nhất, mà Washington đã công nhận từ năm 1979. Nhưng theo quan sát của ông Emmanuel Dubois de Prisque, lập trường này dường như đang có những thay đổi, nhất là kể từ khi ông Donald Trump lên cầm quyền.
    « Dường như có một điều gì đó đã xẩy ra, trong những năm vừa qua và có liên quan đến việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Trước đây, người ta có ý tưởng là Trung Quốc và Đài Loan cùng thuộc về một nước Trung Hoa và ý tưởng này thể hiện rõ nét vào thời điểm tổng thống Mỹ Nixon và ngoại trưởng Kissinger sang Trung Quốc vào năm 1971. Ý tưởng này đã biến mất cùng với ảo tưởng về một tiến trình dân chủ hóa Trung Quốc. Tôi nghĩ là người ta ghi nhận rõ điều này và đây là một sự thay đổi lớn trong quan điểm của mọi người khi xem xét hồ sơ Đài Loan. »
    Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc là một mối đe dọa trong khu vực và do vậy cần phải được kềm tỏa. Và « tỉnh phản nghịch » Đài Loan này, theo như cách gọi của Trung Quốc tiếp tục là một công cụ hữu ích cho Mỹ để gây áp lực với Trung Quốc và tái định hình mối quan hệ lẫn nhau.
    Nhằm bảo vệ quyền tự quyết cho Đài Loan, Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục bảo đảm an ninh cho hòn đảo và gia tăng trang bị vũ khí cho Đài Bắc. Quân đội Đài Loan sắp tới sẽ được cung cấp khoảng một trăm chiến xa M1A2 Abrams của Mỹ để tăng cường cho đội xe thiết giáp, thay thế các chiếc M60 và M48 đã quá lỗi thời.
    Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan còn tiết lộ rằng đảo này đang thương lượng với Mỹ về một hợp đồng mua các chiến đấu cơ F-35B, có thể cất và hạ cánh thẳng đứng, cho phép không cần sử dụng đến các đường băng cất và hạ cánh dài dễ bị các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc tấn công, bảo đảm độ linh hoạt cao trong điều kiện xảy ra chiến sự.
    Những thông tin sẽ không mấy gì làm cho Trung Quốc hài lòng. Trong bối cảnh hiện nay, Bắc Kinh càng tỏ ra khẳng định sức mạnh siêu cường của mình, Hoa Kỳ càng tiếp tục khai thác Đài Loan như một vũ khí đàm phán và một công cụ gây áp lực với Bắc Kinh. Chỉ có điều chiến lược kềm hãm này có nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu địa chính trị phức tạp và nguy hiểm cho thế giới !
    http://vi.rfi.fr/chau-a/20181025-dai-loan-hang-khong-mau-ham-my-trung-quoc

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten