CSVN và Vatican ‘nâng quan hệ lên mức đại diện thường trú’
VATICAN CITY, Vatican (NV) – Báo Công Giáo và Dân Tộc cho hay, trong chuyến thăm Tòa Thánh Vatican của Phó Thủ Tướng CSVN Trương Hòa Bình, hai bên đã thống nhất “nâng quan hệ lên mức đại diện thường trú.”
Trong khi đó, báo InfoNet của Bộ Thông Tin Truyền Thông hôm 21 Tháng Mười tường thuật: “Đức Giáo Hoàng Francis nhấn mạnh Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa đường hướng ‘Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc’ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Huấn từ của Giáo Hoàng ‘người giáo dân tốt cũng là người công dân tốt,’ ‘người Công Giáo Việt Nam phải đồng hành cùng dân tộc Việt Nam xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc,’ đồng thời khuyến khích giáo dân và chức sắc Công Giáo tại Việt Nam tham gia vào các hoạt động chung, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước và Giáo Hội.”
Ông Bình được ghi nhận ngỏ lời mời Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh “thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.”
Chuyến thăm của ông Bình được xem là chỉ dấu của việc nhà cầm quyền CSVN muốn cải thiện và nâng cấp quan hệ với Tòa Thánh Vatican sau một thời gian dài gặp nhiều trúc trắc liên quan đến một số vụ linh mục công giáo ở miền Trung đứng sau các vụ biểu tình, khiếu kiện đòi bồi thường thảm họa do Formosa gây ra, vụ Đan Viện Thiên An cáo buộc cơ quan chức năng ở Huế “quấy nhiễu…”
Hồi tháng trước, khi Chủ Tịch Nước CSVN Trần Đại Quang qua đời, báo điện tử VietNamNet cho hay: “Đức Giáo Hoàng Francis gửi điện tỏ ý đau buồn khi nghe tin. Giáo Hoàng cũng khấn cầu phúc lành an ủi và bình an của Thiên Chúa cho toàn thể mọi công dân Việt Nam, đặc biệt là thân quyến của Chủ Tịch Quang.”
Chủ tịch Quang được ghi nhận từng đến thăm Đức Giáo Hoàng Francis hồi năm 2016.
Hồi Tháng Năm, 2018, trả lời Đài RFI Việt Ngữ, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nói: “Người Công Giáo vừa là tín hữu Kitô giáo, vừa là công dân Việt Nam. Cùng một lúc phải trung thành với hai tư cách đó trong một xã hội đơn nguyên như Việt Nam thì không phải là chuyện đơn giản. Dù sao thì Hội Đồng Giám Mục phải có một lập trường. Lập trường đó là: Khi cần thì vẫn lên tiếng, lên tiếng thẳng thắn, nhưng lên tiếng một cách tế nhị, nghĩa là tiếng nói ấy phải được ghi nhận và phải được lắng nghe như là thông điệp của một cộng đồng có thiện chí, muốn xây dựng, muốn cải thiện.”
Hồi Tháng Ba, 2018, Linh Mục Đinh Hữu Thoại, một giới chức mà nhà cầm quyền CSVN xem là tiếng nói bất đồng, bình luận trên trang cá nhân: “Theo tôi nhận thấy thì thật ra các cuộc thăm hỏi qua lại gần đây tương đối đều đặn, có nghĩa là không gặp cản trở nào. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là chất lượng, kết quả của những buổi làm việc đó có mang lại ích lợi cho giáo hội địa phương hay không. Điều này mới là quan trọng.”
Sau năm 1957 ở miền Bắc và sau năm 1975 tại miền Nam, nhà cầm quyền CSVN được ghi nhận không duy trì quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican. Theo thỏa thuận, hai bên gởi phái đoàn đặc sứ sang bên kia để đàm phán hoặc trao đổi thông tin “khi có nhu cầu.” Đến năm 2011, tòa thánh mới được phép bổ nhiệm một vị đại diện tại Việt Nam, nhưng với quy chế không thường trú, tức là ở cấp ngoại giao thấp nhất. (T.K.)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/csvn-va-vatican-nang-quan-len-muc-dai-dien-thuong-tru/
Mời độc giả xem phóng sự “Bỏ cao học, nuôi gà kiểng xuất về Việt Nam”
Geen opmerkingen:
Een reactie posten