zondag 28 oktober 2018

Monsanto, Hoa Kỳ và Việt Nam : Cuộc điều tra qua hình ảnh Monsanto là một trong 7 nhà cung cấp chất độc da cam kể từ năm 1965 cho quân đội Mỹ trong chiến dịch Ranch Hand (1962-1972) tại Việt Nam


Monsanto, Hoa Kỳ và Việt Nam : Cuộc điều tra qua hình ảnh

Monsanto, Hoa Kỳ và Việt Nam : Cuộc điều tra qua hình ảnh
Nhiếp ảnh gia Mathieu Asselin tại phòng thu của RFI.RFI / Tiếng Việt

    Sau 5 năm điều tra ở Hoa Kỳ và Việt Nam, nghiên cứu nhiều tài liệu lưu trữ, các bài báo và trực tiếp gặp nhiều nạn nhân của Monsanto, nhiếp ảnh gia Mathieu Asselin đã cho xuất bản Monsanto, cuộc điều tra bằng hình ảnh (Monsanto, une enquête photographie) vào năm 2017 (*).

    Monsanto là một trong 7 nhà cung cấp chất độc da cam kể từ năm 1965 cho quân đội Mỹ trong chiến dịch Ranch Hand (1962-1972) tại Việt Nam. Khoảng 10% diện tích miền nam Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam, chủ yếu là đất nông nghiệp. Từ 2,1 triệu đến 4,8 triệu người dân bị trực tiếp phơi nhiễm với chất độc da cam, đó là chưa kể đến người Lào và Cam Bốt.
    Tại Mỹ, Monsanto mua lại một nhà máy ở thành phố nhỏ Aniston, bang Alabama, vào năm 1935, và sản xuất chất PCB chứa đến 209 phân tử độc hại. Từ một thành phố “kiểu mẫu”, Aniston trở thành một đô thị ma, nơi hậu quả của chất thải độc không “dữ dội”“đáng sợ” như ở Việt Nam, nhưng ngấm ngầm gặm nhấm cơ thể của người dân địa phương, lởn vởn trong không khí và vùi sâu trong lòng đất.
    Ảnh của ông về những con người bệnh tật đầy mình, hình hài không nguyên vẹn do hóa chất của Monsanto được trưng bày tại Triển lãm Nhiếp ảnh Arles (Pháp) năm 2017 và năm 2018 tại Đức (Hamburg, Frankfurt), Hà Lan (Breda), Anh (Luân Đôn), Pháp (Nghị viện Strasbourg) và Bỉ (Antwerpen).
    RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhiếp ảnh gia Mathieu Asselin về dự án của ông, cũng như những gì ông đã chứng kiến, cảm nhận ở Việt Nam khi thực hiện phóng sự ảnh.
    Bìa cuốn sách Monsanto : Cuộc điều tra bằng hình ảnh, NXB Actes Sud, 2017.Actes Sud
    RFI : Thưa ông Mathieu Asselin, vào tháng 06/2017, ông xuất bản cuốn Monsanto, une enquête photogaphie (tạm dịch : Monsanto, cuộc điều tra bằng hình ảnh). Điều gì đã thúc giục ông theo đuổi cuộc điều tra này ?
    Mathieu Asselin : Dự án được hình thành từ tâm trạng phẫn nộ, theo kiểu “Đủ rồi !”, “Monsanto, thế là đủ lắm rồi!”. Với tư cách là nhiếp ảnh gia, một nghệ sĩ, tôi cần phải nói lên điều gì đó.
    Tôi bắt đầu công việc về Monsanto, trước hết là vì phẫn nộ về những gì đang diễn ra. Chính cha tôi là người đầu tiên nói với tôi về Monsanto. Sau đó, tôi bắt đầu điều tra, dĩ nhiên là dựa vào nghiên cứu của nhiều phóng viên khoa học khác, và tôi hiểu ra rằng đây là câu chuyện mang tầm cỡ rất lớn.
    Tất nhiên không chỉ dừng ở mỗi nước Mỹ, chuyện này còn xảy ra ở nhiều nước khác, như ở Việt Nam, một đất nước bị ảnh hưởng rất nặng vì chất độc da cam.
    RFI : Liệu làm phóng sự bằng hình ảnh có khả năng truyền tải tốt hơn những loại hình khác không ? Làm thế nào ông có thể cho công chúng thấy, qua hình ảnh, những nỗi đau, bầu không khí ảm đạm, rồi hậu quả do chất độc da cam gây ra… những điều vẫn được ông cho là “không thể thấy được” ?
    Mathieu Asselin : Đúng là rất khó. Chụp hình theo đúng nghĩa, tôi không biết là điều này có thể làm được hay không, nhưng thật sự là vô cùng khó. Dựng chân dung về nỗi đau ư ? Thực ra tôi tin là không thể mô tả được nỗi đau qua hình ảnh.
    Ngược lại, điều mà chúng ta có thể làm được, đó là cho thấy sự thật, nói về nỗi đau, tự hỏi chuyện gì đã xảy ra. Làm thế nào, thông qua ảnh chụp và hình ảnh, cho mọi người hiểu về nỗi đau đó : Tại sao ? Nỗi đau đó từ đâu đến ? Và nhất là mang lại một diện mạo cho những con người ấy, những nỗi đau ấy.
    Trường hợp Việt Nam tương đối đặc biệt trong công việc nhiếp ảnh của tôi. Cho tới lúc đó, người ta vẫn nói là tôi chụp “sự vô hình”, dĩ nhiên là trừ trường hợp các cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam vì người ta có thể thấy rõ hậu quả của những gì đã xảy ra trên cơ thể họ.
    Tuy nhiên, hậu quả lại không hiện rõ mồn một ở rất nhiều người, thậm chí là trong quang cảnh bên ngoài. Ví dụ những người dân sống ở Aniston, nhìn bề ngoài, họ có vẻ bình thường nhưng bên trong họ mang đầy bệnh tật, đầy vấn đề về sức khoẻ. Tương tự, người ta thấy một quanh cảnh bình thường, thậm chí rất đẹp, giống như những nơi khác nhưng tất cả lại bị nhiễm độc.
    Ở Việt Nam thì ngược lại. Tôi đã tận mắt nhìn thấy hậu quả do chất độc da cam gây ra và tác động đến một bộ phận rất lớn người dân Việt Nam, cũng như rất nhiều trẻ em. Hình ảnh đó như một cú tát đối với tôi vì lần đầu tiên tôi chứng kiến tận mắt những hậu quả nặng nề của Monsanto.
    Trong suốt nhiều năm, tôi chụp những con người, những địa điểm. Còn ở Việt Nam, tôi thực sự sững sờ khi nhìn những đứa trẻ đó.
    RFI : Nhân nói về chuyến công tác của ông ở Việt Nam, ông đã đến thành phố Hồ Chí Minh, thăm làng trẻ Hòa Bình của bệnh viện Từ Dũ, nơi trẻ em nạn nhân chất độc da cam được chăm sóc. Làm thế nào ông ghi lại hình ảnh những em đó ?
    Mathieu Asselin : Tôi hơi mâu thuẫn với chính bản thân mình khi phải chụp những “nạn nhân”. Thực sự tôi không gọi họ là “nạn nhân”. Tôi không muốn biến những người còn sống thành nạn nhân. Đó là những người luôn thể hiện sức sống vô cùng lớn, một sức mạnh để tiếp tục tiến lên phía trước để tố cáo Monsanto. Đúng là có thể gọi họ là “nạn nhân”, nhưng thật không dễ dàng gì.
    Tôi làm được công việc này là nhờ họ. Chính họ cho phép tôi làm, không phải chỉ là mỗi thỏa thuận có chữ ký của họ, mà họ làm tất cả để tôi cảm thấy thoải mái. Bệnh viện Từ Dũ ở thành phố Hồ Chí Minh đã rộng cửa đón tôi. Những đứa trẻ đã đón tôi rất nhiệt tình trong những ngày tôi lưu lại. Những đứa trẻ này đều có vấn đề về sức khoẻ, đều mắc bệnh, bị dị tật, nhưng chúng có niềm vui sống lạ thường. Chính điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi để có thể giương ống kính lên.
    Đúng, chúng ta có thể gọi họ là những “nạn nhân”, nạn nhân của Monsanto, nhưng những đứa trẻ đó có một nghị lực, tình yêu cuộc sống… nên tôi vẫn khó có thể gọi các em là những “nạn nhân”. Đúng là các em phải chịu đựng quá nhiều chỉ vì Monsanto. Nhưng đó không phải là những nạn nhân chẳng làm gì cả, họ vẫn hàng ngày đấu tranh để sống và vui chơi.
    Ngoài ra, phải nói đến đội ngũ chăm sóc của bệnh viện. Từ y tá đến bác sĩ, tất cả chăm sóc chu đáo những em bé này. Đó thật sự là một công việc vô cùng vất vả, quá sức tưởng tượng. Trong khi đó, Monsanto không chu cấp bất kỳ khoản tiền nào cho bệnh viện. Theo tôi được biết, Hoa Kỳ cũng chi rất ít, phần lớn trợ cấp là từ phía Nhật Bản. Với tôi, đó là một trải nghiệm khá đặc biệt.
    RFI : Gần đây, tập đoàn Bayer đã mua lại Monsanto và cho biết tên gọi “Monsanto” sẽ không tồn tại nữa. Liệu tên gọi mới này có thể nào xóa hết đi những hậu quả, thiệt hại mà sản phẩm của Monsanto đã gây ra ?
    Mathieu Asselin : Chắc chắn là có, vì tên gọi mới mà không còn Monsanto nữa. Việc đổi tên là tái khởi động với một hình ảnh mới dù vẫn bán cùng sản phẩm. Giống như chúng ta nhìn thấy một ngôi nhà ẩm mốc, thay vì làm lại tường, thì họ chỉ sơn lại nhưng ẩm mốc vẫn còn đó.
    Ở Mỹ đã có một đơn kiện về việc bị nhiễm độc với sản phẩm Roundup và nguyên đơn đã thắng kiện. Điều này chứng tỏ các sản phẩm của Monsanto rất độc hại, cho dù họ cố tình che giấu và che giấu luôn cả cách kiếm tiền của Monsanto.
    Tập đoàn đa quốc gia Bayer, nổi tiếng với thuốc aspirin, một thương hiệu quen thuộc với thế giới, nhưng họ cũng reo rắc cái chết. Tập đoàn này mua lại Monsanto không phải vì thương hiệu, đúng là tên gọi có thay đổi nhưng sản phẩm vẫn thế, mà vì Monsanto kinh doanh rất hiệu quả. Vì thế, Bayer sẽ không thay đổi cách kiếm tiền. Tôi gọi đó là cách “rửa tên công ty”, rửa tên gọi Monsanto, mà vẫn bán các sản phẩm độc hại.
    RFI : Vừa rồi ông nhắc đến phiên tòa tại Mỹ mà người làm vườn bị mắc bệnh ung thư, do sử dụng thuộc diệt cỏ của Monsanto, đã thắng cuộc. Ông có nghĩ là các nạn nhân Việt Nam một ngày nào đó sẽ có thể được nhìn nhận là do chất độc da cam gây ra và họ sẽ được bồi thường ?
    Mathieu Asselin : Tôi nghĩ là rất, rất khó khăn. Các nạn nhân ở Việt Nam không phải là một người làm vườn, không phải là 10, 20, 30, 50 hay một nghìn nạn nhân, mà là cả một dân tộc. Mở chiếc hộp Pandora này ra là dẫn đến việc kiện tụng không hồi kết. Vì sẽ vẫn còn những nạn nhân, từ thế hệ này sang thế hệ khác, chịu hậu quả của chất độc.
    Nếu như Monsanto, kể cả quân đội Mỹ có nói là “đồng ý, phải bồi thường”, thì họ cũng không làm xuể. Và họ không muốn làm trên thực tế. Họ không chỉ gây ra thiệt hại về người, hậu quả về sinh thái cũng vô cùng lớn. Vì thế, tôi nghĩ là khó lòng để họ thừa nhận về những hậu quả mà họ đã gây ra ở Việt Nam.
    Lẽ ra bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi chăm sóc trẻ em là nạn nhân chất độc da cam, phải do chính phủ Mỹ và Monsanto, hiện là tập đoàn Bayer, chịu kinh phí. Dù họ có đội ngũ y bác sĩ có trình độ, nơi ở sạch sẽ, các em được chăm sóc rất tốt nhưng vẫn cần nhiều kinh phí hơn để có thể tiếp nhận thêm người bị nhiễm chất độc da cam. Tôi không hiểu tại sao chi phí lại không do Monsanto chi trả.
    RFI : Nhiều tấm hình trong cuộc điều tra của ông được trưng bày tại triển lãm Gặp gỡ Nhiếp ảnh Arles (Rencontres photographiques d’Arles) vào năm 2017 và năm 2018 được triển lãm tại Đức, Hà Lan và Anh. Các cuộc triển lãm này có giúp đánh động được công luận không ?
    Mathieu Asselin : Tôi không nghĩ là nhiếp ảnh sẽ thay đổi được điều gì. Nhưng có một điều mà nhiếp ảnh làm được, đó là khiến người xem phải tự chất vấn. Có nghĩa là khi xem một bức ảnh, bỗng nhiên người ta tự đặt câu hỏi mà trước chưa từng nghĩ đến.
    Điều mà tôi thích là qua công việc của mình, thông qua các cuộc triển lãm ở nhiều nơi ở châu Âu, người xem đối diện với những tấm hình đó, khi trở về nhà, họ tự hỏi tại sao, như thế nào, chuyện gì đã xảy ra… Và từ đó, tôi nghĩ là mọi thứ có thể thay đổi.
    Nhưng phải nói rõ là tôi chỉ là một giọt nước nhỏ trong đại dương những người đấu tranh, không chỉ phản đối Monsanto mà vì môi trường nói chung. Nhưng tôi nghĩ là một giọt nước nhỏ cũng quan trọng. Vì nhiều giọt nước dần dần sẽ trở thành đại dương. Tôi mong muốn khi triển lãm những bức hình đó, người xem trở về, họ sẽ tự hỏi : “Tại sao ? Như thế nào ? Và mình có thể làm được gì để thay đổi những điều đó ?”
    ***
    Mathieu Asselin, Monsanto, une enquête photographie (Monsanto, cuộc điều tra bằng hình ảnh), Actes Sud, 2017, 156 trang.

    http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181008-monsanto-hoa-ky-va-viet-nam-cuoc-dieu-tra-qua-hinh-anh

    Việt Nam : Nhiều hoạt động kỷ niệm 55 năm thảm họa Mỹ rải chất độc da cam

    mediaChất khai quang, trong đó chất độc màu da cam được rải xuống miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.wikipedia
    Cách đây đúng 55 năm, ngày 10/8/1961, lần đầu tiên quân đội Mỹ tiến hành rải chất độc hóa học xuống các chiến trường miền Nam Việt Nam. Từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam hàng triệu lít chất độc hóa học diệt cỏ, làm trụi lá cây để phát hiện tấn công quân đội miền Bắc.
    Đây là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, gây hậu quả thảm khốc lâu dài. Môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng, hàng triệu nạn nhân của chất độc da cam/ dioxin vẫn còn đến ngày nay. Trong những ngày qua, ở nhiều địa phương tại Việt Nam đã diễn ra các hoạt động vì các nạn nhân của thảm họa chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ gây ra trong chiến tranh tại miền Nam Việt Nam.
    Trả lời phỏng vấn ông M. André Bouny, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cho biết :
    « Theo Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, hiện vẫn có từ 3 đến 4 triệu nạn nhân của chất độc da cam, những nạn nhân gần nhất thuộc thế hệ thứ ba sau chiến tranh. Dioxin có trong thành phần chất độc da cam nhiễm qua thực phẩm rồi truyền qua nhiều thế hệ. Những đứa trẻ sinh ra từ những người nhiễm dioxin này sẽ bị tình trạng dị dạng, dị tật do hệ thống di truyền bị phá hủy. Ngoài ra nó còn gây ra nhiều loại bệnh ung thư.
    Tháng 8 này là một tháng u ám nhất của châu Á vì mới cách đây vài ngày, tại nhiều nơi người ta vừa tổ chức tưởng niệm nạn nhân của hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Đó là phần lịch sử bi thảm do các cường quốc giàu có viết lên. Trong khi đó, cái ngày 10/08 và chất độc màu da cam không được biết đến, trong khi mà nó đã gây ra hàng triệu nạn nhân. Sẽ là cực kỳ bất công nếu ngày 10/08 không được kỷ niệm, nhất là khi các nạn nhân không chỉ ở trong quá khứ. Các nạn nhân của chất độc da cam vẫn còn đó vào lúc chúng ta đang nói đây. Họ vẫn còn cả triệu người ».
    http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160810-viet-nam-nhieu-hoat-dong-ky-niem-55-nam-my-rai-chat-doc-da-cam

    Chất độc da cam ở Việt Nam : Hàn Quốc buộc Monsanto bồi thường cựu binh

    mediaBiểu tình tố cáo chất độc da cam của hãng Monsanto.DR
    Tòa án Tối cao Hàn Quốc, hôm nay 12/07/2013, đã buộc tập đoàn Monsanto và Dow Chemicals phải bồi thường cho 39 cựu chiến binh Hàn Quốc bị bệnh, vì nhiễm chất độc màu da cam, được người Mỹ rải xuống Việt Nam trong thời chiến tranh.
    Tòa án cho rằng có sự tương quan giữa hóa chất làm rụng lá trên và các chứng bệnh về da mà các cựu chiến binh này mắc phải, sau thời gian chiến đấu bên cạnh lính Mỹ chống lại Việt Cộng. Tư pháp Hàn Quốc đã buộc Monsanto và Dow Chemicals, hai công ty sản xuất ra chất độc màu da cam phải bồi thường 466 triệu won (khoảng 315.000 euro) cho các nguyên đơn – số tiền mà có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ nhận được.
    Theo hãng tin Yonhap, Dow Chemicals phản bác các kết luận của tòa án Hàn Quốc, và nêu ra các quyết định trước đây của tư pháp Mỹ.
    Ngược lại, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã bác bỏ một quyết định của cấp phúc thẩm, công nhận quyền được bồi thường của nhiều ngàn cựu chiến binh khác. Tổng cộng có 16.000 cựu chiến binh Hàn Quốc đã nộp đơn vào năm 1999 kiện các công ty hóa chất Mỹ trên đây, đòi bồi thường thiệt hại 3,4 tỉ euro.
    Trong chiến tranh Việt Nam, Hàn Quốc đã huy động 300.000 quân nhân chiến đấu bên cạnh quân Mỹ. Về phía Hà Nội khẳng định có ba triệu người Việt bị nhiễm chất dioxin trong chất độc màu da cam, và một triệu người trong số đó gặp các vấn đề trầm trọng về sức khỏe, 150.000 trường hợp quái thai.
    http://vi.rfi.fr/viet-nam/20130712-chat-doc-da-cam-o-viet-nam-han-quoc-buoc-monsanto-boi-thuong-cuu-chien-binh



    Cùng chủ đề
    • MỸ

      Mỹ: Monsanto phải bồi thường 289 triệu đô la cho một người làm vườn
    • VIỆT NAM - HOA KỲ

      Việt Nam : Nhiều hoạt động kỷ niệm 55 năm thảm họa Mỹ rải chất độc da cam
    • TẠP CHÍ VIỆT NAM

      Trần Tố Nga : Cuộc tranh đấu cuối cùng của cuộc đời

    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >                 

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten